“Một sự bất tín, vạn sự bất tin” – Câu nói này chúng ta đã được nghe nhiều lần. Chữ tín ở đây là sự tin tưởng, là chấp nhận và nghe theo một điều gì đó hay một ai đó. Sự tin tưởng có được, hay là được bảo đảm nhờ sự chân thật.
Sự thật là gì?
Hãy bắt đầu nghiệm ra sự thật từ chính sự giả dối, từ việc sống không thật lòng, việc che đậy, ẩn giấu một điều gì đó mà ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm từ thời thơ ấu. Vì sợ bị mẹ đánh đòn do mải chơi trốn học nên ta nói dối mẹ. Vì sợ thầy cô phạt khi không thuộc bài nên ta nói dối thày cô; hay vì lười học bài lại sợ điểm kém mà ta gian lận, quay cóp khi làm bài kiểm tra. Còn những điều khác nữa tương tự mà người ta thường làm khi đã khôn lớn, là lối hành xử theo cách “không rõ ràng” để che đậy một điều gì đó đúng ra cần phải được làm cách rõ ràng, và chúng ta gọi tên chung cho những hiện tượng này là “sự giả dối”.
Trái ngược với giả dối là sự thật. Sự thật là điều rõ ràng, hợp đạo lý, đúng bản chất sự vật và đặc tính của con người mà không ai có thể chối cãi, dù người ta cố ý khước từ hoặc không muốn chấp nhận. Sự thật có tính vĩnh cửu; sự thật mãi mãi vẫn là sự thật, và dù người ta cố tình che giấu, thì một ngày nào đó sẽ lộ ra ánh sáng. Cha ông ta nói một cách rất hình tượng là “cây kim giấu mãi trong bọc cũng có ngày lộ ra”.
Tính chân thật liên quan đến nhận thức, đến bản chất sự vật, đến hành động.
a) Sự nhận thức đúng đắn: khi những hiểu biết (thông tin), phán đoán, nhận định của một người là hợp lý (có logic) tương ứng với sự vật, sự việc.
b) Đúng với bản chất: nơi mỗi thực tại có mang nét vẻ riêng như đã được Thiên Chúa tạo thành.
c) Hành động đúng đắn: Mỗi lời nói, việc làm tương ứng với hiểu biết, niềm tin, khả năng, nhận định, lựa chọn (Sự tương hợp bên trong – bên ngoài, lý thuyết – thực hành, lời nói – việc làm).
Cần chăng việc “sống theo sự thật”?
Trong tương quan làm người, một lần giả dối sẽ khiến người ta đánh mất sự tín nhiệm, lòng tin tưởng lẫn nhau. Con người không thể sống với nhau nếu không tin tưởng lẫn nhau hoặc không chân thành với nhau. Trong sự dối trá, cuộc sống chung và mọi mối tương quan sẽ trở nên nặng nề; tinh thần con người sẽ bị ảnh hưởng kinh khủng, vì người ta luôn luôn phải “cảnh giác”, phải luồn lách, phải nghi ngờ, phải tìm cách che dấu sự thật vì sợ người khác “phát hiện” hay nhìn ra “chân tướng” của mình.
Không sống theo sự thật, con người sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng tự phân rẽ nơi chính bản thân mình: sống hai mặt – bằng mặt không bằng lòng, sống bất nhất – nói một đàng làm một nẻo.
Có thể sống theo sự thật không?
Trong thực tế cuộc sống, nhận ra sự thật không là điều quá khó, nhưng việc sống với sự chân thật ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi người ta cố tình che giấu, đánh tráo, bẻ cong sự thật; hoặc có nhiều khi và bằng nhiều cách, người ta giới thiệu hàng loạt “cái na ná của sự thật”, hay những sự giả dối và tội ác được cố che đậy bằng lớp áo của chân lý và lòng tốt để lừa gạt người khác. Thêm vào đó, có những người “không ưa sự thật” hay “khó chịu vì sự thật”, vì sự thật nào đó sẽ làm phơi bày mưu đồ đen tối của họ; và vì thế mới có chuyện “diệt người bịt khẩu”, giết nhân chứng để chạy tội, phi tang, vu oan giáng hoạ, làm chứng gian, thề dối…
Thường thì kẻ xấu, khi đã lỡ làm điều gian ác, luôn muốn dùng mọi cách để “bịt miệng chân lý”, hay không muốn cho người khác lên tiếng vì sự thật. Người “hiền lành”, nhiều khi vì sợ hãi và sợ bị mang vạ vào thân, đã chọn cách im lặng ngồi nhìn người ta chà đạp lên sự thật. Người quen thói giả đối, quen xu nịnh, thích tâng bốc, nói phét vì lợi ích cho mình cũng coi thường sự thật. Đó cũng là một tội ác.
Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta còn thấy việc người ta dùng sức mạnh của số đông để quyết định chân lý. “Thay vì sử dụng sức mạnh của chân lý, người ta dùng chân lý của sức mạnh” (Gioan Phaolo II). Đây cũng là một nguy hiểm cho sự thật liên quan đến các vấn đề luân lý và lương tâm con người thời nay.
Nhận ra sự thật thế nào?
Như một kiểu nhận thức của con người, kinh nghiệm về sự gian dối, hay kinh nghiệm về việc che đậy sự thật không là “cảm giác” đơn thuần, mà cũng là “ý nghĩ” liên quan đến một sự so sánh hay liên tưởng đến một điều khác đúng đắn và rõ ràng hơn (một sự việc, một sự vật, một con người “phải là”) mà chúng ta đã nhận biết theo chính “bản chất” của chúng: trắng và đen, nóng và lạnh, xanh và đỏ, sáng và tối, già và trẻ,… Thật thế, tôi không chỉ cảm thấy mình bị lừa gạt hay đang lừa dối mà còn biết và hiểu ra rằng có điều gì đó “không thật”, “không đúng”, “không hợp” đang xảy ra với tôi hoặc nơi tôi.
Chúng ta có cảm nhận và hiểu biết cách tự nhiên về sự thật như thế, vì con người có trí khôn, và trí khôn ấy luôn muốn tìm kiếm chân lý, để hiểu biết về nhiều điều trong chính mình và trong thế giới, cả hữu hình lẫn vô hình, tự nhiên lẫn siêu nhiên. Cũng vì thế mà người ta đã tạo ra được các máy đo sự thật. Nhưng có người còn tài hơn là đã “lừa” được cả máy đo sự thật, nghĩa là con người có khả năng “giả dối”, giả bộ, giả hình; hay con người cũng là những “ bậc thầy” làm chuyện dối trá.
Với người Kitô hữu, sự thật là gì? Đâu là sự thật cần phải theo?
Trong Tin mừng, chúng ta có nghe câu hỏi này. Khi bị điệu ra trước mặt nhà cầm quyền và bị tra khảo tại dinh Tổng trấn Philatô, Đức Giêsu minh định về mình: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37). Ông Philatô hỏi: “Sự thật là gì?” (Ga 18, 38). Chúa Giêsu không trả lời! Chúa Giêsu im lặng trước Philatô, nhưng cả cuộc đời Ngài đã là một câu trả lời. Đó là Sự thật về Thiên Chúa, là chân lý mà Chúa Giêsu muốn nói cho con người biết về một Thiên Chúa – Chủ tể của tình yêu và sự sống. Chân lý đó của Người là con đường sự sáng mà con người bước theo để tìm thấy ý nghĩa của chính cuộc đời mình. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Và Ngài còn nói rõ: “Kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3, 21).
Đối với người kitô hữu, “sống theo sự thật” là mời gọi bắt nguồn từ chính Thiên Chúa – là Chân lý; và chân lý này được tỏ bày nơi Đức Kitô Giêsu – con đường dẫn mọi người đến với Chúa Cha , và được Thánh Thần soi sáng (x. Rm 3, 4; Ga 14, 6, Ga 16, 13). Không chỉ sống theo sự thật – theo Đức Kitô, người kitô hữu còn được mời gọi “làm chứng cho sự thật” – cho Đức Kitô (x. Ga 18, 37; 2 Tm 1, 8).
Sống theo sự thật nào?
Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8, 32). Sự thật này là chân lý của Tin mừng mà Đức Giêsu rao giảng, là lời mời gọi nhận biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em của nhau. Không ai có thể làm lu mờ chân lý, không ai có thể bóp méo sự thật của Thiên Chúa. Sự thật đó là chính Thiên Chúa cao trọng và giàu lòng yêu thương. Biết được Ngài, chúng ta sẽ có tất cả. Đó là sự giải phóng đích thực, là sự giải thoát đúng nghĩa.
Chúa Giêsu đã sống “thẳng thắn thành thật”, Người muốn chúng ta sống như Ngài: bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý, dù có phải thiệt thân. Thật vậy, Ngài truyền dạy các môn đệ phải can đảm “công khai nói giữa ban ngày, chứ đừng có sợ” (x. Mt 2, 26-33; Lc 12,1-9). Ngài cũng nhắc bảo họ sống trung thực: “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm điều, đặt chuyện là do ma quỷ mà ra” (Mt 5, 33). Ma quỷ rất mánh khóe, rất gian manh. Ai gian dối, lọc lừa, vu khống, nịnh hót, a dua… đều là “học trò” của ma quỷ xảo trá, gian tà.
Sống sự thật theo Tin mừng
Ngày nay, với các phương tiện truyền thông hiện đại, việc xúi giục, xúc phạm, lừa gạt làm ảnh hưởng đến người khác đang lan tràn. Do thiếu ý thức canh phòng giác quan và môi miệng, người ta đã bị rơi vào cạm bẫy của dối trá. Do âm mưu vì lợi ích và quyền lợi cá nhân, chân lý đã bị che đậy. Việc truyền thông cũng bị lạm dụng vì phục vụ các ý đồ xấu. Vì thế, người kitô hữu còn phải biết thực hiện việc thông truyền sự thật với Đức Ái. Đó là sự tế nhị, biết đánh giá lợi ích riêng và chung, tránh gây gương mù gương xấu, giữ bí mật nghề nghiệp, tôn trọng lời hứa và chuyện cá nhân của người khác; biết diễn đạt thông tin trong giới hạn của công bằng và chân lý, theo quyền lợi chính đáng và đúng phẩm giá con người.
Thánh Phaolô khuyên rằng: “Mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4,24-25). Dù khó khăn và chịu nhiều ảnh hưởng từ xã hội bên ngoài, người Kitô hữu phải tiếp tục dấn thân hơn cho việc loan truyền tin vui, sự thật mà họ đã lãnh nhận trong Đức Tin và Đức Ái.
Lê An Phong, SDB
Nguồn tin: donboscoviet.info
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn