“Không khó để hiểu nỗi khổ của tình trạng thất nghiệp và sự bấp bênh của việc làm, như đã được ghi lại trong sách Rút và Đức Giêsu cũng gợi ra trong dụ ngôn về những người vì không có công ăn việc làm phải ngồi không nơi các quảng trường (x. Mt 20,1-16). Đó là tình trạng bi đát của xã hội mà nhiều quốc gia đang phải đương đầu, đồng thời việc thiếu công ăn việc làm cũng gây tổn hại nhiều đến sự yên ổn của các gia đình” (Niềm vui Tình yêu, s. 25).
Sẽ thật giới hạn nếu bàn về đề tài tình yêu và hôn nhân mà không đề cập đến vấn đề việc làm và nạn thất nghiệp gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới do khủng hoảng, nạn chợ đen và cách tổ chức công việc thiếu hợp lý. Để hai người trẻ thành lập một gia đình mới, không thể chỉ nghĩ đến tình yêu chung thuỷ và sự tin tưởng vào tương lai khi mọi sự chưa ổn định hay khi các đồ nội thất chưa như được như ý, nhưng ít ra phải nghĩ đến một sự bảo đảm tối thiểu về kinh tế, giúp gia đình sống cách xứng hợp, không lệ thuộc vào cha mẹ. Ý thức trách nhiệm của hai người trẻ đối với bản thân, với cha mẹ, với những đứa con trong tương lai, làm họ không được tạo thêm những gánh nặng cho cha mẹ hai bên. Các ngài là những người nhiều khi đã cao niên, vất vả cả đời, và đôi khi còn chịu nợ nần vì con cái, làm tất cả những gì có thể để khai sinh một gia đình mới. Thiếu công ăn việc làm thật là một trở ngại lớn lao và khách quan cho việc dựng xây gia đình và sinh sản con cái.
Hiện tượng NEET
Chẳng có gì phải ngạc nhiên trước sự gia tăng của hiện tượng của những “NEET” (viết tắt của “not (engaged) in education, employment or training“, tức “không học, không làm, không rèn luyện”, nhằm ám chỉ những người trẻ không chú tâm học hành, cũng chẳng muốn làm hay nỗ lực luyện tập điều gì; những người trẻ này thường vào khoảng 16 đến 24 tuổi, đôi khi kéo dài đến 35 tuổi hay hơn nữa). Hiện tượng này phát khởi ở Anh, sau đó lan đến Nhật Bản, Trung Hoa, Hàn Quốc, Ý… Theo Istat [Cục thống kê của Ý], những người trẻ thuộc hiện tượng NEET vào khoảng 2 triệu (chiếm 21,2%). Trong các nước OCSE tức các nước thuộc Tổ chức Hợp tác, Phát triển Kinh tế, vào năm 2012, Mê-hi-cô đứng đầu bảng, và tiếp sau đó là Ý, nơi mà vào năm 2016, theo thống kê của OCSE, số người trẻ rơi vào hiện tượng NEET là khoảng một phần ba. Như vậy, từ năm 2005 đến 2015 tăng 10%, một chỉ số vượt trội các quốc gia OCSE khác.
Số lượng ghi danh vào Đại Học cũng giảm sút, đặc biệt vào các trường ở Nam Ý: trong 10 năm, giảm 65 ngàn thí sinh ghi danh, 20% học sinh tốt nghiệp không tiếp tục việc học. Đây là một mất mát ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng phát triển của quốc gia, bởi lẽ cho thấy sự mất tin tưởng vào mối liên hệ giữa việc học và khả năng có việc làm. Như đã nói, người trẻ nhận thấy Đại Học giống như trong tình trạng “trợ thở”, chứ không còn xem đó như “bậc thang tiến thân”. Cả các gia đình cũng không muốn đầu tư cho việc học của con cái, vì họ thấy rằng con cháu hay bạn bè có bằng tốt nghiệp mà may lắm mới được làm công nhân; hoặc do chứng kiến việc mất tiền vô ích vì các “trung tâm giới thiệu việc làm”.
Rời bỏ đại học
Chỉ số giảm sút của các thí sinh vào đại học cho thấy sự thiếu niềm tin tưởng vào hệ thống này. Thật vậy, cả các công ty cũng không tìm nhân sự từ đây, họ không tin rằng, đây là nơi tốt nhất cho việc chuẩn bị những nhân lực tài năng. Thậm chí những người nỗ lực cho việc cải tổ cũng nghi ngờ, không biết những nỗ lực này có mang lại hoa trái tốt lành cho nền đào tạo Đại Học không. Các sinh viên quyết định ghi danh cũng không luôn nhắm đến ích lợi của văn bằng đại học khi tìm việc. Thông thường, nhờ sự ủng hộ của bạn bè và sự trợ giúp từ cha mẹ, họ bằng lòng với việc đợi chờ cơ hội của một công việc bất ngờ nào đó. Việc đăng ký vào các khoa ít có cơ hội việc làm xác nhận điều này. Các bậc cha mẹ khó mà thuyết phục con cái hướng đến các ngành có triển vọng hơn. Các thanh thiếu niên thích làm theo sở thích của họ, cũng vì họ có cách lý luận rất thực tế: nếu như không ngành nào có thể bảo đảm một cơ hội tiến thân, và nếu như việc tìm được một chỗ làm tựa như trúng giải khuyến khích, vậy thì tốt hơn là làm điều mình thích và phó cho vận may.
Chúng ta cùng xem xét hai lãnh vực: việc lựa ngành Luật và ý hướng trở thành các Nhà nghiên cứu. Việc thừa luật sư (ở Milano có số luật sư bằng 1/2 số luật sư của nước Pháp) cho thấy là không nên đăng ký vào khoa này (cũng như khoa tâm lý). Dẫu vậy, đây vẫn là khoa đầy mơ ước đối với các bạn trẻ và họ tiếp tục đăng ký khoảng 15 ngàn người mỗi năm. Mỗi người chúng ta chắc đều biết một nam/ nữ luật sư trẻ nào đó đang thực tập. Nếu mọi sự trôi chảy, họ kiếm được khoảng 500 euro mỗi tháng. Họ bằng lòng với số tiền nhỏ nhoi đó để có thể đổ xăng, ăn uống, hút thuốc, và tiếp tục sống dựa vào cha mẹ, những người cho đến cuối đời vẫn phải chịu trận vì sự bồng bột của con cái!
Xét cho cùng, họ cũng thấy là các đồng nghiệp, những người chịu làm công nhân vệ sinh hay nhân viên photo, chuẩn bị cà-phê trong các văn phòng kiếm nhiều tiền hơn họ. Một bạn trẻ chán nản đã viết trên diễn đàn ‘giải khuyến khích.net’: “Ở Ý không có việc làm cho 230 ngàn luật sư: lẽ nào chúng ta phải kiện tụng lẫn nhau, mỗi tuần một lần… Một tân luật sư, sau năm năm học, với học phí là 20 ngàn euro và hai năm thực tập không công, có hai con đường: làm nên công danh hay theo đuôi mọi người … Với nghề luật, lận đận giữa những âu lo và sống còn, người Mỹ thường gọi là: những kẻ đuổi theo xe cấp cứu, những người chạy sau xe cấp cứu thì đã biết thế nào là nguy hiểm”. Lỗi của ai?
Thất thoát chất xám
Phải nói gì về những người thông minh ưu tú rời bỏ quê hương? Những ai đang là hay từng là giảng viên đại học, như chúng tôi đây, đều quen biết không ít những người trẻ với đầy đủ điều kiện để ở lại tiếp tục nghiên cứu sau khi tốt nghiệp, để tiếp tục với luận án tiến sĩ. Họ là những người có quyền và bổn phận dấn thân cho việc nghiên cứu nhưng đã phải bỏ cuộc trước những cánh cửa đóng kín. Chúng ta đều thấy họ làm việc xác đáng và đáp ứng những đòi hỏi công việc ra sao: thật là những tiềm năng bị đánh mất. Những người trẻ này ngưỡng mộ những ai đã tìm được lối thoát, với chút giúp đỡ của cha mẹ, họ đã tìm được việc ở hải ngoại: việc “chảy chất xám” đối với họ là một giải pháp để cứu vớt những người ưu tú. Những người ai có thể thì đều xuất ngoại cả; nếu còn ở lại, thì chỉ là vì vấn đề gia đình nên họ không di cư được mà thôi. Đó là chưa kể đến những nhà nghiên cứu, những giáo viên phải bỏ nghề vì mệt mỏi với môi trường nặng nề, với các đồng nghiệp làm nô lệ cho cơ chế, với bài vở ngập đầu, nên họ đi từ thành phố này sang thành phố nọ, từ hội nghị này đến hội nghị khác, đến mức trở thành những người thiếu trách nhiệm, thiếu khả năng hơn là những người lỗi lạc.
Làm sao trách các bạn trẻ thiếu ngưỡng vọng, trong khi họ thấy rằng bằng tốt nghiệp không bảo đảm cho họ một vị trí xứng đáng cũng như cho phép họ hình thành một gia đình”? Các bạn trẻ của hiện tượng NEET chọn ‘trạng thái chờ’. Tại sao lại phải vất vả đầu tư vào việc vất vả học tập để rồi gánh lấy ‘nạn nô lệ hậu hiện đại’ cho công việc trí tuệ? Làm sao tin được rằng việc đầu tư kinh tế của cha mẹ sẽ sản sinh hoa trái và một chương trình học tốt sẽ mang lại một việc làm tốt? Chẳng phải nên bằng lòng với lời hát “Chào đón tới câu lạc bộ thất nghiệp” mà các nhóm bạn hay nghêu ngao với nhau? Nhất là, làm thế nào dám nghĩ đến việc kết hôn và xây dựng một gia đình?
Những người lớn có lý khi than vãn rằng những người trẻ của hiện tượng NEET chỉ lông rông suốt ngày và chè chén suốt đêm. Tuy nhiên, khi đặt mình vào chỗ của những người trẻ này, họ cũng cảm thấy bất lực để nuôi hy vọng, để tránh rơi vào trầm cảm, nghiện ngập và những cám dỗ khác. Mỗi năm, khi kết thúc các kỳ nghỉ, những ai hăng hái lắm thì tra tay vào việc học, dậy sớm, đi xe công cộng đến trường hay Đại học. Họ lại bắt đầu như năm trước, nhưng có phần thất đảm, thiếu động cơ vì thế giới thông tin cho thấy, phải may lắm mới tìm được một công việc: một mùa thu ngày càng héo hắt, thiếu thống nhất trong đường lối chính trị, tham nhũng đại trà trong các đảng phái, tổ chức, dịch vụ, ngân hàng. Tại sao trả quá ít cho những người trẻ phải chăm sóc cho gia đình, phải làm cha làm mẹ hay phải tính đến chuyện sinh con cái? Làm sao để có thể khơi lên hy vọng trong những bối cảnh như thế? Rõ ràng rằng, chẳng quốc gia nào có thể phát triển nhờ vào tổng sản lượng quốc gia, vào các sắc lệnh, phán quyết, nếu những công dân của nước ấy không còn tín nhiệm nơi nhà nước nữa. Họ là nguồn lực chính yếu của một quốc gia. Các học giả thật đúng khi đánh giá cao nền “tư bản nhân văn” – một nguồn lực được ca ngợi trên lý thuyết nhưng thực tế lại bị xem nhẹ bởi các tính toán thiệt hơn! Chẳng bao giờ như trong thời đại lịch sử này, khi mà những người trẻ không có được những cơ may để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống riêng, cho sự dấn thân vì những mục tiêu sống của mình.
Giulia Paola Di Nicola – Attilio Danese (DMA 01/2018)