Bình thường không phải là mục tiêu của chúng ta

Thứ bảy - 15/06/2019 03:31

binh-thuong-khong-phai-la-muc-tieu-cua-chung-ta.jpg

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ National Catholic Reporter, ông Richard McBrien gợi ý rằng Giáo Hội Công Giáo La Mã phải thay đổi luật độc thân linh mục. Lý lẽ ông đưa ra có sức thuyết phục: “Tôi muốn nói, người lành mạnh là người có sinh hoạt tình dục. Chuyện đó là bình thường. Thế thì tại sao chúng ta lại làm cho các linh mục thành người không lành mạnh và không bình thường?” (20 tháng Giêng, 1989)

 

Bình thường và không bình thường của đời sống độc thân linh mục gây nhiều tranh luận, như tranh luận của Richard McBrien. Những gì liên hệ đến vấn đề độc thân của tu sĩ là lời kêu gọi cho sự bình thường, như thử bình thường là tiêu chuẩn cho lành mạnh và đúng đắn, “Chuyện đó là bình thường. Tại sao chúng ta lại làm khác đi?”

 

Có nhiều sự thật trong đó. Có nguy cơ khá nặng khi nghĩ một người vẫn có thể lành mạnh dù họ  sống khác người bình thường.

 

Muốn biết mùi vị bánh ngọt thì phải ăn nó, và, như Richard McBrien tiếp tục nhấn mạnh, tình trạng độc thân là tiếng chuông dóng lên cho cuộc sống của các linh mục đã kết thúc không lành mạnh, nghiện rượu, sống hai mặt công khai, xa xỉ, tiêu dùng quá đáng, kềm nén tình dục và các việc này thường biểu lộ qua việc lạm dụng uy quyền.

 

Những gì đúng ở đây về tình trạng độc thân thì cũng đúng trong nhiều lãnh vực khác trong tôn giáo, hay bất cứ lãnh vực nào, đòi hỏi phải sống những gì mà đa số người khác không sống. Ví dụ, trong đời sống tu viện (cũng như gần đây trong các phạm vi công bình xã hội) chúng ta thấy một khía cạnh đen tối nơi một vài điều khó hiểu, kìm nén nhu cầu, tính tự cho mình là đúng, các chứng rối loạn thần kinh chức năng và giận dữ dưới lớp vỏ thánh thiện, và, khi người tu sĩ trở nên chua cay, họ lạm dụng uy quyền.

 

Sẽ có nguy cơ trầm trọng nếu không để chuyện bình thường quyết định cho sức khỏe.

 

Tuy nhiên, cùng với việc chấp nhận này, câu nói của Goethe có thể thích hợp ở đây: “Nguy cơ của đời sống thì nhiều, và sự an toàn nằm trong đó.” Phúc Âm kêu gọi chúng ta dám mạo hiểm, đặt chân vào vùng nước sâu. Nếu chúng ta đi theo đòi hỏi này, thì chúng ta sẽ đi ra khỏi những gì chúng ta muốn nơi cuộc sống bình thường. Tôi xin được giải thích.

 

Từ Giáo Hội xuất phát từ tiếng Hy Lạp ek kaleo (ek – ra đi; kaleo – kêu gọi). Là thành viên của Giáo Hội là được gọi để đi ra khỏi một điều gì đó.

 

Chúng ta được gọi để đi ra khỏi điều gì? Chính xác, là cuộc sống bình thường, là hướng đi không chối cãi mà con người muốn khoác lên.

 

Ngoài một thách đố từ một cái gì đó vượt ngoài chúng ta, chúng ta tự động đồng hóa với những gì bình thường theo hầu hết mọi người đang sống ở một lúc nào đó. Sự bình thường thuận theo số đông. Sức khỏe và thánh thiện được định nghĩa theo cơ quan thống kê Gallup.

 

Khi nó xảy ra thì tự động có công thức mẫu, cuộc đời tốt đẹp: công ăn việc làm tốt, đời như tiểu thuyết, nhà đẹp, nghỉ hè vui vẻ, đời sống tình dục đầy đủ, thân hình cân đối, tiền bạc đầy đủ, tự do và khoái lạc để vui hưởng trọn vẹn. Đó là tất cả những gì người bình thường muốn có.

 

Bí tích rửa tội trong đời sống người ki-tô là có ý muốn nói đến sự đi ra này. Chính xác, bí tích rửa tội mời gọi chúng ta đi ra khỏi sự bình thường. Nó mời gọi chúng ta đi con đường ít ai đi, buộc thắt lưng, đưa chúng ta đến nơi chúng ta không muốn đến.

 

Nói theo cách nói xưa, gia nhập Giáo Hội là thánh hiến. Cũng như từ Giáo Hội, từ thánh hiến cũng có nghĩa là ra đi, đi trệch theo hướng khác.

 

Đối với đa số chúng ta, từ thánh hiến có nghĩa là sùng đạo, thiêng liêng. Nó nói đến việc làm phép chén thánh, bàn thờ, nhà thờ. Tự nó, đó không phải là một cách dùng từ thích hợp. Thánh hiến một cái gì là để riêng nó ra khỏi sử dụng bình thường: chén thường đặt riêng ra làm chén thánh, chiếc bàn bình thường đặt riêng ra làm bàn thờ, một tòa nhà bình thường đặt riêng ra làm nhà thờ.

 

Tuy nhiên khi chúng ta nghĩ thánh hiến theo nghĩa này, thường thường nó dẫn đến một ý nghĩa về lòng mộ đạo và tách biệt, không có nhiều ý nghĩa trong cuộc sống bình thường.

 

Tôi xin giải thích theo một cách khác: Được thánh hiến là đi ra khỏi chuyện bình thường.

 

Tưởng tượng bạn đang chuẩn bị đi du lịch. Bạn lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi và phấn khởi nhìn về những gì vui vẻ đang chờ mình trước mặt. Bạn xếp hành lý vào xe và lên đường. Trên đường, bạn gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Một số người bị thương và chết. Không có ai xung quanh. Ngay giây phút đó bạn trở nên thánh hiến. Lúc đó, kế hoạch chuyến đi của bạn phải dời lại, để qua một bên với cuộc sống bình thường còn lại. Một thời khóa biểu thích hợp phải làm lại.

 

Cuộc sống của người ki-tô cũng dời lại như vậy. Nó để qua một bên những gì mà, không có bí tích rửa tội, được xem như cuộc sống bình thường.

 

Tôi có một người bạn, anh gắn bó sâu đậm với gia đình, nhà thờ, các vấn đề công bình xã hội, những lúc anh bị áp lực và hụt hẫng, anh hay nói, “Nếu có hóa kiếp đời sau, tôi muốn làm người yuppie. Tôi sẽ không bận tâm gì về chuyện con cái, Giáo Hội, hay người nghèo nữa. Tôi sẽ có vé mùa cho tất cả mọi chuyện, đi trượt tuyết vi vu để cho Chúa lo chuyện của Chúa.”

 

Có sự khôn ngoan và tủi thân trong lời nói trên. Nó nói về một bí tích rửa tội đích thực, một cuộc đời thánh hiến mà các nhu cầu của Nước Trời đã làm trệch các kế hoạch ích kỷ của mình.

 

Bản năng tự nhiên của con người là đồng nhất sự bình thường bằng quy chiếu đặc trưng và theo số đông. Chúng ta cần thách đố điều này nếu tôn giáo phải là nghị trình bao gồm sự độc thân, công bình xã hội hay bất cứ điều gì khác đi ngược lại những gì mà hầu hết mọi người đang sống trong thực tế.

 

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser

 

Nguyễn Kim An dịch

(phanxico.vn 15.06.2019)

Nguồn tin: conggiao.info

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây