21.02.2024 – Thứ Tư Tuần I Mùa Chay

Thứ ba - 20/02/2024 20:44

21.02.2024 – Thứ Tư Tuần I Mùa Chay

Lời Chúa: Lc 11, 29-32

“Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giôna”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giôna. Vì Giôna đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giôna giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giôna nữa”.

Ðó là lời Chúa.

 Suy nim:
 Khi đọc chuyện ông Giôna người Galilê, ai cũng nhớ ông đã bị cá nuốt ba ngày. Sau đó ông lại được cá khạc ra trên đất liền mà vẫn còn sống. Nhưng điều đáng nhớ hơn là sau kinh nghiệm đó Giôna đã biết vâng phục Chúa. Ông chấp nhận đi giảng cho dân Ninivê, một dân ngoại ở vùng là Irắc bây giờ. Thật không ngờ, lời rao giảng của ông đã kéo cả nước vào một cuộc hoán cải, Từ vua đến dân, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối việc mình làm. Thái độ của họ đã làm Đức Chúa đổi ý, không đoán phạt nữa. Đức Chúa không muốn trừng phạt, Ngài chỉ mong con người sám hối.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nỗi buồn của Đức Giêsu khi dân chúng đòi dấu lạ, dù họ đã thấy nhiều phép lạ của Ngài. Dấu lạ ở đây phải hiểu là một điềm báo hoành tráng từ trời để chứng thực về con người và sứ mạng của Ngài. Khi bị cám dỗ trong hoang địa, Ngài đã không nhảy xuống từ nóc Đền thờ. Ngài không muốn mua lòng tin của con người bằng một cử chỉ ngoạn mục. Bây giờ Ngài cũng dứt khoát từ chối: “Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna”. Dấu lạ ông Giôna không phải là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống. Dấu lạ là chính con người của ông với việc rao giảng của ông. Dân Ninivê đã sám hối khi nghe Giôna giảng, nhưng thế hệ đương thời với Đức Giêsu đã từ khước Ngài. Họ là một thế hệ gian ác (c. 29) vì không chịu sám hối.

“Đây còn hơn Giôna, đây còn hơn Salômôn” (cc. 31-32).

Đức Giêsu đã không thành công bằng hai ông này. dù lời giảng của Ngài còn khôn ngoan hơn lời của vua Salômôn và thuyết phục hơn lời giảng của ngôn sứ Giôna. Dân Ninivê và nữ hoàng Shêba sẽ kết án thế hệ này vì sự cứng cỏi của họ.

 Mùa Chay là thời gian đọc lại những chuyện lạ Chúa đã làm cho đời mình. Có những chuyện bề ngoài tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên. Chỉ ai biết nhìn mới thấy lạ. Có khi chúng ta vẫn thèm Chúa làm một cái gì đó thật kinh khủng để ta mạnh mẽ đổi đời và từ bỏ hoàn toàn nếp sống cũ. Làm sao để lòng sám hối đến từ việc nhận ra những chuyện nhỏ bé mà Chúa vẫn làm cho ta mỗi ngày nhiều lần?
 Cầu nguyn:

Như người mù ngồi bên vệ đường xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy. Xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, những giả hình và che đậy. Cho con được thấy Chúa hiện diện bên con cả những khi con không cảm nghiệm được. Xin cho con thực sự muốn thấy, thực sự muốn để cho ánh sáng Chúa chiếu dãi vào bóng tối của con. Như người mù ngồi bên vệ đường xin Chúa dủ lòng thương cho con được thấy.  

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

SUY NIỆM THEO TẬP SÁCH KINH TỐI GIA ĐÌNH

GP. PHÚ CƯỜNG

HIỆP THÔNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Một dấu hiệu từ trời có thể là bằng chứng rõ ràng cho biết Chúa Giêsu là ai. Thật vậy, Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ, nhưng có vẻ như điều này là chưa đủ. Họ muốn nhiều hơn nữa, và ước muốn đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lòng ương ngạnh và thiếu đức tin. Vì thế, Chúa Giêsu không thể và sẽ không ban cho họ dấu lạ mà họ muốn.

Thay vào đó, Chúa Giêsu nói rằng dấu lạ duy nhất họ sẽ nhận được là dấu lạ về ông Giôna. Hãy nhớ lại dấu lạ về Giôna không hấp dẫn lắm. Giôna bị ném qua mạn thuyền và bị một con cá nuốt chửng, Giôna ở đó ba ngày trước khi được nhả lên bờ biển Ninivê.

Dấu hiệu của Chúa Giêsu cũng tương tự. Người sẽ phải chịu đau khổ dưới bàn tay của các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền dân sự, bị giết và bị chôn trong mồ. Và rồi, ba ngày sau, Người sẽ sống lại. Nhưng sự phục sinh của Người không phải là sự kiện mà Người xuất hiện với những tia sáng cho tất cả mọi người nhìn thấy; đúng hơn, những lần hiện ra sau phục sinh của Người là dành cho những người đã bày tỏ đức tin và đã tin.

Bài học cho chúng ta là, Chúa sẽ không thuyết phục chúng ta về các vấn đề đức tin thông qua những biểu hiện công khai mạnh mẽ về sự vĩ đại của Chúa. Thay vào đó, “dấu chỉ” mà chúng ta sẽ nhận được là lời mời gọi chết với Chúa Kitô để chúng ta có thể bắt đầu trải nghiệm cuộc sống mới của sự phục sinh một cách cá nhân. Món quà đức tin này mang tính nội tâm chứ không phải bề ngoài một cách công khai. Cái chết đối với tội lỗi là điều chúng ta thực hiện một cách cá nhân và nội tâm, và cuộc sống mới mà chúng ta nhận được chỉ có thể được người khác nhìn thấy qua chứng tá cuộc sống đã được thay đổi của chúng ta.

Nếu chúng ta là những người đang chờ đợi một dấu hiệu rõ ràng nào đó từ Chúa, thì đừng chờ đợi nữa. Hãy nhìn lên cây thánh giá, nhìn thấy sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, và chọn theo Người trong cái chết cho mọi tội lỗi và ích kỷ. Hãy chết với Người, vào mộ với Người và để cho Người đem chúng ta đến với sự canh tân nội tâm trong Mùa Chay này, để chúng ta có thể được biến đổi bởi dấu chỉ duy nhất này từ thiên đàng.

Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin ban cho con ân sủng cần thiết để theo Chúa đến tận mộ, để cái chết của Chúa sẽ chiến thắng tội lỗi của con. Lạy Chúa, xin giải thoát con trong cuộc hành trình Mùa Chay để con có thể chia sẻ trọn vẹn vào cuộc sống phục sinh của Chúa. Amen.

#giaophanbaria #gpbr #suyniemhangngay #suyniemloichuahangngay  #muachay

Nguồn tin: www.giaophanbaria.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây