Các Bài Suy Niệm Lễ thánh Phêrô và Phaolô

Thứ sáu - 26/06/2020 23:00

Các Bài Suy Niệm Lễ thánh Phêrô và Phaolô

    

  1. Cho Chúa Mượn Thuyền. 2
  2. Đức Giêsu Và Phêrô. 6
  3. Từ Bỏ Mọi Sự Mà Đi Theo Chúa. 11
  4. Hai Cột Trụ Xây Dựng Giáo Hội 13
  5. Hai Con Người 16
  6. Hai cuộc đổi đời – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền. 17
  7. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ. 18
  8. Hai chứng nhân lịch sử tử đạo: Phêrô và Phaolô. 20
  9. Đứng dậy nhờ ơn Chúa – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền. 22
  10. Hai Con Người, Hai Ơn Gọi 24
  11. Trụ Cột Của Giáo Hội 25
  12. Mẫu Gương. 28
  13. Tuyên Xưng. 29
  14. Nhận Biết Và Biến Đổi 31
  15. Mầu Nhiệm Tình Yêu. 32
  16. Chứng Tá Của Sự Hiệp Nhất Trong Đa Dạng. 34
  17. Thầy Biết Con Yêu Mến Thầy. 36
  18. Hồn Tông Đồ. 40
  19. Những Người Không Biết Sợ. 43
  20. Tuyên Xưng Đức Tin. 45
  21. Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ. 48
  22. Hai Con Người, Hai Ơn Gọi 51
  23. Hai Cột Trụ Của Giáo Hội 52
  24. Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. 54
  25. Theo Gương Thánh Phêrô Và Phao-Lô Tông Đồ. 56
  26. Tiểu Sử Thánh Phê Rô. 61
  27. Thánh Phêrô. 61
  28. Vợ của Thánh Phêrô, bà là ai?. 73
  29. Thánh Phêrô có con cái gì không?. 76
  30. Sứ đồ Phaolô. 80
  31. Tiểu Sử Thánh Phaolô Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại 90
  32. Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại 93
  33. Cuộc gặp gỡ đổi đời của thánh Phaolô với Chúa Kitô phục sinh. 100
  34. Sống với Đức Kitô qua các thư Thánh Phaolô. 103
  35. Cái Chết Và Di Sản Của Thánh Phaolô. 106
  36. Thánh Phaolô Trước Sự Chết 111
  37. Những Tương Đồng Lạ Lùng. 121
  38. Lễ Thánh Phêrô & Phaolô Tông Đồ. 125
  39. Của Tình Yêu Và Lòng MếnTông Đồ. 127
  40. Phêrô, con có yêu mến Thầy không?. 129
  41. Hai chứng nhân lịch sử tử đạo Phêrô và Phaolô. 132
  42. Hai Cột Trụ Của Giáo hội 134
  43. Con Thiên Chúa hằng sống làTin rằng Đức Kitô. 136
  44. Phêrô Và Phaolô: Hai Vị Thánh Của Tinh Thần Hiệp Nhất 138
  45. Phêrô Và Phaolô, Hai Tên Gọi Một Lý Tưởng. 141
  46. Cột Trụ Giáo Hội 143
  47. Đá Tảng Đức Tin Của Phê-Rô. 146

1. Cho  Chúa Mượn Thuyền

TỪ BÀN TAY TRẮNG

Ngày Phê rô đổi đời là ngày ông đang gặp thất bại.  Chúa can thiệp vào đời ông, ông có chút thành: 29/6-51

Ngày Phê rô đổi đời là ngày ông đang gặp thất bại.  Chúa can thiệp vào đời ông, ông có chút thành công.  Rồi Chúa lại bảo ông bỏ lại thành công đó cho đời, để nghe theo lời gọi mới.  Phêrô phân vân, “đâu là thành công thật?”

Cuộc đời Phêrô  xoay quanh con thuyền, sóng nước.  Nước có lúc bình yên, biển có ngày sóng gió.  Đời ông cũng nổi trôi như sóng nước.  Có ngày cá vào đầy lưới, ông vui.  Ngày cá đi vắng, ông buồn.  Ông không nắm chắc liệu cá có bơi qua thuyền mỗi ngày như mọi ngày?  Sống trong cái bấp bênh của may rủi là thân phận con người.  Ông có thể tính toán giỏi, nhưng ông không đọc được hết tâm tư của sóng nước.  Ông cũng chẳng hiểu những chuyến đi thầm lặng của loài cá.  Ông sống chờ thời.

Rồi một ngày, ông lên bờ với bàn tay trắng.  Ông buồn vì thất bại.  Nhưng buồn hơn là thấy đồng nghiệp của mình đang thành công, mà mình thì thất bại.  Phúc Âm kể, những người chài lưới khác đang đi rửa lưới.  Có cá vào nhiều nên mới đi rửa lưới.  Còn lưới Phêrô sạch, không cần rửa!  Ông ngồi nhìn con thuyền trống rỗng, nghĩ đến ngày mai bấp bênh.  Ông ngồi ngậm nghĩ, giá mà tối hôm qua ông thả lưới ở một vùng nước khác, có lẽ sẽ không đến nỗi tệ như hôm nay.  Giá như ông theo đám đông để thả lưới, thì có lẽ cũng kiếm được mớ cá như bao nhiêu người khác.  Bao nhiêu tâm trạng “giá mà” vẫn thường quanh quẩn trong tư tưởng mỗi khi thất bại.

Nếu nhìn chung quanh ai cũng đều thất bại, thì có lẽ Phê rô không buồn nhiều.  Còn tất cả thành công, mà mình thất bại thì buồn lắm.  Mặc cảm cá nhân thường ngăn cản những nụ cười tươi.  Chung quanh ông, có nhiều ánh mắt vui của thành công.  Còn trong ánh mắt Phêrô có ánh nhìn xa xăm.

Tôi gặp trong dòng đời nhiều ánh mắt như Phêrô, và tôi yêu mến họ.   Những ánh mắt buồn vì thất bại trong tình yêu, trong hôn nhân, và trong nghề nghiệp.  Ngay cả trong Giáo Hội, những người thất bại ít có tiếng nói, họ đứng bên lề của đời sống phục vụ.  Thinh lặng, kiên nhẫn, và đợi chờ.  Lối đi nào cũng có những khúc quanh của nó.   Lắm khi những khúc quanh cuộc đời khiến người ta ngại tìm một lối đi mới.

Câu chuyện vui của một Cha xứ kể làm tôi nhớ mãi.  Một buổi sáng Chúa Nhật, bà mẹ đến gọi con trai.

–        Steven, dậy đi lễ.

Steven nghe tiếng gọi, nhưng anh phản ứng.

           –  Không, con không muốn đi.  Đi lễ một mình buồn.  Hơn nữa, chẳng mấy ai ở nhà thờ ưa con.   Rồi anh kéo mền phủ kín đầu.  Người mẹ kiên nhẫn nhưng dứt khoát.

–  Có ba lí do con phải đi lễ hôm nay.  Thứ nhất, hôm nay là Chúa Nhật, lễ buộc. Thứ hai, con đã ngoài bốn mươi tuổi rồi.  Và thứ ba, vì con la Cha Xứ.  Dậy nhanh lên con, sắp trễ rồi !

 Thất bại làm con người tê liệt, không muốn vươn xa hơn.  Phêrô cũng ngại ngần như thế.  Ông nhìn con nước trong veo nhưng lòng đầy nghi nan, tương lai ảm đạm.  Bất lực.  Ông ngồi chờ thời.  Rồi ánh bình minh lên cao, có bước chân người tìm đến.  Chúa nhìn thuyền Phêrô trống trải, còn ánh mắt ông thì vẫn xa xăm.

Có tiếng nói bên tai, “Cho tôi mượn chiếc thuyền.”  Lời đề nghị thân tình làm ông ngạc nhiên.  Lâu nay có ai mượn thuyền của ông bao giờ.  Phúc Âm kể:

Một hôm, đám đông chen lấn nhau đến sát bên Người để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghennêxarét.  Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.  Ðức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.  Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.  Giảng xong, Người bảo ông Simôn: Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”.  Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.  Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”.  Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.  Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp.  Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.  Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”  Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.  Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy.  Bấy giờ Ðức Giêsu bảo ông Simôn: “Ðừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá.  Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.”

 Mượn thuyền là để đưa thuyền ra khơi.  Chúa mượn thuyền Phê rô, Chúa mượn thuyền đời tôi.  Những con thuyền cũng có lần ngại ngùng xuống nước.  Rồi một lời đề nghị thả lưới trái quy luật, khó chấp nhận, bởi vì không ai có hy vọng lưới cá ban ngày, nhất là khi nắng đã lên.  Cá chỉ xuất hiện nhiều trong đêm.  Nắng càng lên cao, cá càng lặn sâu.  Thả lưới ban đêm mà vẫn trắng tay, nay lại còn có lời yêu cầu thả lưới ban ngày!  Sóng nghi nan trỗi dậy trong lòng.  Phép lạ hiếm xảy ra trong cuộc đời chài lưới nhiều kinh nghiệm.  Càng thấy mình có kinh nghiệm, càng khó tin lời người khác chỉ bảo.

Rồi từ bàn tay trắng xen lẫn nghi nan, có phép lạ xảy đến.  Phép lạ thứ nhất là lòng Phêrô thay đổi.  Chưa bắt được cá, nhưng lòng biết lắng nghe là đã mở lối cho nhiệm mầu.  Ông để Chúa vào thuyền đời mình.  Con thuyền lâu nay ông tự lèo lái, chẳng cần ai.  Nay ông  thất bại, ông bắt đầu hoài nghi cả chính mình.  Cái hay của Phêrô là nhẹ nhàng chấp nhận, “Thôi Chúa cứ dùng, chứ con nản chí lắm rồi.”  Sẵn lòng để Chúa dùng con thuyền đời mình, là bắt đầu đón nhận nhiều sự lạ.  Chuyện lạ của mẻ cá được bắt đầu từ một thái độ mở lòng, dù nó xen lẫn chút nghi nan.

Cái đẹp của niềm tin là nó được đan quyện trong những giây phút hoài nghi.  Tin mà không có chút hoài nghi có thể là một niềm tin tinh tuyền, nhưng cũng có khi nó lại là một niềm tin non trẻ, chưa trải nghiệm sóng gió.  Tin mà xen lẫn cả nghi nan, mới thấy rõ Ơn Trời nhiệm mầu.  Chúa biết Phêrô hoài nghi, nhưng vẫn can thiệp để biến hoài nghi trở thành niềm tin tưởng.  Vì thế, cảm thông cho những giây phút chán nản trong đời của một ai đó là bắt đầu dìu nhau bước vào ánh sáng của niềm tin.

Thay Đổi Giá Trị Sống

Phêrô choáng ngợp trước thành công vật chất quá lớn.  Chúa của ông lúc này vẫn là Chúa của ban ơn, Chúa của vật chất, và Chúa của nguồn thành công.  Ông vui vì được làm bạn với Chúa, người cho ông quyền lợi, cho ông lợi nhuận.  Ông vui vì từ nay ông không còn sợ kinh nghiệm trắng tay.  Rồi ông sẽ lên bờ rao giảng cho đồng nghiệp, “Hãy theo Chúa đi, rồi sẽ trúng lớn!”  Giá trị cuộc sống của Phêrô cho đến lúc này vẫn chỉ là cá.

Chúa cho Phêrô cá, nhiều lắm, nhưng lại yêu cầu ông từ bỏ nó.  Phêrô ngỡ ngàng, “sao Chúa cho con, rồi lại bảo con từ bỏ?”  Đây là bài học sâu thăm thẳm trong hành trình gọi mời. “Sao Chúa cho con thành công rồi Chúa bảo con bỏ nó đi?”  Rồi sâu trong ký ức, Phêrô lại nghe tiếng nói lúc Chúa mượn thuyền.  Lần lắng nghe trước đã làm nên điều kỳ diệu, nên ông muốn tiếp tục lắng nghe.  Chúa mách bảo với ông, “cá nhiều thì vẫn là cá.  Cá không làm cho anh trở thành người.  Bám mãi với cá, đời anh sẽ thoang thoảng với mùi tanh của cá.  Nếu anh muốn làm người, hãy đi theo Đấng đã nhập thể làm người.” 

Theo Đấng đã nhập thể làm người là bắt đầu thay đổi giá trị sống: là để Chúa đi vào con thuyền đời mình hơn là tự lèo lái, là khám phá thành công vật chất, địa vị, nghề nghiệp, công danh, quyền lực, ngay cả địa vị trong tôn giáo, chỉ là phương tiện để hướng đến giá trị vĩnh cửu hơn là bám víu vào đó như là cứu cánh, rồi để bước chân lên bờ tìm đến những mảnh đời bị lãng quên.  Có khi những mảnh đời bị lãng quên đó có mặt ngay trong chính gia đình, trong giáo hội, hay lang bạt giữa chợ đời mênh mông.

Trong một thoáng giây choáng ngợp, Phêrô chợt hiểu, thành công thật không phải là kết quả, nhưng là hành trình đáp trả lời mời gọi để đi tìm kiếm con người.  Ông bỏ lại phía sau những gì đã đón nhận: con thuyền, mẻ cá, chiếc lưới, chút thành công vội vàng, và cả biển khơi cả cuộc đời gắn bó để theo Đấng đã làm người và mong sao cho mỗi người được trở thành người hơn.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng, thất bại lớn nhất không phải là những lần thua cuộc trong chợ đời, nhưng là những lần không đáp trả lời mời gọi từ trên cao, và nhất là khi không sống đúng với cái hình ảnh mà Thiên Chúa muốn con trở thành.  Hôm nay, khi ánh bình minh lên cao, con cũng thấy bước chân của Ngài đi ngang qua con thuyền đời con, con thuyền cũng nhiều lần thất bại trắng tay.  Xin cho con hiểu, mỗi một lần thất bại, là mỗi lần con cần tập khám phá ý nghĩa của thất bại trong ánh sáng của Phúc Âm.  Mỗi một lần thành công, cũng xin cho con hiểu rằng, thành công là quà tặng.  Giữ mãi quà tặng cho riêng mình mà không sinh lợi cho nước Chúa, thì thành công ấy chỉ giống như mẻ cá của Phêrô, có rồi mất theo dòng sông cuộc đời.  

Nguyễn Thảo Nam

2. Đức Giêsu Và Phêrô

(Mátthêu 16,13-20 – Lễ 29-6)

1.- Ngữ cảnh

Với đoạn Tin Mừng này, chúng ta đi tới trung tâm của TM I. Lần đầu tiên Đức Giêsu hỏi các môn: 29/6-52

Với đoạn Tin Mừng này, chúng ta đi tới trung tâm của TM I. Lần đầu tiên Đức Giêsu hỏi các môn đệ về bản thân Người và Phêrô đã minh nhiên tuyên xưng tư cách Mêsia của Đức Giêsu. Câu trả lời vang lên như một điểm tới và như hoa quả của hoạt động trước đây của Đức Giêsu. Đồng thời câu trả lời cũng là tiền đề cho nhiệm vụ mà Người sẽ ký thác cho Phêrô. Toàn bản văn là chứng từ duy nhất về lập trường lạ lùng và về uy quyền của Đức Giêsu.

Đây cũng là lần đầu tiên Đức Giêsu loan báo các đau khổ và sự sống lại của Người. Cuối cùng, ngay sau đoạn văn này, bài tường thuật tập trung vào đề tài cuộc Khổ Nạn (x. 17,22-23; 20,17-19).

2.- Bố cục

          Bản văn có thể chia thành ba phần:

          1) Câu hỏi về chân tính Đức Giêsu (16,13-16):

  1. a) Ý kiến của dân chúng (cc. 13c-14),
  2. b) Ý của của các môn đệ (đại diện là Simôn Phêrô) (cc. 15-16);

2) Tuyên bố về tư cách của Phêrô (16,17-19);

3) Kết: Lệnh cấm (16,20).

Bản văn này có một chức năng quan trọng trong toàn tác phẩm. Không những nó nhắc lại các ký ức ở 14,2.5 (c. 14), 14,33 (c. 16) và 13,16-17 (c. 17), mà còn đặc biệt gợi tới bản văn căn bản nói về mạc khải của Con Người, 11,25-27. Bản văn này mở đầu không những cho 18,18 (c. 19b.c) và cho 23,13 (c. 19a), nhưng đặc biệt cảnh mạc khải trước Thượng Hội Đồng ở 26,61-64).

Bản văn này cũng liên kết chặt chẽ với đoạn 16,21-28, để tạo thành một cấu trúc chuyển hoán:

  1. a) cc. 13-15;
  2. b) cc. 16-19
  3. c) c. 20

c’) cc. 21-22

b’) cc. 22-23

          a’) cc. 24-28

3.- Vài điểm chú giải

– Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (16): Khi so với câu tuyên xưng ngắn ngủi trong Mc (8,29), các nhà chú giải có nhiều ý kiến về bản văn Mt: (a) Mt đã tuyên xưng thần tính của Đức Giêsu (Benoît); (b) Mt chỉ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia mà thôi; (c) Mt đã nối dài lời tuyên xưng là để tránh những âm vang quân sự chính trị của danh hiệu Mêsia (Viviano). Cũng khó mà chọn hẳn ý kiến nào, bởi vì cũng rất có thể lời tuyên xưng lúc đầu chỉ nói về Đấng Mêsia (như Mc 9,29 và Lc 9,20), đã được “đọc lại” dưới ánh sáng cuộc Phục Sinh và diễn giải theo chiều hướng một lời công bố về thần tính của Đức Giêsu. Ngày hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể và phải hiểu theo nghĩa này.

– không phải phàm nhân (17): dịch sát là “thịt và máu”. Đây là một kiểu nói Híp-ri để chỉ các tài nguyên của con người tự nhiên, các sức lực riêng của con người

– Phêrô, nghĩa là Tảng Đá (18): Ta hiểu được kiểu chơi chữ này do biết từ A-ram gốc là kepha ở nam tính.

– Hội Thánh (18): Từ ngữ Hy Lạp ekklêsia chưa có tất cả ý nghĩa định chế như từ ngữ “Hội Thánh” sau này. Do đó, từ Hội Thánh dù được dùng để dịch từ ekklêsia, không cung cấp ý nghĩa nguyên thủy cho từ ekklêsia. Hầu chắc ekklêsia dịch từ cụm từ Híp-ri qahal YHWH, mà Bản LXX diễn ra là ekklêsia tou theou (x. Cv 7,38). Cộng đoàn Kitô hữu là Israel chân chính đã nên hiện thực (x. 10,1.5), là cuộc quy tụ dân tuyển chọn của thời cuối cùng.

– chìa khóa Nước Trời (19): Ta nhớ đến Is 22,22 trong đó nhắc lại lời Thiên Chúa nói là Ngài  sẽ đặt chìa khóa trên vai Engiakim để ban cho ông quyền mở và đóng cửa vào hoàng cung, tức quyền cho phép hoặc ngăn cản nhà vua ra vào. Trong sách Kh (3,7), chính Đức Giêsu tự giới thiệu như là Đấng nắm chìa khóa nhà Đavít. “Nước Trời” là một công thức Mt song song với ekklêsia của câu trước. Đây vẫn là một thực tại duy nhất nhưng nhìn theo những trương độ khác. Nước Trời vượt quá các biên cương (lịch sử) của ekklêsia; đây không phải là một định chế mà là sự thể hiện ơn cứu độ.

– ràng buộc và tháo cởi (19): Đây là ngôn ngữ của các trường phái kinh sư. “Ràng buộc hoặc tháo cởi” có nghĩa là đảm nhận một nhiệm vụ ngăn cấm hoặc cho phép về những điểm còn gây tranh cãi trong giáo huấn chính thức. Hai động từ này cũng có nghĩa là tuyên bố một giáo thuyết là đúng hay sai lạc, một kiểu thực hành luân lý là hợp pháp hay không hợp pháp. Họa hoằn lắm công thức này mới có nghĩa là loại trừ khỏi cộng đoàn hoặc nhận vào lại.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Câu hỏi về chân tính Đức Giêsu (13-16)

Khi đến miền Xêdarê Philípphê, Đức Giêsu không xin các môn đệ cho ý kiến về Bài Giảng trên núi hoặc về phần nào đó của công trình Người; Người hỏi họ là họ nghĩ gì về bản thân Người. Câu hỏi đã cho thấy rằng đối với Đức Giêsu, điểm này có tầm quan trọng quyết liệt. Người muốn đưa các ông đến chỗ hiểu biết rõ ràng về Người và một lời tuyên xưng đức tin không mập mờ vào Người. Tất cả ý nghĩa củasự hiểu biết này tuỳ thuộc Người là ai. Ở tại trung tâm, ta không thấy lời loan báo về Người, nhưng có bản thân Người.

Ngay dân chúng cũng có một ý kiến cao trọng về Người, nhưng không nhận ra vị trí đặc biệt của Người. Nếu Người chỉ là một ngôn sứ, thì Người là một ngôn sứ giữa biết bao vị khác: trước Người, đã có nhiều vị đến rồi, và sau Người sẽ có thể có nhiều vị khác đến nữa. Ngược lại, Phêrô nhận biết tư cách của Đấng hoàn toàn đặc biệt đối với loài người và tương quan của Đấng hoàn toàn đặc biệt với Thiên Chúa. Trong tư cách Mêsia, Đức Giêsu là Vị Vua và Mục Tử duy nhất, cuối cùng và vĩnh viễn của dân Israel, đã được Thiên Chúa cử đến để ban cho dân này và toàn thể nhân loại sự sống dồi dào. Trong tư cách là Con, Người sống với Thiên Chúa một tương quan duy nhất, với đặc điểm là sự hiểu biết hỗ tương và sự bình đẳng với nhau (x. 11,27). Vị Thiên Chúa ấy là vị Thiên Chúa hằng sống, vị Thiên Chúa duy nhất chân thật và thực hữu, là sự sống nơi chính mình, đã tạo thành mọi sự sống và đã chiến thắng sự chết bằng quyền lực của Ngài. Là Đức Vua và Mục Tử, Thiên Chúa phải dấn thân phục vụ sự sống của dân Ngài. Phêrô nhận biết Đức Giêsu là Đấng Mêsia có liên hệ mật thiết với chính quyền lực sự sống, với Thiên Chúa hằng sống.

* Tuyên bố về tư cách của Phêrô (17-19)

          Do lời tuyên xưng ấy, Simôn được tuyên bố là có phúc. Đức Giêsu ngỏ lời với ông bằng cách gọi tên và tên họ ông, tức là thể theo đúng thực tại nhân loại và nguồn gốc của ông, và tỏ cho ông biết ân ban phi thường đã làm cho ông có thể tuyên xưng như thế: chính Cha trên trời đã ban cho ông sự hiểu biết ấy (“mạc khải”, apekalypsen. Xem 11,27; 17,5); sự hiểu biết này, người ta không thể đạt tới bằng sức loài người (“thịt và máu”). Simôn không chỉ được Đức Giêsu kêu gọi (4,18t), mà còn được Chúa Cha tuyển chọn từ trước. Do đó, ông có phúc; ông có mọi lý do để vui lên.

          Đức Giêsu ngỏ lời với Simôn bằng một tên mới và loan báo một nhiệm vụ mới. Người gọi ông là “Phêrô”, nghĩa là tảng đá. Ở Ga 1,42 và trong các thư Phaolô, tên này có dạng gốc A-ram là “Kêpha”. Tên này là một sáng tạo mới của Đức Giêsu. Như người cha xác thịt đặt tên cho con, Thiên Chúa hoặc một người có quyền thế có thể ban một tên mới cho một người đã đi vào một cuộc sống mới do một nhiệm vụ mới (x. St 17,5.15; Ds 13,16; 2 V 24,17). Với lời tuyên xưng do Chúa Cha ban và với một nhiệm vụ mới do Đức Giêsu trao, có thể nói một cuộc sống mới đã bắt đầu với Simôn. Đức Giêsu trong tư cách Đức Chúa ban cho ông một tên liên hệ đến bản chất của nhiệm vụ của ông.

          Nhiệm vụ này được mô tả với ba hình ảnh. (1) Phêrô là tảng đá, trên đó Đức Giêsu sẽ xây dựng Hội Thánh Người (c. 18). Hội Thánh, cộng đoàn những người tin vào Đức Giêsu, diễn tả cùng một lời tuyên xưng như Phêrô, ở đây được ví với một tòa nhà. Đức Giêsu sẽ dựng lên tòa nhà, nhằm quy tụ các tín hữu Người. Nền móng của tòa nhà này là đích thân Phêrô, như một con người sống, đã được Thiên Chúa ban cho lời tuyên xưng chân thật. Ông phải cung cấp sự chắc chắn và bền bỉ cho cộng đoàn các tín hữu. Với cộng đoàn này, Đức Giêsu hứa ban cho sự bền bỉ trường tồn: quyền lực sự chết và sự tàn tạ sẽ không chạm tới cộng đoàn này được.

          Với hình ảnh (2) các chìa khóa (c. 19), Đức Giêsu không muốn nói rằng Phêrô được giao cho nhiệm vụ giữ cửa trời, nhưng được đặt như là người quản lý thay mặt chủ nhà và hành động theo sự ủy quyền của ông chủ (x. Is 22,22). Trong cộng đoàn các tín hữu, ông phải hành động thay cho Đức Chúa; (3) ông phải ràng buộc và tháo cởi (c. 19b); thậm chí ông có quyền và có nhiệm vụ tuyên bố điều gì bị cấm và điều gì được phép đón vào trong cộng đoàn Hội Thánh. Trong Bài Giảng trên núi và trong các giáo huấn khác, Đức Giêsu chỉ bận tâm tỏ bày ý muốn của Thiên Chúa và trình bày cho thấy những cách sống cần thiết để được vào Nước Trời (x. 5,20; 7,21). Phêrô phải tiếp tục nhiệm vụ này. Giáo huấn của ông đòi hỏi đến mức có thể loại trừ khỏi cộng đoàn những ai không theo và có thể đưa trở lại cộng đoàn những ai hối lỗi. Đức Giêsu không bỏ mặc cộng đoàn các tín hữu, nhưng ban cho cộng đoàn này một người lãnh đạo có uy quyền lớn lao.

* Kết: Lệnh cấm (20)

Niềm tin của đám đông rõ ràng còn phiến diện, nhưng niềm tin của các tông đồ cũng chưa hoàn chỉnh. Nhất là trong Mc (“Thầy là Đức Kitô”) và trong Lc (“Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa”), niềm tin ấy dường như còn bám rễ vào một quan niệm Thiên Sai ái quốc và duy quốc gia. Do đó đến cuối Đức Giêsu đã buộc các ông phải im lặng, không được nhắc đến các khẳng định ấy (Mc 8,30; Lc 9,21). TM Mt cũng có lệnh cấm tương tự, bởi vì một lời tuyên xưng đúng đắn vẫn không đảm bảo cho một đức tin trung thực. Và điều này được chứng minh ngay sau đó, qua phản ứng của Phêrô khi nghe Đức Giêsu loan báo Thương Khó (x. 16,22).

+ Kết luận

          Do sự kiện là qua trung gian Phêrô, các tông đồ khám phá ra ý nghĩa của danh xưng huyền bí “Con Người” và nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia siêu việt, các ông đã tách ra khỏi những người Do Thái không tin, các ông đã trở thành phần “Dư tồn” từng được các ngôn sứ loan báo và hứa sẽ được nhận ơn cứu độ. Từ đó, Đức Giêsu có thể giao phó cho Phêrô quyền “ràng buộc” và “tháo cởi”. Do một sự hạ cố đầy ưu ái của Thiên Chúa, quyền chìa khóa này dựa trên đức tin của Phêrô, vừa là người có tội vừa là người có đức tin.

5.- Gợi ý suy niệm

  1. Hội Thánh, cộng đoàn các tín hữu, vẫn thuộc về Đức Kitô; chính Người quy tụ, xây dựng, điều khiển, còn Phêrô là tảng đá trên đó các yếu tố khác nhau của Hội Thánh được thu gom lại và kết cấu hài hòa. Nhưng chính vì thế, vai trò của Phêrô rất quan trọng. Trong Hội Thánh trần thế, là con đường đưa tới Nước Trời, không phải mọi sự đều tinh trong hoặc đã hoàn tất. Phêrô có vai trò phục vụ sự biện phân. Chính ông phê phán là các thành viên Hội Thánh đang sống phù hợp với dự định của Đức Kitô hay không.
  2. Bảo rằng mình có thể đi tới với Đức Kitô không cần qua Hội Thánh, bảo rằng mình có thể trực tiếp tự mình gặp Đức Giêsu không cần nhờ đến Giáo Hội, là liều lĩnh. Làm như thế là xây dựng cho mình một Đức Kitô theo tầm mức của mình, là tưởng tượng ra một Đức Chúa cho vừa vặn với lòng dạ mình, là từ khước Đức Giêsu như Người đã tự mạc khải ra cho chúng ta.
  3. Quyền chìa khóa được ban cho các mục tử là để phục vụ việc đi theo Đức Kitô, trở thành môn đệ của Người, chứ không phải là quyền sinh sát trên đoàn chiên. Quyền này được trao ban để phục vụ sự sống, chứ không phải để ép buộc đoàn chiên phải đi theo sở thích hoặc ngẫu hứng của riêng mình. Quyền bính là phương tiện phục vụ sự tăng trưởng (auctoritas, do động từ augere có nghĩa là “làm lớn lên”).
  4. Hội Thánh là thực tại nhỏ bé nhất, nghèo hèn nhất, yếu đuối nhất, vì quy tụ quanh một máng cỏ và một cây thập giá. Nhưng Hội Thánh cũng là thực tại cao cả nhất, giàu có nhất, vinh hiển nhất, mạnh mẽ nhất, bởi vì con trẻ sinh ra trong máng cỏ, con người chịu đóng đinh trên đồi Sọ, đã sống lại, và đang hiển trị trên muôn loài muôn vật.
  5. Trong buổi tiếp kiến ngày 7-6-2006, Đức giáo hoàng Bênêđitô XVI đã dạy: “Anh là Phêrô, và trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy… Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì; trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Ba ẩn dụ Đức Giêsu vận dụng rất rõ ràng: Phêrô sẽ là nền móng, đá tảng, trên đó tòa nhà Hội Thánh dựa vào; ngài sẽ có chìa khóa Nước Trời để mở ra hay đóng lại cho người nào mà ngài thấy dường như là đúng; cuối cùng, ngài có thể cầm buộc hoặc tháo cởi, theo nghĩa là ngài có thể quy định hoặc cấm đoán điều gì ngài nghĩa là cần thiết đối với đời sống Hội Thánh, hiện là và vẫn là Hội Thánh của Chúa Kitô.

Sau cuộc Phục Sinh, ta cũng thấy sự cao trọng ấy mà Đức Giêsu đã muốn gán cho Phêrô (Mc 16,7; Ga 20,2.4-6)… Trong số các tông đồ, Phêrô sẽ là chứng nhân đầu tiên về cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh (Lc 24,34; 1 Cr 15,5). Vài trò của ngài, được cương quyết nêu bật (Ga 20,3-10), ghi dấu sự nối tiếp giữa tư cách cao trọng ngài đã có trong nhóm các tông đồ và sự cao trọng ngài sẽ tiếp tục có trong cộng đoàn sinh ra với các biến cố Phục Sinh… Nhiều bản văn chìa khóa liên hệ đến Phêrô có thể đưa trở lại khung cảnh là Bữa Tối cuối cùng, trong đó Đức Kitô ban cho Phêrô tác vụ là củng cố anh em (Lc 22,31t)…

Việc đặt vị trí tối thượng của Phêrô vào khung cảnh là Bữa Tối cuối cùng, vào lúc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Cuộc Vượt Qua của Chúa, cho thấy thêm nữa ý nghĩa tối hậu của vị trí trí tối thượng ấy: cho mọi thời, Phêrô phải là người gìn giữ sự hiệp thông với Đức Kitô. Ngài phải đưa đến sự hiệp thông với Đức Kitô. Ngài phải quan tâm để tấm lưới đừng bị rách (Ga 21,11) và nhờ thế, sự hiệp thông phổ quát có thể trường tồn. Chỉ nhờ ở cùng với nhau, chúng ta mới ở với Đức Kitô, là Chúa của mọi người. Như thế trách nhiệm của Phêrô là bảo đảm sữ hiệp thông với Đức Kitô bằng tình bác ái của Đức Kitô, bằng cách đưa đến chỗ thực hiện tình bác ái này trong đời sống mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện để cho vị trí tối thượng của Phêrô, được ký thác cho những con người nghèo hèn, có thể được thực thi theo nghĩa nguyên thủy như Chúa muốn, và như thế để cỏ thể ngày càng được nhận biết theo nghĩa đúng dắn bởi các anh em chưa hoàn toàn hiệp thông với chúng ta”.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

3.  Từ Bỏ Mọi Sự Mà Đi Theo Chúa

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN, năm A. Mt 10,37-42

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ. Mt 16,13-19

Chúa Giêsu đã nói với những người muốn theo Ngài:” Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với: 29/6-53

Chúa Giêsu đã nói với những người muốn theo Ngài:” Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy “. Lời Chúa là một đòi hỏi thật mãnh liệt và sâu xa đối với mọi Kitô hữu. Thế nhưng, con đường theo Chúa không phải cứ phẳng lì như mặt nước. Cuộc hành trình theo Đức Kitô có những lúc thật êm xuôi nhưng có những lúc thật dậy sóng.Chúa nói những điều trên để môn đệ của Chúa luôn ý thức việc theo chúa đòi hỏi môn đệ phải biết từ bỏ, quảng đại và hy sinh.

Cuộc hành trình theo Đức Kitô có thể gọi nôm na là một cuộc hải hành. Trong cuộc hải hành đức tin, thực tế có những lúc người môn đệ cảm thấy êm xuôi, lặng lẽ, tuy nhiên, có lần Chúa đã từng nói:”  Hãy đến mà xem “ và Ngài cũng đã từng nói trắng với những người muốn theo Ngài:” Chồn có hang.Chim có tổ. Con người không đá gối đầu “. Nói lên thực tế như vậy, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải bám chặt vào Ngài, phải sống thanh thản và đặt dưới sự quan phòng của Ngài.Trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay Chúa Giêsu kết thúc bài giảng nói về truyền giáo. Chúa nói với các Tông đồ và qua các Tông đồ, Ngài nói với mọi Kitô hữu về sự từ bỏ tất cả để đi theo làm môn đệ của Chúa. Sự từ bỏ mà Chúa nói, đòi hỏi các môn đệ một cách thật nghiêm túc, và sâu xa đến nỗi muốn theo Ngài: “ Phải vác Thập giá mà theo Ngài “. Thập giá là điều khó khăn, thử thách mà người môn đệ phải phấn đấu, hy sinh và quảng đại để làm theo ý Chúa, theo ý Cha của Ngài như Ngài đã vâng phục Cha để chết trên thập giá mà cứu độ gian trần, cứu độ con người. Ngài nói tiếp:” Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất;còn ai liều mắt mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được “.Chúa muốn các môn đệ của Ngài khi đã chọn Ngài thì phải liều mình, đến nỗi nếu cần phải hiến dâng cả mạng sống để làm chứng cho Ngài. Theo Chúa, làm môn đệ của Chúa quả thực đòi hỏi con người nhiều lắm. Theo Chúa để sống với Chúa luôn là một thách thức đối với người tín hữu. Bởi vì, những điều Chúa nói luôn là những đòi hỏi con người phải từ bỏ, phải quảng đại, phải hy sinh.

Chúa Giêsu hứa ban thưởng gấp bội cho những ai đã thực hành điều Ngài muốn, những điều Ngài đòi hỏi, yêu cầu. Tại sao Chúa lại đòi hỏi như vậy và đòi hỏi như vậy có khác thường, có nghịch lý không ? Con đường theo Chúa đầy những nghịch lý và cái nghịch lý để theo chúa là từ bỏ tất cả: Cha mẹ, anh em, gia đình thân thương, gia tài, của cải, danh vọng và cả mạng sống của mình.Đó là nghịch lý lớn nhất để theo Chúa.

Làm môn đệ Chúa, ở lại và đi theo, sống với Chúa là phải từ bỏ vì Chúa đã sống như vậy, nghĩa là Ngài đã  bỏ gia đình, bỏ tất cả để chỉ làm theo ý Thiên Chúa Cha. Ngài đã sống thật thảo hiền với Chúa Cha và làm gương cho mọi người, cho nhân loại về sự từ bỏ. Không chỉ những người dấn thân, đi tu trong các Dòng tu, trong các Tu hội là phải từ bỏ.Nhưng người Kitô hữu cũng được Chúa mời gọi sống triệt để  “ đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy “ và sống lời Chúa:” Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy “. Trong cuộc sống hằng ngày giữa trăm ngàn bề bộn của công việc, gia đình, cha mẹ, anh em luôn là giằng co giữa người môn đệ Chúa với đòi hỏi của chúa Giêsu và sự gắn bó với Chúa. Rồi những giằng co giữa danh vọng, tiền tài, của cải với sự trung thành với bổn phận, với giới răn của Chúa.

Giữa những giằng co của tình cảm gia đình, những người thân thương, danh vọng,tiền tài, của cải, môn đệ của Chúa phải làm gì, phải chọn lựa làm sao? Lời Chúa ngày hôm nay sẽ giúp soi sáng, hướng dẫn để người môn đệ Chúa chọn lựa đúng và thực hành đúng!

Hôm nay, Giáo Hội cũng mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.Hai cột trụ của Giáo Hội Chúa. Thánh Phêrô là Vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu đức tin. Với việc tuyên tín của thánh Phêrô về Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa hằng sống.Chúa Giêsu tỏ mình cho các Tông đồ và tuyên bố thiết lập Nước Thiên Chúa cụ thể trên thế giới, trên trần gian dựa trên nền tảng đá là các Tông đồ, đặc biệt là thánh Phêrô và sau này, khi trắc nghiệm tình yêu của thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Chúa. Chúa Giêsu đã nói với Phêrô:” Hãy chăn dắt chiên con, chiên mẹ của Ta “.

Lạy Chúa Giêsu, hai thánh Phêrô và Phaolô cùng các Tông đồ khác đã bỏ mọi mà theo Chúa, sống chết cho Chúa. Xin cho chúng con cũng biết từ bỏ để chúng con luôn làm theo ý Chúa như Chúa đã hoàn toàn làm theo ý Chúa Cha. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Chúa đòi hỏi người môn đệ những gì để theo Ngài ?

2.Tại sao môn đệ lại phải vác Thập giá mà theo Chúa ?

3.Thánh Phêrô và thánh Phaolô là ai ?

4.Tại sao khi Phêrô tuyên tín Chúa là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các Tông đồ và thiết lập Giáo Hội của Chúa ở trần gian này ?  

4. Hai Cột Trụ Xây Dựng Giáo Hội

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ,

 ngày 29/6

Mt 16, 13-19

Nói đến thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và cảm động vì hai môn đệ của: 29/6-54

    Nói đến thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và cảm động vì hai môn đệ của Chúa Giêsu được sinh ra giữa hai môi trường, hai gia đình khác nhau, hai nền giáo dục khác nhau. Tuy nhiên, đi theo Chúa Giêsu thánh Phêrô và thánh Phaolô đã trở nên hai tông đồ nhiệt thành, trung kiên đến giọt máu cuối cùng để làm chứng nhân cho Chúa phục sinh.

HAI CON NGƯỜI, HAI TÍNH KHÍ KHAC NHAU: Đọc lại Tin Mừng chúng ta không khỏi nửa cười nửa khóc, thánh Phêrô xuất thân từ một gia đình thuyền chài, làm nghề đánh cá, tính tình nóng nảy, ăn nói không xuôi, cục mịch, thánh Phaolô lại là một thư sinh, cha mẹ trí thức, Ngài là người học cao hiểu rộng. Tuy hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô xuất thân từ những giới khác nhau và trình độ, tính khí cũng không giống nhau, nhưng các Ngài lại có chung một mẫu số là yêu mến Chúa Giêsu hết mình. Ơn kêu gọi của hai Ngài cũng hoàn toàn riêng biệt. Khi Chúa gặp Phêrô đang trên thuyền để cùng cha mình và Anrê chuẩn bị lưới đánh bắt cá, Chúa gọi  Phêrô, Ngài đã bỏ mọi sự mà theo chân Chúa. Theo Chúa, Phêrô vẫn nóng nảy, bộc trực, ông nói đó nhưng lại không giữ lời. Theo dõi cuộc hành trình của thánh Phêrô, chúng ta không khỏi buồn cười và ngạc nhiên. Buồn cười vì con người bộc trực, nhưng lại rất mềm yếu của Phêrô. Ngạc nhiên vì con người của Phêrô luôn biết nhận ra khuyết điểm, yếu đuối của mình để sửa đổi, để quay lại. Chúa loan báo cuộc khổ hình Ngài sẽ phải chịu để cứu rỗi nhân loại, Phêrô không tin, ông bịt tai không muốn nghe và phản kháng lại Chúa Giêsu. Chúa mắng ông là satan.Để thử lòng ông, Chúa hỏi Phêrô tới ba lần:” Phêrô, con có yêu mến Thầy không ? “. Phêrô vốn nóng tính, nên Ông tỏ ra bực tức, sao Thầy lại hỏi mình tới ba lần như thế! Chúa muốn cho Phêrô có cơ hội để chuộc lỗi lầm của mình, ba lần hỏi của Chúa là ba lần để Phêrô nói lời yêu thương và tuyên xưng lại niềm tin. Phêrô đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở, Ông đã thưa:”  Thưa Thầy có, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy “ ( Ga 21, 17 ). Phêrô đã thực sự khám phá ra con người của Chúa Giêsu sau ba lần phản bội. Còn thánh Phaolô, một con người trí thức, hăng say với việc bắt bớ Giáo Hội, bắt bớ các môn đệ của Chúa vì Ông tưởng mình đang làm đúng. Phaolô nhiệt tình truy lùng các môn đệ Chúa, nhưng Ông chỉ nhận ra Chúa khi Ông bị Chúa làm cho Ông ngã ngựa và mù lòa hai mắt khi đang truy đuổi các môn đệ. Đối diện với Chúa trên đường Đamas khi Ông đang nằm sóng xoài trên đường vì bị đánh ngã khỏi con ngựa Ông đang cưỡi, với đôi mắt mù lòa, Ông nghe tiếng Chúa và Ông nhận ra Người. Đây là cuộc gặp gỡ, một sự khám phá ra Chúa vô cùng lạ lùng và kỳ diệu. Ông thưa với Chúa:” Lạy Chúa, Chúa muốn con làm  gì ?” . Sau đó, Phaolô đã được chữa khỏi mù lòa, Ông trở nên môn đệ của Chúa và trở thành vị tông đồ cho dân ngoại. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã gặp gỡ nhau và bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo Hội của Chúa.

THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ MUỐN NÓI VỚI CHÚNG TA ĐIỀU GÌ ?: Mừng lễ hai vị tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta vẫn tự hỏi:” Tại sao Chúa lại chọn các Ngài, những con người xem ra yếu đuối và hay sa ngã ? “. Để hiểu được điều đó chắc chắn chúng ta phải tạ ơn Chúa vì chính bởi tình thương vô biên của Chúa mà Chúa đã chọn các Ngài. Hai thánh Phêrô và Phaolô là hình ảnh phong phú, đa dạng của Hội Thánh, là niềm tin và hy vọng của tất cả chúng ta. Chúa muốn cứu rỗi mọi người. Chúa không loại trừ bất cứ người nào. Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy nhiều người được Chúa gọi, nhiều người được Chúa chọn. Ơn gọi là do tình thương bao la của Chúa. Chúa muốn chọn ai tùy Chúa, không ai có quyền bắt buộc Chúa phải chọn mình theo ý mình. Chúa gọi Lêvi người thu thuế, Chúa gọi ông Giakêu và Ngài vào nhà ông cùng với các môn đệ để yêu thương và tha thứ cho ông. Chúa tha thứ cho Mađalêna. Chúa yêu thương những người tội lỗi, những người thu thuế, những kẻ nghèo hèn, những kẻ thấp cổ bé họng, những người bị xã hội đẩy ra ngoài lề. Chúa yêu thương và yêu thương tất cả mọi người. Các môn đệ đi theo Chúa, không phải tất cả đều tốt, Chúa biết điều ấy nhưng Ngài vẫn gọi Giuđa Iscariốt.

   -Qua ơn gọi của Phêrô và Phaolô, Chúa muốn dạy nhân loại, dạy mọi người: “ Chúa đầy lòng xót thương và tình thương Chúa vượt qua mọi biên giới, vượt qua mọi rào cản “.

   -Chúa đã yêu thương đến nỗi tự hiến vì nhân loại, vì mỗi người:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ).

   -Chúa cho chúng ta thấy không phải Phêrô không tin vào Chúa, nhưng vì Ông yêu mến Chúa rất nhiều, nên Ông chống lại con đường khổ giá mà Chúa loan báo, bởi vì Ông không hiểu hết về Chúa Giêsu. Chúa đã nói:” Ai  muốn giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được “.

  -Phaolô đã lầm lẫn khi bắt bớ Giáo Hội của Chúa và Ông đã nhận ra điều đó khi Chúa hỏi Ông:” Tại sao ngươi bắt bớ Ta ? “. Đó là một mạc khải đối với thánh Phaolô. Điều khác nữa Ngài viết trong thư  gửi tín hữu Galata:” …Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mạc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin mừng về Con của Người cho các dân ngoại “.

      Thánh Phêrô và thánh Phaolô là mẫu gương tông đồ sáng chói để mọi người noi theo.

      Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các ngài Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các Ngài giảng dạy  ( Lời nguyện nhập lễ, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ ). Amen .

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

5. Hai Con Người

Từ xưa tới nay, Giáo Hội vẫn có thói quen liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trong một: 29/6-55

Từ xưa tới nay, Giáo Hội vẫn có thói quen liên kết hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô trong một triều thiên vinh quang. Kinh Tiền Tụng hôm nay đã diễn tả như sau: Thánh Phêrô là vị thủ lãnh trong việc tuyên xưng Đức Kitô. Thánh Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu Đức Kitô. Thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho những người Israel còn lại. Thánh Phaolô là thầy và là đấng dạy dỗ muôn dân được kêu gọi. Và kinh Tiền Tụng đã kết luận: Các ngài đã dùng những đường lối khác nhau mà quy tụ một gia đình cho Chúa. Với lời ca tụng trên đây, Giáo Hội không những đề cao sự hợp nhất giữa hai đường lối khác nhau mà còn ngợi khen sự hợp nhất giữa hai con người có nhiều khác biệt.

Thực vậy, thánh Phêrô vốn bản chất dân chài lưới, trực tính và nghiêng về thực tiễn. Còn thánh Phaolô là người trí thức, hay lý luận và thích đào sâu giáo lý. Thánh Phêrô quan tâm đến việc loan báo Tin Mừng cho người đạo cũ, nên không muốn sửa đổi nhiều những gì vốn có kẻo phật lòng họ. Còn thánh Phaolô nhằm truyền bá đức tin cho các dân ngoại, nên muốn bỏ đi những lề luật của đạo cũ không còn thích hợp, kẻo nặng gánh cho những người dân ngoại xin tòng giáo. Thánh Phêrô là Giáo hoàng, nhưng không vì thế mà áp đặt ý kiến của mình. Thánh Phaolô là Giám mục, nhưng không vì thế mà không thẳng thắn trình bày quan điểm riêng của mình, để trao đổi và bàn luận. Thánh Phêrô là người đã có lần chối Chúa vì yếu đuối và đã ăn năn sám hối do cái nhìn xót thương của Chúa. Còn thánh Phaolô đã có lần bắt bớ đạo Chúa vì lầm lạc và đã trở lại nhờ sự giúp đỡ của một môn đệ Chúa.

Với nhiều khác biệt, hai thánh Phêrô và Phaolô tông đồ đã được liên kết lại để bổ túc cho nhau, làm cho nền móng của Giáo Hội được bền vững. Động lực liên kết các ngài lại với nhau chính là việc mở rộng Nước Chúa. Cái nhìn trên đây giúp chúng ta thêm tin tưởng hơn vào Chúa trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển Giáo Hội. Đúng thế, Giáo Hội là hình ảnh của sự quy tụ hiệp thông và liên kết. Giáo Hội là khí cụ kết hợp với Chúa và với nhân loại. Trong Giáo Hội có yếu tố Thiên Chúa và cũng có yếu tố nhân loại. Có người nhân đức và cũng có kẻ tội lỗi. Có phẩm trật và cũng có thành phần dân Thiên Chúa. Giáo Hội vừa trung thành với truyền thống vừa phải đổi mới cho thích hợp với lịch sử từng thời và từng nơi. Giáo Hội vừa củng cố đức tin cho người có đạo lại vừa truyền bá đức tin cho người ngoại đạo.

Biết liên kết những cái khác nhau trong Giáo Hội và trong nhân loại là một đặc điểm quan trọng của Kitô giáo. Bởi vậy trong giây phút này chúng ta hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất, mặc dù có những khác biệt trong lòng Giáo Hội, nhưng chúng ta vẫn có thể và phải liên kết phải trở nên một hầu ước vọng của Chúa Giêsu sẽ là một sự thật: Xin cho mọi người được hợp nhất trong chúng ta để cho thế gian nhận biết rằng Cha đã sai con.

6. Hai cuộc đổi đời – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Các ngài là cột trụ của Hội Thánh: 29/6-56

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ. Các ngài là cột trụ của Hội Thánh. Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng toà nhà Hội thánh vững chắc và toả rạng cho khắp năm châu.

 Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh. Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi “ma quỷ cũng không thắng nổi”. Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rầy đây mau đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giêsu.

Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ những văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng. Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.

Thực vậy, nhìn vào đời sống của hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã. Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết. Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm. Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa. Chính ông đã đồng loã với bọn quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano. Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu. Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô. Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài. Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm. Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con”.

Theo Thánh Kinh kể lại: Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô, Ngài biết hết! Phêrô chột dạ. Phêrô nhớ lại lời Thầy: “Nội trong đêm nay, trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”. Tức thì, Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trũi nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức. Còn lời nào biện mình cho hành động hèn nhát của ông. Còn đâu lời khẳng khái: “mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã “đổi mới” tâm hồn Phêrô. Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

Còn Phaolô thì sao? sau khi ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà. Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Nhưng thật ra, tâm hồn ông lại sáng. Ông đang thấy và thấy rất rõ. Đó là Đức Giêsu, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Đó là sự thật mà ông phải chấp nhận. Một sự thật mà từ nay ông phải làm chứng về những điều đã nghe, đã thấy và đã biết.

Vâng, có thể nói, nhờ sự đổi mới cuộc đời của Phêrô và Phaolô mà cả thế giới được đổi mới. Văn hoá ky-tô giáo đã làm mới lại bộ mặt địa cầu. Có thể nói ở đâu đó còn có những người chưa tin vào Chúa nhưng họ đã được thấm nhuần văn hoá Kitô giáo. Ở đâu đó vẫn còn đó những người được đổi mới cuộc đời nhờ vào lời Chúa và sức mạnh của tin mừng. Ở đâu đó vẫn còn đó những tâm hồn thất vọng, lầm than họ đã bừng lên niềm hy vọng nhờ những giá trị tin mừng mà Kitô giáo mang lại cho họ.

Mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống của các tông đồ mang tin mừng đến khắp cùng trái đất. Mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động, góp phần xây dựng toà nhà Hội thánh. Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tuỳ theo nhu cầu của Ngài. Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống. Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ. Xin Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta. Amen.

7. Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)

Đó là câu hỏi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình để trắc nghiệm họ về sự hiểu biết của họ về: 29/6-57

Đó là câu hỏi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của mình để trắc nghiệm họ về sự hiểu biết của họ về danh tính của chính Chúa Giêsu, khi Ngài đang đồng hành với các ông từ thượng lưu Galilê đi xuống. Hẳn đã nhiều lần người ta đặt cho các môn đệ câu hỏi về Chúa Giêsu, lần này chính Thầy Giêsu hỏi họ về Ngài. Một câu hỏi rất cụ thể được Chúa đặt ra, và chờ họ trả lời. Và đây, Simon Phêrô đã thay mặt cả nhóm thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Câu trả lời thật rõ ràng. Ở đây, Đức tin của Giáo Hội phản chiếu một cách trọn vẹn. Chúng ta cũng thế, chúng ta được soi sáng cách đặc biệt do lời tuyên xưng của Phêrô.

Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô!”

Với lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu trả lời: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). – Phêrô, con thật có phúc! Hạnh phúc thật, bởi vì sự thật này, là trung tâm đức tin của Giáo Hội, có thể nảy sinh trong tâm thức của con người như công việc của Thiên Chúa. “Không ai biết Con, trừ ra Cha, và không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ Con muốn mặc khải cho” (Mt 11, 27). Câu Tin Mừng giầu ý nghĩa và phong phú này khiến chúng ta suy nghĩ: Ngôi Lời Nhập Thể đã mạc khải Chúa Cha cho các môn đệ của mình, và giờ đây đến lượt Chúa Cha mạc khải cho họ chính Con Một của Ngài. Phêrô chấp nhận sự soi sáng nội tâm và ông can đảm tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”! Những lời này ở trên môi của Phêrô, nhưng phát xuất từ mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa. Đó là những lời mạc khải chân lý nội tại, và đời sống của chính Thiên Chúa. Và Phêrô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, đã trở thành một nhân chứng, và là người tuyên xưng chân lý siêu phàm ấy. Lời tuyên xưng của ông là nền tảng đức tin của Giáo Hội “Trên đá này, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta” (x. Mt 16, 18). Dựa vào đức tin và lòng trung thành của Phêrô, Giáo Hội của Chúa Kitô được thiết lập. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ý thức rõ điều ấy, như sách Công Vụ Tông Đồ đã viết, khi Phêrô bị giam trong ngục. Và Hội Thánh khẩn thiết dâng lời khẩn nguyện lên cùng Thiên Chúa cho ông (x. Cv 12: 5). Giáo hội đã được nghe, vì sự hiện diện của Phêrô vẫn cần thiết cho cộng đoàn trong những giai đoạn đầu của Hội Thánh: Chúa đã sai thiên thần của Người đến mà giải thoát họ khỏi tay những người bách hại (x.12, 7-11.). Điều này đã được viết trong ý định của Thiên Chúa mà Phêrô, sau khi thừa nhận với anh em mình trong đức tin, đau khổ tử vì đạo ở Rôma, cùng với Thánh Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại, cũng thoát chết nhiều lần.

“Nhưng Chúa đã phù hộ tôi và ban sức mạnh cho tôi, để dùng tôi hoàn thành công việc rao giảng, và cho mọi dân tộc được nghe biết. Và tôi đã thoát khỏi miệng sư tử” (2 Tim 4, 17). Đó là những lời của Phaolô người môn đệ trung thành. Những lời này làm chứng cho việc được thành toàn nơi ông nhờ ơn Chúa, Đấng đã chọn ông cho sứ vụ loang báo Tin Mừng. Đấng đã, “chọn ông” trên đường đi Damas (x. Pl 3, 12). Được bao phủ trong ánh sáng chói lòa con mắt, Chúa đã hiện ra với ông và nói rằng: “Saul, Saul, tại sao ngươi bắt bớ Ta? “(Cv 9,4), một sức mạnh diệu kỳ quật ngã ông xuống đất (x. Cv 9,5). Saul hỏi: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Chúa Giêsu trả lời “Ta là Giêsu, ngươi đang bắt bớ”! (Cv 9, 5). Có phải câu trả lời của Chúa Kitô hàm ý Saul đang bách hại những người theo Chúa Giêsu và Chúa Giêsu báo cho ông biết rằng, chính bản thân ông cũng đang bị họ bách hại lại. Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng chịu đóng đinh, Đấng mà các Kitô hữu loan truyền. Ngài đã phục sinh. Nếu bây giờ, Saul cảm thấy sự hiện diện mạnh mẽ, rõ ràng rằng Thiên Chúa đã thực sự sống lại từ cõi chết. Ngài chính là Đấng Mê-sia, Đấng dân Israel trông đợi, đó là Chúa Kitô hằng sống, đang hiện diện trong Giáo Hội và thế giới!

Với lý lẽ trên, liệu Saul có thể hiểu tất cả những gì hàm chứa trong một biến cố như vậy không? Chắc là không! Đúng thế, vì đó chỉ là một phần trong những ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha sẽ trao ban cho Phaolô ơn hiểu biết mầu nhiệm cứu chuộc, do Đức Kitô thực hiện. Chính Ngài sẽ làm cho Phaolô hiểu được thực tại tuyệt vời của Giáo Hội, để Phaolô sống cho Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Còn Phaolô, khi tham dự vào thực tại này, ông sẽ không ngừng loan truyền cách không mệt mỏi cho đến tận cùng của trái đất. Từ Damas, Phaolô bắt đầu cuộc hành trình tông đồ của mình, hành trình ấy sẽ dẫn Phaolô mang Tin Mừng cho mọi quốc gia trên thế giới, đến những nơi mà ông được kêu gọi. Lòng nhiệt thành truyền giáo của Phaolô sẽ giúp ngài thực hiện được nhiệm vụ mà Chúa Kitô ủy thác cho các Tông Đồ: “Vậy anh em hãy đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 19).

Sự hiệp nhất tròn đầy của Giáo Hội!

Giáo hội mang trong mình sứ mạng do Chúa Kitô ủy thác. Đây là sứ mạng cần thiết ở thời đại này. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hiệp nhất và những tiến trình cho hiệp nhất, đừng bao giờ chán nản, hay thất vọng.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta sớm đạt được sự hiệp thông trọn vẹn nơi tất cả những người tin vào Chúa Kitô. Hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô đã cho chúng ta ơn đó, Giáo Hội nhắc lại cho chúng ta trong ngày này, nhờ sự kính nhớ cái chết tử đạo, ngày sinh ra vào đời sống mới trong Chúa của các ngài. Vì Tin Mừng, các ngài đã chấp nhận chịu đau khổ, chịu chết và các ngài đã được tham dự vào sự phục sinh của Chúa. Đức tin mà các ngài minh chứng bằng cái chết tử đạo của chính mình, là đức tin giống như Đức Maria, Mẹ của những người tin, Mẹ của các thánh Tông Đồ, và các thánh nam nữ trong mọi thời đại. Ngày nay, Giáo Hội tuyên xưng đức tin ấy. Đức tin của chúng ta, đức tin vững vàng của Giáo Hội tin vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, Người là Con Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta và toàn thế giới.

8. Hai chứng nhân lịch sử tử đạo: Phêrô và Phaolô

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Ngày 29 tháng 6, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng lúc tôn kính hai thánh Tông Đồ Phêrô: 29/6-58

Ngày 29 tháng 6, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cùng lúc tôn kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Các ngài là hai cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô, và theo Truyền Thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính và biết ơn đối với hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, vừa đồng thời là một lời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền. Thánh Phêrô có tên gốc là Simon, làm ngư phủ người Galilê, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Thánh Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô, họ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa. Phêrô bị bắt và được cứu cách lạ lùng: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do thái mong muốn tôi phải chịu”. (Cv 12,11).

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Ki-tô, đã xứng đáng nghe lời này: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ “tảng đá”, chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Thánh Phaolô là “dụng cụ ưu tuyển” để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc. Thánh Phêrô, người đánh cá miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô là người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Đức Giêsu khi Người còn sống. Nhưng ông gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, Phaolô trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin. (x. Cv 9, 1-22)

Cả hai đều được Đức Giêsu gọi, Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Đamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Người. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.

Chúa Giêsu đã chọn một số môn đệ mà Người gọi là Tông Đồ. Trong số các ngài, hầu như bất cứ nơi đâu, chỉ một mình ông Phêrô là xứng đáng đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Chính vì là đại diện duy nhất của toàn thể Hội Thánh, nên ông xứng đáng được nghe Chúa nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19). Không phải một cá nhân, nhưng cả Hội Thánh duy nhất đã lãnh nhận chìa khoá này.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Mt 16,17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, ngài không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng: “Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến”. (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Đức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. “Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Đấng ông chưa hề chung sống, vì Người là “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: “Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Đức Kitô” (Rm 8, 35.39)

Tình yêu Đức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo, vì nói cho cùng truyền giáo chính là giúp người khác nhận ra và yêu mến Đấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại. Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28); “Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Đức Giêsu” (Gl 6, 1-7).

Cả hai vị thánh đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo và dám yêu dám sống và dám chết cho Đức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, xin cầu cho chúng con. Amen.

9. Đứng dậy nhờ ơn Chúa – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Trong buổi trò chuyện, diễn thuyết tối 22/05 tại White Palace (Tp. HCM), Nick Vujicic đã cho: 29/6-59

Trong buổi trò chuyện, diễn thuyết tối 22/05 tại White Palace (Tp. HCM), Nick Vujicic đã cho mọi người thấy rằng, người bị khuyết tật nghĩa là họ khiếm khuyết điều gì đó, nhưng người mang nỗi tự ti mới là người bị khuyết tật thực sự.

Nick đã nói: “Dù ai đó không phải ngồi trên xe lăn nhưng bạn vẫn phải trải qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Nếu lúc đó bạn thiếu tự tin, bạn sợ thất bại, sợ nhìn về tương lai thì chính điều đó sẽ níu kéo bạn, khiến bạn không thể tiến lên”.

Nick còn nói thêm: “Khi tôi 10 tuổi, tôi gần như muốn buông xuôi, tôi muốn đầu hàng và nghĩ không bao giờ có công việc, có thể cưới vợ, lập gia đình. Nhưng bây giờ tôi không chỉ lấy vợ, lập gia đình mà còn có đứa con trai.

Chúng ta sẽ không biết được sự khó khăn diễn ra như thế nào nếu không tạo cho bản thân cơ hội để vượt qua nó. Đừng bao giờ từ bỏ khi bạn gặp thất bại hay khó khăn”.

Quả thực, con người luôn có những khuyết tật. Có người bị khuyết tật điều này, người điều kia. Không ai hoàn hảo về thể xác hay về tâm hồn. Tuy nhiên, có người biết bổ túc cho khuyết tật của mình bằng nghị lực, bằng phấn đấu, bằng niềm tin vươn lên. Nhưng cũng có người buông xuôi, than trách cho số phận và để mặc cho dòng đời đưa đẩy.

Nick không phải là một thiên tài. Nick là một nhân vật điển hình cho bao người biết phấn đấu vươn lên để bổ túc cho khuyết tật của mình. Anh không có chân tay nhưng anh vẫn lạc quan phấn đấu vươn lên, nhất là biết dùng môi miệng mình để diễn thuyết, để rao giảng về Thiên Chúa. Anh không buông xuôi theo số phận nhưng biết tận dụng khả năng giới hạn của mình để có thể phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Anh đã rao giảng về Chúa ở quê hương anh. Anh đã rao giảng vượt qua biên giới để đến nhiều vùng đất xa xôi. Anh đã đến Việt Nam và đã tuyên xưng mình tin vào Thiên Chúa, tin vào thiên đàng và đó là lẽ sống cuộc đời anh, là lý do anh sống và vươn lên.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng từng có những khuyết tật trong cuộc đời của các ngài. Phêrô yếu đuối, nhút nhát. Phaolô kiêu căng, thẳng thắn. Vì tấm lòng khuyết tật nên Phêrô từng chối Chúa ba lần. Còn Phaolô thì lao vào việc truy sát người tin vào Chúa Giêsu phục sinh để bách hại và giết chết. Thế nhưng, cả hai đã nhận ra sự khuyết tật của mình để phấn đấu, để vươn lên. Nhất là biết cậy vào ơn Chúa mà kiện toàn con người mình và phụng sự Thiên Chúa. Phêrô đã từng cảm nghiệm “Ơn Ta đủ cho ngươi và quyền năng Ta hiển trị trên sự yếu hèn của ngươi”. Phaolô thì trông cậy vào sức mạnh của Chúa mà ông đã đi đến cùng sự bách hại, gian truân, đói rét, tù đầy nhưng vẫn giữ vững đức tin. Cả hai đã nhờ ơn Chúa mà bù đắp những khuyết tật của mình để hoàn thiện con người mình theo như lòng Chúa mong ước.

Hôm nay mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, trước hết chúng ta cảm tạ Chúa đã cho chúng ta hai tấm gương biết sám hối và canh tân. Các Ngài không chết trong tội như Giuđa nhưng đã đứng lên để làm lại cuộc đời. Các Ngài đã ý thức sự yếu đuối bất toàn của mình để cần đến ân sủng của Chúa. Các ngài đã biết nương tựa vào ơn Chúa để thắng vượt những giới hạn của bản thân. Và trên hết chính là tấm gương rao giảng tin mừng không mệt mỏi, không chùn bước trước nghi nan. Cho dẫu dòng đời có những sóng gió nguy nan. Cho dẫu đường trần có lắm gian truân, các ngài vẫn kiên trung cho đến cùng lòng trung thành với Chúa. Các ngài luôn ý thức rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”, thế nên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Nước trời”.

Xin cho chúng ta luôn ý thức thân phận yếu đuối của mình để nhận ra tình thương tha thứ của Chúa vẫn dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết nương tựa vào ân sủng của Chúa để kiện toàn mình mỗi ngày một tốt hơn. Và xin cho chúng ta biết chuyên tâm lắng nghe lời Chúa và nói về Chúa cho tha nhân. Amen.

10. Hai Con Người, Hai Ơn Gọi

Mt 16, 13 – 19

Này Phêrô, Thầy bảo cho con biết: Phêrô nghĩa là đá; trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng nổi.Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời; điều gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc… (Mt 16, 13-19)

Ơn gọi của Phêrô cũng giống như các môn đồ khác. Ngài thuộc nhóm bốn môn đồ đầu tiên. Phêrô: 29/6-60

Ơn gọi của Phêrô cũng giống như các môn đồ khác. Ngài thuộc nhóm bốn môn đồ đầu tiên. Phêrô và Anrê trước kia là môn đồ của Gioan Tẩy giả. Điều đặc biệt với Phêrô, đó là: ngài là người duy nhất được Chúa Giêsu đổi tên từ Simon ra Phêrô. Theo truyền thống Do thái, điều đó có ý nghĩa là ngài được trao cho một sứ mạng đặc biệt (Mt 16, 16).

Trong khi đó, Phaolô lại được gọi cách bất ngờ, mạnh mẻ. Chúa Giêsu dùng quyền mà khuất phục Phaolô, biến ông từ kẻ chống đối dữ dội, thành tông đồ nhiệt thành. Bài TM hôm nay chỉ đề cập đến Phêrô, nhưng chắc chắn không làm lu mờ địa vị của Phaolô.

  1. Qua bài Tin Mừng này, qua lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Kitô nhận ra ngay Ý Chúa Cha chọn Phêrô, nên mới soi sáng cho Phêrô biết bản tính siêu việt của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Kitô liền tuyên bố thiết lâp Hội Thánh trên nền tảng “Đá Phêrô” và công bố quyền lực tử thần không lấn át nổi; đồng thời Người cũng trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô.

Người ta có thể trách Chúa Giêsu, sao lai chọn các môn đồ tệ đến như vậy! Phêrô chối Chúa ba lần; Phaolô bắt bớ dữ dôi Hội Thánh Chúa. Thực ra, sau khi Chúa Thánh Thần đến, các ông hoàn toàn biến đổi, biến đổi đến ta phải kinh ngạc, sửng sờ. Người ta thường trách Chúa Giêsu vì đã chọn Phêrô là người chối Chúa; trách như thế là lầm to; Chúa Kitô hiểu rõ Phêrô hơn ta nhiều! Trên đời này, trừ Mẹ Maria ra, khó có người nào đã không sai lầm hay yếu đuối trong cuộc sống.Người ta lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn đến cuộc đời của Phaolô, càng cho ta thấy rõ về ơn sủng của TC tác động trong tâm hồn chúng ta mạnh mẻ là chừng nào! Trước khi bị TC khuất phục, Phalolô còn rất tre, lại có thế giá trong giáo quyền Do thái. Là người biệt phái nhiệt thành, lại có quốc tịch Rôma nữa. Vậy mà khi bị Chúa chiếm hữu, Phaolô hoàn toàn đổi mới; từ một người bắt bớ các tín hữu Kitô, Phaolô nay là nhà truyền giáo lỗi lạc, không hổ thẹn, với sự nghiệp truyền giáo đồ sộ, là nhà thần học xuất sắc. Vậy mà tất cả những gì Phaolô làm được, ngài cho là chỉ do ân sủng của TC mà thôi (1 Cor 3, 5+). Phaolô khẳng định mạnh mẻ: “đối với tôi, sống là Đức Kitô”. “Tôi không muốn biết điều gì khác, ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh”. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20)Thực ra, cả hai vị tông đồ đều đi cùng một con đường: “đến với Đức Kitô, vì Đức Kitô và cho Đức Kitô” như lời Phaolô nói: “Tôi biết, tôi đang tin vào ai…”.

  1. Mỗi người Kitô hữu chúng ta khi lãnh nhận BT rữa tội, là lãnh nhận cùng một sứ mạng như hai vị tông đồ cả mà chúng ta kính nhớ hôm nay. Dù chúng ta không có địa vị như các ngài, thánh thiện, tài năng như các ngài; tuy nhiên điều quan trọng Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta, không phải là ta sẽ làm được điều gì, hơn là chúng ta sẵn sàng sống và chết cho Đức Kitô, như lời Phaolô nói: Tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Kitô.

Hội Thánh Chúa Kitô, được xây dựng trên những con người bề ngoài có vẽ tầm thường; nhưng rõ ràng với ơn sũng của Thánh Thần, Hội Thánh không có gì mà không làm được. Ta có tin vào Hội Thánh, nhất là tin vào Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh không?

11. Trụ Cột Của Giáo Hội

Mt 16, 13 – 19

Có thể nói, không ai liều mạng hơn Đức Giêsu trong việc tuyển chọn môn đồ để kế tục sự nghiệp: 29/6-61

Có thể nói, không ai liều mạng hơn Đức Giêsu trong việc tuyển chọn môn đồ để kế tục sự nghiệp của mình. Trong nhóm 12 môn đệ ruột, có những thành phần bị coi là rốt cùng trong xã hội: chài lưới, thu thuế, trộm cắp . . . Hậu quả của việc liều mạng ấy là có người chối Thầy, có người bán Thầy, có người chạy thục mạng khi Thầy gặp nguy hiểm . . . Và hình như việc đó còn chưa làm Ngài thất vọng và chán nản, nên còn tuyển thêm một đồ đệ vốn là “thù địch” của mình nữa. Việc làm như thế nếu không liều mạng thì sẽ gọi tên là gì? Chúa biết ! Hôm nay, Giáo hội mừng kính 2 vị thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, cột trụ của Giáo hội Chúa. Chúng ta hãy cùng suy gẫm đôi điều về cuộc đời của hai vị tông đồ trụ cột này để thấy được tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta.

Nhìn lại “thành tích” quá khứ của 2 vị tông đồ này, chúng ta cảm thấy hơi ngán ngại. Nếu Phêrô chối Đức Giêsu trong cơn nguy khốn và cô đơn tuyệt đỉnh thì Phaolô ở trong tình trạng căng thẳng hơn nhiều. Vì quá nhiệt thành với Do thái giáo, nên Phaolô rất dị ứng với Kitô giáo. Ông muốn tẩy trừ Danh Đức Giêsu Kitô ra khỏi cuộc đời này. Vì thế, ông rất hăng say bắt bớ và giết hại những ai xưng mình là Kitô hữu. Dù vậy, Chúa vẫn thương ông vì biết ông hành động do không hiểu biết và lầm lạc cách vô tình. Chúa nhìn thấu tâm hồn của ông chứ không theo những gì là bên ngoài. Hơn thế nữa, Ngài còn coi: “người này là lợi khí của Ta”. Biến cố Phaolô ngã ngựa trên đường đi Đamas mang nhiều ý nghĩa thâm sâu, nhưng trên hết là biến cố của lòng thương xót Chúa dành cho Phaolô nói riêng và cho con người chúng ta nói chung.

Giáo hội được xây trên nền tảng các tông đồ, những con người yếu kém và nhiều sai lỗi. Thế nhưng, Giáo hội đã trở thành men trong bột và làm cho cả khối bột là thế giới này dậy men. Chúa muốn cho con người nhận ra sự thật này là: Chúa yêu thương con người và muốn con người hãy tín thác vào Chúa, chứ đừng cậy dựa vào sức riêng của mình. Thế giới đang được Chúa yêu thương và chăm sóc từng giây từng phút, nhưng ít có ai nhận ra được điều đó. Đa số con người vẫn nghĩ rằng Chúa ban ơn cho họ cũng giống như một người nào đó tặng quà cho họ; lâu lâu một lần, có cũng được, không có cũng được. Đó là một sai lầm tai hại. Chúng ta cần xác tín rằng, nếu Chúa không giữ gìn ta và không chăm sóc dù chỉ một giây thôi thì chúng ta sẽ ra tro bụi hết. Đó là một huyền nhiệm của tình yêu mà chúng ta cần ý thức lại và tái khám phá để cuộc sống của chúng ta thêm an vui và hạnh phúc trong Chúa.

“Người ta bảo Thầy là ai?” Phêrô đã trả lời rất đúng “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” Trả lời như thế nhưng ông chưa hiểu rõ Con Người của Đức Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài bao nhiêu. Do đó, ông đã nhát đảm và chối Chúa khi gặp gian nan khốn khó. Nhưng sau này, khi hiểu được Đức Giêsu Kitô cùng tận nhờ Chúa Thánh Thần, ông đã hết hết tình vì Danh Đức Giêsu Kitô.

Phaolô sau khi trở lại cũng có một niềm xác tín thâm sâu vào Đức Giêsu. Phaolô đã trả lời câu hỏi “Đức Giêsu là ai” như sau: ” Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự” (Rm9,5). Với niềm xác tín ấy, Phaolô đã sống hết mình vì Đức Giêsu Kitô, bất chấp mọi gian nguy khốn khó trong cuộc đời này nhằm cản bước tiến của ông trong việc làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Còn chúng ta thì sao? Đức Giêsu là ai trong cuộc đời của tôi và của bạn? Ngài có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của chúng ta không? Câu hỏi ấy dành riêng cho mỗi người chúng ta. Khi nào chúng ta trả lời được Ngài là ai cách xác tín và mạnh mẽ, chúng ta mới có thể sống trọn vẹn cho Ngài mà thôi.

Tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa biểu lộ cách cụ thể nơi Đức Giêsu, chúng ta sẽ cảm thấy được an ủi để làm lại cuộc đời, một cuộc đời vốn đầy tội lỗi như Phêrô khi chối Chúa, như Phaolô trước khi gặp Chúa và được Chúa hoán cải. Hãy nhớ lại xem, trước sai lỗi của các tông đồ, Chúa Giêsu đã làm gì? Ngài không hề trách móc các ông, nhưng dùng tình thương để cảm hoá các ông. Đó có thể là ánh mắt thoáng buồn của Đức Giêsu nhìn vào Phêrô; đó có thể là việc cho Phaolô ngã ngựa và mù loà . . . và tình thương chứ không phải hận thù đã chiến thắng, đã qui phục được lòng người. Thiên Chúa là tình yêu và Ngài luôn hành động vì tình yêu và chờ đợi con người đáp trả lại cách tự do. Chúa vẫn hỏi mỗi người chúng ta như Chúa đã hỏi Phêrô ngày xưa: “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Nếu chúng ta thật lòng mến Chúa thì chúng ta cũng phải yêu mến anh em mình, dù cho đó là con người khó thương nhất.

Nơi bệnh viện mà nữ tu Antoinette đang phục vụ có một ông lính già cực kỳ khó tính. Gặp ai ông cũng nhăn nhó, nạt nộ. Có chuyện gì trái ý, ông la lối rùm beng lên.

Ngày kia, đang mải mê phục vụ, nữ tu Antoinette nghe tiếng “lính già khó tính” hét lớn: Đem cho tôi một quả trứng luộc”. Antoinette vui vẻ đem quả trứng đến cho ông.

– Trứng chưa chín đủ mà cũng đem tới à? Lính già khó tính nhăn nhó. Antoinette tươi cười đem trứng đi luộc lại.

– Trứng gì mà luộc chín quá vậy? Vô ý vô tứ quá!

Antoinette chẳng biết làm sao. Chị bèn đi lấy một cái bếp lò đến kê bên giường và trao cho ông lính già khó tính một cái trứng để luộc cho vừa ý ông. Ông lính già thấy thế nổi máu nóng lên, đạp đổ bếp lò, quẳng quả trứng xuống nền gạch, miệng quát lớn: “Cô không biết tôi là bệnh nhân sao? Bệnh nhân mà đi luộc trứng à?”

Nữ tu Antoinette chẳng nói nửa lời, thinh lặng cúi xuống thu nhặt, quét dọn . . . Lát sau, chi đem đến cho ông lính già khó tính một cái trứng khác: “Ông cố gắng dùng thử cái trứng này, tôi luộc vừa chín thôi?” Bất giác, ông lính già rùng mình cảm động, nói lí nhí trong miệng: “Tôi ăn quả trứng này cũng là ăn lòng tốt của cô nữa.”

Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng hơn bất cứ một biến đổi ngoạn mục nào, nhất là nó có khả năng biến đổi cả lòng người nữa.Ước gì chúng ta biết noi gương theo Thầy Chí Thánh Giêsu luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người đang lầm lạc trong cuộc đời này để dùng tình yêu mà cảm hoá họ.

Xin cho chúng ta luôn biết nhẫn nại và quảng đại với những sai lỗi của con người và luôn coi họ hành động sai lầm vì họ không biết và ngây ngô mà thôi. Chắc chắn rằng khi chúng ta biết hành động yêu thương như Chúa, như nữ tu Antoinette, chúng ta sẽ trở thành những tông đồ “trụ cột” như hai thánh Phêrô và Phaolô mà chúng ta mùng kính hôm nay.

12. Mẫu Gương

Mt 16, 13 – 19

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo Hội. Nhờ đó mà Giáo hội: 29/6-62

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ thánh Phêrô và Phaolô, hai cột trụ của Giáo Hội. Nhờ đó mà Giáo hội có thể đứng vững trong ơn thánh của Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã đem Tin mừng cho thành Rôma và biến nơi trung tâm ngoạI giáo này thành trung tâm Kitô giáo. Chính nơi đây, Thánh Phêrô và những người kế vị ngài sẽ thực hiện việc thánh hoá, giảng dạy và cai quản dân Chúa trên khắp địa cầu.

Sau khi Phêrô thay mặt các tông đồ tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, chính Đức Giêsu đã nói với Phêrô: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng Đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá nước trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì , trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy. Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm Đá Tảng xây Hội Thánh Chúa và trao quyền cầm buộc tháo cởi (vốn là đặc quyền của thiên Chúa) cho Phêrô.

Phêrô là trưởng nhóm 12 và là đại diện của Chúa ở trần gian. Ông đã chối Chúa nhưng đã ăn năn thật lòng. Trước khi về trời, Ngài không nhắc lại lỗi lầm của Phêrô, để ông khỏi hổ thẹn về quá khứ nhưng giao cho Phêrô công việc coi sóc đoàn chiên Chúa: Nếu con yêu mến Thầy, con hãy chăm sóc các chiên của Thầy, yêu mến các chiên của Thầy và đưa về đàn những chiên chưa thuộc đàn này. Sự sống mà Phêrô sẵn sàng hiến dâng cho Thầy thì hãy hiến dâng cho chiên của Thầy. Điều này cho thấy Chúa Giêsu quan tâm chăm sóc chúng ta tới mức độ nào. Việc phục vụ anh em là bằng chứng tình yêu lớn nhất của Phêrô đối với Đức Giêsu. Ngày nay Chúa Giêsu cũng ngỏ lời với mỗi người chúng ta như thế, những gì chúng ta muốn phục vụ cho Chúa để tỏ lòng biết ơn Ngài thì chúng ta hãy làm cho anh em mình. Chúng ta đừng bao giờ trả lời với Chúa như những ngừơi trong Mt 24: chúng tôi đâu có thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống… những người không biết tỏ lòng yêu thương anh em thì Chúa cũng không thể tỏ lòng thương xót họ trong ngày sau hết!

Chúa Giêsu muốn Phêrô nói rõ rằng Phêrô yêu mến Ngài. Quả vậy, Phêrô hết lòng yêu mến Chúa Giêsu. Phêrô đã tận tâm tận lực rao giảng Tin Mừng, không sợ gì đòn vọt hy sinh; tất cả vì Giáo Hội của Ngài, cho đoàn chiên của Ngài. Phêrô lấy làm vinh hạnh khi được chịu khổ vì Đức Kitô. Mỗi khi bị đánh đòn trước công chúng, các ngài không tức giận những người đánh mình. Trái lại còn hân hoan bởi được chịu khổ nhục vì danh Đức Kitô (Cv 5, 41). Cuối cùng, Phêrô chết trên thập giá để làm chứng về tình yêu của Ngài đốiI với nhân loại.

Chúa Giêsu cũng thích chúng con nói với Ngài rằng chúng con yêu mến Ngài. Nhờ đó, Ngài có thể dạy dỗ chúng con, giúp chúng con mỗi ngày một trưởng thành hơn, luôn theo sát bên Ngài và cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ loài người. vấn đề là bây giờ con có dám nói với Chúa là “con yêu mến Chúa” hay không? Nếu Ngài đòi con tỏ tình yêu bằng những việc hy sinh, con có vui lòng chịu hay không ? Yêu mến Chúa là làm theo ý Chúa, cụ thể trong việc hăng hái làm việc bổn phận hiện tại, kế đó là phục vụ những người nghèo về tinh thần hoặc vật chất. Phục vụ đòi hỏi nhiều hy sinh, chịu cực, mất mát thời giờ, tiền bạc, sức khoẻ… mà không đòi phải được đáp trả. Chính Chúa sẽ trả cho chúng ta trong ngày sau hết. Điều này đòi hỏi phải có lòng Tin, Cậy, Mến và tinh thần quảng đại phó thác.

Phêrô và những người kế vị ngài có nhiệm vụ giữ gìn đức tin của Giáo hội toàn cầu theo đúng mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Phần chúng ta hãy hiệp một lòng một ý cùng Hội Thánh Chúa và góp phần của mình vào để Hội Thánh ngày một phát triển và đem ơn cứu độ đến cho mọi người .

Lạy Thánh Phêrô là người giữ chìa khoá cửa Thiên đàng, xin cầu cho chúng con là những người trong Giáo hội của Thầy Chí Thánh Giêsu được luôn trung thành với Chúa Kitô, nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài. Xin cho những ai sa ngã, biết mau chóng ăn năn thống hối và chỗi dậy như Phêrô. Phần chúng con, chúng con sẽ cố gắng yêu mến Chúa hết lòng hết sức và trở nên những môn đệ nhiệt thành. Xin Chúa gìn giữ chúng con khỏi nao núng giữa cảnh đời đầy cám dỗ và thử thách gian truân.

13. Tuyên Xưng

Mt 16, 13 – 19

Đức Giêsu cùng các môn đệ đi đến địa hạt Cêsarê Philiphê. Đây là thành phố ở chân núi Mermon,: 29/6-63

Đức Giêsu cùng các môn đệ đi đến địa hạt Cêsarê Philiphê. Đây là thành phố ở chân núi Mermon, phía bắc cách hồ Tibêria chừng 40 cây số. Chi tiếc này cho thấy Hội Thánh Chúa không còn giới hạn trong ranh giới Do Thái. Có thể nói công cuộc truyền giáo đánh dấu một thời kỳ mới, một giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn này như một cuộc cách mạng đổi mới toàn bộ tâm tư và cách nhìn của người khác về Đức Kitô. Mặc dù Đức Giêsu hiểu đến tận cõi lòng thâm sâu của các môn đệ mình, nhưng Ngài vẫn muốn có một trắc nghiệm về nhận thức của dân chúng và câu khẳng định của các tông đồ “người ta bảo Thầy là ai?” và “anh em bảo Thầy là ai?”. Cuối cùng câu trả lời của tông đồ Phêrô đã làm vừa lòng Thầy mình: “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đó như là một phần thưởng, là kết quả mà chỉ có Phêrô mới được ban cho đặc ân đó. Có thể nói Phêrô làm được một điều mà chưa người nào làm được. Đức Giêsu đã chỉ cho ông thấy không phải do nỗ lực cá nhân mà ông làm được điều đó, mà là “Cha của Thầy Đấng ngự trên trời”. Thật đúng thế! Xét về tài năng ông vẫn kém hơn các môn đệ khác, xét về lòng can đảm thì lại càng xấu hổ hơn khi ông chối thầy ba lần… nhưng với nỗ lực cá nhân cộng với ơn Chúa Phêrô trở thành con người mạnh mẽ lạ thường. Ông đã mạnh dạn tuyên xưng về Đức Kitô với một định nghĩa đầy đủ nhất về Ngài, để thốt lên được điều mà dân chúng không thể thốt lên đòi hỏi phải có những điều kiện:

  1. Biết kết hiệp với Chúa.

Người ta thường nói “vô tri bất mộ”, phải biết thì mới mộ mến, mới yêu. Nhưng chỉ dùng với những tri thức tầm thường, những hiểu biết khoa học nhỏ bé để nói về Thiên Chúa, thì không thể định nghĩa về Ngài. Những sai lầm của dân chúng hôm nay là quá dựa vào những tri thức, mà mình biết để định nghĩa về Thiên Chúa, kẻ cho là Gioan Tẩy Giả, sở dĩ có dư luận này là do lời nói của Hêrôđê Antipas, cho rằng Gioan Tẩy Giả đã sống lại (Mt 14,2). Kẻ thì bảo là Êlia, vì Malakia (3,23) đã viết “Này Ta sai đến cho các người Tiên Tri Êlia trước khi ngày của Giavê”, nên thời đó người ta tin Êlia chưa chết và sẽ trở lại. Qua những lời khẳng định của họ về Đức Giêsu cho thấy họ là những người hiểu biết về Kinh Thánh và nắm bắt rõ về thời cuộc. Điều này là rất tốt nó như một điều kiện cần phải có, nhưng vẫn chưa đủ. Không những người ta phải hiểu về Chúa, mà còn phải biết kết hợp với Chúa, kề vai sát cách với Người. Sống với Chúa như nguồn lương thực không thể thiếu. Chính vì đã làm được như thế, nên sau khi Đức Giêsu hỏi Phêrô đã nhanh chóng tuyên xưng ngay. Ông khẳng định một cách xác tín mà không chần chờ, ông quyết định mà biết chắc là sẽ đúng, vì đối với ông lúc đó ông đã kết hợp với Chúa như lẽ sống của mình. Chắc chắn tâm trạng lúc đó của Phêrô không khác chi tâm trạng của Phaolô khi nói “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống nhưng là chíng Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Chỉ khi nào hiểu và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, thì con người mới có thể tuyên xứng đúng về Ngài. Thật là ảo vọng khi mình nói về Chúa cho người khác mà mình lại không tuyên xưng đúng về Ngài, rao giảng Tin Mừng như thế không những không đem lại kết quả, mà còn đem đến hậu quả. Khi tiền đề về Đức Kitô sai thì đưa đến hậu kết sai là một điều hiển nhiên, và một hình ảnh méo mó về Đức Kitô trong con mắt người khác là không thể tránh khỏi.

  1. Đón nhận hồng ân.

Phêrô vừa dứt lời, thì Đức Giêsu mừng rỡ khen ngợi học trò mình cách đặc biệt “Chính Cha Thầy đã mạc khải cho con”. Phêrô đã được chọn như một công cụ đắc lực cho Chúa. Đức Giêsu mừng không phải do tài năng do trí phán đoán của Phêrô, nhưng niềm vui mừng là Phêrô dám chấp nận để ơn Chúa biến đổi, sẵn sàng đón nhận ơn Người như một hồng ân. Phêrô không nhận hồng ân đó cho riêng mình, mà nhận để rồi thay mặt cho nhân loại tuyên xưng Đức Kitô. Thật ra các ân huệ trao ban không nhằm để phục vụ cho những lợi ích riêng mình, nhưng nhằm lợi ích cho tha nhân, cũng như những người khác họ lãnh những ân huệ cũng vì lợi ích của bạn. Kinh Thánh nói: “Thần Khi tỏ mình ra mỗi người một cách là vì ích chung” (1Cr 12,7). Thiên Chúa dự liệu cách này để mỗi người biết cần đến người khác. Khi cùng nhau tuyên xưng là cùng nhau sử dùng quà tặng và cùng được hưởng lợi ích. Amen

14. Nhận Biết Và Biến Đổi

Mt 16, 13 – 19

Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt quyền phép vô cùng. Để thông ban hạnh phúc cho muôn loài, Ngài: 29/6-64

Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt quyền phép vô cùng. Để thông ban hạnh phúc cho muôn loài, Ngài đã tạo dựng vũ trụ này và cho Con Một mình làm người để cứu chuộc muôn loài.

Mọi người có thể nhận ra Ngài nơi vũ trụ bao la kỳ bí vốn vượt trên sức hiểu biết của loài người. Tuy nhiên, cách nhận ra Chúa nhờ tha nhân là cụ thể nhất và hiệu quả nhất. Người người nhận ra Thiên Chúa nơi những công việc tốt lành của các Tông đồ và nơi Hội thánh Chúa.

Hai tấm gương sáng đặc biệt trong việc nhận biết và biến đổi nên con Chúa là thánh Phêrô và Phaolô mừng kính ngày hôm nay. Cả hai vị đã sống nhiệm hiệp bên Chúa. Thánh Phêrô nhận ra đúng thân thế, đúng vai trò và quyền năng của Thầy nhờ ơn trên soi sáng: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, ngài đã được Chúa Giêsu trao cho quyền chìa khóa trong Giáo hội mà Người thành lập. Thánh Phaolô là người bắt bớ đạo Chúa, cũng nhờ ơn Chúa soi sáng mà thay đổI hoàn toàn: từ chỗ chống đối sang làm tông đồ nhiệt thành.

Cả hai vị sau khi nhận biết Chúa Giêsu là ai đã thay đổi hẳn cuộc đời 180 độ. Phêrô từ một người dân chày dốt nát, không được giới luật sĩ trọng vọng, đã trở nên thông sáng, biết lãnh đạo, có khả năng làm người đứng đầu Giáo hội và lãnh đạo dân riêng Chúa. Phaolô từ một người bắt đạo trở nên tông đồ nhiệt thành thiếp lập được bao nhiêu giáo đoàn mới, đem về cho Chúa biết bao tín hữu. Hai vị tông đồ đúng là cột trụ của Giáo hội, là những người đại diện cho Chúa ở trần gian. Ngày nay, Giáo hội có Đức Giáo hoàng là người tiếp nối thánh Phêrô trong cương vị lãnh đạo và có những người tiếp nối thánh Phaolô, nhiệt thành lo cho nước Chúa được lan rộng và đi sâu trong các tâm hồn.

Noi gương các ngài, chúng ta phải nổ lực cầu nguyện và làm chứng Chúa vì hiện nay nhiều người chưa thực sự hiểu đạo Chúa. Đạo Chúa không không nhằm đem tới của cải giàu sang hay một cuộc sống đễ dãi ờ trần gian này. Cuộc đời theo Chúa vẫn luôn đòi hỏi những nổ lực, chiến đấu với 3 thù, tiến tới trưởng thành, sống các giới răn trong tình mến Chúa và tha nhân. Cuộc sống không tránh khỏi những cái ách và gánh nhưng ai biết đón nhận ách Chúa gởi với niềm tin và lòng yêu mến Chúa thì cảm thấy nhẹ nhàng, chấp nhận ý Chúa và hăng hái làm chứng trước mặt thế gian về niềm hy vọng sống lại mai sau. Xưa kia, nếu Dân Do thái giữ được tinh thần siêu nhiên, hiểu đúng về Ðấng Messia, nhận ra rằng tất cả những phép lạ và lời giảng dạy của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa thì họ đã sống đúng con đường Chúa muốn. Chính Chúa Giêsu nói: ai thấy Thầy là thấy Cha. Tuy nhiên, có một trở ngại cho dân Do thái thời bấy giờ đó là quan niệm Messia, một số người Do thái không nhận ra Chúa Giêsu vì thành kiến, họ quá thiên về hình ảnh Messia quyền thế kiểu trần gian. Vì thế Chúa Giêsu đã có lần phải trách cứ họ: Nếu các người không muốn tin ta thì hãy tin vào các việc của Ta đã làm để được ơn cứu độ. Ngày nay, mỗi người chúng ta đã biết rõ về vai trò Messia của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Vậy chúng ta càng phải biết bỏ mình, sống tinh thần siêu nhiên, nhận ra Chúa nơi những người đại diện của Hội thánh, và sự trợ lực của tha nhân. Nếu chúng ta sống đúng tinh thần nghèo, khiêm tốn, biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa thì Người sẽ luôn ngự trong chúng ta và bảo đảm ơn cứu chuộc cho chúng ta. Lạy thánh Phêrô và Phaolô, dưới thế này còn nhiều người chưa biết nhận ra sự hiện diện của Chúa hoặc chưa nhận ra ý Chúa trong cuộc đời mình. Xin hai Đấng hướng dẫn và giúp chúng con biết nhận ra Chúa và bước theo Ngài trong niềm tin vững vàng phó thác, hầu trở nên những nhân chứng sống động và được hạnh phúc cùng với Chúa và các ngài trên thiên đàng mai sau.

15. Mầu Nhiệm Tình Yêu

Mt 16, 13 – 19

Mừng lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, hai trụ cột xây dựng toà nhà Hội Thánh hôm nay giúp: 29/6-65

Mừng lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, hai trụ cột xây dựng toà nhà Hội Thánh hôm nay giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều thú vị về ơn gọi của các Ngài. Hai Thánh Tông đồ tuy khác nhau về tính tình, về trình độ, về khuynh hướng nhưng đều có điểm chung:

  • Một ơn gọi: làm Tông đồ;
  • Do một Đấng kêu gọi: Chúa Giêsu;
  • Để cùng chia sẻ một trọng trách: xây dựng Hội Thánh trần thế.

Dầu vậy, trong cuộc đời theo Chúa, hai vị thánh cả đều mắc những sai lầm nghiêm trọng: Thánh Phêrô, dù theo Chúa ba năm, đã từng nghe, thấy bao phép lạ Chúa Giêsu làm, từng được Thầy ân cần dạy dỗ, sau những năm tháng sống chung với Thầy không rời nữa bước, lại được đặt lên làm đầu các Tông đồ, thế mà trong giờ phút khổ nạn của Thầy mến yêu, ông đã quay lưng lại với Thầy của mình bằng ba lần công khai chối Chúa. Thánh Phaolô, một người xuất thân từ nhóm biệt phái, thông thạo Kinh Thánh, nhiệt thành giữ luật Môisê và chính lòng nhiệt thành đó khiến ông mù quáng bách hại Hội Thánh buổi sơ khai. Vậy mà cả hai vị thánh Tông đồ đều được tuyên dương: Thánh Phêrô là “đá tảng của Hội Thánh” (Mt 16,18). Thánh Phaolô được gọi là “thầy của dân ngoại về đức tin và chân lý” (1 Tm 2,7). Lý do nào các ngài được như vậy?

Bởi vì Chúa chọn ai là tuỳ ý Chúa, bất chấp những khuyết điểm, lỗi lầm của con người. Và trong ý định quan phòng đời đời của Chúa, Chúa có cách để thu hút, lôi kéo những người Chúa chọn đi theo con đường Chúa muốn. “Cái nhìn của Chúa” đã làm cho Phêrô thổn thức ăn năn; “ánh sáng từ trời” quật ngã Phaolô để ông nhận ra sai lầm của mình, và hồi tâm đi theo con đường mới mà Chúa dẫn ông đi: trở nên Tông đồ dân ngoại. Con người thì nhìn bên ngoài. Chúa nhìn tâm hồn con người.

Về phía hai Thánh Tông đồ, các ngài đều có chung một tấm lòng khiêm nhượng thẳm sâu, và trong sáng, sẳn sàng phục thiện, đón nhận Chân lý. Điều đó giúp các Ngài mau chóng vượt qua những trở ngại là những yếu đuối, lỗi lầm, để năng nổ dấn thân phục vụ Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chọn lựa các Ngài.

Những lỗi lầm của hai thánh Tông đồ, một đàng giúp các ngài ý thức hơn về sứ mạng của mình: nếu có thành công nào thì đó chính là nhờ sức của Chúa, đồng thời giúp các Ngài dễ cảm thông hơn với những lỗi lầm của anh em mình; đàng khác, cuộc đời các Ngài soi rọi cho chúng ta biết vượt qua những vấp ngã trong đời sống để sẳn sàng đứng lên, dấn bước phục vụ Thiên Chúa, trong niềm tin cậy vào tình thương mà Chúa dành cho những ai được chọn lựa làm môn đệ của Người.

Xin hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô nâng đỡ đường đời chúng con. Amen

16. Chứng Tá Của Sự Hiệp Nhất Trong Đa Dạng

Jos.Vinc. Ngọc Biển

Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô: 29/6-66

Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Mừng kính các ngài, chúng ta nhớ đến hai đấng như là những mẫu gương sáng ngời về đời sống chứng tá cho đức tin qua tinh thần hiệp nhất trong đa dạng. Các ngài còn được ví như những người tiên phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng; như những vì sao sáng trong Giáo Hội; như những vị tướng anh hùng trong trận địa đức tin.

Tuy nhiên, nhìn lại cuộc đời của hai thánh, chúng ta thấy các ngài là những con người rất đỗi bình thường.

Thánh Phêrô được biết đến như một con người bình dân học vụ, phát xuất từ một gia đình bình thường làm nghề ngư phủ, không gì nổi trội và nhiều điểm bất toàn như: tính nóng nảy, ăn nói không thông, cư xử cục mịch, nhanh tin nhưng cũng vội phủ nhận, can trường nhưng cũng không thiếu những lúc nhát đảm, và tội lớn nhất của Phêrô chính là chối Chúa đến ba lần.

Còn thánh Phaolô thì: xuất thân từ một gia đình tri thức, ăn nói thông thạo, lý luận sắc bén, tài cao hiểu rộng… Ngài còn được biết đến dưới bóng dáng của một kẻ bắt đạo khét tiếng. Quả thật, Phaolô ghét Danh Giêsu đến nỗi chỉ cần ai nói về Danh ấy thôi thì Phaolô cũng tìm mọi cách để triệt hạ.

Nhưng từ lúc Phêrô nhận ra ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu khi ông chối Ngài đến ba lần; Phaolô được Đức Giêsu mặc khải qua vụ ngã ngựa lịch sử và chữa cho sáng mắt cách lạ thường, thì cả hai đấng đều có chung một thái độ là cảm nghiệm được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt, nên ăn năn sám hối và quyết tâm thay đổi cuộc đời.

Nếu trước kia, các ngài ghét danh Giêsu, hay sợ không dám nói và làm chứng về Danh ấy, thì giờ đây, cả hai đều chỉ còn mối lợi tuyệt đối là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của các ngài mà thôi và suốt cuộc đời còn lại dù thuận tiện hay không, các ngài luôn sẵn sàng loan báo về Đức Giêsu và ơn cứu độ mà Ngài mang đến cho nhân loại qua cái chết trên Thập giá và sự phục sinh vinh hiển.

Thật vậy, nơi các ngài, tuy nhiều điểm khác biệt, nhưng từ khi Đức Giêsu chiếm lĩnh tâm hồn, các ngài đã trở nên chứng nhân cho Chúa: can đảm, kiên trung và chấp nhận chết để bảo vệ đức tin và lời giảng của mình là xác thực.

Các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Đức Giêsu. Các ngài đã chấp nhận sự đa dạng, nhưng hiệp nhất với nhau trong cùng đức tin và lòng mến.

Hai con người; hai tính cách; hai lối rao giảng khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một mục đích. Chính Đức Giêsu đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một nơi tình yêu và trong Ngài.

Lời nguyện tiền tụng thánh lễ hôm nay cho thấy rõ nét tính cách của hai Tông đồ trụ của Giáo Hội: thánh “Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân” (x. Lời Tiền Tụng).

Thật vậy, thánh Phêrô và Phaolô đã trở nên biểu tượng đức tin bất khuất cho Giáo Hội, trở nên đá tảng xây dựng Kinh Thành Muôn Thủa, trở nên kiểu mẫu của sự hiệp nhất trong đa dạng.

Được như thế, là vì các ngài khác nhau trong những điều phụ, nhưng hiệp nhất với nhau trong những điều chính và cùng chung một tình yêu trong tất cả mọi hoàn cảnh.

Vì thế, các ngài xứng đáng lãnh phần thưởng mà Thiên Chúa trao tặng cho người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, được muôn dân truyền tụng và thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.

Nhân dịp mừng lễ của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta nhận ra sự quan phòng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Đồng thời cũng từ cuộc đời, ơn gọi và sứ mạng của hai thánh, chúng ta học được nơi các ngài những bài học quý báu trong hành trình môn đệ và sứ mạng của chúng ta:

Trước hết, chúng ta hãy xin Chúa cho được nhận ra ơn gọi và chỗ đứng của mình trong lòng Giáo Hội để sẵn sàng thi hành bổn phận cách đặc thù mà Chúa muốn chúng ta thực thi để danh Chúa được rạng rỡ.

Thứ đến, chúng ta cũng nhận ra sứ mạng cứu độ phổ quát mà Thiên Chúa muốn trao ban cho nhân loại, hầu sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi và mọi thời, để đem lại niềm vui,  hy vọng cho con người và thế giới hôm nay.

Tiếp theo, chúng ta hãy noi gương các ngài để yêu mến Chúa tha thiết, khiêm tốn, sám hối, trở về, can đảm và sẵn sàng làm chứng cho Đấng đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta.

Cuối cùng, noi gương các ngài, chúng ta sẵn sàng ngoan ngùy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, hầu trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm cho sự phong phú, phổ quát của ơn cứu độ được loan đi đến tận chân trời góc bể.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội hai mẫu gương tuyệt vời là thánh Phêrô và Phaolô. Qua cuộc đời của các ngài, xin cho chúng con biết cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng sự cảm thông, tôn trọng trong khi thi hành sứ vụ, hầu Tin Mừng được loan đi khắp nơi, bằng nhiều cách thế khác nhau nhưng vẫn giữ được sự tinh tuyền của đức tin. Amen.

17. Thầy Biết Con Yêu Mến Thầy

Mt 16, 13 – 19 – Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Hôm nay, Hội Thánh hân hoan và long trọng mừng kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô – Phaolô, hai: 29/6-67

Hôm nay, Hội Thánh hân hoan và long trọng mừng kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô – Phaolô, hai cột trụ đã được chính Đức Kitô cắt đặt để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính máu của mình như lời Ca Nhập Lễ mà Giáo hội hát lên trong phụng vụ thánh lễ hôm nay:

“Đây là hai vị Tông Đồ đều anh dũng

Dâng máu đào xây Giáo Hội ngàn thu

Chén đắng Thầy trao, uống cạn chẳng từ

Chúa ưu đãi, nâng lên hàng tâm phúc”

Trong ý nghĩa đó, tất cả mọi kitô hữu chúng ta hôm nay đều được thừa hưởng và dự phần vào công trình và công nghiệp của hai vị Đại Tông Đồ này. Xin dâng lên các Ngài tâm tình yêu mến và tri ân cảm tạ. Tâm tình này chắc chắn sẽ đặc biệt hơn, nồng thắm hơn nơi tất cả những ai, những cộng đoàn, những tổ chức… đã chọn hai Thánh Phêrô – Phaolô làm Vị Bổn Mạng của mình.

Chắc chắn không phải tình cờ, khi phụng vụ chọn đọc các trích đoạn Lời Chúa trong ngày Đại lễ kính hai Thánh Tông Đồ hôm nay: Bài Đọc 1: Sách Công Vụ kể lại: từ ngục tù, Thánh Phêrô đã được giải cứu để lên đường làm chứng đức tin giữa những lời cầu nguyện thiết tha của cộng đoàn Hội Thánh. Trong khi đó Bài đọc 2, cũng từ tù ngục, Thánh Phaolô sắp sửa hoàn tất cuộc hành trình chứng tá, cuộc chiến đấu của niềm tin mà lời nhắn gởi cho người môn đệ yêu dấu Timôthê mang âm hưởng của một lời trăng trối. Và rồi, Lời Chúa đã liên kết hai cuộc đời, hai cá tính, hai sứ vụ xem ra khác biệt của Phêrô và Phaolô thành một đáp án duy nhất qua 2 câu trả lời: một của Phêrô dành cho Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và một của Chúa Giêsu dành cho Phêrô: “…Trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy…”. Quả thật, sứ vụ Tông Đồ, cuộc hành trình chứng tá và tình yêu trọn vẹn dành cho Chúa Giêsu và Hội Thánh, phải chăng là những điểm chung cốt yếu đã đem hai Vị Tông Đồ tương đối dị biệt này tiến lại gần nhau, gần nhau cho đến độ cả hai đã cùng hội tụ tại kinh thành Rôma để cùng làm chứng đức tin cách trọn vẹn và anh hùng trong cùng một thời điểm: Phêrô bị đóng đinh ngược đầu và Phaolô bị xử trảm.

Mừng lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô – Phaolô có lẽ là dịp tốt nhất để chúng ta cùng khám phá những chứng từ sống động nơi hai cuộc đời vĩ đại đã cùng nhau thiết kế Ngôi Nhà Giáo Hội và chuyển tải cho muôn thế hệ những sứ điệp tuyệt vời của Lời Mặc khải của Thiên Chúa.

  1. Hai cuộc đời khác biệt:
  2. Trên bình diện cội nguồn và cá tính:

– Thánh Phêrô là người thành Bétsaiđa, miền Galilê, xuất thân từ môi trường bình dân, ít học, làm nghề đánh cá (Mt 4, 18). Trong khi đó, mặc dù là gốc dân do Thái, Phaolô lại sinh tại Tarsô (Cv 9,11), mang quốc tịch Rôma (CV 16,37), được học hành đến nơi đến chốn với danh sư biệt phái Gamaliel (CV5,34; 22,3).

– Nếu Phêrô luôn trung thành với lề luật và gắn bó với môi trường xã hội Do Thái như những người mộ đạo đương thời: giữ luật cắt bì, coi trọng việc qui định sạch dơ về đồ ăn thức uống… (Cv 10,14), thì Phaolô, cho dù có nhiệt thành với luật Môsê, nhưng vì được hấp thụ nền văn hóa Hi Lạp, lại sinh trưởng nơi môi trường hải ngoại, nên có cái nhìn thông thoáng và cởi mở hơn đối với thế giới lương dân.

  1. Trên bình diện ơn gọi và sứ vụ:

– Phêrô là một trong những môn đệ đầu tiên đi theo Chúa và đã dấn thân trong ơn gọi này với tất cả lòng nhiệt thành và bộc trực của mình. Trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe đã minh họa rõ nét: chính lòng nhiệt thành và tính bộc trực đã thúc đẩy Phêrô vượt trên anh em để tuyên xưng niềm tin: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Một lời tuyên tín sâu sắc tuyệt vời, là kết quả của ơn mặc khải của Thiên Chúa cùng với cảm nhận của riêng mình đã khiến Chúa Giêsu khen ngợi và đặt Ngài làm đá tảng xây nền Giáo Hội. Nhưng “Đá Tảng” ấy vì đã vội “bốc đồng”, muốn chơi trội định ngăn cản Đức Giêsu thực thi chương trình cứu độ, nên đã bị Chúa quở trách là Satan. Mà nào chỉ có lần này ! Chuyện trên trên Biển Hồ đêm nào vẫn còn đó: Đầu tiên, khi con hướng về Chúa, Phêrô đã bước những bước an toàn trên sóng nước. Nhưng sau đó, suýt nữa đã chìm nghỉm yếu đuối của mình. Nhưng thê thảm nhất phải là chuyện xảy ra trong biến cố khổ nạn: Chính tại bàn tiệc ly, Phêrô đã thách thức: “Dù cho mọi người vấp ngã, nhưng con thì không!…Dù phải chết với Thầy, con sẽ không chối Thầy”. Thế nhưng, trong chính đêm định mệnh ấy, Phêrô đã run sợ chối Thầy ba lần chỉ vì lời nói của một người đầy tớ. Nhưng thật may mắn cho Phêrô khi ông vẫn còn lẽo đẽo theo Thầy để cuối cùng nhận được ánh mắt nhân từ tha thứ để rồi, cũng tại nơi Biển Hồ Tibêriat, sau ngày Chúa sống lại, Phêrô hết còn tự tin nơi chính mình mà chỉ biết phó thác nơi sự khôn ngoan của chính Chúa: “Thầy biết hết mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy”. “Tảng Đá” Phêrô đã vỡ vụn hôm nào tưởng đâu sẽ bị loại bỏ; ai ngờ Đức Kitô đã hàn gắn lại để ân cần trao cho Ông sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên.

– Ơn gọi của Thánh Phaolô lại không đơn giản như thế. Trước khi trở thành một Tông Đồ nhiệt thành sâu sắc của Đức Kitô, thì Phaolô đã là một Pharisiêu cương quyết loại trừ Kitô giáo với tất cả nhiệt tình và suy nghĩ chín chắn. Với niềm tin được cắm rễ vững chắc trong truyền thống lề luật Môsê, làm sao Phaolô lại chấp nhận một tên Giêsu Nadarét nào đó vi phạm luật ngày Sabát ? và còn hơn thế nữa, làm sao chịu được những luận điệu tuyên truyền của đám dân chài Galilê, đồ đệ của Giêsu cho rằng Ngài đã sống lại và đang sống ! Đồng tình trong vụ ném đá chết Stêphanô chưa đủ đâu ! Phaolô còn hung hăng đi truy bắt các kitô hữu để tiêu diệt mọi mầm mống có nguy cơ phát sinh một tôn giáo mới, ngược lại tôn giáo cựu truyền của cha ông. Nhưng rồi, một ánh sáng diệu kỳ đã đánh mù đôi mắt xác thịt trần tục của ông để mở ra cho ông một nguồn sáng mới. Tên Pharisiêu cực đoan bài xích kitô giáo hết cỡ, thì với biến cố Damas, giờ đây đã trở thành “người loan báo Chúa Kitô hăng nồng như một “vận động viên lao về phía trước” (Pl 3,13), như một chiến sĩ “chiến đấu ngoan cường trong trận chiến chính nghĩa” (Thư gởi Timôthê trong BĐ 2) mà không một trở lực nào, dù bắt bớ tù đày, dù đòn vọt khổ đau, dù sống hay chết… có thể “tách Phaolô khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô”. Và cuộc sống của Phaolô từ đó đã xoay quanh chân lý nền tảng này: “Tôi sống đây, nhưng không phải là tôi, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

  1. Hai cuộc đời hiệp nhất trong Đức Kitô:

Qua vài phân tích sơ lược trên, quả thật “Hai Cột trụ” của Giáo Hội có nhiều điểm khác biệt mà chính Kinh Tiền Tụng trong phụng vụ hôm nay đã nhắc tới: “Cha đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy các Ngài đã dùng đường lối khác biệt, để qui tụ một gia đình duy nhất cho Đức Kitô…”. Quả thật, chính niềm tin, lòng yêu mến Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài, đã đem Phêrô và Phaolô lại gần nhau. Chính Phêrô đã không bao giờ nhân danh quyền thủ lãnh để áp đặt Phaolô, nhưng đã biết khiêm hạ nhìn nhận khuyết điểm (Gl 2,2tt). Cũng thế, Phaolô không bao giờ nại vào trình độ văn hóa, khả năng suy tư để xem thường Phêrô. Phaolô luôn ý thức vai trò củng cố đức tin và sứ mệnh chăn dắt Giáo Hội của Phêrô được chính Chúa Kitô trao phó. Và nhất là, cho dù ở hai lãnh vực hoạt động khác nhau, nhưng niềm tin và lòng yêu mến đã thúc đẩy Phêrô – Phaolô cùng hội tụ tại thủ đô Rôma để làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính máu của mình. Phêrô bị đóng đinh ngược đầu còn Phaolô bị xử trảm.

  1. Bài học hôm nay:

Gần 2000 năm qua rồi nhưng cuộc đời của Phêrô -Phaolô vẫn còn là một gợi hứng đầy sinh động và cuốn hút cho Dân Chúa nói chung và cho mỗi một người chúng ta nói riêng. Bài học lớn đầu tiên mà Hội Thánh rút ra từ hai cuộc đời vĩ đại này phải chăng là “Sự hiệp nhất trong đa dạng”. Đa dạng trong tính tình, khuynh hướng, trình độ tri thức lẫn phương cách hoạt động nhưng Hai Vị Tông Đồ lại hiệp nhất trong cùng một đức tin và một lòng yêu mến. Sự hiệp nhất như thế thật sự là quá cần thiết cho Giáo Hội muôn nơi và muôn thuở. Cho dù hôm nay, Giáo hội có toả lan cỡ nào, có vươn dài đến mọi biên giới của muôn dân tộc, quốc gia, thì sự khác biệt mãi mãi sẽ không làm cho Giáo Hội chia rẽ, phân tán, nhưng càng thêm phong phú tốt tươi vì mọi phần tử được liên kết với nhau trong một mối dây thâm sâu nhất đó là tình yêu và lòng trung tín đối với Chúa Kitô, đối với Hội Thánh của Ngài.

Cách riêng đối với mỗi người chúng ta, chỉ cần nhớ lại một đôi câu nói của Hai Ngài, chúng ta cũng có thể tìm thấy cả một linh đạo cần thiết cho hành trình đức tin của mình:

– Để sống khiêm hạ: “Lạy Thầy xin hãy xa con, vì con là người tội lỗi…” (Phêrô); “Cho đến bây giờ chúng tôi đã nên như rác rưởi thế gian…” (Phaolô)

– Để vững lòng trông cậy: “Lạy Thầy cứu con” (Phêrô), “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (Phaolô)

– Để thuộc trọn về Đức Kitô như chọn lựa cuối cùng: “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai…” (Phêrô), “Đối với tôi, sống là Đức Kitô…”, “Tôi sống đây không phải tôi nhưng chính Đức kitô sống trong tôi” (Phaolô)

– Để yên mến Đức Kitô hết mình: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Phêrô), “Không có gì tách tôi khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Phaolô).

– Để trung thành với Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh: “Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Phêrô), “Tôi đã chạy đến cùng đường và giữ vững niềm tin” (Phaolô)

– Để vâng lệnh Chúa Kitô ra đi loan báo Tin Mừng: “Vâng lời Thầy con xin thả lưới” (Phêrô), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Phaolô)

– Để củng cố và xây dựng Hội Thánh; “Anh em là Dân tộc thánh…là những viên đá sống xây dựng đền thờ Thiên Chúa” (Phêrô), “Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (Phaolô)

18. Hồn Tông Đồ

Sáng 6.6.1988, cả hai Linh Mục Huế, Vệ và Hoàng theo chăm sóc Đức Tổng Giám Mục Philipphê: 29/6-68

Sáng 6.6.1988, cả hai Linh Mục Huế, Vệ và Hoàng theo chăm sóc Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đều vắng mặt. Ngài có người em ruột là Nguyễn Thị Thủy, Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán ( quen gọi là dì Sáu ), thường trực bên cạnh ngài rất chu đáo, cẩn thận, không để Ngài uống thuốc gì mà không kiểm tra chặt chẽ. Sáng hôm đó, Nữ Tu Nguyễn Thị Quí, Dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm Huế, xin phép thay Nữ Tu Thủy để được săn sóc ngài. Bà Thủy không chịu, hai người giằng co nhau, nên Ðức Tổng nói: “Thôi em để cho người ta săn sóc một lát, em về nghỉ ngơi đôi chút.”

Lợi dụng chỗ sơ hở này, khoảng từ 10 đến 11g ngày 6.6.1988, một cô y tá đến trao cho ngài một nắm thuốc. Ngài hỏi cô y tá: “Cô cho tôi uống thuốc gì vậy ?” Cô trả lời rất cộc cằn lỗ mãng: “Nhiệm vụ của ông là phải uống những gì chúng tôi điều trị ông, không được hỏi lôi thôi gì cả.” Ngài rất phân vân. Cuối cùng ngài bằng lòng uống. Uống xong, ngài cảm thấy rất đau đớn. Ngài hỏi cô y tá: “Cô biết tôi mấy giờ nữa thì chết không ?” Cô y tá ấy hốt hoảng và run sợ trả lời: “Con lạy cụ, xin cụ tha lỗi cho con ! Việc nầy là do cấp trên.” Ðức Tổng trả lời: “Không những tôi tha lỗi cho cô mà thôi, tôi còn tha thứ cho cả cấp trên sai cô làm. Tôi tha thứ hết.”

Sau đó, thấy dì Sáu vào, ngài nói với dì Sáu: “Chén đắng Chúa trao anh đã uống xong. Xin trọn theo ý Chúa.” Dì Sáu báo cho cô y tá biết ngài đau đớn lắm. Khoảng 12g30 trưa, cô y tá ấy trở lại cho ngài uống một liều thuốc khác. Sau đó ngài bị tiêu chảy liên tục cho đến chết, không cầm lại được. Các nhân chứng hiện nay đều còn sống, một số Nữ Tu cần tạm giấu tên một thời gian.

Khoảng 13g ngày 8.6.1988, Đức Cha bấm chuông gọi cấp cứu, nhưng không có ai đến cả. Vài phút sau, ngài qua đời tại phòng ngài nằm điều trị bệnh, ở tầng lầu thứ 9, bệnh viện Chợ Rẫy, Sàigòn. Lúc ấy chỉ có dì Sáu bên cạnh.

Khi Ðức Tổng Giám Mục Ðiền vừa qua đời, môi miệng ngài tím bầm, hai tay cũng tím thẫm, nên có một Nữ Tu kín đáo theo dõi cô y tá vừa cho ngài uống thuốc, đi theo cô và nghe được câu nói rất quan trọng khi cô gọi điện thoại cho cấp trên: “Vụ việc đã hoàn thành.” Nữ Tu ấy nay còn sống ở Huế. ( Lm. Tađêô Nguyễn Văn Lý, Đức Cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đã tử đạo như thế nào ? )

Hôm nay, Giáo Hội kính trọng thể hai Thánh Phêrô và Phaolô, hai cột trụ xây dựng Hội Thánh. Hai vị là những Tông Đồ điển hình, nhiệt thành và thành công nhất trong sứ vụ truyền giáo. Cả hai đều có những đặc điểm chung, là chứng nhân trung thực của Đức Chúa Giêsu Kitô, luôn có Chúa Kitô trong lòng, luôn bỏ mình, vác thánh giá theo Chúa, luôn phục vụ, hiến thân.

Tông Đồ đáp lại Ơn Gọi

Tỉnh thức lắng nghe tiếng Chúa gọi, hồn Tông Đồ luôn sẵn sàng đáp lại lời mời tha thiết, thân mật và hứa hẹn.“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người, như lưới cá.” Lập tức hai ông ( Simon và Anrê ) bỏ chài lưới mà đi theo Người ( Mt 4, 19 – 20 ).

Ông Mátthêu đang tất bật thu thuế, mải mê đánh vật với tiền bạc, biên lai, chứng từ, bỗng dưng nghe tiếng Chúa gọi, liền dứt khoát từ bỏ tất cả quyền hành, danh vọng, lẫn của cải vật chất, để theo Người. “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người” ( Mt 9, 9 ).

Nhiệt tình đáp lại ngay lời mời gọi là điều kiện tiên quyết trở nên Tông Đồ, dấn thân theo Chúa. Không để bổng lộc, công danh phù phiếm cám dỗ, ngăn cản, không để những mối liên hệ thân bằng quyến thuộc chằng chịt, ràng buộc níu kéo, mà bịt tai nhắm mắt, giả lơ, giả điếc, vô tình từ khước Ơn Gọi.

 “Hãy theo Thầy !” Các Tông Đồ đã bỏ mọi sự theo Chúa, con có dứt khoát một phen theo Chúa không ? Chúa phải gọi con mấy lần rồi ? ( Đường Hy Vọng, số 61 ).

Tông Đồ luôn có Chúa

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14, 23 ). Hồn tông đồ luôn tràn đầy Tình Yêu Chúa, luôn kết hợp khắng khít với Ba Ngôi Thiên Chúa, đến nỗi Tông Đồ Phaolô khuyên nhủ tín hữu Côrintô rằng: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” ( 1 Cr 10, 31 ).

Thánh Gioan khẳng định sự hiệp thông chặt chẽ và sâu xa với Chúa Giêsu trong hồn Tông Đồ. “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” ( 1 Ga 1, 3 ).

Thánh Phaolô còn quả quyết không có loài thọ tạo nào có thể phân ly Kitô hữu khỏi Chúa Giêsu: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Nhưng trong mọi sự thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” ( Rm 8, 35, 37 – 39 ).

Giáo Dân thời Hội Thánh sơ khai diễn tả cách nôm na: Tông Đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mắt, Chúa Kitô trong miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai… Tóm lại, là một người đầy tràn Chúa Kitô và trao ban Chúa Kitô cho kẻ khác. ( Đường Hy Vọng, số 292 ).

Tông Đồ là muối và ánh sáng

“Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại ?… Các con là sự sáng thế gian… Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời” ( Mt 5, 13 – 16 ).

Tất cả chúng ta những người đã được rửa tội, chúng ta là các môn đệ thừa sai và được mời gọi trở thành một phúc âm sống động trong thế giới: với cuộc sống thánh thiện chúng ta sẽ trao ban ”hương vị” cho các môi trường khác nhau, và bảo vệ chúng khỏi thối rữa, như muối làm vậy. Và chúng ta sẽ đem ánh sáng của Chúa Kitô với chứng tá của một tình bác ái tinh tuyền. ( Linh Tiến Khải, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Kinh Angelus, 9.2.2014 ).

Tông Đồ là hạt lúa giống

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” ( Ga 12, 24 – 25 ).

Máu các Thánh Tử Vì Đạo đã sinh sôi nảy nở hơn 7 triệu tín hữu Kitô trên đất Việt. Và còn rất nhiều máu của các chứng nhân, như của Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền vẫn đang tiếp tục tưới cho cánh đồng truyền giáo thêm phì nhiêu, xum xuê đơm hoa kết trái.

“Tông Đồ là thánh hóa môi trường bằng môi trường, lao động là tông đồ của lao động, học sinh là tông đồ của học sinh, binh lính là tông đồ của binh lính..” ( Đường Hy Vọng, số 293 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con biết sốt sắng nghe theo tiếng Chúa gọi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, để đi theo Chúa và trở nên những chứng nhân, Tông đồ nhiệt thành.

Lạy Mẹ Maria, khấn xin Mẹ cầu bầu, che chở chúng con can đảm tiến bước theo Ơn Gọi, mặc bao thách thức, gian khổ, đòn vọt, tù đầy, tra tấn, chết chóc, luôn sẵn sàng chờ chực chúng con trên con đường Tông đồ, chứng nhân của Đức Kitô. Amen.

  1. TRẦN BÌNH AN

19. Những Người Không Biết Sợ

Nói đến hai thánh Tông Đồ cả Phêrô và Phaolô, người ta thường chăm chú đến những khác biệt nơi hai: 29/6-69

Nói đến hai thánh Tông Đồ cả Phêrô và Phaolô, người ta thường chăm chú đến những khác biệt nơi hai Ngài để rồi hướng đến quyền năng của Thiên Chúa.  Đây là một cái nhìn truyền thống có căn bản thần học đã góp phần cho đoàn tín hữu xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa.  Mạo muội có một cái nhìn về những điểm chung của hai Ngài xem ra khá táo bạo, thế nhưng nếu có cơ sở thì cũng đáng cho ta ghi nhận điều gì đó.  Xin được chia sẻ một nét chung nơi tính cách của hai “cột trụ” của Hội Thánh đó là “không biết sợ”.

  1. Không sợ sai để dám nói: Những người quá cẩn trọng thì thường tự biện minh là “nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít.” Tuy nhiên cũng có thể nếu cẩn trọng cách quá đáng như kiểu luôn thủ thân thì rất dễ đi đến chỗ “không nói gì” để khỏi phải sai lầm. Có ngờ đâu, không nói gì cả khi cần phải nói thì lại là một sự sai lầm rất tai hại.

Đọc Tin Mừng thì không ai lại không chân nhận tính “mau miệng” của tông đồ Phêrô.  Không thể nói là Chúa Kitô đã minh nhiên đặt Ngài làm đầu nhóm 12 trong thời gian rao giảng, vì cũng trong thời gian này nhóm 12 luôn tranh giành nhau về vị thế làm đầu.  Chưa chính thức làm đầu, thế mà Phêrô thường là người thay mặt anh em để lên tiếng.  Có khi nói đúng thì được Thầy khen, nhưng cũng có khi chệch choạc thì bị Thầy lên tiếng quở trách nặng nề (x. Mt 16, 13-23).  Thế nhưng Phêrô vẫn cứ lên tiếng.  Đúng là không biết sợ.

Thánh Phaolô thì sao đây?  Có thể nói Ngài là vị “nhỏ người mà lớn miệng.”  Ngài đã nhiều lần tự biện hộ cho mình về việc lên tiếng quá nhiều và hình như không biết “kiêng dè.”  Ngay cả với Phêrô mà Ngài cũng chẳng tha (x. Gal 2, 11-14).  Có khi hăng say rao giảng đạt kết quả và cũng có khi nhiệt tình lý luận thì bị mời đi chỗ khác chơi ( x.Cvtđ 17, 22-34).  Thánh nhân vẫn không ngừng lên tiếng, khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi.  Thật chẳng biết sợ là gì.

  1. Không sợ thất bại để dám làm: Dù biết rằng thất bại là mẹ thành công nhưng sự thường không ai là không ngại thất bại. Không chỉ ngại thất bại mà người cơ hội thường thích ẩn mình để chờ thời cơ. Không làm gì cả thì chẳng mất lòng ai và nếu có bầu bán vị trí vai trò quan trọng nào trong các tổ chức xã hội hay tôn giáo cũng dễ kiếm nhiều phiếu hơn. Một sự thật không thể nói là cá biệt hay đặc thù chút nào nếu không muốn nói ngược lại.

Nếu là Thầy, xin truyền cho con đi được trên nước… và Phêrô mạnh dạn bước đi trên sóng biển (x. Mt 15, 22-33).  Trước đám đông quân lính hùng hổ, Phêrô dứt khoát rút gươm bảo vệ Thầy.  Dù cho bạn đồng môn tìm cách trốn lánh thì Phêrô vẫn quyết định dõi theo chân Thầy vào sân vị Thượng tế.  Làm nhiều ắt gặp thất bại không ít, nhưng Phêrô vẫn quyết tâm đi tới.

Việc làm của Phaolô thật khó có ai bì.  Ba chuyến hành trình truyền giáo cùng với bao gian khó vất vả là một minh chứng rõ ràng.  Bị đòn roi, bị ném đá, bị ngồi tù hay lênh đênh trên biển cả… tất cả không ngăn được bước chân của vị Tông đồ nhiệt thành.  Thành công rất nhiều và thất bại cũng chẳng thiếu, nhưng Phaolô bỏ tất cả đằng sau để một mực lao về phía trước.  Ngài đã từng khẳng định “bất cứ những gì người ta dám làm thì Ngài cũng dám làm” (2 Cor 11, 21).

  1. Không sợ thua thiệt để dám yêu: Đây chính là nền tảng căn bản để hai thánh Tông đồ dám nói, dám làm không sợ hãi. Yêu là chết trong lòng một ít.  Câu ngạn ngữ trên một cách nào đó nói về sự hy sinh trong tình yêu.  Đã yêu là không thể thiếu sự quảng đại hy sinh và quên mình vì người mình yêu.

Vì yêu mến Thầy hơn các môn đệ khác Phêrô chấp nhận cảnh phận “phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn Ngài đến nơi Ngài chẳng muốn” (Ga 21, 18).  Cho dù bị thua thiệt nhưng tình yêu sẽ phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1 P 4, 8)

Vì yêu mến Đức Kitô, Phaolô chấp nhận mọi thua thiệt.  Phaolô sẵn sàng chịu mọi gian truân khốn khó vì yêu mến đồng loại và mong cứu thoát được một số người.  Thánh nhân cảm nghiệm tình yêu là cao trọng hơn cả vì yêu thương là chu toàn mọi lề luật (x.Rm 14, 8).

Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô được Hội Thánh nhìn nhận là hai trụ cột chính của Tòa Nhà Hội Thánh.  Hội Thánh là đoàn dân của Thiên Chúa.  Có thể nói đó là tập thể những con người sống đạo yêu thương.  Tình yêu thì loại trừ mọi nỗi sợ hãi.  Đã yêu thì không còn e ngại sự gì.  Đã yêu thì không ngại các thiệt thua.  Vì yêu thương nên không sợ sai khi phải nói điều phải nói.  Vì yêu thương nên không sợ thất bại khi quyết làm điều chính đáng và phải đạo.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

VietCatholic.net

20. Tuyên Xưng Đức Tin

Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

Cv 12, 1-11; 2Tm 4, 6-8.16b.17-18; Mt 16, 19-22

Trong năm Đức Tin, Giáo hội mời gọi ta hãy tuyên xưng đức tin. Việc tuyên xưng đức tin đem lại ơn: 29/6-70

Trong năm Đức Tin, Giáo hội mời gọi ta hãy tuyên xưng đức tin. Việc tuyên xưng đức tin đem lại ơn cứu độ cho ta và làm hài lòng Thiên Chúa. Năm Đức Tin càng thêm ý nghĩa với lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Vì thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin. Và thánh Phaolô là người đầu tiên làm sáng tỏ đức tin. Hai vị thánh là nền tảng và là rường cột của Giáo hội. Vì với việc tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô Chúa thiết lập Giáo hội. Và với việc truyền bá đức tin của thánh Phaolô Chúa phát triển Giáo hội. Noi gương các ngài tuyên xưng đức tin, ta hãy cùng các ngài mặc lấy những tâm tình cao quí.

Trước hết là tâm tình tạ ơn. Nếu hôm nay ta được vinh dự tuyên xưng đức tin thì đó chính là ơn lành Chúa ban.  Thật vậy, khi nghe thánh Phêrô mạnh mẽ tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu rất hài lòng, đã cất tiếng khen ngợi. Nhưng Chúa cũng cho ngài biết nguồn gốc đức tin là do Chúa ban: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Với thánh Phaolô càng rõ ràng hơn. Việc ngài có đức tin là do cuộc ngã ngựa. Ngã ngựa là do Thiên Chúa làm. Nếu Chúa không can thiệp ngài không những không có đức tin mà còn hành động chống lại đức tin nữa. Chính ngài đã xác nhận trong thư Galát 3, 15-16: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại”. Quả thật đức tin là ân huệ lớn lao Chúa ban cho con người.

Tâm tình tạ ơn được tiếp nối bằng tâm tình yêu mến. Tin và yêu đi song song. Vì tin nên yêu. Và vì yêu nên tin. Càng tin càng yêu. Càng yêu lại càng tin. Vì thế, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu không hỏi thánh Phêrô về đức tin, nhưng hỏi về tình yêu: “Simon con có yêu mến Thầy hơn những người này không”?(Ga 21, 15). Khi thánh Phêrô trả lời về tình yêu ngài đã xác nhận niềm tin. Vì thế một lần nữa Chúa gọi ngài: “Hãy theo Thầy”(Ga 21, 19). Và lần này theo Thầy có nghĩa là đi vào cái chết mà Chúa đã tiên báo. Thánh Phêrô bước theo với cả niềm tin và tình yêu đã chín mùi. Và ngài đã hiến dâng trọn vẹn trong cái chết chịu đóng đinh như Chúa. Còn thánh Phaolô yêu mến và hoàn toàn tin tưởng phó thác nên đã bộc lộ: “Tôi mong được lìa bỏ thân xác để được ở bên chúa” (2Cr 5, 8). Nên đối với ngài “ sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi” (Phil 1, 21). Tin chính là hoàn toàn dâng hiến trong tình yêu.

Tiếp đến là tâm tình khiêm nhường.  Ai đã có kinh nghiệm trong đời sống đức tin đều biết khiêm nhường. Vì tin là điều vượt quá sức con người. Thánh Phêrô đã hăng hái theo Chúa. Nhưng ngài đã học được biết bao bài học thất bại đắng cay. Thánh Phaolô dù tin tưởng và yêu mến cao độ. Nhưng vẫn còn đó một cái dằm đâm vào da thịt. Và tệ hơn nữa, bị thủ hạ Satan vả mặt nhục nhã. Và đã có kinh nghiệm đớn đau về những yếu đuối của bản thân khi “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(Rm 7, 19). Cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với thánh Phêrô bên bờ hồ Genêsareth (Ga 21, 15-19) là một minh họa.

Trong tiếng Hi lạp, động từ “fileo” chỉ tình yêu của bạn bè, dịu dàng nhưng không hoàn toàn hết mình. Còn động từ “agapao” có nghĩa là tình yêu không tính toán, toàn vẹn, và không điều kiện. Lần thứ nhất Chúa Giêsu dùng động từ “agapao” để hỏi xem thánh Phêrô có yêu Chúa bằng tình yêu trọn vẹn không điều kiện không.  Nhưng thánh Phêrô, do kinh nghiệm đau thương quá khứ, không dám dùng động từ “agapao”, mà chỉ trả lời bằng động từ “fileo”. “Lạy Chúa Chúa biết rõ mọi sự. Chúa biết rõ con người yếu đuối bất trung của con. Con chỉ có thể yêu Chúa bằng tình yêu nghèo nàn của con người bất toàn thôi”. Lần thứ hai Chúa lại hỏi bằng động từ “agapao”. Và thánh Phêrô  vẫn trả lời bằng động từ “fileo”. Và thật lạ lùng. Lần thứ ba Chúa hạ xuống để cùng thánh Phêrô dùng động từ “fileo”. Như thế Chúa chấp nhận thánh Phêrô chỉ cần có tình yêu nghèo nàn của loài người là đủ. (POPE BENEDICT, The Apostles, Our Sunday Visitor Inc. 2008, p. 70). Nghe Chúa hỏi 3 lần, thánh Phêrô buồn không phải vì bị hỏi nhiều lần, nhưng buồn vì mình không xứng đáng đáp lại lời mời gọi của Chúa, vì biết đó là điều vượt quá sức mình. Sau khi sa ngã, thánh Phêrô đã chín mùi trong đức khiêm nhường. Và với đức khiêm nhường thẳm sâu, đức tin của ngài càng thêm vững chắc. Cũng vì tin là điều vượt quá sức nên tin thật là một cuộc chiến như thánh Phaolô cảm nghiệm trong thư 2 Timôthê: “Tôi đã đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”. Như thế ta hiểu rằng tin là một sự liều lĩnh, là một cú nhảy để vượt một khoảng cách hầu như quá sức con người. Vì thế tin phải luôn khiêm nhường để xin ơn Chúa trợ giúp niềm tin yếu kém của ta. Và vì thế tin sẽ đi đến phó thác.

Sau cùng là tâm tình phó thác. Ta không khỏi ngỡ ngàng khi Chúa nói: “Phêrô, con là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Phêrô là Tảng Đá. Nhưng ai cũng biết rằng tảng đá này rất mong manh. Chính Phêrô cũng biết rõ điều đó. Tảng Đá này chỉ vững chắc nhờ đức tin. Nhờ phó thác vào Chúa Giêsu là Viên Đá Góc Tường.  Chúa xây Hội Thánh trên tảng đá là đức tin của Phêrô. Chính đức tin vào Chúa Giêsu là nền tảng. Và Hội Thánh chỉ vững bền, thắng được cửa hỏa ngục là nhờ tựa vào Chúa Giêsu Viên Đá Góc mà thôi. Đức tin kêu gọi đức tin. Nếu Giáo hội là phần thưởng Chúa dành cho cuộc tuyên xưng đức tin của thánh PHêrô thì Giáo hội cũng mời gọi ta gia tăng đức tin vào Chúa. Vì chỉ có đức tin mạnh mẽ mới làm cho Giáo hội được vững vàng và phát triển mặc dù các cửa hỏa ngục gầm thét, quấy phá.

Ta hãy vui mừng tạ ơn Chúa đã ban cho ta hồng ân đức tin lớn lao. Chính nhờ đức tin mà ta được cứu độ. Chính nhờ đức tin mà Giáo hội bền vững và phát triển.

Xưa kia Chúa đã nói với thánh Phêrô: “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32). Xin cầu nguyện cho các vị chủ chăn, Đức Thánh Cha, các giám mục chúng tôi được vững vàng qua các chao đảo. Qua những yếu đuối, biết thông cảm và nâng đỡ đức tin cho anh em mình.

Hôm nay Học viện và Tập viện Châu sơn Nho quan kết thúc niên học để bước vào mùa hè. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Đan viện Châu sơn Nho quan luôn là dấu chỉ của tình thương và sức mạnh của Chúa. Nhờ đó các bậc tiền nhân của chúng ta luôn giữ vững được đức tin qua các gian nan thử thách. Và nhờ đó chúng ta càng thêm vững vàng tin tưởng đây là công trình của Chúa, cửa hỏa ngục không thể phá được.

Hôm nay các chị Tu hội HIệp nhất và dòng Phaolô Thiện bản dâng lễ tạ ơn vì Chúa ban cho một tuần tĩnh tâm sốt sắng. Xin cho các chị tiếp tục cảm nghiệm thấy bàn tay Thiên Chúa trong đời phục vụ, để thêm tin tưởng và làm chứng cho đức tin tại môi trường các chị làm việc.

Ý thức tầm quan trọng của đức tin, ta hãy cùng các tông đồ cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Amen.

TGM. GS. Ngô Quang Kiệt

21. Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ

 «Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống ? »

Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường đi đến các làng xã vùng Cêsarê Philiphê: 29/6-71

Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường đi đến các làng xã vùng Cêsarê Philiphê, là miền dân ngoại ở phía bắc Galilê. Đó là một nơi xa khỏi vùng mà Đức Giê-su và các môn đệ của Người thường xuyên lui tới. Dọc đường, Đức Giê-su hỏi các môn đệ hai câu hỏi liên quan đến chính căn tính của mình: câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? » chuẩn bị cho câu hỏi thứ hai: « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? ».

Dường như để đặt cho nhau những câu hỏi thiết thân, nghĩa là tỏ bày cho nhau người này là ai đối với người kia, người ta cần phải giữ khoảng cách với thực tại, bằng cách đến một nơi xa lạ để sống thân tình với nhau.

  1. « Người ta nói Thầy là ai ? »

Đúng là, để trả lời đích thân cho Chúa và đi vào tương quan thiết thân với Ngài, chúng ta phải vượt qua những gì « người ta » nói về Ngài, và cũng đúng là những gì người ta nói về Ngài vẫn chưa là điều Ngài thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với con người. Nhưng, để giúp các môn đệ và giúp chúng ta hôm nay hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm Nhập Thể và nhất là về cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ, những gì người ta nói về Ngài có một ý nghĩa thực sự quan trọng.

Thật vậy, các môn đệ trả lời: « Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ ». Như thế, Chúa Giê-su ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút: một chút của ngôn sứ Gioan, một chút của ngôn sứ Elia, một chút của ngôn sứ Giêrêmia ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời « nhảy xuống » cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế, chắc hẳn Ngài sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.

Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình: « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của ngôn sứ Gioan. Theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ Đau Khổ là hình ảnh biểu tượng của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ nơi chính cuộc đời của mình.

Thánh Phê-rô đã không hiểu ra điều này, mặc dù đã tuyên xưng đúng căn tính của Chúa. Bởi vì, điều khó vừa khó hiểu và vừa khó chấp nhận, đó là con đường Ngài chọn để bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa cho các môn đệ, cho loài người, cho từng người trong chúng ta. Chính vì thế, bao lâu mầu nhiệm Vượt Qua chưa được hoàn tất, Ngài « cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô » (c. 20).

  1. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »

Sau câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? », Ngài hỏi các môn đệ: « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để lắng nghe câu hỏi này của Đức Giê-su, vì đây là câu hỏi không thể tránh né được, nhằm đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong hành trình đi theo Thầy Giê-su của các môn đệ, và vì đó cũng là câu hỏi Đức Giê-su hỏi đích thân mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, trong đời sống gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, có một lúc nào đó, và có thể là lúc này, Ngài cũng đích thân hỏi chúng ta: « Còn con, con nói Thầy là ai ? ».

Với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Bởi lẽ, đó là nói lại điều người khác nói về Chúa, đó là những thông tin. Đức Giêsu đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng một mình thánh Phêrô trả lời, bởi lẽ câu hỏi này đòi hỏi mỗi người phải trả lời đích thân. Và sau khi người môn đệ tuyên bố Đức Giê-su là ai đối với mình, Ngài sẽ dẫn các ông đi xa hơn và sâu hơn vào cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ và qua đó, Ngài bày tỏ ngôi vị thần linh và tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa: “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (c. 21)

Giống như hai người trẻ, sau một thời gian tìm hiểu, và nhất là đón nhận những ân huệ của nhau (quà tặng, thời gian, sự hiện diện và nhất là tình yêu), nhưng sẽ đến một lúc nào đó phải dừng lại, tìm một nơi thanh vắng, cách xa với môi trường sống quen thuộc, để tĩnh tâm, cầu nguyễn và suy nghĩ về việc có nên trao ban cho nhau lòng tin hay không, nghĩa là đặt cuộc đời của mình vào tay người kia, và cùng nhau suy nghĩ về một lựa chọn dứt khoát: có nên thuộc về nhau suốt đời hay không ? Mỗi người được mời gọi đưa ra quyết định: người kia là ai đối với mình suốt đời ? Cũng vậy, trong hành trình đi theo Chúa trong một ơn gọi, mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý hay truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một.

Vậy sau bằng đó năm đi theo Chúa, với tư cách là Ki-tô hữu trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, mỗi người chúng ta đã nghe Chúa đặt câu hỏi này cho mình chưa: « còn con, con nói Thầy là ai ? » Nếu có, chúng ta đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay chúng ta chỉ nghe và trả lời giống như người ta nói về Chúa mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người trưởng thành ?

Dĩ nhiên là chúng ta có thể trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô? Và tôi sẽ đi theo Ngài và dấn thân như thế nào để sống câu trả lời của tôi ?

  1. Mối phúc và sứ mạng

“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đây là lời tuyên xưng đức tin, qua đó thánh Phê-rô đại diện cho tất cả những người tin thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, nhìn nhận căn tính thần linh của con người Đức Giê-su Nazareth. Lời tuyên xưng đức tin này không có nguồn gốc con người, như Đức Giê-su xác nhận: « không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy », nhưng đến từ mặc khải của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự trên trời. Và niềm tin nơi Đức Ki-tô là một mối phúc: « Này anh Simon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc », phúc của thánh Phê-rô đã tuyên xưng niềm tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhờ mặc khải của Thiên Chúa, và phúc của chúng ta hôm nay, vì cũng tuyên xưng và sống cùng một niềm tin.

Xin cho chúng ta cảm nhận được mối phúc này mỗi ngày và suốt đời trong niềm vui, vì niềm tin chúng ta đặt để nơi Đức Ki-tô: đức tin của chúng ta thiết yếu không phải là một hệ thống tư tưởng hay nguyên tắc luân lí, nhưng là ngôi vị sống động và thần linh, là Đấng Cứu Độ, mang lại cho chúng ta tình yêu, lòng bao dung, ý nghĩa, đường đi, sự hiểu biết, sức sống và chính sự sống.

Nhưng thế nào là một mặc khải của Thiên Chúa về Đức Ki-tô ? Chắc chắn đó không phải là một sự nhận biết bất chợt và một lần là xong ; như chính Đức Ki-tô nói với thánh Phê-rô: « Điều Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu » (Ga 13, 7). Đặt mối phúc của thánh Phê-rô trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của ngài, chúng ta nhận ra rằng, mặc khải về căn tính thần linh của Đức Ki-tô đến từ chính kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô, đi theo, ở lại, lắng nghe, hiểu biết, để cho Người rửa chân, trao ban và yêu thương đến cùng, mỗi ngày và suốt đời. Kinh nghiệm đức tin của hai Thánh Tông Đồ giúp chúng ta nhận ra điều này: Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Pl 3, 7-9)

Đó là lời của thánh Phao-lô, nhưng thánh phê-rô cũng có cùng một kinh nghiệm sâu đậm về hiểu biết và lòng mến đến cùng dành cho Đức Ki-tô (x. Ga 21, 1-20). Chúa tin tưởng trao ban cho thánh Phê-rô, vừa với tư cách là “Đá Tảng” và vừa với tư cách là đại diện các tông đồ và các thừa tác viên (x. Ga 20, 23) một quyền rất lớn, đó là quyền tháo cởi hay cầm buộc. Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tin tưởng trọn vẹn mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho con người mòng dòn ở dưới đất. Nhưng trong lịch sử, đã có lúc Giáo Hội mê quyền cầm giữ hơn quyền tha tội, đã tách biệt quyền bính với sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô. Không gắn bó với Đức Ki-tô, không hiểu Ngài cách sâu xa, nhất là mầu nhiệm Thập Giá , không nhớ lại kinh nghiệm được thương xót, không để cho Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta rất dễ sử dụng quyền bính Chúa ban không phải để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, nhưng để lên án loại trừ và giết chết, theo năng động của Sự Dữ.

Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phê-rô, nhưng đá tảng Phê-rô lại được nâng đỡ bởi lòng thương xót.

(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

22. Hai Con Người, Hai Ơn Gọi

Mt 16, 13 – 19

Này Phêrô, Thầy bảo cho con biết: Phêrô nghĩa là đá; trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và 29/6-72

Này Phêrô, Thầy bảo cho con biết: Phêrô nghĩa là đá; trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng nổi.Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời; điều gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc… (Mt 16, 13-19)

Ơn gọi của Phêrô cũng giống như các môn đồ khác. Ngài thuộc nhóm bốn môn đồ đầu tiên. Phêrô và Anrê trước kia là môn đồ của Gioan Tẩy giả. Điều đặc biệt với Phêrô, đó là: ngài là người duy nhất được Chúa Giêsu đổi tên từ Simon ra Phêrô. Theo truyền thống Do thái, điều đó có ý nghĩa là ngài được trao cho một sứ mạng đặc biệt (Mt 16, 16).

Trong khi đó, Phaolô lại được gọi cách bất ngờ, mạnh mẻ. Chúa Giêsu dùng quyền mà khuất phục Phaolô, biến ông từ kẻ chống đối dữ dội, thành tông đồ nhiệt thành. Bài TM hôm nay chỉ đề cập đến Phêrô, nhưng chắc chắn không làm lu mờ địa vị của Phaolô.

  1. Qua bài Tin Mừng này, qua lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Kitô nhận ra ngay Ý Chúa Cha chọn Phêrô, nên mới soi sáng cho Phêrô biết bản tính siêu việt của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Kitô liền tuyên bố thiết lâp Hội Thánh trên nền tảng “Đá Phêrô” và công bố quyền lực tử thần không lấn át nổi; đồng thời Người cũng trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô.

Người ta có thể trách Chúa Giêsu, sao lai chọn các môn đồ tệ đến như vậy! Phêrô chối Chúa ba lần; Phaolô bắt bớ dữ dôi Hội Thánh Chúa. Thực ra, sau khi Chúa Thánh Thần đến, các ông hoàn toàn biến đổi, biến đổi đến ta phải kinh ngạc, sửng sờ. Người ta thường trách Chúa Giêsu vì đã chọn Phêrô là người chối Chúa; trách như thế là lầm to; Chúa Kitô hiểu rõ Phêrô hơn ta nhiều! Trên đời này, trừ Mẹ Maria ra, khó có người nào đã không sai lầm hay yếu đuối trong cuộc sống.Người ta lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhìn đến cuộc đời của Phaolô, càng cho ta thấy rõ về ơn sủng của TC tác động trong tâm hồn chúng ta mạnh mẻ là chừng nào! Trước khi bị TC khuất phục, Phalolô còn rất tre, lại có thế giá trong giáo quyền Do thái. Là người biệt phái nhiệt thành, lại có quốc tịch Rôma nữa. Vậy mà khi bị Chúa chiếm hữu, Phaolô hoàn toàn đổi mới; từ một người bắt bớ các tín hữu Kitô, Phaolô nay là nhà truyền giáo lỗi lạc, không hổ thẹn, với sự nghiệp truyền giáo đồ sộ, là nhà thần học xuất sắc. Vậy mà tất cả những gì Phaolô làm được, ngài cho là chỉ do ân sủng của TC mà thôi (1 Cor 3, 5+). Phaolô khẳng định mạnh mẻ: “đối với tôi, sống là Đức Kitô”. “Tôi không muốn biết điều gì khác, ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh”. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20)Thực ra, cả hai vị tông đồ đều đi cùng một con đường: “đến với Đức Kitô, vì Đức Kitô và cho Đức Kitô” như lời Phaolô nói: “Tôi biết, tôi đang tin vào ai…”.

  1. Mỗi người Kitô hữu chúng ta khi lãnh nhận BT rữa tội, là lãnh nhận cùng một sứ mạng như hai vị tông đồ cả mà chúng ta kính nhớ hôm nay. Dù chúng ta không có địa vị như các ngài, thánh thiện, tài năng như các ngài; tuy nhiên điều quan trọng Chúa đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta, không phải là ta sẽ làm được điều gì, hơn là chúng ta sẵn sàng sống và chết cho Đức Kitô, như lời Phaolô nói: Tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Kitô.

Hội Thánh Chúa Kitô, được xây dựng trên những con người bề ngoài có vẽ tầm thường; nhưng rõ ràng với ơn sũng của Thánh Thần, Hội Thánh không có gì mà không làm được. Ta có tin vào Hội Thánh, nhất là tin vào Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh không?

23. Hai Cột Trụ Của Giáo Hội

THÁNH PHÊRÔ và THÁNH PHAOLÔ, ngày 29/6

Mt 16, 13-19

  Vẫn có một cái gì đó như nghịch lý và hết sức ngạc nhiên:” Một Phêrô chối Chúa ba lần. Một Phaolô bắt 29/6-73

Vẫn có một cái gì đó như nghịch lý và hết sức ngạc nhiên:” Một Phêrô chối Chúa ba lần. Một Phaolô bắt bớ Giáo Hội của Chúa “, thế mà Phêrô lại trở thành tông đồ trưởng và làm đầu Hội Thánh hoàn vũ, còn Phaolô trở nên vị tông đồ dân ngọai hết sức đặc biệt và nhiệt thành. Cái trớ trêu của con người, của thế gian vẫn là điều gì con người cho là khôn ngoan, Thiên Chúa lại cho là khờ dại và cái gì được con người gán ghép cho là dại khờ thì lại trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Bài học ấy, xem ra đúng ở đây: “ Đúng với trường hợp của Phêrô và Phaolô “.

HAI CON NGƯỜI. HAI CUỘC ĐỜI: Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, có lẽ, chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Có những câu chuyện, những dụ ngôn, những ví dụ làm cho ta cảm động đến rơi lệ, lại có những trường hợp làm ta dở mếu, dở khóc, dở cười…Chúa Giêsu dậy ta những bài học hết sức thực tế xẩy ra chung quanh cuộc đời chúng ta. Chẳng hạn, Phêrô, một tông đồ đã đi theo Chúa từ những giây phút đầu khi Chúa bắt đầu sứ vụ công khai. Tin Mừng Matthêu viết:” Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông:” Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” ( Mt 4, 18-19).

Thánh Phaolô phải mãi sau khi Chúa Giêsu phục sinh, khi ông đang hăm hở, hăng say bắt bớ các môn đệ, các tín hữu của Chúa, rồi ông bị Chúa đánh ngã ngựa và mù lòa trên đường đi Đamas. Thánh Phêrô đã chấp nhận sự yếu đuối của mình, chối Chúa ba lần, nhưng Phêrô đã hiểu được ánh mắt nhân hiền của Chúa, đã hiểu được lòng thương xót vô bờ của Chúa Giêsu. Phêrô đã khóc lóc, ăn năn sám hối, quay trở về với Chúa. Chúa tha thứ và vẫn tin tưởng, yêu thương ông, đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Chúa. Phaolô khi ngã ngựa té nhào, khi cảm thấy thân phận yếu đuối, đôi mắt mù lòa, đã thưa với Giêsu:” Lạy Ngài, Ngài là ai ?” ( Cv 9, 5 ). Chúa đã chọn Phaolô làm tông đồ cho các dân ngoại như lời Chúa phán với Khanania:” …Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngọai, các vua chúa và con cái Irsaren “( Cv 9, 15 ). Phêrô và Phaolô là hai người khác biệt nhau, hai tính khí khác nhau, hai trình độ, hai nền giáo dục đào tạo của hai gia đình khác nhau. Phêrô xuất thân trong giới lao động, làm nghề chài lưới biển, còn Phaolô xuất thân từ một gia đình giàu có, thượng lưu, học thức. Tuy nhiên, cả hai đã vì tình yêu hòan toàn dành để cho Chúa, cho Giáo Hội, cho tha nhân, do đó họ quên đi mọi bất đồng để tất cả dâng hiến cuộc đời cho Chúa, cho Hội Thánh và tha nhân.

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ LÀ HAI TRỤ CỘT VỮNG BỀN CỦA HỘI THÁNH: Đi theo Chúa Giêsu, được Chúa tin tưởng, yêu thương, cất nhắc làm đầu Giáo Hội hoàn vũ, Phêrô đã hết lòng chăn dắt chiên con, chiên mẹ của Hội Thánh. Phêrô là Kêpha, tức đá tảng Chúa dùng xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian. Với bao nhiêu sóng gió, con thuyền của Giáo Hội vẫn đến bến bình an. Phêrô vẫn vững tay chèo, vững tay lái. Phaolô trở lại đạo, kiên vững trong lòng tin, hăng say loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Hai thánh Phêrô và Phaolô đã luôn bổ túc cho nhau để làm cho Hội Thánh sống động nhờ lời rao giảng của hai Ngài. Các Ngài đã trở nên nền tảng vững chắc của Hội Thánh sơ khai.

Với công đức lớn lao, với tấm gương đức tin sâu xa, hai thánh Phêrô và Phaolô đã dậy cho nhiều người sống đức tin và nhận ra Đức Giêsu Kitô là Cứu Chúa của họ. Cả hai thánh đã được vinh dự chết tử vì đạo tại Roma. Thánh Phêrô năm 64 và thánh Phaolô năm 67.

Hôm nay, chúng ta cũng mừng mầu nhiệm Giáo Hội được xây dựng trên nền móng của các Ngài. Chúng ta cầu xin các Ngài bầu cử cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, để chúng ta luôn vững lòng tin nhờ lời giảng dậy của các Ngài và nhờ gương sáng của các Ngài để lại hầu chúng ta luôn sống trong tình hiệp nhất, yêu thương và bác ái như Chúa Giêsu đã cầu xin:” Xin cho mọi người hiệp nhất nên một “ ( Ga 17, 23 ).

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chính nhờ các Ngài, Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin. Xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các Ngài giảng dậy ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ ).

Linh mục  Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

24. Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô

Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô hôm nay (29-6) không phải là ngày tử vì đạo của hai vị thánh Tông Đồ, 29/6-74

WGPSG — Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô hôm nay (29-6) không phải là ngày tử vì đạo của hai vị thánh Tông Đồ, nhưng có lẽ là ngày di chuyển hài cốt của hai vị vào hang toại đạo trên đường Hoàng đế Appia, gần nhà thờ Thánh Sebastianô ngày nay. Người ta gặp thánh lễ này lần đầu tiên trong lịch của thành phố Rôma vào năm 354.

Thánh Phêrô

Simon, người anh em của Thánh Anrê, xuất thân từ Betsaida miền Galilê, làm nghề đánh cá, đã có gia đình. Tất cả mọi sinh hoạt đều bình thường cho đến ngày Chúa Giêsu thành Nadarét gọi để theo và phục vụ Người. Chúa Giêsu đã ban cho ông tên mới là Kêpha, theo nghĩa Do Thái là Đá (từ đó dịch sang La ngữ là Petrus: Phêrô). Tên mới này nói lên sứ vụ trong tương lai của ông (x. Mt 16.13-20). Thánh Phêrô là người đứng đầu trong danh sách Mười Hai Tông Đồ của Chúa Giêsu.

Thánh Phêrô là một trong ba môn đệ, nói đúng hơn trong ba tông đồ được Chúa ưu ái một cách đặc biệt hơn những tông đồ khác. Thánh nhân được Chúa cho tham dự vào hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa. Tính tình Phêrô nóng bỏng, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh.

Nói về Thánh Phêrô, người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ngài. Đó là việc ngài đã chối Chúa. Tuy nhiên, bên cạnh những cái không tốt đó, chúng ta lại thấy nơi Thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này đã làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài, để rồi qua đó ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa khi Chúa đã đặt thánh nhân làm nền tảng Giáo Hội.

Đầu tiên chúng ta phải nói về lòng quảng đại. Phúc Âm đã ghi thật rõ, vừa khi được Chúa gọi, Simon Phêrô nhanh nhẹn từ bỏ nhiều thứ mà về sau thánh nhân thưa với Chúa là con đã bỏ tất cả mọi sự mà theo Thầy.

Bên cạnh lòng quảng đại, chúng ta còn thấy ở nơi Thánh Phêrô một đức tin chân thành. Trên con đường theo Chúa, Thánh Phêrô còn có một đức tính hiếm hoi mà những người khác ít ai có được, đó là lòng gắn bó keo sơn với Chúa. Sau Phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu có giảng một bài giảng về Bánh Hằng Sống. Bài giảng đó đã đánh dấu một khúc ngoặt mới trong cuộc đời công khai của Chúa. “Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”.

Nhưng đức tính mà nhiều người cảm phục nhất trong cuộc đời của thánh nhân, đó là lòng khiêm nhường. Sách Tu đức gọi đức Khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức. Đôi khi người ta cũng còn gọi đức khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Đọc trong Thánh Kinh, chúng ta thấy ít nhất có ba lần ngài đã biểu lộ sự khiêm nhường rất cụ thể như sau: Lần thứ nhất là khi Chúa cho các ông bắt được một mẻ cá lạ. Trong khi các môn đệ khác chỉ có thái độ cầm chừng thì Phêrô đã đến quì trước mặt Chúa và thưa với Người: “Lạy Thầy, xin tránh xa con ra vì con là một người tội lỗi”. Thánh nhân ý thức được cái thân phận yếu đuối của mình trước sự hiện diện của Chúa. Lần thứ hai là khi Chúa Giêsu quở mắng ông một cách thật nặng lời. Lần thứ ba được ghi ở trong sách Công vụ Tông đồ.

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh Phêrô lãnh đạo cộng đoàn tại Giêrusalem. Ngài đón nhận những người ngoại giáo đầu tiên gia nhập vào Hội Thánh (x. Cv 10,11). Lịch sử minh chứng ngài đã dừng chân tại Rôma và tử vì đạo dưới thời hoàng đế Nêrô (khoảng năm 64-67).

Thánh Phaolô

Bốn sách Phúc Âm không nói một câu nào về Thánh Phaolô. Chúng ta chỉ được biết về thánh nhân sau khi Chúa Giêsu đã về trời. Xét về mặt xã hội và con người của Thánh Phaolô thì chúng ta thấy ngài có nhiều điểm hơn hẳn Thánh Phêrô. Thánh Phaolô là một con người có học thức – Là học trò của Giáo sư Thánh Kinh nổi tiếng, Gamaliel. Gia đình thánh nhân thuộc loại khá giả. Đặc biệt Thánh Phaolô là người có tước Công dân La mã. Thánh nhân không thuộc nhóm 12. Thánh Phaolô là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt. Thánh nhân xuất hiện không như một người về phe với Chúa, nhưng như một kẻ đối đầu. Tệ hơn, như một kẻ thù. Chúng ta còn nhớ thật rõ câu truyện thánh nhân tình nguyện đi Đamas để lùng bắt và tiêu diệt những người mang danh Kitô hữu. Thế nhưng cũng chính từ cuộc lùng bắt những Kitô hữu này mà Chúa đã chinh phục thánh nhân. Cuộc chinh phục rất đột xuất làm cho nhiều người cảm thấy như không thể tin được. Thế nhưng đó lại là công việc của Chúa.

Chúa chọn Thánh Phaolô để sai ngài đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho dân ngoại. Muốn hiểu cuộc đời theo Chúa của Ông như thế nào, chúng ta hãy đọc lại Sách Công vụ Tông đồ và nhất là những bức thư nổi tiếng của thánh nhân còn để lại.

Thánh Phaolô tử vì đạo vào năm 67. Khi xưa, Hội Thánh lấy ngày 30-6, sau ngày kính trọng thể hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, để kính nhớ đặc biệt Thánh Phaolô. Nhưng lịch mới vào năm 1970 không còn nữa, ngược lại Hội Thánh nâng lễ “Thánh Phaolô trở lại” ngày 25-1 lên bậc lễ cao hơn.

25. Theo Gương Thánh Phêrô Và Phao-Lô Tông Đồ

Lễ Kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Thiên Chúa là một mầu nhiệm, mà việc Ngài làm cũng là một mầu nhiệm con người không tài nào hiểu 29/6-75

Thiên Chúa là một mầu nhiệm, mà việc Ngài làm cũng là một mầu nhiệm con người không tài nào hiểu nổi. Thánh Phaolô gọi sự khôn ngoan của Thiên Chúa là “sự khôn ngoan mà không một thủ lãnh nào của thế gian này đã biết” (1 Cor 2:8). Việc Thiên Chúa chọn một ngư phủ thất học và bồng bột làm thủ lãnh Hội Thánh, và một người bắt đạo cuồng tín để truyền giáo là một việc điên rồ trước mặt thế gian, “vì thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận ra Thiên Chúa trong sự khôn ngoan của Ngài, nên Ngài đã có ý dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu những người tin” (1 Cor 1:21). Chúng ta chỉ có thể hiểu được Thiên Chúa nhờ ân sủng và qua cặp mắt Đức Tin. Tin rằng Ngài làm được tất cả mọi sự. Tin sắt đá như hai Thánh Phêrô và Phaolô.

  1. Thánh Phêrô và Thánh Phaolô

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai người hoàn toàn khác nhau được Đức Kitô gọi trong hai hoàn cảnh cũng hoàn toàn trái ngược nhau để cùng rao giảng cùng một Tin Mừng tình yêu và cứu độ.

Thánh Phêrô có tên là Simon trước khi gặp Đức Kitô. Người đã đồi tên ngài thành Kêpha (Phêrô). Ngài là một ngư phủ sinh trưởng tại Galilêa, đã có gia đình. Chúa Giêsu đã gọi ngài để biến ngài từ “người đánh cá” thành “đánh cá người”. Tính tình ngài năng động, nông nổi, hay nói thẳng, đầy tự tin và nhiệt huyết, nhưng cũng nhát đảm. Vì nói thẳng và hay nói nên dễ lỡ lời đến nỗi bị Chúa gọi là “Satan” (x. Mt 16:23 ). Vì đầy tự tin và nhiệt huyết nên đã thề là không bao giờ bỏ Chúa (x. Mt 26:33-35; Mc 14:31). Nhưng sau đó vì nhát đảm nên đã chối Chúa ba lần (x. Mt 26:69-75; Mc 14:66-72; Lc 22:54-62; Ga 18:15-27). Ngài là một người theo đạo Do Thái theo truyền thống, đơn sơ, không được học hành sâu sắc. Tuy sống chung với nhiều người Hy Lạp ở Galilêa, nhưng có lẽ ngài không rành tiếng Hy Lạp lắm, nên khi đi rao giảng ngài cần Thánh Marcô làm thông dịch cho ngài.

Thánh Phaolô trước khi trở lại có tên là Saulô. Quê quán ở Tarsô, Cilicia, là con của một người Do Thái lưu vong. Ngài là một người có học thức, thông thạo cả tiếng Hy Lạp lẫn tiếng Do Thái và tiếng Aram, hiểu biết cả thần học của Do Thái lẫn triết học Hy Lạp. Vì con một gia đình thế giá, là công dân Rôma, nên ngài cũng được thừa hưởng quyền công dân ngay từ nhỏ, nhưng cũng là một Biệt Phái. Được cha mẹ gửi về Giêrusalem để học về Lề Luật theo Thầy Gamêliên. Vì lòng nhiệt thành với Đạo Do Thái, ngài đã bắt bớ những người theo Chúa Giêsu thành Nazareth (Tđcv 8:3-9:2). Nhưng trên đường đi Đamascô để tróc nã các tín hữu, Chúa đã quật ngã ngài và hỏi ngài: “Saulô, Sao người bắt bớ Ta?” (Tđcv 9:4). Khi đó ngài đã nhận ra rằng Đức Kitô vẫn còn sống và thật sự là Đức Kitô. Chính Người đã cho Thánh Phaolô hiểu rằng Người và Hội Thánh là một. Từ sự hiểu biết ấy, Thánh Phaolô gọi Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô. Sau khi trở lại và chịu phép Rửa, Thánh Phaolô đã hết lòng phục vụ Chúa và Hội Thánh bằng chính nhiệt huyết sẵn có của mình.

Cách hai vị được mời gọi làm tông đồ nhưng nhiệm vụ của hai vị khác nhau. Thánh Phêrô được gọi ngay từ những ngày đầu cuộc đời công khai của Chúa. Thánh Phaolô được gọi sau khi Chúa đã về trời. Thánh Phêrô là một trong những tông đồ được gọi trước hết và được Chúa đặc biệt trao phó nhiệm vụ hướng dẫn Hội Thánh (x. Mt 6:19; Ga 21: 15 -17) cùng nâng đỡ các tông đồ khác (x. Lc 22:32 ). Thánh Phaolô được gọi sau cùng và được trao nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Việc Chúa chọn hai Thánh Phêrô và Phaolô cho thấy chương trình mầu nhiệm và quyền năng vô biên của Thiên Chúa trong việc biến đổi những người tầm thường nhất hoặc cứng đầu nhất thành những tông đồ nhiệt thành của Ngài nếu họ biết hợp tác với ân sủng của Ngài.

  1. Các Ngài giống nhau ở điểm gì?
  2. a) Tâm hồn khiêm nhường biết hoán cải. – Cả hai vị đều là những người yếu đuối và tội lỗi biết khiêm nhường hoán cải. Thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần, nhưng sau đó hết lòng ăn năn và trung thành với Người cho đến chết. Thánh Phaolô cố tình tiêu diệt Hội Thánh ngay từ lúc phôi thai, nhưng sau đó đã đem cả cuộc đời ra để làm cho Hội Thánh được lan rộng khắp nơi, mà không sợ đói khát, nguy hiểm, tù đầy, kể cả cái chết.
  3. b) Niềm tin chắc chắn rằng Chúa Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. – Trong khi những người Do Thái đồng thời với các ngài đang mong chờ một Đấng Kitô [theo kiểu thế tục] đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ ngoại bang, hai Thánh nhân đã nhận ra Chúa Giêsu chính là Đức Kitô. Thánh Phêrô là người đầu tiên đã tuyên xưng Chúa Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16:16 ). Còn Thánh Phaolô thường gọi Chúa Giêsu là “Chúa” hoặc là “Đức Kitô”. Trong các thư của ngài, ngài đã gọi Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” (x. 1 Thes 1:10; Rom 5:10; 8:3; 2 Cor 1:19 ).
  4. c) Lòng yêu Chúa và Hội Thánh thiết tha và làm tất cả vì Chúa. – Một khi đã trở lại, hai vị đã hoàn toàn quên mình và hiến trọn đời cho Chúa. Cả cuộc đời còn lại của Thánh Phaolô được Ngài tóm tắt vào câu: “tôi sống, nhưng không còn là tôi, nhưng là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20 ). Ngài khuyên chúng ta: “dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1 Cor 10:31 ). Còn Thánh Phêrô thì nhắc nhở chúng ta: “Hãy tôn thờ Ðức Kitô là Chúa trong lòng anh em, và luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ người nào hỏi anh em về lý do của niềm hy vọng nơi anh em” (1 Phr 3:15), và “vì chính Ðức Kitô đã chịu đau khổ trong thân xác, nên anh em cũng hãy tự trang bị bằng cùng một tâm tưởng ấy, vì ai chịu đau khổ về thể xác thì ngừng phạm tội, để thời gian còn lại trong thân xác, người ấy không còn sống theo những tình dục con người, nhưng theo thánh ý của Thiên Chúa” (1 Phr 4:1-2). Cả hai vị đã làm gương trước bằng cách hy sinh chính mạng sống cho Chúa và Hội Thánh
  5. d) Khiêm nhường, ý thức được giới hạn của mình và phó thác cho Chúa. – Mặc dù cả hai vị được Chúa ban cho nhiều quyền năng, kể cả quyền làm cho người chết sống lại, nhưng hai vị rất khiêm nhường. Đọc Tông Đồ Công vụ cũng như hai thư của Thánh Phêrô chúng ta không bao giờ thấy ngài tỏ ra hãnh diện vì quyền năng Thiên Chúa ban cho ngài. Khi chết ngài xin được đóng đinh ngược vì thấy mình không xứng đáng được đóng đinh như Chúa Giêsu. Còn Thánh Phaolô thì nhận mình trước kia là “một tên phạm thượng, khủng bố và ngạo mạn.” Ngài nhận mình là “một đứa bé sinh non, là người bé nhỏ nhất trong số các Tông Đồ, không đáng được gọi là Tông Đồ” (x. 1 Cor 15:8-9). Vì thế mà Thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường trong cách đối xử với nhau, vì ‘Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường.’” (1 Phr 5:5) và “anh em hãy hạ mình dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Ngài nâng anh em lên trong giờ đã định. Hãy trút hết mọi âu lo cho Ngài, vì Ngài chăm lo cho anh em” (1 Phr 5:6). Còn Thánh Phaolô thì nói: “Nếu tôi phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe về những gì liên quan đến sự yếu đuối của tôi” (2 Cor 11:30), đồng thời ngài khuyên chúng ta: “Vì nhờ ân sủng đã được ban cho tôi, tôi xin từng người trong anh em, đừng nghĩ tốt về mình quá mức, nhưng hãy nghĩ về mình cách khiêm nhường, mỗi người tuỳ theo mức độ đức tin mà Thiên Chúa đã ban phát cho” (Rom 12:3).
  6. e) Không ghen tương, ganh tị, nhưng tận tình giúp đỡ nhau. – Tuy có nhiều kiến thức hơn Thánh Phêrô, nhưng Thánh Phaolô đã đến ở với Thánh Phêrô 15 ngày để học cùng Thánh Phêrô những gì ngài đã học từ Đức Kitô (Gal 1:18). Để chắc ăn, Thánh Phaolô lại lên Giêrusalem một lần nữa với mục đích trình bày Tin Mừng mà ngài rao giảng giữa các Dân Ngoại riêng với các vị đáng kính, “vì sợ rằng bằng cách nào đó tôi đã xuôi ngược, và đã xuôi ngược vô ích” (Gal 2:1-2). Ngài khuyên bảo chúng ta: “Ðừng làm gì vì ganh tị hay hư danh, nhưng trong tinh thần khiêm nhường, mỗi người hãy coi người khác là hơn mình” (Phil 2:3). Còn Thánh Phêrô đã bị Thánh Phaolô chỉ trích một lần cách công khai trước mặt mọi người, nhưng ngài đã không bào chữa (x. Gal 2:11 -14). Sau này chúng ta thấy chính Thánh Phaolô cũng làm nhiều điều để tránh mất lòng người Do Thái, như cắt bì cho Timôthê (Tđcv 16:1-3)…. Dù bị chỉ trích như thế, nhưng hai Thánh nhân vẫn tương đắc với nhau như Thánh Phaolô diễn tả trong Galatê 2:9-10. Thánh Phêrô cùng thánh Giacôbê và Gioan đã đưa tay phải cho Thánh Phaolô để tỏ dâu hiệp thông. Còn Thánh Phaolô thì đi đâu cũng lo quyên góp để giúp đỡ cộng đoàn Kitô hữu ở Giêrusalem.
  7. f) Giảng dạy bằng gương sáng chứ không chỉ bằng lời nói. – Thánh Phaolô bảo chúng ta hãy bắt chước Ngài: “tôi xin anh em, hãy bắt chước tôi” (1 Cor 4:16 ; Phil 3:17 ) như Ngài “theo gương Đức Kitô” (1 Cor 11:1). Còn Thánh Phêrô thì khuyên các mục tử: “Ðừng thi thố quyền hành trên phần gia tài đã được trao cho anh em, nhưng hãy trở nên gương lành cho đàn chiên” (1 Phr 5:3).
  8. g) Can đảm đương đầu với thế gian và quyền lực. – Thánh Phêrô đã can đảm đứng trước Công Nghị mà tuyên bố rằng: “Các ông hãy xét xem có phải là điều đúng trước mặt Thiên Chúa không khi nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa? vì chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.” (Tđcv 4:19-20). Còn Thánh Phaolô cũng “chịu đựng trong gian khổ, cùng quẫn, lo âu, đòn đánh, tù ngục, xáo trộn, lao nhọc, mất ngủ, đói khát” (x. 2 Cor 6:4-5), nhưng nhất định không nhượng bộ và giữ vững đức tin cho đến cùng (2 Tim 4:7).
  1. Các ngài dạy chúng ta điều gì?

Qua cuộc đời các ngài, Thánh Phêrô và Phaolô đã dạy chúng ta rất nhiều điều. Đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chúng ta theo gương các ngài thực hành được hai điều chính thôi thì chắc các ngài cũng vô cùng vui sướng trên trời.

  1. a) Làm mọi sự vì vinh danh Chúa. – Ngày nay sở dĩ chúng ta có nhiều chia rẽ trong Hội Thánh, trong các cộng đoàn, các giáo xứ vì nhiều người trong chúng ta đang làm việc vì tư lợi và hư danh. Nếu chúng theo gương hai Thánh Tông Đồ, quên mình và làm tất cả mọi sự để Thiên Chúa được vinh danh thì chắc chắn chúng ta sẽ thắng vượt được mọi khó khăn và sẽ dễ lôi kéo nhiều người khác về với Chúa. Muốn như thế, chúng ta phải “không còn sống theo những tình dục con người, nhưng theo thánh ý của Thiên Chúa” (1 Phr 4:2). “Nếu có ai chịu khổ như một Kitô hữu, thì đừng xấu hổ, nhưng hãy tôn vinh Thiên Chúa vì danh hiệu đó” (1 Phr 4:16 ).
  2. b) Can đảm đứng lên bảo vệ và rao truyền chân lý. – Giống như thời đại các ngài, con người thời nay cũng đang thờ ngẫu tượng là tiền tài, danh vọng và những thú vui xác thịt. Họ đang “theo những dục vọng của lòng họ, theo những điều ô uế, để họ cùng nhau làm nhục thân thể của họ. Họ đã đổi chân lý của Thiên Chúa để lấy sự giả trá. Họ đã tôn kính và thờ phượng những loài thụ tạo, thay vì Ðấng Tạo Hoá” (Rom 1:24 -25). Họ cũng “theo dục tình đồi bại. Phụ nữ của họ đã đổi những liên hệ tự nhiên lấy những liên hệ trái tự nhiên. Ðàn ông cũng thế, bỏ liên hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Ðàn ông làm việc tồi bại với đàn ông” (Rom 1:26 -27). Họ đang tìm cách đạp đổ gia đình là nền tảng của xã hội bằng cách gán cho nó một định nghĩa mới. Họ đang nhân danh “quyền chọn lựa của phụ nữ” để giết hại hàng triêu trẻ em trong lòng mẹ mỗi năm. Không những thế họ còn muốn dạy những điều này cho trẻ em, và thay đổi luật pháp để biến những điều này thành những quyền căn bản ngõ hầu khoá miệng những ai muốn vạch rõ chân lý cho họ. Là Kitô hữu chúng ta có nhiệm vụ chống lại “nền văn hoá sự chết này” dù phải chịu mọi thiệt thòi hay phải chết như các ngài đi nữa.

Kết luận.

Để kết thúc tôi xin mượn chính lời của Thánh Phêrô: “Anh em hãy tiết độ và tỉnh thức, vì kẻ thù của anh em là ma quỷ, như một con sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi để cắn xé. Anh em hãy chống lại nó, hãy đứng vững trong đức tin, vì biết rằng các anh em của mình đang sống trên trần gian đều phải trải qua cùng những thống khổ như thế. Thiên Chúa của mọi ân sủng, là Ðấng đã mời gọi anh em vào vinh quang vĩnh cửu của Ngài trong Ðức Kitô, sẽ làm cho anh em được nên hoàn hảo, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cố sau khi anh em đã chịu đau khổ một thời gian ngắn. Nguyện chúc Người vinh quang và uy quyền đến muôn muôn đời. Amen” (1 Phr 5:8-11).

26. Tiểu Sử Thánh Phê Rô

Thánh Phê rô làm nghề chài lưới,tên thật là Simon là anh của Anrê .Khi ông Anrê được Thánh Gioan29/6-76

Thánh Phê rô làm nghề chài lưới,tên thật là Simon là anh của Anrê .Khi ông Anrê được Thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu cho biết Chúa Giêsu, trước hết ông gặp anh mình là Simon và nói:”Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia “.Rồi ông dẫn anh mình đén gặp Đức Giêsu.Đức Giêsu nhìn ông và nói:”Anh là Simon con ông Gioan ,anh sẽ được gọi là Kêpha,nghĩa là Phêrô”.Một hôm,đang lúc Chúa Giêsu ở bờ hồ Ghennê saret,dân chúng kéo đến nghe Người giảng đông quá.Người thấy Simon đang giặt lưới dưới thuyền thì xuống thuyền ông ngồi và giảng dạy dân chúng.Giảng xong Người bảo ông chèo thuyền ra khơi đánh cá.Mặc dù đã thức suốt đêm mà không được con cá nào,nhưng ông cũng vâng lời Chúa,chèo thuyền ra khơi thả lưới.Đến Đến lúc kéo lên,lưới đầy cá.Ông quá khiếp sợ .Nhưng Chúa bảo:”Đừng sợ,từ này anh sẽ bắt người như bắt cá”.Thế là họ đưa thuyền vào bờ,và bỏ hết mọi sự mà theo Người.

Từ đó,Thánh Phêrô trung thành theo giúp Chúa cho đến chết.Trong số các Tông đồ,Ngài tin Chúa mạnh mẽ hơn hết ,chính Ngài tuyên xưng “Chúa Giêsu là đấng Kitô,con Thiên Chúa”,và tuyên bố:Dù ai bỏ Chúa,còn Ngài luôn gắn bó với Chúa.Tuy nhiên,Ngài cũng là con người yếu đuối ,Ngài đã chối Chúa ba lần như lời Chúa báo trước ,nhưng Ngài đã biết ăn năn sám hối.Ngài được chứng kiến tất cả các diễn biến quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế ,như lúc Chúa biến hình trên núi Tabo ,lúc Chúa cầu nguyện trong vườn Giêtsêmani,lúc Chúa sống lại.Và sau khi sống lại.Chúa đã đặt Ngài làm thủ lãnh các Tông đồ và thay mặt Chúa điều khiển Hội Thánh.Chính Ngài là vị Giáo chủ đầu tiên.Thánh nhân luôn chu toàn sứ mạng Chúa trao phó,sống xứng đáng là vị mục tử.Bao nhiêu lần bị bắt bớ bách hại,nhưng vẫn một lòng trung kiên phụng sự Chúa cho đến chết,và chết treo ngược đầu xuống đất vì lòng tôn kính Chúa Kitô dưới thời Hoàng đế Nêron (khoảng năm 65 ).

Chúng ta hãy yêu mến đức tin,đời sống sự đau khổ của Ngài.Noi gương Thánh Phê rô,chúng ta sốt sắng nhiệt thành bằng lời Chúa,bằng lời khuyên bảo,lời cầu nguyện ,nhất là sự hy sinh chịu khó hằng ngày.

27. Thánh Phêrô

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Các vị Thánh khác có tên “Phêrô” được liệt kê tại bài Thánh Phêrô (định hướng)

Thánh Phêrô (Tiếng Hy Lạp: Πέτρος, Pétros “Đá”, Kephas hoặc thỉnh thoảng là Cephas) là tông đồ 29/6-77

Thánh Phêrô (Tiếng Hy Lạp: Πέτρος, Pétros “Đá”, Kephas hoặc thỉnh thoảng là Cephas) là tông đồ trưởng trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Thánh Phêrô được Chúa trao cho quyền cai quản Hội Thánh. Ông là con trai của Giona và là anh em ruột của Anrê – một vị thánh khác trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu.

Nguồn sử liệu chính giúp chúng ta tìm hiểu về cuộc đời của ông là sách Tân ước mà chủ yếu là bốn sách Phúc Âm và sách Tông đồ Công vụ. Tân ước nhắc đến Phêrô khoảng 154 lần, dưới danh xưng Hy Lạp Petros, thường gắn liền với tên Do Thái Simêon (đọc theo kiểu Hy Lạp là “Simon”). Tên khai sinh của ông là Simon, và tên của cha là Gioan[1]. Danh xưng tiếng Hy lạp “Petros” gốc từ “petra” có nghĩa là “đá”, do Chúa Giêsu đặt cho ông; trong tiếng Aram là Kêpha (xuất hiện trong các thư của Thánh Phaolô).

Truyền thống công giáo cho rằng, ông là Giám mục của Rôma và là vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội Công giáo. Niên giám Tòa Thánh năm 1838 dưới triều đại của Giáo hoàng Grêgôriô XVI cho rằng ông trở thành Giám mục Rôma vào năm 42 và ở ngôi trong vòng 25 năm [2]. Niên giám Tòa Thánh năm 2003 xác định rằng thời gian bắt đầu triều đại của ông không rõ và kéo dài tới năm 64[3]. Phêrô cũng là người sáng lập nên Giáo đoàn tại Antioch và là người lãnh đạo của cộng đồng tín hữu tại đây trong vòng 7 năm liền.[4]

Tuy nhiên một số học giả như John Dominic Crossan, Richard G. Watts, Hans Kung, Uta-Ranke Heinemann,… cho rằng thông tin Phêrô được bổ nhiệm làm Giáo hoàng đầu tiên là do chính Giáo hội bịa đặt nhằm củng cố và thần Thánh hóa quyền lực của mình.[5][6][7][8][9]

Từ nguyên về các tên gọi của Thánh Phêrô

Tranh vẽ theo phong cách Frescoe về Thánh Phêrô đang cầm chìa khóa Nước Trời do họa sĩ Ý Andrea Vanni sáng tác, niên đại khoảng năm 1390.

Tên khai sinh của ông là Shimon, hay Simeon, Simon (tiếng Anh) và Si-mon (tiếng Việt). Về sau chúa Giêsu đặt cho ông tên Phêrô, theo tiếng La Tinh là “Petrus”, một danh từ giống đực của danh từ giống cái petra mang nghĩa là “đá”. Trong tiếng Hy Lạp, tên của ông là “Πέτρος (Petros)”, cũng là dạng giống đực của πέτρα (petra) là “đá” – chú ý rằng chữ “petra” này là từ mượn gốc Hy Lạp của tiếng La Tinh. Trong nhiều trường hợp ông cũng được gọi là Si-mon Kê-pha; (Tiếng Aramaic:Šimʻōn Kêfâ; Tiếng Syriac: ܫܶܡܥܽܘܢ ܟ݁ܺܐܦ݂ܳܐ Sëmʻān Kêfâ), gọi theo tên của Phêrô trong tiếng Aram được Hy Lạp hóa.

Phiên bản tiếng Anh và tiếng Đức của chữ Phêrô là “Peter” (Pitơ), tiếng Pháp là “Pierre” (Pie), tiếng Ý là “Pietro” (Piêtrô), tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là “Pedro” (Pêđrô), tiếng Ba Lan và tiếng Nga là “Piotr” (Piốt). Các phiên bản (giống cái) của từ “đá” (petra) cũng tương đối khá giống nhau trong nhóm ngôn ngữ Rôman: tiếng Tây Ban Nha là piedra, tiếng Ý là pietra, tiếng Pháp là pierre, và tiếng Bồ Đào Nha là pedra.

Trong tiếng Aram và Syriac, từ “đá” dược gọi là “kêpha” (cephas), sang tiếng Hy Lạp nó trở thành chữ tiếng Hy Lạp: Πέτρος.[10][11] Như vậy, trong nhiều trường hợp Phêrô cũng được gọi bằng các tên Simon Phêrô và Kêpha (Cephas (tiếng Hy Lạp: Κηφᾶς) hay Kepha (tiếng Hebrew: כיפא‎, cả Cephas và Kepha đều mang nghĩa là “đá”).[12]

Tuy nhiên, nhà thần học Công giáo Rudolf Pesch cho rằng từ cepha trong tiếng Aram mang nghĩa “cục đá, cục đất, cuộn” và “đá” chỉ là nghĩa rộng; trong khi đó từ tiếng Hy Lạp petra mang nghĩa “grown rock, dãy núi đá, vách đá, hang động” và petros có nghĩa là “tảng đá nhỏ, đá lửa, đá để ném, tảng đá lăn”.[13]

Cuộc đời trong Kinh Thánh

Gia đình

Tại Capernaum miền Bắc Biển hồ Galilea. Một nhà thờ Chính Thống giáo đã được xây dựng trên phần đất được xem là nhà của Phêrô xưa

Ông sinh tại Bethsaida, một thị trấn nhỏ thuộc miền Galilea, trên bờ biển Tiberia, xứ Palestine. Ông đã có một người mẹ vợ chính thức được đề cập đến trong Kinh Thánh và được Giêsu chữa lành một cách kỳ diệu (Mátthêu 8:14-15, Luca 4:38, Máccô 1:29-31). Theo Clement thành Alexandria[14] thì Phêrô đã lập gia đình, có những đứa con, vợ của ông đã chịu đau khổ và chịu tử vì đạo.

Theo một số truyền thuyết có ít nhất từ thế kỷ thứ sáu thì con gái của Phêrô là Petronilla [15]. Tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở bàn thờ của Thánh Petronilla được vẽ bởi Guercino, 1623, Cristofari, 1730. Giáo hoàng Clement I [16] viết: ” Phêrô và Philipphê là cha của những đứa trẻ; […] Khi Thánh Phêrô nhìn thấy vợ của mình bị dẫn đi tử hình, ông đã rất hoan hỉ bởi vì lệnh đòi và sự trở về nhà cha của bà, bà là nguồn động viên, an ủi rất lớn và ông nói với bà: “Hãy nhớ tới Thiên Chúa”. Đó là sự kết hợp của những vị thánh và họ là một sự sắp đặt hoàn hảo hướng về những gì thánh thiện nhất”.

Thánh Phaolô có vẻ như đã nhắc tới vợ của Phêrô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô:

“       Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha  ”

— Thư gửi tín hữu Côrintô chương 9, câu 5.Vị trí trong 12 sứ đồ

Phêrô là anh em với ông Anrê. Hai ông làm nghề đánh cá ở Caphanaum bên cạnh hồ Galilê (Mátthêu: 4,23). Ông đã gặp Chúa Giêsu qua sự giới thiệu của Anrê. Ông đến gặp Chúa Giêsu và được Người đặt tên là Phêrô (Gioan: 1, 42). Phúc âm Luca cho chúng ta biết thêm: ông trở thành môn đệ của Chúa Giêsu sau khi Chúa cho ông đánh được một mẻ lưới đầy cá (Luca: 5, 4:11).

Theo các sách Phúc âm (Máccô: 1,16-18; Mátthêu 4,18-22; Luca 5,1-11; Gioan), ông thuộc vào số những người đầu tiên được Ðức Giêsu kêu gọi làm môn đệ (cùng với Anrê, Gioan và Giacôbê). Trong danh sách của 12 tông đồ, ông luôn được xếp hàng đầu (Máccô 3,16-19; Mátthêu 10,2-4; Luca 6,14-16; xem thêm Công vụ: 1,13). Tên của ông luôn được nhấn mạnh (Mátthêu: 10:2): “Duodecim autem Apostolorum nomina haec: Primua Simon qui dicitur Patrus..” Sau đây là tên của mười hai Tông đồ đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, Máccô 2: 14 – 16: Và Người lập nhóm mười hai để các ông ở lại với Người và để Người sai các ông đi rao giảng và đặt tên cho Simon là Phêrô. Luca 6: 13 -14: “Et cum dies factus esset, vocavit discipulos suos, et elegit duodecim ex ipsis Smonem quem cognominavit Petrum…(Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông. Đó là ông Simon mà người gọi là Phêrô. Trong nhiều dịp khác, Phêrô đã nhân danh các tông đồ khác mà nói (Mt. 15:15; 19:27; Lc. 12: 41…). Khi Chúa Giêsu nói với các tông đồ thì Phêrô nhân danh họ (Mátthêu: 16 – 16). Thường thì Người nói riêng với Phêrô (Mátthêu: 26: 40; Luca: 22 – 31).

Người giữ chìa khóa Nước Trời – Lãnh đạo của Giáo hội do chúa Giêsu thiết lập

Đức Giêsu trao cho Phêrô chìa khóa nước trời, vẽ bởi Pietro Perugino (1481–82)

Đối với cộng đồng tín hữu Công giáo, bằng chứng quan trọng cho thấy Thánh Phêrô là lãnh đạo của Giáo hội do chúa Giêsu thiết lập được tìm thấy trong Kinh Thánh, chương Mátthêu 16:17-39 và Gioan 21: 15-17.[9] Cụ thể, khi đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi (Xê-da-rê Phi-líp-phê) ông là người đã tuyên xưng Giê-su là Con Thiên chúa. Và cũng chính tạkklli đây, ông đã được Chúa Giê-su đặt là người đứng đầu tuyên bố tính thiên sai của Chúa Kitô và làm nền móng cho Giáo hội:

“       Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy    ”

— Matthew 16,18-19.Đoạn văn trên được Giáo hội Công giáo lấy làm nền tảng khi nói về địa vị và vai trò của mình là Hội Thánh duy nhất do chính Chúa Giêsu lập với tính chất “thông công” trong dân Chúa.

          Nội dung và quan điểm của bài hoặc đoạn này có thể thể hiện một tầm nhìn chưa mang tính toàn cầu.

Xin cải thiện bài này hoặc thảo luận về vấn đề này tại trang thảo luận.Tuy nhiên, đã có những ý kiến phủ nhận việc Phêrô được Chúa Giêsu bổ nhiệm làm người đứng đầu Giáo hội. Nhà nghiên cứu Kitô giáo John Dominic Crossan đã khẳng định Giêsu không hề có ý định lập một giáo hội riêng biệt hay một tôn giáo riêng biệt, mặc dù ông không phủ nhận việc Giêsu có thể đã có những ý tưởng và chương trình cụ thể về việc thành lập một cộng đồng cư dân với tín ngưỡng làm mối dây liên kết.[6] Nhà thần học Hans Küng cũng cho rằng Giêsu không hề có ý tưởng về việc thành lập một tôn giáo lớn được tổ chức bởi chính ông, và ý tưởng về một cộng đồng riêng biệt tách khỏi khối dân cư Do Thái cổ xưa hoàn toàn là “một nhân tố hậu Phục sinh”, sáng tác ra bởi cộng đồng giáo dân tại Palétxtin, hay thậm chí trong giai đoạn muộn hơn bởi cộng đồng của Mátthêu.[7][17] Bị định hướng bởi nhận thức mình đang sống trong giai đoạn mạt thế, Giêsu không hề tuyên xưng về một Giáo hội, về bản thân mình, mà về chính Nước Trời. Küng cũng chỉ ra rằng, nhiều chi tiết trong Thánh kinh cho thấy nhiều điều không hay ho về tư cách đạo đức và trình độ học thức của Phêrô, và không có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy quyền lực pháp lý của Phêrô dưới tư cách là một lãnh tụ tối cao hay một “Giám mục thành Rôma”; rõ ràng mặc dù có ảnh hưởng nhất định, Phêrô đã phải chia sẻ quyền lãnh đạo với nhiều Tông đồ khác, tỉ như nhóm Mười Hai hay nhóm “ba cột trụ”[17]. Giáo sư thần học Uta-Ranke Heinemann thì nhận định: Giáo hội đã biến Giêsu thành công cụ tuyên truyền, và các chi tiết về sự thành lập Giáo hội tỉ như việc tuyên bố Phêrô là “phiến đá” xây dựng Giáo hội thực chất là những chi tiết được ngụy tạo và thêm thắt bởi những người biên soạn Thánh kinh.[8] Trên thực tế, sau khi đạo Kitô được lan tỏa nhanh chóng trong cộng đồng dân cư thời đó, giáo hội đã nhận thức được tầm quan trọng then chốt của mối dây liên kết giữa cộng đồng tín hữu Kitô với các tông đồ của chúa Giêsu, và đó là lý do để giáo hội Kitô thành lập sự liên hệ của mình với Thánh Phêrô.[9]

Đi trên mặt nước

Tất cả bốn sách phúc âm đều ghi lại việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Mát-thêu còn mô tả thêm việc Phê-rô đi bộ trên mặt nước nhưng khi ông sợ hãi thì ông bắt đầu chìm (Mt 14: 28 – 31). Phêrô đã nhân danh các tông đồ khác biểu lộ lòng trung thành với Giêsu.

Sau khi nói về mầu nhiệm Mình và Máu của Người (Ga. 6:22t) nhiều người trong nhóm môn đệ đã bỏ Người mà đi. Giêsu hỏi nhóm mười hai thì Phêrô liền đáp:

“Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Cùng với Giacôbê và Gioan, ông Phêrô được chứng kiến vài biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu như khi Người cho con gái ông Giairô chết sống lại (Mc. 9:1; Lc. 8:51); sự hiển dung của Đức Kitô (Mt.9:1; Lc. 9:22); cơn hấp hối trong vườn Giếtsimani (Mt. 26:37; Mc. 14:33). Cũng trong rất nhiều dịp khác, Giêsu đã ưu đãi ông hơn những người khác.

Thánh Phêrô chối Chúa Giêsu, vẽ bởi Gustave Doré

Chối Chúa Giêsu

Tin mừng Gioan cho biết: trong bữa ăn tối cuối cùng trước khi chịu tử nạn, Giê-su đã rửa chân cho các môn đệ. Phê-rô đã từ chối không để cho thầy rửa chân cho ông: “Thầy mà lại rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu”. Nhưng khi Giê-su nói ” Nếu thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” thì ông lại xin Chúa rửa cả tay và đầu của ông nữa.

Trong cuộc Tử nạn của Giêsu, mặc dù Phêrô đã cam đoan sẽ sống chết với Thầy cho dù các đồng bạn tháo chạy (Mc 14,19.30-31), nhưng đến khi Thầy bị bắt, thì ông đã chối mối quan hệ giữa ông và Thầy Giê-su ba lần (Mc 14,66-72). Tuy vậy, theo các tác giả Phúc âm, ba lần ông chối Thầy đã được Giê-su tiên báo: “Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26: 30-35, Mc 14: 26-31; Lc 22: 31- 34; Ga 13: 36 – 38). Ông đã được ơn hoán cải và hơn thế nữa, được uỷ thác nhiệm vụ củng cố anh em mình “Và Thầy đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin.” (Lc 22,31-32).

Chém đứt tai tên đầy tớ

Cả bốn phúc âm đều kể lại rằng: khi Giê-su bị bắt, một trong những kẻ theo Người liền vung tay, tuốt gươm và chém đứt tai phải một tên đầy tớ của thượng tế (Mt 26,51; Mc 14,47; Lc 22,50; Ga 18: 10 – 11). Phúc âm Gioan cho biết người tuốt gươm là Phê-rô, còn tên đầy tớ bị chém đứt tai tên là Man-khô (Tiếng Anh: Malchus). Giê-su đã chữa liền tai cho tên đầy tớ (Lc 22,51).

Sau khi Chúa Giêsu sống lại

Một nhà thờ kính Thánh Phêrô đã được xây dựng bên cạnh biển hồ Galilê. Truyền thống cho rằng đây là nơi mà Chúa Giêsu đã hiện ra với Phêrô sau khi Chúa sống lại và trao cho ông quyền cai quản giáo hội.

Sau khi được bà Maria Mađalêna báo tin là xác của Chúa Giêsu đã biến mất thì Phêrô và môn đệ mà Giêsu yêu dấu đã chạy ra mộ. Hai ông đã kiểm chứng là không có dấu tích của sự xâm phạm, bởi vì các khăn vải còn y nguyên (Ga 20,6-7). Luca cũng nói tới việc Phêrô ra viếng mộ (Lc 24,12). Vai trò của Phêrô trong cộng đồng tiên khởi được biểu lộ qua câu nói: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon” (Lc 24,34). Trong thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi Côrintô, Phêrô (Kêpha) đứng đầu danh sách những người được Chúa hiện ra (1Cr 15,5).

Trong các trình thuật sau khi Giê-su sống lại, Phêrô dẫn đầu các môn đệ khi Chúa hiện ra ở Galilê (Mc 14,28; xc. 16,7; Lc 24,34). Ở lần hiện ra thứ ba, Chúa Giê-su đã trao quyền chăn rắt đoàn chiên của Ngài cho Phê-rô:

“       Đức Giê-su hỏi ông Simon Phê-rô: “Này anh Simon, con ông Gio-na, anh có mến thầy hơn các anh em này không?”ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” Đức Giê-su nói với ông “Hãy chăm sóc con chiên của Thầy”. Người lại hỏi: “Này anh Simon, con ông Gio-na, anh có mến thầy không?” Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy. Người nói: “Hãy chăn dắt con chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: ” “Này anh Simon, con ông Gio-na, anh có mến thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi đến lần tới ba lần: “Anh có yên mến Thầy không?”Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giê-su bảo: “hãy chăm sóc con chiên của Thầy.       ”

— Tim mừng Gioan,21,15-17.Thánh Gio-an cho biết Chúa Giê-su cũng ám chỉ ông sẽ phải chết thế nào để tôn vinh Thiên Chúa: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy… Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. (Ga 21,18).

Vai trò trong cộng đoàn sơ khai

Trong những chương đầu của sách Tông đồ công vụ, ta thấy hai ông Phêrô và Gioan thường xuất hiện với nhau khi làm chứng cho Chúa Phục sinh (Cv chương 3-4). Trong cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi tại Giêrusalem, Phêrô giữ vai trò lãnh đạo.

Chính ông chủ tọa việc bầu một tông đồ thay thế Giuđa Iscariôt (Cv 1,15-26) và tiên phong rao giảng Tin mừng sau khi đã lãnh nhận Thánh Thần (Cv 2,14). Ngài chủ tọa Ðại hội tại Giêrusalem (Cv chương 15) – thường được coi là công đồng đầu tiên. Khi lên Giêrusalem lần đầu tiên, ông Phaolô chỉ đi gặp ông Phêrô (Kêpha) và ông Giacôbê (Gl 1,18-19); về sau, ông Phaolô thêm ông Gioan nữa: cả ba họp thành “cột trụ của Giáo hội” (Gl 2,9).

Phép lạ Thánh Phê-rô chữa người què ở cửa đền thờ đã làm cho người ta để ý đến các tông đồ và cộng đoàn sơ khai. Công nghị Do Thái lo ngại, bắt giam Phêrô và Gioan. Trước một phiên toà, hai ông can đảm minh chứng cho Chúa Giê-su là Đức Cứu Thế. Bị đe dọa không được tiếp tục giảng hai ông thẳng thắn trả lời:

“       Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ trước mặt Thiên Chúa không? các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra. ”

— Thánh Phêrô và GioanSau khi ngăn đe lần nữa, họ thả hai ông về vì không tìm được cớ trừng trị hai ông. (Cv chương 4).

Chương 12 của sách Tông đồ công vụ thuận lại việc Phêrô bị bắt một lần nữa. Vua Hêrôđê cho bắt Phêrô, tống vào ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ vượt qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Thế nhưng ông đã được một thiên sư cứu cách lạ lùng ngay trong đêm trước ngày ông bị đem ra xử. (CV chương 12). Sau khi thông báo với những người còn lại việc ông được cứu thoát, ông đã ra đi đến một nơi khác. (Cv 12,17). Việc điều khiển Giáo hội Jêrusalem được trao cho ông Giacôbê.

Các tác phẩm của Tân ước không cho ta biết chi tiết về hành trình của ông, nhất là kể từ sau Ðại hội các Tông đồ tại Giêrusalem (Cv chương 15). Ở chương 8, (14-25) Phêrô cùng với Gioan đi thăm viếng các tân tòng tại Samari trở lại sau khi nghe ông Philippê giảng. Sang đến chương 9, (32-42) chúng ta thấy ngài hoạt động ở Giaffa (Giaphô) cũng thuộc miền Samari. Ở chương 10, ông đi Cesarêa, một thành phố thuộc miền ngoại đạo, vào nhà của ông Cornêliô. Nhóm bảo thủ đã trách móc ngài là vi phạm luật Môsê ngăn cấm chung đụng với dân ngoại (Cv 11,3).

Một số tài liệu cho rằng, ông rời bỏ Giêsusalem vào năm 44. Giám mục Eusêbiô Cêsarêa ghi lại một truyền thống lâu đời cho rằng Phêrô đi làm Giám mục Antiokia (Chronicon 2). Thánh Phaolô cũng nhắc đến việc Phêrô ở Antiokia trong thư gửi Galat (Gl 2,11). Điều này cũng được Origenes công nhận (InLucam Hom, VI). Sử gia Eusebius cho rằng ông Phêrô đã đi giảng Tin mừng cho người Do Thái cư ngụ tại các vùng Pontô, Galat, Cappadoxia, Asia, Bitinia, nghĩa là ở miền bắc Tiểu Á. Xem ra điều này bắt nguồn từ địa chỉ trong lá thư thứ nhất của Phêrô. Một lưu truyền nữa ghi nhận hoạt động của Phêrô tại Côrintô, dựa theo thư thứ nhất của Phaolô gửi Côrintô để dàn xếp xiệc chia rẽ giữa ba phe đổi lập: Phao-lô, Kê-pha (tức Phê-rô) và Appollo (1Cr 1,10; 9,5).

Đến Rôma

Thế kỷ II, trong thư gửi giáo dân Rô-ma, Thánh Đionisio (166-174) Giám mục Corinto cũng quả quyết giáo đoàn này do hai tông đồ Phê-rô và Phao-lô thành lập.

Không có tài liệu chắc chắn cho chúng ta biết là Phêrô đến Rô-ma vào năm nào. Các sử gia thời thượng cổ chỉ tin rằng Phêrô đã điều khiển giáo đoàn Rô-ma trong 25 năm. Truyền thống cho rằng, ông làm Giám mục ở Rô-ma từ năm 42. Tuy nhiên điều chắc chắn là vào khoảng năm 44, Phêrô mới đi khỏi Jêsusalem và năm 49 lại có mặt tại đó để chủ tọa công đồng.

Có sử gia cho rằng sau khi đi khỏi Jêsusalem vào năm 44, Phêrô đã qua Antiokia, rồi sang Rôma, rửa tội cho nhiều người trong số ấy có gia đình ông bà Aquila và Priscilla, và tổ chức một giáo đoàn khá lớn ở đó, song chỉ được mấy năm, vị tông đồ phải rút khỏi do lệnh của hoàng đế Claudius trục xuất người Do Thái vào khoảng năm 46.

Nhưng lại có ý kiến khác cho rằng, thời ấy nhiều giáo đoàn chỉ được một vị tông đồ ở xa điều khiển. Nếu Phaolô, đang khi ở Epheso vẫn điều khiển hai giáo đoàn Philip và Thessalonic mà không cần đến vị nào khác, thì Phêrô, tuy còn ở trong xứ Judea ngài cũng có thể điều khiển giáo đoàn Antiokia, Bithynia và Rô-ma nữa. Theo ý kiến này thì Phêrô chỉ tới Rôma sau năm 50.

Cho tới thế kỷ XIV, không có ai đưa ra nghi vấn về việc Phê-rô đến Rô-ma và chịu tử đạo tại đây. Nhưng đầu thế kỷ XIV, Marsillius thành Padua làm có vấn cho Ludwig xứ Bavaria, hoàng đế La Mã Thần Thánh (1328 – 1346) đã cho ra đời cuốn Defensor Pacis (1324) phủ nhận quyền tối thượng của ngôi Giáo hoàng, trong đó ông dưa ra nghi vấn về việc Phê-rô đến Rô-ma. Nhà thần học Hans Kung cũng chỉ ra, không có bất cứ chỗ nào trong Tân Ước cho thấy Phêrô đến Rôma, hay nhắc tới một người kế vị nào của Phêrô tại đây. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học cũng chưa thành công trong việc thẩm định hoàn toàn về lăng mộ của ông bên dưới nhà thờ Thánh Phêrô.[17]

Những căn cứ về việc Phê-rô tới thủ đô Rô-ma có thể kể đến là:

Thư của Giáo hoàng Clêmentê gửi cho Côrintô (vào cuối thế kỷ thứ 1, khoảng năm 95-96), nói tới những cuộc bách hại vừa xảy đến cho các Kitô hữu vào thời Hoàng đế Nero, và Phêrô là một trong số các nạn nhân (1Cor 5,4-5).

Thánh Inhaxiô Antiôkia khi viết thư cho giáo đoàn Rôma (khoảng năm 107), đã nói rằng “tôi không ra lệnh cho anh em như ông Phêrô và Phaolô đâu” (Ad Romanos 4,3); có vẻ như ngài đã thú nhận rằng uy tín của hai tông đồ rất đáng kể đối với cộng đoàn Rôma. Ở cuối thư thứ nhất của Phê-rô gửi Pontô, Galat, Cappadoxia, Asia, Bitinia, (5, 13), tác giả cho biết thư được viết từ Babilon, tức kinh thành giáo dân, thời đó quen ám chỉ Rô-ma.

Từ hậu bán thế kỷ thứ 2, nhiều tác phẩm ra đời nói về các cuộc hành trình của Thánh Phêrô (Periodoi Petrou) cho tới lúc chịu tử đạo. Theo Giám mục Papias, Giám mục già ở Á Châu (Hiérapolis), người biết các môn đệ trực tiếp của các Tông Đồ thì phúc âm của Marcô là thủ bản ghi lại bài giảng của Thánh Phêrô ở Rô-ma. Bản văn của linh mục Gaius (thuộc hàng giáo sĩ Rôma) được viết khoảng năm 200 và được sử gia Eusêbiô trưng dẫn (Hist, Eccl, II, 25,7).

Trong cuộc tranh luận với Prôclô, Gaius đã khẳng định hai ngôi mộ của Thánh Phêrô tại Vatican và của Thánh Phaolô trên con đường Ostiense. “Tôi sẽ chỉ cho quý vị đài tưởng niệm của hai tông đồ, hoặc quý vị tới đồi Vatican hay đi trên đường Ostia, quý vị sẽ thấy trước mắt đài kỷ niệm người thiết lập Giáo hội chúng ta”. Ngoài ra còn có danh mục Libêriô (ghi danh sách các Giám mục Rôma tới thế kỷ IV) lập đời Giáo hoàng Libêriô (352-366); Thư Thánh Irênê Giám mục Lyon khoảng 180 (Adv. Haereses); Thư của Giám mục Đề-ny (Dionisius) thành Côrintô đồng thời Thánh Irênê gửi giáo dân Rô-ma khoảng năm 170; Thư của Tertullianus (trong De Praescriptione Haeretic và Carminibus adv. Haereses). Origenes viết ” Thánh Phê-rô đã đến Rô-ma và chịu đóng đinh lộn ngược”. Khảo Cổ Học cho thấy từ thế kỷ III, các Kitô hữu ở Hang Toại Đạo đã kính nhớ hai Thánh Tông Đồ.

Tử vì đạo

Mô tả cái chết của Thánh tông đồ Phêrô với hình Thánh giá ngược.

Tháng 8 năm 64, Hoàng đế Nero bắt đầu bách hại giáo dân Ki-tô giáo.

Theo một truyền tụng, Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi:

“Lạy Chúa, Chúa đi đâu?” (Quo Vadis, Domine?).

Chúa Giê-su đáp:

“Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa”.

Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo. Sau này, người ta đã xây ngay chỗ Chúa hiện ra với Phê-rô một Thánh đường, mang danh hiệu Quo vadis, Domine? Vào thế kỷ thứ 3, nhiều tác phẩm ra đời (thí dụ: Công vụ của Phêrô), bổ túc thêm các chi tiết về việc Thánh Phêrô gặp Chúa Giê-su vác thập giá khi ông lánh nạn khỏi Rôma (cảnh Quo vadis), việc bị giam ở ngục Mamertina, và bị xử đóng đinh ngược đầu vào thập giá vì thấy không đáng được chết như Thầy mình.

Theo lưu truyền, Phê-rô bị bắt và bị tống giam. Tại nhà ngục, ông đã cảm hóa hai người lính canh ngục tên là Processus và Martinianus. Cả hai được rửa tội và tử đạo. Cuối cùng vì không có quốc tịch Rô-ma, ông bị kết án tử hình trên thập tự. Bị dẫn tới hy trường Caligula trên đồi Vatican, trông thấy thập giá, Phê-rô cảm thấy mình không xứng đáng được chết như thầy mình, đã yêu cầu được đóng đinh ngược.

Sau khi chết, thi hài của ông được chôn táng trong một nghĩa trang gần nơi xử, tức chỗ xây cất đền Thánh Phê-rô ngày nay trên đồi Vatican. Năm 258, chiếu chỉ Valerianus đe dọa các nghĩa trang Ki-tô giáo, người ta đem xác Thánh giấu trong hang tọa đạo trên đường Appia. Khi cơn bách hại lắng dịu, giáo dân lại đưa hài cốt trở về nơi cũ. Ngày 29 tháng 6 năm 258 ghi trong cuốn Martyrologium hieronimianm chưa chắc đã đúng.

Theo cuốn Liber Pontificialis thì chính Giáo hoàng Corneliô (vào khoảng năm 251, năm Decius chết và cuộc bách hại tạm ngưng) là người đã rước hài cốt thành Phê-rô và Phao-lô về đồi Vatican và đường Ostia. Nếu người ta nhận lưu truyền rằng hài cốt của hai Thánh tông đồ được cất giấu trong hang toại đạo suốt 40 năm, thì cuộc rước xương Thánh vào hầm mộ Thánh Sebastina phải từ thời Giáo hoàng Zepherinô (199 – 217) dưới triều Septimus-Severus. Năm 1915, khi người ta đào bới hang toại đạo, còn thấy trên tường 150 bút ký viết bằng chì những lời cầu khẩn của Phê-rô và Phao-lô.

Hầm mộ

Hầm mộ của Thánh Phêrô dưới hầm Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Rôma

Cho tới đầu thế kỷ XX đã không có vị Giáo hoàng nào nghĩ tới việc kiểm nghiệm khảo cổ mộ của Thánh Phêrô.

Năm 1939, các công nhân tu sửa khu hầm bên dưới nhà thờ Thánh Phêrô, nơi mai táng truyền thống của các Giáo hoàng, đã có một phát hiện đáng kinh ngạc. Ngay bên dưới sàn nhà, họ phát hiện ra một ngôi mộ La Mã cổ. Vài tháng sau khi được bầu làm Giáo hoàng, Giáo hoàng Piô XII đã ra lệnh bắt đầu các cuộc đào bới khảo cổ dưới nền đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt là dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, mà truyền thống liên tục từ xưa tới nay nói là có mộ của Thánh Phêrô.

Các cuộc đào bới do Linh mục Ludovico Kaas hướng dẫn, với sự trợ giúp của các nhà khảo cổ Enrico Josi, Linh mục Antonio Ferrua, Linh mục Engelbert Kirschbaum và kỹ sư kiến trúc Bruno Maria Apolloni Ghetti. Các cuộc đào bới đã kéo dài từ năm 1941 đến 1950 và đưa ra ánh sáng nghĩa trang thuộc thời tiền Kitô, cũng như nơi chôn cất Thánh Phêrô.

Ngay dưới bàn thờ, người ta tìm thấy một khu vực chôn cất lớn và một bức tường sơn đỏ. Trong một hốc tường là xương của một người đàn ông.

Năm 1967, Giáo hoàng Phaolô VI đã tuyên bố là Giáo hội đã tìm thấy hài cốt của Thánh Phêrô. Hiện nay Giáo hội công giáo mừng kính Thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6 cùng với Thánh Phaolô.

Những ngày lễ kính Thánh Phêrô

Vào thế kỷ IV, một lễ đã được cử hành để kính 2 Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Mặc dù ngày đó không cùng một ngày giữa Đông phương và Rôma. Danh mục tử đạo Syria vào thế kỷ IV, là một đoạn trích từ bản Hy Lạp liệt kê các Thánh được ghi sau Lễ Giáng Sinh: 26 tháng 12: Thánh Stêphanô; 27 tháng 12: Thánh Giacôbê và Gioan; 28 tháng 12: Thánh Phêrô và Phaolô.

Trong bài tán tụng Thánh Basiliô của Thánh Grêgôriô thành Nýt, cũng cho biết ngày lễ các tông đồ và Thánh Stêphanô tiếp ngay sau Lễ Sinh nhật. Người Armêni cũng cử hành lễ vào ngày 27 tháng 12; người theo phái Nestôriô thì vào ngày Thứ Năm thứ hai sau Lễ Hiển Linh. Rõ ràng ngày 28 (27) tháng 12 được dùng để kỷ niệm Thánh Phêrô và Phaolô đã được chọn tùy tiện, không có một truyền thống nào liên quan đến ngày tháng các Thánh qua đời.

Danh sách các lễ của các vị tử đạo trong thời kỳ của Philôcalô gắn lời ghi này vào thời điểm đó: “III. Kal. Jul. Pertri in Catacumbas et Pauli Ostience Tusco et Bassco Case”. Quyển Martyrologium Hieronymianum” (Danh lục tử đạo của Giêrônimô) trong Berne M.S., có ghi đoạn sau đây ở ngày 29 tháng 6: Trên đường Aurêlia ở Rôma lễ sinh nhật của các Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Phêrô ở vatican và Phaolô ở đường Ostiensê, và cả hai đều ở hầm mộ, đã chịu khổ hình dười thời Nêrô, còn Basso và Tusco làm quan chấp chính[18][19]

Thời điểm năm 258 trong các lời ghi chứng tỏ rằng từ năm này, sự tưởng nhớ hai vị Tông đồ được cử hành vào ngày 29 tháng 6 trên đường Appia ad Catacumbas (gần nhà thờ Thánh Stêphanô ngoại thành) vì vào thời điểm này, hài cốt của các tông đồ đã được chuyển đến đó. Sau này, có lẽ khi xây dựng nhà thờ bên trên các ngôi mộ ở vatican và trên đường Ostiensê, các hài cốt đã được đưa về lại nơi an nghỉ trước đây; Hài cốt Thánh Phêrô về lại vương cung Thánh đường Vatican và hài cốt Thánh Phaolô về lại đường Ostiensê. Từ năm 248, lễ chính của họ là vào ngày 29 tháng 6; vào ngày này, lễ trọng thể được tổ chức trong ba nhà thờ nói trên từ thời xa xưa [20].

Một lễ thứ ba kính hai Tông đồ diễn ra vào ngày 1 tháng 8 hay còn gọi là Lễ kính xiềng xích của Thánh Phêrô. Lễ này nguyên thủy là lễ cung hiến nhà thờ của vị Tông đồ, được dựng lên trên đồi Esquilin vào thế kỷ thứ IV. Nhà thờ được Giáo hoàng Xíttô III (432-440) xây cất lại, do gia đình hoàng đế Byzantine trả chi phí. Sự Thánh hiến trọng thể diễn ra vào ngày 1 tháng 8, và đây là ngày cung hiến nhà thờ trước đây. Có lẽ ngày này đã được chọn để thay thế các lễ hội ngoại giáo diễn ra vào ngày 1 tháng 8. Bên trong nhà thờ này vẫn lưu giữ các xiềng xích được cho là của Thánh Phêrô [21].

Sự tưởng nhớ cả hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô sau này cũng được kết hợp với hai nơi ở Rôma: Via Sacra, nơi mà người ta nói nhà phù thủy Simon đã bị ngã xuống khi Phêrô cầu nguyện và nhà tù Tullianum hay Carcer Mamertinus, nơi các tông đồ được cho là đã bị giam giữ cho đến khi hành hình. Ở cả hai nơi này, điện thờ các tông đồ đã được dựng lên và điện thờ của nhà tù Mamertinô vẫn còn trong hình dạng hầu như nguyên thủy của nó từ thời đại Rôma ban đầu.

Hiện này Giáo hội công giáo mừng kính Thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 6 cùng với Thánh Phaolô[22].

Tượng Thánh Phêrô – người được Giáo hội Công giáo xem như vị giáo hoàng đầu tiên. Bức tượng này được đặt tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican bởi Giáo hoàng Piô IX.

Vật hiện còn lưu giữ được xưa nhất là tấm lắc bằng đồng thiếc có hình đầu của các tông đồ. Chúng có niên đại từ cuối thế kỷ II hoặc đầu thế kỷ III và hiện được bảo quản trong Viện bảo tàng Kitô giáo ở Thư viện Vatican. Trong đó Phêrô được thể hiện là một người có cái đầu mạnh mẽ, hơi tròn, xương hàm nhô lên, một cái trán hớt ra phía sau, to, tóc và râu xoắn. Diện mạo cá biệt đến nỗi phần nào thể hiện bản chất của một chân dung. Kiểu mẫu này cũng được tìm thấy trong hai hình ảnh thể hiện Thánh Phêrô trong một căn phòng của hầm mộ Phêrô và Marcellinô có từ hạ bán thế kỷ III[23].

Trong các bức họa của các hầm mộ, Thánh Phêrô và Thánh Phaolô thường xuất hiện như là đấng cầu bầu và các vị bào chữa cho những người chết trong các hình ảnh thể hiện sự Phán xét chúng và như đang đưa một người đang cầu nguyện (gương mặt cầu nguyện thể hiện người chết) vào Thiên Đàng.

Trong các bức họa của các hầm mộ và được khắc trên các quan tài bằng đá, hình ảnh thể hiện Chúa Giêsu ở giữa các tông đồ của người thì Phêrô và Phaolô luôn chiếm vị trí danh dự bên phải và bên trái đấng cứu độ. Trong các hình tranh trí ghép mảnh của các Vương cung Thánh đường Rôma, có từ thế kỷ IV đến thế kỷ IX, Đức Kitô xuất hiện như là gương mặt trung tâm cùng với Thánh Phêrô và Thánh Phaolô bên phải và bên trái, ngoài ra các vị này được đặc biệt tôn kính trong các nhà thờ riêng biệt.

Trên các quan tài bằng đá và trên các tượng đài tưởng niệm khác, xuất hiện các cảnh cuộc đời của Thánh Phêrô như cảnh: ông đi trên hồ Gennêsarét khi Chúa Kitô gọi ông đến từ chiếc thuyền; lời tiên tri về sự “trối thầy” của ông; sự rửa chân; sự cho Tabitha sống lại; sự bắt Phê-rô và dẫn ông đến nơi hành hình. Trên hai tấm kính mạ vàng, ông được thể hiện như ông Mô-sê đang dùng gậy đánh vào tảng đá cho nước vọt ra: tên Phê-rô bên dưới cảnh này chứng tỏ ông được xem là người dẫn dắt dân của Thiên chúa trong Tân ước.

Đặc biệt thường xuyên trong thời kỳ giữa thế kỷ IV và VI là cảnh trao Lề luật cho Phêrô, là cảnh xuất hiện trên nhiều tượng đài khác nhau. Đức Ky-tô đưa cho Thánh Phê-rô một cuộn giấy được gấp lại hoặc mở ra, trên đó thường là câu ghi Lex Domini (Luật của Chúa) hoặc Dominus legem dat (chúa ban lề luật). Trong lăng của Constantina ở Rô-ma 9S. Constanza, ở Via Nomentana, cảnh này được xem như là một cảnh sánh đôi với việc trao lề luật cho Môsê. trong các hình ảnh thể hiện trên các quân tài bằng đá thể kỷ V, chúa trao cho Phêrô (thay vì cuộn giấy) những chiếc chìa khóa. Trong các bản khắc của thế kỷ IV, Phêrô thường cầm một cây sậy.

28. Vợ của Thánh Phêrô, bà là ai?

Đức Kitô chữa lành bà mẹ vợ của Phêrô

Tranh của John Bridges, thế kỷ XIX

Karl Keating

Thánh Phêrô có vợ không? Hẳn nhiên là có bởi vì ngài có một bà mẹ vợ. Phàm ai có vợ thì dù muốn 29/6-78

Thánh Phêrô có vợ không? Hẳn nhiên là có bởi vì ngài có một bà mẹ vợ. Phàm ai có vợ thì dù muốn dù không cũng phải “đính kèm” theo một bà mẹ vợ. Đôi khi hai bà này sống cùng nhau, cùng ở với nhau tại nhà một anh chàng khốn khổ nào đấy. Và đây là đề tài cho biết bao nhiêu chuyện tếu mà chẳng cần phải kể ra đây. Thay vào đó, chúng ta hãy đọc Mt 8, 14-15: “Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà chỗi dậy phục vụ Người.” và Lc 4, 38-39: “Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Đức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.” Các câu trên nói rằng mẹ vợ của Thánh Phêrô đang sốt nặng. Chúa Giêsu ra lệnh cho cơn sốt và nó biến mất. Bà chỗi dậy phục vụ Ngài và các người đồng hành.

Thế còn vợ của Thánh Phêrô đâu? Không nơi nào đề cập đến bà. Cũng lạ thật! Hãy tưởng tượng ra xem. Một bà mẹ vợ nằm trên giường thì bên cạnh đó phải là người con gái của bà chứ – thế mà Matthêô và Luca chẳng nói đến nửa lời. Loại bỏ người con gái ra khỏi câu chuyện thì là điều thật lạ. Đây không phải là cách viết bài bản của một văn sĩ bởi vì khi tường thuật một biến cố bất ngờ như thế này thì người viết phải đưa “người con gái” vào bởi vì chính người này mới là nhân vật lo lắng, hoảng hốt nhất về tình trạng của mẹ mình. Và với tình tiết như thế thì câu chuyện mới trở nên ly kỳ hấp dẫn hơn. Có thể các tác giả Tin Mừng chỉ lấy những yếu tố quan trọng và bỏ đi hết những chuyện bên lề. Hoặc có thể bà vợ của Thánh Phêrô không có ở đó – mà cũng có thể là bà ta đã qua đời lâu rồi. Và đây mới là cách giải thích có thể chấp nhận được cho sự vắng mặt của bà.

Nhưng lại có những người không đồng tình với giải thích này, họ trích dẫn câu trong thư 1 Côrintô 9, 5: ” Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu[1] như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” ” (Bản dịch CGKPV). Một số bản khác dịch là “một người vợ” và như thế gợi ý rằng Thánh Phêrô (cũng được gọi là Kêpha) đã đem theo “vợ” trong suốt cuộc hành trình. “Vợ” của Thánh Phêrô vẫn còn sống và đi theo ông sao? Vấn đề là từ này trong nguyên bản tiếng Hy Lạp mà dịch ra là “người vợ” thì có đúng không? Có nên dịch là “người vợ” hay là gì khác? 

Trong đoạn thư này, Thánh Phaolô biện hộ cho mình và các tông đồ khác trước mấy người đang muốn hoạnh họe. Ngài nói rằng mình đang “biện hộ chống lại những kẻ hạch sách tôi” (1 Cr 9, 3). Ngài biện hộ cho tư cách tông đồ của mình, nói về tình trạng của mình. “Tôi không tự do ư? Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em. Đây là lời biện hộ của tôi chống lại những kẻ hạch sách tôi. Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?”. Câu đáng lưu ý nhất là “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” Thánh Phaolô không thể nào đem theo “vợ” được bởi vì ông có kết hôn bao giờ đâu. Nhờ các chứng từ khác mà chúng ta biết rằng ngài sống độc thân. Trong câu này, Ngài cũng không nói về cuộc hôn nhân theo lý thuyết, nghĩa là có thể một ngày nào đó sẽ kết hôn nhưng hiện nay thì chưa. Tất cả những dữ kiện trên cho thấy rằng nếu dịch “người vợ” ở đây là không đúng.

Cụm từ Hy Lạp được dùng trong 1 Cr 9, 5 là “ἀδελφὴν γυναῖκα” (adelphaen gunaika).  Từ đầu có nghĩa là “chị em” (sister), từ thứ hai có thể được dịch là “người phụ nữ” (woman) hay “người vợ” (wife). Như thế, cụm từ Hy Lạp này có thể được dịch là “người phụ nữ chị em” hay “người vợ chị em”, trong đó, từ “chị em” không nói lên mối liên hệ sinh học nhưng là tinh thần. Có thể hiểu được rằng các tông đồ đem theo các “người phụ nữ chị em” hay “chị em tín hữu” để giúp họ thi hành sứ vụ cho các phụ nữ khác – ví dụ như việc rửa tội mà phải dìm toàn thân trong nước, điều này thật tế nhị đối với cánh đàn ông, hoặc trong những trường hợp mà một người phụ nữ thì thích hợp hơn để làm nhiệm vụ bác ái hay dạy giáo lý.

Cách dịch này cũng nhận được sự đồng tình của các giáo phụ. “Người phụ nữ chị em” được tìm thấy trong bản dịch phổ thông (Vulgata) của Thánh Giêrônimô. Ngài viết rằng: “Rõ ràng ở đây không phải là các bà vợ mà là những người phụ nữ dùng của cải của mình để giúp đỡ các tông đồ” (Ad. Jovinian I, 26). Thánh Clêmentê thành Alexandria cũng chia sẻ quan điểm này khi nói rằng các bà này không phải là các bà vợ mà là những phụ nữ trợ tá, chính họ là những người đi vào nhà các phụ nữ để dạy giáo lý cho họ ở đấy mà không gặp rắc rối gì hết (Stromata III, 6).

Tóm lại, Thánh Phêrô đã góa vợ vào lúc bà mẹ vợ của ngài được chữa lành. Một số “nhà chú giải” thích đùa một chút thì nói rằng chỉ vì Chúa Giêsu chữa lành bà mẹ vợ của mình nên Thánh Phêrô sau này đã … chối Chúa đến ba lần! Đúng là giận quá mất khôn!

[1] Cha An Sơn Vị dịch là “tín nữ” và chú thích rằng dịch sát theo nghĩa đen là “một phụ nữ chị em”.

 Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ý

Nguồn tin: Gpquinhon.org

29. Thánh Phêrô có con cái gì không?

24/06/2016 –

Hiểu để sống Đức Tin

Phúc âm có kể lại việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà mẹ vợ của ông Phêrô. Nhưng mà sao không thấy 29/6-79

Phúc âm có kể lại việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà mẹ vợ của ông Phêrô. Nhưng mà sao không thấy nói gì đến vợ con của ông Phêrô. Phải chăng ông đã bỏ vợ khi được Chúa gọi?

Trong Phúc âm và Tân ước, chúng ta không hề thấy dấu vết gì về vợ con của ông Phêrô. Nhưng mà các truyền kỳ thì không thiếu. Ngoài các truyền kỳ lại còn có chuyện tiếu lâm nữa! Tôi xin đan cử một thí dụ về chuyện tiếu lâm. Có người hỏi: tại sao ông Phêrô chối Chúa Giêsu ba lần? Trả lời: tại vì ông muốn trả thù Chúa. Hồi bà mẹ vợ đau sắp chết, Chúa đã chữa có bà lành bệnh, tăng thêm nỗi khổ cho ông, bắt ông phải tiếp tục chịu đựng, đang khi mà ông mong muốn thoát ly gánh nặng gia đình cho khỏe! Đó là chuyện tiếu lâm. Bây giờ bước sang truyền kỳ. Một tác phẩm mang tên là “ Công vụ của thánh Phêrô” (viết vào khoảng năm 200) có kể chuyện ông Phêrô chữa lành bệnh con gái của mình. Vào chính ngày lễ Chúa Phục sinh, người ta mang đến cho vị thủ lãnh các tông đồ rất nhiều bệnh nhân, và họ đã được chữa lành hết. Kế đó, họ mang tới chính đứa con gái bị bất toại. Thánh tông đồ đã cho cô bé được lành, nhưng lập tức, ông đã lại làm phép lạ nữa để cho cô bé trở lại tình trạng bất toại, và giải thích đó là ý Chúa muốn. Lý do là vì trước đây cô bé rất xinh đẹp, và đã bị một thanh niên cướp đòi cưới làm vợ. Chúa đã để cho cô ta bị bệnh vì muốn cho cô giữ mình trinh khiết. Tác giả không cho biết tên của cô bé. Sang thế kỷ IV, người ta tìm thấy tại Rôma một ngôi mộ mang tên là Pêtronilla (Aureae Petronillae filiae dulcissimae), trong hang toại đạo Đomitilla. Họ tán ra Pêtronilla là con gái của thánh Phêrô (Petronilla bởi Petrus), chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Đôminixianô. Từ thế kỷ VII, hài cốt của bà được dời về đền thánh Phêrô, để cho hai bố con được ở kề nhau. Tử-đạo-thư ghi lễ kính vào ngày 31 tháng 5. Nên biết là nước Pháp đã nhận bà Pêtrônilla (hay là Phêrônila) làm bổn mạng, và được gọi là trưởng nữ của Hội thánh, bởi vì được con gái của thủ lãnh Hội thánh đỡ đầu. Tuy nhiên, ngày nay, các sử gia coi đó là truyền kỳ chứ không có căn cứ lịch sử. Cô Phêrônila không những chẳng có liên hệ với thánh Phêrô, mà tiểu sử của cô cũng mập mờ. Người thì cho rằng cô chịu tử đạo; kẻ thì bảo là cô chết cách tự nhiên, tại nhà của ông Flaccô, khi ông này muốn hỏi cô làm vợ. Dĩ nhiên, các chi tiết này đều ảnh hưởng bởi sách Công vụ thánh Phêrô; thế nhưng quyển sách này chỉ là một ngụy thư, chẳng có giá trị lịch sử gì hết.

Đó là các truyền kỳ. Còn các bản văn Tân ước nói gì về vợ con của ông Phêrô?

Đoạn văn trở thành đầu mối cho cuộc tranh luận về chuyện vợ con của ông Phêrô là phép lạ được tất cả Phúc âm nhất lãm thuật lại: Mt 8,14-15; Mc 1,29-31; Lc 4,38-39. Chúng ta hãy đọc bản văn của Marcô, vì khá tỉ mỉ hơn cả.

“Vừa ra khỏi hội đường Capharnaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Đoạn văn này đã gây ra các cuộc tranh luận chung quanh chuyện vợ con của ông Phêrô. Nếu Tin mừng nói tới bà mẹ vợ của ông Phêrô thì hẳn là ông đã có vợ rồi chứ gì? Xét vì Tân ước không đả động gì đến chuyện này, người ta phải thêu dệt các truyền kỳ đã nói trên đây. Tuy nhiên, ngày nay không thiếu các tác giả đã đòi duyệt lại toàn bộ vấn đề.

Duyệt lại như thế nào?

Theo nghĩa là xét lại xem ông Phêrô có bao giờ lấy vợ hay không. Tân ước không hề nói tới bà vợ của ông Phêrô. Tại sao kỳ vậy? Trong Hội thánh tiên khởi, người ta thấy có đôi vợ chồng hai ông bà Aquila và Prisca cùng tham gia vào công cuộc truyền giáo. Tại sao ông Phêrô không đem theo bà xã đi truyền giáo? Hay là tại vì ông không có vợ, trái với điều xưa nay người ta vẫn hiểu lầm?

Nếu ông Phêrô không lấy vợ thì sao lại có mẹ vợ được?

Đây là điều thú vị. Nếu chị đọc kỹ bản văn của Marcô trích trên đây thì sẽ thấy có mấy chi tiết ngược đời. Thứ nhất, sau khi bà mẹ vợ được chữa lành thì bà ấy phải đứng lên hầu hạ Chúa Giêsu và đoàn tháp tùng. Tại sao kỳ vậy? Bà vợ của ông Phêrô đi đâu rồi? Khi Chúa đến nhà, bà ấy không ra đón; và khi mẹ mình mới được lành bệnh thì bà ta cũng chẳng nấu nướng gì để mà thiết đãi. Chị nghĩ coi trên đời này có bà vợ nào vô phước như vậy không? Thứ hai, tác giả kể lại rằng “Chúa Giêsu đi đến nhà của ông Phêrô và ông Anrê”. Tại sao không nói là đến nhà “ông bà Phêrô”? Ông Phêrô và ông Anrê là hai anh em ruột. Tại sao bà mẹ vợ của ông Phêrô lại ở nhà của hai người anh em này, chứ không ở nhà riêng?

Theo con nghĩ, vấn nạn thứ nhất không có gì khó hiểu. Cha đừng vội trách bà vợ ông Phêrô không biết điều. Có lẽ là bà đi vắng chốc lát. Và Chúa Giêsu đột xuất tới nhà, cho nên không gặp.

Giả thuyết của chị cũng có lý. Nhưng nhiều tác giả đã đưa ra lối giải thích khác xuôi tai hơn, tức là bà vợ đã khuất núi. Thời xưa, không thiếu trường hợp bà vợ chết yểu khi sinh đứa con đầu lòng. Và như vậy là ông Phêrô góa vợ rất sớm. Ông đem bà mẹ vợ về ở với mình.

Nhưng mà nêu lên giả thuyết ông Phêrô góa vợ thì tội nghiệp cho ông quá. Còn trẻ mà đã mất vợ rồi.

Nếu chị muốn bênh giả thuyết bà vợ vắng mặt chốc lát, thay vì cho bà chết sớm thì tôi nghĩ chị chẳng thương gì ông Phêrô mà chỉ làm cho ông ta khổ thêm thôi.

Tại sao mà khổ? Ông chồng nào cũng kêu khổ vì vợ. Nhưng mà thử để bà vợ vắng nhà một ngày thì xem ông sẽ sướng hay khổ hơn?

Tôi không nói là càng sống lâu với vợ thì ông Phêrô sẽ khổ thêm. Tôi muốn nói là nếu mà bà vợ còn sống thì ông Phêrô sẽ bị khổ hơn bởi vì phải bỏ vợ khi được Chúa gọi. Thực ra, chúng ta không biết chắc là ông Phêrô đã phải bỏ cái gì khi được Chúa gọi đi theo Ngài. Chắc hẳn là phải bỏ thuyền bỏ lưới, bỏ nghề thuyền chài. Nhưng có lần ông đã thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng con đã bỏ tất cả mọi sự để đi theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27). Phải chăng qua câu nói ấy ông Phêrô đã mặc nhiên cho biết là ông đã phải từ bỏ cả vợ con của mình để đi theo Chúa? Trước đây người ta thường hiểu như vậy, đặc biệt là khi đối chiếu với những điều kiện mà Chúa Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ mà Luca ghi lại: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ vợ con, anh em chị em, và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Tuy nhiên, ngày nay nhiều nhà học giả đã xét lại vấn đề. Trong vấn đề vợ con, Chúa Giêsu không đòi hỏi phải từ bỏ vợ con, bởi vì đây là nghĩa vụ tự nhiên. Một người chồng, một người cha có trách nhiệm đối với gia đình con cái, vì thế không thể ngang nhiên cắt đứt được. Lời của Chúa Giêsu cần được hiểu theo nghĩa là: ai đã được Chúa kêu gọi thì phải khước từ việc lập gia đình, khước từ việc kết hôn. Do đó, việc từ bỏ vợ con hướng về tương lai chứ không phải là hướng về hiện tại. Nói cách cụ thể, khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê, vân vân, thì họ chưa có lập gia đình. Họ là những người độc thân, Và nghe theo tiếng Chúa gọi, họ đã quyết định sống độc thân để phục vụ Tin mừng, hoặc nói theo Matthêu (19,12), họ trở thành hoạn nhân vì Nước Trời.

Những môn đệ kia thì độc thân và quyết định sống độc thân. Còn riêng ông Phêrô thì góa vợ, và quyết định ở vậy chứ không tái giá, có phải thế không?

Đây là một bước tiến nữa của vài nhà chú giải cận đại. Ông Phêrô không hề lập gia đình. Ông là một người độc thân chứ không phải là người góa vợ. Dựa vào đâu mà khẳng định như vậy? Có ba dấu chỉ .

  1. Dấu chỉ thứ nhất, trong tiếng Hy-lạp danh từ “penthera” xưa nay vốn quen dịch là “bà mẹ vợ”, còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa: nó thể hiểu về một phụ nữ được kết nạp vào gia đình, chẳng hạn như chị dâu em dâu, hay là bà mẹ kế. Có lẽ trong trường hợp ở đây, phải hiểu là bà mẹ kế thì đúng hơn là bà mẹ vợ. Giả thuyết này được bổ túc với dấu chỉ thứ hai.
  1. Thánh Marcô nói rằng Chúa Giêsu đến nhà của hai ông Phêrô và Anrê. Trên đây tôi đã nêu ra vấn nạn: tại sao mà bà mẹ vợ của ông Phêrô mà lại trọ ở nhà của hai anh em ông Phêrô và Anrê? Vấn nạn sẽ không còn nữa nếu ta hiểu là bà mẹ kế. Bà là mẹ kế của cả hai anh em, và bà ở tại căn hộ mà chồng đã để lại. Bà là chủ nhà; vì thế sau khi lành bệnh, bà đã đứng lên tiếp đãi các khách đi theo Đức Giêsu.
  1. Một dấu chỉ thứ ba cho thấy rằng ông Phêrô không có vợ là đoạn văn 1Côrintô 9,5. Thánh Phaolô viết như sau: “Phải chăng tôi không có quyền đem theo một người chị em như các tông đồ khác, như ông Kêpha?”. Ông Phaolô nói đến tục lệ của vài tông đồ đã đem theo một phụ nữ được coi như em gái để trông coi việc cơm nước, tựa như trước đây vài phụ nữ đã đi theo phục dịch Chúa Giêsu (Lc 8,3). Ông Phêrô (quen được gọi là Kêpha trong các thư của Phaolô) cũng có một bà em như vậy. Chắc hẳn bà này không phải là vợ, mà chỉ là một người tín hữu độc thân được đối xử ngang hàng với em. Ông Phaolô, cũng là tông đồ, nhưng không muốn sử dụng đặc ân đó. Một cách gián tiếp, ông Phaolô cho biết rằng cả ông lẫn ông Phêrô (và các tông đồ) đều độc thân. Khác một điều là những người khác có phụ nữ phục dịch, còn ông Phaolô thì tự túc. Nhưng ông Phaolô không nhắc tới chuyện ông Phêrô có vợ có con. Chuyện vợ con của ông Phêrô chỉ là truyền kỳ mà thôi.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.

30. Sứ đồ Phaolô

Phaolô thành Tarsus (còn gọi là Saolô theo chữ Saul, Paulus, Thánh Phaolô Tông đồ, Thánh 29/6-80

Phaolô thành Tarsus (còn gọi là Saolô theo chữ Saul, Paulus, Thánh Phaolô Tông đồ, Thánh Phaolồ hoặc Sứ đồ Phaolô, Thánh Bảo-lộc hay Sao-lộc theo lối cũ (tiếng Hebrew: שאול התרסי‎ Šaʾul HaTarsi, nghĩa là “Saul thành Tarsus”, tiếng Hy Lạp cổ đại: Σαούλ Saul và Σαῦλος Saulos và Παῦλος Paulos[2]), là “Sứ đồ của dân ngoại.” [3] Cùng các sứ đồ Phêrô, Gioan, và Giacôbê, ông được xem một trong những cột trụ của Hội Thánh Kitô giáo tiên khởi, và là một nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển Kitô giáo thời kỳ sơ khai.[4] (sinh 3–14 TCN; mất 62–69 CN).

Không giống Mười hai Sứ đồ, không có chỉ dấu nào cho thấy Phaolô từng gặp Giêsu trước khi ông bị đóng đinh trên thập tự giá.[5] Theo ký thuật của Tân Ước, Phaolô là người Do Thái chịu ảnh hưởng văn minh Hy Lạp, và là công dân của Đế quốc La Mã, đến từ thành Tarsus (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Phaolô là người kiên trì săn đuổi những Kitô hữu ban đầu (hầu hết là người Do Thái) để bách hại họ, cho đến khi chính ông trải qua kinh nghiệm lạ lùng trên đường đến thành Damascus. Trong một khải tượng, ông gặp Chúa Giêsu và mắt ông bị mù trong một thời gian ngắn. Trải nghiệm này đã đem ông đến với đức tin Kitô giáo, chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Messiah và là Con Thiên Chúa.[6] Phaolô khẳng định rằng ông nhận lãnh Phúc âm không phải từ con người, nhưng từ chính “sự mặc khải của Chúa Giêsu.”[7]

Sau khi chịu lễ Thanh Tẩy, Phaolô đến ngụ cư ở xứ Arabia (có lẽ là Nabataea) cho đến khi ông gia nhập cộng đồng Kitô hữu còn non trẻ ở Jerusalem, và ở lại với Phêrô (hoặc Phi-e-rơ) trong mười lăm ngày.[8] Qua những thư tín gởi các cộng đồng Kitô giáo, Phaolô trình bày mạch lạc quan điểm của ông về mối quan hệ giữa tín hữu Kitô giáo người Do Thái với tín hữu Kitô giáo không phải người Do Thái, và giữa Luật pháp Moses (Mô-sê hoặc Môi-se) với giáo huấn của Chúa Giêsu.

Phaolô được sùng kính như một vị Thánh bởi các nhóm khác nhau như Công giáo Rôma, Chính Thống giáo Đông phương, Anh giáo, và một số người thuộc Giáo hội Luther. Ông được xem là thánh quan thầy của Malta và Thành Luân Đôn, một vài thành phố khác được đặt tên để vinh danh ông như São Paulo, Brasil và Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ. Đạo Mormon xem ông là nhà tiên tri.

Các thư tín của Phaolô hình thành phần nền tảng của Tân Ước (được xem là nguồn quan trọng cho nền thần học của Hội Thánh ban đầu) cùng những nỗ lực của ông nhằm truyền bá Kitô giáo trong vòng các dân tộc, là mục tiêu của nhiều khuynh hướng luận giải khác nhau. Kitô giáo truyền thống xem các thư tín của Phaolô là một phần của kinh điển Tân Ước và xác định rõ ràng rằng tư tưởng của Phaolô là hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Giêsu và các sứ đồ khác.

Những người ủng hộ thần học giao ước tin rằng Hội Thánh đã thay thế dân tộc Do Thái trong vị trí Tuyển dân của Thiên Chúa, khơi mở những tranh luận hiện vẫn tiếp diễn xem xác định rõ ràng này có phải bắt nguồn từ ý tưởng của Phaolô khi ông giải thích Jeremiah 31: 31[9] và Ezekiel 36: 27[10], sau đó xác định rõ ràng này được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng Kitô giáo.

Ảnh hưởng của Phaolô trong tư tưởng Kitô giáo được xem là quan trọng hơn bất cứ tác giả Tân Ước nào, xuyên suốt hệ tư tưởng Kitô giáo cho đến ngày nay: từ Augustine thành Hippo đến những bất đồng giữa Gottschalk và Hincmar thành Reims; giữa tư tưởng Thomas Aquinas và học thuyết của Molina; giữa Martin Luther, John Calvin và Arminius; giữa học thuyết của Jansen và các nhà thần học Dòng Tên, đến các tác phẩm của nhà thần học Karl Barth, đặc biệt là luận giải của Barth về một trong những thư tín của Phaolô,Thư gởi tín hữu ở Rôma, đã tạo ra những dấu ấn về chính trị và thần học trên giáo hội Đức thế kỷ 21.

Phaolô trên đường đến Damascus,

Có thể sử dụng hai nguồn chính để tái tạo những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Phaolô: các thư tín của ông và những ký thuật trong sách Công vụ các Sứ đồ.[11] Có một vài khó khăn khi dựa vào hai nguồn thông tin này: những thư tín của Phaolô được viết trong quãng thời gian tương đối ngắn (có lẽ khoảng từ năm 50 – 58), và có những nghi vấn về một số sự kiện trong sách Công vụ.[12][13] Riêng về Thứ kinh Công vụ của Phaolô và Thecla, các học giả thường không công nhận sách này, cho đó chỉ là một tác phẩm văn học được sáng tác trong thế kỷ thứ 2, do các sự kiện được chép trong đó không phù hợp với những ký thuật của sách Công vụ các Sứ đồ và các thư tín của Phaolô.

Tuổi trẻ

Theo Công vụ các Sứ đồ, Phaolô sinh tại thành Tarsus, xứ Cilicia, thuộc Tiểu Á (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) với tên Saul.[14] Ông là người Israel thuộc chi phái Benjamin, được cắt bì vào ngày thứ tám, là một người Pharisee,[15] và “là người sốt sắng quá đỗi về cựu truyền của tổ phụ”[16] Theo sách Công vụ, Phaolô có quốc tịch La Mã – một đặc quyền mà ông đã dùng đến vài lần để tự bảo vệ mình [17]

Quan điểm được chấp nhận rộng rãi cho rằng Phaolô chưa hề kết hôn. Chính Phaolô đã viết;”Vậy, tôi nói với người những kẻ chưa cưới gả, và kẻ góa bụa rằng ở được như tôi thì hơn”.[18] Không có chứng cớ lịch sử nào đề cập đến việc Phaolô đã lập gia đình. Tuy nhiên, một số người lập luận rằng tập quán xã hội thời ấy đòi hỏi người Pharisee và thành viên Toà Công luận (Sanhedrin) phải lập gia đình. Nếu Phaolô là người Pharisee và có thể là thành viên Toà Công luận, thì có lẽ ông đã kết hôn vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Theo Công vụ 22: 3,[19] Phaolô ở Jerusalem, theo học Gamaliel, một học giả tiếng tăm thời ấy. Khi đi nhiều nơi để rao giảng Phúc âm, Phaolô thường tự lo sinh kế cho mình[20] như được chép trong Công vụ 18: 3,[21] Phaolô từng sống với nghề may trại. Theo La Mã 16:2, Pheobe là người có những đóng góp tài chính hỗ trợ ông trong sứ mạng rao giảng phúc âm.

Tiếp nhận Đức tin Kitô giáo

Bài chi tiết: Sự cải đạo của Phaolô

Theo lời tự thuật của Phaolô, ông tìm mọi cách để săn đuổi và bức hại các tín hữu Kitô giáo cho đến chết,[22] theo ký thuật của sách Công vụ, ông có mặt trong số những người chứng kiến cái chết của Stephen, người tử đạo đầu tiên của Kitô giáo,[23] nhưng về sau Phaolô đã chấp nhận đức tin Kitô giáo:

“Bấy giờ, Saul chỉ hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi, đến cùng thầy cả thượng phẩm, xin người những bức thư đề gởi cho các nhà hội thành Damascus, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về đạo, bất kỳ đàn ông đàn bà, thì trói giải về thành Jerusalem. Nhưng Saul đang đi đường gần đến thành Damascus, thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người. Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Saul, Saul, sao ngươi bắt bớ ta? Người thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa phán rằng: Ta là Giêsu mà ngươi bắt bớ; nhưng hãy đứng dây, vào trong thành, người ta sẽ cho ngươi mọi điều phải làm. Những kẻ đi cùng với người đều đứng lại sững sờ, nghe tiếng nói mà chẳng thấy ai hết. Saul chờ dậy khỏi đất, mắt dẫu mở, nhưng không thấy chi cả; người ta bèn cầm lấy tay dắt người đến thành Damascus; người ở đó ba ngày, chẳng thấy, chẳng ăn và cũng chẳng uống.” (Công vụ 9. 1-9; xem thêm lời giải trần của Phaolô trước Vua Agrippa ở Công vụ 26, và Galatians 1. 13-16).

Cổng Kisan, nơi Phaolô trốn khỏi thành Damascus

Sau trải nghiệm tiếp nhận Kitô giáo, Phaolô lưu lại vài ngày ở Damascus rồi đến sống ở vương quốc Nabatea mà ông gọi là “Arabia”, rồi trở lại Damascus, khi ấy đang ở dưới sự cai trị của người Nabatea. Ba năm sau khi qui đạo, Phaolô bị buộc phải rời khỏi thành phố qua cổng Kisan trong ban đêm do phản ứng của giới cầm quyền Do Thái đối với lời giảng của ông. Về sau Phaolô đến Jerusalem, gặp James Người công chính (Giacôbe hoặc Gia-cơ) và Peter, ông ở với Peter trong 15 ngày.

Sau chuyến viếng thăm Jerusalem, Phaolô đến thành Antioch, từ đó ông bắt đầu cuộc hành trình qua Cộng hòa Síp và miền nam vùng Tiểu Á để rao giảng Phúc âm của Giêsu – được biết đến với tên “Hành trình Truyền giáo Thứ nhất của Phaolô”.[24] Tại Derbe, Phaolô và Barnabas bị ngộ nhận là “thần linh… trong hình dạng loài người”.[25] Những thư tín của Phaolô nhắc đến việc ông giảng dạy tại Syria và Cilicia,[26] sách Công vụ ký thuật rằng Phaolô “trải qua xứ Syria và Cilicia, làm cho các hội Thánh được bền vững”.[27]

Trong các cuộc hành trình truyền giáo, Phaolô thường chọn một hoặc hai người cùng đi với ông, đó là Barnabas, Silas, Titus, Timothy, John còn gọi là Mark, Aquila, Priscilla và thầy thuốc Luca. Ông nếm trải nhiều điều khổ ải dưới các hình thức khác nhau như bị giam cầm ở Philippi, bị roi vọt và ném đá, chịu đói khát, và suýt thiệt mạng vì một âm mưu sát hại ông.[28]

Thành lập các Giáo đoàn

Trong những năm kế tiếp, Phaolô đi khắp phía tây của vùng Tiểu Á, lần này ông tiến vào xứ Macedonia và thành lập cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên tại thành Philippi, tại đây ông phải đối diện với nhiều khó khăn. Phaolô thuật lại kinh nghiệm của mình:”Sau khi bị đau đớn và sỉ nhục tại thành Philippi, như anh em đã biết, thì chúng tôi trông cậy Thiên Chúa, cứ rao truyền Phúc âm của Thiên Chúa cách dạn dĩ giữa cơn đại chiến”.[29] Sách Công vụ, từ góc nhìn của một nhân chứng, thuật lại việc Phaolô đuổi quỷ khỏi một phụ nữ nô lệ, làm người ấy mất khả năng bói toán và vì vậy làm giảm trị giá của người nô lệ; do đó, chủ nô cho ông là “kẻ cắp”, và nộp ông cho quan quyền.[30] Sau khi được trả tự do vì không có chứng cứ buộc tội,[31] Phaolô đi đến thành Thessalonica, lưu lại ở đây một thời gian trước khi vào Hy Lạp. Trước tiên ông đến Athens, nơi ông có bài thuyết giảng đã trở thành huyền thoại trên đồi Areopagus khi ông soi dẫn cho những người có mặt ở đây biết ai là “Chúa Không biết” mà họ vẫn thờ phụng.[32] Kế đó, Phaolô đến thành Corinth, lưu trú ở đó ba năm và viết thư nhất gởi tín hữu ở Thessalonica.

Một lần nữa, Phaolô lại vướng vào vòng lao lý ở thành Corinth khi một nhóm người Do Thái cáo buộc Phaolô “xúi giục dân chúng thờ Thiên Chúa cách trái nghịch với luật pháp”. Phaolô bị kéo đến trước quan trấn thủ Gallio, nhưng ông này cho đây là việc không đáng quan tâm và bác bỏ cáo trạng.[33] Một di chỉ ở Delpphi có nhắc đến tên Gallio, giúp xác định sự kiện này xảy ra trong năm 52, góp phần tái tạo bảng niên đại về cuộc đời của Phaolô.

Phaolô tiếp tục công cuộc rao giảng Phúc âm, thường được gọi là “Hành trình Truyền giáo Thứ ba”,[34] trải qua khắp vùng Tiểu Á và Macedonia, đến Antioch rồi quay trở lại. Nỗ lực thuyết giáo của Phaolô gặp phải những phản ứng giận dữ tại một hí viện ở Ephesus, khi lợi tức của giới thợ bạc ở đây bị thiệt hại do ảnh hưởng từ những lời thuyết giảng của ông. Thu nhập của những người này phụ thuộc vào nghề làm tượng nữ thần Artemis được cư dân địa phương sùng bái; hệ quả là đám đông bạo động vây phủ Phaolô khiến ông và những người bạn suýt bị mất mạng.[35] Về sau, khi Phaolô trên đường đến thành Jerusalem, có đi qua thành Ephesus nhưng không lưu lại ở đó vì ông phải đến Jerusalem cho kịp Lễ Ngũ Tuần. Dù vậy, Phaolô đã triệu tập các trưởng lão của hội Thánh tại Ephesus đến gặp ông tại Miletus. Tại đây, Phaolô giãi bày với họ những trải nghiệm cá nhân cũng như khuyên bảo và khích lệ họ.[36]

Giam cầm

Khi đến Jerusalem, Phaolô đối diện với lời đồn đại cho rằng ông chống lại luật pháp Moses. Để chứng minh việc tuân giữ luật pháp, Phaolô giữ lời thề Nazarite với bốn người khác.[37] Sau bảy ngày cho kỳ lễ tinh sạch gần trọn, Phaolô bị bắt giữ và hành hung ngay bên ngoài Đền thờ bởi một đám đông cuồng loạn kêu la: “Hỡi người Israel, hãy đến giúp với! Kìa, người này giảng dạy khắp thiên hạ, nghịch cùng dân, nghịch cùng luật pháp, và nghịch cùng chốn này nữa, đến nỗi hắn dẫn người Hy Lạp vào trong đền thờ, và làm cho nơi Thánh này bị ô uế”.[38] Khi một đội binh La Mã đến cứu Phaolô khỏi đám đông đang giận dữ, họ kéo đến cáo buộc Phao lô là kẻ mưu phản, “kẻ xách động thuộc phe Nazareth”, kẻ rao giảng sự sống lại của người chết. Phaolô cố gắng giải thích và trình bày đức tin của mình với đám đông bằng ngôn ngữ của họ, có lẽ là tiếng Aram, nhưng đám đông càng bất bình kêu to, “Hãy cất người dường ấy khỏi thế gian, nó chẳng đáng sống đâu!”[39] Phaolô viện dẫn quyền công dân La Mã để xin được xét xử tại Rôma, nhưng do sự trì trệ của tổng đốc Antonius Felix, ông bị giam giữ hai năm ở Caesarea cho đến khi quan tổng đốc mới, Porcius Festus, đến nhậm chức, nghe giải trình và cho giải Phaolô bằng đường biển đến La Mã, tại đây ông bị quản chế thêm hai năm, với điều kiện sống tốt hơn.[40]

Đến đây chúng ta bị buộc phải dựa vào các truyền thuyết nếu muốn có thêm thông tin chi tiết về những ngày cuối cùng của Phaolô. Theo một truyền thuyết, Phaolô đã đến Tây Ban Nha và Anh quốc. Có lẽ Phaolô đã có ý định ấy, nhưng vẫn không có chứng cớ ông đã thực hiện chuyến đi. Theo một truyền thuyết khác, Phaolô đã chết ở La Mã. Eusebius thành Caesarea (khoảng 275 – 339) cho rằng Phaolô đã bị xử chém đầu trong thời trị vì của Nero, Hoàng đế La Mã, có thể là năm 64, khi thành La Mã bị thiêu rụi bởi một cơn hoả hoạn, hoặc vài năm sau đó, khoảng năm 67.

Đến La Mã, những ngày sau cùng

Sách Công vụ các Sứ đồ ký thuật chi tiết hành trình chuyến đi của Phaolô từ Caesarea đến La Mã. Quản cơ Julius giải giao Phaolô và những tù nhân khác bằng thuyền, có lẽ Luca và Aristarchus cùng đi trên tàu. Vì đang mùa giông bão, cuộc hành trình vừa chậm vừa gian khổ. Họ đi dọc bờ biển Syria, Cicilia và Pampylia. Đến thành Myra trong xứ Lycia, tù nhân được chuyển sang một tàu khác để đến Ý. Phải khó nhọc lắm tàu mới cập bến Mỹ Cảng trên đảo Crete.[41] Phaolô đưa ra lời khuyên nên nghỉ đông ở đây, nhưng họ không chịu nghe theo và tiếp tục cuộc hành trình.[42] Tàu bị bão, trôi giạt trong mười bốn ngày, sau cùng bị mắc cạn trên bờ biển Malta.[43] Đoàn người phải lưu lại trên đảo suốt ba tháng, ở đó Phaolô chữa lành bệnh sốt và bệnh lỵ cho thân phụ của tù trưởng của đảo, Publius, và những người khác. Khi mùa xuân đến, đoàn người lại lên đường.[44]

Sách Công vụ ký thuật cuộc đời của Phaolô cho tới khi ông đến La Mã, lúc ấy ước chừng 61 tuổi. Cuốn sách kết thúc với những lời cáo trách của Phaolô khi nói chuyện với một nhóm người Do Thái tìm đến để tra hỏi và chế giễu ông về Phúc âm:

Hãy đến nơi dân này và nói rằng;

Các ngươi lấy tai nghe mà chẳng hiểu chi;

Lấy mắt xem mà chẳng thấy gì;

Vì lòng dân này đã nặng nề;

Họ bịt tai; Họ nhắm mắt;

E rằng mắt mình sẽ thấy,

Tai mình sẽ nghe,

Lòng mình sẽ hiểu,

Và họ sẽ trở lại,

Để ta chữa lành chăng.

Vậy, hãy biết rằng

Sự cứu rỗi này của Thiên Chúa đã sai đến cho người ngoại;

Những người đó sẽ nghe theo vậy.[45]

Tác phẩm

Phaolô viết nhiều thư tín gởi các hội Thánh và những cá nhân. Tuy vậy, có lẽ có một số đã không còn được lưu giữ. 1Cor 5: 9[46] có thể được xem như là một gợi ý về thư tín trước đó ông đã gởi các tín hữu thuộc giáo đoàn Corinth nhưng nay không còn. Những thư tín vẫn còn lưu giữ đều được đưa vào Tân Ước, theo thứ tự từ dài đến ngắn. Có một ít thư tín được viết trong khi ông bị giam giữ, thường được gọi là “thư viết trong tù”, theo truyền thuyết những lá thư này được viết ở La Mã.

Những thư tín có được sự đồng thuận về quyền tác giả của Phaolô:

Thư gửi tín hữu Rôma

Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô

Thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô

Thư gửi tín hữu Galát

Thư gửi tín hữu Philípphê*

Thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica

Thư gửi ông Philêmon*

Những “thư tín giống như của Phaolô” (nhiều học giả tin rằng như thư này không phải do chính Phaolô viết, nhưng thường được cho rằng ông là tác giả)

Thư gửi tín hữu Êphêsô*

Thư gửi tín hữu Côlôsê*

Thư thứ hai gửi tín hữu Thêxalônica

Những thư tín mục vụ của Phaolô:

Thư thứ nhất gửi ông Timôthê

Thư thứ hai gửi ông Timôthê

Thư gửi ông Titô

Ghi chú: Những thư tín có dấu * thuộc nhóm những bức thư viết trong tù.

Thần học

Tư tưởng của Phaolô ảnh hưởng đậm nét trên thần học Kitô giáo trong những lãnh vực như đức tin, sự xưng công chính, cứu rỗi, mối quan hệ giữa Kitô hữu và luật pháp Moses, Kitô học (Christology), Thánh Linh học, nguyên tội, chung thời học (eschatology) và bản chất của đời sau, cũng như vị trí của Kinh Thánh Do Thái trong Kitô giáo.

Đức tin và Sự xưng công chính

Phaolô tập chú vào vị trí trọng tâm của đức tin trong sự cứu rỗi được ban cho qua sự chết chuộc tội của Chúa Giêsu, và khả năng được xưng công chính qua đức tin ấy.[47] Một trong những điều Phaolô xác định rõ ràng đã trở nên rất nổi tiếng: “Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không phải bởi việc làm theo luật pháp”,[48] luôn luôn nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa sự xưng công chính và đức tin.

Xưng công chính là một ý niệm về pháp chế.[49] Được xưng công chính nghĩa là được tuyên bố trắng án. Vì mọi người đều là tội nhân, chúng ta chỉ có thể được trắng án khi Chúa Giê-xu thế chỗ chúng ta bằng cái chết đền tội thay trên cây thập tự. Như thế, theo cách nói của Phaolô tội nhân “được xưng công chính bởi đức tin,” ấy là bằng cách hiệp nhất với Chúa Kitô, tội nhân đồng chết và đồng sống lại với ông. Tuy nhiên, cần biết rằng được xưng công chính không có nghĩa là vì chúng ta hiệp nhất với Chúa Kitô trong sự vô tội của ông, mà vì sự chết hiến tế của đấng vô tội mang lấy hình phạt của chúng ta là tội nhân xứng hiệp với sự đoán phạt thiên thượng.

Để làm sáng tỏ ý nghĩa của đức tin, nhờ đó mà tội nhân được xưng công chính, Phaolô nhắc đến Abraham, người đã tin tưởng lời hứa của Thiên Chúa rằng ông sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc. Phaolô giải thích rằng, “Phúc âm đã được rao truyền trước cho Abraham.”[50] Điều này cũng phù hợp với luận điểm của Phaolô về sự hiện hữu từ trước vô cùng của Chúa Giêsu, nghĩa là ông là Thiên Chúa.[51]

Cùng với sự dạy dỗ của Phaolô về sự phục sinh và sự sống vĩnh hằng, cái nhìn thấu suốt của Phaolô về thần học đức tin và sự xưng công chính là chủ đề của nhiều sự luận giải, dẫn đến những tranh luận về việc xưng công chính chỉ bởi đức tin đối nghịch với sự xưng công chính bởi đức tin và công đức. Hầu hết các giáo hội Kháng Cách khẳng quyết rằng tư tưởng Phaolô đã giúp hình thành định nghĩa cho rằng sự cứu rỗi đến chỉ từ đức tin mà không bởi bất cứ nỗ lực bên ngoài nào của tín hữu (xem Năm Tín lý Duy nhất), bất đồng với quan điểm của Công giáo Rôma và Chính Thống giáo cho rằng ý tưởng của Phaolô đã bị hiểu sai và không phù hợp với lời dạy của James (Giacôbê hoặc Gia-cơ): “Nhơn đó anh em biết người ta cậy việc làm được xưng công bình, chớ chẳng những là cậy đức tin mà thôi.”[52]

Sự Cứu rỗi và Luật pháp Moses

Vấn đề có còn cần thiết phải tuân giữ Luật pháp Moses để được cứu rỗi đã được nêu lên trong thời kỳ Hội Thánh tiên khởi tại Giáo hội nghị Jerusalem, ở đó quan điểm của Phaolô đã tạo ra ảnh hưởng đáng kể. Những tác phẩm của Phaolô trình bày giáo thuyết cho rằng có được sự cứu rỗi không phải bởi nỗ lực tuân giữ luật pháp Moses nhưng do đức tin tiếp nhận Chúa Giê-xu. Phaolô xác định rõ ràng rằng không có sự phân biệt nào hết giữa người Do Thái và các dân tộc khác “vì mọi người đều phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Thiên Chúa.”[53] Vì vậy Phaolô được xem là nhân tố chính thúc đẩy việc chấp nhận người “ngoại bang” (không phải dân Do Thái) gia nhập Kitô giáo mà không có bất cứ yêu cầu tuân giữ nghi thức Do Thái như phép cắt bì hoặc kiêng cữ một số thức ăn.

Nguyên tội

Trong Tân Ước, giáo lý nguyên tội (tội tổ tông) được luận giải mạch lạc bởi Phaolô. Ông viết: “Bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội….”[54] Về sau giáo lý này được trình bày cặn kẽ bởi các nhà thần học Kitô giáo, nổi bật nhất là Augustine thành Hippo. (Xem Nguyên tội)

Chúa Giêsu và Chúa Thánh Linh

Chúa Giêsu

Trong các thư tín của mình, Phaolô có nhắc đến các sự kiện quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu như bữa ăn cuối cùng của ông với các môn đồ,[55] sự chết trên thập tự giá,[56] và sự sống lại.[57] Phaolô cũng miêu tả Chúa Giêsu là người Do Thái thuộc dòng dõi Vua David.[58] Ông tập chú vào bản chất của mối quan hệ giữa tín hữu Cơ Đốc với Chúa Giê-su, nhất là sự chết chuộc tội của ông. Phúc Âm Máccô chép rằng Chúa Giêsu đã “phó sự sống mình là giá chuộc cho nhiều người.”[59] Trong các thư tín của mình, nhất là trong Thư gửi tín hữu Rôma, Phaolô đã triển khai mạch lạc và cặn kẽ ý niệm về hành động cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Theo luận giải của Phaolô, dưới luật pháp mọi người đều là tội nhân, nhưng những ai tiếp nhận Chúa Giêsu thì “nhờ ân điển ông mà được xưng công chính bởi sự cứu chuộc đã làm trọn trong Chúa Giêsu Kitô.” Họ được “cứu chuộc” vì Chúa Giê-xu đã đền tội thay cho họ; bởi sự chết của ông mà họ được phục hòa với Thiên Chúa. Như thế, sự chết của Chúa Giêsu là sự hiến tế chuộc tội cho con người nhằm làm dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Ấy là ân điển của Thiên Chúa, và chỉ bởi đức tin mà con người mới có thể nhận lãnh ân điển ấy.[60]

Phaolô luận giải xác tín của ông trong giáo lý về thần tính của Chúa Kitô. Ông viết: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong ông (Chúa Kitô), bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi ông và vì ông mà được dựng nên cả. ông có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong ông”.[61] Phaolô cũng miêu tả Chúa Giêsu là “ảnh tượng của Thiên Chúa” (“Ấy chính ông là hình ảnh của Thiên Chúa không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên.”)[62][63]

Chúa Thánh Linh

Tương tự, Phaolô cũng trình bày một học thuyết vững chắc về Chúa Thánh Linh. Phần lớn Thư gởi tín hữu ở La Mã và phần cuối Thư thứ hai gởi tín hữu ở Corinth miêu tả Chúa Thánh Linh bình đẳng với Chúa Cha và Chúa Con, giúp hình thành giáo lý Ba Ngôi. Trong thư gởi tín hữu ở Galatia, Phaolô giải thích rằng việc tín hữu nhận lãnh Chúa Thánh Linh là do lời hứa Thiên Chúa dành cho Abraham thể hiện qua sự chết cứu chuộc của Chúa Giêsu,[64] và xác chứng rằng, “Nếu anh em thuộc về Chúa Cơ Đốc, thì anh em là dòng dõi của Abraham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa.”[65]

Khi xem xét đến việc thực hành các ân tứ được ban cho từ Chúa Thánh Linh, Phaolô đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể trong thư gởi tín hữu ở Corinth.[66] với lời cảnh báo cần cẩn trọng với khả năng nói tiếng lạ trong trạng thái xuất thần, ngược lại vị sứ đồ khuyến khích những lời khuyên bảo có thể thông hiểu và gây dựng đức tin, ông cũng đặc biệt quan tâm đến việc duy trì trật tự trong hội Thánh.[67]

Dựa trên nguyên tắc vàng “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích và làm gương tốt”[68] ông đưa ra lời khuyên chớ nên ăn thịt hiến tế cho các thần linh. Theo tập tục thời ấy, thịt thường được hiến tế trong các đền thờ trong những ngày lễ hội tôn giáo linh đình và trác táng.[69]

Phaolô miêu tả Chúa Thánh Linh là sức mạnh hiệp nhất, dù có nhiều ân tứ khác nhau nhưng tất cả đều là sự ban cho của Chúa Thánh Linh.[70] Ông ví von hội Thánh giống như thân thể con người, có chân tay và các cơ quan khác nhau nhưng chỉ là một thân thể; mọi thành viên của hội Thánh “đều đã chịu phép báp têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” Như thế, để gây dựng và phát triển hội Thánh, tín hữu được ban cho các ân tứ khác nhau như giảng dạy, an ủi khích lệ, chữa bệnh, nói tiên tri và làm phép lạ.[71] Phaolô cũng liệt kê các phẩm chất cần có cho mỗi Kitô hữu mà ông gọi là “Trái của Thánh Linh”: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ.[72] Song, Phaolô gọi tình yêu thương là “sự ban cho lớn hơn hết”, và ông khuyên mọi tín hữu cần ước ao ân tứ này.[73]

Mặc khác, Phaolô cũng dạy về sự sống mới trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh,[74] và sự xác tín trong lòng của tín hữu để họ có thể tin quyết vào địa vị làm con Thiên Chúa.[75]

Các Vấn đề Xã hội

Quan điểm của Phaolô về các vấn đề xã hội cũng có ảnh hưởng lớn trên nền văn hoá Kitô như những quan điểm thần học của ông.

Trong thư gởi tín hữu ở Colossae, Phaolô cho biết người theo Chúa cần phải có cuộc sống tích cực như thế nào – ấy là theo đuổi những chuẩn mực của thiên đàng, không phải của trần thế. Trong suốt nhiều thế kỷ, những chuẩn mực ấy có ảnh hưởng đáng kể trên xã hội phương Tây. Phaolô kết án những hành vi như bất khiết, dâm dục, tham lam, giận dữ, vu khống, phỉ báng, dối trá và phân biệt chủng tộc trong khi ông đề cao những đức hạnh như nhân ái, tử tế, nhẫn nại, tha thứ, yêu thương, hòa bình, và biết ơn.[76]

Phaolô kết án sự dâm dục và việc thực hành đồng tính luyến ái, ông viết “Hãy tránh xa sự dâm dục. Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân thể; nhưng kẻ buông mình vào sự dâm dục, thì phạm đến chính thân thể mình.”[77][78]

Phaolô cũng dạy về sự tự do trong Chúa Kitô,[79][80][81] sự thờ phượng đúng cách và kỷ cương trong hội Thánh,[82][83] sự hiệp nhất của các tín hữu,[84][85] và hôn nhân.[86][87] Phaolô khuyến khích tín hữu theo đuổi cuộc sống độc thân “vì cớ tai vạ hầu đến”, nhưng cảnh báo rằng cả cuộc sống hôn nhân và cuộc đời độc thân đều có thể không tốt nếu không thuận phục ý Chúa. Ông nhắc nhở, “Vậy tôi nói với những kẻ chưa cưới gả và kẻ góa bụa rằng ở được như tôi thì hơn. Song nếu họ chẳng thìn mình được, thì hãy cưới gả; vì thà cưới gả còn hơn để cho tình dục un đốt.”[88]

Về việc sở hữu nô lệ, Phaolô dạy rằng vì ngày Chúa Giêsu tái lâm đã gần kề, tín hữu nên chú tâm vào đời sống đức tin hơn là vào địa vị xã hội.[89] Phaolô khuyên nhủ người nô lệ nên trung tín phục vụ chủ mình và người làm chủ phải tôn trọng và đối đãi tử tế với nô lệ hoặc người làm công “vì biết rằng cả hai đều có một chủ chung trên trời, và trước mặt ông chẳng có sự tây vị ai hết.”[90] Phaolô cũng tìm cách chuộc Onesimus, một nô lệ bỏ trốn, và yêu cầu người chủ xem Onesimus “không phải là nô lệ nữa, nhưng như anh em rất yêu dấu.”[91] Nhiều người xem đây là một hành động biểu thị tinh thần chống sở hữu nô lệ của Phaolô, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội thời ấy, xem việc sở hữu nô lệ là một quyền công dân.

31.   Tiểu Sử Thánh Phaolô Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại

  1. SINH QUÁN VÀ GIA THẾ:

Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. 29/6-81

Thánh Phaolô có tên là Saolô, sinh vào thập niên đầu của công nguyên, tức là cùng thời với Chúa Giêsu. Tuy là người Do thái, thuộc chi họ Benjamin, nhưng Saolô sinh ra và lớn lên ở Tarsus, thủ phủ của tỉnh Cicilia, nay là miền nam Thổ nhĩ kỳ. Ngài vóc dáng thấp bé, nhưng thông minh vượt xa những người cùng lứa tuổi. Lúc nhỏ được giáo dục ở Tarsus là một trung tâm nổi tiếng về văn hoá và triết học. Lớn lên, Saolô được gởi lên Giêrusalem, học với Thầy Gamaliel Cả, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt phái. Saolô là một người lỗi lạc trong lãnh vực văn chương và triết học của cả ba nền văn hóa chính thời đó là Hy lạp, La tinh và Do thái. Ngài thuộc lòng Kinh Thánh của người Do thái, tức là bộ Cựu Ước. Saolô hết sức nhiệt thành đối với truyền thống của cha ông (x. Gal 1:14; Phil 3:5-6; Cv 22:3; 23:6; 26:5).

  1. CUỘC TRỞ LẠI:

Do sống cùng thời với Đức Giêsu và là ngôi sao đang lên của trường phái Pha-ri-sêu, chắc chắn Saolô phải biết những gì xãy ra ở Giê-ru-sa-lem. Có thể ông đã nhìn thấy và rất có thể ông đã nghe biết những bài giảng của Đức Giêsu. Và chắc chắn, Saolô rất ghét Ngài vì Ngài đang phá đổ những gì mà ông nhiệt thành tin tưởng. Sau cái chết của Đức Giêsu, ông tưởng đâu phong trào “lạc giáo” đó cũng tan theo. Nhưng ngược lại, những kẻ theo “con đường” (The Way) càng ngày càng đông. Saolô phải điên lên. Ông xin trát để lùng bắt tất cả những người theo “Đạo” và đưa về Giê-ru-sa-lem trừng phạt. Nhưng một biến cố xãy ra. Vào khoảng năm 33-35, trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Đa-mát để bắt bớ người theo Đạo, Saolô đã bị quật ngã và từ đó ông đã hoàn toàn thay đổi. Chính Chúa Kitô Phục sinh đã đích thân chọn ông làm tông đồ của Ngài. Chúng ta hãy đọc lại biến cố này qua lời tường thuật của thánh Luca (Cv 9:1-19).

  1. HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO:

Sau cuộc trở lại, Sao-lô bắt đầu hoạt động tông đồ ngay tại Đa-mát (Cv 9:20-22). Sau đó Ngài lên Giê-ru-sa-lem gặp các tông đồ qua sự giới thiệu của Ba-na-ba rồi trở về Tác-xô (35-43 AD). Khoảng năm 43, Ba-na-ba đến tìm Sao-lô. Hai ông đã rao giảng và thành lập giáo đoàn tại An-ti-ô-khi-a. Từ khoảng năm 46 cho đến hết đời, Sao-lô còn gọi là Phao-lô, đã đặt bước chân truyền giáo của Ngài trên khắp các thành thị và hải cảng thuộc đế quốc La mã. Có thể chia những chuyến đi của Ngài làm ba cuộc hành trình truyền giáo chính:

Hành trình thứ nhất từ năm 46 đến năm 49. Xuất phát từ An-ti-ô-khi-a thuộc miền Sy-ri-a, Phao-lô và Ba-na-ba đã đi nhiều nơi thuộc đảo Sýp và miền Pi-xi-đi-a. Đến đâu các ngài cũng bắt đầu rao giảng cho người Do thái tại các hội đường, nhưng phần đông không đón nhận Tin Mừng, do đó các ngài đã quay sang rao giảng cho dân ngoại. Nhiều người không phải Do thái đã nhiệt liệt đón nhận Lời Chúa. Điều này khiến người Do thái đâm ra ghen tức và xúi giục dân chúng nổi lên đánh đuổi các ngài.

Trong giai đoạn này, một biến cố xãy ra do sự xung đột giữa các Kitô-hữu gốc Do thái và các Kitô-hữu gốc dân ngoại khiến đưa đến “công đồng chung” Giê-ru-sa-lem năm 49. Chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ biến cố này ở một bài khác.

Hành trình thứ nhì từ khoảng năm 50 đến năm 52. Cũng xuất phát từ An-ti-ô-khi-a thuộc miền Sy-ri-a, lần này Phao-lô không đi với Ba-na-ba mà đi với Xi-la và Ti-mô-thê. Các ông đi lên hướng bắc thuộc miền Ga-lát và Phy-ghi-a, rồi vượt biển đến Phi-líp-phê thuộc tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, sau đó đến Thê-xa-lô-ni-ca. Bị xua đuổi, một mình Phao-lô phải ra đi đến A-thê-na, thủ phủ của Hy lạp, tại đây Phao-lô đã giảng cho hội đồng A-rê-ô-ga-pô (Cv 17:16-34) là nơi quy tụ các triết gia nổi tiếng nhất Hy lạp. Sau đó ngài rời đến Cô-rin-tô rao giảng và thành lập giáo đoàn tại đó. Cũng tại đây, Phao-lô đã viết bức tông thư đầu tiên gởi cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx) vào năm 51. Đây cũng là thư tịch tiên khởi cho cả Tân Ước. Tiếp theo là thư thứ hai 2 Tx.

Hành trình thứ ba từ khoảng năm 52 đến năm 56. Cũng xuất phát từ An-ti-ô-khi-a, Phao-lô đi qua miền thượng du đến Ê-phê-xô (Cv 19:1) rao giảng và thành lập giáo đoàn tại đó. Thời gian này, Phao-lô đã viết hai thư 1 và 2 Cô-rin-tô (khoảng năm 54,55) và thư Rô-ma (khoảng năm 55).

Hành trình cuối cùng (56-64). Vì sự ghen ghét của người Do Thái, khoảng năm 56 Phao-lô đã bị bắt, bị xét xử và bị cầm tù nhiều nơi. Ngài khiếu nại lên hoàng đế với tư cách là công dân La mã, do đó được giải qua La mã và bị giam lỏng tại đó. Trong thời gian này, ngài được tự do tiếp xúc với mọi người, đã “rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô một cách mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28:31). Khoảng thời gian này, ngài đã viết thư cho Phi-lê-môn, thư cho các tín hữu Cô-lô-xê, thư cho các tín hữu Ê-phê-xô (năm 60), thư cho các tín hữu Phi-líp-phê (năm 61), thư thứ nhất cho Ti-mô-thê, thư gởi Ti-tô (năm 62), thư thứ hai cho Ti-mô-thê (năm 63).

  1. TỬ ĐẠO:

Chúng ta không có sử liệu chắc chắn về cái chết của thánh Phao-lô. Tương truyền rằng, khoảng năm 64 Ngài bị chém đầu dưới thời hoàng đế Nê-rô. Sau đó, Ngài được an táng gần địa điểm hiện nay là Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô Ngoại Thành.

CÂU HỎI GỢI Ý

1) Qua phần tiểu sử tóm gọn về Thánh Phaolô trên, quý ông bà anh chị thấy điểm nào hoặc giai đoạn nào của cuộc đời Ngài gây ấn tượng sâu sắc nhất cho mình?

2) Thánh Phaolô đã sống và chết với ơn gọi của mình, còn đời sống đức tin của qúy ông bà anh chị thì sao?

32. Thánh Phaolô, Tông đồ dân ngoại

Sự nghiệp “Tông đồ Dân ngoại” của Phaolô không chấm dứt với cuộc tử tạo của Phaolô; nhưng được tiếp 29/6-82

Sự nghiệp “Tông đồ Dân ngoại” của Phaolô không chấm dứt với cuộc tử tạo của Phaolô; nhưng được tiếp nối một cách đầy xác tín và phong phú bởi các thế hệ “tôi tớ của Đức Chúa”, ở mọi nơi và mọi thời.

  • Vào năm 67, tại địa điểm Tre Fontane ở Roma, Italia, Phaolô đã bị kết án tử hình bằng hình phạt chém đầu, với tội danh là tín hữu Kitô, Giáo trưởng trong Đạo Kitô. Ngài hưởng thọ 60 tuổi.
  • Sinh tại Tarsô vào năm 7, ở vùng Tiểu Á, trong một gia đình gốc Do Thái. Ngoài gốc gác là Do Thái, ngài còn mang quốc tịch Roma.
  • Năm 15 tuổi đến 25 tuổi (năm 22 đến 32), Phaolô theo học về Kinh Thánh và truyền thống của Tổ tiên tại Giêrusalem, đặc biệt với vị Rabbi danh tiếng thời bấy giờ là Gamaliel. Trong thời gian nầy, tại Giêrusalem, có xảy ra 2 biến cố lớn: vụ án đóng đinh Đức Giêsu người Nadarét vào năm 30 và vụ án ném đá Phó tế Stêphanô vào năm 31.
  • Năm 25 tuổi (năm 32), Phaolô thị kiến gặp Đức Giêsu Nadarét trên đường đi Đamas.
  • Năm 25 tuổi đến 39 tuổi (năm 32 đến 46), Phaolô trải qua thời gian “sa mạc” trong cuộc đời mình: ở Đamas, ở hoang địa Arabia, ở Giêrusalem và đặc biệt ở quê nhà tại Tarsô. Chắc chắn đây là khoảng thời gian Phaolô có dịp “đọc lại” toàn bộ Kinh Thánh, truyền thống của các Tổ tiên dưới ánh sáng của nhân vật Giêsu Nadarét trong sự kiện tử nạn và phục sinh.
  • Năm 39 tuổi, nhờ sự giới thiệu của Barnaba, Phaolô đã ra khỏi tình trạng ẩn dật ở Tarsô, để xuất hiện và rao giảng công khai về Đức Giêsu Kitô tại Antiokia. Chính trong thời gian nầy, xuất hiện tại Antiokia hai sự kiện lịch sử: danh xưng “Kitô hữu” (Cv 11, 26) cũng như dấu hiệu “Thiên Chúa đã mở cửa đức tin (porta fidei) cho các dân ngoại “ (Cv 14, 27).
  • Năm 42 tuổi (năm 49), Phaolô cùng Barnaba lên Giêrusalem tham dự hội nghị với các Tông đồ và môn đệ (= Công đồng Giêrusalem). Hội nghị quyết định mở rộng cánh cửa đức tin (porta fidei) cho muôn dân, chỉ định Phaolô và Barnaba chuyên việc rao giảng Tin mừng cho Dân ngoại.
  • Năm 42 đến 45 tuổi (năm 49 đến năm 52), Phaolô hăng say rao giảng Tin mừng và thiết lập các Giáo đoàn mới (1+2 Thes.; Gal.).
  • Năm 46 đến 51 tuổi (năm 53 đến năm 58), Phaolô đẩy mạnh cuộc hành trình đến với Dân ngoại (1+2 Cor.).
  • Năm 52 tuổi (năm 59), Phaolô bị bắt và bị giam giữ tại Giêrusalem đến năm 53 tuổi(Rom.).
  • Năm 54 tuổi (năm 61), với tư cách là công dân Roma và vì nại đến Hoàng đế, nên tù nhân Phaolô được chuyển đến Roma. Cuộc hành trình trên biển Địa Trung Hải kéo dài hơn 1 năm.
  • Tới Roma lúc đã được 55 tuổi, Phaolô bị giam đến năm 56 tuổi (năm 62-năm 63) (Col.; Phm.; Ep.; Phi.; 1 Tm.; Tit.; Hr. ).
  • Trong vòng 3 năm, ở tuổi 56 đến 59 (năm 63 đến 66), Phaolô được tự do ở Roma. Ý hướng đem Tin mừng cho Dân ngoại đến tận cùng trái đất đã thúc đẩy Phaolô làm cuộc hành trình truyền giáo đến Tây Ban Nha, phần đất tận cùng của Roma thời bấy giờ.
  • Vào năm 67, khi được 60 tuổi, Phaolô đã lãnh án tử hình vì Danh Chúa Giêsu Kitô (2 Tm.). Phaolô được phúc tử vì đạo tại Roma.

Như vậy, Phaolô là tín hữu của Chúa Kitô trong thời gian 35 năm, trong đó 14 năm ở ẩn, 5 năm ở tù và 16 năm hoạt động tông đồ, đặc biệt nơi Dân ngoại.

  1. Con nguời và nhân cách của Phaolô
  • Phaolô trước hết là người con của dân tộc Israel (x. Gal. 1, 13-14; 2 Cor. 11, 22; Rom. 9, 1-5; 11, 1; Phi. 3, 4-6). Ngài hãnh diện về nguồn gốc của mình, nguồn gốc của đoàn dân ưu tuyển của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Phaolô xác tín: “Ơn cứu độ đến từ người Do Thái” (x. Gioan 4, 22). Phaolô tự hào về quá khứ oai hùng của tổ tiên, cách riêng của chi tộc Bengiamin của mình; Phaolô hãnh diện về việc tuân giữ luật Thiên Chúa và truyền thống của cha ông, về vị thầy danh tiếng của mình là Rabbi Gamaliel. Phaolô không bao giờ thù ghét hay ân hận về quê hương, dân tộc mình, dầu nhiều lần Phaolô bị đối xử bất công bởi các đồng hương (x. 1 Thes. 2, 14-16). Phaolô một niềm tôn kính và thảo hiếu đối với đoàn dân có chung một truyền thống từ tổ phụ Abraham, Môsê và các Tiên tri. Phaolô đau khổ về sự cứng lòng của đồng hương mình, nhưng Phaolô yêu thương họ cho đến độ ngài sẳn sàng chấp nhận đánh đổi mạng sống mình để cho họ lãnh nhận được ơn cứu độ; trong niềm tin vào sự hoán cải của đoàn dân ưu tuyển, ngài đã thoáng thấy một ánh sáng hy vọng dành cho dân tộc của mình trong tương lai (x. Rom. 9-11).
  • Phaolô được đào tạo để trở nên một Rabbi Do Thái giáo. Ngay từ thời niên thiếu, dầu được sinh ra tại Tarsô, một địa danh thuộc vùng đất Dân ngoại, Phaolô đã được gia đình gửi đến đào tạo tại trung tâm tôn giáo và truyền thống của Israel là Giêrusalem. Phaolô may mắn gặp được vị thầy danh tiếng là Rabbi Gamaliel, một trong những khuôn mặt Rabbi danh tiếng vào bậc nhất của Do Thái giáo thời bấy giờ. Phaolô thụ huấn về Kinh Thánh và Truyền thống của Tổ tiên. Phaolô thông thạo về Kinh Thánh và cách chú giải Kinh Thánh theo truyền thống của dân tộc mình. Có thể nói, Phaolô tinh thông về Thần học, về Lề Luật trong Đạo Do Thái và về Kinh Thánh. Phaolô đã được đào tạo để trở nên một Rabbi hoàn hảo.
  • Phaolô còn có một lợi thế khác nữa, đó là công dân Roma do nguyên quán ở Tarsô.Chính lợi thế nầy giúp Phaolô dễ vượt ra khỏi khung cảnh của một Rabbi truyền thống để vươn tới thế giới Dân ngoại và vươn tới các nền văn minh khác Do Thái giáo và ngay cả vươn tới tầm vóc vũ hoàn (= ảnh hưởng nền văn minh Hy-La). Bài diễn văn của Phaolô tại Arêôpagô ở thủ đô Athen của Hy Lạp là một ví dụ (x. Cv 17, 16-34).
  • Nhưng điều độc đáo làm nên con người và nhân cách thật sự của Phaolô, chính là yếu tố Phaolô, tín hữu, tông đồ và tôi tớ của Đức Kitô. Trên đường đi Đamas, Đức Kitô trong quyền năng vinh hiển của mình đã xâm chiếm trọn vẹn con người của Phaolô. Cuộc gặp gỡ nầy khiến Phaolô phải thốt lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20). Phaolô đã chuyển từ một Rabbi Do Thái giáo để trở nênmột tín hữu Kitô. Từ đó, tất cả những vốn liếng, hành trang, kiến thức và cả con người của mình, Phaolô hoàn toàn cống hiến cho Đức Kitô và sự nghiệp của Đức Kitô (= đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân) x. Phi. 3, 8-9: “ … mà chẳng những thế, tôi còn coi mọi sự hết thảy là thua lỗ bất lợi cả, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự và coi là phân bón cả, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Ngài”. Mà vì con người của Phaolô vô cùng phong phú, nên những cống hiến của Phaolô cho Đức Giêsu Kitô cũng hết sức đa dạng. Có học giả chuyên nghiên cứu về Thánh Phaolô đã dùng một hình ảnh vô cùng thi vị để diễn tả điều nầy: “Phaolô là một cây đàn tốt đã để cho vị nhạc sĩ tài danh là Đức Kitô làm vang lên mọi âm điệu tuyệt vời”. Thật vậy, nơi con người của Phaolô, chúng ta gặp thấy những nét phong phú lạ kỳ, vì hội tụ những tư chất xem ra rất mâu thuẫn với nhau: vừa là nhà chiêm niệm thần bí, đồng thời cũng là con người hoạt động; vừa là nhà lữ hành truyền giáo, đồng thời cũng là nhà suy tư thần học; vừa là người sáng lập, đồng thời cũng là người tổ chức; vừa là người có óc mạo hiểm khai phá, đồng thời cũng là vị mục tử bình lặng ổn định; vừa là người thuyết giảng giáo điều, đồng thời cũng là nhà linh hướng nhân hậu; vừa là người hăng say tranh luận, đồng thời cũng là nhà hùng biện lôi cuốn đám đông; …. Ngoài ra, nơi Phaolô cũng hội tụ những tâm tình rất khác biệt nhau: rất tự tin, nhưng cũng bộc lộ sự khiêm tốn; nhiều khi xông pha táo bạo, nhưng cũng không ít lần phơi bày sự nhút nhát; có tinh thần tự lập mà lại sợ sự cô đơn; tiếp xúc niềm nở với tha nhân, nhưng vẫn không khỏi những cộc cằn thô thiển; thường xuyên lịch thiệp trong ứng xử, nhưng cũng không thiếu những quyết đoán cứng cỏi; có tâm hồn quảng đại bao dung của một người cha, nhưng cũng xen lẫn những chua cay của người bạn khi bị hiểu lầm và bị phản bội; hành động khôn ngoan, cẩn thận, nhưng cũng bộc lộ những huyênh hoang phù phiếm; …. Quả đúng “Phaolô là một cây đàn tốt đã để cho vị nhạc sĩ tài danh là Đức Kitô làm vang lên mọi âm điệu tuyệt vời”.
  1. Ơn gọi của Phaolô
  • Ở khoảng tuổi 40, sau một khoảng thời gian dài chờ đợi trên 15 năm kể từ ngày được thị kiến gặp Đức Kitô, khi bắt đầu được trọng dụng và đang hăng say trong công việc rao giảng Đức Kitô và Tin mừng của Ngài, Phaolô đã nhớ lại và viết về ơn gọi của mình như sau: “Nhưng khi Đấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ, và kêu gọi tôi nhân bởi ân huệ của Người, đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi, để tôi giảng Tin mừng về Ngài nơi các dân ngoại” (Gal 1, 15-16); và ở một đoạn khác, Phaolô tâm sự: “… bởi chưng tôi đã được Đức Kitô Giêsu chụp lấy chiếm đoạt rồi” (Phi 3, 12). Những chia sẻ chân tình nầy giúp chúng ta hiểu thêm về ơn gọi của Phaolô. Như chúng ta biết, Phaolô xuất thân là vị Rabbi uyên thâm Kinh Thánh, nên những từ ngữ và kiểu nói về “ơn gọi” của Phaolô khiến chúng ta cần lưu ý.
  • Trước hết, Phaolô đang muốn giới thiệu ơn gọi của mình theo truyền thống của các Tiên tri trong lịch sử Dân Thiên Chúa , đồng thời mời gọi mọi người nhận ra ơn gọi của Phaolô như một tiếp nối ơn gọi của các Tiên tri (x. Jer 1, 5: “rước khi Ta nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi; và trước khi lọt dạ mẹ, Ta đã tác thánh ngươi “; x. Ys. 49, 1-5:

“Đức Chúa đã gọi tôi từ dạ mẹ, từ lòng mẹ, Người đã nhắc đến tên tôi”.

  • Phaolô còn cho chúng ta thấy ơn gọi của ngài là hoàn toàn do thánh ý của Thiên Chúa, trong sự ngỡ ngàng của bản thân người được gọi. “Bởi chưng tôi đã được Đức Kitô Giêsu chụp lấy chiếm đoạt rồi” (Phi 3, 12) x. Jer. 20, 8: “Người đã dụ dỗ tôi, lạy Đức Chúa, và tôi đã để mình bị dụ. Người đã uy hiếp tôi và đã thắng “; x. Am 7, 15: “Tôi làm nghề nuôi bò và châm quả sung. Nhưng tự sau đàn cừu, Đức Chúa đã chụp lấy tôi đem đi“. Quảng diễn hành động nầy của Đức Chúa, tiên tri Amos đã dùng những hình ảnh vô cùng sống động: “Phải chăng sư tử gầm lên trong lùm rậm, mà nó lại không mồi ? Phải chăng từ trong ổ, hùm tơ lên tiếng mà nó lại không chụp được gì ? Phải chăng chim rơi xuống đất, mà nó lại không sa tròng ? Phải chăng bẩy bật lên khỏi đất mà lại không chụp được gì ? Há tù và rúc lên trong thành mà dân chúng lại không run sợ ? Há họa tai xảy đến cho thành mà lại không phải Đức Chúa làm ra ? Quả thế, Đức Chúa không làm điều gì mà Người lại không tỏ bày bí mật của Người cho các tôi tớ Người là các Tiên tri. Sư tử gầm lên, ai lại không sợ ? Đức Chúa đã phán, ai lại không nói tiên tri” (Am 3, 4-8). Có thể đối chiếu thêm về ơn gọi của các Tiên tri cũng như các nhân vật trong lịch sử Dân Chúa.
  • Có lẽ điểm chính yếu và trọng tâm ơn gọi của Phaolô trình bày trong câu: “(Thiên Chúa) đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi, để tôi giảng Tin mừng về Ngài nơi các dân ngoại”. Nguyên ngữ Hy lạp: apokalupsai ton huion autou en emoi. Như vậy, ơn gọi nầy không phải chỉ là một lời mời gọi môn đệ đi theo thầy, cũng không phải là một thông tri cho Phaolô biết ngài đã được chấp thuận và trọng dụng, nhưng là một dấu ấn đóng vào nội tâm của Phaolô, bên trong con người của Phaolô; dấu ấn nầy chính là “Con của Thiên Chúa” là Đức Giêsu Kitô. Ơn gọi nầy không phải là một thông điệp, một lời nói, một văn bằng công bố cho ngài, hoặc chạm tới bên ngoài của ngài như là một vật gì đó người ta trao cho ngài; nhưng ơn gọi nầy chạm tới thâm sâu trong con người của ngài. Nếu như dấu ấn đóng ở bên ngoài, thì sẽ lu mờ đi với thời gian; nhưng dấu ấn nầy được đóng bên trong con người của Phaolô; vì thế Thiên Chúa xác nhận, qua ơn gọi nầy, Phaolô thuộc về Đức Giêsu Kitô, của Đức Giêsu Kitô, sứ giả chính danh của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta có thể đối chiếu ơn gọi nầy với kiểu nói của Tiên tri Giêrêmia và Tiên tri Ezêkiel khi các ngài đề cập đến Giao Ước mới. x. Jer. 31, 31-34: “ …. Ta sẽ đặt luật Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết trên tim lòng chúng; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng, chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn, mỗi người, phải dạy bảo nhau, mỗi người phải nói với anh em mình: “Hãy biết Đức Chúa !” Vì hết thảy chúng đều biết Ta, từ kẻ bé đến người lớn, – sấm của Đức Chúa – bởi Ta sẽ tha tội cho chúng và sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng”. Lời sấm nầy của tiên tri Giêrêmia loan báo sẽ đến ngày Đức Chúa ký kết Giao Ước mới bằng cách ban luật của Ngài, luật không còn được khắc trên bia đá như thời Giao Ước Sinai năm xưa, nhưng sẽ được ghi trong nội tâm dân Chúa; luật Chúa sẽ không phải như một lệnh truyền áp đặt từ bên ngoài, nhưng như tiếng nói đầy yêu thương bên trong; điều đó đem đến cho dân Chúa hai ân huệ nầy: biết Đức Chúa và được tha thứ mọi tội lỗi. Lời sấm nầy sẽ được Tiên tri Ezêkiel quảng diển thêm: “Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống một Thần khí mới. Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt mình các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi tấm lòng thịt. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống Thần khí của Ta “ (Ez 36, 26-27). Chính Đức Giêsu Kitô thực hiện tròn đầy tất cả những gì về Giao Ước mới mà các Tiên tri Giêrêmia và Ezêkiel đã công bố: “Vì chưng, chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em, là: Chúa Giêsu, trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy bánh và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói: Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự nầy mà nhớ đến Ta. Cũng vậy về Chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài nói: Chén nầy là Giáo Ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự nầy mỗi khi uống mà nhớ đến Ta. Vì mỗi lần anh em ăn Bánh ấy và uống Chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1 Cor 11, 23-26). Vì thế, Phaolô cảm nhận Đức Giêsu Kitô chính là quà tặng thân thương mà Thiên Chúa đặt vào trái tim của mình, bên trong con người của mình. Đó cũng là lý do mà sau nầy, trong cuộc hành trình đầy gian khổ và thử thách của đời tông đồ Dân ngoại, Phaolô đã thốt lên: “Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta “ (Rom 8, 39).
  1. Phaolô, Tông đồ Dân ngoại
  • Ngay khi tường thuật về ơn gọi của mình, Phaolô đã cho biết sứ vụ tông đồ mà Thiên Chúa ủy thác cho ngài: “Nhưng khi Đấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ, và kêu gọi tôi nhân bởi ân huệ của Người, đã có nhã ý mạc khải Con của Người trong tôi, để tôi giảng Tin mừng về Ngài nơi các dân ngoại” (Gal 1, 5-16). Theo nguyên ngữ Hy lạp: hina evangêlizômai auton en tois ethnesin. Theo Kinh Thánh và giáo huấn cũng như truyền thống ngàn đời của người Do Thái, cần phải phân biệt rõ hai hạng người sau đây: Dân Chúa  = Am (tiếng Do Thái); = Laos ( tiếng Hy lạp ) và Dân ngoại = Gôyim ( tiếng Do Thái ); = Ethnê (tiếng Hy lạp). Sự phân biệt nầy không những có tầm quan trọng về tính Dân tộc, mà  đặc biệt về khía cạnh tôn giáo. Rất khó có khái niệm trong Dân ưu tuyển, Dân Giao ước Sinai về sự giao lưu với Dân ngoại, nhất là khi đề cập đến vấn đề tôn giáo với Dân ngoại. Những tâm tình nầy được ghi đậm nét trong các Thánh Vịnh (x. Tv 137). Hầu như Dân Chúa không nghĩ đến việc công bố và chia sẻ Luật Chúa (Torah), sứ điệp các Tiên tri (Nebiim) và giáo huấn của những bậc Hiền nhân (Ketubim) cho Dân ngoại. Torah, Nebiim va Ketubim là nội dung của Kinh Thánh (Cựu Ước).
  • Sau kinh nghiệm lưu đày ở Babilon, khi đã hồi hương, xây dựng lại đời sống tôn giáo, đã xuất hiện trong Dân Chúa sứ điệp thần bí về “Người tôi tớ của Đức Chúa”, được ghi lại trong tiên tri Isaia (Is 42, 1-9; Is 49, 1-6; Is 50, 4-9; Is 52, 13-53, 12). Tại đây, hình ảnh “Người tôi tớ của Đức Chúa” là người “được Thiên Chúa tuyển chọn”, “được đặt làm ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của (Thiên Chúa) đạt thấu mút cùng cõi đất” (Is 49, 6) (eis phôs ethnôn tou einai se eis sôtêrian heôs eskhatou tês gês); “người tôi tớ của Đức Chúa” phải là người môn sinh chuyên cần và tinh thông Lời Chúa, để rao truyền Lời Chúa cho muôn dân; và để thi hành những điều đó, “người tôi tớ của Đức Chúa” phải cống hiến cả cuộc đời và ngay cả mạng sống của mình trong gian truân và thử thách đầy đau thương. Có thể đây là lần đầu tiên trong Dân Chúa có đề cập đến mối tương quan giữa Dân Chúa với Dân ngoại: “được đặt làm ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của (Thiên Chúa) đạt thấu mút cùng cõi đất”.
  • Ngoài ra, một yếu tố cần lưu ý: đó là khi nói đến Dân Chúa và Dân ngoại thì chúng ta ghi nhận từ ngữ Dân Chúa luôn ở số ít, còn từ ngữ Dân ngoại thường ở số nhiều. Vậy mà Thánh Luca, người bạn đồng hành truyền giáo của Phaolô, đã ghi lại lời tiên tri của cụ già Symêon tại đền thờ Giêrusalem, khi ông được ẳm Hài nhi Giêsu trong vòng tay của mình như sau: “ … Bởi chưng mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ (to sôtêrion sou), Người đã dọn sẳn trước mặt muôn dân (pantôn tôn laôn), ánh sáng mạc khải cho dân ngoại (ethnôn) và vinh quang của Israel Dân Người “ (Lc 2, 30-32). Tại đây, lần đầu tiên từ ngữ Dân Chúa (= Laos ) được viết ở số nhiều (pantôn tôn laôn) và để thực hiện điều nầy, vẫn cần vai trò của “người tôi tớ của Đức Chúa” là trở nên “ánh sáng mạc khải cho dân ngoại ( ethnôn )”.
  • Những phân tích trên giúp chúng ta hiểu ơn gọi và sứ vụ “Tông đồ Dân ngoại “ của Phaolô: trải qua biết bao gian truân, thử thách như hình ảnh “người tôi tớ của Đức Chúa” hầu trở nên “ánh sáng soi chiếu cho dân ngoại” (ethnê ) và biến đổi tình trạng trước kia gọi là “dân ngoại “ (ethnê) trở nên “Dân Chúa” (pantôn tôn laôn), đối tượng được hưởng ơn Thiên Chúa cứu độ và vinh quang dành sẳn cho Dân Thiên Chúa.
  • Hiểu rõ những điều nầy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi lắng nghe và bắt gặp những gian truân, đau khổ, thử thách, sĩ nhục trong cuộc đời truyền giáo cho Dân ngoại của Phaolô; chúng ta cũng thấm thía điều mà Phaolô đã quả quyết: “Về phần tôi, ước gì tôi đừng có vênh vang nơi một điều gì trừ phi là nơi Thập giá của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, nhờ đó, thế gian đã bị đóng đinh cho tôi và tôi cho thế gian” (Gal 6, 14). “Vì chưng, trong khi Do Thái đòi dấu lạ và Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Vì Kitô đã bị đóng đinh Thập giá, cớ vấp phạm cho Do Thái, sự điên rồ đối với Dân ngoại; nhưng đối với những ai được kêu gọi, dù là Do Thái hay Dân ngoại, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì, sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẻ hơn loài người” (1 Cor 1, 22-25).

Kết luận

Trong thư thứ hai gửi môn đệ yêu quý là Timôthê, khi đối diện với cái chết sắp gần kề vì Đạo thánh Chúa Giêsu Kitô, Phaolô để lại những lời tâm huyết như bản di chúc thiêng liêng của mình: “Về phần tôi, tôi là tửu tế đã tiến, buổi ra đi đã đến gần. Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa; tôi đã chạy đến cùng đường; tôi đã kiên giữ lòng tin. Kỳ dư, triều thiên công chính đã được dành sẳn cho tôi; và Chúa, Đấng phán xét chí công, sẽ hoàn lại cho tôi trong Ngày ấy, không chỉ cho tôi mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đã đầy lòng mến yêu trông đợi cuộc Hiển linh của Ngài” (2 Tim 4, 6). Với những dòng nầy, khi nhìn lại trọn cuộc đời của mình, cuộc đời của “người tôi tớ của Đức Chúa”’, của “người Tông đồ của Đức Giêsu Kitô”, cuộc đời của “vị Tông đồ Dân ngoại”, Phaolô gợi lên hai hình ảnh đậm nét Kinh thánh: “tửu tế” và “ra đi”. Máu của Phaolô sẽ đổ ra làm chứng cho Đức Giêsu Kitô như chén rượu lễ tế tiến dâng lên Thiên Chúa và cuộc ra đi của Phaolô như người lính chiến rời bến cảng trong an bình, mãn nguyện, sau khi đã chu toàn bổn phận, để ra khơi đến một vùng đất mới. Phaolô để lại lời chào tạ từ đối với các môn đệ, các bạn hữu, các cộng sự viên trong việc truyền giáo. Điều đó, chứng tỏ trong sự nghiệp truyền giáo của mình, Phaolô đã có rất nhiều môn đệ, rất nhiều người bạn, người cộng tác cũng như ân nhân. Phaolô đã không làm việc một mình trên cánh đồng truyền giáo. Do đó, sự nghiệp “Tông đồ Dân ngoại” của Phaolô không chấm dứt với cuộc tử tạo của Phaolô; nhưng được tiếp nối một cách đầy xác tín và phong phú bởi các thế hệ “tôi tớ của Đức Chúa”, ở mọi nơi và mọi thời, đáp lại tiếng gọi tuyệt vời của Phaolô: “Anh em hãy theo gương tôi, cũng như tôi đối với Đức Kitô” (1 Cor 11,1 ).

+ Giuse Võ Đức Minh

Nguồn: kinhthanh.org

33. Cuộc gặp gỡ đổi đời của thánh Phaolô với Chúa Kitô phục sinh

Khi duyệt lại cuộc đời của thánh Phaolô theo sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta nhận ra sự hiện diện 29/6-83

** Khi duyệt lại cuộc đời của thánh Phaolô theo sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời của thánh nhân. Cuộc gặp gỡ đổi đời với Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco đã khiến cho Phaolô từ một kẻ bách hại Kitô giáo trở thành tông đồ nhiệt thành và tử đạo.

Chương 21 sách Công Vụ cho chúng ta biết khi về Giêrusalem thánh Phaolô đã bị bắt và người Do thái muốn giết ngài. “Khi sắp bị đem vào đồn, ông Phao-lô nói với vị chỉ huy: “Tôi có được phép nói với ông một lời chăng? ” Ông này đáp: “Ông biết tiếng Hy-lạp à? Vậy ra ông không phải là tên Ai-cập, trước đây ít lâu, đã xúi bốn ngàn tên khủng bố nổi loạn và dẫn chúng vào sa mạc hay sao? ” Ông Phao-lô nói: “Tôi đây là người Do-thái, quê ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, công dân một thành không phải là không có tiếng tăm. Xin ông cho phép tôi ngỏ lời với dân.” Được vị chỉ huy cho phép, ông Phao-lô đứng trên bậc thềm giơ tay làm hiệu cho dân. Mọi người im phăng phắc; ông Phao-lô nói với họ bằng tiếng Híp-ri:

“Thưa quý vị là những bậc cha anh, xin nghe những lời biện bạch tôi nói với quý vị bây giờ đây.” Khi nghe thấy ông nói với họ bằng tiếng Híp-ri, họ càng yên lặng hơn. Ông nói tiếp: “Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay. Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà, như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.

“Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi. Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Tôi đáp: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: “Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ. Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi. Tôi nói: “Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi: “Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.

** Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát. “Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt. Ông đến, đứng bên tôi và nói: “Anh Sa-un, anh thấy lại đi! Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông. Ông nói: “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra. Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe. Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.

“Khi trở về Giê-ru-sa-lem, đang lúc tôi cầu nguyện trong Đền Thờ, thì tôi xuất thần và thấy Chúa bảo tôi: “Mau lên, hãy rời khỏi Giê-ru-sa-lem gấp, vì chúng sẽ không nhận lời anh làm chứng về Thầy đâu. Tôi thưa: “Lạy Chúa, chính họ biết rõ con đây đã đến từng hội đường bắt giam và đánh đòn những kẻ tin Chúa. Khi người ta đổ máu ông Tê-pha-nô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy. Chúa bảo tôi: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa.

Đám đông lắng nghe ông Phao-lô nói tới đó thì hét lên: “Hãy bứng khỏi mặt đất loại người như thế! Nó không đáng sống! “Họ hò la, phất áo và tung bụi lên trời. Vị chỉ huy cơ đội ra lệnh đem ông Phao-lô vào đồn và truyền đánh đòn tra tấn, để biết lý do tại sao người ta hò hét phản đối ông ấy như vậy. Họ vừa nọc ông Phao-lô ra để đánh đòn, thì ông nói với viên đại đội trưởng đứng gần đó: “Một công dân Rô-ma chưa được xét xử, các ông có được phép đánh đòn không? ” Nghe vậy, viên đại đội trưởng đi báo cáo cho vị chỉ huy rằng: “Ông định làm gì bây giờ? Đương sự là công dân Rô-ma! “Vị chỉ huy liền đến gặp ông Phao-lô và hỏi: “Ông nói cho tôi biết: ông là công dân Rô-ma sao? ” Ông Phao-lô trả lời: “Phải.” Vị chỉ huy nói tiếp: “Tôi đây, tôi phải tốn bao nhiêu tiền của mới mua được quyền công dân ấy.” Ông Phao-lô đáp: “Còn tôi, sinh ra đã có quyền ấy rồi.” Lập tức những người sắp tra tấn ông rút lui, còn vị chỉ huy thì phát sợ, vì biết rằng ông Phao-lô là công dân Rô-ma mà mình lại đã còng ông ấy.

** Hôm sau, vì muốn biết chắc chắn người Do-thái tố cáo ông Phao-lô về điều gì, vị chỉ huy tháo xiềng cho ông và ra lệnh cho các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng họp lại, rồi ông đưa ông Phao-lô từ đồn xuống, để ra trước mặt họ.

 Ông Phao-lô biết rằng một phần Thượng Hội Đồng thuộc phái Xa-đốc, còn phần kia thuộc phái Pha-ri-sêu, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: “Thưa anh em, tôi là người Pha-ri-sêu, thuộc dòng dõi Pha-ri-sêu; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử.” Ông vừa nói thế, thì người Pha-ri-sêu và người Xa-đốc chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ. Thật vậy, người Xa-đốc chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pha-ri-sêu thì lại tin là có. Người ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pha-ri-sêu đứng lên phản đối mạnh mẽ: “Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với ông ấy? ” Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác ông Phao-lô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa về đồn.

Đêm ấy Chúa đến bên ông Phao-lô và nói: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giê-ru-sa-lem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rô-ma nữa.”

Sáng ngày ra, người Do-thái âm mưu với nhau. Họ thề độc là sẽ không ăn không uống, bao lâu chưa giết được ông Phao-lô. Có trên bốn mươi người đã cùng thề với nhau như vậy. Họ đến gặp các thượng tế và kỳ mục mà nói: “Chúng tôi đã thề độc là sẽ không ăn uống gì, bao lâu chưa giết được tên Phao-lô. Vậy bây giờ xin quý vị, cùng với Thượng Hội Đồng, đề nghị vị chỉ huy cho dẫn nó xuống với quý vị, lấy cớ là để điều tra về nó cho cặn kẽ hơn. Phần chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng giết nó trước khi nó tới.”

Nhưng người con trai của bà chị ông Phao-lô nghe biết âm mưu đó, liền đến đồn và vào báo tin cho ông Phao-lô. Ông Phao-lô mời viên đại đội trưởng đến và nói: “Xin ông dẫn cháu này đến gặp vị chỉ huy, vì cháu có điều phải báo cáo cho ông ấy.”

** Vậy viên đại đội trưởng đem cậu bé đi theo, dẫn đến gặp vị chỉ huy mà trình rằng: “Tù nhân Phao-lô đã mời tôi đến và xin tôi dẫn cậu này đến gặp ông; cậu ấy có điều phải nói với ông.” Vị chỉ huy nắm tay cậu bé, đưa riêng ra một nơi mà hỏi: “Em có điều gì phải báo cáo cho ta biết? ” Cậu bé trả lời: “Người Do-thái đã đồng ý với nhau là sẽ xin ông ngày mai cho điệu ông Phao-lô xuống Thượng Hội Đồng, lấy cớ là để tra hỏi cho cặn kẽ hơn. Vậy xin ông đừng tin họ, vì có trên bốn mươi người trong bọn họ đang phục sẵn để hại ông ấy; họ đã thề độc là sẽ không ăn không uống, bao lâu chưa giết được ông ấy. Hiện giờ họ sẵn sàng, chỉ còn chờ ông chấp thuận.” Vị chỉ huy cho cậu bé về và căn dặn: “Đừng nói với ai là em đã tiết lộ những chuyện đó cho ta.”

Ông gọi hai viên đại đội trưởng đến và bảo: “Các anh hãy chuẩn bị hai trăm bộ binh, bảy mươi kỵ binh và hai trăm khinh binh, để ngay giờ thứ ba đêm nay đi Xê-da-rê. Cũng phải có sẵn ngựa cho ông Phao-lô, để đưa ông ấy an toàn đến với tổng trấn Phê-lích.”

Ông viết một bức thư nội dung như sau: “Cơ-lau-đi-ô Ly-xi-a trân trọng chào ngài tổng trấn Phê-lích đáng kính. Người này đã bị người Do-thái bắt và sắp bị họ giết, thì tôi đem lính đến giải thoát, vì được biết rằng đương sự là công dân Rô-ma. Vì muốn biết rõ họ tố cáo đương sự về tội gì, tôi đã đưa đương sự ra trước Thượng Hội Đồng của họ. Tôi thấy rằng đương sự bị tố cáo về những vấn đề liên quan đến Lề Luật của họ, nhưng không có tội gì đáng chết hay đáng bị tù. Được báo là người ta âm mưu hại đương sự, tôi đã cho giải đương sự lên ngài ngay lập tức, một trật bảo nguyên cáo muốn kiện đương sự thì cứ lên ngài mà kiện.”

Tuân lệnh trên, binh lính đã nhận ông Phao-lô, và ban đêm đưa ông đi An-ti-pát-ri. Hôm sau, họ để kỵ binh tiếp tục đi với ông, còn họ thì trở về đồn. Đến Xê-da-rê, kỵ binh trình thư và giao ông Phao-lô cho tổng trấn. Tổng trấn đọc thư và hỏi ông là người tỉnh nào. Biết ông là người miền Ki-li-ki-a, ông nói: “Tôi sẽ xét vụ của anh, khi nào cả nguyên cáo nữa cũng đến.” Rồi ông ra lệnh giam ông Phao-lô ở dinh Hê-rô-đê.

TMH 515

Linh Tiến Khải

34. Sống với Đức Kitô qua các thư Thánh Phaolô

 – Bài 1: Cuộc đời Thánh Phaolô – phần 1

Hai bài học đầu tiên nhằm trả lời câu hỏi: « Thánh Phaolô là ai ? » Đây là một công việc không đơn 29/6-84

Hai bài học đầu tiên nhằm trả lời câu hỏi: « Thánh Phaolô là ai ? » Đây là một công việc không đơn giản như ta nghĩ. Tư liệu dùng để trả lời cho câu hỏi này gồm chính bút tích của Thánh Phaolô và sách Công vụ các tông đồ do Thánh Luca viết. Để làm được việc này, ta cần hiểu về một dân Do Thái sống tản mác khắp nơi, về các trường đào tạo kinh sư ở Giê-ru-sa-lem và một vài cột mốc trong lịch sử.

  1. CĂN CƯỚC CỦA THÁNH PHAOLÔ

Không ai biết chính xác ngày sinh của Thánh Phaolô. Chỉ ước tính khoảng năm thứ 5.

Thánh Phaolô nguyên quán ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a (hiện nay là miền nam Thổ Nhĩ Kỳ). « Tôi đây là người Do Thái, quê ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, công dân của một thành không phải là không có tiếng tăm » (Cv 21,39). Thành Tác-xô là một thành năng động với một hải cảng đầy hoa. Thành nổi tiếng về sản xuất sợi, vải thô làm bằng lông dê để làm lều du mục.

Thánh Phaolô sinh ra trong một gia đình Do thái, khá giả, cha là thợ dệt. Ngài cũng là công dân Rôma từ lúc mới sinh, nhận đặc quyền từ hoàng đế Xê-da hay Auguste ban cho công dân miền Tác-xô. Thánh Phaolô đã sử dụng đặc quyền này nhiều lần khi bị cầm tù, khi ra trước tòa án .. . « Chúng tôi  là những công dân Rôma, không có án gì cả, mà họ đã đánh đòn chúng tôi trước công chúng, rồi tống ngục .. . » (Cv 16,37).

Thánh Phaolô là người Do thái sống xa quê hương. Tình cảnh này làm cho thánh nhân trở thành người của hội đuờng vì hội đường là trung tâm của đời sống đạo và xã hội của cộng đồng người Do thái lưu lạc. Thánh Phaolô theo học với Thầy Ga-ma-li-ên ở Giêrusalem. «Tôi là người Do thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi được nuôi dưỡng tại thành này, dưới chân ông Ga-ma-li-ên. Tôi đã được giáo dục để giữ luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay.» (Cv 22,3)

Thánh Phaolô tự liệt kê: « Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu, nhiệt thành đến mức nguợc đãi Hội Thánh, còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng có ai trách được tôi » (Pl 3,5-6)

  1. TRÊN ĐUỜNG ĐI ĐA-MÁT

Phaolô, được Ga-ma-li-ên đào tạo, là một người Pharisêu bị đánh bại. Đới với ông, Kitô giáo xuất hiện như một sự khước từ lý tưởng tuân giữ nghiêm ngặt lề luật và như một mối đe dọa sự trong sạch của đạo Do Thái. Đó là lý do tại sao Phaolô bách hại kitô hữu.

Trong sách Công vụ, chúng ta tìm thấy các hoạt động của Saolô (Phaolô): «Các nhân chứng để áo dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Têphanô đang khi ông này cầu xin rằng: « Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con ». Phần ông Saolô, ông tán thành việc giết ông Têphanô … Còn ông Salô thì cứ phá hoại Hội Thánh: Ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục. » (Cv 7,58)

Trên đuờng đi bắt đạo ở Đa-mát, Saolô đã sống một kinh nghiệm tuyệt vời làm thay đổi đời ông: « Một luồng ánh sáng từ trời bao phủ lấy ông và một giọng nói: « Saolô, Saolô sao ngươi bắt bớ Ta ? »(Cv 9,4). Kể từ giây phút ấy, ông trở nên người biện hộ cho đức tin Kitô giáo mà trước đây ông bắt bớ. Sách Công vụ đặt việc trở lại đạo này sau cái chết tử đạo của Têphanô một chút. Saolô lưu lại Đamát vài ngày tại nhà ông Kha-na-ni-a, rồi chịu phép Rửa. Sau đó ông đi sang xứ Ả-Rập vì lý do gì không rõ và ở lại đó hai hay ba năm. (Gl 1,15-17)

Ông trở lại Đamát công bố trong các hội đường rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Những ai nghe ông nói đều ngạc nhiên. Một làn sóng chống lại ông: Tổng trấn vua Aretas muốn bắt ông nhưng Saolô chui trong một cái giỏ trượt theo tuờng thành mà trốn thoát vào ban đêm.

Ông đi Giêrusalem chia sẻ niềm vui trở lại đạo của ông với các anh em và để làm quen với ông Kê-pha (Phêrô) khoảng năm 36,37 (Gl 1,18). Kế đó ông trở về Tác-xô. Nơi đây 11 năm sau đó ông Bác-na-bê đến tìm giúp ông trong công việc của Hội thánh An-ti-ô-khi-a ở Si-ri (Cv 11,25-26)

III.         PHAOLÔ NHÀ TRUYỀN GIÁO CỦA CHÚA KITÔ

Cộng đoàn An-ti-ô-khi-a do Chúa Thánh Linh thúc đẩy đã quyết định tách riêng hai ông Bác-na-bê và Saolô để các ông đi truyền giáo. Kể từ chuyến đi truyền giáo đầu tiên này mà Saolô được gọi theo tên Rôma của mình là Phaolô.(Cv 13,1-12)

Không đi vào chi tiết của bản văn, chúng ta chú ý đến ba chuyến đi truyền giáo và một chuyến đi bị bắt giam.

Phaolô ra đi với Bácnabê. Họ đến đảo Sýp, Pam-phi-li-a và Ly-cao-ni-a (Cv 13-14). Họ thành lập các cộng đoàn kitô hữu ở đó. Trên đuờng trở về Antiôkhia họ cũng bị những kitô hữu mới (người Do Thái tin theo Đức Giêsu Kitô) đến từ Giuđê trách móc về việc không buộc cắt bì cho người ngoại chịu phép Rửa.

Cộng đoàn Antiôkhia quyết định gửi Phaolô và Bácnabê đến với các tông đồ ở Giêrusalem để điều chỉnh sự khác biệt này (Cv 15,1-34). Đại hội này được gọi là Công đồng tông đồ đầu tiên năm 49. Các quyết định của công đồng được ghi lại trong sắc lệnh tông đồ mà Phaolô và Bác-na-bê, được Giu-đa và Si-la đồng tình, thông báo cho cộng đoàn như sau: « Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh » (Cv 15,28-29)

CÂU HỎI BÀI SỐ 1

Để tiếp xúc sơ khởi với các thư của Thánh Phaolô, chúng tôi đề nghị xem « địa chỉ » của từng bức thư và từ đó rút ra vài hằng số. Các « địa chỉ » đó cấu thành một chất thần học thực sự cô đọng. Phải học hỏi các địa chỉ đó thật cẩn thận.

Từ bài tự giới thiệu chính mình của Thánh Phaolô, đâu là những yếu tố của sứ vụ của thánh nhân xuất hiện ngay từ những dòng đầu tiên của các thư ?

Thánh nhân nói về Đức Kitô và Thiên Chúa như thế nào ?

Thánh nhân chỉ rõ những người mà Ngài muốn gửi tới như thế nào ? Điều gì đánh động bạn ?

Những lời cầu chúc thánh nhân muốn gửi tới người nhận là gì ? Các lời chúc này có ý nghĩa gì ?

 Bạn thấy có sự tiến triển nào trong những « địa chỉ » sau đây:

1 Tx 1,1 ;  1Cr 1,1-9 ;  Pl 1,1-2 (3-11) ; Gl 1,1-5 ; Rm 1,1-15

35. Cái Chết Và Di Sản Của Thánh Phaolô

 – BÀI GIÁO LÝ MỚI XX CỦA ĐTC BÊNÊĐICTÔ XVI VỀ THÁNH PHAOLÔ

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô tại Đại Sảnh Phaolô VI trong buổi triều yết chung vào ngày Thứ Tư 4 tháng 2, 2009. Trong bài nói chuyện tiếng Ý này, ĐTC kết thúc loạt bài Giáo Lý về Thánh Phaolô bằng cách lưu ý chúng ta về cái chết của Thánh Nhân và di sản mà ngài để lại cho chúng ta.

* * *

Anh chị em thân mến,

Loạt bài Giáo Lý về chân dung của Thánh Phaolô đến hồi chấm dứt: hôm nay chúng ta nói về 29/6-85

Loạt bài Giáo Lý về chân dung của Thánh Phaolô đến hồi chấm dứt: hôm nay chúng ta nói về việc kết thúc cuộc đời 29/6-85dương thế của ngài. Truyền thống Kitô giáo từ xưa đã đồng thanh làm chứng rằng cái chết của Thánh Phaolô là kết quả của việc ngài chịu tử vì đạo ở Rôma. Các bản văn Tân Ước không nói đến sự kiện này. Sách Tông Đồ Công Vụ chấm dứt câu chuyện ám chỉ hoàn cảnh của ngài như một tù nhân, tuy nhiên, khi ấy ngài vẫn được phép đón tiếp tất cả những ai đến với ngài (x. Cv 28:30-31).

Chỉ trong Thư Thứ Hai gửi Timôthê chúng ta tìm thấy những lời cảnh báo: “Còn cha, cha sắp phải đổ máu ra làm của lễ tế, đã đến giờ cha phải ra đi.” (2 Tim 4:6; x. Phl 2:17). Ở đây Thánh Nhân dùng hai hình ảnh, hình ảnh phụng tự của hy lễ, như đã dùng trong Thư gửi tín hữu Philipphê, để giải thích rằng tử việc vì đạo giống như là tham dự vào hy tế của Đức Kitô, và hình ảnh những người đi biển thả dây neo, để ám chỉ cái chết, một cái chết đổ máu của ngài.

Chứng từ rõ ràng đầu tiên về việc kết thúc cuộc đời của Thánh Phaolô được để lại cho chúng ta vào khoảng năm 90 trong thế kỷ thứ nhất, hơn ba thập niên sau cái chết của ngài. Đến từ chính bức thư cúa Hội Thánh Rôma, mà vì Giám Mục là Thánh Clêmentê I, viết cho Hội Thánh Côrinthô. Trong bản văn của thư này Thánh Clêmentê mời gọi chúng ta luôn đặt trước mắt gương của các Tông Đồ, và ngay sau khi nói đến việc tử vì đạo của Thánh Phêrô, chúng ta đọc: “Vì sự ghanh tỵ và bất đồng mà Thánh Phaolô bị bắt buộc chỉ cho chúng ta phải làm sao để đạt được phần thưởng sự kiên nhẫn. Bị bắt bảy lần, bị đầy ải, ném đá, ngài đã là người rao giảng Đức Kitô ở Đông Phương và Tây Phương, và nhờ Đức Tin ngài đã đạt hữu được một vinh quang tinh tuyền. Sau khi đã rao giảng công lý cho toàn thế giới, và sau khi đi đến tận cùng Tây Phương, ngài đã chấp nhận tử vì đạo trước các nhà cầm quyền; như thế ngài đã từ bỏ cõi đời này và đã đến nơi thánh, cùng trở thành mẫu gương vĩ đại nhất của lòng kiên nhẫn” (1 Clem 5:2). Sự kiên nhẫn được nói đến trong cách ngài nói về việc thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô của ngài, về lòng quảng đại và kiên trì mà nhở đó ngài chấp nhận một con đường dài đầy gian khổ, đến nỗi có thể nói rằng: “Tôi mang trên mình tôi các thương tích của Chúa Giêsu” (Gal 6:17).

Chúng ta thấy trong thư của Thánh Clementê nói rằng Thánh Phaolô đã đi đến “tận cùng Tây Phương”. Người ta tranh luận rằng câu này có thể nói về cuộc hành trình sang Tây Ban Nha mà Thánh Phaolô cò lẽ đã thực hiện. Mà thật sự thì trong Thư gửi tín hữu Roma Thánh Phaolô có nói đến ý định muốn sang Tây Ban Nha (x. Rom 15:24).

Điều rất đáng chú ý là trong thư của Thánh Clêmentê hai tên của Thánh Phêrô và Phaolô luôn đi liền nhau, ngay cả trong chứng từ của Eusebiô thành Cesarea thế kỷ thứ IV, dù đổi thứ tự, khi nói về Hoàng Đế Nêrô, ngài viết: “Trong triều đại của ông, Thánh Phaolô bị chặt đầu ở Rôma, còn Thánh Phêrô thì bị đóng đanh ở đó. Câu chuyện được xác nhận bằng việc tên của Thánh Phêrô và Phaolô vẫn còn ở trên mộ của hai đấng trong thành phố này” (Hist.. eccl. 2,25,5). Rồi Eusebiô tiếp tục nhắc lại lời tuyên bố của một linh mục Roma tên là Gaiô, ờ đầu thế kỷ thứ II: “Tôi có thể chỉ cho bạn thấy các chiến tích của các tông đồ: nếu bạn đi đến Vatican, hay đi trên đường Ostiensê, bạn sẽ tìm thấy các chiến tích của các đấng sáng lập Hội Thánh” (ibid. 2,25,6-7). Các “chiến tích” là những bia mộ, đó là chính mộ phần của hai Thánh Phêrô và Phaolô, mà ngày nay, sau hai nghìn năm, chúng ta vẫn còn tôn kính tại cùng một chỗ, dù ở đây tại Vatican với thánh Phêrô, hay ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thánh trên đường Ostiensê để kính nhớ vị Tông Đồ Dân Ngoại.

Việc hai vị Tông Đồ cả được cùng nhắc đến là một điều đáng ghi nhận. Mặc dù không có một nguồn tài liệu cổ nào nói đến việc phục vụ chung của hai đấng ở Rôma, nhưng ý thức của Kitô hữu sau đó, dựa vào việc cả hai đấng được mai táng tại thủ đô của đế quốc, đã coi hai đấng như là các đấng sáng lập ra Hội Thánh tại Roma. Quả thật, đó là điều chúng ta đọc được trong [thư của] Thánh Irenaêô thành Lyon, vào cuối thế kỷ thứ II, về việc kế vị các Tông Đồ trong một số hội thánh: “Sẽ mất rất nhiều thì giờ để kể ra tất cả các việc kế vị của tất cả mọi hội thánh, chúng ta chỉ nói đến Hội Thánh vĩ đại và cổ kính mà mọi người đều biết đến, Hội Thánh đã được hai Tông Đồ Phêrô và Phaolô vinh hiển sáng lập cùng xây dựng tại Roma ” (Adv. haer. 3,3,2).

Tuy nhiên chúng ta hãy để gương mặt Thánh Phêrô sang một bên và hãy chú ý đến gương mặt Thánh Phaolô. Việc tử vì đạo của ngài được kể lại đầu tiên trong sách Công Vụ của Thánh Phaolô, được viết vào cuối thế kỷ thứ II. Sách tường thuật rằng hoàng đế Nerô lên án chém đầu ngài, và bản án được thi hành ngay sau đó (x. 9,5). Ngày chết của ngài khác nhau ngay từ những tài liệu cổ, khoảng giữa cuộc bách hại mà chính hoàng đế Nerô phát động sau vụ hỏa hoạn của thành Roma, xảy ra vào tháng 7 năm 64, và năm cuối cùng của triều đại Nerô là năm 68 (x. Giêrônimô, De viris ill. 5,8). Việc tính toán này tùy thuộc vào thời điểm mà thánh Phaolô tới Roma, đó là một cuộc tranh luận mà chúng ta không thể bàn đến ở đây.

Các truyền thống sau đó xác nhận hai yếu tố khác. Yếu tố thứ nhất, có tính cách cổ tích hơn, là viêc tử vì đạo của ngài xảy ra ở Acqua Salvia trên đường Laurentina, và đầu của ngài nhảy ba lần, mỗi lần làm vọt lên một dòng nước, đó là lý do tại sao cho đến nay người ta vẫn gọi chỗ ấy là “Tre Fontane – Ba Suối” (Công Vụ của Thánh Phêrô và Phaolô Pseudo Marcel, Thế kỷ thứ V). Yếu tố khác phù hơp với chứng từ cổ, mà linh mục Gaiô đã nói đến, là việc chôn cất không những đã xảy ra “ở ngoài thành,… dặm thứ hai trên đường Ostiensê”, “nhưng chính xác hơn trong đất của Lucina”, là một phụ nữ theo Kitô giáo (Cuộc Khổ Nạn của Thánh Phaolô, Pseudo Abdia, thuộc thế ky thứ IV). Ở đó, vào thế kỷ thứ IV, Hoàng Đế Constantinô đã xây một đền thờ đầu tiên. Đền thờ này được mở rộng hơn nhiều giữa thế kỷ thứ IV và thứ V bởi các hoàng đế Valentinianô II. Têodosiô và Arcađiô. Sau vụ hỏa hoạn năm 1800, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thánh được tái xây dựng tại đây.

Dù trong trường hợp nào, chân dung thánh Phaolô vượt trên cuộc đời dương thế và cái chết của ngài, vì thật ra ngài đã để lại một gia sản tinh thần vĩ đại. Như một môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, ngài trở nên dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Trong khi giữa nhóm người gọi là “Ebionites” – một phong trào vừa là Do Thái và Kitô hữu – ngai bị coi là phản đạo theo Luật Môsê, nhưng trong Sách Tông Đồ Công Vụ đã có một sự rất kính trọng đối với Tông Đồ Phaolô.

Cha muốn để ra ngoài các văn chương ngoại thư, như Sách Công Vụ của Thánh Phaolô và Tecla cùng một tuyển tập các thư ngoài quy điển giữa Thánh Tông Đồ Phaolô và triết gia Seneca. Điều quan trọng đặc biệt phải xác nhận là chẳng bao lâu sau đó, các Thư của Thánh Phaolô đã đi vào phụng vụ, là nơi mà cấu trúc tông đồ – ngôn sứ – Tin Mừng được dứt khoát dùng trong việc thành hình phụng vụ Lời Chúa. Như thế, nhờ sự “hiện diện” này trong phụng vụ của Hội Thánh, mà tư tưởng của Thánh Tông Đồ ngay từ ban đầu đã trở thành lương thực thiêng liêng cho tín hữu thuộc mọi thời đại.

Rõ ràng là các Giáo Phụ, và sau đó tất cả các thần học gia, đều được nuôi dưỡng bằng các thư của Thánh Phaolô cùng nền linh đạo của ngài. Như thế, qua các kỷ nguyên, cho đến ngày nay, ngài vẫn là vị thầy và là Tông Đồ đích thực của Dân Ngoại. Tác phẩm chú giải Thánh Kinh đầu tiên của các Giáo Phụ, mà chúng ta có được về Tân Ước là của một thần học gia vĩ đại ở Alexandrea, Giáo Phụ Ôrigen, chú giải thư thánh Phaolô gửi tín hữu Roma. Tiếc rằng chú giải này chỉ còn lại một phần. Thánh Gioan Kim Khẩu, ngoài việc chú giải các thư của Thánh Phaolô, còn viết 7 bài tán tụng đáng ghi nhớ. Thánh Augustinô đã mắc nợ Thánh Phaolô bước quyết định trong việc hoán cải của chính mình, và ngài đã nhắc đến thánh Phaolô suốt đời của ngài. Từ việc liên tục đối thoại với vị Đại Tông Đồ này đã nảy sinh ra nền thần học Công Giáo và thần học Tin Lành của mọi thời đại.

Thánh Tôma Aquinô đã để lại cho chúng ta một chú giải rất hay về các Thư của Thánh Phaolô, đại diện cho kết quả trưởng thành hơn của khoa chú giải Thánh Kinh thời Trung Cổ.

Một khúc quanh thật sự đã xảy ra vào thế kỷ XVI với phong trào Cải Tin Lành. Thời điểm quyết định trong cuộc đời của Lutherô, gọi là “Turmerlebnis” (1517), trong đó ông đã lập tức tìm ra một cách giải thích mới về học thuyết về sự công chính hóa của Thánh Phaolô. Một cách giải thích đã giải thoát ông khỏi tật quá thận trọng và lo âu của đời sống trước kia của ông, và cho ông một niềm tin tưởng mới vào sự tốt lành triệt để của Thiên Chúa, là Đấng tha thứ mọi sự một cách vô điều kiện. Từ lúc đó, Lutherô đã đồng hóa chủ thuyết duy luật Do Thái-Kitô, là điều mà Thánh Tông Đồ đã lên án, với trật tự của đời sống của Hội Thánh Công Giáo. Và đối với ông Hội Thánh được coi là một cách diễn tả sự nô lệ cho lề luật, là điều trái ngược với sự tự do của Tin Mừng. Công Đồng Chung Trentô, từ năm 1545 đến năm 1563, đã giải thích cách sâu sa về vấn đề công chính hóa, và đã tìm thấy trong đường lối của toàn thể truyền thống Công Giáo sự tổng hợp giữa lề luật và Tin Mừng theo sứ điệp của Thánh Kinh, nếu được đọc trong sự trọn vẹn và thống nhất của Thánh Kinh.

Ở thế kỷ XIX, việc thu thập những di sản hảo hạng của thời Khai Minh, người ta đã chứng kiến việc phục hưng học thuyết Phaolô, qua các công trình khoa học đã được phát triển nhờ cách giải thích Thánh Kinh theo phương pháp phê bình lịch sử. Chúng ta sẽ bỏ qua sự kiện là cùng trong thế kỷ này, cũng như trong thế kỷ XX, đã xuất hiện một sự phỉ báng thánh Phaolô thật sự. Cha đặc biệt nói đến Nietsche, người đã chê bai nền thần học về sự khiêm nhường của Thánh Phaolô, đối nghịch với thần học của ông về con người mạnh mẽ và quyền thế. Nhưng chúng ta hãy để tất cả những điều này qua một bên và hãy nhìn đến cốt lõi của cách giải Thích Thánh Kinh theo khoa học hiện nay và và học thuyết mới của Thánh Phaolô thế kỷ này.

Ở đây, điều người ta đặc biệt nhấn mạnh như là trọng tâm của tư tưởng Thánh Phaolô là quan niệm về tự do: quan niệm này được coi là nằm ở trọng tâm của tư tường Thánh Phaolô, như Lutherô đã quả thực cảm thấy. Nhưng quan niệm về tự do được giải thích lại trong bối cảnh của chủ nghĩa tân tự do. Thêm vào đó, người ta nhấn mạnh nhiều đến sự khác biệt giữa lời rao giảng của Thánh Phaolô với lời rao giảng của Chúa Giêsu. Và Thánh Phaolô hầu như được coi là một đấng sáng lập mới của Kitô giáo. Chắc chắn là trong Thánh Phaolô, trọng tâm của Nước Thiên Chúa, điều quyết định cho việc rao giảng của Chúa Giêsu, được biến đổi thành trọng tâm của Kitô học, bao gồm tuyệt đỉnh là mầu nhiệm phục sinh. Và từ mầu nhiệm phục sinh nảy sinh các bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể, như sự hiện diện thường trực của mầu nhiệm này, mà từ đó làm cho Thân Mình Đức Kitô được tăng trưởng và Hội Thánh được xây dựng.

Nhưng cha phải nói mà không đi vào chi tiết, bởi vì trong trọng tâm mới của Kitô học và mầu nhiệm phục sinh, Nước Thiên Chúa được thể hiện và lời loan báo của Chúa Giêsu thật sự trở thành cụ thể, hiện diện và hoạt động. Chúng ta đã thấy trong những bài Giáo Lý trước rằng chính tính mới lạ của học thuyết Thánh Phaolô lại là sự trung thành sâu xa nhất đối với lời rao giàng của Chúa Giêsu. Trong tiến trình chú giải Thánh Kinh, nhất là trong hai trăm năm vừa qua, cũng gia tăng sự đồng quy giữa các nhà chú giải Công Giáo và Tin Lành, như thế đem lại một sự thoả thuận đáng kể về chính điểm mà lúc ban đầu là cao điểm của sự bất đồng trong lịch sử. Cho nên đây là niềm hy vọng lớn cho lý do của phong trào đại kết, là điều rất quan trọng đối với Công Đồng Vaticanô II.

Sau cùng, cha muốn một lần nữa nhắc cách vắn tắt đến một số phong trào tôn giáo xuất hiện ờ thời hiện đại trong lòng Hội Thánh Công Giáo, là những dòng mang tên của thánh Phaolô. Điều này xảy ra trong thế kỷ thứ XVI với dòng Thánh Phaolô, gọi là dòng Barnabites, trong thế kỷ XIX với dòng Thừa Sai Thánh Phaolô hay là dòng Paulista, và thế kỷ XX với “Gia đình Phaolô” dưới nhiều hình thức, do chân phước Giacomo Alberione thành lập, chưa kể đến Tu Hội Đời là Hội Thánh Phaolô.

Tóm lại, chân dung của một Tông Đồ và một tư tưởng gia Kitô giáo rất phong phú và sâu sắc, mà từ sự gần gũi ngài, ai trong chúng ta cũng được ích lợi, vẫn còn là ánh sáng trước mặt chúng ta. Trong số những bài tán tụng của ngài, Thánh Gioan Kim Khẩu đã sáng tác một bài so sánh giữa Thánh Phaolô và ông Noe, khi nói như sau: Thánh Phaolô “không những chỉ thu thập các miếng gỗ để đóng tàu, mà ngược lại, thay vì nối những miếng gỗ lại với nhau, ngài đã viết các Thư, như thế kéo ra khỏi nước không những hai, ba hay năm phần tử của gia đình ngài, mà toàn thể thê giới sắp bị hư mất” (Paneg. 1.5).

Chính Thánh Tông Đồ Phaolô vẫn còn và luôn luôn có thể làm điều này. Như thế, hướng về ngài, cũng như hướng về gương tông đồ của ngài cùng giáo lý của ngài, phải là một sự kích thích, nếu không phải là sự đảm bảo, để củng cố căn tính Kitô giáo của mỗi người chúng ta và canh tân toàn thể Hội Thánh.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Tác giả: GLV. Phạm Xuân Khôi (chuyển ngữ)

From: conggiaovietnam

36. Thánh Phaolô Trước Sự Chết

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu được mời gọi sẵn sàng từ bỏ mình, vác thập giá mà đi theo 29/6-86

Người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu được mời gọi sẵn sàng từ bỏ mình, vác thập giá mà đi theo Chúa (x. Mt 16,24). Từ sau biến cố Đamas, Phaolô đã thật sự ý thức mình được Chúa chọn gọi làm Tông đồ (Gl 1,11tt) và đã hòan tòan đáp trả bằng cả cuộc đời loan Tin mừng, đạt cao điểm nơi chính sự chết theo gương Đức Giêsu, Đấng đã hòan tòan vâng phục thánh ý Chúa Cha và vâng phục đến chết trên thập giá (x. Pl 2,6-8). Phaolô đã khẳng quyết:“Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi”(2 Cr 4,10). “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào Thập giá. Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,19-20). Chọn Chúa làm lẽ sống, Phaolô là người môn đệ tuyệt vời của Đức Giêsu, thể hiện cao điểm nơi ý thức và thái độ trước sự chết.

Xin phép  chia sẻ:

– Phaolô suy tư về cái chết thập giá của Đức Kitô

– Phaolô trước cái chết đang chờ đợi mình

  1. PHAOLÔ TRƯỚC CÁI CHẾT THẬP GIÁ CỦA ĐỨC GIÊSU.

         Trước khi xảy ra biến cố Đamas, Saolô, người Do thái thuộc chi tộc Bengiamin, tuân giữ Luật như một Pharisêu (Pl 3,5) đã nhìn Giêsu Nadareth bị treo trên cây gỗ là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa (Đnl 21, 23; Gl 3,13). Lòng nhiệt thành bảo vệ Đạo và Lề Luật khiến ông hết sức căm phẩm những ai tôn vinh Giêsu là Con Thiên Chúa, nên hùng hổ tìm bách hại (Cv 8,3; 9,1-2; 22,3-5; 26,9-12; Pl 3,5; Gl 1,13 tt).

 Cảm nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh trong biến cố Đamas đã biến đổi Phaolô cách tận căn (Gl 1,15tt; Pl 3,12). Ta gọi đây là cuộc hóan cải của Phaolô theo nghĩa Phaolô giác ngộ, từ niềm tin Do thái giáo ông tiến vào niềm tin Kitô giáo. Cảm nghiệm gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh cũng đã biến đổi tận căn các Tông đồ như các Tin mừng đã trình thuật. Phaolô nhận thức rõ ràng Đấng chịu đóng đinh Thập giá đã sống lại, đã tỏ mình (opthè) cho ngài cũng như cho các môn đệ (1Cr 15,3-7) và từ đó khám phá ra ý nghĩa thâm sâu của cái chết thập giá. Tâm hồn tràn ngập niềm vui và an bình vì được giao hòa với Thiên Chúa (Pl 3,7-14). Từ dạo ấy, Đức Kitô là lẽ sống của Ngài (Pl 3,8-14). Ngài quả quyết không còn muốn biết đến chuyện gì khác ngòai ĐGK chịu đóng đinh thập giá (1 Cr 2,2-5). Ngài khiển trách giáo đòan Galát bị mê hoặc mà quên đi hình ảnh ĐGK chịu đóng đinh (Gl 3,1). Ngài thêm vào Truyền thống về Thánh Thể lời xác quyết: loan truyền Chúa chịu chết cho đến khi Ngài lại đến (1Cr 11,26).

 Trong thư 1Cr (năm 56), Phaolô đã sử dụng “Lời thập giá” để diễn tả quyền năng siêu việt của Thiên Chúa. Ngôn từ này gây vấp phạm cho người đương thời; nên sau này không ai dùng lại, ngay cả thánh Ignatiô Antiôkia và Jean Chrysostome. Có lẽ Phaolô dùng ngôn từ này trong bối cảnh tranh luận với những người Do thái và phái ngộ đạo. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, Phaolô khẳng định người môn đệ phải trải qua cái chết để loan báo Tin mừng, phải mang thập giá và cái chết của Đức Giêsu trên thân mình (2 Cr 4,10; 6,4-10; 12,9; Pl 3,4-11). Nói đến thập giá, Phaolô không đơn sơ nghĩ đến cái chết đau đớn và tủi nhục, nhưng nhắm đến sự cứu độ và vinh quang: Chính qua cái chết mà Đức biểu lộ sự vinh quang. Và đó chính là ý nghĩa then chốt của “Lời Thập giá”.

  1. Cái chết cứu độ
  2. Đức Kitô đã chiến thắng Thần Chết

            Câu chuyện đã xảy ra từ buổi đầu sáng tạo (St 3). Tội đã nhập vào thế gian và bởi tội mà có sự chết (Rm 5,12.17; 1 Cr 15,21). Từ đó tất cả mọi người đều phải chết nơi Ađam (1 Cr 15,22). Thần Chết đã thống trị thế gian (Rm 5,14), Vương quyền Satan được thiết lập (x. Ga 8,44). Chính tội là nọc độc của Thần Chết và đem lại sức mạnh cho quyền lực Thần Chết (1 Cr 15,56) và sự chết là hậu quả của tội (Rm 6,16.21.23). Thân xác được Thiên Chúa tạo thành nay trở thành thân xác phải chết (Rm 7,24).

 Để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực thần chết, Đức Kitô đã nhận cho mình thân phận hay chết của con người và nhận cái chết (Gl 4,5). Sự chết đến với Người không phải cách ngẫu nhiên; Người đã từng loan báo trước cho các Tông đồ (Mc 8,31; 9,31; 10,34). Người đã từng khóc trước cái chết của bạn thân Ladarô (Ga 11,33.38), đã run sợ trước cái chết (Ga 12,27)và tha thiết nài van Chúa Cha cho mình khỏi chết (Dt 5,7; Lc 22,42). Ngài chấp nhận uống chén đắng (Mc 10,38) và sau cùng, để thực hiện trọn vẹn thánh ý của Chúa Cha, Người đã vâng lời đến chết (Pl 2,6-8). Cái chết của Đức Kitô như hạt lúa mì mục nát trong lòng đất để trổ sinh bông hạt (Ga 12,24-32), trở thành hy tế xá tội (Dt 9) cho tất cả mọi người (2 Cr 5,14). Người cho chúng ta một dấu chứng tình yêu tuyệt vời, đó là: Người đã chết vì chúng ta đang khi chúng ta là tội nhân (Rm 5,6tt;1Tx 5,10). Người không chết thay cho chúng ta nhưng vì lợi ích chúng ta: Người chết vì tội lỗi (1Cr 15,3) để hòa giải chúng ta với Thiên Chúa (Rm 5,10). Người đã chiến thắng Thần Chết bằng sự Phục sinh, như lời Thánh Kinh (1 Cr 15,4) và trở nên Trưởng tử giữa mọi vong nhân (Cl 1,18; Kh 1,5), Thần chết mất hết quyền lực trên Người (Rm 6,9). Người giải thoát con người khỏi Luật của tội và sự chết (Rm 8,2). Sau cùng, khi thời gian viên mãn, Người sẽ phục sinh tất cả để hòan tất chiến thắng của Người hầu khai mạc Trời mới đất mới (Kh 22). Lúc đó Thần chết sẽ bị tiêu diệt mãi mãi (1 Cr 15,26).

  1. Thập giá cứu độ

 hính nhờ mầu nhiệm Thập giá mà Chúa Giêsu đem lại ơn công chính hóa, cứu chuộc và giải thoát, giao hòa và  thánh hóa.

* Công chính hóa.

 Thánh Phaolô đã trình bày giáo thuyết này trong thư Galát (Gl 3), sau đó triển khai sâu sắc trong thư Rôma (Rm 3,21-4,25). Trọng tâm của thơ Galát đó là con người được công chính hóa không do việc giữ luật Môisê và cắt bì, nhưng nhờ đức tin vào Đức Kitô chết và sống lại (3,1-4,31). Việc tuân giữ Luật chỉ làm ta nô lệ cho Luật. Luật mới là Luật Thần Khí, Luật Tin Mừng có sức giải thoát ta khỏi con người xác thịt và làm trổ sinh hoa trái Thần Khí (Gl 5). Sống theo Thần Khí là sống theo, sống với Chúa Kitô, tức để Ngài sống trong ta (Gl 2,20). Giáo thuyết căn bản này sẽ được Phaolô tiếp tục triển khai và đào sâu trong thư Rôma. Nội dung chủ yếu của thơ Rôma, đó là: mọi người được công chính hóa không do việc tuân giữ Luật Môisê, nhưng nhờ đức tin vào Đức Kitô chết và sống lại (3,22). Ơn công chính hóa được ban nhờ Đức Kitô là Ađam mới (5,12-21). Bí tích Rửa tội giải thoát ta khỏi sự thống trị của tội lỗi, ban ơn thánh hóa để ta được làm con Thiên Chúa nhờ Thần Khí (8) và sống đời sống mới do Đức Kitô ban tặng nhờ sự chết và sống lại của Người (12,1-15,33). Điểm chính yếu trong thần học của Phaolô được trình bày ngang qua thơ Rôma, đó là: ân sủng nhưng không của Thiên Chúa ban nhờ sự chết và sống lại của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần chứng thực ta được giải thoát khỏi tội và Luật để sống tinh thần nghĩa tử, được gọi Chúa là Cha (Abba). Thần học về ân sủng nhưng không này sẽ được tiếp nối và bổ sung bởi Tin mừng Gioan về hiệp thông Sự Sống: ân sủng chính là sự hiệp thông sống động của Tình Yêu.

             Nếu đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa, thì sự công chính hóa cũng hòan tòan lệ thuộc vào tác động cứu chuộc của Đức Kitô. Tác động đó biến cải thân phận con người, phá hủy con người củ, kiến tạo con người mới, giải thoát khỏi tội và làm ta nên con cái Thiên Chúa. Tin không chỉ là việc lý trí chấp nhận sứ điệp của Đức Kitô (Rm 10,9-10), nhưng tiên vàn là sự tín nhiệm, tuân phục, dấn thân trọn vẹn cho Đức Kitô.

            Mọi tín hữu được liên kết vào biến cố thập giá của Đức Kitô. Bí tích Thánh tẩy biểu tượng cho sự chết và mai táng vơi Đấng-Chịu-Đóng-đinh, nhờ đó đạt tới sự sống mới nhờ sự Phục sinh của Đức Kitô (Rm 6, 5-11). Cũng như Đức Kitô đã chịu chết, mai táng và đã sống lại nhờ quyền năng của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, người lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy cũng dìm mình trong sự chết để được sống lại như Ngài trong đời sống mới. Tiếp nối tư tưởng trên, 1P nói dân ngọai nhờ Thánh tẩy được trở nên dân tuyển chọn, nghĩa là Bí tích Thánh tẩy sáp nhập họ vào cộng đoàn dân Thiên Chúa. Tin mừng Gioan nói đến Thánh tẩy bởi nước và Thần Khí, nghĩa là tái sinh bởi Trời (Ga 3). Người chịu Thánh tẩy được tái sinh trong đời sống mới, tức được đón nhận trực tiếp sự sống của Thiên Chúa với tư cách là con Thiên Chúa (Ga 1,12). Sách Công Vụ ghi lại diễn từ của Phêrô ngày lễ Ngũ Tuần: sau khi làm chứng Đức Kitô đã chết và sống lại, Phêrô kêu mời hóan cải và chịu thánh tẩy như điều kiện tin và theo Chúa Kitô. Như thế Thánh tẩy đi đôi với hóan cải để được gia nhập và thiết lập cộng đòan Dân Chúa.

* Cứu chuộc và giải thoát

             Phaolô dùng từ cứu chuộc 7 lần trong các ngục thư (so với Tân ước 10 lần). Theo nghĩa thông thường, cứu chuộc là chuộc lại, giải phóng (go’el, ga’al: giải thoát) người hoặc vật đã thuộc quyền sỡ hữu của chủ khác bằng một món tiền tương ứng. Kinh thánh gọi Thiên Chúa là Go’el, Đấng cứu chuộc Israel. Đức Kitô đã giải thoát ta khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi bằng giá máu của Ngài đổ ra trên thập giá. Thiên Chúa đã đặt Ngài làm nơi xá tội nhờ máu của Ngài (Dt 9,5). Trong Cựu ước, ngày Yôm Kippour, người ta tiến dâng con dê làm lễ tạ tội cho dân (Lv 16,11-16), thì nay Đức Kitô tự hiến tế chính mình làm lễ đền tội cho ta để ta trở thành tôi tớ (doulos) của Ngài (1Cr 6,20; 7,23). Đức Kitô vừa là của lễ vừa là người dâng hiến (2Cr 5,21). Ngài là Chiên Vượt qua đích thực (1 Cr 5,7), là Con Chiên sát tế (Kh).

                        Nhờ cái chết thập giá, Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tội và ban cho ta đời sống mới (Rm 6,12-14), đời sống làm con Thiên Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa (Rm 8,29). Đức Giêsu Kitô biến đổi chúng ta nên hình ảnh rạng ngời của Người nhờ tác động của Thần Khí (2 Cr 3,18) và làm cho thân xác yếu hèn của ta nên giống thân xác vinh hiển của Người (Pl 3,20-21).

* Giao hòa.

                        Tội lỗi đặt con người trong tình trạng đối kháng với Thiên Chúa và với anh em. Đức Giêsu đã dùng cái chết thập giá để tha thứ mọi tội lỗi và giao hòa ta với Thiên Chúa (2 Cr 5,18; 5,1-2.10). Thập giá nối chiều dọc và chiều ngang, là nơi gặp gỡ của hai chuyển động giao hòa: với Chúa và với anh em.  Thánh Phaolo khẳng định sứ vụ của ngài là loan báo sự giao hòa (2 Cr 5,18-19), sự giao hòa trải dài trên tòan vũ trụ nhân lọai (Cl 1,19-20).

  1. Đau khổ và hy vọng

          Gặp gỡ Đấng Phục sinh, Phaolô xác tín Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và thập giá Đức Kitô mang ý nghĩa cứu độ. Sự chết đã bị đánh bại, thế nhưng đau khổ với mọi chiều kích vẫn còn đó gây lo âu và bất hạnh cho con người. Làm sao giải thích ?

                         Kinh thánh đã không đưa ra câu giải thích về đau khổ. Gióp đã có lần nghiêng mình trên mầu nhiệm đau khổ và sự chết để chỉ biết đón nhận bằng niềm tin trần trụi. Người Tôi trung của Giavê chấp nhận mang trên mình mọi khổ đau của dân để đền tội thay cho dân (Is 52,13-53,12). Người Do thái tin rằng chỉ đến ngày cánh chung (thời Thiên sai), đau khổ mới chấm dứt. Đức Giêsu, trong đời sứ vụ, đã từng sống nổi đau của nhân lọai và dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện (Dt 5,7).

                        Chiêm ngắm Đấng đã chết và sống lại, Phaolô đặt vấn nạn: nếu sự chết đã bị thập giá đánh bại, liệu đau khổ có biến mất khỏi thế gian ? Ngài xác định rằng niềm tin Đức Giêsu chết và sống lại không lọai bỏ đau khổ, nhưng giúp can đảm chiến đấu để lọai trừ và làm giảm bớt đau khổ. Đau khổ mang chiều kích cứu độ. Nhìn đau khổ trong tương quan với hy vọng. 

  1. Chúa Giêsu và niềm hy vọng của nhân lọai

                       Chúa Giêsu đã được vinh thăng bên hữu Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Giai đọan này, Thánh Thần họat động. Thánh Phaolô quả quyết Đức Giêsu vẫn đang tiếp tục hiện diện và họat động cho đến ngày cùng tận. Trong 1 Cr15,20-28 thánh Phaolô thuyết phục những ai nghi ngờ về sự sống lại cánh chung, đã đề cập đến ba điểm chính yếu: sự sống lại của Đức Kitô là nền tảng, sự sống lại của mọi người và sự chiến thắng cuối cùng. Điều mà Phaolô muốn nhấn mạnh ở đây, đó là vai trò của Đức Kitô vào thời cùng tận, trước khi trao vương quốc lại cho Chúa Cha, Người chiến đấu đến tận cùng để đánh bại kẻ thù cuối cùng là sự chết, và cùng với sự chết là đau khổ. Và như thế, Đức Kitô luôn cùng với chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong cuộc chiến này.

  1. Đức tin chiến thắng

                       Trong cuộc chiến liên lỉ, đức tin sẽ thắng. Đó là điều mà Phaolô xác quyết dựa vào tấm gương của Abraham (Rm 4,17-21). Đức tin dựa vào Chúa có sức giải thoát ta khỏi sự dữ. Dĩ nhiên, Phaolô không đưa ra lời giải thích về đau khổ, nhưng đề ra một thái độ phải có để chiến thắng đau khổ. Trong đau khổ, ta tràn trề niềm hy vọng về vinh quang chờ đợi ở cuối đời (Rm 5,1-2).

  1. Sống hy vọng

                        Phaolô không có ý đưa ra lời giải thích về đau khổ. Điều đó hòan tòan không thể, tốt nhất chấp nhận truyền thống về sự hiện diện của đau khổ: ngôn sứ phải chịu nhiều đau khổ, người công chính phải chịu bách hại, và đem lại cho nó một ý nghĩa. Theo Phaolô, tội lỗi là căn rễ của mọi sự dữ trong thế gian. Thập giá Đức Giêsu đã đánh bại tội lỗi, mang lại cho đau khổ chiều kích cứu độ. Kitô hữu hướng tầm mắt về Đức Giêsu là Đấng vẫn chiến đấu sự dữ đến tận cùng, để sẵn sàng đón nhận đau khổ hầu thông phần với đau khổ của Đức Giêsu và đặt đau khổ trong tương quan với vinh quang đang chờ đợi. Nhận thức đau khổ phát sinh từ tội không phải để chấp nhận định mệnh đau khổ nhưng để sống niềm hy vọng. Đức Giêsu không hề chúc phúc cho đau khổ, nhưng mời gọi kitô hữu cộng tác để chiến đấu chống lại tội lỗi, và như thế chống mọi đau khổ với niềm tín thác vào Đấng có thể giải thoát. Trong cuộc chiến này, tín hữu không đơn độc nhưng luôn hiệp thông với tòan thể vũ trụ đang rên xiết trong đau khổ, nhất là với Đức Kitô, Đấng vẫn chiến đấu đến thời cùng tận và luôn trợ lực và hướng dẫn ta. Thánh Thần soi sáng cho ta biết ý định của Thiên Chúa và hướng ta về vinh quang. Đau khổ làm trào dâng niềm hy vọng và Chúa Thánh Thần làm cho niềm hy vọng này được phong phú. Hy vọng thôi thúc ta sống và hành động trong niềm tin và phó thác. Sách Khải huyền Gioan được coi như Tin mừng về Niềm Hy Vọng ngày khải hòan chiến thắng của những ai trung thành bước theo Con Chiên Sát tế.

  1. PHAOLÔ TRƯỚC SỰ CHẾT CỦA CHÍNH MÌNH
  1. Hai mặt của sự chết
  2. Sự chết đáng yêu (Pl)

                        Trong 1 Tx (50), Phaolô nói đến số phận những người đã chết để trấn an những người đang sống: “Nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những ai đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên, rồi đến chúng ta là những người đang sống, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chứng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi”(1Tx 4,14-17).

                        Trong thư Pl, Phaolô bộc bạch những tâm sự của mình – đang bị cầm tù, nóng lòng về việc loan Tin mừng mà ngài có trách nhiệm, và có những người loan báo Đức Kitô vì ghen tương với ngài tưởng thế sẽ gây khổ sở cho ngài (Pl 1, 17). Thay vì xót xa, Phaolô hướng cái nhìn về Đức Kitô, bày tỏ niềm vui và tạ ơn vì dù sao Tin mừng cũng được rao báo (Pl 1,18). Phaolô luôn vững tin vào Đức Kitô và tâm sự: “ Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi vì được hòan tòan ở với Đức Kitô (Pl 1,22).  Đối với ngài, cái chết đáng yêu vì cho phép được ở với Đức Kitô như lòng hằng mong mỏi. Phaolô giải thích thêm: “Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tột hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn vì anh em”(Pl 1,22-24).

                        1Tx nói Đức Kitô quang lâm ngự đến trên không trung, những kẻ đã chết sống lại và cùng với những người đang sống đi nghênh đón Ngài và được ở cùng Ngài mãi mãi (syn Christoi). Ở đây, chết là một biến đổi (x. Pl 3,20-21) để được ở với Đức Kitô (en Christoi). Như thế, ta nhận thấy có một bước tiến trong tư tưởng của Phaolô so về sự chết: sự chết đáng yêu vì được ở với Đức Kitô.   

  1. Sự chết đáng sợ (2Cr)

                       Lúc ấy, Phaolô đang gặp thất bại trước những người Do thái quá khích và buồn sầu trước sự sa sút của các tín hữu Corinthô. Ngài viết thư 2Cr. Tư tưởng của Phaolô về sự chết lúc này khá bi quan. Nếu trong Rm 6, Phaolô trình bày Mầu nhiệm Vượt qua: được thanh tẩy trong cái chết và sự Phục sinh của Đức Kitô, tín hữu chết đi cho tội lỗi và sống sự sống mới của Chúa, thì trong 2 Cr, Phaolô không nói chết để được sống mà lại ngắm nhìn sự chết đến với tất cả những khổ đau nó đem đến: “Chúng tôi phải chịu đứng quá mức, quá sức chúng tôi, đến nỗi chúng tôi không còn hy vọng sống nổi”.

  1. Tin tưởng vào Đức Kitô đang hành động

                        Trước những nổi đau ấy, Phaolô chỉ còn biết áp dụng cho chính mình những gì mà ngài đã từng nói về Abraham: như Abraham, phải “tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, trổi dậy từ trong kẻ chết”(Rm 4,24): “Chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân, để chúng tôi không còn tin tưởng vào chính mình mà vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ chết sống lại “(2 Cr 1,9-10).

                        Trong 2Cr 4,16 – 5,10, ta nhận ra thái độ của Phaolô trước sự chết đe dọa. Sau khi long trọng công bố ngài được vinh dự trao phó sứ vụ tông đồ, như một kho tàng vinh quang, ngài cũng ý thức mình chỉ là con người nghèo hèn yếu đuối: “Kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi”(2 Cr 4,7). Ngài khẳng định phải luôn tin tưởng Chúa luôn hiện diện và họat động qua các thừa tác của Người (x. 2Cr1,21; 2,14; 3,18; 4,6). Ngài bộc lộ những khổ đau phải chịu vì Đức Kitô, nhưng hòan tòan đặt niềm tin tưởng nơi Đức Kitô, Đấng hành động nơi người tông đồ và thông ban cho ngài sức sống của Ngài.  Vinh quang hành động ngang qua sự khiêm hèn hầu mang lại chiến thắng trên sự chết: “Đấng làm cho ĐK sống lại cũng làm cho chúng tôi sốnong&i với ĐG và đặt chúng tôi bên Ngài (2 Cr 4,13-15). Hãy lắng nghe những tâm sự sau đây của Phaolô: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi”(2 Cr 4,8-11)”. Chính do sự chết của người tông đồ mà phát sinh sự sống cho các tín hữu: “Sự chết họat động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại họat động nơi anh em” (2Cr 4, 12). Chính vì thế, người tông đồ luôn can đảm đối diện với sự chết và đặt trọn niềm tin tưởng vào Đức Kitô, vì “khi mang trong mình cuộc thương khó của Đức Kitô, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân xác của chúng tôi”.

  1. Hy vọng được ở với Đức Kitô.

                        Đối diện với sự chết, Phaolô bày tỏ niềm hy vọng sâu sắc, đó là khi nhà trần gian bị hủy diệt là ta đi vào nhà trên trời. Ngài nói: “Ngôi nhà của chúng ta dưới đất là chiếc lều này bị phá hủy thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, ngôi nhà vĩnh cửu trên trời không do tay người thế làm ra (2 Cr 5,1-5). Ngôi nhà đó là gì ? Vinh phúc trên trời, thân thể vinh quang, Thiên đàng ? Cha A. Feuillet lưu ý: theo mạch văn, ngôi nhà này không do tay người làm ra – gợi lại lời Chúa Giêsu nói về Đền thờ- có nghĩa là ngôi nhà này đến từ Thiên Chúa; và đó không là gì khác ngòai chính con người Đức Giêsu. Thánh Phaolô không có ý nói chúng ta sẽ có một thân thể vinh quang, nhưng đang có bây giờ một ngôi nhà vĩnh cửu. Điều đó có nghĩa là thân thể vinh quang của Đức Kitô đang hiện diện trên trời.  Điều này gợi lại cho ta sự xác tín của Phaolô về hai Ađam trong 1 Cr 15,45-49. Cũng như có hai Ađam, một Ađam từ bụi đất mà ra và một từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến. Và như thế, có hai chổ ở. Đức Kitô vinh hiển là nơi cư ngụ trên trời của chúng ta.

                        Trong thư Pl, thánh Phaolô nói Thiên Chúa sẽ biến đổi thân xác hay chết của chúng ta nên giống thân thể sáng láng của Đức Giêsu. Do đó, Khi chết cũng chính là lúc được ở với Đức Kitô. Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cả một khối vinh quang vô tận (2Cr 4,16-18).

                        Tất cả những điều này nói lên niềm hy vọng sâu sa của thánh Phaolô đứng trước sự chết đáng sợ đang mời chào: Qua cái chết, chúng ta sẽ được ở bên Thiên Chúa, ở cùng Đức Kitô vinh hiển; và như thế, niềm ước vọng sâu thẳm của chúng ta được thành tựu: “Vậy, chúng tôi luôn mạnh dạn vì biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, …và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa”(2 Cr 5,6-8; x. Pl 1,22).

  1. Chịu đóng đinh với Đức Kitô

                        Đức Giêsu đã từng mời gọi các môn đệ: “ Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25). Thánh Phaolô đã thực hiện đến cùng lời mời gọi này. Ngài đưa vào thực tế đời mình lý thuyết “lời thập giá”.

                       Mầu nhiệm Đức Kitô chết và sống lại được diễn tả trong lời thập giá và trong việc thực hành thánh tẩy. Thập giá mang đến sự giao hòa với Thiên Chúa, bí tích Thánh tẩy đưa tín hữu vào mầu nhiệm vượt qua và làm nó nên tạo thành mới. Đước chết trong Đức Kitô và được sống lại, người tín hữu dấn thân vào tiến trình đời sống mới. Thánh Phaolô quả quyết: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào Thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19-20”. “Những ai thuộc về Đức Kitô, thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê”(Gl 5,24).

  1. Hoa trái Thần khí (Gl 5, 16-24)

                        Thánh Phaolô trình bày một đối kháng giữa thần khí và xác thịt. Xác thịt thì ước muốn điều trái ngược với Thần khí. Xác thịt làm phát sinh những hoa trái xác thịt; còn hoa quả của Thần khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhịn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 16-23). Theo Phaolô, xác thịt là thừa kế của tội, trong khi Thần khí mang lại tất cả những gì là tốt đẹp. Chiến đấu với xác thịt không là gì khác ngòai chống lại sự tội, tức chống lại sự chết là hậu quả của tội. Kitô hữu thực hiện cuộc chiến này, vì lẽ Đức Kitô đã mang lấy xác thịt và biến thành tội lỗi vì chúng ta”(2 Cr 5,21), Người đã mang lấy thân phận tội lỗi (Pl 2,6; Rm 8,3) và Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình” (Rm 8,3) để ta được nên công chính trong Người (2 Cr 5,21; Rm 8,4). Tín hữu đóng đinh xác thịt vào Thập giá Đức Kitô và được đảm bảo cuộc chiến thắng vào ngày Quang lâm (x. Cl 3,1-4).

  1. Từ sự chết đến sự sống

                       Thái độ sống của Phaolô cho thấy mầu nhiệm sự sống triển nở ngang qua cái chết. Ngài viết: “ Tôi coi tất cả, mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác để được Đức Kitô và được kết hợp với Người…Vấn đề là biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cỏi chết”(Pl 3,8-10).

                        Phaolô coi cuộc đời như một thao dợt và học tập cách chết, vì nghĩ rằng một khi cùng chịu đau khổ với Người thì cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người “(Rm 8,17). Cuộc sống của Phaolô vì thế luôn là một cảm nghiệm sống thường xuyên về đau khổ. Ngài tuyên bố tuy sống nhưng hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giêsu (2Cr 4,11). Con người được nhận lãnh những hồng ân phi thường vẫn phải chịu một cái dằm trong thân xác để khỏi tự cao tự đại (2Cr 12,7). Ngài tâm sự: “ Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, họan nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh “ (2 Cr 12,10). Ta hãy lắng nghe lời tâm sự sau đây: “Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm tông đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và lòai người. Chúng tôi điên dại vì Đức Kitô…chúng tôi yếu đuối…chúng tôi bị khinh khi. Cho đến giờ này, chúng tôi phải chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang; chúng tôi phải vất vả làm lụng. Bị nguyền rủa.. bị bắt bớ…chúng tôi nên như rác rưởi của thế gian, như đồ phế thải đối với mọi người”(1 Cr 4,9-13). Ngài sẵn sàng đón nhận tất cả vì nhận thức sâu sắc rằng trong mọi đau khổ phải chịu ấy, Ngài thật sự cộng tác vào sự cứu độ của Đức Kitô.

                        Thánh Phaolô viết: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi ”(2 Cr 4,10), như thể muốn nói Đức Giêsu đã và nay vẫn tiếp tục chết ngang qua các môn đệ của Người. Sự chết vẫn đang họat động trong các tông đồ để sự sống được chuyển tới các tín hữu. Không phải là một thay thế, nhưng là một chuyển dời từ sự chết đến sự sống. Sự chết của Đức Kitô vẫn đang họat động cách huyền nhiệm để đản sinh sự sống trong Giáo hội của Người. Ngài nói: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội thánh”(Cl 1,24).

                         Gian nan thử thách (tribulations: thlipseis) gợi lại những thử thách mà Israel đã trải qua,  đặc biệt nơi Ai cập (Xh 4,31) và thời lưu đày (Đnl 4,29). Từ này được dùng để nói lên những gian nan thử thách, nhất là những bách hại do đức tin mà các Tông đồ phải chịu. Thánh Phaolô đồng hóa những đau khổ của ngài với những gian nan thử thách mà Đức Kitô đã chịu trong suốt thời gian sứ vụ, đưa đến cái chết thập giá. Thánh Phaolô nói những gian truân của Đức Kitô còn thiếu, ngài xin mang vào thân cho đủ mức (antanaplèroô: remplir, compléter, combler). J. Kremer giải thích: Đức Kitô Phục sinh đang luôn hiện diện và họat động trong lịch sử cho đến ngày Quang lâm qua Giáo hội nơi những họat động của các Tông đồ. Điều này không diễn ra trước đó vì Đức Giêsu Nadarét bị giới hạn bởi thân xác và các định luật không và thời gian. Nhưng từ nay, Người tỏ mình  ngang qua họat động và những gian truân của các môn đệ. Vì thế, thánh Phaolô cho rằng những đau khổ ngài chịu như bổ khuyết vào điều còn thiếu nơi những gian truân thử thách của Đức Giêsu; và ngài quả quyết mọi đau khổ truân chiên được đón nhận vì và cho Hội thánh, cũng như Đức Giêsu đã chịu mọi đau khổ để thiết lập và xây dựng Hội thánh là thân mình của Người.

  Lm GB Hoàng Văn Khanh

37. Những Tương Đồng Lạ Lùng

 LỄ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Giáo hội mừng kính hai Thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con người khác 29/6-90

Giáo hội mừng kính hai Thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng có rất nhiều cái chung.Cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô. Cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô. Cùng chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó. Và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Thánh Tông Đồ được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6.

    Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha. Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

  1. Hai tên gọi cùng được đổi mới.

Theo cách dùngThánh Kinh, tên không những chỉ là danh xưng dùng để gọi một người mà còn là hiện thân của một người (x.Từ điển Công Giáo phổ thông).Tên gọi nói lên một sứ mạng. Tên mới biểu tượng một thân phận mới một bản chất mới. Ađam đặt tên cho mọi giống vật và đặt tên cho vợ: “Ngươi sẽ gọi tên vợ là Eva, vì bà là mẹ của chúng sinh” (St 3,20). Abram được đổi tên để nhận lấy một sứ mạng cao cả: “Tên ngươi không còn là Abram nữa, mà là Abraham…Sarai, vợ ngươi, sẽ không còn là Sarai nữa. Song tên nó là Sara. Bởi Sara, ngươi có một người con trai, ngươi sẽ đặt tên cho nó là Isaac” (St 17,5-20). Tổ phụ Giacop được đổi tên là Israel: “Người đó hỏi ông: “Tên ngươi là gì? ” Ông đáp: “Tên tôi là Giacop.” Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacop nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” (St 32,28-29).Theo lời Sứ thần Gabriel, Đức Maria đặt tên cho con là Giêsu. Ông Giacaria đặt tên cho con trai là Gioan.

Khi Anrê dẫn em trai là Simon đến gặp Chúa Giêsu, Người nhìn Simon và nói: “Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (tức là Phêrô) (Ga 1,42). Chúa xây dựng Giáo Hội trên Đá Tảng Phêrô: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18). Chúa còn trao chìa khoá Nước trời cho Phêrô.

Saolô là một biệt phái nhiệt thành. Trên đường đến Đamát, thình linh một luồng sáng từ trời bao tỏa lấy Saolô. Ông ngã xuống đất và nghe một giọng nói với ông: “Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Saolô hỏi: “Ngài là ai?” Và có tiếng trả lời “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9,1-5). Saolô đã bị mù lòa. Ông làm những gì được chỉ bảo. Ba ngày sau, ông Annanias đến, đặt tay trên Saolô và ngay lập tức có cái vảy bong ra khỏi mắt và ông được sáng. Ông đứng dậy và chịu phép rửa (Cv 9,6-18). Từ đó, Chúa Giêsu biến đổi Saolô thành một Tông đồ dân ngoại. Kể từ chương 13 sách CVTĐ, Saolô có tên mới là Phaolô.

Đặt tên cho một người là định hướng cuộc đời người ấy theo tên gọi. Từ đó có một chương trình trong sự quan tâm trìu mến của người đặt tên. Tên Giêsu là sứ mạng của Người (Mt 1,21) nghĩa là cứu độ (Cv 14,3), cứu thoát (Cv 4,12), đem lại sự sống siêu nhiên cách viên mãn (Col 3,17). Ai cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu, theo ý hướng của Người sẽ luôn luôn được nhận lời (Ga 15,16); Ai kêu cầu tên Người sẽ được cứu thoát (Rm 10,13); Những ai tin vào tên Người sẽ làm nên Hội Thánh (1 Cor 1,2) và từ đó được gọi là Kitô hữu (Cv 11,26). Simon và Saolô đón nhận tên gọi mới là Phêrô và Phaolô với sứ vụ cao cả là đá tảng và là cột trụ của Giáo Hội.

  1. Hai khuôn mặt cùng một niềm tin

Có nhiều dư luận nói về Chúa Giêsu. Người hỏi các môn đệ: “Các con bảo Thầy là ai?”. Simon Phêrô nhanh nhẹn đáp:”Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Chúa Giêsu rất hài lòng về câu trả lời của Phêrô. Người nói với Phêrô:”Này anh Simon, con ông Gioan, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”( Mt 16,17 ). Phêrô tuyên xưng niềm tin. Chúa Giêsu đặt thánh Phêrô làm đầu Giáo Hội ( Mt 16,18 ).

 Từ khi nhận phép rửa, Phaolô đã mạnh dạn rao giảng về Chúa Kitô khiến nhiều người Do Thái ngạc nhiên tự hỏi:” Ông này chẳng phải là người ở Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao ? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?”( Cv 9, 21 ). Phaolô đã làm bẽ mặt những người Do Thái ở Đamát, khi minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia ( Cv 9, 22). Phaolô đã được các tông đồ tin tưởng nhờ đó ngài và các tông đồ đi lại hoạt động tại Giêrusalem. Phaolô mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa Giêsu Kitô ( Cv 9, 28 ).

 Phêrô tuyên xưng đức tin. Trên đá tảng Phêrô, đức tin được xây dựng. Phaolô làm sáng tỏ đức tin. Vị tông đồ dân ngoại hăng hái đem đức tin gieo trồng khắp mọi nơi. Hai khía cạnh của đức tin luôn sống động trong Giáo Hội, sứ mạng củng cố đức tin, xây dựng nội bộ và sứ mạng truyền giáo, đem đức tin đến với muôn dân.

  1. Hai tính cách cùng một lòng mến

Thánh Phêrô, tính tình nóng nảy, bộc trực và đôi lúc hơi liều lĩnh. Nói về ông người ta không thể không nhắc đến cái vết thật đen trong cuộc đời của ông. Đó là lần ông đã chối Chúa. Alain một nhà tư tưởng lớn của Pháp đã viết những lời như thế thật chua cay về cái biến cố này: “Tôi hình dung ra ông ta đang ở trên Thiên đàng, đầu đội triều thiên hào quang sáng chói nhưng mỗi khi nhớ đến ‘dzụ’ ấy, chắc ông còn phải đỏ mặt”. Lý do, ông viết tiếp: “Tông đồ Phêrô trong hoàn cảnh lúc đó đã lẩn trốn như thỏ hay như chuột”. Lời nhận định hơi chua chát một chút nhưng nó cho chúng ta thấy tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Vì Phêrô là Thủ lãnh các tông đồ, thủ lãnh nhóm 12 và nhất là trước đó Chúa đã cảnh cáo ông.

Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài. Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa. Thánh Phêrô có lòng quảng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì Phêrô cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

Saolô là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái – Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Saolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và trên đường Đamát truy lùng các Kitô hữu. Được ơn trở lại, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Khi đã biết Chúa Kitô thì “ những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu”( Pl 3,7-9). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân. Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2cor 4,8-9).Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ,đói khát,trần truồng,nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ ( Rm 8,35-39).

Hai vị Thánh Tông Đồ có chung một lòng mến, một niềm tin và một khát khao nên thánh.Cả hai vị đều có những lầm lỗi và yếu đuối. Và cả hai đều hối hận, đều yêu mến Chúa thật tình. Chúa đã gọi và chọn hai vị làm Tông Đồ. Nhân danh và nhờ quyền năng Chúa Giêsu Kitô, hai vị đã làm được nhiều phép lạ.

Phêrô cùng với Gioan chữa lành một người què từ lúc lọt lòng mẹ vẫn ngồi ăn xin ở Cửa Đẹp Đền Thờ ( x. Cv 3, 7 – 9 ); Phêrô làm cho người chết sống lại ( x. Cv 9, 40 – 42 ); Phêrô chữa nhiều người đau ốm bệnh hoạn mà dân chúng khiêng họ ra tận đường phố để khi Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông phủ lên một bệnh nhân nào đó, và tất cả đã được chữa lành ( x. Cv 5, 15 – 16 )…

Phaolô đã chữa lành một người bẩm sinh bị bại chân tại Lítra ( x. Cv 14, 8 – 10 ). Phaolô cũng làm cho một người đã chết sống lại ( x. Cv 20, 9 – 12 ). Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết Phêrô bị bắt giam trong ngục, đã được Chúa sai thiên sứ đến cứu thoát khỏi tay vua Hêrôđê ( x. Cv 12, 1–11). Cả hai vị được đầy quyền năng và vinh quang trước mặt người đời.

Cuối cùng hai vị cũng bị bắt và chịu chết vì Danh Đức Giêsu Kitô. Cả hai vị đã bằng lòng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh. Hai vị đã trở nên trụ cột của Giáo Hội. Phêrô là Anh Cả, đứng đầu Tông Đồ Đoàn. Phaolô là Tông Đồ Dân Ngoại. Hai vị có tính tình khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, khả năng làm việc khác nhau, nhưng lại cùng hoạt động, cùng xây dựng Nước Chúa. Những khác biệt của hai vị là để bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến trong sứ vụ Tông đồ. Trên “tảng đá Phêrô” và “cột trụ Phaolô”, Giáo Hội Chúa Kitô bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.  “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

38. Lễ Thánh Phêrô & Phaolô Tông Đồ

(Mt 16, 13-19)

CHUNG BẦU NHIỆT HUYẾT

Tháng sáu, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, có nhiều lễ trọng trong tháng sáu, hôm nay, ngày cuối 29/6-91

Thưa quý vị, thưa các bạn,

Tháng sáu, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, có nhiều lễ trọng trong tháng sáu, hôm nay, ngày cuối cùng của tháng sáu, cũng là ngày bế mạc tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu, được Giáo Hội mừng kính trọng thể hai thánh Tông Đồ PHÊRÔ & PHAOLÔ. Có nhiều từ ngữ dùng để tôn kính nhị vị Tông Đồ cả của Giáo Hội. Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười. Cũng có thể mượn hình ảnh thi ca Việt Nam trong truyện Kiều của Nguyễn Du là nhị vị tông đồ giống như hai nhân vật: “mười phân vẹn mười”. Nhưng, điểm nổi bật cũng là điểm chung của nhị vị, đó là: “CHUNG BẦU NHIỆT HUYẾT”.

Tin Mừng Chúa Nhật XIII hôm nay, (Mt 16, 13-19), chỉ trình thuật về thánh Phê-rô, vị tông đồ Trưởng, vì vậy, tựa đề phần chia sẻ hôm nay cũng có thể gọi: “GƯƠNG THÁNH PHÊRÔ”. Bởi vì, cho dù thánh Phêrô có mang tội “chối Thầy”, thì lời tuyên xưng của thánh Phêrô hôm nay cũng rất đáng muôn đời noi theo, một lời “tuyên xưng đức tin“ tuyệt vời.

Theo đó, ý nghĩa Lời Chúa hôm nay gồm ba phần:

1/ Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu (c 16)

2/ Chúa Giêsu chúc phúc cho thánh Phêrô (c 17)

3/ Chúa Giêsu trao quyền thiết lập Hội Thánh cho thánh Phêrô (c 18 -19)

Vâng, ai đọc Thánh Kinh Tân Ứơc cũng đều biết câu chuyện trên. Ý nghĩa đã rõ ràng, không cần phân tích gì thêm, cũng hiểu rõ về thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng. Nhưng con chỉ xin chia sẻ thêm về ba ý nêu trên là: Trong bối cảnh ấy, trong lúc mà Chúa Giêsu đang đi rao giảng, thì dân chúng cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, vì sự giảng dạy của Người. Sự thông thái, uyên bác, nhưng sự thông thái, uyên bác đó không giống như các kinh sư Dothai, nên chi rất có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng làm sao, Phêrô, một anh thuyền chài mà lại nhận ra sự mầu nhiệm như vậy. Và, cũng tính tình ấy, ngay thẳng, bộc trực, anh đã tuyên xưng Thầy mình là: “ĐỨC KITÔ” Con Thiên Chúa Hằng Sống. Qủa thật, đáng kinh ngạc, ngay cả Chúa Giêsu cũng thấy “giật mình”. Nhưng với Thiên Tính, Người đã không quở trách anh, mà lại khen anh. Khen anh một cách chân thật rằng: Điều anh nói không phải do bởi anh, mà do bởi Chúa Cha đã mặc khải cho anh. Như vậy, há không diễm phúc sao? Há, không phải tuyệt vời sao? Vì, chính Chúa Cha đã ban cho thánh Phêrô, một con người thấp kém, ít học, được thanm dự vào “mầu nhiệm cứu độ” nhân loại sao? Tại sao vậy? Thưa quý vị, thưa vì “bầu nhiệt huyết”, vâng, bầu nhiệt huyết của Phêrô lạ lùng đến mức cảm động đất trời. Vâng, chỉ có thế thôi! Đối với phàm nhân chỉ có thế thôi! Vâng, đó là bài học về thánh Phêrô, hấp tấp, nóng nảy, vội vàng, nhưng là một “bầu nhiệt huyết“. Từ đó, Chúa Cha đã mặc khải và chọn Phêrô. Như vậy, chúng ta thấy, để trở nên như Phêrô không phải là chuyện đơn giản, mà là chính Thiên Chúa chọn. Vâng, Thiên Chúa thật diệu kỳ, thật tuyệt vời, khi muốn chọn những con người mà có thể nói có nhiều thiếu sót. Nhưng, chỉ có tấm lòng, vâng, Thiên Chúa chọn “tấm lòng”, vì Thiên Chúa chỉ có “TẤM LÒNG”, đó là tình yêu. Vâng, “BẦU NHIỆT HUYẾT” của thánh Phêrô là như thế! Cũng bầu nhiệt huyết ấy mà có lần, Phêrô bị Chúa Giêsu quở trách, vì dám cản trở công cuộc cứu chuộc của Người, đó là hành trình lên Giêrusalem, và sau khi chối Thầy ba lần, cũng bầu nhiệt huyết ấy, mà anh đã ăn năn khóc lóc đến chảy máu mắt. Rồi cũng bầu nhiệt huyết ấy, anh đã yêu mến Thầy mình, và để chứng minh tình yêu “bất trung“ mà anh xin chịu treo ngược trên thập giá, vì biết không xứng với Thầy mình, một cử chỉ khiêm nhường, một hành động tha thiết đối với “CON THIÊN CHÚA” bởi bầu nhiệt huyết đã làm nên một vị đại thánh của giáo hội công giáo.

BẦU NHIỆT HUYẾT thứ hai đó là thánh PHAOLÔ, được mệnh danh là TÔNG ĐỒ DÂN NGOẠI. Ngược lại với thánh Phêrô, thánh Phaolô là một học giả Dothai lỗi lạc, không phải là môn đồ trực tiếp của Chúa Giêsu, vì vậy là người bách hại khét tiếng Đạo Thánh. Một con người tràn đầy nhiệt huyết cho Cựu Ứớc, nhưng sau đó, được chính Đức Kitô mặc khải và thâu nhận môn đệ. Bầu nhiệt huyết nầy được Chúa sử dụng một cách hiệu quả phi thường. Ngày nay, chúng ta là dân ngoại được thừa hưởng ân đức siêu việt của ngài qua các thánh thư và những tác phẩm bất hủ về Đức Kitô, một chứng nhân can đảm và phi thường về ơn gọi dấn thân cho Tin Mừng của Chúa Cứu Thế.  Thánh Phaolô không được phúc viết sách Phúc Âm, nhưng ngài là một chứng nhân anh dũng trong sự rao giảng Tin Mừng của Chúa Cứu Thế. Thánh Phaolô là một công cụ tuyệt hảo do dân ngoại trong công cuộc rao giảng Tin Mừng cứu độ cách hoàn hảo. Vâng, chính là nhờ ”BẦU NHIỆT HUYẾT“ của ngài trong Đức Kitô.

Kết luận: Hai Cột Trụ, Hai Vì Sao Sáng, Hai Tông Đồ Cả, Hai Cuộc Đời Một Lý Tưởng, đi chăng nữa, cũng chính là có “CHUNG BẦU NHIỆT HUYẾT” nơi Đức Kitô. Như vậy, tại sao nơi những phàm nhân ấy, lại có những phẩm chất cao trọng đến thế, là do bởi đâu? Há chẳng phải là do bởi hấp thụ Đức Kitô, Thầy của họ cũng là Thầy của chúng ta, một “CON TIM“ từ Thiên Chúa sao? Mà như danh ngôn nói: “Gần Đèn thì sáng“.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Cha đã ban Con Một của Cha là Đấng Cứu thế Giêsu- Kitô cho nhân loại, để chịu khổ nạn và Phục Sinh, hầu thiết lập một Hy Lễ Cứu Độ nhân loại. Trong hành trình cứu chuộc ấy, Cha đã ban cho chúng con hai vị tông đồ khả kính là Phêrô & Phaolô, để hợp tác với Đức Kitô trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, xin Cha ban cho Hội Thánh Đức Kitô còn ở trần gian được vững mạnh và tiến bước trong đức tin, nhờ công nghiệp Đức Kitô và nhị vị tông đồ Phêrô & Phaolô. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con./. Amen.

29/06/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

39. Của Tình Yêu Và Lòng MếnTông Đồ

(Ga 21, 15-19)

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng ta về với hai khuôn mặt vĩ đại của tình yêu và lòng mến là Phêrô 29/6-92

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng ta về với hai khuôn mặt vĩ đại của tình yêu và lòng mến là Phêrô và Phaolô.

Phêrô, vị Tông Đồ của lòng mến

Mỗi lần đọc đoạn Tin Mừng (Ga 21, 15-19) với ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Hai lần ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Lần thứ ba ông thưa: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”, không khỏi làm chúng tuôn trào xúc động trước tình yêu Chúa dành cho ông và lòng mến ông đáp lại Chúa, khiến Chúa Giêsu bảo ông ba lần: “Hãy chăm sóc chiên con… chiên mẹ… của Thầy” (x. Ga 21.15.16.17).

Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã ngăn cản lòng trung thành bảo vệ Phêrô nên nói: “Hãy sỏ gươm vào bao, kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Ga 18,11). Không lâu sau đó Phêrô đã chối Thầy vào lúc đỉnh cao của cuộc khổ: “Tôi chẳng biết người ấy là ai !” (x. Ga 18.17.25.27). Tuy nhiên, với giọt nước mắt đầy lòng thống hối ăn năn chảy thành rãnh trên gò má, nhất là Phêrô vẫn yêu mến Thầy. Nếu Gioan người bạn của ông đã nghe được lời ông chối: “Tôi chẳng biết người ấy là ai!” Thì Gioan cũng nghe được lời tuyên xưng đầy tình yêu và lòng mến của Phêrô với Thầy đến ba lần: “Thầy biết con yêu mến Thầy”, như để sửa lại ba lần chối Thầy trong cuộc khổ nạn, mà cho đến giờ này Phêrô vẫn còn cảm thấy lòng mình cháy bỏng vết thương đã gây ra cho Thầy trong đêm ông phản bội. Tình yêu của Chúa Giêsu đã đủ cho Phêrô. Ông không được chiều theo cơn cám dỗ tò mò, ghen tị, như khi nhìn thấy Gioan đứng gần ông, ông đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, còn anh này thì sao?” (Ga 21, 21). Nhưng Chúa Giêsu, trước những cám dỗ ấy đã trả lời Phêrô: “Việc gì đến con? Phần con, hãy theo Thầy!” (Ga 21, 22).

Phaolô, vị Tông Đồ của tình yêu

Phaolô, vị thánh mệnh danh là bị tình yêu Đức Kitô thúc bách (x. 2 Cr 5,15). Trước khi gặp Chúa Giêsu Phục Sinh, vì lòng nhiệt thành với Đạo Do Thái, ông đã bắt bớ những người theo Chúa Giêsu (x.Cv 8,3-9,2), cố tình tiêu diệt Hội Thánh ngay từ lúc phôi thai, làm cho Khanania khiếp sợ (x.Cv 9,13-14). Được Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi, ông gắn bó với Người bằng tình yêu không thể chia lìa, ông nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ?” (Rm 8,35).  Đức Kitô đã trở nên “người yêu” và “người tình” của Phaolô. Đức Kitô không ngừng ám ảnh ông, đến độ Phaolô phải thốt lên: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Ga 2, 20).

Giáo hội của Chúa là thánh, nhưng thành phần của Giáo hội là những tội nhân. Các Tông Đồ là những người có sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Giêsu đều là những tội nhân, những tội nhân đã được thánh hóa, chính Chúa Giêsu là Đấng thánh hóa Giáo hội của Người.

Tình yêu và Lòng mến là nền tảngcủa sứ vụ

Như vậy, Tình Yêu của Thiên Chúa nhập thể, khi mặc lấy xác phàm, biểu lộ quyền năng và sức mạnh vô biên của Thiên Chúa trong sự yếu đuối, mỏng giòn của con người. Chính vì sự yếu đuối nghèo hèn của Phêrô mà Chúa Giêsu trao Giáo hội của mình cho ông. Chính sự nhiệt thành đầy kiều hãnh của Phaolô, mà Chúa đặt ông làm Tông đồ dân ngoại, để cùng với Phêrô thể hiện sự tràn đầy của Chúa Giêsu Tình Yêu. Cả hai đã đón nhận tình yêu của Chúa Giêsu và để cho mình được tình yêu Chúa biến đổi.

Thiên Chúa là Thánh ở giữa chúng ta, đã thông ban tình yêu cho hết mọi chi thể trong thân thể Ngài. Giáo hội, thánh thiện và tinh tuyền, nhận lãnh Tình Yêu của Thiên Chúa, được Tình Yêu biến đổi. Mầu nhiệm của tình yêu chỉ có thể được đón nhận bằng tình yêu, Giáo hội là mẹ, hiền thê yêu dấu duy nhất của Chúa Giêsu, nhưng gồm các tội nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: “Làm thế nào Giáo hội có thể là thánh thiện khi những thành viên của mình là những người tội lỗi?” Ngài khẳng định: “Chúng ta tất cả đều là những người tội lỗi. Tuy nhiên, Giáo hội là thánh! Chúng ta là những người tội lỗi, nhưng Giáo hội là thánh. Giáo hội là hiền thê của Chúa Giêsu Kitô, và Người yêu thương hiền thê của mình, Người thánh hoá Giáo hội mỗi ngày với hy tế Thánh Thể bởi vì Người yêu thương Giáo hội hết mực và chúng ta tuy là những tội nhân, nhưng chúng ta ở trong một Giáo hội thánh thiện, và chúng ta cũng được thánh hóa. Mẹ Giáo hội thánh hóa chúng ta, với lòng từ ái, với các bí tích của Phu Quân mình.” ( Trích Bài giảng tại nhà nguyện Matta 09/5/2016).

Nếu hôm nay Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta cùng một câu hỏi như Chúa hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” Chúng ta trả lời Chúa ra làm sao? Chúng ta yêu mến Chúa thế nào ? Phêrô chỉ cách cho chúng ta: tin tưởng vào Chúa, Ðấng “biết mọi sự” nơi chúng ta, Ðấng tin nơi chúng ta không phải vì chúng ta có khả năng trung thành, nhưng vì lòng trung thành vững chắc của Chúa. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Chúa không thể chối bỏ chính mình (x. Tm 2,13). Thiên Chúa luôn trung tín. Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy yêu mến Chúa và Giáo hội hết lòng và làm tất cả vì Chúa: “Dù anh em ăn, uống, hoặc làm bất cứ việc gì, hãy làm tất cả vì vinh danh Thiên Chúa” (1Cr 10,31).

Kính lạy hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, chứng nhân của tình yêu và lòng mến, xin cầu cùng Chúa cho chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự và trong mọi người. Amen.

 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

40. Phêrô, con có yêu mến Thầy không?

(Ga 21, 15-19)

Tất cả chương trình của Thiên Chúa được mạc khải rõ ràng nhờ biến cố Phục Sinh. Sự hoán cải của Phêrô 29/6-93

Tất cả chương trình của Thiên Chúa được mạc khải rõ ràng nhờ biến cố Phục Sinh. Sự hoán cải của Phêrô tùy thuộc vào câu hỏi duy nhất này: “Con có yêu mếnThầy không?” Có thể nói, tình yêu là nền tảng cho sứ vụ tông đồ.

Tình yêu vô biên của Thiên Chúa

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đã yêu con người bằng tình yêu vô bờ bến, không gì có thể lay chuyển được: “Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa, thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi!” (Is 49,15). Tình yêu giữa Thiên Chúa với con người được đóng ấn bằng giao ước tình yêu, không gì có thể phá bỏ được: “Vì núi non có thể đổi dời, gò nỗng có thể xê đi, còn tình nhân nghĩa Ta với ngươi sẽ không đổi dời, và hòa ước của Ta sẽ không hề xê dịch” (Is 54, 10).

Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô khẳng định: “Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù là hiện tại hay tương lai, hay quyền năng, dù là chiều cao hay chiều sâu, hay bất cứ tạo vật nào khác, không gì sẽ có thể tách chúng ta ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Ðức Kitô Yêsu Chúa chúng ta!” (Rm. 8, 38-39). Chúng ta thật an tâm khi tin cậy vào Chúa.

Nhưng chúng ta tự hỏi: Ta đã yêu mến Thiên Chúa như thế nào? Điều răn thứ nhất Thiên Chúa đã chẳng truyền: “Người hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn ngươi” đó sao? (Mt 22, 36 và Lc 12, 27). Chúng ta hãy nghe vị thầy thiêng liêng là thánh Bernard Clervaux nói: “Anh em có muốn tôi nói cho anh em biết tại sao anh em phải yêu mến Chúa và yêu như thế nào không ? Thưa: lý do để chúng ta yêu mến Chúa là vì chính Chúa là tình yêu, và tình yêu của Ngài là không biên giới”.

Theo Chúa Giêsu là yêu thương và phục vụ

Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô trách nhiệm trông chăm sóc đoàn chiên Chúa không phải vì tài cán của Phêrô, nhưng vì ông đã tuyên xưng tình yêu của ông vào chính Chúa. Yêu mến và yêu mến. Gioan là vị thánh sử của tình yêu đã khai thác hai động từ về tình yêu: Một là yêu với tình nhân loại đầy tình cảm. Thánh Osty gọi là “lòng trắc ẩn”, còn Segond thì coi đây là “tình bạn”. Hai là yêu như Chúa yêu, yêu với “cả tấm lòng”, yêu vô điều kiện. Chúa Giêsu đòi Phêrô yêu Chúa với tình yêu vô điều kiện “agapo”, nhưng Phêrô đã hai lần trả lời theo kiểu yêu bằng cảm tính, không có sắc thái trung thành. Lần thứ ba, Chúa Giêsu đòi Phêrô phải yêu Chúa bằng tình yêu dâng hiến, yêu đến thí mạng: “Không có tình yêu lớn hơn (“agape – tình yêu”) của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (15, 13-14).

Phêrô đã chối Chúa ba lần trong Cuộc Thương Khó, Chúa hỏi ông lần thứ ba, không phải là để bỏ qua ba lần ông nói, “Tôi chẳng biết Người ấy là ai”, nhưng để ông ý thức rằng tình yêu là nguồn ơn tha thứ. Vào thời điểm đó, một yêu sách pháp lý phải được thực hiện ba lần trước khi nhân chứng trở nên chính thức. Chúa Giêsu đã dùng cách này để trao sứ vụ cho Phêrô: Vì con yêu Thầy bằng lòng trắc ẩn, con hãy chăm sóc các con chiên của Thầy. Chúa Giêsu gọi đích danh Simon con Gioan ba lần: “Simon, con ông Gioan…” chứng tỏ ơn gọi của Phêrô cuối cùng được hoàn tất.

Khi bảo Phêrô: “Hãy chăn dắt chiên con của Thầy”… là Chúa trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc những con yếu nhất trong đàn. Chúa Giêsu dùng chữ “chăn dắt” tiếng Hy lạp có nghĩa là người cho ăn, thế nên Phêrô được kêu gọi trở nên người cung cấp thức ăn cho đoàn chiên của Chúa Kitô mà ông chăn dắt. Đây là nhiệm vụ đầy thử thách và cam go, có thể bị bách hại. Câu 18 này thật khó hiểu: nó nói về tuổi trẻ và tuổi già, về năng lực và sự bất lực của Phêrô, ám chỉ ông sẽ bị dẫn đến nơi mà ông không hay muốn… giang tay ra chết như Chúa Giêsu để làm sáng danh Thiên Chúa.

Chưa xong, Chúa nói tiếp với Phêrô: “Hãy theo Thầy”, câu này Chúa cũng đã từng nói với Gioan trong lần gặp đầu tiên. Trình thuật kết thúc với ơn gọi. Phêrô cần phải theo Chúa Giêsu như ông tuyên xưng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68), ông chối Thầy, rồi lại tuyên xưng với cả tình yêu mới đối với Thầy, để ông nghe được lời mời gọi vô điều kiện của Chúa Giêsu là trở nên tôi tớ phục vụ anh em và Lời hằng sống.

Thiên Chúa là tình yêu

Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thiên Chúa yêu con người bằng một tình yêu say đắm: “Thiên Chúa duy nhất mà Israel tin tưởng, chính Người cũng yêu. Tình yêu của Người là một tình yêu tuyển chọn. Từ giữa muôn dân, Người đã chọn Israel và yêu dân này – đương nhiên với mục đích để chữa trị toàn thể nhân loại. Người yêu, và người ta có thể xem tình yêu của Người là eros, nhưng cũng đồng thời là agape. Hai vị ngôn sứ Hôsê và Êdêkien đã đặc biệt diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân Người bằng những hình ảnh từ ái táo bạo” (Deus caritas est, số. 9).

“Không phải chỉ vì eros được ban tặng cách hoàn toàn nhưng không, không do một công trạng bào trước đó, mà còn vì đó là tình yêu tha thứ […] “Người Kitô hữu nhìn thấy mầu nhiệm Thập giá đang ẩn tàng trong đó: Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, chạy theo họ cho đến độ đi vào cõi chết và với cách thức này đã giao hoà công lý với tình yêu” (Deus caritas est, số. 10).

Đối với các tín hữu, “Mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau được. Đó chỉ là một giới răn. Cả hai sống nhờ vào tình yêu của Thiên Chúa tuôn xuống chúng ta, Đấng luôn yêu thương chúng ta trước » (Deus caritas est, aooa.18). Bác ái thuộc về bản chất của Giáo hội. Bác ái sinh ra từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, tạo ra chủ nghĩa nhân văn đích thực, mang đến cho người sứ mạng yêu thương và phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con theo Chúa, hiến thân và phục tha nhân với tình yêu mến. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

41. Hai chứng nhân lịch sử tử đạo Phêrô và Phaolô

(Mt 16,13-19)

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng 29/6-94

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo, và tông truyền.

Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này: « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời ; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn ; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng: « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn.  Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn ; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài ; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.

Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế. Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.

 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

42. Hai Cột Trụ Của Giáo hội

(Mt 16, 13-19)

Phêrô và Phaolô là hai trụ cột của Giáo hội mà phụng vụ không thể tách rời. Đây là hai khuôn mặt 29/6-95

Phêrô và Phaolô là hai trụ cột của Giáo hội mà phụng vụ không thể tách rời. Đây là hai khuôn mặt sáng ngời của Giáo hội, hai người Do Thái gắn bó với đạo cha ông, một người sống ở miền quê, người kia thành thị, cả hai đã được Đức Kitô chọn gọi.

Simon, mạnh mẽ với đức tin bình dân xứng đáng với tên gọi Phêrô. Saolô, người đã theo học với các bậc thầy nổi tiếng, trên đường đến Đamát, ông đã gặp Chúa Giêsu, Đấng tự tỏ mình cho ông như một nhân vật sống trong vinh quang của Thiên Chúa duy nhất và trong lòng những người tin vào Người mà ông đang bắt bớ (x. Cv 9,1-19), được đầy Thánh Thần ông được gọi là Phaolô (x. Cv 13,9).

Phêrô vất vả vượt qua biên giới Israel mở toang cánh cửa Giáo hội cho những người không phải là con cháu của Abraham bước vào. Trái lại, Phaolô là một nhà truyền giáo khắp nơi của Giáo hội và trên thế giới. Phêrô và Phaolô là những chứng tá sống động, mẫu mực về đời sống thiêng liêng. Hơn bao giờ hết, chúng ta có được cảm hứng từ đời sống của hai đấng, nếu chúng ta muốn, đến lượt chúng ta, có thể làm chứng trong chân lý về đức tin của chúng ta, đem Tin Mừng đến cho những người chung quanh. Cùng đi với Giáo hội hướng tới chân lý và ánh sáng giữa sóng cả ba đào thế gian. Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, Con chúc tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt 11, 25). Chúng ta, những con người nhỏ bé, nghèo hèn phải đối mặt với một thế giới đầy khó khăn. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta tiến bước trong ân sủng với niềm tin và hy vọng.

Chúa Giêsu trả lời Phêrô: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Phêrô sẽ không đòi cho mình sự độc quyền để trở nên Phêrô cho Giáo hội đang gặp rắc rối giống như ông lúc Chúa Giêsu chịu khổ nạn: “Anh em cũng vậy, anh em là những viên đá sống động mà xây dựng cộng đoàn dưới tác động của Chúa Thánh Thần” (1Pr 2, 5). Ngôi Đền Thờ thiêng liêng cộng đoàn Kitô giáo được xây dựng trên Chúa Kitô là Đá Tảng của Chúa Kitô. Phêrô với tư cách cá nhân tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Những gì ông nói thực sự là căn tính của Chúa Giêsu trong tương quan giữa Chúa Giêsu với Cha Người. Đây là đức tin của Giáo hội sau khi Chúa phục sinh, đức tin này đã được các Tông Đồ trung thành gìn giữ cho đến tử vì Đạo.

Tiếp theo, chúng ta đề cập đến niềm tin của chúng ta vào lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng, và giáo huấn của Giáo hội. Chúng ta xin ơn khiêm nhường để phó thác hoàn toàn vào tay Thiên Chúa. Phêrô và Phaolô đã tỏ bày sự nóng bỏng của Tình Yêu, Đức Ái nơi lòng mình. Các ngài đã nói về Tình Yêu là Chúa Thánh Thần, và các ngài đã làm điều đó không chỉ bằng lời nói, nhưng trên tất cả bằng hành động. Phêrô và Phaolô đã thấy mình cùng rực cháy lửa tình yêu của Thiên Chúa. Và chính Tình Yêu này đã thúc đẩy họ hiến trọn thân mình cho Chúa Kitô và hiền thê của Người là Giáo hội.

Lời tuyên xưng của Phêrô sẽ là điểm qui chiếu cho các môn đệ, một điểm chuẩn cho tất cả mọi thời. Còn Phêrô sẽ là điểm qui chiếu cho những người tin, nhờ ông mà họ có thể khẳng định niềm tin của mình. Chúa Giêsu nói với Simon bằng một lời chúc phúc: ” Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc”, Người đã mạc khải cho Phêrô cái phúc mà ông vừa tuyên xưng, đón nhận lời tuyên xưng của Phêrô vào Người mà Thiên Chúa Cha đã mạc khải cho ông. Chính nhân đức này mà Phêrô được Chúa Giêsu coi như đá góc của Giáo hội. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra rằng đức tin đến từ những nơi khác: Đó là một sự trung thành mà Chúa Thánh Thần nói cho chúng ta. Chúa Giêsu trao cho Phêrô Mầu Nhiệm của Giáo hội Chúa, mầu nhiệm đó sẽ là cả hai cùng chịu đóng đinh với Người và được sống lại với Người. Qua mái trường tình yêu tuyệt vời của phụng vụ, một kho tàng được ban cho chúng ta mỗi ngày. Dân Thiên Chúa bước đi trong một thế giới khủng hoảng. Với Chúa Thánh Thần, dân Chúa có thể đánh bại quyền lực của bóng tối nhờ Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Đối với mỗi người Kitô hữu, sống là Đức Kitô, thánh Phaolô nói: “Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.” (Col 1, 24). Lòng chúng ta bừng cháy lửa tình yêu đối với Chúa Giêsu và Giáo hội của Người, bởi vì yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến Giáo hội của Chúa và dâng hiến hoàn toàn cho Giáo hội.

Đại lễ mừng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô hôm nay khơi dậy nơi chúng ta một niềm vui lớn lao, vì đặt chúng ta trước công trình thương xót của Thiên Chúa trong tâm hồn hai vị Thánh, hai người tội lỗi. Và Thiên Chúa cũng muốn làm cho chúng ta được tràn đầy ân sủng của Ngài như đã làm cho hai thánh Phêrô và Phaolô. Kính xin hai Thánh, giúp chúng ta đón nhận ơn thánh như hai vị với con tim rộng mở,

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

43. Con Thiên Chúa hằng sống làTin rằng Đức Kitô

(Mt 16,13 – 19)

Phêrô là người lãnh nhận lời hứa từ Chúa Giêsu quyền chăm sóc anh em. Trước đó ít lâu, ông là người 29/6-96

Phêrô là người lãnh nhận lời hứa từ Chúa Giêsu quyền chăm sóc anh em. Trước đó ít lâu, ông là người đã đi trên mặt nước, bị Chúa Giêsu quở trách là “người hèn tin” (Mt 14, 31).  Trong thực tế, có lẽ Chúa Giêsu đã can thiệp và thách thức ông kêu cầu, đòi hỏi ông phải lớn lên trong đức tin, ông có thể xấu hổ trước mặt đồng nghiệp của mình, cũng như các môn đệ khác, vì “hèn tin”, nhưng ông vẫn tự tin, lời tuyên xưng đức tin địa hạt thành Xêsarêa Philipphê của Phêrô là một bằng chứng. Ông đã được Chúa Cha ban cho hồng ân đức tin, nhờ ánh sáng Thần Linh mạc khải, ông biết được căn tính đích thực của Chúa Giêsu; ông tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16), nhờ đó ông có thể làm cho anh em khác vững tin.

Hành trình đức tin của Phêrô

Đối với Phêrô, đức tin là một hành động lớn dần. Như bao người trẻ Do thái, ông đã nghe nói về Đấng Mêssia, dùng thánh vịnh của Đavid để cầu nguyện, nghe các thầy Do thái tại Capharnaum hát về niềm hy vọng của dân Israel. Hạt giống rơi vào đất tốt, hôm nay, bén rễ nhờ Lời Chúa Giêsu.

Hành trình ấy khởi đi từ lần đầu tiên gặp gỡ Chúa Giêsu qua Anrê, em ông, cũng là môn đệ của Gioan Baotixita làm trung gian bên bờ sông Giorđan. Anrê là người tìm Chúa: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêssia” (Ga 1, 41). Không phải Phêrô là người được gọi trước, nhưng là Anrê.  Điều này không cản trở ông thành người lãnh nhận trách nhiệm củng cố đức tin cho anh em mình.

Thứ đến, tại tiệc cưới Canna, chính Phêrô là người chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu hóa nước thành rượu và “các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2, 11).

Sau một đêm trắng lưới, Phêrô và em ông là Anrê được gọi: “Hãy theo Thày và Thầy sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ lưới người” (Mt 4, 19). Ngày hôm đó, họ để lại tất cả mọi thứ, gia đình và nghề nghiệp để đi theo Chúa.

Và trên một ngọn núi cao, Phêrô đã được Chúa Giêsu cho thấy vinh quang Thiên Chúa (x. Mt 17, 1-9). Ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu của bộ ba, những người sẽ trực tiếp chứng kiến sự phục sinh một cô gái nhỏ (x. Mc 5, 37). Một sự kiện đánh dấu bước tiến đức tin của Phêrô !

Phêrô tuyên tín

Được cứu khỏi chết đuối trong một cơn bão khi đi trên mặt nước, lần đầu tiên Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa” (Mt 14, 33).

Thời gian sau, trên đường từ địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?” (Mt 16, 15). Nhân danh các môn đệ kia, Phêrô trả lời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Đức tin của Phêrô cũng là của các môn đệ kia, ông thừa nhận và khẳng định lời đầu tiên của Anrê (x. Ga 1, 41), khi nhận lãnh trách nhiệm trong Giáo hội.

Điều này không can ngăn được Chúa Giêsu từ chối đi lên Giêrusalem chịu chết (Mt 16, 22). Chính vì là Con Thiên Chúa, nên thập giá và cái chết của Chúa Giêsu là thử thách nặng nề đối với đức tin của Phêrô. Chúa Giêsu bảo Phêrô: “Con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người” (Mt 16,19).

Đức tin đòi hỏi người ta gắn chặt với thánh ý Thiên Chúa, cho dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa. Biến cố biến hình trước Phêrô, Giacôbê và Gioan sẽ là sự bảo đảm: “Đây là Con Ta yêu dấu ” (Mt 17, 5).

Lời tuyên xưng thật sâu xa

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn còn hỏi: “Người ta bảo Con Người là ai ? (Mt 16, 13) “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ?” (Mt 16, 15) Đây không phải là một cuộc thăm dò ý kiến ​​để biết lòng dân, nhưng là câu hỏi về vị trí của Thầy trong các môn đẹ. Đối với ông, Chúa Giêsu là ai ?

Khởi đầu sứ mạng công khai, trước các phép lạ và lời giảng có uy quyền của người thợ mộc thành Nazareth, một câu hỏi hiện lên trong đầu các môn đệ: “Người này là ai? ” (Mt 8, 27).

Chúa Kitô không yêu cầu các môn đệ phản ánh ý kiến của người khác, Người hỏi dồn và đợi câu trả lời cá nhân của các ông. Và Phêrô đã trả lời Chúa Giêsu mà không liệt kê lại ý kiến của dân chúng như: Ê-li, Gioan Tẩy Giả hay một tiên tri. Ông đi thẳng vào vấn đề. Lời tuyên xưng này còn đi xa hơn trước bởi được long trọng tuyên xưng: “Vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17).

Với Thiên Chúa, hành động đức tin không đến từ sự suy tư nhân loại theo kiểu lý trí, triết học, hay tìm kiếm sự hợp lý, những cần phải có ơn “mạc khải từ Thiên Chúa” để tôn thờ bản tính Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu. Người đã nói với họ: “Không ai biết được Con trừ phi có Cha; và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con khấn mạc khải ra cho ” (Mt 11, 27).

Chính lúc Simon đã trả lời đúng về sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng là lúc ông được tiết lộ một ơn gọi đặc biệt. Simon trở thành “Kepha” nghĩa là “tảng đá”, “đá”. Simon, con người bằng xương bằng thịt, mỏng giòn, dao động như bao nhiêu người khác, nhờ ân sủng đã vượt qua đượcgiới hạn của chính mình. Nếu ông là “đá”, là vì Chúa Kitô là đá tảng. Đức tin của ông chỉ lớn lên, khi đặt nền tảng trên Chúa. Thử thách trong cuộc Khổ Nạn của Thầy đụng chạm tới cùng sự mỏng giòn của Phêrô, lúc ấy, ông phải dựa vào sức mạnh của Chúa, xây dựng đời mình trên Chúa.

Khi chúng ta khám phá ra Chúa Kitô, là chúng ta khám phá ra chính bản thân, và căn cội của chính mình. Bước vào trong quan hệ cá nhân với Chúa Kitô, Người sẽ mạc khải cho chúng ta căn tính của chính mình, đó là điều Phêrô làm. Khi nghe lời Chúa, bước đi với Chúa, ta thực sự trở nên chính mình. Điều quan trọng không phải là việc thực hiện ý muốn của riêng ta, nhưng là ý Chúa, cuộc sống sẽ trở nên đáng tin hơn. Và nếu ta thực sự muốn được kiện toàn bản thân mình, không có cách nào khác ngoài việc mở rộng đường cho Chúa Kitô.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

44. Phêrô Và Phaolô: Hai Vị Thánh Của Tinh Thần Hiệp Nhất

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt. Phêrô và Phaolô khác 29/6-97

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt. Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.

Về thành phần bản thân: Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT

Có lần đến mừng bổn mạng một vị Linh mục trọng tuổi. Ngài nói đùa rằng: “Tội nghiệp hai Thánh Phêrô và Phaolô quá ! Những ông thánh bà thánh khác nhỏ hơn, thế mà lại được đứng tên một mình độc lập tự do hạnh phúc trong một ngày lễ. Đàng này Phêrô và Phaolô tiếng là hai thánh lớn của cả Giáo hội, thế mà lại phải chen vai đứng chung với nhau chặt chội trong một ngày lễ, dẫu đó là ngày lễ lớn. Ngài cười và phát biểu tiếp: Thà làm lớn trong một ngày lễ nhỏ còn hơn là Phêrô và Phaolô lại chịu làm nhỏ trong một ngày lễ lớn”.

Dĩ nhiên linh mục ấy chỉ nói đùa thôi. Nhưng trong cái tưởng như đùa cợt mua vui giữa các linh mục với nhau biết đâu lại chẳng ẩn chứa một chút nghiêm túc, một thoáng lắng sâu gợi mở cho suy tư về ngày lễ, để rồi khi nhìn vào chân dung của Phêrô và Phaolô bỗng chợt nhận ra dụng ý của Giáo hội; mừng hai Thánh Phêrô và Phaolô chung trong cùng một lễ là muốn nói lên tinh thần hiệp nhất, một tinh thần đã làm nên sự sống và mãi còn là sức sống của Giáo hội.

Phêrô và Phaolô: hai vị thánh có nhiều khác biệt

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt. Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.

Về thành phần bản thân: Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria. Tác phong ngài bình dân, tính tình ngài bộc trực, có sao nói vậy, thậm chí đến độ thô thiển mộc mạc. Mặc dù có bề dày kinh nghiệm tuổi tác và ngành nghề, nhưng kiến thức về đời sống của ngài có chăng cũng không lớn hơn diện tích biển hồ. Còn Phaolô, ngược lại, là con nhà trí thức được ăn học đàng hoàng, đã từng có dịp đi lại đó đây. Kiến thức rộng, gốc gác Biệt phái nhiệt thành với truyền thống cha ông, đầy năng lực, tuổi trẻ tài cao và cũng không thiếu tham vọng cho tương lai, nên Phaolô mới nổi máu anh hùng “vấy máu ăn phần” trong việc bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu.

Về ơn gọi theo Chúa Giêsu: Phêrô thuộc hệ chính quy, là một trong những tên tuổi mau mắn đáp lời theo Chúa Giêsu từ những ngày đầu sứ vụ công khai của Người. Nhanh nhẩu, mau mắn, hăng hái, ông thường thay mặt cho anh em để lên tiếng phát biểu. Được đặt làm đầu Nhóm Mười Hai đặc tuyển tức là Thủ quân đội tuyển Tông đồ với một bề dầy thành tích đáng gờm. Trong khi đó, Phaolô chỉ là đàn em, đã chẳng được theo trực tiếp Chúa Giêsu lại còn khét tiếng phản động đến nỗi trên đường đi Đamas để bố ráp tín hữu, tiếng từ trời đã phải can ngăn “Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ “. Nhưng đó cũng là khởi đầu của ơn gọi để Phaolô nghĩ lại sám hối mà đầu quân phục vụ Giáo hội. Chính Phaolô đã có lần thú nhận chẳng giấu giếm chi “Tôi là dân sinh sau đẻ muộn”. Không mặc cảm.

Về truyền giáo: Nếu Tông đồ là kẻ được sai đi truyền giáo, thì tuỳ theo khả năng cá nhân, mỗi người lại phục vụ theo cung cách của mình. Phêrô chủ trương “đánh bắt tại chỗ’, phục vụ Kitô hữu đa phần gốc Do Thái trở lại, nên thiết lập toà Antiôkia để dễ dàng điều hành quy tụ là chuyện bình thường. Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên trong lịch sử Công giáo, các tín hữu nhận lấy danh xưng: ‘Kitô hữu’. Còn Phaolô lại theo chủ trương “ đánh bắt ngoài khơi”, ra khơi để truyền giáo với những chuyến hải trình không mệt mỏi. Trẻ trung, khỏe mạnh, học rộng, biết nhiều đã trở thành lợi thế cho ngài hành trình về phía trước Dân ngoại.

Chủ trương khác nhau nên có lúc không tránh hết được những va chạm. Đã có to tiếng về vấn đề cắt bì hay không cắt bì cho những người ngoại giáo gia nhập Kitô giáo. Đã có hiểu lầm ấm ức khi đối mặt giữa một bên là cầm cương nẩy mực đạo giáo và một bên là quan tâm đến những nhu cầu mục vụ chính đáng của tín hữu gốc lương tâm. Tuy nhiên khi hiểu ra, hai đấng đã tay bắt mặt mừng trong một tinh thần hiệp nhất lạ lùng !

Phêrô và Phaolô: tượng đài hiệp nhất

Khởi đầu sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, nếu hai vị đã hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng thì cũng hiệp nhất trong cùng một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin trung thành minh chứng.

Cùng chết tại Rôma. Cùng chịu tử đạo dù hình thức khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Cùng trở thành nền đắp xây toà nhà Hội thánh. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công giáo, để rồi hằng năm cứ vào ngày 29 tháng 6 lại cùng được mừng chung trong một ngày lễ. Chừng đó chữ “cùng” cũng đủ đề Phêrô gần gũi Phaolô và để Phaolô đứng chung với Phêrô như hình với bóng. Mình mới ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Mãi mãi Phêrô và Phaolô là tượng đài bất khuất và là bài ca không quên của tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội. Tinh thần ấy hôm nay chỉ ra rằng.

Hiệp nhất không phải là đồng nhất theo kiểu đồng bộ nhất loạt ai cũng phải như ai, giống đồng phục của một hội đoàn hay như trong sản xuất hàng hoá đồng loạt. Nếu máy cùng một đời thì cũng cùng kiều dáng và chất lương như nhau. Hiệp nhất là khởi đi từ những cái khác nhau, những cái dị biệt, để hiểu biết tôn trọng và gắn bó hợp tác chung xây. Như thế mới phong phú đa chiều đa diện đa dạng, như những thành phần khác nhau làm nên một tổng hợp duy nhất hài hoà, như những chi thể khác nhau kết nên một thân mình, như những nốt nhạc cung bậc khác nhau làm thành một hoà âm tròn đầy.

Hiệp nhất cũng không phải là cầu toàn mười phân vẹn mười gọt giũa kỹ càng theo một hình mẫu, làm như tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý chí con người mà không cần biết đến những biến số mang tính quyết định khác. Xây dựng một công trình vật thể như nhà cửa phòng ốc không ưng ý, người ta có thể đập bỏ để làm lại một cái mới vừa ý hơn, nhưng xây dựng một công trình phi vật thể nhất là lại liên quan đến yếu tố nhân sự thì không thể một sớm một chiều mà phá huỷ hoặc làm lại được. Nếu “duy ý chí “ đã là một lực cản đáng buồn cho sự tiến bộ, thì ở đây xem ra lại còn đáng buồn và đáng ngại hơn.

Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự dẫn dắt linh động của ơn thánh và chí bền khát khao của mọi thế hệ. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Nhưng đa dạng cũng đi liền với đa đoan. Không thể có hiệp nhất mà không vất vả. Hiệp mà không nhất chỉ là khiên cưỡng ép duyên bất hạnh ngục tù. Nhất mà không hiệp sẽ cứng cỏi lạnh lùng tự đủ thờ ơ. Hiệp để trở nên nhất và nhất mà vẫn luôn cần chất keo tinh thần của hiệp, đó mới là giá trị làm nên nét đẹp Kitô giáo. Nếu trong tình yêu hôn phối, những điều giống nhau là để hiểu nhau, còn những điểm khác nhau mới để yêu nhau, thì trong hiệp nhất Giáo hội cũng vậy, những điều giống nhau là nền tảng gặp gỡ, còn những điểm khác biệt lại là điều kiện tự nhiên để trở thành đa dạng, cho dẫu nhiều khi vì quá chú tâm đến những khác biệt người ta đã phải gạt lệ nhìn nhau xa cách. Hai cực nam châm giống nhau sẽ đẩy nhau, nhưng hai cực khác nhau mới thu hút gắn bó với nhau.

Tóm lại, Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm, nhưng một khi đã được biến đổi bởi niềm tin Phục sinh và nguồn ơn Thánh Thần, hai vị đã trở nên những con người mới, những phần tử hàng đầu xây dựng hiệp thông Giáo hội. Mừng lễ chung hai vị cũng là lúc thể hiện lòng yêu mến và phó thác. Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.

45. Phêrô Và Phaolô, Hai Tên Gọi Một Lý Tưởng

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Mừng lễ trọng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trỗi vượt 29/6-98

Mừng lễ trọng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trỗi vượt và quan trọng này trong đạo chúng ta.

Mỗi vị đều có hai danh xưng khác nhau, đó là Simon – Phêrô; Saolô – Phaolô. Nếu tên gọi Simon và Saolô nói lên con người cũ, con người chưa được biến đổi, thì Phêrô và Phaolô là con người mới, con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô.

Từ Simon đến Phêrô

Trước khi gặp Chúa Giêsu, chưa theo Chúa, Phêrô được gọi là Simon, con Ông Giona, là một ngư phủ lành nghề nhưng quê mùa, chất phác và bộc trực. Ông đã có gia đình, có vợ con đề huề.

Trong Tin Mừng, Phêrô thể hiện rất rõ cá tính của mình: một Simon yếu đuối, nhẹ dạ, nhất thời, bồng bột và dễ thay đổi, phản bội trong những lúc gặp khó khăn thử thách. Nhưng trong ông, cũng có một Phêrô khiêm tốn, chất phác và rất hăng hái, biết sám hối và nhận lỗi của mình; một Phêrô mạnh mẽ và vững vàng trong đức tin, lòng mến, cũng như trong sứ vụ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai”; “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).

Sau khi gặp Chúa Giêsu, được Chúa mời gọi, ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Chúa đặt cho ông một danh xưng mới: đó là “Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy” (Mt 16,18). Với danh xưng này, Phêrô trở thành Tông Đồ của Chúa, và được chọn làm thủ lãnh của nhóm 12. Phêrô đã sống và gắn bó với Chúa Giêsu trong suốt 3 năm trên mọi nẻo đường rao giảng. Sau khi Chúa về trời, Phêrô cùng với các Tông Đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã đến giảng đạo tại Rôma, rồi bị bắt và bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Theo truyền thống kể lại, khi nghe tin sẽ bị bắt, Phêrô hoảng sợ tìm đường trốn khỏi Rôma để về quê. Trên đường đi, ngài đã gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá vào thành Rôma, Phêrô hỏi Chúa: “Quo vadis – Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy vào Thành Rôma để chịu tử nạn lần thứ hai”. Hiểu ra ý Chúa nên Phêrô đã trở lại với đoàn chiên của ngài và chấp nhận án tử hình trên thập giá. Đang khi chịu đóng đinh, Phêrô xin lính Lamã đóng đinh đầu ngược, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa Giêsu.

Một điều rất rõ mà chúng ta thấy trong cuộc đời của thánh Phêrô là khi nào ông càng cậy dựa vào sức mình, vào khả năng mình thì Phêrô càng thất bại và tỏ ra yếu đuối. Nhưng khi nào Phêrô càng bám lấy Chúa, tin vào Chúa, Phêrô càng thành công, càng trở nên vững vàng và rất cao cả!

Từ Saolô đến Phaolô

Cũng thế, nơi Thánh Phaolô, có một Saolô trước khi gặp Đấng Phục Sinh, Saolô ấy không phải là một chàng trai ăn chơi lêu lổng, nhưng là một người nhiệt thành với truyền thống đạo Do Thái. Là con của một gia đình khá giả, Saolô được học hành chu đáo. Vì lòng trung thành với truyền thống cha ông, Saolô hăng hái đi bắt bớ các kitô hữu đầu tiên vốn thuộc về một tôn giáo mới đang đe dọa sự tồn tại của đạo Dothái.

Cú té ngựa trên đường Đamát đã làm cho Saolô thay đổi hoàn toàn. Saolô gặp Đấng Phục Sinh, và được Ngài đặt cho một tên mới đó là Phaolô, vị Tông Đồ của dân ngoại. Sau cuộc trở lại này, Phaolô hăng say rao giảng Đức Kitô. Ông đã sang Hy lạp và La mã nhiều lần để rao giảng Tin Mừng, rồi chịu tử đạo khi bị chặt đầu vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.

Hai tên gọi, một lý tưởng

Hai danh xưng ấy nói lên hai khuôn mặt, hai con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô. Hai con người ấy trở thành hai ngôi sao sáng, hai cột trụ chính của Giáo Hội. Cả hai đều có cùng một lý tưởng là Tông Đồ của Đức Kitô. Cả hai đã mang hạt giống Tin mừng sang Châu Âu và đã biến Châu Âu thành một lục địa và là trung tâm của Kitô giáo. Cả hai đã đổ máu đào để làm chứng cho đức tin và tình yêu vào Đức Kitô.

Cũng như Phêrô và Phaolô, những ai gặp Chúa, tìm kiếm Chúa, thì sẽ được Chúa biến đổi. Và những ai được Chúa biến đổi thì một cách tự nhiên, người đó cũng muốn giới thiệu Chúa cho những người khác, muốn là tông đồ của Chúa cho thế giới hôm nay.

Trước những khó khăn và những lối rẽ khác mời mọc, cùng với Phêrô, chúng ta hãy xác tín thêm một lần nữa: “Bỏ Thầy, con biết theo ai”. Cùng với Phaolô, chúng ta tuyên xưng rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35).

Nguyện xin hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cầu bầu cho mỗi người chúng ta trong hành trình bước theo Chúa Kitô và làm chứng cho Ngài!

46. Cột Trụ Giáo Hội

Trầm Thiên Thu

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai vị được Thiên Chúa đặc cách, và là hai cột trụ vững bền chống 29/6-99

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai vị được Thiên Chúa đặc cách, và là hai cột trụ vững bền chống đỡ Giáo hội. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao “chìa khóa Nước Trời” với cương vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội, còn Thánh Phaolô được chọn làm Tông đồ của Dân ngoại.

Ý Chúa nhiệm mầu, chúng ta không thể lý luận để hiểu thấu theo lý lẽ của phàm nhân. Một ngư phủ Simon cương trực, thẳng thắn thật thà, nhưng cũng dứt khoát chối bỏ Thầy mình ngay trong lúc cấp bách nhất, thậm chí có lần còn bị Chúa Giêsu nguyền rủa là Satan (Mt 16:23), nhưng một Phêrô hèn nhát đó đã biến thành một Phêrô can đảm và chịu đóng đinh ngược vì Thầy Giêsu. Một Saolê hung tàn và bạo ngược, quyết tâm giết sạch những ai dám tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thậm chí còn chủ trì trong cuộc sát hại Phó tế Stêphanô (Cv 7:58), nhưng một Saolê độc ác đó đã trở thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng về Đức Kitô chịu chết và phục sinh.

Ai theo Chúa Giêsu cũng phải chịu nhiều đau khổ, cách này hoặc cách khác, chứ chẳng ai được thảnh thơi an nhàn. Sách Công Vụ cho biết thực tế đó: “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12:1-5).

Sách Công Vụ tường thuật một phép lạ nhãn tiền cứu thoát ông Phêrô: “Trong đêm trước ngày bị vua Hêrôđê đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người lính và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo ông đi. Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông. Thiên sứ bảo ông thắt lưng và xỏ dép. Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông khoác áo choàng vào và đi theo thiên sứ. Ông liền theo ra mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến” (Cv 12:6-9). Chuyện xảy ra ngoạn mục tưởng như chỉ có trong phim ảnh, viễn tưởng, thế nhưng lại là chuyện có thật. Chính ông Phêrô cũng không hề biết mình tỉnh hay mơ kia mà!

Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông Phêrô tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi. Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu” (Cv 12:11). Thực tế thật 100% chứ không hề là chiêm bao hoặc mộng ảo. Kỳ diệu quá! Quả thật, “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37).

“Ăn cây nào rào cây nấy”, đó là quy luật tất yếu ở đời. Về phương diện tâm linh cũng vậy thôi. Chúng ta lãnh nhận Ơn Chúa quá nhiều mà có lẽ ít khi biết tạ ơn. Hãy noi gương của tác giả Thánh Vịnh: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.4 Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng” (Tv 34:2-5).

Thiên Chúa là Đấng đại lượng, giàu lòng thương xót, không làm ngơ những người tin yêu Ngài: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người” (Tv 34:6-8). Với kinh nghiệm sống tâm linh, tác giả Thánh Vịnh chia sẻ và mời gọi: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34:9).

Nhờ kinh nghiệm cú ngã ngựa, kinh nghiệm độc nhất vô nhị, và đó cũng là phép lạ nhãn tiền, Thánh Phaolô trở nên trưởng thành tâm linh nên chân thành chia sẻ tâm sự: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày Ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4:6-8). Ước gì chúng ta cũng có thể xác định được như Thánh Phaolô, nhất là khi sắp rời cõi đời này!

Thánh nhân nói được như vậy vì luôn hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen” (2 Tm 4:17-18). Các thư của Thánh Phaolô là kho tàng về đời sống tâm linh, chúng ta có thể thấy mọi trường hợp mà hằng ngày chúng ta vẫn gặp. Thánh Phaolô giỏi về kiến thức đời thường và giỏi cả kiến thức tâm linh nữa, đồng thời cũng như một tâm lý gia vậy.

Cuộc đời là một cuộc chiến không ngừng. Chính Thánh Phaolô cũng đã than phiền về tính vô định của mình: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19). Chán thật! Nhưng con người là thế, do đó mà phải nỗ lực từ bỏ chính mình để có thể vác thập giá bước theo Đức Giêsu Kitô. Vấn đề là có muốn hay không, chứ vác thập giá “oải” lắm, hiếm khi ngon trớn, thường thì kéo lê, lúc thì ngã quỵ,… Mệt lắm! Chúa biết lắm, vì Ngài thấu suốt mọi sự (1 Ga 3:20). Thiên Chúa toàn năng luôn quan phòng và tiền định mọi thứ, ngay cả từng sợi tóc trên đầu mỗi người chúng ta cũng đã được Ngài đếm cả rồi (Mt 10:30).

Hai lão tướng Phêrô và Phaolô đã biến đổi nhờ đau khổ. Thật vậy, chính đau khổ mới làm cho người ta thành nhân, cả đời thường và tâm linh. Đau khổ có giá trị kỳ diệu, thế nên chính Đức Kitô đã chịu đau khổ tới tột cùng để làm gương cho chúng ta. Ngài đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, ngài chết để chúng ta được sống. Để có thể chịu đau khổ, người ta phải có niềm tin lớn mạnh. CHính đức tin là “siêu vũ khí” để chúng ta ngoan cường chiến đấu: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian là lòng tin của chúng ta” (1 Ga 5:4).

Trình thuật Mt 16:13-19 nói về việc tuyên tín của Thánh Phêrô. Chúa Giêsu muốn xác định đức tin của ông để giao đại sự. Không chỉ vậy, Ngài còn đòi hỏi tình yêu chân thành của ông nên đã ba lần hỏi ông có yêu mến Ngài hay không (x. Ga 21:15-19). TIN và YÊU là hai “luật buộc” để làm “cột trụ” trong đời sống tâm linh của mỗi Kitô hữu.

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?”. Ngài hỏi cho vui thôi, chứ Ngài thừa biết tất cả. Vả lại, Ngài hỏi là để chúng ta tự xác định niềm tin của chính mình. Nghe Sư Phụ hỏi, các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”.

Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Vốn tính cương trực, ông Simon Phêrô thưa ngày: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ngài nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Rồi Ngài nói với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Ngay lúc đó, lúc ông Phêrô “cầm” chìa khóa Nước Trời, là lúc ông trở thành Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội. Đúng là ngư phủ Phêrô diễm phúc thật!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết ngoan cường chiến đấu bằng cả đức tin và đức mến, đừng bỏ mặc chúng con ngã lòng, dù chúng con gặp phải nỗi đau điều khổ hằng ngày. Lạy nhị vị thánh nhân Phêrô và Phaolô, xin nguyện giúp cầu thay và đồng hành với chúng con trong cuộc chiến trần gian này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

47. Đá Tảng Đức Tin Của Phê-Rô

Lm. Đan Vinh – HHTM

I/ HỌC LỜI CHÚA

1- TIN MỪNG

(13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2- Ý CHÍNH

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa 29/6-100

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, ông đã được Người khen là có phúc, được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá. Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi.

3- HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng ông Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?

ĐÁP:

Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên, kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Sa-lô-mon. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu “Con Vua Đa-vít” này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng Đức Giêsu với tước hiệu “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giêsu đã cho biết ý nghĩa của tước hiệu này chỉ về bản tính Thiên Chúa của Người, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giêsu đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18) ?

ĐÁP:

Có thể Đức Giêsu đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giêsu chính là tảng đá vững chắc mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh. Ngoài ra Đức Giêsu còn trao tối thượng quyền để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Ngưới cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?

ĐÁP:

Từ ngày được Đức Giêsu gọi đi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy đe không cho dự phần với Thầy, vì đã từ chối khi được Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất la quá tự tin vào sức riêng nên đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giêsu tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giêsu hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm 12 tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giêsu đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất được chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép lạ bé gái đã chết được sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến giây phút Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).

Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và còn trao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giêsu đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm tin Thầy sống lại (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rô-ma để sẵn sàng bị bắt và chịu khổ hình thập giá dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa, và nêu gương đức tin vững chắc như đá tảng, để các tín hữu chúng ta noi theo.

II/ SỐNG LỜI CHÚA

1- LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2- CÂU CHUYỆN: PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊSU ?

Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp để xin ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm giành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.

Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí ăn ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời hạn một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Nhà vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và rõ ràng như hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do chiêm ngưỡng.

3- THẢO LUẬN: Đối với bạn, Đức Giêsu là ai: Là một vị ngôn sứ, nên ta có thể xin Người cầu bầu cùng Chúa cho ta; hay là một thần tượng để ta thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin và sẵn sàng bỏ mọi sự mà đi theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là những đau khổ phải chịu để kết hiệp với Người cứu rỗi tha nhân?

4- SUY NIỆM

Muốn trở nên tông đồ của Chúa Giêsu, các tín hữu trước hết phải sống tình yêu thương noi gương Chúa Giêsu. Tiếp đến hàng ngày phải thanh luyện bản thân, đục đẽo đi những gồ ghề, chà xát các chỗ bị thô nhám, nghĩa là bỏ đi sự gian ác khó tính, tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi. Phải làm cho linh hồn mình ngày càng trong sạch và thánh thiện giống như chiếc gương soi. Chính nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và rước lễ hàng ngày, nhờ biết xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, nhờ cố gắng noi gương Chúa Giêsu với cái nhìn bao dung nhân từ, ăn nói điềm đạm, thái độ vui vẻ chân thành, giao tiếp thân tình, ứng xử hiền hòa, khiêm tốn phục vụ tha nhân… mà chúng ta hy vọng sẽ dần dần trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh từ bi nhân hậu của Người. Để khi có dịp tiếp xúc với chúng ta, người lương sẽ cảm mến và tin theo Chúa Giêsu, vì họ đã gặp được Người nơi mỗi chúng ta. Đó chính là phương cách làm việc tông đồ hữu hiệu nhất trong thế giới hôm nay.

5- CẦU NGUYỆN

LẠY CHÚA GIÊSU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng để làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh mẽ như thánh Phê-rô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống hòa hợp với tha nhân. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, những tư tưởng tự mãn và hẹp hòi… Nhờ đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân của Chúa. Ngôi nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm vẫn còn đang xây dựng dang dở. Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm được hoàn thành. Xin cho chùng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo Xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X/ HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.

Đ/ XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây