Thứ sáu đầu tháng – THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ

Thứ năm - 02/07/2020 08:32

Thứ sáu đầu tháng, tuần 13 thường niên – THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

"Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"

 

* Vào lúc Đức Giêsu chịu thương khó và phục sinh, khuôn mặt của thánh Tôma nổi bật. Trong bữa ăn tối, đáp lại thắc mắc của Tôma, Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Khi nghe nói Đức Giêsu đã phục sinh, vị tông đồ này không tin ngay. Mãi tới lúc Đức Giêsu cho Tôma thấy tay và cạnh sườn bị đâm thủng, Tôma mới tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Theo truyền khẩu thì thánh nhân đã đi loan báo Tin Mừng cho dân Ấn Độ. Từ thế kỷ 4, người ta mừng ngày rước hài cốt của ngài về Ê-đét-xa, tức là ngày 3 tháng 7.

 

Lời Chúa: Ga 20, 24-29

Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không ở cùng với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”.

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà, và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

 

 

SUY NIỆM 1: Đừng cứng lòng nữa

Suy niệm:

Chẳng rõ vì lý do gì mà ông Tôma đã không ở với nhóm môn đệ

khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp các ông.

Có vẻ có một sự xa cách nào đó giữa Tôma và mười ông kia.

Chuyện này trở nên rõ hơn khi ông Tôma từ chối tin vào lời của họ:

“Chúng tôi đã thấy Chúa!” (c. 25).

Ông đòi tự mình kiểm chứng, thấy tận mắt, sờ tận tay.

Thấy dấu đinh nơi bàn tay Thầy, xỏ ngón tay mình vào lỗ đinh,

thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy: đó là những điều kiện ông đòi để tin.

Tôma không đứng dưới chân thập giá như người môn đệ Chúa yêu,

nhưng ông đã được nghe chuyện Thầy bị đóng đinh, bị đâm nơi cạnh sườn.

Đối với ông, nếu Thầy thực sự phục sinh,

thì thân xác Thầy vẫn còn phải mang những vết thương đó.

Phục sinh không làm mất đi những vết sẹo của tình yêu cứu độ.

Đấng phục sinh lại có ý chiều ông, đó mới là chuyện lạ.

Ngài biết óc thực tiễn của ông, và Ngài không muốn mất ông (Ga 17, 12).

Ngài dám thỏa mãn những đòi hỏi táo bạo và cụ thể của ông,

để đưa ông về với đức tin, về với cộng đoàn.

Một tuần sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần,

Đức Giêsu phục sinh đến như thể cho một mình ông thôi,

và mời ông làm những điều ông đòi hỏi.

Chẳng rõ Tôma có dám thực hiện hay không,

nhưng chính thái độ bao dung và yêu thương của Thầy đã chinh phục ông.

Môi ông bật lên lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong Tân Ước:

“Lạy Chúa của tôi; lạy Thiên Chúa của tôi” (c.28).

Lời tuyên xưng này vượt quá những gì giác quan ông có thể cảm nhận.

“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!”

Chúng ta ngày nay tuy không được hưởng kinh nghiệm như thánh Tôma,

nhưng chúng ta lại được hưởng một mối phúc mà ngài không có được.

Đó là mối phúc của người tin, không phải nhờ thấy tận mắt,

mà nhờ nghe lời chứng của các môn đệ (Ga 17, 20), trong đó có Tôma.

Xin cám ơn sự cứng lòng của thánh Tôma, cám ơn lời chứng của ngài.

Chính sự cứng cỏi của ngài làm chúng ta mềm mại hơn để tin,

vì chúng ta biết chuyện Chúa phục sinh không do một ảo giác tập thể.

Tôma là một người hoàn toàn tỉnh táo.

Trong tập thể chúng ta đang sống, vẫn có những Tôma:

hoài nghi, bướng bỉnh, đòi hỏi, xa cách với cộng đoàn…

Thầy Giêsu dạy chúng ta bao dung và nhẫn nại, chứ không kết án.

Quanh chúng ta vẫn có nhiều người chưa biết Chúa,

họ cũng đòi thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa.

Kitô hữu chúng ta phải có kinh nghiệm sâu xa như các tông đồ xưa,

để làm chứng được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (c. 25).

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,

xin hãy gọi tên chúng con

như Chúa đã gọi tên

chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,

xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài

như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,

xin hãy đến và đứng giữa chúng con

như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,

xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con

như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm

mà không được gì,

xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,

như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

xin tỏ mình ra

cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,

để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,

và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Thánh Tôma Tông Đồ

Khi nói đến ai đồng dạng với “Tôma”, điều đó không có gì là nâng bi. Đó là thái độ bình thường của bất cứ tín hữu nào, bất cứ Kitô hữu nào.

Tôma không tin các bạn tông đồ, đúng thế; nhưng ông không do dự khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho tin. Không phải là lời chứng của các tông đồ làm chúng ta tin Đức Kitô Phục Sinh, Con Thiên Chúa, và phúc cho chúng ta, chính Đức Kitô làm chúng ta tin.

Các sách Tin Mừng...

Chúng ta biết chắc rằng các sách Tin Mừng không được Đức Giêsu viết ra. Chúng ta biết chắc rằng những bài giảng của Đức Giêsu chỉ là những bản tóm tắt, sơ sài biết bao. Tuy nhiên, khi Gioan, Luca, Matthêu hay Mác-cô viết rằng: “và Đức Giêsu nói....”, chúng ta tin những lời các thánh sử Tin Mừng truyền lại cho chúng ta, những lời đó chúng ta nghe chính miệng Đức Kitô.

Tôma...

Chính Ngài làm chứng cho chúng ta về Đức Kitô Phục Sinh, nhưng cũng nói cho mỗi người chúng ta rằng, chúng ta cũng có thể tin các thánh sử Tin Mừng, các Ngài là những chứng nhân chính thức, còn chính Đức Kitô cho chúng ta đức tin nhờ các Ngài và nhờ Giáo Hội.

Khi Giáo Hội dạy, Giáo Hội nói lời Chúa cho chúng ta. Giáo Hội chỉ là người mang tiếng nói của Ngôi Lời. Chính Ngôi Lời nói, luôn luôn là thế. Các Giám Mục là người kế vị các tông đồ, không phải là các nhà thần học. Nên chúng ta phải chú ý nghe các Ngài, thì không nhất thiết phải luôn luôn nghe theo các Ngài. Đức tin không lay chuyển nhưng khoa học thì liên tục tiến triển.

Tôma còn nhắc nhở chúng ta chỉ có một tiếng nói chính thức và chúng ta cũng phải biết kính trọng trí khôn chúng ta và đức tin chúng ta, đừng để bất cứ ai, bất cứ cái gì nhồi sọ chúng ta, coi chừng nhiều tiên tri giả chung quanh chúng ta.

J.M

 

SUY NIỆM 3: Thánh Tôma, Tông Đồ

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Thánh Tôma, tông đồ, một người trong nhóm 12, đã được Chúa Giêsu tuyển chọn, đã đi theo Chúa, đã được Chúa hun đúc, huấn luyện. Tôma cũng là người bị liệt vào hạng cứng tin, nhưng thực tế ra sao ? Tôma có tin vào Chúa hay cũng chỉ lơ mơ, lờ mờ theo Chúa, rồi bỏ Chúa ?

THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ TRONG NHÓM 12:

Thánh Tôma, còn gọi là Đyđimô nghĩa là sinh đôi, người quê tại xứ Galilêa, là một trong số mười hai môn đệ của Chúa Giêsu. Các Tin mừng nhất lãm và đặc biệt Tin Mừng của thánh Gioan đã thuật lại việc Chúa Giêsu chọn Tôma. Các Tin Mừng đều cho ta thấy Tôma là người nhiệt thành, hy sinh, tận tụy và xả kỷ. Thánh Gioan thuật lại rằng một lần khi nghe tin Ladarô chết đã bốn ngày, Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để hồi sinh Ladarô, nhưng ở đó các người Do Thái đang tìm cách giết Chúa Giêsu: ”Thưa Thầy, mới đây người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy còn đến đó sao?” (Ga 11,8). Chúa nói với các môn đệ:” Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê” (Ga 11,7). Mình thánh Tôma đã mạnh dạn, can đảm nói với các tông đồ: ”Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Tôma cũng như các môn đệ khác đều sợ sệt, nhát đảm và trốn tránh vì sợ khó khăn, sợ chết. Khi Chúa Giêsu sống lại, Tôma vì là người thực tế đã muốn thấy Chúa cách nhãn tiền Ông đã nói với các tông đồ bạn một cách rất chân thành và thực tế: ”Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinhvà không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Đức tin của Tôma phải được kiểm chứng rõ ràng, Ông rất thực tế và đây là bài học cho muôn thế hệ. Đứng trước sự thực hiển nhiên của biến cố sống lại chỉ sau tám ngày sau lần thứ nhất Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, Tôma đã bị Chúa Giêsu phục sinh khuất phục hoàn toàn, Ngài chỉ biết thốt lên với tất cả con tim: ”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

THÁNH TÔMA, TÔNG ĐỒ ĐÃ ĐƯỢC PHÚC TỬ ĐẠO:

Chúa Giêsu đã nói với các một đệ khi Người còn sống với các ông: ”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình đi vác thập giá hằng ngày mà theo Ta” (Lc 9,23). Chúa cũng đã cảnh cáo là các môn đệ sẽ bị thế gian thù ghét: ”Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các ngươi cho công nghị và họ đánh đòn các ngươi trong các hội đường của họ. Vì Ta, các ngươi sẽ bị điệu đến trước quan quyền và vua Chúa để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Các ngươi sẽ bị mọi người ghét vì danh Ta, nhưng ai bền vững đến cùng, người ấy sẽ được rỗi” (Mt 10,17-22). Sau khi Chúa phục sinh về trời và sau khi các tông đồ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, theo lệnh truyền của Chúa sống lại: ”Anh em hãy đi khắp mọi nơi...” (Mt 28,19) Thánh Tôma, tông đồ đã đi rao giảng ở Patia, Ba Tư. Thánh nhân cũng tới loan báo Tin Mừng tại Ấn Độ và được phúc tử đạo tại đó. Thánh nhân là một người thu thuế nhưng khi đã có Chúa Thánh Thần và khi đã được đổi mới, Ngài đã hăng say rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng theo bước chân của Thầy chết vì yêu.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con hoan hỷ, mừng lễ thánh Tôma tông đồ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà củng cố lòng tin của chúng con, để chúng con được sống muôn đời, khi cùng với thánh nhân tuyên xưng Đức Kitô là Chúa (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Tôma, tông đồ).

 

SUY NIỆM 4: Vị tiên tri cô độc

Người Ấn Ðộ có kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau đây:

“Vì tội lỗi của loài người, Thượng đế doạ sẽ trừng trị họ bằng một trận động đất. Ðất sẽ nứt nẻ và nước sẽ rút hết vào trong lòng đất... Một thứ nước độc sẽ tràn ngập mặt đất. Ai uống vào sẽ trở nên bất bình thường.

Một vị tiên tri nọ đã không xem thường lời đe doạ của Thượng đế. Ông chuẩn bị đương đầu với biến cố bằng cách từng ngày đem nước lên một ngọn núi cao. Số nước dự trữ đủ cho ông sống đến ngày tàn của cuộc đời...

Ðộng đất đã xảy đến, bao nhiêu sông nước trên mặt đất đều bốc hơi, một thứ nước khác được thay thế vào.

Một tháng sau, vị tiên tri trở lại đất bằng để xem những gì đang xảy ra cho loài người. Ðúng như lời đe doạ của Thượng đế, mọi người sống trên mặt đất đều hoá ra điên dại. Nhưng kỳ lạ thay, loài người không ý thức được tình trạng điên dại của mình. Trái lại, ai cũng muốn ra đường để chế diễu vị tiên tri vì họ cho rằng ông mới là người điên dại...

Buồn tình, vị tiên tri trở lại chốn núi cao của mình. Ông sung sướng vì nước dự trữ vẫn còn và ông vẫn là người duy nhất còn có một tâm trí lành mạnh, bình thường...

Nhưng ngày qua ngày, ông cảm thấy không chịu nổi sự cô đơn của mình. Ông khao khát được sống một cách bình thường với những người đồng loại. Thế là một lần nữa, ông trở lại đồng bằng. Và một lần nữa, ông lại bị dân chúng ruồng rẫy, vì họ cho rằng ông không còn giống họ nữa.

Không còn chịu được sự hắt hủi của những người đồng loại, vị tiên tri đã đổ hết số nước dự trữ của mình và ông uống lấy nước mới của người đồng loại để cũng trở nên điên dại như họ...”

Con đường dẫn đến chân lý không phải là con đường rộng thênh thang. Người đi tìm chân lý thường là người cô độc...

Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh tông đồ Toma. Ai cũng biết lời bất hủ của Toma khi tuyên bố về sự sống lại của Chúa: Nếu tôi không xỏ tay tôi vào lỗ đinh và cạnh sườn Ngài, tôi không tin... Theo phương pháp khoa học, nhiều người đã lấy câu nói của Toma làm châm ngôn cho việc đi tìm chân lý. Nghĩa là, nếu tôi không kiểm chứng được, nếu tôi không sờ mó được, tôi không chấp nhận điều đó là đúng...

Thái độ đó chưa hẳn là thái độ thực tiễn trong cuộc sống. Giá trị cao cả nhất trong cuộc sống: đó là sự tin tưởng, tín nhiệm đối với người khác. Ðau yếu, chúng ta đi mua thuốc, chúng ta buộc phải tin tưởng ở người bán thuốc. Lạc đường, chúng ta buộc phải tin tưởng ở lòng thành thật của người chỉ lối...

Thái độ đó càng đúng hơn trong lĩnh vực Ðức Tin... Chúng ta tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu không phải vì chúng ta đã thấy Người hiện ra, nhưng chỉ vì lời chứng của các tông đồ, của các tiền nhân... Một thái độ như thế đòi hỏi rất nhiều phấn đấu của lý trí. Lắm khi, chúng ta chỉ là một thiểu số cô độc.

Chúng ta dễ dàng rơi vào nỗi cô độc của những người đang đi tìm chân lý. Người Kitô thường phải đi ngược dòng. Ðiều người đời cho là bất bình thường, có lẽ phải là cái bình thường đối với người Kitô. Ðiều người đời cho là yếu nhược, có khi phải là sức mạnh của người Kitô. Ðiều người đời cho là điên dại, có khi phải là lẽ khôn ngoan của người Kitô.

(Trích trong 'Mỗi Ngày Một Tin Vui')

 

SUY NIỆM 5: Thánh Tôma, Tông Đồ

(tgpsaison.net)

Thánh Thomas (Tôma) Tông Đồ hay cũng còn được gọi là là Đi-đy-mô, xuất thân từ một gia đình nghèo túng tại Galilea, Do-thái. Tuy nhiên, không ai biết về ngày tháng năm sinh của Ngài, cũng không ai biết Ngài đã sinh ra tại địa điểm cụ thể nào ở Galilea. Theo tương truyền, Ngài đã đến Mailapur, một khu vực thuộc thánh phố Madras của Ấn-độ ngày nay, và đã chết tại đó vào năm 72 sau Chúa Kitô với tư cách là một vị Tử Đạo. Ngài là một trong nhóm 12 Tông Đồ, tức những môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, đã đồng hành với Chúa Giêsu suốt ba năm trường với tư cách là những người bạn và những môn sinh (xc. Ga 15,15). Tên của Ngài được đặt theo tiếng Aram: ta'am (Thomas), có nghĩa là "một cặp“ hay "người được sinh đôi“. Vì thế, trong Kinh Thánh, Thomas cũng được gọi là Didymos, vì từ Thomas được dịch sang tiếng Hy-lạp là δίδυμος (didymos). Theo truyền thống Syria, Thánh Nhân cũng còn được gọi là Judas Thomas, vì tại đó, Thomas được hiểu là tên đệm, hay tục danh.

Trong các Giáo hội Công giáo, Chính thống giáo và Anh giáo, Thánh Thomas được tôn kính với tư cách là vị Thánh Tông Đồ Tử Đạo. Trong các Giáo hội Tin Lành cũng có ngày tưởng nhớ tới Ngài.

1. Hình ảnh của Thánh Thomas trong Kinh Thánh

Thánh Thomas được cả bốn Tin Mừng nhắc tới trong bảng danh sách các Tông Đồ. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, tức ba cuốn Tin Mừng đầu tiên, Ngài đứng bên cạnh Thánh Mát-thêu - viên quan ngành thuế (Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,15). Trong sách Công Vụ Tông Đồ, người ta thấy Ngài đứng bên cạnh Tông Đồ Philiphê (Cv 1,13). Tin Mừng theo Thánh Gioan đã cung cấp một số chi tiết đặc biệt về Thánh Nhân, mà những chi tiết đó đã mô tả một cách rõ nét về những tính cách nơi con người Ngài.

a. Thomas là người đa nghi

Trước tiên, con đường dẫn tới việc tuyên xưng Đức Tin vào Con Thiên Chúa được trình bày nơi Thánh Thomas, dựa trên nền tảng căn bản phát xuất từ mối tương quan cá nhân của Ngài với Chúa Giêsu. Tin Mừng theo Thánh Gio-an (xc. Ga 20,19-29) đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn như thế:

“Vào chiều ngày ấy, tức ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

Sở dĩ Thánh Thomas bị gọi là người "đa nghi“ là vì, như được trình bày trong đoạn văn Kinh Thánh nêu trên, trước khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giê-su Phục Sinh thì Ngài đã nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa, cho tới khi chính Ngài tận mắt thấy được những vết đanh trên người của Đấng Phục Sinh.

b. "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống"

Một chi tiết tiếp theo về Thánh Thomas được ghi lại trong trình thuật về Bữa Tiệc Ly (xc. Ga 14,4). Trong Bữa Tiệc này, sau khi loan báo về cái chết đang đến gần của Ngài, Chúa Giê-su đã nói rằng, Ngài sẽ đi để dọn chỗ cho các Môn Đệ, để Ngài ở đâu thì các ông cũng sẽ được ở đó với Ngài; và Ngài đã giải thích cho các ông rằng: „Thầy đi đâu thì anh em cũng đã biết đường đến đó rồi“ (Ga 14,4). Nhưng Thánh Thomas đã xen vào và nói: „Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?“ (Ga 14,5). Câu hỏi của Thánh Nhân đã tạo điệu kiện cho Chúa Giê-su tuyên bố một lời rất nổi tiếng: "Thầy chính là đường, là sự thật và là sự sống“ (Ga 14,6).

c. “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!“

Thánh Thomas lại xuất hiện một lần nữa trong Tin Mừng trước khi Chúa Giê-su làm cho La-gia-rô phục sinh. Trong một khoảnh khắc đầy nguy ngập đối với cuộc sống của Ngài, Chúa Giê-su đã quyết định đi tới Bê-ta-ni-a để làm cho La-gia-rô được sống lại, và như thế, Ngài đã lên đường trong sự nguy hiểm, vì Bê-ta-ni-a nằm rất gần Giê-ru-sa-lem, nơi các thủ lãnh của dân đã quyết định làm mọi cách để khử trừ Chúa Giê-su (xc. Ga 10,22-39), do đó, chỉ cần nói tới đi đến Giê-ru-sa-lem thôi thì tất cả các môn đệ của Chúa Giê-su lẫn những người đi theo Ngài đều cảm thấy kinh hoàng và sợ hãi (xc. Mc 10,32). Trước sự quyết tâm của Chúa Giê-su và trước nỗi do dự của các Tông Đồ khác, Thánh Thomas đã nói với họ: „Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!“

2. Thánh Thomas đã nghi ngờ về cuộc Thăng Thiên của Đức Maria

Theo tương truyền, Thánh Thomas cũng là một Tông Đồ duy nhất đã không có mặt trong cuộc Thăng Thiên của Đức Maria. Khi được các Tông Đồ khác thuật lại cho biết sự kiện vừa nêu, Ngài cũng đã tỏ ra nghi ngờ giống như Ngài đã từng nghi ngờ về cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế Đức Mẹ đã hiện ra với kẻ đa nghi này và trao cho Ngài dây thắt lưng của Mẹ như là bằng chứng về việc cả hồn lẫn xác của Mẹ đều đã được nghinh đón trên Thiên Đàng. Do đó, trong nền kiến trúc Barock, hình ảnh Đức Maria cầm dây thắt lưng chính là một Mô-típ rất được yêu chuộng và phổ biến trong nghệ thuật Ki-tô giáo.

3. Những tương truyền về hoạt động tông đồ của Thánh Thomas

Cuốn Didache, tức cuốn Giáo lý của các Thánh Tông Đồ - một trong những tác phẩm Kitô giáo cố nhất ngoài 27 cuốn sách của Tân Ước – xuất hiện vào khoảng năm 100 sau Chúa Kitô, chứa đựng những bằng chứng cổ nhất bằng văn bản về hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại Ấn-độ. Theo cuốn sách này, Ngài đã thành lập Giáo hội tại Ấn-độ và tại những khu vực lân cận.

Khoảng một trăm năm sau, những tài liệu được gọi là những văn kiện về Thánh Thomas mới xuất hiện. Những tác phẩm này đã tường thuật lại một cách khá giống nhau về những công việc của Thánh Thomas, nhưng được thêu dệt thêm bởi rất nhiều những tình tiết giầu tính tưởng tượng, và có vẻ như bị ảnh hưởng nhiều bởi ngộ đạo thuyết.

Giáo phụ Ô-ri-gen cho biết rằng, trước tiên Thánh Thomas đã đến loan báo Tin Mừng tại Irak và Iran. Sau đó Ngài mới đến miền Nam Ấn-độ để hoạt động Tông Đồ, và vì những hoạt động truyền giáo của mình, nên Ngài đã bị giết tại Mailapur – một khu vực thuộc miền Nam Ấn-độ - vào năm 70 của thế kỷ thứ nhất. Người ta vẫn còn giữ được nhiều văn bản nói về những hoạt động của Thánh Thomas tại Ấn-độ, nhưng những văn bản đó xuất hiện sau thời Ô-ri-gen. Trong đó có những bản văn của Thánh Hieronymô (347-420), và của những người sống cùng thời với Ngài là Thánh Gaudentiô thành Brescia và Thánh Paulinô thành Nola (354-431).

Thánh Grêgôriô thành Tours (538-594) đã không chỉ cho chúng ta biết rằng, Thánh Thomas Tông Đồ đã hoạt động và chết tại Ấn-độ, nhưng còn cho biết thêm là, Ngài đã được mai táng tại đó trong một thời gian dài, và sau đó, các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển tới Edessa, nhưng nơi có ngôi mộ nguyên thủy của Ngài vẫn còn được tiếp tục tôn kính tại Ấn-độ. Thánh Isidor thành Sevilla (560-636) cũng nói tương tự như thế về Thánh Thomas, và cũng nói về cách thức lãnh nhận ơn Tử Đạo của Ngài tại Ấn-độ.

Một truyền thống khác phát sinh tại Nam Ấn-độ, và có nguồn gốc từ thời các Thánh Tông Đồ, và luôn tồn tại từ đó tới nay, đã cho biết về những hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại đó, và cho biết rằng, Ngài đã thành lập 7 giáo đoàn đầu tiên tại vùng duyên hải Malabar, cũng như cho biết về cuộc Tử Đạo của Ngài tại Mailapur nằm đối diện với vùng duyên hải Coromandel. Ngay cả truyền thống có tính địa phương của Ấn-độ về Thánh Thomas cũng xác nhận về việc các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển một phần lớn về Edessa, mà tại đây, trong các cuộc khai quật sau sau này, người ta đã phát hiện ra một ít Thánh tích vẫn còn sót lại của Ngài.

Ibas Edessa đã cho xây dựng một ngôi Thánh Đường tại quê hương của ông để tôn kính các Thánh Tích của Thánh Thomas. Còn hộp sọ được cho là của Thánh Thomas thì hiện tại đang được bảo quản trong Nhà Thờ Chính Tòa Sioni tại Tiflis, Giorgia, và được tôn kính tại đó bởi Giáo hội Tông Truyền Chính thống Giorgia như là Thánh Tích. Trong cuộc Thập Tự Chinh vào năm 1258, phần lớn Thánh Tích của Thánh Thomas đều được chuyển từ Edessa về Ortona, Ý, và những Thánh Tích đó vẫn đang được bảo quản tại đó cho tới tận ngày nay, trong một hòm đựng Thánh Tích đặt trong Nhà Nguyện nằm bên dưới Vương Cung Thánh Đường Ortona. Ngôi mộ nguyên thủy của Thánh Thoams tại Ấn-độ hiện đang là một điểm hành hương có sức lôi cuốn rất mạnh. Ngoài Vương Cung Thánh Đường kính Thánh Thomas được xây dựng ngay trên ngôi mộ trước đây của Ngài tại Mylapore, thuộc thành phố Chennai, thì tại khu vực phía Nam Ấn-độ cũng còn vô số những điểm hành hương khác, mà những điểm hành hương này đều có liên quan đến Thánh Thomas cũng như liên quan tới những hoạt động truyền giáo của Ngài tại đó. Sau đây là một số địa điểm nổi tiếng nhất:

1. Thánh Đường kính Thánh Thomas trên núi Chennai: đây là nơi mà theo tương truyền, Ngài đã Tử Đạo tại đó;

2. Thánh Đường kính Thánh Thomas nằm trên một ngọn núi nhỏ khác tại Chennai: đây là nơi mà theo tương truyền, Thánh Thomas đã đến ẩn náu tại đó trước khi chịu Tử Đạo;

3. Núi và Thánh đường Malayattoor tại Kerala: đây là nơi được cho là Thánh Thomas đã đến sống ẩn dật tại đó trong một thời gian dài để cầu nguyện và suy niệm;

4. Thánh Đường Codungallur: theo tương truyền, nơi đây đã từng là một thành phố cảng nổi tiếng, và vào năm 52, Thánh Thomas đã cập bến tại đây, và là một trong bảy cộng đoàn nguyên thủy do Thánh Thomas thành lập. Một cánh tay của Thánh Nhân đang được tôn kính tại đây. Cánh tay này đã được chuyển đến từ Ortona, nước Ý, như là một món quà của Đức Piô XII nhân dịp mừng kỷ niệm 1900 năm Ngày thánh Thomas đặt chân tới Ấn-độ.

5. Thánh Đường Palayur: đây là một trong bảy cộng đoàn nguyên thủy tại vùng duyên hải Malabar, và nguyên là một đền thờ của người Ấn giáo. Sau khi hầu hết các Giáo sĩ Bà-la-môn gia nhập Giáo hội Công giáo, Thánh Thomas đã biến ngôi đền này thành một ngôi Thánh Đường.

Theo một số truyền thống khác, mà những truyền thống này có lẽ có nguồn gốc từ ngộ đạo thuyết và từ phái Manichê, Thánh Thomas được coi là người anh em song sinh của Chúa Giêsu.

Thánh Thomas còn bị gán là tác giả của một cuốn Tin Mừng và của nhiều tác phẩm khác. Nhưng tất cả các tác phẩm này đều bị liệt vào số các sách Ngụy Thư.

4. Việc tôn kính Thánh Thomas

Tại Châu Âu, ngoài việc được tôn kính với tư cách là Thánh Tông Đồ Tử Đạo, Thánh Thomas còn được tôn kính với tư cách là vị Bổn Mạng của những người làm nghề thợ nề và thợ mộc. Bên cạnh đó, Ngài còn được tôn kính là Bổn mạng của các Thần học gia.

Trước đây Giáo hội mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12, nhưng từ năm 1969, với cuộc cải tổ Phụng Vụ, Giáo hội đã mừng kính Ngài vào ngày mồng 03 tháng 07 với bậc Lễ Kính, tức Lễ Bậc II. Ngày mồng 03 tháng 07 được coi là ngày di chuyển các Thánh Tích của Thánh nhân từ nơi Ngài được phúc Tử Đạo, tức từ Kalamina về Edessa hồi thế kỷ thứ III.

Giáo hội Chính Thống giáo mừng kính Thánh Thomas vào ngày mồng 06 tháng 10.

Còn các Giáo hội Tin Lành thì vẫn tiếp tục mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12.

Và Giáo hội Anh giáo cũng mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12.

 

SUY NIỆM 6: Thánh Tôma, Tông Đồ

Thánh Tôma (còn có tên gọi là Điđimô) là một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu. Có lẽ thánh Tôma được biết đến nhiều nhất bởi sự kiện được ghi trong Tân Ước là: các tông đồ khác kể lại cho ông là đã nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra với họ sau khi chịu chết, nhưng ông không tin và đòi được tận mắt nhìn sự việc thì mới tin. Ngày khác, khi Giêsu lại hiện ra với các tông đồ, cũng có mặt Tôma, thì ông đã tin và thốt lên câu nói nổi tiếng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (Gioan 20, 24-28). Lời tuyên xưng ấy đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước. Nhờ ngài mà Kitô Hữu có được lời nhận định của Đức Giêsu: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin" (Gioan 20,19).

Phúc Âm, đặc biệt là Phúc Âm thánh Gioan, đã cho ta thấy ngài là người rất nhiệt thành và tận tụy. Một lần Chúa Giêsu muốn về Giuđêa để cho Lazarô sống lại, nhưng nơi đó người Do Thái đang âm mưu giết Chúa, nên Tôma đã can đảm nói: "Nào chúng ta cùng đi để được chết với Thầy”(Gioan 11,16b). Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Đức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến có Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đi rao giàng khắp nơi, và thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng ngài đến Ấn Độ, đem đức tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaca, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là "Kitô hữu của thánh Tôma". Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự cố đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết ở nơi gọi là Calamine.

Thánh Tôma chia sẻ số phận của thánh Phêrô, thánh Giacôbê và Gioan (những người "con của sấm sét"), thánh Philipphê và lời thỉnh cầu dại dột của ngài khi muốn được nhìn thấy Chúa Cha - thật vậy mọi tông đồ đều có những khiếm khuyết và thiếu hiểu biết. Tuy nhiên chúng ta không thể chỉ chú ý đến các khuyế điểm này, vì Đức Kitô đã không chọn những người vô dụng. Sự yếu đuối của các ngài vì bản tính loài người cho thấy sự thánh thiện là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không phải công sức của con người; món quà ấy được ban cho những con người bình thường đầy khiếm khuyết; chính Thiên Chúa là người từ từ biến đổi những khuyết điểm ấy trở thành hình ảnh của Đức Kitô, can đảm, trung tín và nhân hậu.

Giáo Hội kính nhớ ngài vào ngày 3 tháng 7 hằng năm. Hợp ý với Giáo Hội, chúng ta hãy xin Chúa, nhờ lời bầu cử của thánh nhân, thêm đức tin cho chúng ta, nhất là trong thế giới duy vật ngày nay. Bằng việc quyết tâm noi gương Thánh Tôma tông đồ, chúng ta luôn cố gắng tìm tòi học biết niềm tin vào Chúa Kitô, để giúp những người cứng lòng được tin thật Người là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ trần gian.

Giuse Đinh Thành Đạt SDB

 

SUY NIỆM 7: Thánh Tôma, Tông Đồ

Thánh Thomas Tông Đồ được mô tả như một con người sáng suốt, thực tế và quả cảm theo Phúc Âm của Gioan. Ông có biệt danh là Didymô nghĩa là song sanh. Thomas đoán chắc những việc lớn lao sẽ diễn ra ở Jérusalem dịp lễ Vượt Qua "Chúng ta hãy cùng đi để chết với Người" (Gn 11, 6)

Thật tội nghiệp cho Thánh Tôma! Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên "Tôma Hồ Nghi" trong suốt 20 thế kỷ. Nhưng nếu ngài nghi ngờ thì ngài cũng đã tin. Lời ngài tuyên xưng đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!" (coi Gioan 20:24-28), và lời ấy đã trở thành lời cầu nguyện được đọc cho đến tận thế. Cũng nhờ ngài mà Kitô Hữu chúng ta có được lời nhận định của Ðức Giêsu: "Anh tin là vì anh đã thấy Thầy. Phúc cho những người không thấy mà tin" (Gioan 20:29).

Thánh Tôma cũng nổi tiếng vì sự can đảm của ngài. Có thể điều ngài nói là do bốc đồng – vì ngài cũng bỏ chạy như các tông đồ khác khi Ðức Giêsu bị bắt bớ – nhưng chắc chắn ngài đã không giả dối khi nói lên ý muốn cùng chết với Ðức Giêsu. Ðó là khi Ðức Giêsu đề nghị đến Bêtania sau khi Lagiarô từ trần. Vì Bêtania rất gần với Giêrusalem, điều đó có nghĩa phải đi bộ ngang qua phần đất của kẻ thù và rất có thể sẽ bị giết chết. Nhận biết sự kiện này, Thánh Tôma nói với các tông đồ khác, "Chúng ta hãy cùng đi để chết với Thầy" (Gioan 11:16b).

Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Ðức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại Hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến cố Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Ðồ đi rao giảng khắp nơi, và Thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthia, Medes  và Persia (Ba Tư); sau cùng ngài đến Ấn Ðộ, đem Ðức Tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaba, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là "Kitô Hữu của Thánh Tôma" theo lễ điển Malabar còn làm chứng tá cho tương truyền ấy. Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết năm 72 ở nơi gọi là Calamine.

Trong các hình của thánh nhân tay cầm một cây thước thợ nề mà theo tương truyền thánh nhân đã xây cung điện cho vua Guduphara ở Ấn Độ. Lễ kính thánh nhân ngày 03 tháng 7 là ngày chuyển dời thánh tích của thánh nhân về Edessa ở Mesopotamia.

(Trích Gương Thánh Nhân)



 

SUY NIỆM

Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ kính Thánh Tô-ma Tông Đồ, thánh sử Gioan kể cho chúng ta nghe về hành trình đức tin của thánh nhân và mời gọi chúng ta nhận ra chính chúng ta nơi hành trình này.

Hành trình gồm ba yếu tố, liên quan mật thiết với nhau và luôn luôn hiện diện trong đời sống đức tin của chúng ta: Ước ao « đi theo Đức Ki-tô chịu đóng đinh » một cách cụ thể, lắng nghe lời chứng về Người đang sống động và kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Người.

Ba lời đáp ca trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều của ngày lễ kính thánh Tông Đồ Tô-ma cũng diễn tả thật rõ ràng ba yếu tố làm nên nền tảng của ơn gọi « Thừa Sai Đức Tin » (tên riêng của Hội Dòng Thừa Sai Đức Tin, được viết tắt là MF) :

Ông Tô-ma thưa cùng Chúa:
“Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu,
thì làm sao biết đường?”
Chúa Giê-su đáp lại:
“Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống.” (Ga 14, 5)

Khi Chúa Giê-su hiện đến, thì ông Tô-ma vắng mặt,
các môn đệ nói với ông:
“Chúng tôi đã được thấy Chúa.” Ha-lê-lui-a. (Ga 21, 25)

Chúa Giê-su bảo ông Tô-ma:
“Ðưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy,
đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ha-lê-lui-a. (c. 27)

1. “Chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài”

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta ít nhất nghe thánh Tô-ma lên tiếng bốn lần :

  • “Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16).
  • “Thưa Thầy, chúng con không biết được Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết được đường đi” (14, 5).
  • “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (20, 25). Khởi đi từ hai lời nói trước của thánh Tô-ma, chúng ta có thể nhận ra tâm tình thật sự ẩn đàng sau lời nói, vẫn bị coi là cứng lòng tin, đó là “tôi khao khát Thầy vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này, hiện hữu bằng xương bằng thịt, để tôi tiếp tục đi theo Thầy”.
  • Cuối cùng là lời tuyên xưng đức tin vượt qua vô hạn điều ông Tô-ma nhìn thấy: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

Qua những lời này, chúng ta có thể nhận ra nơi thánh Tô-ma một sự quyết tâm rất lớn muốn đi theo Đức Giê-su, không phải trong tư tưởng, nhưng bằng « chính đôi chân của mình ». Đây đã một lời mời gọi đầy ý nghĩa đối với mỗi người chúng ta.

Tuy nhiên, cứ mỗi lần ông Tô-ma lên tiếng, Đức Giê-su đều mời gọi ông đi từ bình diện hữu hình sang bình diện vô hình, từ bề ngoài sang bề trong, từ bề mặt sang bề sâu : cuộc Thương Khó và nhất cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá không đơn giản như ông Tô-ma nghĩ, nghĩa là cái chết của Thầy là cách Thầy thử thách người môn đệ, hoặc là tai họa không đáng có, nhưng không tránh được, thì « tôi sẽ đi chết với Thầy cho trọn tình trọn nghĩa! » ; và đường đi không phải là đường bộ, nhưng là chính ngôi vị của Đức Giê-su, bởi vì chính Người là “Đường Đi”.

 2. “Chúng tôi đã được thấy Chúa”

Thánh Tô-ma cứng lòng tin, nhưng không chỉ thánh nhân, mà tất cả các tông đồ khác nữa. Thật vậy, Đức Ki-tô phục sinh khiển trách thánh Tô-ma, như đã khiển trách các tông đồ, vì đã không tin khi nghe lời chứng của các chứng nhân (x. Mc 16, 9-15).

Thật vậy, đáng lẽ ra, với lời chứng của các tông đồ khác, ông Tô-ma đã phải tin rồi. Vì khi gặp ông Tô-ma, Đức Giê-su Ki-tô phục sinh sẽ trách ông : “Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma vẫn muốn có được Đức Giêsu như xưa kia, trong khi Ngài đã đi vào trong sự sống mới. Vì thế, tương quan với Thầy, việc đi theo Thầy cũng sẽ mới. Đức Ki-tô không còn hiện diện với các môn đệ, và với chúng ta hôm nay một cách thể lý nữa, nhưng qua Thần Khí của Ngài, qua Lời của Ngài, qua các bí tích, qua những ơn huệ, qua những con người mà chúng ta được sai đến để phục vụ, nhất là những người bé nhỏ, nghèo hèn, bị thua thiệt, qua tương quan hiệp nhất, qua hành vi « bẻ bánh » của chúng ta, nghĩa là chia sẻ sự sống.

Thánh Tô-ma muốn thấy và không chỉ muốn thấy, mà còn muốn đụng ? Và rồi khi Chúa tỏ mình ra, Người mời gọi đụng vào Chúa, nhưng thánh nhân không dám đụng ! Đó là vì Người vừa là Đức Giê-su trước cuộc Thương Khó và vừa là Đức Chúa, là Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và sự chết, vừa là Đấng Khác Hẳn, vượt không gian và thời gian. Vì thế, người ta không thể tự mình nhận ra ngay, mỗi khi Người tỏ mình ra.

 3. “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”

a.« Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”

Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho các tông đồ và cách đặc biệt với thánh Tô-ma mà chúng ta mừng kính hôm nay, với dấu chỉ « tay và cạnh sườn » bị đâm thâu, được đặc biệt nhấn mạnh, theo lời kể của thánh sử Gio-an :

Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn(c. 20)

Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.(c. 27)

Và chính thánh Tô-ma, khi nghe lời chứng của các tông đồ về kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, cũng quan tâm chính xác đến dấu chỉ « tay và cạnh sườn » chịu đâm thâu của Người, trong cuộc thương khó :

Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”[1](c. 25)

Đấng chịu đóng đinh, « tay và cạnh sườn » bị đâm thâu và đã chịu chết, nhưng nay vẫn hiện diện. Đó chỉ có thể là sự hiện diện thần linh, vượt qua bình diện thể lý, như thánh Tô-ma tuyên xưng : « Lạy Chúa của con… », và vì thế, vẫn mời gọi lòng tin : « Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin ».

« Đấng Phục Sinh với vết thương ở tay và cạnh sườn ». Đó chính là hình ảnh sống động và thiêng liêng của MẦU NHIỆM VƯỢT QUA : ĐỨC KI-TÔ CHẾT và PHỤC SINH, mầu nhiệm mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ. Đấng Phục Sinh với vết thương ở « tay và cạnh sườn » vẫn bày tỏ sự hiện diện thần linh của Người cho chúng ta, khi mời gọi chúng ta « đọc cuộc đời của chúng ta dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua » :

  • Đức Ki-tô phục sinh mời gọi hai môn đệ trên đường Emmau : đọc hiểu Kinh Thánh và đọc hiểu đời mình dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Nhờ đó, họ nhận ra Người đang hiện diện sống động (x. Lc 24, 13-35).
  • Đức Ki-tô phục sinh mở đường, soi sáng và thêm sức, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Người, cho các tông đồ và cho chúng ta hôm nay, trong hành trình sống Lựa Chọn đi theo Người trong một ơn gọi.
  • Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho chúng ta cách đặc biệt, ngang qua « kinh nghiệm về ân sủng », mà cha Karl Rahner đã mô tả như sau : « Đó là khi ta vâng lời, không phải vì bó buộc, để tránh bị rày rà, nhưng chỉ vì một huyền nhiệm… Khi ta tỏ lòng tốt với một ai đó mà không mong chờ một sự biết ơn hay thông cảm » (Jean Lafrance, Cầu nguyện cùng Cha trong thầm kín, trang 153).

Như thế, chính Đức Ki-tô mời gọi chúng ta đón nhận và đi vào kinh nghiệm thiêng liêng của mối phúc : « Không thấy mà tin ». Không thấy, nhưng đó không phải « cả tin », vì sự hiện diện của Đức Ki-tô phục sinh được nhận ra qua những dấu chỉ (sáng tạo, lịch sử, « tấm bánh »), mang lại ý nghĩa và hoa trái cho cuộc sống ngay hôm nay.

b. « Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Tám ngày sau ; có nghĩa là đúng một tuần. Đó là đêm tối của đức tin, nhưng cũng là thời gian cần thiết để đi tới đức tin đích thật. Thực vậy, ông Tô-ma đã trở thành con người khác, sau thời gian một tuần : ông đã không làm điều ông tuyên bố, mặc dù chính Đức Giêsu mời ông thực hiện. Đức Ki-tô khởi đi từ điều ông Tô-muốn, nhưng là để mời gọi ông đi xa hơn và sâu hơn trong cách thức tin, hiểu, yêu và đi theo Đức Ki-tô Phục Sinh. Ông tuyên xưng :

Lạy Chúa của con,
lạy Thiên Chúa của con. 
(c. 28)

Đức Giêsu phục sinh mà ông « nhìn thấy » trước mặt ông là một « Đấng Khác », không như ông đã nghĩ. Đó là sự hiện diện thần linh, sự hiện diện của Đấng vô hình. Biến cố hiện ra này, cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh của bà Maria Mác-đa-la, của hai môn đệ trên đường Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta mới nhận ra, bởi vì Đức Ki-tô sau cái chết đã đi vào sự sống mới.

Tương quan giữa chúng ta cũng cần vượt qua sự hiện diện hữu hình : tuy không thấy nhau, chúng ta vẫn được mời gọi sống sự hiện của nhau, ngang qua quà tặng, ngang qua ơn huệ. Điều này đặc biệt quan trọng trong huấn luyện : giữ tương quan ngay trong sự vắng mặt.

*   *  *

Như thánh Tô-ma, chúng ta hãy có lòng ước ao mạnh mẽ « thấy » Chúa để đi theo Người một cách cụ thể ; và xin cho chúng ta vượt qua bình diện thấy thể lí, để có thể nhận ra Đức Giê-su Ki-tô, là Đức Chúa Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ sáng tạo, sự sống, cuộc đời, ơn gọi, Lời Chúa, Thánh Thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời của chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa ngay trong lòng chúng ta, vì Người đã từng nói : « Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. » Và như thế, chúng ta sẽ hưởng được mối phúc mà Đức Ki-tô công bố :

Phúc thay những người
không thấy mà tin. 
(c. 29)

Đó là mối phúc nhận ra, ở lại, đi theo và trở nên một với Đấng Phục Sinh ngang qua kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện và nhận ra Ngài hiện diện nơi các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh thể, và cả trong đời thường nữa với những hoàn cảnh và biến cố xảy ra trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; như thánh Gioan kết luận sách Tin Mừng của Ngài :

Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người. (c. 31)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Chúng ta có thể tự hỏi : tại sao ông Tô-ma không kể thêm « chân của Người » (x. Lc 24, 39) ?

 

Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ – SN song ngữ ngày 3.7.2020

 

Friday (July 3): “I desire mercy – not sacrifice”

Scripture:  Matthew 9:9-13  

9 As Jesus passed on from there, he saw a man called Matthew sitting at the tax office; and he said to him, “Follow me.” And he rose and followed him. 10 And as he sat at the table in the house, behold, many tax collectors and sinners came and sat down with Jesus and his disciples. 11 And when the Pharisees saw this, they said to his disciples, “Why does your teacher eat with tax collectors and sinners?”  12 But when he heard it, he said, “Those who will have no need of a physician, but those who are sick.  13 Go and learn what this means, `I desire mercy, and not sacrifice.’ For I came not to call the righteous, but sinners.”

 

Thứ Sáu     3-7                Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ

 

Mt 9,9-13

 9 Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! ” Ông đứng dậy đi theo Người.10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy? “12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Meditation:

What is God’s call on your life? Jesus chose Matthew to be his follower and friend, not because Matthew was religious or learned, popular or saintly. Matthew appeared to be none of those. He chose to live a life of wealth and ease. His profession was probably the most corrupted and despised by everyone because tax collectors made themselves wealthy by over-charging and threatening people if they did not hand over their money to them. 

God searches our heart

What did Jesus see in Matthew that others did not see? When the prophet Samuel came to the house of Jesse to anoint the future heir to the throne of Israel, he bypassed all the first seven sons and chose the last! “God looks at the heart and not at the appearance of a man” he declared (1 Samuel 16:7). David’s heart was like a compass looking for true north – it pointed to God. Matthew’s heart must have yearned for God, even though he dare not show his face in a synagogue – the Jewish house of prayer and the study of Torah – God’s law. When Jesus saw Matthew sitting at his tax office – no doubt counting his day’s profit – Jesus spoke only two words – “follow me”. Those two words changed Matthew from a self-serving profiteer to a God-serving apostle who would bring the treasures of God’s kingdom to the poor and needy.

 

John Chrysostom, the great 5th-century church father, describes Matthew’s calling: “Why did Jesus not call Matthew at the same time as he called Peter and John and the rest? He came to each one at a particular time when he knew that they would respond to him. He came at a different time to call Matthew when he was assured that Matthew would surrender to his call. Similarly, he called Paul at a different time when he was vulnerable, after the resurrection, something like a hunter going after his quarry. For he who is acquainted with our inmost hearts and knows the secrets of our minds knows when each one of us is ready to respond fully. Therefore he did not call them all together at the beginning when Matthew was still in a hardened condition. Rather, only after countless miracles, after his fame spread abroad, did he call Matthew. He knew Matthew had been softened for full responsiveness.”

Jesus- the divine physician

When the Pharisees challenged Jesus’ unorthodox behaviour in eating with public sinners, Jesus’ defence was quite simple. A doctor doesn’t need to visit healthy people – instead he goes to those who are sick. Jesus likewise sought out those in the greatest need. A true physician seeks healing of the whole person – body, mind, and spirit. Jesus came as the divine physician and good shepherd to care for his people and to restore them to the wholeness of life. The orthodox were so preoccupied with their own practice of religion that they neglected to help the very people who needed spiritual care. Their religion was selfish because they didn’t want to have anything to do with people not like themselves. Jesus stated his mission in unequivocal terms: I came not to call the righteous, but to call sinners. Ironically the orthodox were as needy as those they despised. All have sinned and fall short of the glory of God (Romans 3:23).

 

 

 

On more than one occasion Jesus quoted the saying from the prophet Hosea: For I desire mercy and not sacrifice (Hosea 6:6). Do you thank the Lord Jesus for the great mercy he has shown to you?  And do you show mercy to your neighbour as well?

“Lord Jesus, our Savior, let us now come to you: Our hearts are cold; Lord, warm them with your selfless love. Our hearts are sinful; cleanse them with your precious blood. Our hearts are weak; strengthen them with your joyous Spirit. Our hearts are empty; fill them with your divine presence. Lord Jesus, our hearts are yours; possess them always and only for yourself.” (Prayer of Augustine, 354-430)

Suy niệm:

Ơn gọi của Thiên Chúa dành cho cuộc đời bạn là gì? Ðức Giêsu đã chọn Matthêu làm môn đệ và bạn hữu của mình không phải vì ông đạo đức hay trí thức, nổi tiếng hay thánh thiện. Matthêu không phải là một trong những hạng người đó. Ông ta chọn một cuộc sống giàu có và dễ dãi. Nghề nghiệp của ông có thể nói là một nghề bị người ta coi là đồi bại và đáng khinh nhất, bởi vì những người thu thuế làm giàu bằng cách thu tiền quá mức và đe dọa người ta nếu như người ta không chịu nộp tiền cho họ.

Thiên Chúa tìm kiếm tấm lòng

Ðức Giêsu nhìn thấy nơi Matthêu điều gì mà người khác không thấy? Khi ngôn sứ Samuel đến nhà Giêsê để xức dầu cho người kế vị tương lai vương quyền Israel, ông đã bỏ qua tất cả 7 người con trai đầu và chọn người con út! “Thiên Chúa nhìn tâm hồn chứ không nhìn diện mạo bề ngoài của con người”. Tâm hồn Đavít tựa như kim la bàn luôn hướng về phía Bắc – nó luôn hướng về Chúa. Tâm hồn của Matthêu chắc hẳn rất khao khát Thiên Chúa, mặc dù ông không dám xuất hiện trong đền thờ – nhà cầu nguyện của người Do thái và học kinh Torah – lề luật của Chúa. Khi Ðức Giêsu nhìn thấy Matthêu ngồi ở trạm thu thuế – chắc chắn ông ta đang đếm tiền thuế thu được của ngày hôm đó – Ðức Giêsu nói vỏn vẹn ba chữ: “Hãy theo Ta”. Ba chữ kia đã thay đổi Matthêu từ một người trục lợi cho mình thành một tông đồ phụng sự Thiên Chúa, một người sẽ đem kho tàng nước Chúa cho những người nghèo khổ túng thiếu.

Giáo phụ John Chrysostom ở thế kỷ thứ 5 nói về ơn gọi của Matthêu như sau: “Tại sao Ðức Giêsu không kêu gọi Matthêu cùng lúc với Phêrô và Gioan, hay với các tông đồ khác? Chúa đến với từng vị ở một khoảng thời gian đặc biệt, khi Người biết rằng họ sẽ đáp trả. Chúa đến gọi Matthêu ở thời gian khác, khi Người chắc chắn rằng ông sẽ nghe theo tiếng gọi của Người. Tương tự, Chúa đã gọi Phaolô ở thời gian khác, lúc Người bị xúc phạm sau khi phục sinh, giống như thể người thợ săn theo đuổi con mồi của mình. Vì Người là Đấng thấu suốt tâm can của chúng ta, và biết rõ những sự bí ẩn trong tâm trí, biết rõ khi mỗi người chúng ta sẵn sàng đáp trả lại cách trọn vẹn. Vì thế, Người không gọi tất cả ngay từ lúc ban đầu, khi Matthêu vẫn đang ở trong tình trạng cứng lòng. Hơn nữa, chỉ sau khi xảy ra vô số các phép lạ, sau khi danh tiếng của Người vang dội khắp nơi, thì Người mới gọi Matthêu. Người biết Matthêu đã mềm lòng cho sự đáp trả tiếng gọi của Người.”

Đức Giêsu – vị Thần Y

Khi những người Pharisêu chống lại thái độ không chính thống của Ðức Giêsu trong việc ăn uống với các tội nhân cách công khai, sự biện hộ của Ðức Giêsu hết sức đơn giản. Bác sĩ không cần khám bệnh cho người khoẻ mạnh, thay vào đó ông sẽ đến với những người đau yếu bệnh tật. Ðức Giêsu cũng đi tìm những ai đang ở trong tình trạng thiếu thốn nhất. Người thầy thuốc thật sự luôn tìm cách chữa toàn thể con người: thân xác, tâm trí, và linh hồn. Ðức Giêsu đến như một vị thần y và một mục tử nhân lành để săn sóc dân Người và phục hồi toàn bộ sự sống cho họ. Những người chính thống quá bận tâm lo lắng với việc hành đạo riêng của mình đến nỗi họ quên đi việc giúp đỡ những người đang cần sự chăm sóc thiêng liêng. Niềm tin của họ quá ích kỷ bởi vì họ không muốn làm bất cứ điều gì cho những người không giống họ. Ðức Giêsu khẳng định về sứ mệnh của mình một cách dứt khoát: Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi. Một cách trớ trêu thay, những người chính thống cũng thiếu thốn như những người mà họ coi thường. Tất cả mọi người đều đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (Rm 3,23).

Ðức Giêsu đã vài lần trích dẫn lời nói của ngôn sứ Hôsê rằng: Ta muốn lòng nhân chứ không cần hy lễ (Hs 6,6). Bạn có biết ơn Chúa Giêsu vì lòng thương xót vô biên mà Người đã dành cho bạn không? Và bạn có bày tỏ lòng thương xót với tha nhân không?

Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc con, giờ đây xin cho con đến với Chúa. Lạy Chúa, linh hồn hồn lạnh lẻo, xin sưởi ấm nó với tình yêu vị tha của Chúa. Linh hồn con tội lỗi, xin thanh tẩy nó bằng máu châu báu của Chúa. Linh hồn con yếu đuối, xin tăng sức cho nó bằng Thần Khí vui mừng của Chúa. Linh hồn con trống rỗng, xin lấp đầy nó bằng sự hiện diện thần linh của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, linh hồn con là của Chúa, xin Chúa chiếm hữu nó luôn, và xin cho nó luôn thuộc về Chúa thôi. (Lời nguyện của thánh Augustinô, 354-430).

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây