Thứ Tư tuần 14 thường niên.

Thứ ba - 07/07/2020 07:52

Thứ Tư tuần 14 thường niên.

"Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel".

 

Lời Chúa: Mt 10, 1-7

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.

Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".

 

 

Suy Niệm 1: Mười hai tông đồ

Suy niệm :

Đức Giêsu đã cần mười hai bạn trẻ cộng tác với mình,

để làm mục tử cho đàn chiên, làm thợ gặt cho mùa lúa chín vàng,

làm tông đồ cho một nước Paléttin nhỏ bé.

Ngài chia sẻ cho họ uy quyền mình có và sứ vụ mình làm (c. 1).

Con số mười hai gợi nhớ mười hai chi tộc Israel ngày xưa.

Giáo Hội Ngài thiết lập sẽ là Israel mới, đặt nền trên mười hai bạn trẻ.

Chúng ta khó hình dung khuôn mặt riêng của mỗi vị tông đồ,

nhưng ta biết tên của họ qua các sách Tin Mừng, dù có chút dị biệt.

Họ có cá tính và cuộc đời riêng, nhưng đều được gọi bởi Thầy Giêsu,

và được Thầy sai đến với dân tộc mình là Israel (c. 6).

Tin Mừng Mátthêu kể tên nhóm Mười Hai theo từng cặp.

Simôn Phêrô đứng đầu danh sách, còn Giuđa Ítcariốt thì đứng cuối.

Chỉ sau này ta mới biết Simôn sẽ chối Thầy và Giuđa sẽ phản bội.

Có những cặp anh em ruột: Simon và Anrê, Gioan và Giacôbê.

Có người làm nghề thu thuế cho quân đô hộ: Mátthêu.

Có người lại muốn dùng vũ trang giải phóng đất nước: Simôn nhiệt thành.

Có ba người được coi là môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacôbê.

Nói chung đa số là những người ít học thức, làm nghề đánh cá.

Được sai đi thật là một thách đố đối với họ.

Họ có làm nổi những việc Thầy giao không?

Vào thời Đức Giêsu, rao giảng “Nước Trời đã đến gần” là điều không dễ.

Để người ta tin chuyện đó, cần phải minh chứng bằng hành động cụ thể,

như chữa lành bệnh hoạn và khử trừ thần ô uế.

Vào thời nay, rao giảng Tin Mừng Nước Trời lại càng không dễ.

Rao giảng vẫn phải đi kèm với các việc phục vụ con người.

Lập một bệnh xá, bắc một cây cầu, đào một giếng nước,

giúp trẻ em nghèo đến trường, đưa người cai nghiện về lại với cộng đoàn,

cho các cô gái lầm lỡ có chỗ sinh con và nuôi con…

Giáo Hội đã làm nhiều việc và vẫn còn bao nhu cầu mới mẻ.

Nhưng có một việc mà xã hội hôm nay không biết là mình đang cần,

đó là được giải phóng khỏi những thần ô uế mới đang ám ảnh con người.

Mười Hai tông đồ ngày xưa đã đi khắp mảnh đất Paléttin,

và đã đặt chân đến những vùng đất mới.

Thế giới hôm nay rộng hơn và phẳng hơn xưa.

Chúng ta được Đấng Phục sinh sai đến mọi dân tộc (Mt 28, 20).

Các phương tiện truyền thông ngày nay giúp ta dễ dàng làm chuyện đó.

Nhưng chúng ta vẫn không được quên, trên quê hương Việt Nam

gần 80 triệu đồng bào chưa đón nhận Tin Mừng.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha,

Cha muốn cho mọi người được cứu độ

và nhận biết chân lý,

chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

chưa nhận biết Đức Giêsu,

họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

khát vọng truyền giáo,

khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến

với những người bạn gần bên,

giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,

qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện

cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: TÌNH THƯƠNG DIỆU KỲ

Thật diệu kỳ tình thương của Thiên Chúa. Chúa đã chúc phúc cho nhà Gia-cóp. Nhưng các con ông bất hoà vì ghen ghét đã bán Giu-se sang Ai-cập. Ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Giu-se trở thành tể tướng nước Ai-cập, chuyên lo cấp phát lúa gạo cho dân trong thời đói kém. “Cứ đến với Giu-se”. Đó là chính là Chúa chăm lo cho dân. Con cái ông Gia-cóp cũng phải sang Ai-cập mua thóc lúa. Giu-se thử lòng và thấy họ đã biết sám hối tội lỗi. “Họ bảo nhau: “Than ôi! Chúng ta có lỗi với em chúng ta: chúng ta đã thấy nó phải ngặt nghèo. Nó đã năn nỉ chúng ta, nhưng chúng ta chẳng nghe. Chính vì thế mà chúng ta gặp cảnh ngặt nghèo này”. Vì thế, Chúa tha tội, và ông Giu-se đã cấp phát lúa gạo cho họ (năm lẻ).

Hô-sê vừa trách móc dân bội bạc vừa hiểu biết tình thương vô bờ của Thiên Chúa và thấy trước Thiên Chúa sẽ cứu độ dân Người. Tình thương Thiên Chúa thật lớn lao. Đã vun trồng Ít-ra-en thành cây nho “sum suê, trái trăng thật dồi dào phong phú. Nhưng trái trăng càng nhiều, chúng càng dựng thêm các bàn thờ ngẫu tượng…” Chúa trừng phạt họ: “Thế là Sa-ma-ri tiêu tùng”. Ông khuyên nhủ dân chúng hãy ăn năn sám hối. “Hãy gieo công chính, rồi sẽ gặt được tình thương. Hãy khai khẩn đất hoang; đây là thời kiếm tìm Đức Chúa”. Và ông tiên báo Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ: “Cho đến khi Người đến làm mưa công chính trên các ngươi” (năm chẵn).

Đến thời đến buổi Thiên Chúa sai chính Con Một xuống trần cứu độ trần gian. Thật là một tình yêu lớn lao. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người”. Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thật là một sáng kiến vượt trí tưởng tượng của loài người. Dân cũ đã hư hỏng. Nên Chúa Giê-su lập ra một dân mới. Dân cũ phát sinh từ 12 chi tộc dòng dõi Gia-cóp. Dân mới cũng có 12 cột trụ là 12 tông đồ được Chúa tuyển chọn. Dân cũ bị những thần tượng ngoại lai cám dỗ. Bị ma quỉ khống chế. Dân mới được Chúa cứu khỏi ách nô lệ ma quỉ, xác thịt, thế gian. Đi đến đâu Người xua trừ ma quỉ đến đó. Các tông đồ tiếp tục công việc của Chúa. Vì Chúa “ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Đi khắp nơi các ông rao giảng: “Nước Trời đã đến gần”.

Thật cao cả tình thương của Thiên Chúa. Thật lạ lùng sáng kiến của Thiên Chúa. Hôm nay Chúa cũng mời gọi tôi hãy giúp Chúa mở rộng Nước Thiên Chúa. Hãy xua trừ thần ô uế. Và chữa lành mọi bệnh tật. Vì thế giới hôm nay còn nhiều thần dữ thống trị. Và có rất nhiều chứng bệnh đo thần dữ và thế gian gây ra.

Tgm Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Suy Niệm 3: Chọn các Tông Ðồ

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.

Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.

Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Một Hội Thánh bên ngoài Hội Thánh

Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần.” (Mt. 10, 1. 7)

Sai đi truyền giáo

Khi Chúa sai các Tông đồ đi truyền giáo, Chúa cho các ông một chỉ thị rất rõ ràng: “Tốt hơn là anh em hãy đến với các con chiên lạc nhà It-ra-en”. Vậy là có những người mà các tông đồ phải ưu tiên đến với họ. Họ không phải là dân ngoại, cũng không phải là những người xa xăm chưa biết Chúa. Những người đầu tiên mà các môn đệ phải đi tới, đó là những đồng bào của các ông đang sống bất trung và tội lỗi. Các ông phải đến với họ. Các ông phải ra đi tiếp xúc gặp gỡ để loan báo cho họ biết rằng Nước Trời đã đến gần.

Hãy đi ra bên ngoài giáo hội

Chỉ thị trên đây của Chúa, ta hãy đem ra áp dụng đúng vào hoàn cảnh hôm nay của ta. Những người mà ta phải nói cho họ biết về Chúa, lại đang ở rất gần ta. Họ là những người đồng hương với ta. Họ là những người bà con lối xóm của ta. Họ là những người cùn nghề cùng sở làm với ta. Nhưng ta phải đến với họ nhân danh Chúa Giêsu, có nghĩa là vì hạnh phúc đời đời của họ mà ta phải đi bước trước, phải tới gõ cửa nhà họ để giới thiệu cho họ biết có một đấng luôn yêu thương họ, và quan tâm đến vận mệnh đời đời của họ. Bởi vì rất có thể là họ sẽ không đến với ta và Giáo hội.

Có một thời Giáo hội đã quá quen với nếp sống ù lì là thích tiếp nhận những kẻ đến với mình hơn là ra đi đến với họ. Thời đó nay đã qua rồi. Giáo hội không thể là một biệt khu khép kín. Các linh mục không thể chỉ luẩn quẩn làm việc trong nhà xứ. Các tín hữu không thể chỉ coi mình là những nhà truyền giáo cho những người đang sống trong lòng Giáo hội mà thôi. Đã đến lúc phải vượt ra bên ngoài Giáo hội, phải ra khỏi các phòng hội họp của giáo xứ để đi đến những nơi công cộng, để thâm nhập vào mọi nơi, mọi tầng lớp xã hội. Để chu toàn sứ mệnh của mình, Giáo hội phải tỏ mình ra và hành động ở bên ngoài các nhà thờ. Nếu chỉ có ở tại nhà thờ, ta mới biết làm chứng lòng tin của mình, thì thiết tưởng ta vẫn chưa phải là những chứng nhân theo như Chúa muốn.

 

Suy Niệm 5: “PHẢI TRUYỀN GIÁO” (Mt 10, 1-7)

Xem lại CN 11 TN A, thứ Sáu tuần 2 TN và thứ Tư tuần 25 TN

Truyền Giáo là bản chất của Giáo Hội. Nếu không truyền giáo, chúng ta đánh mất bản chất của mình. Vì thế, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội” (Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, số 57). Bởi vì Giáo Hội coi: “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14).

Hôm nay, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ chung chia sứ mạng mà Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Sứ mạng ấy là: hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi hầu cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Cùng một sứ mạng, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta, những Kitô hữu, mỗi người một cách, hãy loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi bằng nhiều cách thế khác nhau để cho muôn dân được nhận biết Đức Giêsu và ơn cứu độ của Ngài mang lại.

Mong sao, lệnh truyền của Đức Giêsu “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15), và thái độ, ý thức về truyền giáo của thánh Phaolô cũng là của chính chúng ta: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho các nhà thừa sai trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, để các ngài chu toàn bổn phận đã được trao phó, đồng thời, xin cho chúng con được trở nên môn đệ và được tiếp bước với Chúa trên cánh đồng mênh mông bao la hiện nay. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền chữa lành và giải thoát – SN song ngữ ngày 8.7.2020

 

Wednesday (July 8):  Jesus gives his disciples authority to heal and set free

Scripture:  Matthew 10:1-7

1 And he called to him his twelve disciples and gave them authority over unclean spirits, to cast them out, and to heal every disease and every infirmity. 2 The names of the twelve apostles are these: first, Simon, who is called Peter, and Andrew his brother; James the son of Zebedee, and John his brother; 3 Philip and Bartholomew; Thomas and Matthew the tax collector; James the son of Alphaeus, and Thaddaeus; 4 Simon the Cananaean, and Judas Iscariot, who betrayed him. 5 These twelve Jesus sent out, charging them, “Go nowhere among the Gentiles, and enter no town of the Samaritans, 6 but go rather to the lost sheep of the house of Israel. 7 And preach as you go, saying, `The kingdom of heaven is at hand.’

 

Thứ Tư     8-7                Đức Giêsu ban cho các môn đệ quyền chữa lành và trừ quỷ

Mt 10,1-7

 1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông;3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô;4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.

 

Meditation:

Do you believe in the life-changing power of the Gospel and experience its transforming effect in your life? The core of the Gospel message is quite simple: the kingdom (or reign) of God is very near! What is the kingdom of God? It is that society of men and women who know God’s love and mercy, and who will obey and honour God as their Lord and King. In the prayer which Jesus gave to his disciples (the Lord’s Prayer or Our Father), he taught them to pray for God to reign in their daily lives and in the world around them: May your kingdom come and you will be done on earth as it is in heaven.

 

The power of the Gospel to heal and set free 

When Jesus proclaimed the good news of God’s kingdom he also demonstrated the power of the Gospel with supernatural signs and wonders. Jesus healed people who suffered physical, emotional, and mental illnesses. He freed people from spiritual bondage to sin and demonic powers. Jesus gave his disciples the same authority he had to heal and set people free from spiritual bondage.

The Gospel (which literally means “good news”) which Jesus proclaimed is just as relevant and real today, the kingdom of heaven is at hand. If we believe in the Lord Jesus, the Word of God made flesh, and in the power of the Gospel, we will know and experience the freedom, joy, and power he gives us that enables us to live and witness as his disciples. No one can buy heaven; but if we know the love and mercy of Jesus Christ, then we already possess heaven in our hearts! Do you believe that Jesus can change and transform your life and share with you the power and authority of God’s kingdom?

 

Jesus chose ordinary people to do extraordinary work

Jesus commissioned his disciples to carry on the works which he did – to speak God’s word and to bring his healing power to the weary and oppressed. In the choice of the twelve apostles we see a characteristic feature of God’s work – Jesus chose very ordinary people. They were non-professionals, had no wealth or privileged position. They were chosen from the common people who did ordinary things, had no special education, and no social advantages.

 

Jesus wanted ordinary people who could take an assignment and do it extraordinarily well. He chose these men, not for what they were, but for what they would be capable of becoming under his direction and power. When the Lord calls us to serve, we must not think we have nothing or very little to offer. The Lord takes what ordinary people, like us, can offer and uses it for greatness in his kingdom. Do you believe that God wants to work in and through you for his glory?

 

“Lord Jesus, you have chosen me to be your disciple. Take and use what I can offer, however meagre it may seem, for the greater glory of your name.”

Suy niệm:

Bạn có tin tưởng quyền năng thay đổi cuộc sống của Tin mừng và cảm nghiệm ảnh hưởng sự biến đổi của nó trong cuộc đời mình không? Tâm điểm của sứ điệp Tin mừng hoàn toàn đơn giản: Nước (triều đại) của Chúa đã gần đến! Nước Chúa là gì? Đó là xã hội của những người nam nữ nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, và sẵn sàng suy phục và tôn kính Thiên Chúa là Vua và là Chúa của họ. Trong kinh mà Ðức Giêsu đã ban cho các môn đệ (Kinh của Chúa hay Kinh Lạy Cha) Người dạy họ cầu xin cho Thiên Chúa ngự đến trong cuộc đời và trong thế giới chúng ta: Xin cho nước Chúa trị đến, và ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Sức mạnh chữa lành và giải thoát của TM

Khi Ðức Giêsu công bố Tin mừng nước Thiên Chúa, Người cũng bày tỏ sức mạnh của Tin mừng với những điềm thiêng dấu lạ siêu nhiên. Ðức Giêsu đã chữa lành những người mắc bệnh đau khổ về thể lý, tình cảm, và tinh thần. Người giải thoát con người khỏi mối ràng buộc với tội lỗi và những quyền lực của ma quỷ. Ðức Giêsu cũng ban cho các môn đệ cùng quyền năng mà Người đã chữa lành và giải thoát con người khỏi mối ràng buộc thiêng liêng.

Tin mừng (theo nghĩa đen là “tin tốt, tin vui”) mà Ðức Giêsu công bố cũng thích ứng với thực tế của ngày hôm nay, nước Trời đã gần đến. Nếu chúng ta tin tưởng Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể, và sức mạnh của Tin mừng, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự giải thoát, niềm vui, và sức mạnh Người ban cho chúng ta để giúp chúng ta sống và làm chứng như các môn đệ. Không ai có thể mua được Thiên đàng, nhưng nếu chúng ta nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Ðức Giêsu Kitô, thì chúng ta đã chiếm hữu Thiên đàng trong tâm hồn mình rồi! Bạn có tin tưởng rằng Ðức Giêsu có thể thay đổi và biến hóa cuộc đời bạn và chia sẻ với bạn sức mạnh và quyền năng của nước Thiên Chúa không?

Đức Giêsu chọn những người tầm thường để làm những việc phi thường

Ðức Giêsu đã uỷ quyền cho các môn đệ thực hiện những công việc Người đã làm – nói lời Thiên Chúa và đem sức mạnh chữa lành của Người tới những người mệt nhọc và bị áp bức. Trong sự chọn lựa mười hai tông đồ, chúng ta thấy nét đặc trưng cụ thể công việc của TChúa: Ðức Giêsu đã chọn những người rất tầm thường. Họ không phải là những nhà chuyên môn, không giàu có hay thế giá. Họ được chọn từ những con người bình thường, làm những công việc bình thường, không có kiến thức đặc biệt, cũng không có uy thế trong xã hội.

Ðức Giêsu muốn những người bình thường có thể nhận lấy sứ mạng và thực hiện nó một cách phi thường. Người chọn những người này không vì những gì họ có, nhưng vì những gì họ có thể là, dưới sự dẫn dắt và uy thế của Người. Khi Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ, chúng ta không nên nghĩ rằng mình có ít hoặc chẳng có gì để cho. Chúa đón nhận những gì mà người bình thường như chúng ta, có thể dâng hiến, và sử dụng nó cho sự cao quý trong vương quốc của Người. Bạn có tin rằng Thiên Chúa muốn làm việc qua và trong bạn cho vinh quang của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn con làm môn đệ của Chúa. Xin đón nhận và sử dụng những gì con có thể dâng, cho dù nó có thể xem ra sơ sài, cho vinh quang lớn hơn của danh Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Ơn gọi

Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể lại cho chúng ta ơn kêu gọi của các Tông Đồ. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta ; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là khuôn mẫu của mọi ơn gọi; và mọi ơn gọi đều khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.

a. Đức Giê-su kêu gọi

« Khi ấy, Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại ». Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời tu như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời tu của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đổ, không sớm thì muộn; và sụp đổ ngay từ bên trong. Và chúng ta cũng được mời gọi hiểu như vậy về ơn gọi đi theo Đức Ki-tô trong đời sống gia đình.

« Khi ấy », nhưng khi ấy là khi nào? Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời; nhưng theo Thánh Phaolô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn đời:

Thiên Chúa đã dành riêng tôi
ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ,
và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. 
(Ga 1, 15)

Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta
trước cả khi tạo thành vũ trụ. 
(Eph 1, 4)

Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống đời dâng hiến.

b. Ngài gọi đích danh

Con số được gọi là Mười Hai. Điều này có nghĩa là số người được gọi là xác định, không có may rủi. Mỗi lớp tập hay mỗi lớp khấn, chúng ta thường so sánh hơn kém, nhiều ít. Nhưng trong Chúa, số người được gọi là xác định từ trước muôn đời.

Và Chúa gọi đích danh từng người: Phêrô, Giacôbê, Gioan… Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi : ngoại hình, nguồn gốc, tương quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi, khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin « muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi là gì rất bất xứng, sẽ khơi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp trả cách quảng đại và nhưng không.

c. Cho sứ vụ

“Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (9, 36-38) Ngài gọi các tông đồ, Ngài gọi chúng ta chính là để cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và phục vụ cho sự sống của đám đông.

Nhưng chính chúng ta đã là và luôn luôn là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Kinh nghiệm này thúc đẩy chúng ta biết chạnh lòng thương như Thánh Tâm Chúa. Chúng ta có thể tự hỏi, ngày nay, những ai là “đám đông” như thế, là đối tượng mà Đức Giê-su chạnh lòng thương?

 2. Ra đi

Sứ mạng Chúa muốn trao cho các Tông Đồ khi kêu gọi các ngài, là sứ mạng phục vụ cho sự sống, như chính Đức Giê-su đã thực hiện, và sẽ còn thực hiện “cho đến cùng”. Bởi vì sự sống của con người vừa bị lầm than bởi bệnh hoạn tật nguyền đủ loại và có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, vừa bị chi phối nặng nề bởi ma quỉ. Ngày nay, thế giới càng hiện đại, ma quỉ càng có nơi ẩn náu kín đáo và phương tiện tinh vi để gieo rắc bầu khí chết chóc vào trong lòng người và trong mối tương quan giữa người với người. Vì thế, trong lời trao sứ mạng của Đức Giê-su, sứ mạng trừ quỉ được đưa lên hàng đầu:

Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. (c. 1)

Và bài Tin Mừng kết thúc với chỉ chị phải rao giảng “Nước Trời đã đến gần”. Như thế, dấu chỉ phục vụ cho sự sống gắn liền với mầu nhiệm Nước Trời đang đến. Bởi vì, Nước Trời là Nước của Thiên Chúa hằng sống, là “Đất của những người sống”, Đất của Sự Sống.

Ngoài ra, Đức Giê-su còn căn dặn khá chi tiết: “Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, khi thi hành sứ vụ, chúng ta luôn phải thi hành theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, được lắng nghe trong cầu nguyện, qua việc nhận định thiêng liêng hay qua các trung gian. Trong những lời này, Đức Giê-su còn nêu rõ đối tượng của sứ vụ rao giảng Nước Trời: “các con chiên lạc nhà Israel”. Như thế, trong sứ vụ, người môn đệ luôn phải lựa chọn đối tượng ưu tiên; và khi lựa chọn, đừng quên “các con chiên lạc” của Chúa hiện diện ở giữa chúng ta, ở ngay bên cạnh chúng ta.

 3. Ở lại

Nhưng trước khi được Đức Giê-su sai đi, các môn được mời gọi “ở lại” với Người, như thánh sử Mác-cô làm rõ chiều kích thiết yếu này của đời sống người môn đệ, khi kể lại ơn gọi của các Tông Đồ: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 14). Ở lại với Đức Giê-su và sau đó, được Ngài sai đi, làm nên hai chiều kích căn bản của đời sống chúng ta, đó là cầu nguyện và hoạt động. Hai chiều kích này đan xen vào nhau trong mỗi ngày sống của chúng ta (cầu nguyện hằng ngày), trong tháng sống (tĩnh tâm tháng), trong năm sống (tĩnh tâm năm) hay trong một giai đoạn huấn luyện hay hành trình ơn gọi đặc biệt.

Chúng ta vẫn sống hai chiều kích này mỗi ngày, hay nói đúng hơn, hai chiều kích này vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày, nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là những điều Chúa muốn, và rằng đó là những điều làm cho chúng ta trở nên giống Chúa, vì đời sống của Chúa cũng được dệt nên bởi hai chiều kích này: “Khi ấy, Đức Giê-su lên núi”; và Ngài lên núi chính là để cầu nguyện, như lời tường thuật của thánh Luca: “Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6, 12).

*  *  *

Nhưng với hình ảnh cây nho và cành nho, chúng ta được mời gọi ở lại trong tình yêu của Đức Giê-su mọi nơi mọi lúc, để có thể sinh hoa kết quả dồi dào cho vinh danh Chúa:

Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (Ga 15, 9)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây