Thứ Ba tuần 14 thường niên.
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít".
Lời Chúa: Mt 9, 32-38
Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".
Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.
Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Suy Niệm 1: Sai thợ ra gặt lúa
Suy niệm :
Phép lạ Đức Giêsu chữa người câm là phép lạ cuối
của chuỗi mười phép lạ trong hai chương 8 và 9 của Tin Mừng Mátthêu.
Mátthêu đã kể lại phép lạ này với rất ít chi tiết.
Người ta coi bệnh câm của anh này là do quỷ ám.
Khi quỷ bị trục xuất thì người câm nói được.
Không thấy Đức Giêsu đã làm gì hay nói gì để trừ quỷ.
Nhưng quyền năng của Ngài được lộ ra khi người câm cất tiếng nói.
Có hai phản ứng ngược nhau trước phép lạ.
Đám đông thì kinh ngạc và nói: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ.”
Họ đứng trước một điều hết sức mới mẻ khiến họ ngỡ ngàng (c. 33).
Người câm nói được là một dấu chỉ cho thấy Nước Trời đã gần,
thời đại thiên sai đã đến, Đấng Thiên sai đã ở kề bên.
Đức Giêsu đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo:
“miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (35, 6).
Nhưng những người Pharisêu lại nghĩ khác.
Họ không phủ nhận quyền năng trừ quỷ của Đức Giêsu,
nhưng họ lại cho rằng Ngài đã bắt tay với quỷ vương để trừ quỷ (c. 34).
Đây là phản ứng đầu tiên có tính thù nghịch công khai của người Pharisêu.
Phần còn lại của bài Tin Mừng là một bản tóm lược
về các hoạt động của Đức Giêsu: dạy dỗ, rao giảng, và chữa bệnh (c. 35).
Tất cả cuộc sống của Ngài như dành trọn cho đám đông.
Đôi chân Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc và hội đường.
Đôi môi Ngài không ngớt đem tin vui đến cho những người mong đợi.
Đôi tay Ngài chạm đến những bệnh tật yếu đau của con người.
Nhưng trên hết vẫn là chuyện Đức Giêsu chạnh lòng thương (c. 36).
Chạnh lòng thương là nhói đau ở chỗ sâu bên trong của ruột gan mình.
Thấy thì thương: đó luôn là cái nhìn của Đức Giêsu trước đám đông.
Ngài thấy họ như chiên không có người chăn dắt, lãnh đạo.
Chính vì thế họ bị rơi vào tình cảnh vất vưởng lầm than.
Đức Giêsu không đau xót về chuyện bệnh tật thân xác của đám đông.
Ngài quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tâm linh của con người.
Con người đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thấy bơ vơ, cô độc, tuyệt vọng.
Con người loại trừ Thiên Chúa, để rồi rơi vào sa đọa, chán chường.
Đức Giêsu đến như người mục tử chăm sóc mọi mặt cho đoàn dân.
Cách đây hai ngàn năm, Đức Giêsu đã than về chuyện ơn gọi.
Đồng lúa thì bao la mênh mông, mà thợ gặt thì ít.
Ngài mời các môn đệ của mình cầu nguyện nài xin với Thiên Chúa.
Đồng lúa là của Thiên Chúa, thợ gặt cũng là của Thiên Chúa sai đến.
Nước Việt Nam chúng ta cũng cần bao thợ gặt.
Có bao nhiêu tỉnh thành làng mạc còn thiếu linh mục, thiếu nữ tu.
Số linh mục mới chịu chức không đủ bù cho các vị về hưu và qua đời.
Làm sao để các bạn trẻ thấy con người hôm nay và chạnh lòng thương?
Làm sao để họ muốn dấn bước lo cho đám đông như Giêsu?
Cầu nguyện :
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,
đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái.
Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy
đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha.
Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay
những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.
Xin cho họ
biết quên hạnh phúc và tương lai của mình
để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở.
Ước gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức,
cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương,
thấy được những mất mát của bao người đau khổ,
và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng.
Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ
để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu,
sống như Ngài đã sống
và tiếp tục làm những gì
Ngài đã làm trên trần gian.
Cũng xin Cha
gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con,
thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội,
để tất cả trở thành những môi trường tốt
giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG
Thế gian đau khổ vì chống lại Thiên Chúa. Dân Ít-ra-en có nhiều kinh nghiệm về điều này. Khi vâng nghe Lời Chúa, họ được hạnh phúc. Khi phản bội Chúa, họ lâm vào cảnh nô lệ lầm than khốn khổ. “Con cái Ít-ra-en phong vương người mà Ta không chọn, tôn làm lãnh tụ kẻ Ta không biết, dùng bạc vàng làm ra ngẫu tượng, để rồi bị đập tan”. Từ bỏ Chúa thì họ sẽ phải chịu nô lệ các thế lực ma quỉ, xác thịt, thế gian: “Giờ đây, Người sẽ nhớ lại sự gian ác của chúng, chúng đã phạm tội, thì chúng sẽ phải đền: chúng sẽ phải trở về Ai-cập” (năm chẵn).
Chúa Giê-su xuống trần để giải thoát con người khỏi ách nô lệ. Chúa xua trừ ma quỷ để con người được sống tự do: “Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được”. Chúa rao giảng cho mọi người biết Nước Trời. Chúa cứu họ khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền: “Đức Giê-su…rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Chúa đến để đưa mọi người vào Nước Trời. Toàn dân là những bông lúa chín cần được đưa vào kho Nước Trời: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gựt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Chúa muốn có người cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời. Nhưng việc xây dựng Nước Trời là của Chúa. Vì thế người cộng tác phải có lòng khiêm tốn. Phải cầu nguyện và được sai đi. Đó chính là thái độ của tổ phụ Gia-cóp. Khi từ nơi lưu lạc trở về, ông đắc thắng như một người thành công nhờ sức mình. Có hai bà vợ. Mười một đứa con trai. Còn gia súc thì hàng ngàn hàng vạn. Nhưng đêm trước khi bước vào Đất Hứa, ông phải trải qua một cuộc chiến đấu với Thiên Chúa. Ông phải cầu nguyện xin Chúa chúc phúc: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi…Và người đó chúc phúc cho ông tại đấy”. Để tổ phụ Gia-cóp khiêm tốn, Chúa đã cho ngài bị thọt chân: “người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật”. Nhờ đó ông được đổi tên và trở tổ phụ dân riêng được Chúa chọn: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en”. Đó chính là tên của dân tộc mới được Chúa thành lập (năm lẻ).
Xin cho con biết khiêm tốn cầu nguyện để được Chúa sai đến nơi Chúa muốn và làm việc Chúa cần.
(Tgm Giuse Ngô Quang Kiệt)
Suy Niệm 3: Nhu cầu truyền giáo
Nhờ tiếp xúc với người dân, Chúa Giêsu có thể nhận thấy đời sống thực tế của họ. Thánh sử Mátthêu nói rõ: "Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người chăn dắt". Ðứng trước thảm trạng này, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ của Ngài suy tư: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít".
Quan niệm Cựu Ước về các chủ chăn của dân là quan niệm rộng rãi và ám chỉ vừa các thẩm phán, vừa các tư tế và tiên tri. Hình ảnh rất quen thuộc với nền văn hóa của các dân du mục. Chính tổ tiên của họ cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Ðavít. Yêrêmia và Êzêkiel đã báo trước là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Lời tiên tri này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành chạnh thương và chăm sóc các con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Như vậy, các Kitô hữu có thể tin tưởng tiến bước, bởi vì họ biết rằng Chúa là mục tử của họ.
Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.
Là người Kitô hữu, chúng ta có lo lắng để Nước Chúa được lan rộng tới các tâm hồn không? Ðức tin của chúng ta có sống động bằng việc làm cụ thể hay chỉ là đức tin chết?
Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 4: Chúng ta đều là thợ gặt
Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không có người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt. 9, 36-39)
Một mùa gặt bội thu
Nếu hôm nay Chúa Giêsu đi trên những con đường hiện đại của chúng ta, chắc chắn Chúa cũng sẽ cảm nghĩ như xưa cách đây gần 2000 năm. Người sẽ nói: “Những con người nam nữ của thế kỷ 20 này, ta không thể không quan tâm tới họ. Ta thấy họ lo âu và chẳng sung sướng gì. Ta thấy họ đang đi tìm ánh sang và chân lý. Ta biết họ muốn được sống hạnh phúc, nhưng lại chẳng biết đường đi. Thiếu người dẫn dắt họ tới ấnh sáng và nguồn vui. Không đủ thợ gặt. Anh em hãy cầu xin Cha tôi để có được nhiều người biết dẫn dắt người ta đến với Ngài.
Không phải chỉ có các linh mục, các tu sĩ nam nữ là những người phải nói về Chúa, phải giới thiệu Chúa cho người ta, mà là tất cả những ai đã hưởng ánh sáng và niềm vui mà Chúa ban cho kẻ sống mật thiết với Người.
Ta không thể đã được gặp Chúa rồi mà lại sống ích kỷ. Người Kitô hữu chính cống là người biết chia sẻ cho người khác điều mình đã thấy, đã biết, đã trải qua.
Mỗi người đều có phần trách nhiệm
Phải cần đến nhiều tay thợ, để những con người thời nay nam cũng như nữ biết đối diện với Chúa và sống sự sống của Người. Mỗi tín hữu dù nam hay nữ đều phải là thợ gặt trong cánh đồng mênh mông của Chúa. Mỗi người đều có trách nhiệm góp phần lớn nhỏ của mình.
Đừng đẩy trách nhiệm của mình cho người khác. Không phải chỉ cầu nguyện cho thêm đông số các người chuyên lo việc truyền giáo, cho có nhiều linh mục tu sĩ nam nữ dấn thân hết mình cho Giáo hội mà thôi. Tốt hơn ta hãy cầu xin cho chính chúng ta để biết làm gì hơn trong phần trách nhiệm của mình, cụ thể là cầu nguyện cho ta được ơn can đảm và niềm vui để hoàn thành tốt trách nhiệm Chúa trao.
Suy Niệm 5: XIN MỞ MIỆNG CON (Mt 9, 32-38)
Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành một người bị quỷ câm ám. Khi đã được thoát khỏi quỷ câm, người đó liền nói được.
Sau đó, Đức Giêsu còn đi khắp các làng mạc giảng dạy, chữa lành các bệnh tật.
Tiếp theo, Ngài đã mời gọi các môn đệ hãy đi để loan báo về tình thương của Thiên Chúa cho mọi người.
Khi nói đến câm, chúng ta thấy có hai dạng: một là câm ngoài ý muốn, tức là câm từ lúc mới sinh, hay bị một sự cố nào đó mà ảnh hưởng đến thanh quản, khiến bệnh nhân không nói được; hai là câm tự ý muốn, tức là đương sự không muốn nói.
Giữa hai dạng, câm ngoài ý muốn, tự bản chất, không ảnh hưởng đến ơn cứu độ. Tuy nhiên, dạng thứ hai, tức là câm tự ý muốn thì nguy hiểm, và có thể mất ơn cứu độ! Họ là những người mê tiền tài, danh vọng, dâm dục... nên mọi hành vi, cử chỉ đều hướng chiều về nó, khiếm người đó bị câm không nói được về Chúa cho anh chị em mình.
Thật vậy, nói về sự thanh thoát làm sao được khi chính mình ham tiền, hám bạc! Nói về sự từ bỏ sao được khi chính mình ham quyền, cố vị! Nói về khiết tịnh sao được khi chính mình khoái danh, sắc, dục...! Và, nói về đạo đức, bác ái, dấn thân, phục vụ... làm sao khi chính tôi còn đang tham sân si! Hay không thể nói về tha thứ được, vì tôi còn đang nuôi hận thù!
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy nên ngôn sứ của Đức Giêsu và thuộc về Ngài để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, chứ không chỉ như cái xác vô hồn hay chiếc bóng trong cuộc sống, để rồi sống buông tha, suy đồi và không dám làm chứng cho Tin Mừng. Bên cạnh đó, sứ điệp Lời Chúa cũng nhắc cho mỗi người chúng ta cần loại bỏ những hệ quả của ma quỷ như: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc… và không được đứng về phía sự ác để thành kiến, ghen tương, đố kỵ mà trà đạp người anh chị em chúng ta để đưa mình lên như những người Pharisiêu khi xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp sức cho chúng con, để chúng con không bị câm về phần hồn. Xin cho chúng con can đảm nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em. Và, xin cho chúng con đừng vì miếng cơm manh áo mà chà đạp anh chị em mình xuống để vươn lên trong sự bất chính. Amen.
Ngọc Biển SSP
Tuesday (July 9): “Never seen anything like this” Scripture: Matthew 9:32-38 32 As they were going away, behold, a dumb demoniac was brought to him.33 And when the demon had been cast out, the dumb man spoke; and the crowds marvelled, saying, “Never was anything like this seen in Israel.” 34 But the Pharisees said, “He casts out demons by the prince of demons.” 35 And Jesus went about all the cities and villages, teaching in their synagogues and preaching the gospel of the kingdom, and healing every disease and every infirmity. 36 When he saw the crowds, he had compassion for them, because they were harassed and helpless, like sheep without a shepherd. 37 Then he said to his disciples, “The harvest is plentiful, but the labourers are few; 38 pray therefore the Lord of the harvest to send out labourers into his harvest.”
|
Thứ Ba 10-7 Chưa từng thấy việc như thế
Mt 9,32-38 32 Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám.33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ! “34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” |
Meditation: What help and hope can we give to someone who experiences chronic distress or some incurable disease of mind and body? Spiritual, emotional, and physical suffering often go hand in hand. Jesus was well acquainted with individuals who suffered intolerable affliction – whether physical, emotional, mental, or spiritual. A “dumb demoniac” was brought to Jesus by his friends with the hope that Jesus would set the troubled man free. These neighbours, no doubt, took pity on this man who had a double impediment. He had not only lost his ability to speak but was also greatly disturbed in mind and spirit. This was no doubt due to the influence of evil spirits who tormented him day and night with thoughts of despair and hopeless abandonment by God. Jesus brings freedom and healing Jesus immediately set him free from the demon who tormented him and restored his ability to speak at the same time. This double miracle brought wonder to the crowds who watched in amazement. “Nothing like this had ever been done before in the land of Israel!” Whenever people approached Jesus with expectant faith, he set them free from whatever afflicted them – whether it be a disease of mind and body, a crippling burden of guilt and sin, a tormenting spirit or uncontrollable fear of harm. How could Jesus’ miracles cause both scorn and wonder at the same time from those who professed faith in God? Don’t we often encounter the same reaction today, even in ourselves! The crowds looked with awe at the wonderful works which Jesus did, but the religious leaders attributed this same work to the power of the devil. They disbelieved because they refused to recognize Jesus as the Messiah. Their idea of religion was too narrow and closed to accept Jesus as the Anointed One sent by the Father “to set the captives free” (Isaiah 61:1; Matthew 11:5). They were too set in their own ways to change and they were too proud to submit to Jesus. They held too rigidly to the observances of their ritual laws while neglecting the more important duties of the love of God and love of neighbour. The people, as a result, were spiritually adrift and hungry for God. Jesus met their need and gave them new faith and hope in God’s saving help.
The Gospel brings new life and freedom Whenever the Gospel is proclaimed God’s kingdom is made manifest and new life and freedom is given to those who respond with faith. The Lord grants freedom to all who turn to him with trust. Do you bring your troubles to the Lord with expectant faith that he can set you free? The Lord invites us to pray that the work of the Gospel may spread throughout the world, so that all may find true joy and freedom in Jesus Christ.
“Lord Jesus, may your kingdom come to all who are oppressed and in darkness. Fill my heart with compassion for all who suffer mentally and physically. Use me to bring the good news of your saving grace and mercy to those around me who need your healing love and forgiveness.” |
Suy niệm: Sự trợ giúp và hy vọng nào chúng ta có thể đem lại cho những ai đang cảm nghiệm nỗi đau khổ thường xuyên hay căn bệnh không thể chữa lành về tinh thần và thể xác? Sự đau khổ tinh thần, cảm xúc, và thể lý thường đi với nhau. Đức Giêsu cũng quen thuộc với từng cá nhân chịu đau khổ quá sức – cho dù về thể xác, cảm xúc, tinh thần, hay tâm hồn. Một “người câm bị quỷ ám” được mang tới Đức Giêsu nhờ bạn bè với niềm hy vọng rằng Đức Giêsu sẽ giải thoát anh khỏi nỗi khổ. Rõ ràng, những người hàng xóm này có lòng thương xót với người này, đang có sự trở ngại gấp đôi. Anh không chỉ mất khả năng để nói, mà còn bị quấy nhiễu kinh khủng trong tâm trí. Điều này rõ ràng do ảnh hưởng của các thần dữ, kẻ đã hành hạ anh ngày đêm với những tư tưởng sợ hãi và bị Thiên Chúa hoàn toàn bỏ rơi. Đức Giêsu đem lại sự giải thoát và chữa lành Ngay lập tức, Đức Giêsu giải thoát anh khỏi ma quỷ, kẻ đã hành hạ anh và phục hồi khả năng nói của anh cùng lúc. Phép lạ nước đôi này đã khiến cho đám đông đang chứng kiến phải kinh ngạc. “Ở Israel chưa hề thấy thế bao giờ!” Bất cứ khi nào người ta đến gần Đức Giêsu với niềm tin kiên vững, Người đều giải thoát họ khỏi bất cứ điều gì khiến họ đau khổ – cho dù là bệnh tật về tinh thần hay thể xác, một gánh nặng làm tê liệt của tội lỗi, một tâm hồn bị dằn vặt hay nỗi sợ hãi tai hại không thể kiềm chế được. Làm sao những phép lạ của Đức Giêsu có thể gây sự khinh miệt và kinh ngạc cùng lúc từ những người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa? Ngày nay, chẳng phải chúng ta cũng thường hay gặp sự phản ứng tương tự, thậm chí trong chính chúng ta sao? Dân chúng kinh ngạc nhìn xem những việc làm lạ lùng mà Đức Giêsu đã làm, nhưng những nhà lãnh đạo tôn giáo lại quy cũng việc làm này do quyền lực của ma quỷ. Họ không tin, bởi vì họ từ chối nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Quan điểm của họ về tôn giáo quá thiển cận và khép kín để đón nhận Đức Giêsu là Đấng được xức dầu, được Cha sai tới “để giải thoát những kẻ bị giam cầm” (Is 61,1; Mt 11,5). Họ quá cố chấp trong những đường lối của chính họ đến nỗi không thể thay đổi và họ cũng quá kiêu ngạo đến nỗi không thể quy phục Đức Giêsu. Họ quá cứng nhắc trong những việc tuân thủ những lề luật nghi thức của họ, trong khi đó lại bỏ qua những bổn phận quan trọng hơn về lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Kết quả, một cách thiêng liêng, con người ta lênh đênh và đói khát Thiên Chúa. Đức Giêsu thấy được sự thiếu thốn của họ và ban cho họ niềm tin và hy vọng mới trong sự giúp đỡ cứu vớt của Thiên Chúa. Tin mừng đem lại sự sống mới và tự do Mỗi khi Tin mừng được công bố, nước Thiên Chúa được bày tỏ và cuộc sống mới và tự do được ban cho những ai đáp trả với niềm tin. Chúa ban tự do cho tất cả những ai hướng về Người với lòng tin cậy. Bạn có đem những vấn nạn của mình cho Chúa với đức tin kiên vững để Người có thể giải thoát bạn không? Chúa mời gọi chúng ta cầu nguyện cho công việc Tin mừng có thể truyền rao khắp thế giới, để tất cả mọi người có thể tìm được niềm vui và tự do đích thật trong Đức Giêsu Kitô. Lạy Chúa Giêsu, chớ gì nước Chúa ngự đến với tất cả những ai đang bị áp bức và đang ở trong bóng tối. Xin lấp đầy lòng con sự trắc ẩn cho người đau khổ phần hồn phần xác. Xin dùng con để đem Tin mừng ơn cứu độ và lòng thương xót cứu độ của Chúa đến cho những người xung quanh con, đang cần đến tình yêu và ơn tha thứ chữa lành của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
SUY NIỆM
1. Tin Mừng Nước Trời
Trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay, cùng với việc giảng dạy để loan báo Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su còn “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”; không chỉ bệnh hoạn tật nguyền gây ra do thân phận của con người, nhưng còn do bởi ma quỷ, vốn luôn phá hoại tương quan tin tưởng và tình yêu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Bởi vì, con người không chỉ sống bằng sức khỏe thể lí, nhưng còn bằng tương quan nữa, tương quan với mình, với người khác và với Chúa; con người không thể sống bình an và hạnh phúc, nếu những tương quan này bị tổn thương.
Ngoài ra, để cho sự sống này có ý nghĩa, con người còn cần có hướng đi và niềm hi vọng hướng tới cùng đích đáng ước ao và mong chờ; chính vì thế, Đức Giê-su còn quan tâm đến sứ mạng chăn dắt đối với con người nữa, vì dưới mắt Ngài, loài người chúng ta “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.
Như thế, Tin Mừng Nước Trời gắn liền với dấu chỉ phục vụ cho sự sống: ở đâu có Nước Trời, ở đó có sự phục vụ cho sự sống; và ở đâu có sự phục vụ cho sự sống, ở đó Nước Trời hiện diện. Đức Ki-tô đã phục vụ cho sự sống của loài người và từng người chúng ta “cho đến cùng”, nghĩa là trở thành “Bánh” nuôi dưỡng chúng ta, trở thành hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta; và Ngài mời gọi mỗi chúng ta đích thân đón nhận sự phục vụ của Ngài, để có thể phục vụ như Ngài. Đó chính là cách thức Đức Ki-tô loan báo Tin Mừng và làm cho Nước của Thiên Chúa Cha trị đến.
2. Ma quỉ làm cho câm
Phép lạ Đức Giêsu chữa lành một người câm bị quỷ ám, được kể lại thật ngắn gọn, có lẽ không thể ngắn hơn:
Người ta đem đến cho Đức Giê-su
một người câm bị quỉ ám.
Khi quỉ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được.
(c. 32)
Nhưng nếu dừng lại suy niệm, chúng ta sẽ nhận được nhiều ánh sáng. Cách nói “một người câm bị quỉ ám” có thể làm cho chúng ta hiểu rằng người này bị câm trước, rồi mới bị quỉ ám. Nhưng khi nạn nhân được giải thoát khỏi ma quỉ, thì nói được. Điều này có nghĩa là chính ma quỉ làm cho câm, không nói được. Vì thế, đó là một người “bị quỉ ám câm” (theo tiếng Hi-lạp); câm là hệ quả của việc bị quỉ ám.
Lời nói quan trọng biết bao trong cuộc sống, để đi vào tương quan và duy trì tương quan, nhưng nhất là vì lời nói có sức mạnh làm cho sống hay giết chết, như sách Huấn Ca nói: “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (Hc 28, 18). Chính vì thế lời nói là biểu tượng của chính sự sống và chúng ta gọi biến cố sinh ra của một con người là “tiếng khóc chào đời”. Cách hiểu này có nguồn gốc từ chính Ngôi Lời là sự sống (x. Ga 1, 4).
Như thế, khi làm cho con người câm, ma quỉ muốn phá hoại sự sống, muốn gieo rắc bầu khí chết chóc vào trong sự sống. Hiểu như thế, ma quỉ vẫn còn hành động như thế hôm nay nơi tất cả mọi người, khi làm cho người ta “câm”, không phải thể lí, nhưng nghiêm trọng hơn, “câm” không nói được với Chúa những lời ca tụng và tạ ơn, không nói được với nhau những lời làm cho sống, những lời cảm thông, tha thứ, những lời làm cho tái sinh, những lời hiệp nhất, hiệp thông và yêu thương, những lời phục vụ cho sự sống.
Đức Giê-su Ki-tô là Ngôi Lời Sự Sống và chúng ta được dựng nên bởi Ngài và cho Ngài; chính vì thế, chúng ta là những tạo vật có khả năng trao ban lời sự sống. Xin Chúa đến và xin cho chúng ta mở rộng lòng ra để đón nhận Ngài, để Ngài giải thoát chúng ta khỏi ma quỉ, để Ngài tái sinh và làm cho chúng ta sống đúng với căn tính của mình, là Con Thiên Chúa, luôn sống bằng Lời Sự Sống và trao ban Lời Sự Sống.
Người bị ma quỉ làm cho câm, nhưng Đức Giê-su làm cho nói được bằng cách trừ quỉ. Nhưng những người chứng kiến lại nói: “Ông ấy dựa vào thế quỉ vương mà trừ quỉ”. Như thế, họ vốn nói được, nhưng đã trở thành “câm”! (x. Ga 9, 39).
3. Lúa chín đầy đồng
Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, và Ngài nhận ra họ giống như bầy chiên không người chăn dắt. Chúng ta dễ dàng hình dung ra bầy chiên sẽ ra như thế nào, khi không có mục tử : chúng sẽ vất vưởng, vì lạc lối, tán loạn không tìm ra hướng đi hay đường đi ; chúng sẽ lầm than, vì không tìm ra nguồn nước uống và lương thực đích thực, không tìm ra nơi chốn vĩnh cửu để nghỉ ngơi ; và kết cục, không sớm thì muộn, cũng sẽ bị bách hại bởi sói dữ, bị lôi kéo bởi những kẻ lừa đảo, chuyên dụ dỗ, bởi thần tượng hay ngẫu tượng đủ loại. Vào thời của Đức Giê-su, đã có những đám đông như thế ; và vẫn còn những đám đông như thế vào thời của chúng ta ngày nay.
“Đám đông lầm than vất vưởng” ngày nay là những ai? Đó là những người, nhóm người, hay cả một xã hội, nhưng nhất là những người trẻ, mất hướng đi, mất niềm tin, chạy theo những mục đích chóng qua, bề ngoài, không có giá trị nhân bản, nhân linh truyền thống bền vững, chạy theo các thần tượng hay ngẫu tượng.
Và chính chúng ta nữa, ở mức độ nào đó, cá nhân cũng như cộng đoàn, chúng ta cũng sẽ trở thành lầm than vất vưởng, mỗi khi chúng ta không để cho Đức Giê-su là mục tử, chăn dắt chúng ta, hướng dẫn chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của ngài, bằng Mình và Máu Thánh của Ngài, mỗi khi chúng ta không đón nhận sự nghỉ ngơi và bình an mà Chúa ban cho chúng ta (x. Mt 11, 28-30).
Tuy nhiên, Đức Giê-su lại coi tình trạng khốn khổ của đám đông như mùa gặt, và không như một mùa gặt tầm thường: « Lúa chín đầy đồng », nghĩa là trúng mùa và đem lại niềm vui! Lời này của Thánh Phao-lô giúp chúng hiểu tâm tình sâu xa của Đức Giê-su : « Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội » (Rm 5, 20). Lí do tận cùng, đó chính là vì Đức Giê-su chạnh lòng thương, nhận chăm sóc với tư cách là Người Mục Tử tốt lành, là Chủ Mùa gặt.
Ngài là Chủ Mùa Gặt, nghĩa là Ngài có trách nhiệm, nhưng Ngài lại mời gọi các môn đệ và cả chính chúng ta nữa : « Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về » ! Như thế, Ngài mời gọi chúng ta tham gia, chia sẻ trách nhiệm của Ngài đối với mùa gặt. Nhưng trong thực tế, Ngài không đợi các môn đệ xin, nhưng tức khắc, Ngài gọi các môn đệ, trao quyền và sai đi (đó là nội dung của bài Tin Mừng ngày mai: Mt 10, 1-8). Đơn giản vì đó là chuyện khẩn cấp ! Hình ảnh « bầy chiên không người chăn » và hình ảnh « mùa gặt đã đến » diễn tả thật rõ ràng khía cạnh khẩn cấp của sứ vụ. Và Ngài đã sai chính những người xin Ngài sai thợ ra gặt lúa về ! Điều này có nghĩa là, họ không chỉ xin Chúa sai người khác, nhưng còn ước ao cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và xin Ngài sai chính họ.
Chúng ta cũng vậy, chính khi chúng ta xin Chúa sai thợ ra gặt lúa về, chúng ta cũng được mời gọi đồng cảm với Chúa, cùng chạnh lòng thương không chỉ đối với đám đông xa xôi, nhưng đối với những anh chị em bên cạnh chúng ta. Và nhất là, chúng ta cũng tình nguyện trở thành thợ gặt của Chúa, để Chúa sai chính chúng ta đi. Và vì là mùa gặt và được sai đi gặt, chứ không phải đi xếp loại, phân loại, phân cấp, xét đoán hay lên án, chúng ta đi trong niềm vui và hi vọng.
* * *
Kinh nghiệm thiêng liêng nào đã có thể làm phát sinh ra một lời nguyện trọn vẹn như thế, nếu không phải là kinh nghiệm được diễn tả trong lời này của Đức Giê-su: «Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy ». Khi nói ra lời này, với tư cách là Con của Thiên Chúa, chính Đức Giê-su đã có kinh nghiệm này và Ngài đã và sẽ sống đến cùng.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn