Thứ Sáu tuần 14 thường niên.

Thứ năm - 09/07/2020 08:19

Thứ Sáu tuần 14 thường niên.

"Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con".

 

Lời Chúa: Mt 10, 16-23

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.

"Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel cho đến khi Con Người đến".

 

 

Suy Niệm 1: Vì Danh Thầy

Suy niệm :

Tháng 8 năm 2008, tại vùng Orissa ở đông bắc Ấn độ,

có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết.

Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các Kitô hữu.

Lập tức một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan.

Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương,

50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người Kitô hữu bị phá hủy,

hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ.

Nhiều Kitô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn độ,

giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân.

Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Kitô giáo,

và họ đã lấy lại được nhân phẩm, cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội.

Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa.

Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tiên báo về các bách hại đó.

Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu,

vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy.

Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Kitô hữu:

bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan,

bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21).

Những điều này Đức Giêsu đều đã trải qua.

Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giêsu”, “vì Danh Đức Giêsu” (cc. 18. 22).

Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi.

“Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20),

để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Cha.

Bởi đó người Kitô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19).

Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ.

Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.

Các Kitô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế.

Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo.

Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan,

biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23).

Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Kitô hữu,

là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô.

Ngay cả ở những quốc gia tây phương tự hào là có tự do tôn giáo,

vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi,

khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.

Sống là Kitô hữu như Đức Kitô muốn đòi ta phải lội ngược dòng.

Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi.

Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giêsu?

Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn?

 

Cầu nguyện :

Giữa một thế giới mê đắm bạc tiền,

xin được sống nhẹ nhàng thanh thoát.

Giữa một thế giới lọc lừa dối trá,

xin được sống chân thật đơn sơ.

Giữa một thế giới trụy lạc đam mê,

xin được sống hồn nhiên thanh khiết.

Giữa một thế giới hận thù, tuyệt vọng, dửng dưng,

xin được chia sẻ yêu thương, an bình và hy vọng.

Lạy Chúa Giêsu mến thương,

xin dạy chúng con biết cách làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời.

Xin giúp chúng con tìm ra những cách mới để người ta tin và yêu Chúa.

Ước gì hơn hai tỉ người Kitô hữu

vẫn giữ được vị mặn của muối và sức biến đổi của men,

để chúng con làm cho thế giới này mặn mà tình người,

và làm cho trần gian trở thành tấm bánh thơm ngon.

Xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh

qua những việc tốt đẹp chúng con làm cho những người bé nhỏ.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: CHIÊN VÀ SÓI

Con cái Thiên Chúa phải làm chứng cho Người nơi trần gian. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Vì con cái Thiên Chúa hiền lành và yếu ớt như chiên con. Và thế gian hung dữ và mạnh mẽ như sói rừng. Sói sẽ tấn công. Thế gian sẽ bắt bớ. Nhưng Chúa Giê-su dạy ta đừng sợ. Cứ trông cậy nơi Chúa. Rồi Chúa sẽ làm việc. Khi bị nộp ra trước toà, bị hạch hỏi cũng đừng sợ. “Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: “thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. Hãy luôn trung tín với Chúa. Dù có bị chính những người thân ghét bỏ, hành hạ, Chúa vẫn luôn bên ta. “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.

Lời Chúa hôm nay hoàn toàn ứng nghiệm vào cuộc đời tổ phụ Giu-se. Ông là chiên con sống giữa sói rừng. Ông đã bị anh em thù ghét, bán cho người Ai-cập. Người Ai-cập đã hành hạ ông. Giam tù ông. Nhưng Thánh Thần soi sáng cho ông nói lời chân lý. Nên cuối cùng ông được giải oan. Trở thành tể tướng lẫy lừng. Ông đã bền chí đến cùng. Luôn trung thành với Chúa. Trông cậy vào Chúa cả trong những phút đen tối ngặt nghèo nhất. Nên ông đã thành đạt. Không những cứu được bản thân ông còn cứu được cả gia đình. Và cứu được cả dân nước Ai-cập khỏi nạn đói. Khi gặp ông, Gia-cóp vui mừng nói: “Phen này, cha chết cũng được, sau khi đã thấy mặt con, và thấy con còn sống” (năm lẻ).

Hô-sê khuyên nhủ dân Chúa, dù hiểm nguy cũng cứ tin cậy Chúa. Đừng cậy dựa vào những thế lực phàm trần, hay những tượng gỗ vô tri. Đừng “cầu cứu với Át-sua, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm tay chúng con làm ra”. Hãy cậy trông vào Chúa. Vì Chúa là là tình thương yêu. “Vì chỉ ở nơi Ngài kẻ mồ côi mới tìm được lòng thương cảm. Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình”. Vì Chúa sẽ cho dân Chúa được phục hồi và phát triển. “Họ sẽ đầm chồi nẩy lộc, sum suê tựa ô-liu tươi tốt, toả hương thơm ngát như rừng Li-băng. Chúng sẽ trở về cư ngụ dưới bóng Ta, sẽ làm cho lúa miến hồi sinh nơi đồng ruộng, tựa vườn nho, chúng sẽ sinh sôi nẩy nở, danh tiếng lẫy lừng như rượ Li-băng”. Và nhất là cuối cùng Chúa sẽ thực thi công lý: “người công chính sẽ hiên ngang tiế bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào” (năm chẵn).

Dù yếu ớt, dù hiền lành, ta hãy mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Rồi Chúa sẽ can thiệp. Và công lý được tỏ hiện. Đó chính là niềm hi vọng của ta.

Tgm Giuse Ngô Quang Kiệt

 

Suy Niệm 3: Số phận của người Kitô hữu

Trong chuyến hành hương Lộ Ðức tháng 8/1981, Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới, Ngài nói:

"Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình..."

Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.

Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn.

Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".

Nguyện xin Chúa gìn giữ mọi thành phần Dân Chúa được luôn trung thành theo Chúa Kitô và thoát khỏi tinh thần thỏa hiệp vì một chút dễ dãi, lợi lộc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Thích sống yên thân

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt. 10, 17-18)

Đời sống một chứng nhân

Chúa Giêsu chẳng dấu diếm gì, khi sai các môn đệ đi truyền giáo. Người nói rõ cho các ông hay những gì sẽ chờ đợi các ông. Trớ trêu thay! Các ông sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, bị người ta đánh đòn. Người ta sẽ thù ghét, truy nã các ông. Các bạn hữu thân tình sẽ chống lại các ông. Tất cả những chuyện đó đang chờ đợi các ông. Quả là tệ hại! Cuộc đời các môn đệ chẳng có giây phút nghỉ ngơi. Đi theo Chúa, rao giảng về Người là nhất thiết liều mình gánh lấy những tai họa, là chấp nhận phải chiến đấu cam go, đau khổ nhiều, khóc lóc nhiều.

Đức Giêsu đã báo trước điều đó. Mười hai tông đồ đã gặp những thử thách nặng nề. Người ta không để cho các ông sống dễ dàng. Họ đã bắt các ông phải chết. Tôi tớ không trọng hơn chủ, nó chịu đồng số phận với chủ mình. Đức Giêsu đã nói thế.

Nếu không gây ra cho ta gì

Điều Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ xưa thì vẫn luôn có giá trị cho tất cả những ai còn đang làm chứng cho Phúc âm. Một chứng nhân đích thực không thể sống kiểu “ngồi nhà mát ăn bát vàng”. Người chứng nhân ấy không thể rao giảng Tin mừng cách chân chính mà lại không bị người đời chống đối, bị người ta một ngày nào đó đem mình ra bêu diếu cách nào đó.

Đã có lần nào ta bị người ta chống đối kịch liệt, bị bôi nhọ vì những niềm tin Kitô giáo của ta không? Đã có lần nào ta phải đau khổ vì đã mạnh dạn và công khai làm chứng về Đức Kitô không? Nếu chưa bao giờ ta phải chịu điều gì thiệt thòi, chưa có ai chống đối ta bao giờ, thì có lẽ vì ta đã chưa bao giờ là những chứng nhân đích thực, vì ta đã chỉ muốn sống yên thân thôi. Những chứng nhân tồi là vậy đó.

JYG

 

Suy Niệm 5: SỐ PHẬN NGƯỜI MÔN ĐỆ (Mt 10, 16-23)

Xem lễ thánh Tử Đạo Việt Nam 24/11, Lễ thánh Stêphanô 26/12

Từ vài năm qua, phong trào bách hại các tín hữu Kitô ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có các nước như Irak, Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Nigeria ...

Thoạt nghe, chúng ta có thể thấy rất thương tâm và xót xa cho số phận của các Kitô hữu bị bách hại tại những nơi này!

Tuy nhiên, nếu quy chiếu cuộc đời người môn đệ với Đức Giêsu thì không có gì là lạ cả, bởi lẽ người môn đệ là người bước theo Đức Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi. Bước theo Thầy thì Thầy đi đâu, trò đi đấy; Thầy sống sao, trò sống vậy; và số phận của Thầy cũng là số phận của trò.

Tư tưởng này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến ngày 05-05-2013, ngài nói: “Có quá nhiều những cộng đoàn Kitô hữu trong thế giới này đang bị bách hại. Con đường của các tín hữu Kitô là con đường của Đức Giêsu. Nếu muốn là các môn đệ của Ngài, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ lụy là bị thế gian căm ghét”.

Chân lý đó được bắt nguồn từ những lời tiên báo của Đức Giêsu cho các môn đệ hôm nay. Ngài muốn báo trước cho các ông, để những sự việc đó đến, các ông can đảm và vững bước thi hành sứ vụ, dầu có phải chết.

Thật vậy, nếu Thầy Chí Thánh đã chấp nhận cái chết để làm chứng cho sự thật, cho tình yêu, thì đến lượt các môn đệ và mỗi chúng ta, chắc chắn không có con đường nào sáng giá hơn là con đường đón nhận hy sinh, đau khổ và ngay cả cái chết để làm chứng cho Chúa và Tin Mừng của Ngài.

Ngày nay, tại đất nước của chúng ta chỉ còn chút ít những chuyện bách hại về mặt thể lý để ngăn chặn bước chân loan báo Tin Mừng. Có chăng chỉ là những vùng sâu vùng xa, do những con người thiếu hiểu biết gây nên mà thôi!

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và suy tư một chút, hẳn chúng ta thấy hơn bao giờ hết, ngày nay, con người lại đang bị bách hại khủng khiếp nhất. Cuộc bách hại trên diện rộng và sâu xa, nó có sức tàn phá mãnh liệt hơn cả thương tích, chết chóc về mặt thể lý. Cơn cám dỗ đó đến từ những trào lưu tục hóa, những phim ảnh, sách báo đồi trụy, những chủ thuyết triết học hiện sinh muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người và xã hội, để thay vào đó là những quan niệm “tự nhiên có”; hay “có là do tôi làm ra”.

Dần dà, nó làm cho con người có những lựa chọn sai lạc vì những “chân lý nửa vời” chỉ đạo.

Thiết nghĩ, những cơn cám dỗ đó đến với người môn đệ, đòi hỏi chúng ta phải có một chọn lựa. Tiếp tục theo Chúa hay buông xuôi. Nếu theo Chúa thì phải cẩn trọng và cương quyết từ bỏ những quyến luyến, cám dỗ của bản năng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết can đảm, trung thành theo Chúa đến cùng. Xin cho chúng con biết khước từ những điều bất chính để được thuộc trọn về Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

1. Sự chết

Khi thi hành sứ mạng phục vụ cho sự sống của con người, người môn đệ có nguy cơ mất đi chính sự sống của mình.

Bởi vì con người không chỉ đau khổ vì thân phận sinh lão bệnh tử, nhưng còn bị chi phối nặng nề bởi Sự Dữ, vốn gây ra bầu khí chết chóc và chính cái chết cho con người (x. St 3, 1-7: Con Rắn gieo nọc độc vô ơn, ham muốn và ghen tị gây chết chóc trong lòng con người và trong tương quan giữa người với người).

Phục vụ cho sự sống đến độ đánh liều chính sự sống của mình. Nhưng đó lại là con đường nhận lại sự sống trong Chúa, giải phóng sự sống hôm nay khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, vì thế làm cho sự sống trở nên đích thật và hướng về sự sống viên mãn mai sau, theo khuôn mẫu của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô. Chính vì thế, Đức Giê-su nói:

Này, Thầy sai anh em đi
như chiên đi vào giữa bầy sói. 
(c. 16)

Như thế, sự chống đối, thậm chí bách hại, là tất yếu; như hình ảnh “chiên và sói” gợi ra: một bên là hiền lành và một bên là bạo lực, muốn hủy diệt. Nhưng lí do của sự chống đối không phải là chính bản thân các môn đệ, nhưng là “vì Thầy”, “vì danh Thầy”, bởi vì Thầy mới là “Con Chiên” đích thật của Thiên Chúa, là Đấng mà các môn đệ rao giảng và được mời gọi trở nên một với Ngài. Người môn đệ được mời gọi trở nên một với Đấng mình rao giảng, vì Ngài đã trở nên một với môn đệ trước.

“Người đời” đã bách hại Thầy và Đức Giê-su nói: “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”. Và “Người đời” tiếp tục bách hại Thầy nơi các môn đệ, bởi vì Thầy là “Chiên lành”, “Sự Thiện”, “Thiên Tính”, “Ánh Sáng”, “Sự Sống, “Sự Thật”. Vì thế, một cách tương ứng, kẻ bách hại không phải là những con người cụ thể, nhưng là “Sói Dữ”, “Sự Dữ”, “Thú Tính”, “Gian Dối”, “Bóng Tối”, “Sự Chết” hành động nơi những con người cụ thể. Thế mà, Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ có mặt ở khắp nơi và nơi mọi người, và có nơi chính các môn đệ! Vì thế, sự chống đối của Sự Dữ có thể bùng lên từ những nơi và những người thiết thân nhất: “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.” “Sói Dữ” không phải là con người, nhưng là thú tính hiện diện và chi phối con người chống lại “Chiên Lành”.

 2. Sự Sống

Nhưng lời loan báo của Đức Giê-su về sự bách hại thậm chí giết hại, lại chứa đựng Sự Sống của Thiên Chúa và hướng đến Sự Sống viên mãn của Người, theo khuôn mẫu của “Hạt Lúa Mì”, nghĩa là của mầu nhiệm Vượt Qua. Thật vậy, bách hại, nhưng lại là cơ hội “để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”; và bởi vì đây là chứng từ tận cùng, nghĩa là “chứng từ sự sống”, như Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó, người môn đệ được dẫn vào kinh nghiệm “thần nhiệm” về Thiên Chúa Ba Ngôi: người môn đệ bị bách hại vì Chúa Con, nên được Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần để Người lên tiếng và hành động nơi các môn đệ, như Đức Giê-su nói:

Vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết
phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói,
mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” 
(c. 19-20)

Và sự bách hại không phải là vô tận, nhưng sẽ kết thúc với biến cố “Con Người đến” một cách bất chợt. Đó là hướng đi tất yếu của lịch sử cứu độ, bởi vì Đức Ki-tô đã vượt qua sự bách hại và chính sự chết, và Ngài sẽ lại đến để dẫn đưa sáng tạo và lịch sử đi vào một chiều kích vừa vĩnh cửu và vừa mới mẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu, chính sự bách hại khiến người môn đệ phải trốn chạy: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác”, sẽ làm cho người môn đệ trở nên giống với Đức Ki-tô và mau đến với Người.

Con Người đến với chúng ta, hay chúng ta đến với Con Người, còn nhắc nhớ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người: Người đã bị giết chết, nhưng Người đã phục sinh, để trở nên sức mạnh và niềm hi vọng cho người môn đệ thuộc mọi thời.

 3. “Đừng sợ”

Tuy nhiên, đứng trước viễn tượng chống đối tất yếu và tận căn như thế, không ai có thể tránh được sự sợ hãi ; và chính Đức Ki-tô cũng có kinh nghiệm này trong Vườn Dầu. Vì thế, khi Người mời gọi người môn đệ nhiều lần « đừng sợ » (ba lần ở những câu 26, 28 và 31 trong bài Tin Mừng ngày mai : Mt 19, 24-33), thì đó không phải là sự sợ hãi thuộc bình diện tâm lí, vì ở bình diện này, con người không thể không sợ, nhưng Người gọi người môn đệ « đừng sợ », đừng lung lạc, đừng để ma quỉ làm cho nghi hoặc, ở bình diện tín thác, mà người môn đệ đặt để nơi Sự Thật, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

(a) Tín thác nơi chân lí của sứ điệp Tin Mừng, của chính Đức Ki-tô, bởi vì Người là Chân Lý ; và Chân Lý này hôm nay được rao giảng bởi các môn đệ, nhưng một ngày kia sẽ được tỏ bày cho tất cả mọi người :

Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.(c. 26-27)

(b) Người môn đệ còn được mời gọi tín thác nơi quyền năng mạnh hơn sự chết của Thiên Chúa :

Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục(c. 28)

(c) Và nhất là người môn đệ được mời gọi tín thác nơi tình yêu quan phòng của Người:

Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ(c. 29)

Khi nói về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa Cha, ngang qua hình ảnh « con chim sẻ », Đức Giê-su đã làm cho lời nguyện Thánh Vịnh được hoàn tất (x. Lc 24, 44) ; thật vậy, theo con đường thiêng liêng của lời nguyện Thánh Vịnh, Người mời gọi chúng ta nhận ra tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa dành cho con người khởi đi từ công trình sáng tạo của Người:

Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? (Tv 8, 4-5)

Chim sẻ rẻ tiền như thế, nhưng vẫn không bị loại bỏ khỏi sự quan tâm yêu thương của Chúa Cha, trong khi chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và được tái sinh trong Máu Đức Ki-tô để trở nên con Thiên Chúa, vì thế, Người quí trọng từng « sợi tóc » trên đầu của chúng ta (c. 31). Chứng kiến từng sợi tóc rụng theo năm tháng, nhất là khi đến tuổi trung niên, thay vì sợ hãi, chúng ta được mời gọi tín thác nơi Thiên Chúa « muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương » (Tv 136).

Vì thế, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, dù cho đó là “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác” (Rm 8, 35-39). Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho người môn đệ “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ” (c. 32), nghĩa là sống tương quan thiết thân với Người trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.

*  *  *

Khi bắt đầu nói về sự bách hại, Đức Giê-su mời gọi người môn đệ:

Vậy anh em phải khôn như rắn
và đơn sơ như bồ câu. 
(c. 16)

Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng lời mời gọi này khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Ki-tô, để nhận ra Khuôn Mặt của Đức Ki-tô chịu đóng, rạng ngời sự đơn sơ và khôn ngoan của Thiên Chúa và để cho con tim chúng ta được chinh phục.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Chiên giữa bầy sói – khôn ngoan và trong trắng – SN song ngữ ngày 10.7.2020

 

Friday (July 10):  Sheep in the midst of wolves – wise and innocent

Scripture:  Matthew 10:16-23

16 “Behold, I send you out as sheep in the midst of wolves; so be wise as serpents and innocent as doves. 17 Beware of men; for they will deliver you up to councils, and flog you in their synagogues, 18 and you will be dragged before governors and kings for my sake, to bear testimony before them and the Gentiles. 19 When they deliver you up, do not be anxious how you are to speak or what you are to say; for what you are to say will be given to you in that hour; 20 for it is not you who speak, but the Spirit of your Father speaking through you. 21 Brother will deliver up brother to death, and the father his child, and children will rise against parents and have them put to death; 22 and you will be hated by all for my name’s sake. But he who endures to the end will be saved. 23 When they persecute you in one town, flee to the next; for truly, I say to you, you will not have gone through all the towns of Israel before the Son of man comes.

Thứ Sáu     10-7                Chiên giữa bầy sói – khôn ngoan và trong trắng

Mt 10,16-23

 16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.17 “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.23 “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.

Meditation: 

What does Jesus mean when he says his disciples must be sheep in the midst of wolves (Matthew 10:16)? The prophet Isaiah foretold a time when wolves and lambs will dwell in peace (Isaiah 11:6 and 65:25). This Old Testament prophecy certainly refers to the second coming of Christ when all will be united under the Lordship of Jesus after he has put down his enemies and established the reign of God over the heavens and the earth (Ephesians 1:10 and Revelation 11:15). In the meantime, the disciples must expect opposition and persecution from those who oppose the Gospel and the coming of God’s kingdom.

The readiness to serve and face hardship for Christ and his kingdom 

Jesus never hesitated to tell his disciples what they might expect if they chose to follow him. Here Jesus says to his disciples: This is my task for you at its grimmest and worst – do you accept it? This is not the world’s way of recruitment for service and toil with a promise of honour and reward. After the British defeat at Dunkirk (June 1940), Churchill offered his country blood, toil, sweat, and tears.

 

This is not the message we prefer to hear when the Lord Jesus commissions us in his service for the advancement of God’s kingdom and the battle against Satan’s kingdom of darkness and death. Nonetheless, our privilege is to follow in the footsteps of the Lord and Master who willingly laid down his life for us in order to bring us victory over Satan, sin, and death. Are you willing to accept hardship and suffering in serving the Lord Jesus Christ?

 

 

“Lord Jesus, help me to patiently and joyfully accept the hardships, adversities, and persecution which come my way in serving you and your kingdom of  love, truth,and goodness. Strengthen my faith and give me courage that I may not shrink back from doing your will.”

Suy niệm:

Ðức Giêsu có ý muốn nói gì khi Người nói các môn đệ phải như chiên giữa bầy sói (Mt 10,16)? Ngôn sứ Isaia đã tiên báo một thời gian khi sói và chiên sống trong hòa bình (Is 11,6- 65,25). Lời tiên báo trong Cựu ước này chắc chắn có ý nói đến việc Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai khi tất cả sẽ quy tụ dưới vương quyền của Ðức Giêsu, sau khi Người hạ bệ các kẻ thù của mình xuống và thiết lập vương quốc của Thiên Chúa cả trên trời dưới đất (Eph 1,10 và Kh 11,15). Đồng thời, các môn đệ phải mong đợi sự chống đối và ngược đãi từ những kẻ chống lại Tin mừng và việc nước Thiên Chúa sẽ đến.

Sự sẵn sàng phục vụ và đối diện với khó khăn vì Đức Giêsu và vương quốc của Người

Ðức Giêsu không bao giờ ngần ngại để nói với các môn đệ những gì họ có thể mong đợi nếu họ đi theo Người. Ở đây, Ðức Giêsu muốn nói với các môn đệ: Đây là công việc của Ta dành cho anh em ở sự ác nghiệt và tệ hại nhất; anh em có đón nhận nó không? Đây không phải là đường lối của thế gian khi đưa ra một công việc. Sau cuộc thất bại ở Dunkirk, Churchill mang lại cho đất nước của ông: máu me, công việc nặng nhọc, mồ hôi, và nước mắt.

Đây không phải là sứ điệp chúng ta muốn nghe khi Chúa Giêsu ủy thác chúng ta trong việc phụng sự Người cho sự tiến triển vương quốc của Thiên Chúa và cho trận chiến chống lại vương quốc đen tối và chết chóc của Satan. Tuy nhiên, đặc ân của chúng ta là bước theo những bước chân của Chúa và của Thầy, Đấng đã hiến mạng sống mình vì chúng ta để đem lại cho chúng ta chiến thắng trên Satan, tội lỗi, và sự chết. Bạn có sẵn sàng đón nhận khó nhọc và đau khổ trong việc phụng sự Chúa Giêsu Kitô không?

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con kiên nhẫn và vui mừng đón nhận những khó nhọc, nghịch cảnh, và ngược đãi, xảy đến với con trên con đường phụng sự Chúa và vương quốc tình yêu, sự thật, và tốt lành của Chúa. Xin thêm sức cho niềm tin của con, và ban cho con can đảm, để con không lùi bước trước việc thực thi ý Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây