Thứ ba tuần 5 Mùa Chay.
"Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai".
Lời Chúa: Ga 8, 21-30
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được".
Người Do-thái nói với nhau rằng: "Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói "Nơi Ta đi các ông không thể tới được"?"
Chúa Giêsu nói tiếp: "Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông".
Vậy họ liền hỏi: "Ông là ai?" Chúa Giêsu trả lời: "Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài".
Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: "Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài". Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.
SUY NIỆM 1: Giương cao Con Người lên
Suy niệm :
“Khi các ông giương cao Con Người lên…” (c. 28).
Đó là cách diễn tả về cái chết của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan.
Cái chết trên thập giá đúng là một sự giương cao nhục nhã, đau đớn.
Đức Giêsu bị treo lên cây gỗ như một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Những kẻ giương cao Ngài lên là các ông, các nhà lãnh đạo Do-thái.
Họ đã giết Đức Giêsu vì nhiều lý do.
Lý do lớn nhất là vì Ngài đã dám sống trọn vẹn cho Cha và cho con người.
Sống công chính đã khiến Ngài trở nên nạn nhân cho cái chết bất công.
Cái chết của Đức Giêsu gắn kết Ngài với muôn triệu cái chết khác
của những người vô tội trong suốt dòng lịch sử.
Nhưng cái chết của Đức Giêsu còn nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã biến cái chết ghê rợn của Con Ngài thành dấu chỉ của tình yêu.
Nhìn lên thánh giá, chúng ta thấy tình yêu của Cha tặng trao cho nhân loại.
Cha đã tặng tình yêu lớn nhất là chính Con Một của mình.
Vì thế có thể nói chính Cha đã giương cao Con mình trên thánh giá.
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3, 14).
Đức Giêsu được giương cao bởi chính Thiên Chúa qua cái chết của Ngài.
Như dân Do thái xưa đã nhìn lên con rắn bằng đồng để được sống,
ai nhìn lên thánh giá và tin vào tình yêu, người ấy sẽ được cứu độ.
Thập tự giá không còn là dấu hiệu của cái chết bất lực của một nạn nhân.
Nó đã trở nên thánh giá với sức mạnh phi thường.
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất,
tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).
Qua việc giương cao này, sức thu hút mạnh mẽ của thánh giá được bày tỏ.
Cả nhân loại được nâng lên khỏi cái nặng nề tội lỗi của chính mình.
Đấng chịu đóng đinh vẫn lôi kéo cả vũ trụ này mãi cho đến tận thế.
Cuối cùng, có thể nói chính Đức Giêsu đã tự giương cao mình trên thánh giá.
“Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18).
Cái chết là kết quả tất yếu của một cuộc sống dám để Cha chi phối trọn vẹn.
“Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì…
Chúa Cha dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy…
Tôi luôn luôn làm những điều đẹp ý Người” (cc. 28-29).
Đức Giêsu đã sống trung tín như một Người Con, người được Cha sai.
Cha lúc nào cũng ở với Ngài, nên Ngài không biết đến cô đơn (c. 29).
Mỗi Kitô hữu cũng được giương cao trên thánh giá riêng của đời mình.
Và khi tôi gắn thánh giá của tôi với thánh giá của Giêsu,
thánh giá nhỏ bé ấy sẽ có sức kéo nhiều người lên với Giêsu.
Cầu nguyện :
Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,
đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha
trong mọi nỗi khổ đau của đời con,
và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá,
bao lâu tùy ý Cha định liệu.
Xin đừng để con trở nên chua chát
nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ
với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ
và lòng khát khao nóng bỏng
có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.
Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ
của những người đã yêu mến Cha,
đã tin vào tình yêu Cha giữa nỗi thống khổ,
tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.
Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con
nói lên lòng tin của con
vào những lời hứa của Cha,
lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha,
và lòng mến mà con dành cho Cha.
Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân,
và yêu Cha chỉ vì Cha,
chứ không mong phần thưởng.
Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,
là ánh sáng cho đêm tăm tối,
nhờ đó con không còn coi khổ đau
như một tai họa hay một điều vô lý,
nhưng như một dấu chỉ cho thấy
con đang thuộc về Cha mãi mãi. Amen. (Karl Rahner)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Vai Trò Của Ðấng Messia
Bài Tin Mừng trên đây là đoạn tiếp nối cuộc tranh luận về lời chứng của Chúa Giêsu đối với bản thân Người. Trong đoạn đầu của cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu đã nhắc đến Cha mình, nhưng những người pharisiêu không hiểu là Người nói đến Thiên Chúa Cha. Trong đoạn chúng ta nghe đọc hôm nay, Chúa Giêsu lại nói về nguồn gốc thượng giới của Người và lại nhắc đến Cha Người. Chúa Giêsu đứng trên quan điểm của Ðấng Mêssia để rao giảng sứ điệp cứu thế, trong đó Người nói lên nguồn gốc thần linh của mình và giới thiệu chương trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó cho Người thực hiện ở trần gian.
Kể từ khi công khai ra đi rao giảng, tất cả những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu đều tập trung vào việc phổ biến ý định cứu thế của Thiên Chúa Cha. Từ việc kêu gọi mọi người ăn năn sám hối đến việc thi ân giáng phúc cho những người thành tâm thiện chí và cảnh cáo phê bình những kẻ lầm lạc cố chấp, Chúa Giêsu cho thấy Người luôn luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Những người Pharisiêu thì đứng trên quan điểm phe nhóm họ. Họ cũng nói về vai trò của Ðấng Mêssia, nhưng là một Ðấng Mêssia phù hợp với lối nghĩ lối sống đã bị tục hóa của họ. Bị chi phối mạnh mẽ bởi cách nhìn này, họ đọc nhưng không hiểu được những lời Kinh Thánh tiên báo về sự xuất hiện của Ðấng Kitô. Trong cách hiểu của họ, Ðấng Kitô có lai lịch và diện mạo khác hẳn với con người và tự xưng là Cứu Chúa này. Bởi thế, càng nghe những lời Chúa Giêsu giảng, càng thấy các việc Chúa Giêsu làm, họ càng tìm cách chống đối quyết liệt. Họ muốn chứng minh cho dân chúng thấy rằng Chúa Cha và Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu rao giảng chỉ là một trò bịp bợm mà thôi.
Khi tự xưng mình là Ðấng Hằng Hữu, Chúa Giêsu có ý nhắc cho họ nhớ lại lời Giavê Thiên Chúa đã tỏ danh tánh Ngài ra cho ông Môisen trước khi giao cho ông sứ mạng giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Kể từ đó, danh xưng Giavê Thiên Chúa là Ðấng Hiện Hữu trở thành một danh xưng tối thượng đối với người Do Thái. Nhắc đến danh xưng này là nhắc đến chính Ðấng Tối Cao. Trong lịch sử Israel chưa hề có một ngôn sứ nào dám dùng danh xưng này để nói về chính bản thân mình, vậy mà Chúa Giêsu dùng đến danh xưng tối thượng ấy, ắt hẳn Người phải có một lý do cực kỳ trọng đại. Những người pharisiêu không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu lời Chúa Giêsu nói. Lắm lúc chúng ta cũng sống theo cách nghĩ của những người pharisiêu trên đây. Trong lúc Chúa Giêsu phục sinh đang nỗ lực tác động trên mọi lãnh vực của thế giới hôm nay để kéo con người lên cùng Thiên Chúa, Người tác động qua Giáo Hội, qua Lời Chúa, qua các bí tích, các công việc phục vụ của người Kitô. Người cũng tác động các tập thể thành tâm thiện chí của nhân loại, các hệ thống tư tưởng quảng bá chân thiện mỹ, các mối quan hệ xây dựng hòa bình và hạnh phúc cho con người, các công cuộc giúp thăng tiến đời sống đích thực và toàn diện của con người. Trong khi Chúa Giêsu làm như vậy, thì chúng ta, chúng ta lại làm theo hướng ngược lại, chúng ta dần dần phàm tục hóa đời sống của chính mình và của những người chung quanh bằng những suy nghĩ và hành động chỉ dựa trên những loài thú vật mà thôi. Con người và vũ trụ có nguồn gốc từ Thiên Chúa Hằng Hữu và sẽ trở về với cội nguồn Hằng Hữu ấy. Nhưng đôi khi chúng ta cứ muốn giữ tất cả nằm lại trong thế giới thụ tạo hữu hạn này mà thôi.
Lạy Thiên Chúa là Ðấng hằng có đời đời và là nguồn gốc của mọi sự. Xin ban cho con ơn biết cộng tác với Chúa và với anh chị em trong việc thăng tiến con người và thế giới, góp phần đưa con người và thế giới về với Chúa, về với nguyên thủy nguồn gốc của mọi loài mọi vật.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Tin Nhận Chúa.
Cụ Alexis đã viết thư cho mình 35 năm trước. Đúng ngày được 60 tuổi, cụ mở thư ra đọc: “Bạn thân mến, mừng kỷ niệm 60 năm sinh nhật của bạn, kể từ hôm nay, bạn bắt đầu bước đi trên một đoạn đường mới. 60 năm đã qua và kể như đời bạn đã xế chiều, dù bạn vẫn còn khỏe, nhưng sức dẻo dai đã kém hơn trước nhiều.
Bạn hãy bảo vệ sức khỏe để còn đóng góp sức lực vào phúc lợi chung. Bạn hãy biết ra đi, biết rút lui cách nhẹ nhàng và nhường chỗ cho đàn em có khả năng thể xác và tinh thần hơn bạn.
Nhưng không phải rút lui để tìm nhàn hạ. Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm của 60 năm đầy nụ cười và nước mặt của bạn cho đàn em, và bạn hãy sung sướng khi thấy họ thành công hơn bạn, vì nhờ họ Thiên Chúa được vinh danh hơn. Bạn hãy tiếp tục dấn thân cho đến hơi thở cuối cùng theo sức bạn, theo tuổi bạn.
Bạn hãy chuộc lại những thời gian bạn đã lãng phí trong suốt 60 năm qua. Hãy kiểm điểm trước mặt Chúa, hãy rút kinh nghiệm từ quá khứ, hãy cảm tạ Chúa và sám hối trước mặt Ngài.
Bạn hãy dành quãng đời còn lại để làm một việc gì cho Chúa, một việc mà giờ đây Chúa đang mời gọi bạn cộng tác. Bạn đừng quên rằng bạn đang tiến về Nhà Cha mỗi phút một gần hơn. Bạn hãy sẵn sàng thoát ly địa vị và của cải trần gian.
Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của đời bạn. Hãy sống đẹp lòng Chúa, vui lòng gia đình và bạn bè. Hãy quyết tâm mãnh liệt, hãy thực hiện nghiêm túc, hãy kết hiệp với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse. Ân sủng và bình an của Chúa ở cùng bạn”.
Thành tâm thiện chí của cụ Alexis đáng chúng ta suy nghĩ. Thực hiện thánh ý Chúa từng giây phút hiện tại là gì, nếu không phải là tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, để đừng chết trong tội lỗi.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Đấng “Ta là”, đồng thời mạc khải mầu nhiệm Tử nạn của Ngài để lôi kéo mọi người lên cùng Thiên Chúa. Mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu cũng mạc khải mối tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu, thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa, Đấng đã sai Con Một Ngài xuống trần, để cứu rỗi chúng ta. Đây là mầu nhiệm mà chúng ta cần phải chiêm ngắm và dâng lời cảm tạ để nhờ đó đời sống chúng ta được canh tân đổi mới.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Nếu các ông không tin
Đức Giêsu lại nói với họ:
“Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết.
Nơi tôi đi các ông không thể đến được.”
Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: Nơi tôi đi các ông không thể đến được?
Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới.
Các ông thuộc về thế gian này; Còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. (Ga. 8, 21-23)
Một Tin mừng đầy nghịch lý đối với bản chất loài người như trong đoạn văn của Thánh lễ hôm nay.
Một lần nữa, Đức Kitô thử giúp những người biệt phái cố chấp cứng lòng tin hiểu về Người.
Người là ai? Người đang bị họ tìm cách loại trừ bằng bất cứ giá nào, nhưng Người sẽ ra đi theo ý Người, khi Người muốn. Người bị họ tố cáo là kẻ tội lỗi, nhưng Người không khó chịu gì về lời họ, còn họ sẽ bị chết vì lời họ. Người sẽ về trời, còn họ vẫn ở dưới đất. Người sẽ bị họ treo trên thập giá, họ tưởng thế là đã trừ diệt được Người mãi mãi, trái lại khi họ treo Người lên, Người lại vinh quang đời đời.
Đức Kitô nói: “Nếu các ông không tin, các ông sẽ chết trong tội của các ông”. Họ không tin. Họ không tin Đấng không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy Người điều gì Người nói như vậy, vì Người là Thiên Chúa như Chúa Cha.
“Nếu các ông không tin …”. Vậy chỉ cần tin vào Thiên Chúa này thì được cứu độ, dù có vẻ nghịch lý đối với các ông. Hoàn toàn là thế. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận một chút ánh sáng, thì sẽ được Người soi sáng cho ta thấy tỏ tường về Người. Chỉ cần chúng ta biết tiếp nhận Người, dù không thể giải nghĩa và thực hiện được theo nhãn quan con người. Chỉ cần chúng ta đừng bỏ qua những lời yêu sách của sứ điệp Phúc âm, dù có trái nghịch với bản chất con người chúng ta. Chỉ cần chúng ta bắt lý trí con người bái phục chân lý đức tin. Chỉ cần chúng ta biết cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm Đức Kitô bằng con tim trong đau khổ thập giá cũng như vinh quang phục sinh.
Nói khác đi, nếu chúng ta không tin Người, thì cũng không còn tin vào Thiên Chúa. Người trở nên một hữu thể vô danh vô tích sự mà thế giới ngày nay cho rằng Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô đã chết rồi.
Nếu chúng ta không tin vào Đức Giêsu Kitô của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ đúc ra thần tượng khác để thờ vì người ta không thể sống vô thần được, dù người ta nói mình sống không cần thần thánh nào cả. Chúng ta sẽ giống như nhiều dân tộc, qua lịch sử của loài người, chế tạo ra những thần tượng. Họ thờ nhân vật thay Thiên Chúa của mặc khải, thờ những minh tinh màn ảnh, bóng đá, ca sĩ thay Đức Giêsu Kitô. Thật quá trớn.
G.F
SUY NIỆM 5: ĐỨC TIN VÀ ĐỜI SỐNG (Ga 8, 2-30)
Tin Mừng hôm nay, tác giả Gioan đề cập đến chuyện Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ về cùng Cha và những lời tiên tri cho những ai không tin Ngài.
Khi nói đến việc Ngài sẽ trở về cùng Cha, những kẻ chống đối Ngài không thể hiểu nổi. Ngược lại, họ nghĩ rằng Đức Giêsu tự tử. Lối nói này cho thấy họ mỉa mai Đức Giêsu, vì khi nói đến tự tử, ấy là nói đến nơi sâu thẳm, đau khổ dành cho những người khước từ sự sống bằng việc tự tử. Khi nói như thế, họ tự cho mình quyền không thể tin nổi Đức Giêsu vì Ngài sắp đi vào chỗ chết một cách bi đát!
Khi thấy họ phản ứng như vậy, Đức Giêsu đã nói cho họ biết Ngài bởi đâu mà đến và suy tưởng của họ do đâu! Đồng thời Ngài nói tiên tri về số phận của những kẻ cứng đầu do không tin, Ngài nói: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết".
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học sau cho đời sống đạo của mình:
Thứ nhất, hạnh phúc đích thực tùy thuộc vào chuyện chúng ta tin Chúa hay khước từ Ngài. Tin thì được sống vĩnh viễn và khước từ thì trầm luân muôn đời.
Thứ hai, chúng ta được Thiên Chúa trao ban cho nhiều cơ hội tốt, bổn phận là phải làm cho cơ hội ấy trở nên hữu ích cho phần hồn của mình và tha nhân. Nếu không biết nhạy bén để đón nhận cơ hội Chúa ban, hoặc vì coi thường và khinh dể thì sẽ bị luận tội nặng nề hơn những người không biết.
Ngày nay, chúng ta được học hành nhiều về Chúa, nhận biết có Thiên Chúa, nhưng có sống theo điều mình đã tin hay không mới là quan trọng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và đem Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống thường nhật, tránh chuyện môi miệng thì cầu kinh mà lòng không yêu mến. Thật vậy, không phải cứ lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là thực hành những gì Lời Chúa dạy thì mới được vào.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mãnh liệt và một đời sống đầy lòng mến. Xin cho đời sống và những điều chúng con tin được hòa quyện với nhau thành một. Amen.
Ngọc Biển SSP
Tuesday: (March 31): “When you have lifted up the Son of man”
Gospel Reading: John 8:21-30 21 Again he said to them, “I go away, and you will seek me and die in your sin; where I am going, you cannot come.” 22 Then said the Jews, “Will he kill himself, since he says, `Where I am going, you cannot come’?” 23 He said to them, “You are from below, I am from above; you are of this world, I am not of this world. 24 I told you that you would die in your sins, for you will die in your sins unless you believe that I am he.” 25 They said to him, “Who are you?” Jesus said to them, “Even what I have told you from the beginning. 26 I have much to say about you and much to judge; but he who sent me is true, and I declare to the world what I have heard from him.” 27 They did not understand that he spoke to them of the Father. 28 So Jesus said, “When you have lifted up the Son of man, then you will know that I am he, and that I do nothing on my own authority but speak thus as the Father taught me. 29 And he who sent me is with me; he has not left me alone, for I always do what is pleasing to him.” 30 As he spoke thus, many believed in him.
|
Thứ Ba 31-3 Khi các ngươi treo Con Người lên
Ga 8,21-30 21 Đức Giê-su lại nói với họ: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.”22 Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: “Nơi tôi đi, các ông không thể đến được”? “23 Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.”25 Họ liền hỏi Người: “Ông là ai? ” Đức Giê-su đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó.26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.”27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha.28 Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.”30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người. |
Meditation:
Do you know the healing power of the cross of Jesus Christ? When the people of Israel were afflicted with serpents in the wilderness because of their sin, God instructed Moses: “Make a fiery serpent, and set it on a pole; and every one who is bitten, when he sees it, shall live” (Numbers 21:8). The visible sign of the “fiery bronze serpent” being lifted up in the sight of the people reminded them of two important facts – sin leads to death and repentance leads to God’s mercy and healing. The lifting up of the bronze serpent on a wooden pole points to Jesus Christ being lifted up on the wooden cross at Calvary where he took our sins upon himself to make atonement to the Father on our behalf. The cross of Christ broke the curse of sin and death and won pardon, healing, and everlasting life for all who believe in Jesus, the Son of God and Savior of the world. Either for him or against him While many believed in Jesus and his message, many others, including the religious leaders, opposed him. Some openly mocked him when he warned them about their sin of unbelief. It’s impossible to be indifferent to Jesus’ word and his judgments. We are either for him or against him. There is no middle ground and no neutral parties. When Jesus spoke about “going away” he was referring to his return in glory to his Father in heaven. Jesus warned his opponents that if they continued to disobey God’s word and to reject him as Lord and Savior, they would shut themselves off from God and die in their sins. Jesus’ words echoed the prophetic warning given to Ezekiel that people would die in their sins if they did not turn to God and ask for his mercy and pardon (see Ezekiel 3:18 and 18:18). In every age God warns his people to heed his word before the time is too late to seek his mercy and forgiveness. God gives us time to turn to him and to receive his mercy and pardon, but that time is right now. To sin literally means to miss the mark or to be off target. The essence of sin is that it diverts us from God and from our true purpose in life – to know the source of all truth and beauty which is God himself and to be united with God in everlasting joy. When Adam and Eve yielded to their sin of disobedience, they literally tried to hide themselves from God’s presence (Genesis 3:8-10). That is what sin does – it separates us from the One who is not only “all-seeing” and “ever present” to us, but who is also “all loving” and “merciful” and eager to receive us with open arms of mercy, healing, and forgiveness. When God calls you to turn your gaze and attention towards him, do you try to hide yourself from his presence with other distractions and excuses that keep you from seeking him and listening to his voice? The proof of God’s love for us Jesus went on to explain to people that if they could not recognize his voice when they heard his word, they would have the opportunity to recognize him when he is “lifted up” on the cross. Jesus pointed to the atoning sacrifice of his life on the cross as the true source of healing and victory over sin and reconciliation with God. The sacrifice of Jesus’ life on the cross is the ultimate proof of God’s love for us. God so loved the world that he gave us his only Son, that whoever believes in him should not perish but have eternal life (John 3:16). To fail to recognize who Jesus is and where he came from is to remain in darkness – the darkness of sin, ignorance, and unbelief. But if we look to Jesus and listen to his word of life and truth, then we will find the way to lasting peace and joy with God. The Lord Jesus invites each one of us to accept him as the Way, the Truth, and the Life. Our time here in this present world is very limited and short, but how we live it today has consequences not only for the present moment but for our eternal destiny as well. Which direction is your life headed in right now? “Lord Jesus, you came to set us free from sin, doubt, fear, and ignorance. Your word brings life, truth, and healing to mind, heart, soul, and body. Let your healing love free me from the blindness of sin and disbelief and from the destructive force of evil and wrongdoing. May I always find peace, joy, and strength in knowing your merciful love, truth, and goddness.” |
Suy niệm:
Bạn có biết sức mạnh chữa lành của thập giá Đức Giêsu Kitô không? Khi dân Israel bị đau khổ với những con rắn trong hoang địa bởi vì tội lỗi của họ, Thiên Chúa đã hướng dẫn Môisen: “Hãy làm một con rắn đồng, và để nó trên cái cột; bất cứ ai bị rắn cắn, nhìn lên nó, sẽ được sống” (Ds 21,8). Dấu chỉ hữu hình của “con rắn đồng” được treo lên trước mặt mọi người nhắc nhở họ hai sự kiện quan trọng – tội lỗi dẫn tới cái chết và sự thống hối dẫn tới lòng thương xót và sự chữa lành của Thiên Chúa. Việc treo con rắn đồng trên cây gỗ ám chỉ Đức Giêsu Kitô bị treo trên thập giá ở đồi Canvê, nơi mà Người gánh lấy tội lỗi chúng ta trên mình để đền tội thay cho chúng ta trước Chúa Cha. Thập giá của Đức Kitô đã đập tan lời nguyền của tội lỗi và sự chết và đem lại ơn tha thứ, sự chữa lành, và sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và Đấng cứu chuộc thế giới.
Ủng hộ hay chống lại Người Trong khi nhiều người tin tưởng vào Đức Giêsu và sứ điệp của Người, thì nhiều người khác, kể cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, đã chống đối Người. Một số thường nói móc Người khi Người cảnh báo họ về tội vô tín của họ. Thật là quá đáng để lãnh đạm trước lời nói và những phán quyết của Đức Giêsu. Chúng ta ủng hộ Người hoặc chúng ta chống lại Người. Không có sự nửa vời hay những phe trung lập. Khi Đức Giêsu nói về việc ra đi, Người nói về sự trở về cùng Cha của Người và về với vinh quang của Người. Các đối thủ của Người không thể theo Người được bởi vì sự bất tuân không ngừng của họ với Lời Chúa và sự khước từ đón nhận Người, họ tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Đức Giêsu cảnh báo họ rằng nếu họ tiếp tục khước từ Người, họ sẽ chết trong tội của họ. Những lời lẽ của Đức Giêsu vọng lại lời cảnh báo tiên tri được ban cho ngôn sứ Êdêkien (Ed 3,18 và 18,18) khi Thiên Chúa cảnh báo dân Người chú ý tới Lời Người trước khi quá trễ. Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian để trở lại với Người và để đón nhận ơn sủng của Người, nhưng thời gian đó chính là lúc này. Tội lỗi theo nghĩa đen là trật đích hay ra khỏi mục tiêu. Bản chất của tội lỗi là những gì nó làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa và ra khỏi mục đích thật sự của chúng ta trong cuộc đời – nhận biết cội nguồn của tất cả mọi sự thật và vẻ đẹp, là chính Thiên Chúa và sự kết hiệp với Thiên Chúa trong niềm vui vĩnh cửu. Khi Ađam và Evà đầu tiên phạm tội bất tuân, họ đã trốn mình khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa (St 3,8-10). Đó là những gì tội lỗi làm; nó tách lìa chúng ta khỏi Đấng không chỉ “thông biết mọi sự” và “luôn hiện hữu”, mà còn là Đấng “toàn ái” và “thương xót” và tha thiết tiếp nhận chúng ta. Khi Thiên Chúa gọi bạn quay lại và hướng về Người, bạn có cố gắng ẩn mình khỏi sự hiện diện của Người với những xao lãng và biện minh khác để giữ bạn không tìm kiếm Người và lắng nghe lời Người không? Bằng chứng tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta Đức Giêsu tiếp tục giải thích rằng nếu người ta không thể nhận ra tiếng Người khi họ nghe lời của Người, thì họ sẽ có cơ hội để nhận ra Người khi Người bị “treo trên” cây thập giá. Ðức Giêsu đã nhắm tới của lễ đền tội của đời Người trên thập giá là nguồn cội đích thật của sự chữa lành và sự chiến thắng trên tội lỗi của thế gian. Hy lễ cuộc đời của Ðức Kitô trên thập giá cho tội lỗi chúng ta là bằng chứng cuối cùng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa quá yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người cho chúng ta, để những ai tin nhận Người sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời (Ga 3,16). Không nhận ra Đức Giêsu là ai và Người từ đâu đến là vẫn còn ở lại trong bóng tối – bóng tối của tội lỗi, ngu dốt, và vô tín. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào Đức Giêsu và lắng nghe lời sự sống và chân thật của Người thì chúng ta sẽ tìm thấy con đường dẫn tới sự bình an và niềm vui bất tận với Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta tiếp nhận Người là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Thời gian ở đây, trong thế giới này có giới hạn và ngắn ngủi, nhưng cách chúng ta sống lại hôm nay lại có những hệ quả không chỉ cho giây phút hiện tại mà còn cho số phận đời đời nữa. Hiện giờ cuộc đời bạn đang hướng về đâu? Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để giải thoát chúng con khỏi tội lỗi, nghi ngờ, sợ hãi, và ngu dốt. Lời Chúa đem lại sự sống, sự thật, và chữa lành cho trí, tâm, hồn, và xác. Xin tình yêu chữa lành của Chúa giải thoát con khỏi sự mù quáng của tội lỗi và vô tín, và khỏi sức mạnh phá hủy của sự dữ và việc làm sai trái. Xin cho con luôn tìm thấy bình an, niềm vui, và sức mạnh trong việc hiểu biết tình yêu, chân lý, và sự tốt lành của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
SUY NIỆM:
Tất cả các bài Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong tuần này, trong đó có bài Tin Mừng hôm nay, kể lại cuộc trao đổi giữa Đức Giê-su và người Do Thái. Cuộc trao đổi càng ngày càng quyết liệt này làm bộc lộ bóng tối và sự chết có nơi người Do Thái và sẽ đi đến cùng là dự án giết Đức Giê-su mà chúng ta sẽ nghe kể lại trong bài Thương Khó vào Chúa Nhật Lễ Lá sắp đến.
Tuy nhiên, cuộc trao đổi này cũng làm sáng tỏ căn tính đích thật của Đức Kitô: “Các ông bởi hạ giới, còn tôi, tôi bởi thượng giới”. Và điều này sẽ đạt tới đỉnh cao nơi Thập Giá:
Khi các ông dương cao Con Người lên,
bấy giờ các ông sẽ là Tôi Hằng Hữu. (c. 28)
Như thế, điều tồi tệ nhất loài người dành cho Đức Giêsu, nhưng lại được Ngài dùng để bày tỏ căn tính đích thật của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Bài đọc I của Thánh Lễ hôm nay, trích sách Dân Số, ngang qua hình ảnh Con Rắn, còn giúp chúng ta hiểu sâu rộng hơn về mầu nhiệm “Con Người được giương cao” trên Thập Giá trong tương quan toàn bộ lịch sử cứu độ.
1. Nghi ngờ Thiên Chúa
Đi trong sa mạc trong một thời gian dài, thiếu ăn thiếu uống. Đó là một thử thách rất thật và rất lớn, vì của ăn của uống là nhu cầu thiết yếu cho sự sống. Tuy nhiên, vấn đề là lòng họ hướng về đâu ? Họ tìm gì khi bỏ Ai Cập ra đi theo tiếng gọi của Đức Chúa dưới sự hướng dẫn của Mô-sê ? Nếu con tim của họ chỉ hướng về việc thỏa mãn những nhu cầu của mình thôi, thì tất yếu đến một lúc nào đó, họ sẽ mất kiên nhẫn. Bởi vì nhu cầu thì không có cùng tận.
Trước hết là nhu cầu của cái nhìn, họ đi theo Chúa dưới sự hướng dẫn của Môsê là nhằm để thỏa mãn cái nhìn. Vì thế, họ nhìn thấy bao dấu lạ, nhất là dấu lạ vượt qua Biển Đỏ khô chân, nhưng họ vẫn không chịu tín thác vào Đức Chúa (x. Tv 106). Chẳng lẽ Chúa lại phải làm cho họ dấu lạ mỗi ngày ? Ngang qua một vài dấu lạ, họ được mời gọi trao ban lòng tin, lên đường và đi đến cùng. Giống như, những người cùng thời với Đức Giêsu, chứng kiến bao dấu lạ Ngài làm, và chính ngôi vị của Ngài là một dấu lạ, thế mà vẫn cứ đòi dấu lạ từ trời. Lúc Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Thập Giá, họ vẫn đòi dấu lạ: “xuống khỏi Thập Giá đi để chúng ta thấy, chúng ta tin” (Mt 27, 39-44). Họ cứ nghĩ là thấy thì tin, đó là ảo tưởng. Bởi vì thấy, thì thấy một lần trong một thời điểm và nơi chốn nhất định; trong khi tin là tin vào một ngôi vị, tin suốt đời ở mọi nơi mọi lúc. Tin lúc Chúa ban dấu lạ ; và tin cả lúc Chúa không ban dấu lạ, như tác giả Thánh Vịnh nói: “tôi đã tin, cả khi mình đã nói: ôi nhục nhã ê chề” (Tv 116, 10). Trong thực tế cuộc sống, như mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm, và chính Dân được Đức Chúa tuyển chọn cũng có cùng một kinh nghiệm, những ngày không có dấu lạ gì mới là nhiều ; và có những ngày, những giai đoạn đầy đau khổ và thử thách :
Tôi tự bảo : điều làm tôi đau đớn,
là Đấng tối cao chẳng còn ra tay nữa. (Tv 77, 11)
Hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta cũng thế, chúng ta nhận ra dấu lạ nào đó Chúa ban cho mình và chúng ta được mời gọi tin vào tình yêu trung tín của Chúa và chúng ta đáp lại suốt đời ngang qua đời sống hàng ngày, những ngày rất đỗi bình thường cũng như những ngày đầy thách đố, khó khăn. Nhưng chúng ta cũng có kinh nghiệm này: khi tin rồi, chúng ta sẽ thấy mọi sự đều lạ.
Mà ham muốn nhìn cũng chính là ham muốn ăn: đói thì Chúa cho ăn; ăn manna một hồi thì thèm thịt, Chúa cho ăn thịt chim cút; ăn chim cút một hồi, rồi thì cũng chán: “Chúng tôi chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Nhất là khi chứng kiến dân ngoại, họ ăn uống cao lương mĩ vị, dân sẽ càng thèm muốn hơn nữa. Những chuyện như vậy cứ lập đi lập lại nhiều lần : điều Ngài đã làm hôm qua, Ngài sẽ làm hôm nay không ? Đức Chúa có ở giữa chúng ta hay không ? (Xh 17, 7) Làm sao « biết » được đây ? Ham muốn của cái nhìn, ham muốn của cái bụng, ham muốn của cái biết gặp gỡ nhau. Và cuối cùng, thái độ của con người được hình thành, khi kêu trách: « Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? » À ra như thế, Thiên Chúa muốn chúng ta chết, Mô-sê muốn chúng ta chết. Đó chính là thái độ « thử thách ».
Trong Kinh Thánh, câu nói “thử thách Thiên Chúa” mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là không tin Thiên Chúa: trong sa mạc, Dân Chúa thử thách Thiên Chúa đến 10 lần, nghĩa là lúc nào cũng thử thách Thiên Chúa, cũng không tín thác nơi Thiên Chúa (Ds 14, 22: thử thách 10 lần; Tv 106, 14); và tội nguyên tổ cũng là một dạng của hành vi thử thách Thiên Chúa, nghĩa là không tin Thiên Chúa không tín thác nơi Chúa trong thực tế cuộc sống. Vì thế, yếu tính của tội nguyên tổ, nghĩa là của mọi tội, là không tin nơi Thiên Chúa, không tín thác nơi ngài trong thiếu thốn, trong gian nan khổ đau của thân phận con người. Hành vi vi phạm giới răn chỉ là hệ quả của một thái độ nội tâm, quên ơn huệ và vì thế nghi ngờ Thiên Chúa.
Như thế, tất cả mọi sự Thiên Chúa đã làm cho họ trở thành vô nghĩa, thậm chí trở thành kế hoạch giết chết. Chúng ta hãy dừng lại đây thật lâu để nghiệm được hết mức độ nghiêm trọng của những lời dân Israel thốt ra đây. Đó là chính là thái độ nghi ngờ Thiên Chúa, và tội nghi ngờ Thiên Chúa tất yếu dẫn đến những hành vi gây chết chóc, gây chết chóc cho chính mình và cho người khác. Nghi ngờ Thiên Chúa, nên họ quay ra thờ ngẫu tượng, vì ngẫu tượng có vẻ “linh” hơn; “linh” có nghĩa là có khả năng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, phát xuất từ lòng ham muốn ; ham muốn nhìn, ăn và biết của họ. Và vì nghĩ rằng mình được dẫn vào sa mạc là để bị bỏ mặc cho chết (trong khi mục đích của hành trình là Đất Hứa, nghĩa là Miền Đất Sự Sống trong Đức Chúa), nên họ nổi loạn ném đá toan giết chết Môsê (x. Xh 17).
2. Con Rắn
Trong trình thuật về Tội Nguyên Tổ (St 3, 1-7), lời dụ dỗ của con rắn đã làm cho bà Evà và ông Adam nghi ngờ Thiên Chúa : Thiên Chúa nói rằng, ăn trái cây đó thì chắc chắn sẽ chết, nhưng con rắn nói: « chẳng chết chóc gì đâu ! » Tin vào lời con rắn, đồng nghĩa với việc cho rằng Thiên Chúa nói dối ! Đó là cho rằng, Thiên Chúa lừa dối con người, vì Ngài không muốn chia sẻ sự sống của mình ; đó là nghĩ rằng, Ngài tạo dựng con người để bỏ mặc con người trong sa mạc cuộc đời và nhất là cho số phận phải chết. Tin vào lời con rắn, chính là bị con rắn cắn vào người, chính là bị nó tiêm nọc độc vào người. Và hậu quả là tương quan tình yêu giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người bị phá vỡ. Hậu quả tất yếu là chết chóc, như Thiên Chúa đã báo trước : « Ngày nào ngươi ăn chắc chắn ngươi sẽ phải chắc chắn ngươi sẽ phải chết » (St 2, 17). Mười một chương đầu của sách Sáng Thế cho thấy rõ, Lời Chúa là chân thật.
Dựa vào trình thuật Vườn Eden, chúng ta hiểu ra rằng, rắn độc mà sách Dân Số nói đến, chính là hình ảnh diễn tả sự nguy hại chết người của thái độ nghi ngờ Thiên Chúa : kế hoạch cứu sống, khi gặp khó khăn lại bị coi là kế hoạch giết chết. Nghi ngờ Thiên Chúa, đó là để cho mình bị rắn cắn, đó là mang nọc độc vào người.
Chắc chắc chúng ta cũng có kinh nghiệm nghi ngờ Thiên Chúa, nghi ngờ ý định tốt lành của Thiên Chúa, khi cho chúng ta được làm người và sống trong một ơn gọi : Tại sao Chúa lại sinh ra con như thế này: thiếu đủ thứ, kém cỏi đủ thứ, thua thiệt đủ thứ ? Sao con không như anh kia, chị nọ? Tại sao con lại ra nông nỗi này, rơi vào tình cảnh khổ sở như thế này, Chúa dẫn vào đây để làm gì? Những lúc khủng khoảng như thế, chúng ta cũng kinh nghiệm được những hậu quả tai hại của thái độ nghi ngờ. Trong khi đó, mỗi người chúng ta, theo Tv 139, là một tuyệt tác, mà nhiều khi chúng ta lại mù quáng không nhận ra:
Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!
Hồn con đây biết rõ mười mươi. (Tv 139, 13-14)
3. « Khi các ông giương cao Con Người lên »
Đức Giê su nói với người Do Thái : « Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi hằng hữu ». Khi nói lời này, chắc chắn Chúa muốn gợi lại điều mà Ngài đã từng nói với một bậc thầy Do Thái khác :
Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc,
Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,
để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. (Ga 3, 14-15)
Hơn nữa, phụng vụ Lời Chúa của Ngày Lễ Suy Tôn Thánh Giá (ngày 14/9) nối kết bài đọc Dân Số hôm nay với bài Tin Mừng này (Ga 3, 13-17). Theo lời của Đức Giê su, như con rắn đồng được giương cao trong sa mạc, Ngài cũng sẽ được giương cao như vậy.
Như thế, Lời Chúa trong sách Dân Số và trong Tin Mừng Gioan, qua hình ảnh “Con Rắn”, đưa chúng ta đi xuyên suốt lịch sử cứu độ, khởi đi từ kinh nghiệm phạm tội trong sa mạc (Ds 21, 6), trở về với thời điểm khởi đầu của sự sống (St 2-3), sau đó đi đến ngôi vị của Đức Ki-tô (Ga 3, 14) và vươn xa tới tận thời cánh chung (Kh 12, 7-10). Nhưng tại sao Con Người cũng sẽ phải được giương cao, như con rắn đồng trong sa mạc ? Nếu chúng ta hình dung ra (hay tốt hơn là vẽ ra : một bên là con rắn đồng treo lên cây cột, và bên kia là Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá), chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào sự « ô nhục và điên rồ » mà thánh Phaolô nói tới (x. 1Cr 1, 23).
CON RẮN |
CON NGƯỜI |
Con rắn |
Con Người được giương cao lên Thập Giá |
Tại sao Con Người để cho mình bị treo lên cây gỗ, như con rắn, cách điên rồ và sỉ nhục như vậy? Tại sao Đức Giêsu Kitô lại so sánh chính mình với con rắn ? Đây là câu hỏi lớn nhất và sẽ mãi mãi là một câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng, vì đó là mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa như thánh Phaolô nói :
Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào !
Quyết định của Người ai dò cho thấu !
Đường lối của Người, ai theo dõi được ! (Rm 11, 33)
Một bên là « Con Rắn » bị giương cao trên cây gỗ, một bên là Đức Ki-tô được giương cao trên cây thập giá, thay vì là Sự Dữ, là Sa-tan, bởi vì theo luật, chỗ trên cây thập giá phải là chỗ của tử tội, của chính Tội, của Con Rắn. Như thế, Đức Kitô trong Cuộc Thương Khó, sẽ tự nguyện thế chỗ cho con rắn. Thực vậy, thánh Phaolô nói, Ngài lại tự nguyện trở nên “giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8, 3) ; và Ngài “đồng hóa mình với tội” (2Cr 5, 21 và Gl 3, 13). Tội có bản chất là ẩn nấp, khó nắm bắt, giống như con rắn, nhưng đã phải hiện ra nguyên hình nơi thân xác nát tan của Đức Kitô : “tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó” (Rm 7, 13). Thập Giá Đức Kitô mặc khải cho loài người chúng ta hình dạng thật của Tội. Chính vì thế mà trong Tin Mừng theo thánh Mác-cô, Đức Giê-su dạy, chứ không phải báo trước, các môn đệ về cuộc Thương Khó của Người (x. Mc 8, 31). Vì, thế, chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh, để nhìn thấy:
Theo lời của Đức Chúa, Mô-sê khi đó đã treo một con rắn bằng đồng lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì đã được chữa lành. Nếu hình phạt bị rắn độc cắn là nặng nề, để cho thấy rằng, thái độ nghi ngờ và kêu trách tự nó mang nọc độc giết người, thì ơn chữa lành thật nhẹ nhàng và nhưng không: “Ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống”. Cũng giống như khi người ta chữa bệnh: trước tiên phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh; và khi tìm được, thì hoặc dùng thuốc hóa giải nó đi, hoặc phải cắt bỏ ra khỏi cơ thể.
Như Dân Chúa trong sa mạc nhìn lên con rắn đồng, chúng ta được mời gọi ngước nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19, 37). Nhưng thay vì bị lên án, loài người chúng ta được mời gọi nhìn lên Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh với lòng tin để đón nhận ơn tha thứ và được chữa lành.
Ơn tha thứ. Thập Giá, chính là lời diễn tả tình yêu thương xót nhưng không và vô biên của Thiên Chúa. Vì thế, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nghiệm ra tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu có thể chịu đựng mọi tội lỗi của con người đến như thế.
Ơn chữa lành. Đúng là Thập Giá mặc khải cho con người bản chất của Tội, nhưng không phải là để lên án con người, mà là để cứu sống con người. Thiên Chúa không thể tha thứ cho con người mà không đồng thời chữa lành, bằng cách làm cho con người nhìn ra hình ảnh thật sự của Tội, của Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ.
Chữa lành khỏi hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Và Thập Giá con mặc khải cho chúng ta rằng thân phận con người không phải là một hành trình dẫn đến chỗ chết. Con người muốn vươn lên bằng Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa làm người và làm người đến tận cùng (Ph 2, 5-11), để nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa tạo dựng nên con người không phải để đầy đọa, thử thách và lên án, và thân phận con người, dù có như thế nào, là con đường dẫn đến Thiên Chúa, nguồn Sự Sống, như Thánh Phao-lô xác tín:
Không có gì tách được chúng ta ra khỏi
tình yêu của Thiên Chúa thể hiện
nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 39)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn