Thứ năm tuần 4 Mùa Chay.

Thứ tư - 25/03/2020 08:17

Thứ năm tuần 4 Mùa Chay.

"Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng".

 

Lời Chúa: Ga 5, 31-47

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: "Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật.

Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian.

Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.

Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?"

 

 

SUY NIỆM 1: Chúa Cha làm chứng cho tôi

Suy niệm :

Để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc từ đầu chương năm.

Đức Giêsu chữa anh bất toại bên hồ nước gần Đền thờ Giêrusalem (cc. 1-9).

Anh được khỏi và vác chõng đi vào ngày sabát theo lệnh Đức Giêsu.

Chuyện đó dẫn đến việc người Do thái chống đối Ngài (c. 16).

Khi nghe Ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”

họ tìm cách giết Ngài, vì cho rằng Ngài mắc tội phạm thượng,

dám gọi Thiên Chúa là Cha và coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (c. 18).

Không chút sợ hãi, Đức Giêsu khẳng định quyền mình đã nhận được từ Cha:

quyền làm cho kẻ chết sống lại và quyền phán xét trong ngày sau hết (cc. 19-30).

Dù có quyền, lúc nào Ngài cũng là Con làm theo ý Cha, Đấng sai Ngài.

Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu như người bị đứng trước tòa, bị kết án tử.

Vì không được tự làm chứng cho chính mình,

nên Ngài phải tìm những lời chứng để biện hộ cho lời nói, việc làm của Ngài.

Trước hết là lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35).

Ông là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Đức Giêsu (Ga 1, 8-9).

Nhưng người ta đã không đón nhận lời chứng ấy.

Kế đến là những công việc Cha giao mà Ngài đã hoàn thành (c. 36).

Lẽ ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy Ngài được Cha sai.

Cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40).

Cha làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39).

Nhưng họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng,

nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40).

Những lời chứng trên đây trở nên vô ích

đối với những ai không có lòng yêu mến Thiên Chúa (c. 42),

không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ tôn vinh lẫn nhau (c.44).

Đức Giêsu đã phải chấp nhận sự từ khước này

mà Ngài biết cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.

Làm sao ta có thể ra khỏi những thành kiến để đón lấy sự thật,

ra khỏi những tư lợi ích kỷ để dám tin vào tình yêu,

ra khỏi cái tôi chật hẹp để dám sống cho người khác.

Hãy tin vào Giêsu, Đấng được Cha sai (c. 38).

Hãy đến với Giêsu để được sống (40).

 

Cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.

R. Tagore (Đỗ Khánh Hoan dịch)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Chứng Của Chúa Cha.

Sau khi bị những người Do Thái chỉ trích Ngài vi phạm luật ngày Hưu lễ vì đã chữa bệnh cho một người bị liệt đã 38 năm, Chúa Giêsu đã chứng minh Ngài có quyền hành động như thế, bởi vì Ngài là cộng tác viên của Thiên Chúa. Và giờ đây Ngài nại đến một chứng từ mà người Do Thái không thể phủ nhận, đó là chứng từ của Thiên Chúa Cha được bày tỏ qua các phép lạ Ngài làm cũng như qua Lề Luật Môsê. Quả vậy, các phép lạ Chúa Giêsu làm chứng thực rằng chính Thiên Chúa đã sai Ngài đến, chính Thiên Chúa đã hành động với Ngài và trong Ngài. Do đó, đây là chứng từ không những do Chúa Cha mang đến, mà còn do ngay của Chúa Giêsu nữa, vì “cứ xem quả thì biết cây”.

Tiếp đến, chính qua Kinh Thánh, Chúa Cha cũng làm chứng cho Chúa Con một cách đặc biệt. Đây là một chứng từ có tính cách trực tiếp và có giá trị đối với người Do Thái, vì mọi người Do Thái đều công nhận Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa.

Trong khi toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do Thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến. Và không phải Chúa Giêsu là người sẽ tố cáo họ về tội bất trung này, nhưng là chính Môsê. Bởi vì qua Lề Luật, Môsê đã nói về Đấng Mêsia tức là về Chúa Giêsu, vậy mà về điểm căn bản này, họ cũng đã từ chối không chịu tin theo lời dạy bảo của ông.

Như vậy, điều cốt yếu để được cứu độ là tin vào Chúa Giêsu, nhận ra hình ảnh và lời nói của Chúa Cha nơi Ngài. Có tin vào Chúa Giêsu, lời Thiên Chúa mới ở trong chúng ta. Trong Mùa chay này, chúng ta hãy để cho Lời Chúa lưu lại trong chúng ta bằng cách năng suy gẫm Lời Chúa, để giữa cuộc sống của chúng ta và Lời Chúa biểu lộ được khuôn mặt, tinh thần và tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một tình yêu nồng nàn để có thể nhận ra và lắng nghe được tiếng nói của Chúa và luôn sống trong đường lối của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Tôi biết rõ các ông

Chúa Cha, Đấng đã sai tôi,

Chính Người cũng đã làm chứng cho tôi.

Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người,

Cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.

Các ông không giữ lời Người ở lại trong lòng,

Bởi vì chính các ông không tin

Vào Đấng Người đã sai đến

Các ông nghiên cứu kinh thánh,

Vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được

Sự sống đời đời

Mà chính kinh thánh lại làm chứng về tôi!. (Ga. 5, 37-39)

Một lần nữa, Chúa còn làm cho chúng ta ý thức về sự thật tỏ tường mà chúng ta đã từ chối. Nếu chúng ta liệng bỏ đời sống do Thiên Chúa ban, thì chính chúng ta lên án chính mình. Đức Kitô sẵn lòng hiện diện và luôn hoạt động, dù Người không cần gì phải bảo vệ.

Tất cả sứ điệp của Đức Kitô tóm lại trong hai thái độ nền tảng và bất khả phân ly này là: đức tin và tình yêu. Hoặc là chúng ta đón nhận cả hai hoặc là không. Đó là điều căn bản. Đừng lấy làm lạ khi người ta thấy khó theo Đức Kitô. Thật đáng buồn khi bị Ngài từ chối do những thái độ sống nửa vời, sống khô khan, hòa hoãn bủn xỉn, hẹp hòi.

Đức tin đặt nền tảng trên sự thật vào Đấng chúng ta tin, vào Đức Kitô của Chúa Cha: “Lời Ngài làm chứng về Tôi là lời chứng thật”.

Đức tin đặt nền tảng trên công việc mà Đức Kitô đã hoàn tất nhân danh Chúa Cha: “Chính những việc Tôi làm đó làm chứng cho Tôi rằng Chúa Cha đã sai Tôi”.

Đức tin đặt nền tảng trên Kinh thánh, chúng ta biết rằng Thánh kinh đã được linh ứng bởi Thiên Chúa: “Chính Kinh thánh lại làm chứng về Tôi”.

Chúng ta có đức tin không? Làm sao chúng ta có thể nói: “Tôi tin”, nếu chúng ta không sống theo Đức Kitô, mà giáo huấn của Người từ Chúa Cha đến với chúng ta? Chúng ta không tin Thiên Chúa nếu không tin Đức Giêsu Kitô. Tóm lại, Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng: “Các ông không tin Chúa Cha vì các ông không tin Đấng Chúa Cha sai đến”.

Chúng ta nghe lời cảnh cáo của Đức Kitô, lời bày tỏ một lòng thương xót lớn lao đối với những người là anh em bạn hữu của Người. Và những lời này chắc chắn cũng nói với các bạn và tôi nữa. Chúng ta hãy nghe lời Đức Kitô sắp kêu lên một lời than thở dường như thất vọng: “Quả thật, Tôi biết rõ các anh, tình yêu Thiên Chúa không ở trong các anh”.

Và Người nói tiếp: “Không, các anh không tin Tôi, nhưng lại tin kẻ lường gạt đến đầu tiên”. Có phải Người đã chết vì điều đó chăng? Đức Kitô đã nói với chúng ta rằng: “Phải, Tôi chết vì những trò dại dột của các bạn, vì những mê tín dị đoan của các bạn, để các bạn có ánh sáng. Thật khó khăn tin vào Tôi, Tôi rõ ràng hiển nhiên như thế đó. Tôi chết đi để cho các bạn có thể được gặp Cha chúng ta, ước mong các bạn là tín hữu trung thành”.

J.M

 

SUY NIỆM 4: CHỨNG BỞI GIOAN TIỀN HÔ (Ga 5, 31-47)

Mạng sống của Đức Giêsu ngày càng bị đe dọa cách quyết liệt! Lòng căm tức và chủ tâm loại trừ Đức Giêsu ra khỏi xã hội ngày càng leo thang! Đức Giêsu biết rõ điều đó, nhưng không vì thế mà Ngài im hơi lặng tiếng để yên thân! Không! ngược lại, Đức Giêsu luôn tìm dịp thuận tiện để đưa họ vào một thực tại vô cùng quan trọng.

Thực tại đó là: biết Ngài là Thiên Chúa; Thiên Chúa Cha với Ngài là một và Ngài có quyền như Thiên Chúa.

Khi mặc khải như thế, nỗi tức giận của những người Dothái nổi lên. Nhưng Đức Giêsu đã gợi lại cho họ về hình ảnh, vai trò và sứ vụ của Môisê, để họ thêm cơ sở nhằm xác tín về Ngài, nhưng lòng trai dạ đá đã làm cho họ lu mờ và cố chấp, nên Đức Giêsu đã khẳng định số phận của họ và kết án họ ngay tại chỗ đứng của họ. Ngài nói: “Kẻ tố cáo các ông chính là ông Môsê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Môsê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?".

Những người Dothái trong bài Tin Mừng hôm nay họ đã buộc Thiên Chúa vào chính những ý niệm của họ về Người, chứ không phải lòng mến của họ nơi Thiên Chúa. Họ thường xuyên dùng chính Kinh Thánh để bảo vệ lập trường của họ chứ không nhìn Kinh Thánh như là lời hướng dẫn họ phải làm!

Như vậy, dân Dothái được ân huệ lớn lao nhất là từ nơi ấy, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuất hiện, hơn nữa, họ được hưởng sự hiểu biết từ bao đời về Đức Giêsu, lẽ ra họ phải tin và trung thành với Giáo huấn của Ngài, đằng này họ lại bị lĩnh án gay gắt vì sự cứng lòng.

Ôi sự cứng lòng đã làm cho tâm hồn người ta ra mê muội, ù lỳ và cố chấp! Con người là thế! Không ai muốn người khác hơn mình!

Trong thực tế hôm nay vẫn thường xuyên xảy ra như vậy! Chính định kiến cá nhân, phe phái mà không ngừng xảy ra chiến tranh, bạo lực, đàn áp, bóc lột... Những người đó đã giết chết anh chị em mình, bóp chết sự thật để cho sự ích kỷ, bạo tàn hoành hành khắp nơi.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa ban cho mình, đó là được trở nên con cái Thiên Chúa, được Đức Giêsu đổ máu để cứu chuộc, thì chúng ta phải sống sao cho xứng đáng đặc ân cao quý này.

Đừng bao giờ đọc Kinh Thánh với thái độ khép kín hay biến Kinh Thánh để làm luận cứ để hậu thuẫn cho những lập trường bảo thủ của mình thay vì lòng yêu mến và mong được biến đổi nhờ Lời Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa là chân lý, là lời hằng sống. Xin cho chúng con biết tin tưởng, yêu mến và thực hành Lời Chúa dạy để được sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP



 

SUY NIỆM

1. « Tôi, tôi không phải nhận lời chứng của một người »

Thánh Gioan Tẩy Giả có tương quan đặc biệt và có thể nói là duy nhất với Đức Kitô. Thực vậy, Đức Giêsu nói rằng, Gioan còn hơn cả một ngôn sứ, « Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng : này ta sai sứ giả của ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho con đến » (Lc 7, 27) ; « trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn Gioan ».

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nhìn nhận vai trò của thánh Gioan : « Ông Gioan làm chứng cho sự thật », sự thật ở đây không chỉ là sự kiện có thật, nhưng còn là một Ngôi Vị, vì Sự Thật là chính Đức Kitô ; và Đức Giêsu còn nói : « Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng ».

Tuy nhiên, câu nói sau đây của Đức Giêsu chắc chắn sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên : « Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân » ! (c. 34) Hay dịch lại sát nghĩa theo bản văn Hy Lạp : « tôi, tôi không phải nhận lời chứng của một người ». Câu nói của Đức Giêsu có nhẹ đi một chút, nhưng vẫn gây bối rối. Phải chăng, Đức Giêsu không cần đến lời chứng của Gioan, không cần đến lời chứng của con người, không cần đến lời chứng của chính chúng ta ?

 2. Lời chứng và sự thật

Lời của Đức Giêsu về thánh Gioan mời gọi chúng ta nhận ra khoảng cách tất yếu và không thể lấp đầy giữa lời chứng và Sự Thật, vốn là chính Ngôi Vị Đức Giêsu. Lời chứng dù cuốn hút, uyên bác hay có sức thuyết phục mấy đi nữa, cũng không thể nào thay thế cho chính Sự Thật ; và Sự Thật chỉ có thể được đón nhận bằng kinh nghiệm gặp gỡ trực tiếp mà thôi.

Chúng ta hãy nhớ lại cuộc đối thoại giữa Philiphê và Nathanael. Ông Philípphê đi tìm gặp ông Nathanael và nói : « Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét. ». Nhưng Nathanael không được đánh động và cũng chẳng bị thuyết phục , ông trả lời: « Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ? » Qua hai lời đối đáp rất ngắn này, chúng ta có rút ra những kết luận rất thực tế và cũng rất « nghiêm trọng » liên quan đến giá trị thật của lời chứng:

  • Chứng nhân thì chắc chắn về điều mình nói ; đó là điều kiện thiết yếu để trở thành chứng nhân.
  • Chắc chắn về điều mình nói, nhưng chứng nhân lại không thể thuyết phục được nguời khác. Bởi lẽ, kinh nghiệm của chứng nhân luôn luôn mạnh hơn và tận căn hơn lời chứng và những giải thích!

Chính vì thế, Philipphê nói với Nathanael : « Hãy đến và xem ». Lời chứng chỉ hiệu quả khi nó thúc đẩy người nghe, không phải cúi mình trước lời chứng, nhưng là đến lượt mình, đích thân thực hiện một kinh nghiệm. Bởi vì, chân lí, nhất là chân lí nhân linh và thần linh (khác với chân lí vật lí) không có bằng chứng nào khác, ngoài chính mình (tương tự như lời giới thiệu về trái xoài và kinh nghiệm thưởng thức trái xoài). Chính vì thế, Đức Giê-su nói : « tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan : đó là những việc Chúa Cha đã trao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi ».

Lời chứng của chúng ta về Đức Kitô, Đấng là Sự Thật, sẽ phải là như thế đó : tuyệt đối không thể thay thế cho Sự Thật, và chỉ có giá trị trong mức độ là lời mời gọi người khác đến gặp gỡ trực tiếp Sự Thật. Điều này làm cho chúng ta thật an ủi, nhất là khi mình không có khiếu ăn nói, không nhiều tài năng, không thông minh hơn người, không được học nhiều, và có được học cũng không học giỏi lắm ! Tài cao học rộng là một lợi thế, nhưng cũng là một nguy cơ, nguy cơ rất lớn và rất nghiêm trọng, khi tự biến mình thành Sự Thật !

Bởi vì Đức Ki-tô, từ Thiên Chúa mà đến, nên Ngài chỉ có thể được làm chứng bởi chính Thiên Chúa mà thôi :

Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha Đấng đã sai tôi cũng đã làm chứng cho tôi. (c. 36-37)

Chỉ có Đấng hoàn hảo mới có thể làm chứng và mặc khải Đấng hoàn hảo mà thôi (x. Ga 1, 18). Vì thế, chính khi chúng ta ước ao Thiên Chúa, khi đọc Kinh Thánh và đọc đời mình, chúng ta sẽ được dẫn đến với Đức Kitô ; bời vì Kinh Thánh kể về lịch sử cứu độ, nghĩa là một lịch sử trong đó Thiên Chúa hiện diện và dẫn đưa tới sự sống mới trong Đức Ki-tô ; vì thế Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng : « chính Kinh Thánh làm chứng về tôi » (c. 39). Và dưới ánh sáng của Kinh Thánh, chúng ta được mời gọi nhận ra và xác tín rằng, cuộc đời của chúng ta cũng là « một lịch sử thánh ». Vậy, chính khi chúng ta say mê Tuyệt Đối và những gì cao quí, hướng về Tuyệt Đối, chúng ta sẽ nhận ra sự Tuyệt Đối nơi Đức Ki-tô. Điều này đúng cho tất cả mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, chẳng hạn Ba Đạo Sĩ.

Đức Ki-tô dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa và Thiên Chúa dẫn chúng ta đến với Đức Ki-tô ! Như có lần Đức Giê-su nói, chỉ có con cái sự khôn ngoan mới nhận ra Đấng Khôn Ngoan mà thôi. Điều này, có vẻ « luẩn quẩn », nhưng trong những gì liên quan đến Thiên Chúa, chúng ta không có cách nào khác. Như vị hiền sĩ xác tín trong sách Huấn Ca :

Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng,
để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người. 
(Hc 17, 8)

 3. Ông Gioan là ngọn đèn cháy sáng

Như Gioan, chúng ta được mời gọi tự nhận mình chỉ là một « tiếng kêu » mà thôi ; giống như Đức Mẹ, người ta ban tặng đủ mọi tước hiệu cho Mẹ, nhưng Mẹ chỉ tự nhận cho mình một « tước » mà thôi : « Nữ Tì của Thiên Chúa ».

Hình ảnh mà Đức Giêsu dùng để nói về Gioan thật đẹp và thật đúng : Gioan là ngọn đèn cháy sáng. Ông không phải là ánh sáng, và ánh sáng có ở nơi ông là ánh sáng của chính Đức Kitô. Chúng ta hãy là cái đèn để đón nhận và tỏa sáng chính :

« Ánh Sáng Ngôi Lời, Con Thiên Chúa »,
« Ánh Sáng Đức Ki-tô Linh Mục »
« Ánh Sáng Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh »,

Và Đức Thánh Cha, trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, nguyện xin cho chúng ta đón nhận và tỏa sáng « Ánh Sáng Đức Ki-tô Phục Sinh » :

“Trong Đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ kỷ niệm một lần nữa nghi thức cảm động rước ánh sáng cây nến Phục Sinh. Được lấy từ “ngọn lửa mới”, ánh sáng này sẽ dần dần xua tan bóng tối và chiếu sáng huy hoàng cộng đoàn phụng vụ. “Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô phục sinh trong vinh quang xua tan bóng tối trong con tim và tâm trí chúng ta”, và cho phép tất cả chúng ta hồi tưởng lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường Emmaus. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và kín múc lương thực từ bàn tiệc Thánh Thể, xin cho lòng chúng ta ngày càng hăng hái trong đức tin, đức cậy và đức mến.”

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Chúa Cha làm chứng cho Đức Giêsu  – SN song ngữ ngày 16.3.2020

 

Thursday (March 26): The Father’s witness to Jesus

 

Gospel Reading:  John 5:31-47 

31 If I bear witness to myself, my testimony is not true; 32 there is another who bears witness to me, and I know that the testimony which he bears to me is true. 33 You sent to John, and he has borne witness to the truth. 34 Not that the testimony which I receive is from man; but I say this that you may be saved. 35 He was a burning and shining lamp, and you were willing to rejoice for a while in his light. 36 But the testimony which I have is greater than that of John; for the works which the Father has granted me to accomplish, these very works which I am doing, bear me witness that the Father has sent me. 37 And the Father who sent me has himself borne witness to me. His voice you have never heard, his form you have never seen; 38 and you do not have his word abiding in you, for you do not believe him whom he has sent.39 You search the scriptures, because you think that in them you have eternal life; and it is they that bear witness to me; 40 yet you refuse to come to me that you may have life. 41 I do not receive glory from men. 42 But I know that you have not the love of God within you. 43 I have come in my Father’s name, and you do not receive me; if another comes in his own name, him you will receive. 44 How can you believe, who receive glory from one another and do not seek the glory that comes from the only God? 45 Do not think that I shall accuse you to the Father; it is Moses who accuses you, on whom you set your hope. 46 If you believed Moses, you would believe me, for he wrote of me. 47 But if you do not believe his writings, how will you believe my words?”

Thứ Năm    26.3              Chúa Cha làm chứng cho Đức Giêsu 

 

Ga 5,31-47

31 Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.41 Tôi không cần người đời tôn vinh.42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?45 Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói? “

Meditation: 

 

Do you know the joy of the Gospel – the good news of Jesus Christ – and a life freely submitted to the wisdom and knowledge of God’s word? Jesus’ opponents refused to accept his authority to speak and act in the name of God. And they refused to believe that he was sent from the Father in heaven. They demanded evidence for his claim to be equal with God. Jesus answers their charges with the supporting evidence of witnesses. The law of Moses had laid down the principle that the unsupported evidence of one person shall not prevail against a man for any crime or wrong in connection with any offence he committed (see Deuteronomy 17:6). At least two or three witnesses were needed.

Witnesses to Jesus’ true identity

Jesus begins his defense by citing John the Baptist as a witness, since John publicly pointed to Jesus as the Messiah and had repeatedly borne witness to him (see John 1:19, 20, 26, 29, 35, 36). Jesus also asserts that a greater witness to his identity and equality with God the Father are the signs and miracles he performed. He cites his works, not to point to himself but to point to the power of God the Father working in and through him. He cites God the Father as his supreme witness.

Jesus asserts that the Scriptures themselves, including the first five books of Moses, point to him as the Messiah, the promised Savior. The problem with the scribes and Pharisees was that they did not believe what Moses had written. They desired the praise of their own people and since they were so focused on themselves, they became blind-sighted to God. They were so preoccupied with their own position as authorities and interpreters of the law that they became hardened and unable to understand the word of God. Their pride made them deaf to God’s voice.

God reveals himself to the lowly of heart

Scripture tells us that God reveals himself to the lowly, to those who trust not in themselves but in God alone. The lowly of heart listen to God’s word with an eagerness to learn and to obey. The Lord Jesus reveals to us the very mind and heart of God. Through the gift of the Holy Spirit he opens our ears so that we may hear his voice and he fills our hearts and minds with the love and knowledge of God. Do you believe that God’s word has power to set you free from sin and ignorance and to transform you to be like him?

Saint Augustine of Hippo (430-543 A.D.) wrote:

“As Christians, our task is to make daily progress toward God. Our pilgrimage on earth is a school in which God is the only teacher, and it demands good students, not ones who play truant. In this school we learn something every day. We learn something from commandments, something from examples, and something from sacraments. These things are remedies for our wounds and materials for study.”

Are you an eager student of God’s word and do you listen to it with faith and obedience?

“Lord Jesus, fill me with your Holy Spirit that I may listen to your word attentively and obey it joyfully.”

Suy niệm:

 

Bạn có biết niềm vui của Tin mừng – Tin mừng của Đức Giêsu Kitô – và cuộc đời trọn vẹn quy phục Đức Giêsu Kitô không? Các đối thủ của Đức Giêsu đã khước từ tiếp nhận linh quyền của Người và lời tuyên bố là Con Một yêu dấu đến từ Cha. Họ đã đòi hỏi bằng chứng cho lời tuyên bố là Đấng Mêsia của Người và quyền ngang bằng với Thiên Chúa. Đức Giêsu trả lời những chất vấn của họ với chứng cứ chắc chắn của các chứng từ. Lề luật Môisen đã đưa ra nguyên tắc bằng chứng không có sự ủng hộ của một người sẽ không thể chống lại người khác về bất kỳ tội phạm hay điều sai trái nào trong sự liên kết với bất kỳ tội phạm nào mà họ đã phạm (Đnl 17,6). Ít nhất hai hay ba nhân chứng được cần đến.

 

 

Lời chứng về căn tính đích thật của Đức Giêsu

Đức Giêsu bắt đầu sự biện hộ của mình bằng việc nói Gioan tẩy giả là một chứng nhân, vì Gioan công khai chỉ Đức Giêsu là Đấng Mêsia và đã nhiều lần làm chứng về Người (Ga 1,19.20.26.29.35.36). Đức Giêsu cũng thêm rằng bằng chứng lớn hơn cho căn tính của Người là những điềm thiêng dấu lạ Người đã làm. Người nói về những công việc của mình, không nhắm đến chính mình, nhưng nhắm đến quyền năng của Thiên Chúa đang thực hiện trong Người và qua Người. Người nói Chúa Cha là bằng chứng lớn nhất của mình.

Đức Giêsu thêm rằng chính Kinh thánh, kể cả năm cuốn sách đầu tiên của Môisen, nhắm đến Người là Đấng Mêsia, là Đấng cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa. Vấn đề với các luật sĩ và người Pharisêu là họ không tin những gì Môisen đã viết. Họ muốn được người khác khen ngợi và vì họ quá quy chiếu về mình, nên họ trở nên mù quáng trước Thiên Chúa. Họ quá bận tâm tới vị thế của chính mình, như những người nắm quyền và giải thích lề luật, đến nỗi họ trở nên chai đá và không thể hiểu thấu Lời Chúa. Sự kiêu ngạo của họ đã làm cho họ nên câm điếc trước tiếng nói của Thiên Chúa.

Thiên Chúa mặc khải mình cho kẻ khiêm nhường

Kinh thánh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa mặc khải chính mình cho những kẻ bé mọn, những kẻ không tin cậy vào mình, nhưng tin cậy vào Thiên Chúa. Người bé mọn lắng nghe Lời Chúa với sự háo hức học hỏi và vâng phục. Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta ý định và trái tim của Thiên Chúa. Ngang qua ân huệ Chúa Thánh Thần, Người mở tai chúng ta để chúng ta có thể lắng nghe tiếng nói của Người và Người đổ đầy tràn tâm trí chúng ta với tình yêu và sự hiểu biết về Thiên Chúa. Bạn có tin rằng lời Chúa có quyền năng giải thoát bạn khỏi tội lỗi và sự ngu dốt và biến đổi bạn nên giống Người không?

Thánh Augustine thành Hippo (430-543 AD) đã viết:

“Là các tín hữu, nhiệm vụ của chúng ta là làm cuộc tiến trình về phía Thiên Chúa mỗi ngày. Cuộc lữ hành của chúng ta trên mặt đất này là một trường học, trong đó Thiên Chúa là người Thầy duy nhất, nó đòi hỏi những học sinh giỏi, không phải những học sinh trốn học. Trong trường này, chúng ta học được điều gì đó mỗi ngày. Chúng ta học từ các giới răn, từ các gương mẫu, và từ các Bí tích. Những điều này là những phương thuốc cho những vết thương của chúng ta, và là những vật liệu cho sự học tập.”

Bạn có phải là một học sinh chăm chỉ về lời Chúa và bạn có lắng nghe nó với lòng tin cậy không?

Lạy Chúa Giêsu, xin lấp đầy con Thánh Thần của Chúa để con có thể lắng nghe Lời Chúa cách chăm chú và vâng phục cách hân hoan.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây