Thứ Bảy đầu tháng, tuần 1 mùa vọng.
"Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ".
LỜI CHÚA: Mt 9,35 - 10,1.6-8
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Và Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Suy Niệm 1: Chạnh lòng thương
Suy niệm:
Thiên Chúa của Do Thái giáo là Thiên Chúa gần gũi với con người.
Thiên Chúa của Ítraen có thể trừng phạt dân vì sự bất trung của họ,
nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa giàu lòng tha thứ.
Khi đọc bài đọc 1 của ngôn sứ Isaia, chúng ta ngạc nhiên
khi thấy một Thiên Chúa tỉ mỉ quan tâm đến hạnh phúc của con người.
Ngài nghe và đáp lại tiếng dân kêu than, khóc lóc (c. 19).
Ngài dạy dỗ và chỉ đường cho người lưỡng lự phân vân (c. 21).
Nhưng hơn nữa, Ngài còn để ý đến đời sống vật chất của dân chúng.
Ngài làm cho mưa thuận gió hòa,
cho khe suối róc rách vì có dòng nước chảy.
Nhờ đó hạt giống được gieo trở thành lương thực,
súc vật chăn nuôi được gặm cỏ thỏa thuê,
bò cầy ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối (cc. 23-24).
Con người có đủ bánh ăn và nước uống trong lúc ngặt nghèo.
Qua cuộc sống của mình, Đức Giêsu cũng muốn cho ta thấy
một Thiên Chúa nhân từ bằng xương bằng thịt,
một Thiên Chúa bị thu hút bởi con người, mê say phục vụ con người.
Không rõ trong sứ vụ công khai, trong gần ba năm rong ruổi,
Đức Giêsu đã đi bộ bao nhiêu cây số của xứ Paléttin,
đôi chân dẻo dai của Ngài đã đến với bao nhiêu làng mạc, thành phố.
đôi tay của Ngài đã chạm đến bao nhiêu thương tích của nhân gian.
Chỉ biết trái tim của Ngài là trái tim bằng thịt,
cứ nhói đau và chạnh thương trước bể khổ của phận người.
Bệnh tật thân xác là gánh nặng kéo con người xuống.
Đức Giêsu đã trở nên như vị lương y đối diện với đủ thứ bệnh tật.
Mù lòa, câm điếc, bất toại, phong hủi đều được Ngài chữa lành,
thậm chí Ngài còn hoàn sinh kẻ chết.
Ma quỷ cũng là một mãnh lực làm con người mất tự do.
Khử trừ ma quỷ và thần ô uế, là dấu cho thấy Nước Trời đã đến.
Mọi sự Đức Giêsu đã làm thì Ngài sai các môn đệ tiếp tục (cc. 6-8).
Hôm nay chúng ta cũng được sai để tiếp tục việc của Ngài ngày xưa:
loan báo Tin Mừng Nước Trời, chữa lành thế giới khỏi mọi bệnh tật,
giải phóng con người khỏi những xích xiềng mới do chính họ tạo nên,
và loại trừ thần ô uế ra khỏi mọi nơi con người sinh sống.
Công việc này thật bao la,
vì không giới hạn trong mảnh đất Paléttin nhỏ hẹp.
Công việc này không dễ,
vì ta phải đối diện với sức đề kháng mạnh mẽ của ác thần.
Nhưng với quyền năng Chúa ban, chúng ta tin mình sẽ thắng (c. 1).
Lễ Giáng Sinh là lễ mừng ơn cứu độ cho con người.
Chúng ta được mời nhìn thế giới hôm nay bằng cái nhìn của Giêsu,
yêu thế giới bơ vơ hôm nay bằng trái tim của Giêsu,
đến với thế giới xa xôi hôm nay bằng đôi chân của Giêsu.
Ước gì tay chúng ta chạm đến người nghèo, người yếu đau, sa ngã.
Và ước gì chúng ta cho không những gì đã nhận được nhưng không.
Cầu nguyện:
Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: THIÊN CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thời lưu đày dân chúng sống trong đau khổ: đói khát, nhục nhã. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Thấp cổ bé miệng chẳng ai lắng nghe. Nhưng Isaia loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến giải phóng dân Người. Sẽ lắng nghe tiếng kêu than. Sẽ ban đủ cơm bánh. Sẽ hướng dẫn sự thật. Thiên Chúa yêu thương đầy tế nhị. Người còn cho mưa để hạt giống mọc lên. Cho súc vật béo tốt. Băng bó vết thương. Chữa lành bệnh tật. Cho cả mặt trời mặt trăng sáng hơn gấp bảy lần. Đúng là yêu nhau yêu cả đường đi.
Tình yêu tế nhị đó được Matthêu gọi đúng tên là Chạnh Lòng Thương. Vâng đến thời Chúa Giêsu thì ta được thấy rõ Thiên Chúa có trái tim nhân loại. Trái tim đó biết thổn thức bồi hồi xúc động. Trái tim đó biết quặn lên đau đớn. Vì trái tim đó đặt mình vào hoàn cảnh của tha nhân. Đau nỗi đau của họ. Buồn nỗi buồn của họ. Khổ nỗi khổ của họ.
Vì để lòng mình gần với lòng mọi người. Nên Chúa đã ra tay cứu giúp. Một cứu giúp có kế hoạch lâu dài. Chúa tuyển chọn và sai các tông đồ ra đi tiếp tục công việc Chạnh Lòng Thương của Chúa.
Nhân loại ngày nay không khác gì thời Isaia. Con người bị lưu đầy, xa cách Thiên Chúa bởi biết bao lý thuyết độc hại. Con người bị áp bức rên xiết chẳng ai nghe. Con người bị nô lệ cho thú tính. Bị giam cầm trong nhu cầu, trong dục vọng, trong hưởng thụ. Con người đang bị thương tích. Xã hội bị thương tích vì những ngăn cách giầu nghèo. Gia đình bị thương tích vì biết bao đổ vỡ. Con người bị thương tích vì những lỗi lầm tự gây ra cho mình. Con người rất cần Lòng Thương Xót của Chúa.
Chúa sai chúng ta vào trong thế giới hôm nay để rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa. Lòng Thương Xót sẽ đưa con người trở lại với Thiên Chúa. Lòng Thương Xót sẽ giải phóng con người. Lòng Thương Xót sẽ chữa lành những vết thương. Lòng Thương Xót sẽ phục hồi nhân phẩm. Lòng Thương Xót sẽ đem đến cho các vấn để của thế giới này một giải pháp tối ưu và rốt ráo.
Sống mùa Vọng chính là rèn luyện một trái tim biết thương xót. Lạy Chúa, xin tạo cho con một trái tim biết Thương Xót.
Suy Niệm 3: Sứ Mệnh Tông Ðồ
Chú ý đến những thái độ trên của Chúa Giêsu, chúng ta có thể khám phá ra những sự thật hữu ích cho cuộc đời theo Chúa của mỗi người, nhất là của những ai dấn bước theo Chúa, cách đặc biệt hơn là những kẻ "Tận Hiến" cuộc đời làm chứng cho Chúa. Dung mạo tinh thần xung quanh và trước mặt Chúa Giêsu thời Ngài cũng như của thời đại chúng ta hôm nay được Chúa mô tả như lầm than, vất vả, bơ vơ như đàn chiên không có người chăn dắt, bị lạc mất lý tưởng sống, đang tự tranh đấu để sống còn.
Trong đoạn này những điểm tiêu cực nhiều hơn là tích cực, như bơ vơ, lạc lõng, đã bỏ mất hay không biết gì đến giá trị nhân bản Kitô. Ðó là đoàn người của một xã hội bị trần tục hóa trầm trọng của ngày hôm nay. Diễn phác môi trường như thế, Chúa Giêsu không có chút trách móc, khinh thị, tránh né mà nhìn đó như một lời mời gọi dấn thân yêu thương, đó là mùa lúa chín một cơ hội ngàn vàng để biểu lộ tình yêu thương đối với anh chị em.
Sự nhỏ mọn tầm thường nơi tâm hồn có thể làm cho chúng ta có một thái độ tranh chấp, khinh thị, rút lui, nhưng đó không phải là thái độ của chính Chúa Giêsu khi Ngài nhìn thấy đoàn người khủng hoảng tinh thần như đoàn chiên không người chăn dắt, vả lại Chúa Giêsu đã yêu thương họ. Ðây không phải là một sự chạnh lòng thương, không phải là một tâm tình thương hại, tôi nghiệp chóng qua nhưng là một tình thương sâu thẳm từ đáy tâm hồn của Chúa Giêsu.
Qua đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy tâm hồn Chúa Giêsu tràn đầy tình thương khi nhìn thấy nhu cầu dân chúng đang bị lạc hướng như đàn chiên không người chăn dắt. Tâm hồn Ngài xúc động tận trong thâm tâm, vì Ngài tràn đầy tình thương đối với họ, Ðó là bí quyết của đời sống Tông đồ của mọi đồ đệ theo Chúa. Ðược Chúa mời gọi làm chứng nhân của tình thương cho tình thương thì những sự dữ, những tiêu cực của môi trường chúng ta sinh sống ngày nay là những cơ hội ngàn vàng để chúng ta sống tình thương mà Chúa đã ban tặng cho các đồ đệ của Ngài.
Tư tưởng thứ hai mà bài Phúc Âm gợi lên cho chúng ta là những hành động của Chúa Giêsu: Chúa gọi các Tông đồ, ban cho họ quyền hành như Chúa, trừ các tà thần, giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho sự dữ, cho ma quỉ, chữa lành các bệnh tật, thăng tiến cuộc sống con người. Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng bằng các chỉ thị, mặc dù đây mới chỉ là sai các ngài đi thử nghiệm lúc ban đầu. Cuộc sai đi chính thức sau này sẽ được thực hiện khi Chúa đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài sau biến cố Phục Sinh.
Những hành động của Chúa phát đi từ tình thương của Ngài đối với con người. Nhìn công việc của người khác chúng ta có thể nói trọn vẹn sứ mạng của Giáo Hội, mọi thành phần của Giáo Hội, mọi thành phần đích thực của Chúa đều phát sinh từ tình yêu Thần Linh hiện diện nơi con tim phàm trần. Người đồ đệ của Chúa cần phải được thanh luyện, cần phải được biến đổi, được thay thế quả tim xác thịt bằng một quả tim mới tràn đầy tình yêu thương thần thiêng. Toàn thể cơ cấu Giáo Hội trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương thần thiêng này. Chính nơi đây, chúng ta được hiểu thêm hay hiểu lại câu nói của thánh Phaolô Tông đồ viết về bí quyết đời sống Tông đồ của ngài: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".
Chúa Giêsu thấy đám đông liền chạnh lòng thương. Tâm hồn Ngài tràn ngập tình thương, Ngài xúc động tận thâm tâm trước nhu cầu của dân chúng đang bị lạc hướng như đoàn chiên không người chăn dắt. Ngài lên tiếng mời gọi các Tông đồ, những con người tầm thường hãy theo Ngài, hãy để Ngài biến đổi thành những chứng nhân tình yêu. Thái độ đáp trả duy nhất của mỗi người chúng ta là để cho tình yêu thần thiêng Chúa biến đổi và thôi thúc chúng ta hành động: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".
Trong khiêm tốn và trong thinh lặng của Ðức Tin, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, hãy bắt chước cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này: "Thầy đến để mang lửa yêu thương đến trần gian và Thầy không có mong ước nào khác hơn là cho lửa ấy cháy lên, tỏa sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng cho con người". Hãy khiêm tốn lắng nghe và hãy để cho tình yêu Chúa biến đổi và thôi thúc.
Lạy Chúa, xin đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con và biến đổi chúng con thành những chứng nhân cho tình yêu Chúa, chứng nhân kiên trung trong Ðức Tin sống động qua đức Bác Ái. Amen.
Suy Niệm 4: Nhà truyền giáo đích thực
Vào thời Trung cổ, một số tín hữu giàu có muốn sống theo tinh thần của thánh Benado đã từ bỏ mọi tiện nghi và ngay cả ngôi thánh đường ấm cúng của họ để đến cư ngụ trên một đỉnh núi cao. Mục đích của họ là để cảm thông với những khách bộ hành lạc lối giữa núi rừng, nhất là vào mùa đông tuyết rơi. Những tín hữu này quyết định ngày đêm túc trực ở đó để kịp thời cứu vớt những ai kêu cứu. Để làm việc đó, họ đã huấn luyện một đàn chó đi tìm người lạc lối, đưa về nhà Dòng để được tận tình săn sóc.
Sự cảm thông không chỉ là một cảm xúc trong tâm hồn, mà còn là đến gần để lắng nghe, chia sẻ, trao ban. Thiên Chúa là Đấng cảm thông đích thực: Ngài không thể hiện sự cảm thông duy chỉ bằng cái nhìn từ trời cao, nhưng Ngài đã hoá thân làm người, chia sẻ hoàn toàn kiếp sống khốn cùng của con người. Tin mừng hôm nay nói lên sự cảm thông của Thiên Chúa bằng câu: “Ngài động lòng xót thương họ”. Chúa Giêsu quả thực chính là Trái tim của Thiên Chúa, một Trái tim không những rung động trước nỗi khốn khổ của con người, mà còn đến ở bên con người.
Chúa Giêsu xuất hiện như một tôn sư. Nhưng trong khi các bậc thầy khác qui tự một số môn sinh trong một ngôi trường hoặc chỉ giảng dạy tại cổng thành, thì Chúa Giêsu đã ra đi khắp nơi, chiêu mộ môn sinh để họ cùng đi với Ngài tìm đến những người bị bỏ rơi nhất trong xã hội.
Qua cung cách thể hiện sự cảm thông ấy, Chúa Giêsu phác hoạ ra mẫu người truyền giáo đích thực: ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân.
Chúa Giêsu đã đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Ngài đã phục vụ bằng một tình yêu vừa bao la, vừa cụ thể, đến với từng con người trong từng nỗi đau của họ để băng bó, xoa dịu.
Ước gì sự đồng hành cảm thông của Chúa Giêsu cũng hiện thực hoá trong cuộc sống mỗi Kitô hữu, để mọi người chung quanh nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với họ.
Suy Niệm 5: Chứng nhân của niềm vui (Mt. 9,35 - 10,8)
Rồi Đức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa các bệnh hoạn tật nguyền (Mt.10,1)
Không ai không biết câu châm ngôn này: “Một ông thánh buồn là điều đáng buồn”. Lời Chúa trong tất cả các trang Tin mừng mời gọi chúng ta sống vui mừng sâu thẳm và trở nên nhân chứng Tin mừng của Đức Giêsu.
Đức Giêsu trao phó cho các môn đệ một sứ điệp không hề có một chút bất hạnh nào. Người làm cho họ nên những người ban phát sự sống và mời gọi họ đi loan báo Tin mừng nước trời, kèm theo những dấu chỉ: Những dấu chỉ vui mừng chiến thắng buồn sầu, sự sống chiến thắng sự chết, hạnh phúc của Thiên Chúa chiến thắng tội lỗi: “Các con hãy đi chữa lành các bệnh nhân, phục sinh những kẻ chết, thanh tẩy những kẻ phong cùi”.
Niềm vui người tông đồ của Đức Kitô còn hơn cảm tính vui mừng tâm lý con người. Niềm vui đó bắt nguồn sâu xa trong sự gặp gỡ sống động với tình yêu Thiên Chúa. Ai cảm thấy được yêu mãnh liệt bởi Đức Chúa Cha và được sống đổi mới bởi Chúa Thánh Thần thì không thể bị lôi cuốn lâu trong buồn sầu. Dù có bị chôn vùi trong những hố sâu nguy khó, họ sẽ nhận ra Đấng đầy quyền năng phá tan đen tối (Is. 30, 20 và 26). Môn đệ quyết tâm nhận lãnh sứ mệnh đưa Tin mừng tình yêu vô hạn cho những kẻ đang tìm ngụp lặn trong những thú vui tạm bợ giữa lòng thế giới chồng chất buồn sầu lai láng. Mỗi cá nhân và tập thể chúng ta phải biết gieo những mầm sống và hy vọng của Tin mừng. Cùng nhau và chính mình chúng ta phải tìm mọi cách xua đuổi những thế lực sự dữ còn đang hiện diện trong thế giới chúng ta. Tìm mọi cách trao ban hương vị tự do cho những ai đã quàng vào cổ mình ách nô lệ, tìm mọi cách rao giảng Đức Giêsu Kitô cho kẻ không nhận biết Người là Chúa sự sống của họ, là Chúa các ngày lễ. Nếu chúng ta quyết tâm hợp tác vào công cuộc cứu độ thế giới, thì chúng ta phải là những sứ giả mang Tin mừng có sức biến đổi bộ mặt trái đất này.
Chúng ta có ý thức rõ như thế không?
C.G
Suy Niệm 6: MỤC TỬ ĐÍCH THỰC (Mt 9, 35; 10, 1.6-8 )
Lời mời gọi truyền giáo là đề tài xuyên suốt của Đức Giêsu trong hành trình sứ vụ của Ngài. Từng lời nói, hành động đều làm toát lên đặc tính này.
Hôm nay, một lần nữa Đức Giêsu quan sát và thấy dân chúng lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt và Ngài đã chạnh lòng thương đám đông này.
Thực ra thì dân chúng có người lãnh đạo, nhưng điều thua thiệt cho họ là họ lại bị sống dưới sự thống lãnh của những kẻ độc tài, kiêu ngạo, hình thức, dối trá là những Luật Sĩ và Pharisiêu. Vì thế, họ bị những người này dẫn đi sai đường trật lối, bởi vì người đang dẫn dắt họ chính là những mục tử dởm.
Chính vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã sống hoàn toàn khác với những người lãnh đạo thời bấy giờ, để làm hiện lên dung mạo một vị Mục Tử nhân lành, biết từng con chiên của mình, để con nào ốm đau, Ngài chữa trị; con nào gãy chân, què tay, Ngài băng bó; con nào đi lạc, Ngài đi tìm..., nói chung, Ngài đã “ngửi thấy mùi của từng con chiên” để yêu thương chúng xứng với nhân phẩn của từng con.
Hôm nay, Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu một lần nữa thi hành sứ vụ Mục Tử của mình khi “chạnh lòng thương” để chữa lành bệnh tật, xua đuổi ma quỷ và giải thoát họ khỏi những sự kiềm chế của tội lỗi.
Kế đó, Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ ra đi thi hành cùng một sứ vụ như Ngài và đồng thời trao ban cho các ông những quyền năng cần thiết để hỗ trợ việc rao giảng như khả năng chữa bệnh, trừ quỷ, khuất phục thiên nhiên.... Tuy nhiên, vì Ngài biết rõ sự nguy hại của kẻ kiêu ngạo, nên không quên nhắc các ông: “Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có thái độ như Đức Giêsu là phải có tình yêu thương, trách nhiệm và hết lòng phục vụ con người cách vô vị lợi, không tìm lợi lộc, danh vọng thấp hèn cho mình, nhưng tất cả để cho danh Cha được cả sáng và Nước Cha mau ngự trị.
Có thế, Mùa Vọng mới thực sự là Mùa của tình thương, sự tha thứ, bao dung. Được như thế, chúng ta sẽ có những món quà trân quý để dâng lên cho Chúa Hài Đồng trong dịp lễ Giáng Sinh sắp tới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được trở nên người môn đệ đích thực nhờ học và noi theo gương Chúa đã làm. Xin cho anh chị em giới trẻ biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa để ra đi và làm môn đệ cho Chúa. Amen.
Ngọc Biển, SSP
SUY NIỆM:
1. « Bầy chiên không người chăn dắt »
Đức Giê-su thấy đám đông và Người nhận ra họ giống như bầy chiên không người chăn dắt. Chúng ta dễ dàng hình dung ra bầy chiên sẽ ra như thế nào, khi không có mục tử :
– Chúng sẽ vất vưởng, vì lạc lối, tán loạn không tìm ra hướng đi hay đường đi.
– Chúng sẽ lầm than, vì không tìm ra nguồn nước uống và lương thực đích thực, không tìm ra nơi chốn vĩnh cửu để nghỉ ngơi.
– Và kết cục, không sớm thì muộn, chúng cũng sẽ bị bách hại bởi sói dữ, bị lôi kéo bởi những kẻ lừa đảo, chuyên dụ dỗ, bởi thần tượng hay ngẫu tượng đủ loại.
Vào thời của Đức Giê-su, đã có những đám đông như thế ; và vẫn còn những đám đông như thế vào thời của chúng ta ngày nay. “Đám đông lầm than vất vưởng” ngày nay là những ai? Đó là những người, nhóm người, hay cả một xã hội, nhưng nhất là những người trẻ, mất hướng đi, mất niềm tin, chạy theo những mục đích chóng qua, bề ngoài, không có giá trị nhân bản, nhân linh truyền thống bền vững, chạy theo các thần tượng hay ngẫu tượng.
Và chính chúng ta nữa, ở mức độ nào đó, cá nhân cũng như cộng đoàn, chúng ta cũng sẽ trở thành lầm than vất vưởng, mỗi khi chúng ta không để cho Đức Giê-su là mục tử, chăn dắt chúng ta, hướng dẫn chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời của ngài, bằng Mình và Máu thánh của Ngài, mỗi khi chúng ta không đón nhận sự nghỉ ngơi và bình an mà Chúa ban cho chúng ta.
2. Đức Giê-su chạnh lòng thương
Tuy nhiên, Đức Giê-su lại coi tình trạng khốn khổ của đám đông như mùa gặt, và không như một mùa gặt tầm thường, nhưng đó là quang cảnh « lúa chín đầy đổng », nghĩa là trúng mùa và đem lại niềm vui ! Lời này của Thánh Phao-lô giúp chúng hiểu tâm tình sâu xa của Đức Giê-su : « Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội » (Rm 5, 20). Lí do tận cùng, đó chính là vì Đức Giê-su chạnh lòng thương, nhận chăm sóc với tư cách là Người Mục Tử tốt lành, là Chủ Mùa gặt.
Ngài là Chủ Mùa Gặt, nghĩa là Ngài có trách nhiệm, nhưng Ngài lại mời gọi các môn đệ và cả chính chúng ta nữa : « Xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về » ! Như thế, Ngài mời gọi chúng ta tham gia, chia sẻ trách nhiệm của Ngài đối với mùa gặt. Nhưng trong thực tế, Ngài không đợi các môn đệ xin, nhưng tức khắc, Ngài gọi các môn đệ, trao quyền và sai đi (Mt 10, 1-8). Đơn giản là vì đó là chuyện khẩn cấp ! Hình ảnh « bầy chiên không người chăn » và hình ảnh « mùa gặt đã đến » diễn tả thật rõ ràng khía cạnh khẩn cấp của sứ vụ. Và Ngài đã sai chính những người xin ngài sai thợ ra gặt lúa về ! Điều này có nghĩa là, họ không chỉ xin Chúa sai người khác, nhưng còn ước ao cùng với Ngài chạnh lòng thương đám đông và xin Ngài sai chính họ.
Chúng ta cũng vậy, chính khi chúng ta xin Chúa sai thợ ra gặt lúa về, chúng ta cũng được mời gọi đồng cảm với Chúa, cùng chạnh lòng thương không chỉ đối với đám đông xa xôi, nhưng đối với những anh chị em bên cạnh chúng ta. Và nhất là, chúng ta cũng tình nguyện trở thành thợ gặt của Chúa, để Chúa sai chính chúng ta đi. Và vì là mùa gặt và được sai đi gặt, chứ không phải đi để áp đặt, dọa nạt, xét đoán hay lên án, chúng ta đi trong niềm vui và hi vọng.
Kinh nghiệm thiêng liêng nào đã có thể làm phát sinh ra một lời nguyện trọn vẹn như thế, nếu không phải là kinh nghiệm được diễn tả trong lời này của Đức Giê-su :
Anh em đã được cho không,
thì cũng phải cho không như vậy.
(Mt 10, 8)
Khi nói ra lời này, với tư là Con của Thiên Chúa, chính Đức Giê-su đã có kinh nghiệm này và Ngài sẽ sống đến cùng.
3. « Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy »
Ngoài ra, kinh nghiệm « nhưng không » còn đi đôi với Lời rao giảng « Nước Trời đã đến gần ». Hay nói cách khác, Nước Trời đi đôi với một dấu chỉ, đó là dấu chỉ « nhưng không ». Có thể nói, nếu chúng ta không kinh nghiệm sự nhưng không, không thực hành sự nhưng không, không xây dựng sự nhưng không, thì Nước Trời không đến được. Bởi vì Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là nhưng không.
Thiên Chúa là nhưng không, bởi vì Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và tạo dựng nên chính loài người chúng ta, khi chúng ta chưa làm được gì, chưa lập công được gì. Giống như cha mẹ khi sinh con, người con chưa sinh ra, cha mẹ đã cho rất nhiều và còn muốn cho hơn cả cái mình có ; hơn nữa, còn tha thứ và bao dung trước, nếu chẳng may đứa con sau này, có ra nông nỗi gì.
Trong đời dâng hiến, Chúa gọi chúng ta đi theo Ngài trong một Hội Dòng, khi chúng ta chưa làm được gì cho Chúa và cho Dòng. Trong đời hôn nhân, Chúa ban tặng cuộc đời người này cho người kia, khi mà cả hai chưa làm được gì cho nhau. Lãng quên điều này, chúng ta không thể sống hạnh phúc và không thể vượt qua thử thách khó khăn để sống đến cùng ơn gọi của mình ; và nhất là không để cho Nước Trời trị đến trong ngay tâm hồn chúng ta và ở giữa gia đình, cộng đoàn của chúng ta.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này : sự sống đích thật, chỉ có thể sinh ra và lớn lên được trong sự nhưng không mà thôi. Cuộc sống của chúng ta, nhất là trong cộng đoàn và ngay cả trong xã hội, nếu không có sự nhưng không, sẽ bị bóp nghẹt. « Nhưng không » thì ngược với « sòng phẳng », « ân oán phân minh » hay công bình theo lề luật. Nếu Thiên Chúa là « sòng phẳng », thì không có sự sống, và nếu có, sự sống cũng không thể được duy trì ; giữa chúng ta cũng vậy, nếu chỉ là sòng phẳng, sẽ không có chúng ta trên đời, và nếu có, con người sẽ loại trừ nhau và cuộc sống sẽ trở nên gánh nặng không thể chịu nổi ; và nếu chúng ta sống sòng phẳng với nhau, chúng ta không thể sống với nhau như hiện giờ.
Chúng ta đón nhận sự sống, sự sống trên đời và sự sống trong ơn gọi (tu trì, gia đình) một cách nhưng không, chúng ta được mời gọi cũng trao ban nhưng không, bằng cách phục vụ nhưng không cho sự sống, giống như sứ mạng của các môn đệ : sự sống thể lí (quan tâm đến những người nghèo hèn, bệnh tật) và sự sống nhân linh (con người sống không nguyên bởi không khí, nghĩa là nhu cầu, nhưng còn bởi bầu khí nữa ; ma quỉ thường làm ô nhiễm và tấn công vào bầu khi cộng đoàn và gia đình, tương quan giữa chúng ta, khiến chúng ta mù lòa, câm điếc, tê liệt đối với nhau). Những dị tật và vết thương như thế, những hiểu lầm và hiểu sai về mình, về Chúa, về nhau… là các thứ bệnh thật sự và thật khó chữa, nhưng cần phải chữa để cho sự sống đích thực trong bình an và niềm vui được phát sinh ngay hôm nay trong đời sống của chúng ta.
* * *
Và Thập Giá, trên đó Đức Ki-tô chịu đóng đinh, chính là « Cây Thuốc » chữa bệnh tuyệt vời nhất, hiệu quả nhất và tận căn nhất, bởi vì Thập Giá vừa chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ muốn hủy diệt sự sống và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, và vừa bày tỏ cho chúng ta tình yêu đến cùng của Thiên Chúa, để chinh phục con tim chúng ta và khơi dậy nơi tâm hồn chúng ta lòng ước ao cũng yêu Chúa và yêu nhau đến cùng.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Saturday (December 5): “The kingdom of heaven is at hand”
Scripture: Matthew 9:35-10:1,6-8 9:35 And Jesus went about all the cities and villages, teaching in their synagogues and preaching the gospel of the kingdom, and healing every disease and every infirmity. 36 When he saw the crowds, he had compassion for them, because they were harassed and helpless, like sheep without a shepherd. 37 Then he said to his disciples, “The harvest is plentiful, but the laborers are few; 38 pray therefore the Lord of the harvest to send out laborers into his harvest.” 10:1 And he called to him his twelve disciples and gave them authority over unclean spirits, to cast them out, and to heal every disease and every infirmity. 6 “Go rather to the lost sheep of the house of Israel. 7 And preach as you go, saying, `The kingdom of heaven is at hand.’ 8 Heal the sick, raise the dead, cleanse lepers, cast out demons. You received without paying, give without pay. |
Thứ Bảy 5-12 Nước Trời đã đến gần
Mt 9,35-10,1.6-8 35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” 1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en.7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. |
Meditation:
Who doesn’t want a life of good health, peace, and well-being? Isaiah foretold that God’s kingdom would overcome sorrow and adversity and bring true peace and prosperity to God’s people. Jesus understood his mission to bring the kingdom in all its fulness to us. The core of the Gospel message is quite simple: the kingdom or reign of God is imminent! The kingdom of God is imminent What is the kingdom of God? It’s the power of God at work in that society of men and women who trust in God and who honor him as their King and Lord. In the Lord’s prayer we dare to ask God to reign fully in our lives and in our world: “May your kingdom come and your will be done on earth as it is in heaven” (Matthew 5:10 ). Jesus’ preaching of God’s kingdom was accompanied by signs and wonders. People were healed not only spiritually, but physically as well. Do you believe in the power of God’s kingdom for your life? Let his word transform your mind and heart that he may reign supreme in every area of your life. Jesus commissioned his disciples to carry on the works which he did – to speak God’s word and to bring his healing power to the weary and oppressed. Jesus said to his disciples: Freely you have received, freely give (Matthew 10:8). What they had received from Jesus (all free of charge) they must now pass on to others without expecting any kind of payment or reward. They must show by their attitude that their first interest is God, not material gain. The kingdom of heaven comes to those who receive Christ with faith Jesus’ words are just as relevant today. The kingdom of heaven is available to those who are ready to receive it. We cannot buy heaven; but if we accept the love and mercy of Jesus we already possess heaven in our hearts! The Lord brings his kingdom or heavenly reign to those who receive him with faith and obedience. When the Lord returns in his glory he will fully restore his kingdom of everlasting peace and justice. Do you pray and watch with confident hope for God’s kingdom to come in all its fullness?
“Lord Jesus, rouse my spirit from complacency and stir my faith to see you act today. Give me boldness to live and proclaim the message of the kingdom of heaven and to be a prophetic sign of that kingdom to this generation.” |
Suy niệm:
Ai lại không muốn có một cuộc sống khỏe mạnh, bình an, và phúc lợi? Isaia đã tiên báo rằng vương quốc của Chúa sẽ chế ngự nỗi thống khổ và nghịch cảnh, đem lại bình an và sự thịnh vượng thật sự cho dân Chúa. Đức Giêsu biết sứ mệnh của mình là đem tất cả sự viên mãn của vương quốc tới cho chúng ta. Trọng tâm của sứ điệp Tin mừng hết sức đơn giản: Nước Trời đã đến gần! Vương quốc Thiên Chúa đã đến gần Vương quốc của Chúa là gì? Là sức mạnh của Chúa hoạt động trong những người tin tưởng vào Chúa, và tôn phong Người là Vua và là Chúa của mình. Trong lời cầu nguyện của Chúa, chúng ta dám cầu xin nước Chúa ngự trị trong cuộc đời chúng ta và trong thế giới của chúng ta: “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời” (Mt 5,10) Việc giảng dạy của Đức Giêsu về nước Chúa đi kèm theo những điềm thiêng dấu lạ. Người ta không chỉ được chữa lành về phần tinh thần, nhưng cả về phần thể lý nữa. Bạn có tin tưởng vào quyền năng của vương quốc Chúa dành cho cuộc đời bạn không? Hãy để Lời Chúa biến đổi tâm trí bạn, để Người có thể ngự trị trong mọi lãnh vực của đời sống bạn. Đức Giêsu ủy quyền cho các môn đệ thực hiện những công việc Người đã làm – nói Lời Chúa và đem lại sức mạnh chữa lành cho những người mệt mỏi và thất vọng. Đức Giêsu nói với các môn đệ: Anh em đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho đi nhưng không (Mt 10,8). Những gì họ lãnh nhận từ Đức Giêsu (tất cả đều là nhưng không), giờ đây họ phải trao lại cho người khác mà không mong đợi sự đáp trả hay phần thưởng nào. Họ phải bày tỏ thái độ lấy Thiên Chúa làm đầu, chớ không phải sự chiếm hữu vật chất. Nước trời đến với những ai đón nhận Đức Kitô bằng đức tin Những lời của Đức Giêsu cũng rất phù hợp với ngày nay. Nước Trời luôn dành sẵn cho những ai sẵn sàng tiếp nhận nó. Chúng ta không thể mua lấy nước Trời, nhưng nếu chúng ta tiếp nhận tình yêu và lòng thương xót của Đức Giêsu, chúng ta đã chiếm hữu được nước Trời trong tâm hồn của mình! Thiên Chúa đem đến vương quốc của Người cho những ai tiếp nhận Người với đức tin và sự vâng phục. Khi Thiên Chúa trở lại trong vinh quang, Người sẽ phục hồi toàn bộ vương quốc bình an và công chính viên mãn của Người. Bạn có cầu nguyện và có niềm hy vọng kiên vững về vương quốc sắp đến của Chúa trong tất cả sự viên mãn của nó không? Lạy Chúa Giêsu, xin kéo lòng con ra khỏi tính tự mãn và khơi lên niềm tin của con để nhìn thấy Chúa hành động hôm nay. Xin ban cho con lòng can đảm để sống và tuyên xưng sứ điệp của nước Trời và trở thành dấu chỉ tiên báo của vương quốc Chúa cho thế hệ này. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn