THỨ HAI TUẦN THÁNH Ga 12,1-11
Thứ bảy - 12/04/2025 22:46
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
1 Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. 2 Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người.
3 Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm tỏa đầy nhà.
4 Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: 5 “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó ?”
6 Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó.
7 Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. 8 Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”.
9 Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại.
10 Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, 11 vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.
SUY NIỆM: HÃY XÍCH LẠI GẦN CHÚA HƠN
Trong 3 ngày đầu của Tuần Thánh, các bài đọc I đều được trích từ sách tiên tri Isaia, viết về người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận và chịu đựng tất cả để chuộc tội cho loài người. Còn các bài Tin Mừng thì thuật lại những việc xảy ra trong những ngày cuối đời của Chúa Giêsu, trước khi Ngài bước vào cuộc thương khó và tử nạn.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu được xức dầu tại Bêtania, “6 ngày trước Lễ Vượt Qua”, tức là 6 ngày trước khi Ngài chịu chết. Trong biến cố này có 2 nhân vật nổi bật:
Thứ nhất là cô Maria. Việc cô lấy một cân dầu thơm hảo hạng xức vào chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc mình mà lau, biểu lộ lòng yêu mến và sự kính trọng đối với Ngài. Chúa Giêsu còn nhìn nhận đây là hình ảnh báo trước Ngài sẽ chịu mai táng như thế nào sau khi chết.
Thứ hai là hình ảnh của Giuđa. Ông cho rằng hành động của Maria là một việc làm lãng phí. Ông chỉ trích cô. Ông coi tiền của trọng hơn tình nghĩa. Đến nỗi Gioan vốn là 1 con người hiền lành và khiêm tốn cũng phải lên tiếng:“Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo mà vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những thứ gì người ta bỏ vào quỹ chung”.
Nếu so sánh thì Giu-đa là người đã ở bên Chúa Giêsu và được Chúa Giêsu yêu mến nhiều hơn Maria. Thế nhưng, trong lúc cô đơn và khi Chúa cần một tình yêu đáp trả, thì Giu-đa đã quá hờ hững và phũ phàng.
Thưa anh chị em, trong những ngày của Tuần Thánh này, chúng ta được mời gọi hãy nhìn lên thập giá của Đức Kitô và nhớ lại xem Chúa đã làm gì cho ta, Ngài đã yêu thương nhân loại chúng ta như thế nào. Và cũng trong tuần lễ cực trọng này, chúng ta được mời gọi hãy có những sáng kiến và quyết tâm cụ thể để đáp trả lại tình Chúa yêu thương.
Tuy nhiên, anh chị em đừng nghĩ là mình phải làm cho Chúa điều này điều nọ. Chúa chỉ cần nơi mỗi người lòng yêu mến.
Do đó, trong những ngày này, anh chị em hãy sống đạo sao cho thật sốt mến. Hãy dành nhiều thời gian cho Chúa qua Thánh lễ, nguyện ngắm, kinh sáng kinh tối, cũng như các việc đạo đức khác. Hãy xích lại gần với Chúa hơn, để có thể cảm nhận và đồng cảm với nỗi lòng xao xuyến của Ngài trước cuộc thương khó và tử nạn mà Ngài sắp thực hiện.
Đừng bỏ Chúa bơ vơ một mình thưa anh chị em. Bởi những cực hình mà Ngài sắp hứng chịu, tất cả là vì tội lỗi của chúng ta. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: HAI THÁI ĐỘ, HAI ĐỊNH MỆNH
Đoạn Tin Mừng cho ta nhận ra hành động của Maria là một hành động của một tình yêu dành hết cho thầy Giêsu. Maria đã đổ xuống trên chân Thầy chí ái bình dầu thơm quý nhất (có giá tới 3 trăm quan tiền – là một giá trị rất lớn thời đó) mà những phụ nữ Do-thái đều mơ ước, cô còn lấy mái tóc là niềm tự hào và danh dự vẻ đẹp của người nữ để lau chân Thầy. Đó là những biểu tượng để nói mọi sự Maria đều đặt dưới chân Thầy, trọn vẹn tình yêu tinh thần và thể xác. Chính hành động này làm cho cả nhà sực nức mùi thơm.
Và cũng từ những hành động này của Maria mà tạo ra sự phản đối của Giuđa, nhưng Chúa Giêsu nói: “Cứ để cô ấy yên”. Ở đây không chỉ có một mình Chúa với cô mà có lẽ rất nhiều người đang hiện diện nhưng Maria không quan tâm đến xung quanh, đối với cô chỉ có Chúa Giêsu là tất cả, và cô sẵn sàng dâng cho Chúa tất cả những gì cô có không tính toán so đo, cũng như không sợ đàm tiếu chê cười. Hành động của Maria chính là hành động của những tâm hồn dám đặt Chúa Giêsu lên trên hết, dâng cho Chúa tất cả những gì mình có thể.
Còn Giuđa thì nhìn đâu cũng thấy tiền, đặt cái lợi vật chất lên trên tất cả, “Giuđa”, là người xem tiền của vật chất hơn cuộc khổ nạn Chúa Giêsu sắp tới và coi chuyện tiền bạc hơn hành động tình yêu. Một con người chỉ có coi tiền làm trọng nên nhìn bình dầu Giuđa đã nhìn thấy 300 quan tiền. Thực ra, Tin Mừng nói rõ rằng, Giuđa lấy lý do giúp người nghèo thực ra chỉ là một cách ngụy trang che đậy sự tham lam của ông.
Hôm nay: tôi có thái độ nào để bước vào Tuần Thánh? Thái độ của Giuđa suốt ngày mải mê tính toán đến chuyện tiền bạc, vật chất thế gian để rồi đi tới chỗ diệt vong, hay thái độ của người phụ nữ Maria lấy tình yêu đáp lại tình yêu mà không so đo tính toán thiệt hơn để được cùng hiệp thông với Ngài trong mầu nhiệm vinh quang phục sinh?
Lm. Gioan Maria Vũ Nguyên Đức Nghĩa
SUY NIỆM:
Như một lời dẫn nhập của một ‘tấn bi kịch’, Thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay, đã nhẹ nhàng đưa chúng ta vào bối cảnh của tuần lễ sau cùng của cuộc đời Đức Giêsu và cũng là cao trào của ‘tấn bi kịch’ của ‘Người Tôi Tớ trung thành của Thiên Chúa’.
Trước khi lên Giêrusalem lần cuối cùng, Đức Giêsu đã đến Bêtania và vào ngụ tại căn nhà bé nhỏ của Mát-ta, Maria và La-da-rô, những người bạn thân thiết của Ngài. Có thể nói, đây là lần cuối cùng Ngài đến và ở với các bạn của mình, cũng như đón nhận sự chào đón thân thiết của tình bạn. Vì chẳng bao lâu nữa người ta sẽ ruồng bỏ Người. Ngay chính những môn đệ của Người, cũng sẽ bỏ rơi Người khi phải đối mặt với thế lực thù địch.
Trong khi Mát-ta, như thường lệ, bận rộn với việc tiếp đãi Chúa, La-da-rô thì đồng bàn với Người để trò chuyện, còn Maria, thì với một hành động dường như mang tính tiên tri về cái chết của thầy mình, đã đem lọ dầu thơm cam tùng hảo hạng mà xức chân Đức Giêsu, rồi cô lấy tóc mình mà lau. Hương thơm lan toả khắp căn nhà và làm cho ai nấy đều chăm chú nhìn cô với một ánh mắt trìu mến.
Bỗng dưng, có một giọng nói khá lạ lẫm cất lên trong sự thinh lặng của căn phòng, “Sao không bán dầu thơm đó mà lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo” Giuđa Iscario nói. Tiếng nói ấy có vẻ lạ lẫm, vì trong suốt hành trình theo thầy Giêsu, gần ba năm trời, ta chưa một lần nghe tiếng ông nói. Nhưng hôm nay, bỗng dưng ta nghe được tiếng của ông.
Nếu ta chỉ nghe ông nói và suy nghĩ về những lời của ông, thì ta nhận thấy ông là một người tốt, biết lo cho người nghèo. Ông không nói tiếng nào, nhưng khi ông nói, thì toàn là lời tốt. Ấy thế nhưng câu chuyện không diễn tiến như ta nghĩ và thánh Gioan không phải vô tình mà để Giuđa xuất hiện bên cạnh Maria trong bức tranh này.
Nếu chúng ta đọc kĩ hơn, chúng ta sẽ thấy có một sự tương phản ở đây và nó mang một ý nghĩa rất sâu sắc mà thánh Gioan muốn nhắn gửi mỗi người chúng ta. Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau. Cô không nói một lời, chỉ thinh lặng hành động. Khi một người dám lấy một thứ rất giá trị, trong thinh lặng trao tặng nó cho người bạn của mình, thì chắc chắn hành động đó phải xuất phát từ một tấm chân tình.
Hay nói khác đi, hành động của Maria hôm nay đã cho chúng ta thấy cô yêu mến người bạn Giêsu của mình dường nào. Như mùi hương của dầu thơm tràn ngập căn nhà nơi Chúa ngự, thì hương thơm của tình yêu mà cô trao cho thầy Giêsu cũng nồng nàn trong trái tim cô vậy.
Trong bối cảnh đầy cảm xúc này, thánh Gioan đã nhẹ nhàng đưa hình ảnh Giuđa vào bên cạnh Maria, và dùng lời từ chính môi miệng ông về một lời thắc mắc tưởng chừng như tốt lành, nhưng lại mang đầy tính ích kỉ như Gioan đã nhận xét:“hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền mà người ta bỏ vào đó”.
Hoá ra là vậy, ông mươn danh nghĩa người nghèo để lấy cắp những đồng tiền bác ái thuộc về họ. Sự quan tâm của ông lại mang đầy toan tính của sự tham lam và gian dối. Động lực để ông lên tiếng bênh vực họ, chẳng phải là sự quan tâm trìu mến, nhưng lại là, một sự lợi dụng bẩn thỉu.
Suy niệm đến đây, ta cũng hãy đùng kết án Giuđa vội vàng. Vì suy cho cùng, sự đối nghịch giữa hai con người Maria và Giuđa, cũng đã nói lên hai bộ mặt trong mỗi người chúng ta, những môn đệ của Thầy Giêsu hôm nay.
Có những lúc chúng ta tìm thấy trong mình hình ảnh của Maria, rất yêu mến Chúa và sẵn sàng dâng hiến Chúa tất cả, thậm chí, ngay cả việc hiến dâng cuộc đời mình để đi theo Chúa. Nhưng cũng có những lúc chúng ta lại bắt gặp trong mình hình ảnh của một Giuđa, khi chúng ta để cho sự ích kỉ và tham lam điều khiển con người mình. làm cho mình rụt rè, tính toán khi làm việc này hay việc kia cho Chúa. Để rồi, cho dù mình có gần gũi thầy Giêsu nhưng đã từ lâu trở nên xa lạ với Người.
Hôm nay, chúng ta khi đối diện với Đức Giêsu, hãy nhìn lại bản thân và lương tâm của chúng ta, rồi với lòng ngay thẳng, hãy tìm xem hình ảnh nào tôi đang mang trong mình khi theo Chúa, Maria hay Giuđa? Như thế, chúng ta sẽ bước vào Tuần Thương Khó của thầy Giêsu với một tấm lòng yêu tương chân thành của một môn đệ đích thực. Amen.
J.J. Duong,OCD
SUY NIỆM:
Tin mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại, sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giê su đến nhà ông Lazarô là người được Chúa cho sống lại từ cõi chết. Tại đây, người ta dọn tiệc để thết đãi Chúa.
Đang trong bữa ăn đó, có một phụ nữ tên là Maria, cô ta đem đến một bình bạch ngọc đắt tiền, đựng dầu thơm hảo hạng. Cô đập vỡ bình dầu để xức chân Chúa.
Trông thấy cảnh tượng đó, Giuđa tỏ ra khó chịu và nói: “sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo”. Hắn nói thế không phải hắn thương người nghèo cho bằng hắn tiếc bình nước hoa có giá trị.
Vì hắn là kẻ ham mê tiền bạc nên nói thế để che đậy bản chất của hắn khỏi bị lộ diện trước mặt mọi người. Hắn đưa người nghèo ra làm lá chắn cho thái độ giả hình của mình. Hắn là kẻ nối giáo cho giặc để bắt Chúa. Vì thế mà ba ngày đầu của tuần thánh đều nhắc tới khuôn mặt và thái độ của hắn.
Thầy trò sống gắn bó thân thiết với nhau như “bát nước đầy”, còn mấy ngày nữa đâu, còn nhiều thời gian cho nhau nữa đâu mà người môn đệ vô ơn nỡ tiếc xót với Thầy mấy đồng tiền nhỏ mọn mà lại chẳng phải là tài sản của mình. Con người Giuđa hẹp hòi ích kỷ trả nghĩa, đối đãi với Thầy mình như thế đó.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta đừng bao giờ như Giuđa phản bội Chúa. Đừng quá hẹp hòi ích kỷ. Đừng che đậy giả dối trong lối sống của mình. Hãy lấy tình thương mến mà đối xử với nhau. Để mai sau ta khỏi bị Chúa lên án, xét xử. Amen.
Lm. Phêrô Mai Viết Thắng
SUY NIỆM:
Hôm qua, Hội Thánh đã khai mạc Tuần Thánh tưởng niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Với Lễ Lá, Đấng Cứu Thế đã vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua đem lại ơn cứu độ cho loài người. Vậy chúng ta hãy bước theo Người và xin Người ban ơn để chúng ta trong Tuần Thánh này được thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập giá, hầu được chia sẻ vinh quang Phục Sinh và sự sống của Người.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự kiện Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà anh Ladarô sau “sáu ngày” anh được Chúa Giêsu cho sống lại. Trong bữa tiệc này Chúa Giêsu được mời như một vị khách, có cả môn đệ của Ngài nữa. Bữa ăn tối này là dịp để diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn của Mat-ta, Maria và Ladarô.
Chính trong bữa ăn cô Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ. Cô đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng, khiến cả nhà sực nức mùi hương. Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống, nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy. Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy, như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy. Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng cho việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).
Cô Maria xức dầu quý cho Chúa và chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô. Cô xức dầu mà không so đo tính toán. Nhưng điều đó đã làm Giuđa Ítcariốt khó chịu. Ông thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền, có giá bằng lương gần một năm của một công nhân. Giuđa có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu. ông là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. Có thể đồng tiền đối với ông là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu. Ông phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15).
Xin Chúa cho chúng ta hiểu được giá trị của đồng tiền, nó chỉ là một tên đầy tớ tốt chứ không phải là một ông chủ khắc nghiệt, thần tài. Xin Chúa cho chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria, đừng để đồng tiền sai khiến chúng ta có thể bán cả những người thân!
Lm Giuse Lê Ngọc Ngà
SUY NIỆM: ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU
Lời Chúa hôm nay đem đến cho ta một hình ảnh thật đẹp đó là Maria ngồi kề dưới chân Chúa và xức dầu thơm lên chân Người. Đức Giêsu đã không ngăn cả Maria vì Ngài biết rằng đây là điều cô cần: cô cần Chúa, cô muốn tranh thủ thời gian bên Chúa.
Hình ảnh Maria đến bên Chúa chính là lời mọi gọi cho mỗi người Kitô hữu chúng ta trong Tuần Thánh này: Hãy đến với Chúa Giêsu!
Sống Đức tin chính là sống mối tương quan của ta với Thiên Chúa. Sống mối tương đó đòi hỏi chúng ta phải năng đến với Chúa và dành thời gian với Ngài. Đến với Chúa ngang qua các Bí tích và giờ cầu nguyện để sẻ chia, thân thưa những ưu tư và lo lắng trong đời sống của mình. Đồng thời, ngang qua sự gặp gỡ đó, chúng ta được đón nhận sức mạnh thiêng liêng, ân sủng và bình an của Chúa.
Ngồi kề bên và chiêm ngắm Chúa Giêsu, để ta luôn biết đặt Ngài làm quy chuẩn và trung tâm cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động.
Đến với Chúa Giêsu để ta sẻ chia những gánh vất vả trong đời, đồng thời xin thêm ơn sức mạnh và lòng kiên vững để luôn trung thành với Chúa và Giáo Hội giữa trần gian đầy sóng gió.
Đến với Chúa Giêsu để ta tìm cho mình những giây phút bình an và tĩnh lặng giữa những xô bồ và bấp bênh của dòng đời.
Đến với Chúa không có gì là khó khăn, nhưng lắm lúc ta lại còn chần chừ, xa lánh và không dành thời gian để đến với Ngài.
Tuần Thánh đã bắt đầu, ta hãy trở về với cõi long của mình, hãy đến bên Chúa Giêsu để cảm nhận được tình yêu bao la thẳm sâu của Người. Bên Chúa trong những giây phút của Tuần Thánh này để ta có thể sẻ chia những khó nhọc vất vả ở đời này với Chúa và tâm tư với Ngài những điều mà ta muốn thổ lộ.
J.B Lê Đình Nam