THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG
Mt 11,28-30
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
28 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
SUY NIỆM: GIÊSU, THIÊN CHÚA NÂNG ĐỠ
Kiếp sống con người thật vất vả. Tác giả Thánh vịnh nói cuộc đời con người “phần lớn là gian lao khốn khổ” khi sống trong “thung lũng nước mắt”. Không phải chỉ có đau khổ, nhưng còn những gánh nặng: gánh nặng sự sống, gánh nặng bổn phận, nhất là gánh nặng tội lỗi. Isaia cho biết tự sức con người không gánh nổi đời mình. Vì kiếp người quá vất vả gian lao. Đến nỗi “thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo”.
Phải đến với Chúa vì “những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt”.
Hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho”.
Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa vì chính Chúa đã đến với ta. Như Chúa đã chấp nhận gánh nặng nhân loại, Chúa mời gọi ta hãy chấp nhận gánh nặng của bản thân, của tội lỗi, của trách nhiệm của ta.
Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để Chúa bổ sức cho ta. Sức riêng ta không vác nổi gánh nặng. Nhưng có sức của Chúa ta sẽ mạnh mẽ như Isaia đã loan báo: “Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh”.
Chúa Giêsu mời gọi ta đến với Chúa để thăng hoa thánh giá đời ta khi không coi đó là ách giữa đàng, nhưng coi đó là ách của Chúa. Ách của Chúa là tình yêu. Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng. Ách nặng nề sẽ trở nên ngọt ngào nhẹ nhàng khi ta gánh vác với tình yêu mến.
Mùa Vọng đã qua đi được một nửa, cuộc chờ đợi còn kéo dài, cuộc thanh luyện càng quyết liệt, nhưng ta hãy an tâm tiếp tục lên đường, vì Chúa hằng theo dõi bước đường của ta, Chúa hằng ban ơn trợ giúp ta, và nhất là Chúa Giêsu cùng đi với ta, cùng chia sẻ gánh nặng với ta. Thật là một chặng đường gian khổ nhưng đầy ngọt ngào vì có Chúa và được cùng Chúa chia sẻ.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM: HÃY TẠO CHO NHAU NHỮNG TIẾNG CƯỜI
“Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Tôi êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng.” Chắc chắn đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nghe bài này. Vậy Chúa Giêsu nói những lời này cho ai, và trong hoàn cảnh nào?
Như chúng ta đã biết, xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu rất nặng về sự phân biệt giai cấp. Tầng lớp thượng lưu quan quyền dường như thu tóm toàn bộ những lợi tức và lợi nhuận, còn những người thấp cổ bé họng, những người nghèo đói thì chịu rất nhiều bất công. Họ bị xem thường, bị loại trừ. Họ bị chất lên vai rất nhiều trách nhiệm gắn liền với luật, mà đúng ra không thuộc về họ. Họ muốn nói lên những tiếng nói của người dân oan, mà cũng không được nói. Họ đành “ngậm đắng nuốt cay”, “cắn răng chịu đựng”.
Chúa Giêsu đã đọc thấy tiếng lòng của những con người nhỏ bé ấy. Ngài mời gọi họ hãy đến với Ngài hỡi tất cả những ai đang mang gánh nặng nề, để tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Đúng như những gì mà Tiên tri Isaia đã nói trong bài đọc 1: “Người sẽ ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng”.
Giới lãnh đạo Do Thái năm xưa đã đặt lên vai dân quá nhiều luật lệ, khiến họ không đủ sức để chu toàn. Chúa Giêsu khuyên họ đừng tạo cho nhau những gánh nặng như thế, nhưng mỗi người chỉ cần mang lấy ách của Ngài mà thôi, đó là luật mến Chúa và yêu người: vừa êm ái, vừa nhẹ nhàng!
Hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta điều ấy thưa anh chị em. Mỗi người đừng tạo ra gánh nặng cho nhau: chồng đừng tạo thêm gánh nặng cho vợ, vợ đừng tạo thêm gánh nặng cho chồng, con cái cũng thế - đừng tạo thêm gánh nặng cho mẹ cha.
Có những người chồng không cho vợ mình có cơ hội nở được một nụ cười, cũng có những người vợ không tạo lấy cho chồng mình được chút niềm vui, hoặc có những người làm con luôn khiến cho ba mẹ mình phải khóc.
Cuộc sống này đã mang lại cho ta quá nhiều mệt mỏi, cả thể xác lẫn tinh thần thưa anh chị em. Do đó, mỗi người hãy tạo cho nhau những niềm vui và những tiếng cười, để khích lệ nhau tiếp tục cố gắng. Hãy để vợ, để chồng, để con cái, để cha mẹ mình dù có vất vả với cuộc sống mưu sinh đến đâu, thì khi bước về nhà, luôn gặp được sự bình an và niềm hạnh phúc.
Ước gì những lời nhắn nhủ hôm nay đánh động được tâm hồn của chúng ta, để mỗi người trở nên điểm tựa cho nhau trong cuộc sống này.
Còn những ai đang nặng trĩu cõi lòng mà chưa nhận được sự đồng cảm, thì hãy cậy trông vào Chúa Giêsu, bởi vì Tiên tri Isaia cho biết:“Những người cậy trông vào Chúa thì được Ngài ban thêm sức mạnh”. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: HÃY ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU ĐỂ ĐƯỢC NGHỈ NGƠI
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay so sánh người này với người kia, vật này với vật nọ. Ít hay nhiều chúng ta cũng có lần đem tôn giáo của mình so sánh với tôn giáo của người khác, Thiên Chúa của mình với các thần minh khác, để rồi cũng có lần chúng ta tự hỏi tại sao phải theo Thiên Chúa này, Đấng đòi hỏi chúng ta phải sống yêu thương và tha thứ. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn Sứ Isaia trình bày cho chúng ta cảm thức bị Thiên Chúa bỏ rơi của con dân Israel trong thời lưu đày: “Hỡi Giacóp, sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: ‘Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?’” Họ nghĩ rằng Thiên Chúa của họ không bằng những thần minh khác nên đã không thể bảo vệ họ. Đứng trước điều này, Đức Chúa khẳng định với dân rằng Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Đấng ban sức mạnh cho người cậy trông Ngài: “Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40:29-31). Những lời này chỉ cho chúng ta biết nơi đâu chúng ta chạy đến khi cuộc đời trở nên mệt mỏi và đau khổ. Chỉ nơi Chúa chúng ta mới tìm được sức mạnh để đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Chỉ nơi Chúa chúng ta mới tìm được sự nghỉ ngơi khi mệt mỏi và thất vọng.
Chúng ta chỉ có thể hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi chúng ta đặt nó trong bối cảnh của niềm vui năm thánh và lời mời gọi của Đấng Cứu Độ. Trong bối cảnh của niềm vui và sự nghỉ ngơi của năm thánh, Chúa Giêsu đã thốt lên những lời sau: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Những lời này âm hưởng lại những lời của
Ngôn Sứ Isaia được trình thuật trong bài đọc 1. Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định những điều sau:
Thứ nhất, Ngài khẳng định Ngài là sự Khôn Ngoan được nói đến trong sách châm ngôn (chương 8) với những đặc tính của một người nữ như là người mang lại sự nghỉ ngơi và an ủi. Ngài mở rộng lời mời gọi cho hết mọi người. Với cuộc sống bận rộn hôm nay, chúng ta đôi lúc cũng muốn có những giây phút để nghỉ ngơi. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài để được nghỉ ngơi và xa rời sự ồn ào của cuộc sống. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi của Ngài không? Đừng để bị cuốn theo sự ồn ào của cuộc sống để rồi cuối cùng không còn có giờ cho Chúa, cho mình, cho gia đình và những người thân.
Thứ hai, Ngài mời gọi chúng ta mang lấy ách của Ngài. Các thầy Rabbi nói về cái ách
của Torah và cái ách của vương quốc. Khi Chúa Giêsu nói đến cái ách, Ngài ám chỉ đến lời giải thích của mình về luật. Trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều luật để theo. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì phải theo nhiều luật. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài để cảm nghiệm được sự nhẹ nhàng của luật Ngài đưa ra, đó là luật yêu thương. Ai sống trong yêu thương mới hiểu được sự êm ái và niềm vui mà tình yêu mang lại dù cho có khó khăn và thách đố của cuộc sống.
Thứ ba, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng ta học ở Ngài. Người môn đệ luôn là người theo học cho đến cuối đời. Chúa Giêsu muốn chúng ta học ở Ngài hai điều, đó là sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Hiền lành để chúng ta đối xử nhẹ nhàng với hết mọi người; còn khiêm nhường để biết rằng mình rất cần Thiên Chúa vì chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, sự khiêm nhường của Chúa Giêsu vừa là mẫu gương của người thầy vừa là nội dung lý tưởng bởi vì chính Ngài là Torah được cá vị hoá. Khi đến với Ngài chúng ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi. Điều này ám chỉ đến việc nghỉ trong ngày Sabbath là biểu tượng của sự an nghỉ trong Nước Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ tìm được niềm vui.
Thứ tư, Chúa Giêsu khẳng định ách của Ngài êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng. Chúng ta hiểu điều này khi đặt nó trong sự so sánh với halaka của người Pharisêu. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có thể nói về số lượng dễ dàng hơn bởi vì ngắn hơn và tập trung vào những điều quan trọng. Nhưng để đáp ứng được lời mời gọi trở nên công chính như trong Mt 5:20, lời giảng dạy của Chúa Giêsu về chất lượng lại khó hơn, bởi vì sự đòi hỏi của tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận thì vô tận. Nói cách khác, tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận đòi chúng ta phải diễn tả trong lời nói và hành động hằng ngày của mình: Mỗi lời nói, mỗi hành động là một diễn tả tình yêu dành cho Chúa và anh chị em mình.
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
Câu chuyện
Khi Đức giám mục Watts còn nhỏ, ngày nọ chạy sang nhà một bà già hàng xóm. Bà nhờ ngài đọc cho bà nghe một đoạn Thánh Kinh rồi nói: “Khi con lớn chút nữa, người ta sẽ bảo con rằng Thiên Chúa luôn rình xem khi nào con phạm lỗi để trừng phạt. Nhưng ta không muốn con nghĩ như thế, mà ta muốn con chăm đọc Thánh Kinh để luôn nhớ rằng Thiên Chúa luôn thương yêu con, Ngài luôn để mắt nhìn đến con” .
Suy niệm
Trong cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta cũng đã cảm nghiệm được vất vả, mang gánh nặng, chịu gian nan thử thách, chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất, từ bản thân đến gia đình và xã hội.
Bên Chúa, con người hôm nay tìm thấy được một nơi yên nghỉ sau những giây phút mệt mỏi của đời sống và đặt tất cả mọi nỗi lo âu, những gánh nặng trần thế như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28). “Các con hãy mang lấy ách của Ta”. Đây là kiểu nói bóng trong truyền thống Thánh Kinh nơi các thầy rabbi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai là thầy (Hc 51,31; Is 55,1). Chúng ta nhìn nhận và học nơi Thầy Giêsu hiền lành và khiêm nhu, tràn đầy tình thương, nhân từ, tha thứ và liên đới như Thầy đã dạy.
Con người sẽ tìm thấy bình an, khi nhìn nhận sự bé nhỏ của mình trước Đấng Tạo Hóa và phó thác vào Ngài, họ được chính nước Trời khi giữa phong ba cuộc đời giữa những mỏi mệt của cuộc sống đó là mầu nhiệm nước Trời mà người không tin vào Chúa Giêsu không thể cảm nghiệm.
Chúng ta mang tâm tình tín thác trong cuộc sống: “Hãy trao phó mọi việc trong tay Chúa, thì bạn sẽ thành công, Ngài sắp xếp mọi sự để thực hiện ý Người” (Cn 34,4).
Ý lực sống
“Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM:
Nơi Nhà Tạm trong một số nhà thờ Công Giáo thường ghi dòng chữ: “VENITE AD ME OMNES QUI LABORATIS”. Đó chính là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Người cũng mời gọi mọi người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
1. Đến với tôi…
Mọi người đều mang trên mình nhiều thứ gánh nặng khác nhau:
Gánh nặng lề luật là: Người Do-thái thời đó phải giữ bộ luật chi li hơn 600 điều luật của biệt phái chất lên cổ dân. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành những gánh nặng chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu mời gọi dân theo Người vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabát’ đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.
Gánh nặng cuộc đời là: Gánh nặng gắn liền với phận người, gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác; gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng của yếu đuối hiện tại, gánh nặng lo âu cho tương lai… Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu, gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người… Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm về với Bí tích Giao hoà, tìm về với giây phút lắng đọng bên Thánh Thể, tìm về với của ăn tinh thần là Mình Máu Chúa trong thánh lễ, để được người nâng đỡ và bổ sức
2. Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi…
Như đã nói ở trên, ách của lề luật và cuộc đời đã đè nặng trên chúng ta, bây giờ chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa. Chúa không vác thay chúng ta, nhưng Chúa cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
Hình ảnh cái ách, tức là cái được đặt lên trên cổ con bò, con trâu, con lừa hay con ngựa để nó kéo xe hoặc kéo cày. Nói lên một kiếp nô lệ và vất vả, nhưng cũng là đầu kéo mọi thứ tiến lên hoặc làm cho một thửa đất tơi xốp phát sinh nhiều hoa trái mới. Chúa Giêsu đã tự huỷ hạ mình xuống làm thân nô lệ (x. Pl 2,6-11). Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần.
Học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời, nhưng kết hợp với Chúa Giêsu để được bổ sức và cùng Người vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời; kết hợp với Ngài để được bổ sức và cùng Ngài vượt lên. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM : NHỮNG AI KHÓ NHỌC HÃY ĐẾN VỚI TA
Sách “Liệt Tử” có câu truyện như sau:
Nước Tống có một người đã đứng tuổi tự nhiên mắc phải chứng bệnh quên lãng. Buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì ngày mai lại chẳng nhớ. Ra đường quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì và bây giờ đang làm gì đều quên hết, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh nên đã mời thầy thuốc, chạy đủ hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi.
Sau đó có ông thầy đồ người Lỗ nói rằng là tôi chữa được.
Người bệnh hứa với ông đồ: Hễ chữa được bệnh sẽ chia cho ông một phần gia tài.
Trước khi trả lời đáp ứng nhận chữa bệnh, ông đồ dùng nhiều cách thức khác nhau để tìm hiểu khả năng trí nhớ của người bệnh này. Trước hết ông đồ thử bằng cách lột áo của người bệnh để rét lạnh thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn thì anh ta xin ăn. Ðem anh ta vào chỗ tối tăm thì anh ta xin ra chỗ sáng. Sau đó ông đồ mới nhận lời chữa bệnh. Chẳng biết ông đồ chữa thế nào mà sau bảy ngày anh ta đã hết bệnh và trở lại bình thương.
Tuy nhiên, khi đã tỉnh táo như thường thì anh ta lại nổi giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi ông đồ.
Người ta bắt giữ anh ta lại hỏi: Tại sao anh lại giận dữ như vậy?
Anh ta trả lời: Lúc trước tôi mắc bệnh quên thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không tôi cũng chẳng cần biết. Nay tôi lành bệnh, tôi nhớ lại tất cả những chuyện của mấy mươi năm về trước như chuyện buồn, vui, yêu, ghét, thành công, thất bại, lòng tôi trở nên bối rối, ngổn ngang trăm mối. E rằng sau này các việc ấy cứ bám cứng lấy tâm trí tôi thì dù cho muốn quên chúng đi trong một giây, một phút liệu tôi có được như ý muốn hay không?
Anh chị em thân mến!
Nhìn một người điên, người mất trí, có kẻ chép miệng khen người ấy hạnh phúc, vì chẳng có gì phải lo âu phiền muộn. Thế nhưng nếu hỏi lại những người vừa buông lời khen này xem họ có muốn trở thành người hạnh phúc kiểu như vậy không? Chắc chắn họ sẽ trốn chạy trước câu trả lời, vì đã làm người thì chẳng ai muốn mình được gọi là kẻ ngây ngô, không nhớ, không biết chuyện gì. Không muốn bị gọi là kẻ ngây ngô thì con người lại phải đối đầu với lo âu, phiền muộn, nóng giận, đau khổ, chúng là gánh nặng của thuyết nhân sinh.
Mở mắt chào đời lúc ngửa tay đón nhận sự sống thì cũng là lúc con người phải mang lấy gánh nặng nề. Bởi thế, không ít kẻ dám đánh đổi tất cả để tìm kiếm một chút thú vui để được quên trong chốc lát, có kẻ tìm quên trong sợi khói phù du, có người tìm quên trong men say trác táng, rồi cũng tìm được thú vui trong chốc lát. Nhưng rồi sau những phút giây ngán ngủi ấy, thực tế lại trở nên nặng nề hơn, gánh nặng cuộc đời càng xúi giục sâu hơn.
Lại cũng có những triết thuyết như vô cảm, vô vị, vô sắc chỉ giúp con người giải thoát lo âu vướng bận của cuộc sống, thực hiện những hướng dẫn đó thật là một thái độ lý tưởng cho những ai muốn kiếm tìm sự bình an. Thực tế trong cuộc sống thử hỏi mấy ai hiểu được điều này, vì cuộc sống con người gắn liền với cái cảm tính lo âu, nóng giận, buồn phiền. . . có tránh cũng chẳng thoát, khó nhọc và gánh nặng là thân phận của kiếp sống con người.
Về phần Chúa Giêsu, cảm thông với phận kiếp làm người nên khi đến cứu chuộc trần gian Ngài đã nhận một cuộc đời lam lũ ở làng quê Nazareth. Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi những ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nếu luật lệ Do Thái đã bị các luật sĩ và biệt phái biến thành chiếc ách kìm kẹp dân Chúa. Hãy đến với Ngài, nếu đau khổ của kiếp nhân sinh như chiếc gánh đè nặng trên vai con người. Ðến với Ngài không phải để được cất khỏi những điều ấy. Vì Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật và làm cho ách trở nên êm ái và gánh trở nên nhẹ nhàng.
Lề luật phải được giữ trong tinh thần và sự thật. Lề luật giải phóng con người và đau khổ là con đường dẫn đến vinh quang. Gánh trở nên nhẹ nhàng vì từ nay con người không phải một mình mang lấy đau khổ nhưng đã có người chia sẻ cảm thông. Dân tộc Do Thái đã hằng mong mỏi chở Ðấng Cứu Thế đến, vì khi Ngài đến Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ trên khuôn mặt và kẻ nhọc mệt sẽ được Ngài nâng đỡ bổ sức.
Sống trong tâm tình mùa vọng, mùa trông đợi, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta cũng sẽ tìm đến với Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế để được Ngài an ủi, nâng đỡ, bổ sức và đồng thời học nơi Ngài tâm tình biết chia sẻ cảm thông với người khác. Vì mang kiếp phận con người chẳng ai tránh khỏi khó nhọc và gánh nặng, nhưng khó nhọc sẽ bớt khi được người chia sẻ, gánh nặng sẽ vơi khi có kẻ cảm thông.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)