Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh.

Thứ hai - 26/04/2021 07:38

Thứ Ba tuần 4 Phục Sinh.

"Tôi và Cha Tôi là một".

 

Lời Chúa: Ga 10, 22-30

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do-thái vây quanh Người và nói: "Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết".

Chúa Giêsu đáp: "Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi.

Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Không ai cướp được chúng

Suy niệm:

Có những Kitô hữu theo đạo để mong tránh sóng gió của cuộc đời.

Nhưng đã có lần con thuyền chở Đức Giêsu và môn đệ gặp bão lớn,

nước tràn vào khiến thuyền gần chìm, làm môn đệ hốt hoảng.

Theo Chúa đâu phải để tránh bão, nhưng để vượt qua cơn bão.

Theo Chúa đâu phải để khỏi bị cám dỗ, nhưng để thắng cơn cám dỗ.

Cuộc sống của người Kitô hữu không tránh khỏi những khó khăn

mà những người không Kitô hữu phải đối mặt mỗi ngày.

Hơn nữa, người Kitô hữu còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Có những cơn bão ập đến bất ngờ chỉ vì họ là Kitô hữu.

Làm chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu

không có nghĩa là được hưởng một sự êm ả dễ chịu.

Được ở trong ràn chiên của Chúa,

không có nghĩa là được yên ổn, chẳng bị ai quấy phá.

Đức Giêsu đã nói đến chuyện kẻ trộm, kẻ cướp, leo tường mà vào (c.10).

Chúng đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy đàn chiên (c. 10).

Khi được dẫn đi ăn nơi đồng cỏ, chiên còn phải đối đầu với sói dữ.

“Sói cướp lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (c. 12).

Đức Giêsu khẳng định mình không phải là người làm thuê,

nên khi sói đến, Ngài không bỏ chiên mà chạy.

Chiên là điều quý giá đối với Ngài đến độ Ngài dám nói nhiều lần:

“Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (cc. 11.15.17.18.).

Và thực sự Ngài đã làm điều đó trên thập giá.

Rõ ràng bảo vệ đoàn chiên là chuyện mấy chẳng dễ dàng.

Nếu Đức Giêsu, người mục tử nhân hậu mà bất khuất,

đã phải hy sinh mạng sống cho đoàn chiên,

thì hẳn cuộc chiến giằng co phải rất là ác liệt.

Kẻ thù của chiên chẳng phải là kẻ kém cỏi tầm thường.

Trong cuộc chiến để bảo vệ chiên, còn có sự hiện diện của Cha.

Chiên là của Cha và Cha đã giao chiên cho Đức Giêsu (c. 29).

Cha và Con cùng hợp tác để bảo vệ đoàn chiên,

không để ai cướp chiên ra khỏi vòng tay che chở của mình (cc. 28-29).

Cha và Con một lòng một ý trong nhiệm vụ này (c. 30).

Việc bảo vệ chiên còn kéo dài mãi đến tận thế.

Chúng ta làm gì để cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mình khỏi sói dữ?

Hãy tin vào Giêsu và nhận ra giọng nói của Giêsu để khỏi bị lừa.

Hãy theo sát sự dẫn đường của Giêsu, vị Mục tử đã chiến thắng cái chết.

Và hãy tin vào Chúa Cha, Đấng mạnh mẽ hơn tất cả (c. 29).

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến ru bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: SỰ SỐNG CỦA THIÊN CHÚA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sự sống của Thiên Chúa thật kỳ diệu. Đó là sự sống hiệp thông. Một sự hiệp thông mầu nhiệm. Nên một. “Tôi và Chúa Cha là một”. Không còn gì xác tín hơn. Không còn gì sâu xa hơn. Chỉ Thiên Chúa mới có sự sống ấy.

Sự sống hiệp thông ấy biểu lộ trong suốt đời dương thế của Chúa Giê-su. Người không nói gì, làm gì mà không bởi Chúa Cha. Đó là dấu chỉ chắc chắn nhất chứng minh Người là Đấng Ki-tô. “Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi”.

Sự sống hiệp thông lan toả đến đoàn chiên của Chúa. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha”. Đó là sự sống phong phú, viên mãn. Không bao giờ mất. Không ai cướp đi được.

Sự sống hiệp thông tràn lan khắp nơi. Càn tản mát lại càng lan toả. “Hồi ấy, những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a”.

Sự sống hiệp thông tràn lan sang cả dân ngoại. Không chỉ trong người Do thái. Nhưng còn lan toả đến mọi dân tộc. “Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ”.

Và thật lạ lùng. Sự sống ấy giữ được nét nguyên tuyền. Như Chúa Cha và Chúa Giê-su là một. Giờ đây đoàn chiên hiệp thông với chủ chiên. Tín hữu hiệp thông với Chúa Ki-tô. Đến nỗi người ta gọi họ là “Ki-tô hữu”. Người mang Chúa Ki-tô. “Chính tại An-ti-ô-khi-a mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Ki-tô hữu”.

Xin cho con được kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Sống sự sống của Chúa trong mình. Để con xứng đáng mang danh hiệu Ki-tô hữu rất cao quý này.

 

SUY NIỆM 3: Sự thật cứu rỗi

Không phải chỉ trong thời đại văn minh này người ta mới lịch sự đón tiếp đại sứ của một chính phủ hay nguyên thủ của một quốc gia đúng theo địa vị đại diện của họ. Nhưng ngay từ thời xưa, hậu đãi hay ngược đãi sứ giả của một vua là đã phụ đãi hay ngược đãi chính nhà vua và chính quốc gia mà người ấy đại diện. Không phải vì tiếng tăm, học vấn hay tài trí của sứ giả làm cho họ được kính trọng mà chính vì thay mặt nhà vua và một quốc gia mà họ có quyền được hậu đãi như thế. Ðây cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái thời xưa như được kể lại trong đoạn Tin Mừng vừa trích dẫn trên đây.

Câu hỏi mà họ đặt ra trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy tại đền thờ làm ta nhớ đến câu hỏi của thượng tế Caipha trong phiên họp thượng hội đồng: "Nếu ông là Ðấng Kitô thì xin hãy nói thẳng ra đi. Ông có phải là Ðấng Mêsia không?". Trong câu chất vấn này, Chúa Giêsu đã không phủ nhận. Chỉ có điều Chúa Giêsu trả lời một cách hơi gián tiếp như sau: "Tôi đã trả lời câu hỏi này mà các ông không tin". Nhưng dù vậy, Chúa Giêsu không bỏ rơi họ để giúp họ tìm thấy sự thật, tìm ra câu trả lời. Chúa Giêsu đã khéo léo làm cho họ chú ý đến quan hệ mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa Cha, mật thiết đến độ Ngài gọi Thiên Chúa là Cha Ngài và làm chứng cho mối quan hệ mật thiết đó bằng việc làm nhân danh Cha Ngài, và việc cao trọng nhất là ban cho kẻ tin Ngài được sự sống đời đời: "Ta sẽ cho họ sống đời đời. Họ sẽ không chết bao giờ và không ai có thể cướp họ khỏi tay Ta".

Nếu đã nhìn nhận mối quan hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, thì hẳn những người Do Thái sẽ biết trả lời cho câu hỏi "Ông là ai?" như thế nào rồi. "Ta và Cha Ta, chúng ta là một". Ðây là mạc khải quan trọng nhất nhắc ta nhớ lại những suy tư mở đầu Phúc Âm thánh Gioan: "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngôi Lời sống với Thiên Chúa ngay từ đầu. Vạn vật do bởi Ngài mà có và nếu không có Ngài thì sẽ không có gì cả". Tác giả Phúc Âm thánh Gioan đã có những suy tư cao siêu như vậy khi nhìn về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong viễn tượng Chúa Phục Sinh.

Ước chi mỗi người đồ đệ của Chúa trong ngày hôm nay cũng tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ðấng cứu rỗi nhân loại.

Lạy Chúa, với sự kiện Chúa sống lại, không ai trong chúng con nên hồ nghi về mối quan hệ giữa Chúa và Chúa Cha. Xin thương ban ơn giúp mỗi người chúng con sống xứng đáng với niềm tin vào Chúa và đừng bao giờ để con lìa xa Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Thắc mắc đến bao giờ

Chọn theo đức tin mà Đức Giêsu đòi hỏi không phải là để yên tâm nghỉ ngơi. Đức tin không cất đi những thắc mắc căng thẳng. Chúng ta luôn luôn ở trong tình trạng lơ lửng: “Hãy nói cho chúng tôi biết ông có phải là Đức Kitô không?”. “Nếu ông là Đấng sống lại thì xin nói cho chúng tôi biết”. “Nếu ông là bánh ban sự sống thì xin nói cho chúng tôi hay”.

Trái lại, gắn bó với Đức Giêsu bằng đức tin chỉ có sự chắc chắn theo kiểu tin cậy của người yêu đối với người được yêu, khi đó dù có chuyện gì xảy ra, thì chẳng có gì quan trọng. Tôi sẵn sàng gắn bó quyến luyến anh, thì tôi luôn trung tín với anh. Cũng thế, chính niềm tin cậy vào Đức Giêsu, được đặt nền trên tình liên kết với Người, mà chúng ta chấp nhận lời Người như một bảo đảm bất biến.

Hôm nay, trong cuộc đàm thoại với chúng ta Người đã bảo đảm sự trung tín và sự cam kết của Người với chúng ta. Người biết rõ chúng ta, Người ban sự sống đời đời và giữ gìn chúng ta trong tay Người. Lòng trung tín của Chúa đã in đậm trong Cựu ước, giờ đây được xác nhận lại rõ ràng nồng nàn đậm đà hơn nữa bởi chính Con Chúa. Chúa không bao giờ bỏ giao ước của Ngài.

Nhưng có lần nào chúng ta nhắc lại lòng trung thành của chúng ta với Đức Kitô không? Nếu chúng ta không trung thành với những người chung quanh thì kể như chưa trung tín với Ngài. Nếu chúng ta thông phần vào đời sống Đức Kitô thì chúng ta phải hội nhập với mọi người.

Nếu chúng ta không biết sát cánh hoạt động với mọi người, không biết liên đới với họ trong tình huynh đệ, chúng ta không trung tín. Như thế chưa có thể nhận biết ai là Đức Giêsu Kitô. Chắc chắn rằng Đức Kitô chăm lo săn sóc cho mọi người đến tột đỉnh, thì những Kitô hữu cũng phải thực hiện theo hình ảnh trung tín của Người như vậy.

 

SUY NIỆM 5: Thái độ đáp trả của chiên

“Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Đó là khẳng định của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay.

Nghe tiếng chủ chiên là nghe hiểu và đáp trả. Thái độ đó sẽ được đền bù xứng đáng: người chăn chiên sẽ dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi, sẵn sàng liều mạng để bảo vệ chúng. Nghe để rồi tách khỏi bầy, tìm cho mình một lối đi riêng thì đâu còn phải là nghe theo tiếng của người chăn. Người chăn sẵn sàng băng rừng vượt suối để tìm con chiên lạc, chứ chẳng bao giờ muốn chiên lạc xa bầy. Đồng cỏ mà người chăn dự tính trong đầu được dành cho cả bầy, tách rời khỏi bầy chắc chắn chiên không thể đến được đồng cỏ này. Tưởng rằng chỉ một mình thức tỉnh nghe và theo tiếng gọi, trong lúc cả bầy chiên chưa nghe biết, rất có thể đó là tiếng gọi giả hiệu của sói dữ muốn chiên rời xa sự chăm sóc của chủ để dễ dàng tấn công.

Giáo Hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn chiên của Chúa Giêsu không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt 20 thế kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội, nhưng Giáo Hội vẫn tồn tại nhờ sự bảo về đầy quyền năng của chủ chăn. Trong đàn chiên Giáo Hội này, mỗi con chiên đều được người chăn biết rõ, và gọi tên và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao vẫn không thể ra ngoài lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn đến sự sống.

Ước gì chúng ta biết lắng nghe và đáp lại tiếng gọi của Chúa, đồng thời trung thành với đàn chiên Giáo Hội, bởi vì một khi lạc xa đàn, chúng ta sẽ không thể tìm được đồng cỏ và suối nước trong, nơi mà người chăn chiên muốn cho cả đàn chiên vui hưởng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: XIN ĐƯỢC Ở TRONG ĐÀN CHIÊN CỦA CHÚA (Ga 10,22-30)

Cùng một lời nói được phát ra, có người nghe thấy, có người chẳng nghe; có người nghe đúng, có người nghe sai; có người nghe đủ, có người nghe thiếu...

Thực trạng đó rất đúng với bài Tin Mừng hôm nay. Thật vậy, những người Dothái hỏi Đức Giêsu: "Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết".

Những người Dothái không biết Đức Giêsu là bởi vì họ đã không nhận ra Ngài. Họ bị thói kiêu ngạo che lấp tâm trí, nên đứng trước biết bao nhiêu phép lạ, lời giảng dạy và nhiều mạc khải khác, họ vẫn bị mờ tối lương tâm nên không “biết” Đức Giêsu. Vì thế, khi được hỏi, Đức Giêsu đã khẳng khái trả lời cho họ biết nguyên nhân tại sao, đó là: “Vì họ không thuộc về đàn chiên của Ngài”. Bởi vì: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” Khi đã “biết” và nghe theo tiếng Chủ chiên là chính Đức Giêsu, thì sẽ được sự sống đời đời, không bao giờ diệt vong. Nhất là được đảm bảo khỏi sói dữ, quỷ thần ám hại, vì được ở trong vòng tay của Vị Mục Tử Nhân Lành.

Nếu Đức Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, thì Giáo Hội là đàn chiên của Chúa. Nơi đàn chiên này, luôn được Vị Mục Tử Nhân Lành chăm sóc, giữ gìn. Thế nên, dù sự dữ có mạnh đến đâu, quyền lực của ma quỷ có lớn lao cỡ nào, thì Giáo Hội Chúa vẫn tồn tại nhờ vào sức mạnh, uy quyền của Chủ Chăn.

Mong sao, mỗi người chúng ta luôn tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, đồng thời hãy biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, để xứng đáng trở thành con chiên ngoan hiền trong đàn chiên của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết dõi theo Chúa dưới cây gậy mục tử là chính Lời Chúa, để chúng con được sống trong đàn chiên của Chúa đến trọn đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7: Chiên Tôi nghe tiếng và theo Tôi

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Người đến để ban sự sống đời đời cho đoàn chiên và giữ gìn bảo vệ đoàn chiên an toàn. Hãy tín nhiệm đi theo Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con được hạnh phúc biết bao vì biết rằng con đang được bàn tay yêu thương của Chúa ôm ấp và bảo vệ. Chúa như người mục tử yêu thương con, hy sinh liều mạng sống vì con để bảo vệ con khỏi những hiểm nguy tấn công con tứ phía. Trước mặt Chúa, mạng sống thân xác con thật quý giá, sự sống linh hồn con thật cao cả. Chúa muốn con được sống, được an toàn, được sống sung mãn và hạnh phúc.

Lạy Chúa, Sa-tan muốn cướp giựt con khỏi bàn tay Chúa. Sa-tan muốn biến thế gian này làm tay sai cho nó, thành sào huyệt đầy những hiểm nguy và ác độc. Có những cám dỗ ngọt ngào, có những thử thách khổ đau, tất cả đều muốn lôi kéo con xa rời đường lối Chúa và phản bội tình thương Chúa. Nhưng Chúa không đành lòng nhìn con rơi vào tay quỷ dữ. Chúa đã cầu nguyện xin Chúa Cha gìn giữ con đang phải chiến đấu giữa thế gian. Chúa còn liều mạng sống trên thánh giá để con khỏi phải diệt vong. Con cảm tạ tình Chúa thương con.

Thế mà lạy Chúa, rất nhiều lúc con lại muốn chạy trốn để vuột thoát khỏi bàn tay Chúa. Con không còn muốn bước theo Chúa. Con đã đi tìm sự tự do buông thả như người con hoang đàng để rồi chuốc lấy đau khổ và bất hạnh. Xin Chúa cho con tín nhiệm vào Chúa. Con muốn từ nay trung thành sống theo lời Chúa dạy. Trước mỗi cám dỗ hoặc mỗi thử thách, xin Chúa cho con được sáng suốt để nhận định, được can đảm để trung thành, và được tin tưởng để cầu nguyện. Amen.

Ghi nhớ: “Tôi và Cha Tôi là một”.

 

SUY NIỆM 8: Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Hành hương Rôma, pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào cuối thế kỷ II rằng: “Ta là môn đệ của một mục tử thánh thiện đã dẫn đàn chiên ra đồng cỏ xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.

Chúa Kitô chính là người mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa (Theo Lm. Hồng Phúc).

Suy niệm

Tình thương của Thiên Chúa qua hình ảnh mục tử trải qua bao năm tháng luôn tràn đầy như Thánh Vịnh đã nhấn mạnh: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời” (Tv 22,6). Hôm qua, hôm nay và qua mọi thời, Thiên Chúa vẫn chăm sóc chúng ta, Ngài vẫn luôn cất tiếng gọi chiên, dẫn đưa trên đường chân lý như Thánh Vịnh ca ngợi: “Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính” (Tv 22,3).

Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự tương quan giữa Thiên Chúa chính là Ngài - Mục tử và đoàn chiên là những người tin vào Ngài: Đức Kitô Mục tử như vừa là người cha vừa là người mẹ hiền chăm sóc cho từng chiên và bảo vệ chúng. Thật thế, Ngài luôn bảo vệ chúng ta trước những cạm bẫy, nguy hiểm của thế gian. Ngài mạnh mẽ như người mục tử đầy sức mạnh, kiên cường của một người du mục, luôn sẵn sàng chiến đấu, có khả năng bảo vệ đoàn vật mình khỏi thú dữ đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (x. 1Sm 17,34-35). Vì thế Ngài khẳng định: “Ta ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Chúa khẳng định: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta”. Trong mọi giây phút của cuộc đời, tôi và bạn cùng “gạn đục khơi trong” tiếng mục tử giữa cuộc đời. Tiếng đó thì thầm trong lương tâm ngay thẳng được chiếu sáng bằng đức tin và Lời Chúa: “Lời Chúa soi rọi bước chân con” (x. Tv 118,105). Tiếng Ngài nói qua những biến cố thăng trầm của cuộc sống: Luôn thẳng đứng trong hy vọng và tin tưởng. Lời của Chúa dạy phải biết vâng phục sự thật (x. 1Pr 1,22) và bước đi trong sự thật (x.3Ga 4), mọi tiếng nói, mọi sự việc, mọi biến cố đều đặt trong gương sự thật và như Chúa khẳng định: “Chính chân lý sẽ giải phóng các con” (Ga 8,32).

Nghe Lời mục tử, không để Lời Ngài bị lấn át bởi những âm thanh xào xạc của thế gian. Trái lại, chính nhờ Lời của mục tử “chỉnh lại” âm thanh vừa phải của những lời xào xạc của cảm xúc, thanh lọc âm điệu ồn ào của thế gian. Đặc biệt, Lời mục tử chỉnh sửa và phối hợp chúng làm những âm thanh trầm bổng của cuộc sống tạo thành bản tình ca “Chúa Chiên nhân lành Người thương chăn dắt tôi…”. Chính lúc đó, tôi và bạn học “biết” mục tử, tham dự vào cái “biết” của Ngài. Với cái “biết” linh thiêng này, tôi và bạn gắn bó trọn vẹn với Đức Kitô, dù thuộc bất cứ thành phần nào, cương vị nào: Người tín hữu gắn bó với Ngài hơn qua đời sống hằng ngày, người đang sống với ơn gọi linh mục, tu sĩ cảm nhận được hạnh phúc của đời thánh hiến và dấn thân quên mình như người mục tử nhân lành, sinh viên, học sinh nghe được tiếng Chúa gọi, nhắn nhủ đầu tư cho tương lai cần chăm chỉ học hành, rèn luyện nhân cách cho mình và cho xã hội là đồng cỏ xanh mới đang được kiến tạo. Đặc biệt, người đang được tiếng Chúa gọi trở nên mục tử tương lai, sẽ cảm nhận ơn gọi đã được gieo trong tâm bạn và bạn đang “biết” Chúa hơn, theo Ngài trọn vẹn để làm nảy nở và sinh trái. Đó cũng là ý nghĩa đặc biệt của Chúa Nhật hôm nay - Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.

Như Chúa nói: “Chúng theo Ta”, “theo” là thái độ tự do đáp trả dấn thân với Chúa. Như các môn đệ gặp gỡ Đức Kitô, nghe Ngài và khi Ngài gọi “Hãy theo tôi” (Ga l,42). Các ông lập tức đáp trả lại: Bỏ mọi sự theo Thầy (x. Mt 4,20; Mc 1,18.20…). Theo Đức Giêsu là gắn bó trọn với Ngài. Được Ngài bảo vệ, hơn nữa kết hợp mật thiết tình thầy trò, và qua Thầy gắn bó với Cha vì gắn bó với Thầy là gắn bó với Cha như Chúa Giêsu nói “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30).

Ý lực sống: ”… Chúng theo tôi … không ai cướp được chúng trong tay tôi” (Ga 10, 27-28).

 

SUY NIỆM 9: Đức Giêsu, Con Thiên Chúa

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Nhân kỷ niệm cuộc tẩy uế Đền thờ Giêrusalem và khánh thành bàn thờ mới thời Giuđa Maccabê, Đức Giêsu cũng có mặt. Trong khi Đức Giêsu đi bách bộ tại hành lang Salômôn, người Do thái vây quanh và chất vấn Ngài về nguồn gốc của Ngài. Nhân đây, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: “Tôi với Chúa Cha là một”, nghĩa là Ngài đồng bản tính với Chúa Cha.

2. Năm 165 TCN, một trong những nhà ái quốc nổi tiếng của Do thái là Giuđa Maccabê đã lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Do thái chống lại ách thống trị của vua Syria là Antiôkô Epiphane. Chiến công vẻ vang nhất trong cuộc nổi dậy là tái lập và thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem vốn đã bị tục hóa bởi bàn tay thô bạo của ngoại xâm. Từ đó, hàng năm vào khoảng Mùa Đông, người Do thái tưởng niệm biến cố này trong vòng 8 ngày liền, tuần lễ này được gọi là Cung hiến Đền thờ.

3. Đức Giêsu đã có mặt tại Giêrusalem nhân tuần lễ tưởng niệm này. Lễ Cung hiến Đền thờ vốn khơi dậy lòng ái quốc của dân chúng. Chính vì thế nhiều người đã vây quanh Đức Giêsu và yêu cầu ngài tuyên bố dứt khoát Ngài có phải là Đấng Kitô nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến như vị cứu tinh của dân tộc không?

Đối với họ, Đức Giêsu có thể là vị anh hùng dân tộc hay một nhà cách mạng nào đó. Chính vì thế, Đức Giêsu đã không trả lời dứt khoát cho câu hỏi của họ. Mối tương quan giữa Chúa Cha và Ngài mà Đức Giêsu vén mở trong câu trả lời mời gọi người Do thái đi vào mầu nhiệm của Ngài.

4. Chúng ta thấy Đức Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi họ đặt ra, nhưng một lần nữa, Chúa cho họ biết Đấng Kitô không phải như quan niệm trần tục của họ, Đấng Kitô không đến để làm thỏa mãn những tham vọng chính trị của họ là giải phóng dân tộc của họ và đem lại thịnh vượng vật chất cho họ. Cho nên, Chúa vượt lên trên quan niệm thiên sai trần thế, và tuyên bố cho họ biết Ngài đồng bản tính với Chúa Cha: ”Tôi và Cha tôi là một”.

5. Như vậy, Đức Giêsu đã khẳng định rõ Ngài là ai. Ngài không những là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, mà còn là chính Thiên Chúa nữa. Trong vấn đề này, chỉ trong đức tin, con người mới có thể biết Đức Giêsu, nhận diện được khuôn mặt đích thực của Ngài và loan truyền một cách đúng đắn về Ngài. Nhiều khi qua cuộc sống và cung cách tuyên xưng niềm tin của mình, người Kitô hữu chỉ trình bầy một khuôn mặt, nếu không méo mó về Đức Giêsu, thì cũng giới hạn Ngài trong những quan niệm hoàn toàn trần tục. Biết Đức Giêsu và đi vào mầu nhiệm thẳm sâu của Ngài thiết yếu  là đi vào cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Liền sau khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Đức Kitô, Đức Giêsu đã loan báo cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ngài.

6. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”.

Giáo hội là đàn chiên của Chúa. Lời hứa chăm sóc bảo vệ đàn chiên của Đức Giêsu không chỉ dành riêng cho thời các Tông đồ hoặc các cộng đoàn tiên khởi, nhưng đã trải dài suốt 21 thể kỷ nay. Biết bao thế lực chống đối chủ trương triệt hạ Giáo hội của Đức Kitô, thế nhưng Giáo hội của Chúa vẫn tồn tại nhờ sự bảo vệ đầy quyền năng của chủ chăn.

Trong đàn chiên Giáo hội này, mỗi con chiên đều được người chăn chiên biết rõ, gọi tên, và chiên có bổn phận phải nghe và đáp trả. Sự đáp trả có thể mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng dù sao không thể ra ngoài lối đi của tất cả đàn chiên, vì đó là lối dẫn đến sự sống.

7. Cuộc sống của người Kitô hữu là lời tuyên xưng và rao giảng về một dung mạo của Đức Giêsu khi nào họ kết hiệp với Ngài  trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Người Kitô hữu phải cố gắng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô để có thể nói như thánh Phaolô: ”Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúng ta nghe lời văn sĩ John Bayer đã khen vợ mình vào giây phút cuối đời ông: ”Mình thân yêu, trong gương mặt của mình, tôi đã nhìn thấy dung mạo của Thiên Chúa. Xin cảm ơn mình vô cùng”.

8. Truyện: Bức tượng Chúa chiên lành

Hành hương Rôma, pho tượng gây xúc cảm nhất cho khách hành hương là pho tượng Chúa chiên lành vác con chiên thất lạc trên vai đem trở về. Dưới pho tượng, có ghi câu của Abercies vào thế kỷ thứ II rằng: ”Ta là môn đệ của một mục tử thánh thiện đã dẫn dàn chiên ra đồng có xanh tươi bên sườn núi và dưới đồng bằng, vị mục tử có đôi mắt lớn nhìn đến khắp mọi nơi”.

Chúa Kitô chính là người mục tử nhìn xa thấy rộng ấy. Nhờ sự chết và phục sinh, Chúa đã đạp đổ mọi ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới. Đàn chiên ấy, ngày nay chúng ta chỉ được nhìn thấy một phần nhỏ và hạn hẹp, sau này trên chốn vinh quang mới được chứng kiến tầm vóc vĩ đại của đại gia đình Thiên Chúa.

 

SUY NIỆM

1. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”

Người Do thái muốn biết Đức Giê-su có phải là Đấng Ki-tô hay không:

Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết. (c. 24)

Để trả lời, Đức Giê-su dùng hình ảnh mục tử và đàn chiên. Nhưng, nếu trước đó (x. Ga 10, 11-18), Ngài nhấn mạnh đến hành động hi sinh mạng sống của vị Mục Tử nhân lành, thì trong bài Tin Mừng này, ngài nhấn mạnh đến hành động thông truyền sự sống:

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi;
tôi biết chúng và chúng theo tôi.
Tôi ban cho chúng sự sống đời đời. 
(c. 27-28)

Lời nói của Đức Giê-su thật ngắn gọn, nhưng lại mặc khải mọi sự: căn tính, ơn gọi và cùng đích của loài người, nghĩa là nguồn gốc, đường đi và điểm tới:

  • Căn tính của con người là “con chiên”, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và Thiên Chúa thì hiền lành, vì Người là tình yêu. Con chiên diễn tả căn tính hiền lành.
  • Ơn gọi của con chiên là nghe và đi theo Mục Tử. Ơn gọi thuộc về căn tính, vì con chiên tự bản chất nghe và đi theo Mục Tử. Vì thế, lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện, để đi theo Người, chính là sống theo căn tính và ơn gọi của chúng ta: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Chúng ta nghe và đi theo Đức Ki-tô, vì Người “biết chúng ta”. Người biết chúng ta vì Người là hình ảnh của Thiên Chúa và là “Chiên Thiên Chúa”, chúng ta được dựng nên bởi Người và cho Người (x. Ga 1, 3 và Col 1, 15-16).
  • Cùng đích của loài người là sự sống đời đời: sự sống đời đời mà Vị Mục Tử Nhân Lành trao ban, chứ không phải tự mình đạt con chiên được hay được trả công như lương bổng.

Chúng ta cũng được gọi dừng lại và cảm nếm hình ảnh “con chiên”, là chính chúng ta. Đức Ki-tô là Mục Tử nhân lành, còn chúng ta là “chiên” của Ngài; “con chiên”, tự bản chất cũng hiền lành, như vị Mục Tử hiền lành. Vì thế, tự bản chất:

Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi;
tôi biết chúng và chúng theo tôi. 
(c. 27)

Vì thế, chính khi chúng ta đánh mất “bản chất hiền lành”, nhất là khi chúng ta tự biến mình thành “dê” hay “sói dữ”, thì khi đó chúng ta sẽ không còn nghe được tiếng Đức Giê-su nữa, không tin và theo Ngài nữa. Và đó chính là trường hợp của những người Do Thái, đang chất vấn Đức Giê-su: “Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.” (c. 26)

Cách thức Người Mục Tử trao ban sự sống là “hy sinh mạng sống vì đoàn chiên”. Chính khi Người Mục Tử nhân lành hi sinh mạng sống vì đàn chiên, là lúc Ngài thông truyền sự sống đời đời. Vì thế, sự sống đời đời được trao ban ngay hôm nay, khi chúng ta “nghe và đi theo Người”. Và sự sống này mãi mãi bền vững và đứng vững trước mọi nguy hiểm. Bởi vì, đoàn chiên được ban cho Đức Giêsu bởi Chúa Cha và Người và Chúa Cha là một.

Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một. (c. 29-30)

Điều này vừa làm chúng ta được an ủi và vừa củng cố sự tín thác của chúng ta trong mọi hoàn cảnh, thử thách, đau khổ và cả sự chết.

 2. “Các ông không thuộc đoàn chiên của tôi”

Đức Giêsu đã nói những gì chân thật nhất và sâu xa nhất về Ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Chúa Cha và với loài người. Nhưng khi nghe những lời này của Đức Giê-su, người Do Thái đã không tin. Ngài cũng đã làm nhiều điều, nhất là các dấu chỉ nhân danh Chúa Cha; và trong bối cảnh mà Tin Mừng Gioan thuật lại cho chúng ta, dấu chỉ mới nhất và rất lớn là cho người mù bẩm sinh trở nên sáng mắt và nhất là sáng lòng (Ga 9, 1-41); chứng kiến các dấu chỉ, người Do Thái vẫn không tin!

Đức Giêsu nêu ra nguyên do tại sao người Do Thái không có khả năng tin vào Ngài: “vì các ông không thuộc đoàn chiên của tôi” (c. 26). Lí do Đức Giê-su đưa ra thật lạ lùng: phải thuộc về đoàn chiên của Ngài, nghĩa là Ngài biết chúng ta và chúng ta đi theo Ngài, thì khi nghe những gì Ngài nói và chứng kiến những gì Ngài làm, chúng ta mới nhận ta Ngài và tin nơi Ngài. Thuộc về đoàn chiên của Đức Kitô, là đã tin rồi. Như thế, điều kiện của đức tin là phải tin.

Lạ lùng, nhưng đó lại là kinh nghiệm về hành trình đức tin của chính chúng ta và kinh nghiệm về hành trình đức tin của những người mà chúng ta có sứ mạng đồng hành.

  • Tất cả những ai đi tìm ánh sáng và sống theo ánh sáng (thay vì bóng tối), thì sẽ nhận ra Đức Kitô là ánh sáng.
  • Tất cả những ai đi tìm Sự Thật và sống theo sự thật (thay vì Gian Dối), sẽ nhận ra Đức Kitô là Sự Thật.
  • Tất cả những ai ước ao Sự Sống và sống theo năng động sự sống (thay vì sự chết), sẽ nhận ra Đức Kitô là Sự Sống.

Cũng vậy, đối với những ai khát khao và sống theo Sự Thiện, Vẻ Đẹp đích thật và những điều thuộc về nhân tính, những điều cao quí. Nói cách khác, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên tất cả những ai sống theo hình ảnh Thiên Chúa vốn có một cách sâu xa ở nơi mình, thì đã thuộc về đoàn chiên của Đức Kitô rồi, hai bên như đã biết nhau rồi.

*  *  *

Người ta cứ đòi Đức Giê-su nói về căn tính Ki-tô của mình : « Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết » (c. 24), nhưng khi Ngài mặc khải : « Tôi và Chúa Cha là một », thì người ta không chỉ không tin, nhưng còn lên án Ngài phạm thượng : « Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa » (c. 33). Đó chính là “tội danh” trong cuộc xử án của Thượng Hội Đồng, dẫn Ngài đến án tử.

Chúng ta có thể tự hỏi tại sao người ta lại muốn giết Chúa bằng cách ném đá, và sau này trong cuộc thương khó, bằng hình phạt khủng khiếp nhất, là đóng đinh vào Thập Giá. Đó là năng động của hành vi không tin: Tôi không tin người này là Con Thiên Chúa, vậy thì giết nó đi, xem coi nó có thể tự cứu mình, hay Thiên Chúa có cứu nó không. Như thế, không tin, sẽ tất yếu dẫn đến những hành vi dò xét, tố cáo và hành động bạo lực, nhằm chứng minh điều mình không tin là đúng; không tin sự sống, người ta sẽ tất yếu làm việc cho sự chết. (x. Tv 22, 9 và Kn 2, 17-20)

*  *  *

Đức tin của chúng ta được chứng thực, không phải bằng những lí lẽ hay bằng chứng, nhưng bằng những hoa trái sự sống: hiệp nhất, yêu thương, tha thứ, nhìn nhận nhau là con một Cha, là anh chị em của nhau. Xin cho những hoa trái sự sống của đức tin, củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô, là Mục Tử nhân lành, là Con Thiên Chúa Hằng Sống.

 3. “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”

Điều phải làm cho chúng ta kinh ngạc, đó là, đáng lẽ ra người mục tử phải dùng sức mạnh và khí giới để đánh đuổi sói dữ đến « vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn » ; theo kinh nghiệm sống của chúng ta, người mục tử  phải hành động như thế để tự vệ và để bảo vệ đàn chiên.

Nhưng với Đức Giê-su, Ngài để cho Sói Dữ tấn công mình, thay vì tấn công đàn chiên ; và Ngài để cho Sói tấn công đến cùng, nghĩa là nó giết được Ngài, và Ngài hi sinh mạng sống của mình vì đoàn chiên. Tại sao vậy ? Tại sao Ngài để cho mình bị tấn công mà không tự vệ ? Và câu hỏi này hoàn toàn phù hợp với cuộc Thương Khó : tại sao, Ngài không dùng sức mạnh và khí giới để tự vệ và tiêu diệt những kẻ dữ và gian ác ?

Kinh nghiệm sống sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào : chúng ta có thể dùng một chút bạo lực để huấn luyện loài vật, nhưng đến một giới hạn nào đó, thì chúng ta phải dừng lại, bởi vì bạo lực tự bản chất không phù hợp với nhân tính, nhưng với thú tính. Vì thế, có cái gì đó không ổn, cho dù chấp nhận được, một người bình thường hiền lành, nhưng bỗng trở nên hung dữ và bạo lực với loài vật.

Vậy, chúng ta hãy hình dung ra Đức Giê-su, vị « Mục Tử Nhân Lành » của chúng ta dùng sức mạnh và khí giới để đánh đuổi sói dữ, đánh đuổi và diệt trừ những kẻ dữ và gian ác. Hình ảnh này, cho dù là chống lại Sự Dữ, vẫn không tương hợp với căn tính thần linh của Ngài, đó là nhân lành và nhân lành tuyệt đối. Hành động bạo lực, cho dù là có lí do chính đáng, vẫn không tương thích với căn tính nhân lành tuyệt đối của Ngài. Và đây chính điểm khác tuyệt đối nhất, giữa con người và Thiên Chúa. Loài người chúng ta hằng ngày vẫn phải dùng bạo lực chống lại bạo lực, để gìn giữ an ninh trật tự xã hội, để bảo vệ chủ quyền đất nước và đôi khi để răn dạy con cái trong gia đình. Loài người chúng ta phải làm thế để bảo vệ « công bình và công lí », nếu không sự dữ và bạo lực sẽ lộng lành ; nhưng ai cũng biết là làm như thế, thì không thể loại trừ được bạo lực, loại trừ Sự Dữ tận gốc rễ được, chỉ ngăn chặn lại thôi, như con đê ngăn chặn sóng dữ.

*  *  *

Xin cho chúng ta hiểu sâu xa và cảm nếm sự nhân lành tuyệt đối của Đức Giê-su trong mầu nhiệm Thương Khó ; và nhất là hiểu được cách Ngài chiến thắng Sói Dữ : Sói Dữ làm cho Ngài phải chết ; nhưng Ngài lại mạnh hơn sự chết ; và như thế mạnh hơn Sói Dữ. Ngài chiến thắng Sói Dữ, không phải bằng bạo lực, nhưng bằng sự nhân lành, hay bằng sức mạnh của ánh sáng xua tan bóng tối ; như lời Thánh Vịnh loan báo :

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. 
(Tv 8, 3)

Theo Tv 8, sống ơn gọi làm người là thống trị thú tính; và để thống trị thú tính con người được mời gọi trở nên « em bé ». Đức Giê-su không chỉ xác chuẩn lời mời gọi này, khi mời gọi chúng ta hãy đón nhận Nước Trời với tâm hồn của một trẻ em (Mc 10, 13-16; Mt 18, 3 và 9, 13-15; Lc 18, 15-17), nhưng Ngài còn hoàn tất sứ mạng của em bé, nghĩa là sứ mạng chiến thắng những dã thú, nghĩa là thú tính, sự dữ và bạo lực bằng sự hiền lành và tình yêu của Thiên Chúa, trong cuộc Thương Khó. Vì thế, ơn gọi sống nhân tính đến cùng, không tự biến mình thành thần linh hay thành thú vật, đó là trở nên giống Đức Giêsu.

Đức Ki-tô đã chiến thắng Sự Dữ và Sự Chết một lần cho tất cả trong mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh ; và Ngài chia sẻ chiến thắng và sự sống mới của Ngài cho đoàn chiên của Ngài, là chính chúng ta, ngay hôm nay. Vì thế, Ngài đã Vượt Qua, và Ngài đang lôi kéo và thêm sức cho chúng ta từng ngày, để cũng Vượt Qua như Ngài, trong bình an và tín thác, không sợ hãi.

Xin cho những hoa trái sự sống của đức tin, củng cố đức tin của chúng ta nơi Đức Giê-su, là Đấng Ki-tô, là Mục Tử nhân lành, là Con Thiên Chúa Hằng Sống.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta – SN song ngữ 27.4.2021

Tuesday (April 27) “My sheep hear my voice”

 

Scripture: John 10:22-30

22 It was the feast of the Dedication at Jerusalem; 23 it was winter, and Jesus was walking in the temple, in the portico of Solomon. 24 So the Jews gathered round him and said to him, “How long will you keep us in suspense? If you are the Christ, tell us plainly.” 25 Jesus answered them, “I told you, and you do not believe. The works that I do in my Father’s name, they bear witness to me; 26 but you do not believe, because you do not belong to my sheep. 27 My sheep hear my voice, and I know them, and they follow me; 28 and I give them eternal life, and they shall never perish, and no one shall snatch them out of my hand. 29 My Father, who has given them to me, is greater than all, and no one is able to snatch them out of the Father’s hand. 30 I and the Father are one.”

Thứ Ba     27-4          Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta

 

Ga 10,22-30

22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông.23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn.24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.”25 Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.30 Tôi và Chúa Cha là một.”

Meditation: 

 

How secure is your faith and trust in God? Scripture describes God’s word as a “lamp for our feet and a light for our steps”(Psalm 119:105). The Jewish Feast of the Dedication is also called the Festival of Lights or Hanakkuh. This feast was held in late December, near the time when Christians celebrate the feast of Christmas. This is the time of year when the day is shortest and the night longest. Jesus used this occasion to declare that he is the true light of the world (John 8:12). In his light we can see who God truly is and we can find the true path to heaven.

Our true and lasting security rests in Jesus alone

Jesus speaks of the tremendous trust he has in God his Father and the tremendous trust we ought to have in him because he is our good shepherd (John 10:11). Sheep without a shepherd are defenseless against prey, such as wolves, and often get lost and bewildered without a guide. That is why shepherds literally live with their sheep out in the open field and mountain sides. The shepherd guards his sheep from the dangers of storms, floods, and beasts of prey. The shepherd leads his sheep to the best places for feeding and the best streams for drinking. He finds the best place for their rest and safety at night. The sheep recognize the voice of their shepherd and heed his call when he leads them to safe pasture and rest.

Listen to the Good Shepherd and you will not go astray

We are very much like sheep who stray, we become easy prey to forces which can destroy us – sin, Satan, and a world in opposition to God and his people. The Lord Jesus came not only to free us from Satan’s snares and the grip of sin, he came to personally lead us to the best of places where we can feed on his “word of life” and drink from the “living waters” of his Holy Spirit. The sheep who heed the voice of Jesus, the good shepherd, have no fear. He leads them to the best of places – everlasting peace, joy, and fellowship with God and his people.

In this present life we will encounter trials, difficulties, and persecution. We can face them alone or we can follow Jesus, the true shepherd, who will bring us safely through every difficulty to the place of peace and security with God. Do you listen to the voice of the Good Shepherd and heed his commands?

“Lord Jesus, you are the Good Shepherd who secures what is best for us. I place all my hope and trust in you. Open my ears to hear your voice today and to follow your commands.”

Suy niệm:  

 

Đức tin và đức cậy của bạn vào Thiên Chúa được bảo đảm như thế nào? Kinh thánh mô tả Lời Chúa là “đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”(Tv 119,105). Lễ dâng hiến của người Dothái cũng được gọi là lễ ánh sáng hay Hanakkuh. Lễ này được tổ chức vào cuối tháng 12, gần thời gian chúng ta mừng lễ Giáng sinh. Đây là thời gian trong năm khi ban ngày ngắn nhất và đêm thì dài nhất. Ðức Giêsu lợi dụng cơ hội này để tuyên bố rằng Người là Ánh sáng đích thật của thế giới (Ga 8,12). Trong ánh sáng của Người, chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa thật sự là ai, và chúng ta có thể tìm thấy con đường thật sự tới Thiên đàng.

Sự an toàn đích thật và bền vững của chúng ta chỉ ở  nơi một mình Đức Giêsu

Ðức Giêsu cũng nói về lòng trông cậy tuyệt đối của Người vào Chúa Cha, và lòng trông cậy lớn lao chúng ta phải có nơi Người bởi vì Người là Mục tử tốt lành của chúng ta (Ga 10,11). Đàn chiên mà không có mục tử sẽ là con mồi không có khả năng bảo vệ trước kẻ thù như sói, và thường đi lạc và lúng túng vì không có sự hướng dẫn. Đó là lý do tại sao các mục tử thường sống với đàn chiên của mình ngoài đồng trống và những sườn núi. Người mục tử canh giữ đàn chiên của mình khỏi những nguy hiểm của bão táp, lụt lội, và thú săn mồi. Họ dẫn dắt đàn chiên của mình tới những nơi tốt nhất để ăn và tới những dòng suối tốt nhất để uống. Họ tìm nơi tốt nhất cho chúng nghỉ ngơi và an toàn khi trời tối. Chiên nhận ra tiếng của người mục tử và nghe tiếng họ khi họ dẫn chúng tới đồng cỏ và nơi nghỉ an toàn.

Hãy lắng nghe Người Mục Tử Tốt Lành và bạn sẽ không lạc lối

Chúng ta giống như con chiên bị lạc – chúng ta dễ dàng trở thành mồi ngon cho những sức mạnh có thể tiêu diệt chúng ta – tội lỗi, Satan, và thế gian, chống lại Thiên Chúa và dân Người. Chúa Giêsu không chỉ giải thoát chúng ta khỏi cạm bẫy của Satan và sự kiềm hãm của tội lỗi, Người còn dẫn chúng ta tới những nơi tốt nhất, nơi chúng ta có thể ăn “lời sự sống” và uống từ “mạch nước hằng sống” của Thánh Thần. Chiên nghe tiếng của Ðức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, sẽ không sợ hãi. Người sẽ dẫn chúng tới nơi tốt nhất – sự bình an, niềm vui, và mối quan hệ vĩnh cửu với Thiên Chúa và dân Người.

Trong cuộc sống hiện tại này chúng ta sẽ gặp những thử thách, khó khăn, và ngược đãi. Chúng ta có thể đối mặt với chúng một mình hoặc chúng ta có thể đi theo Ðức Giêsu, vị Mục tử đích thật, Ðấng sẽ đem chúng ta an toàn qua mọi khó khăn đến nơi chốn bình an và an toàn với Thiên Chúa. Bạn có lắng nghe tiếng của vị Mục tử nhân lành và chú ý đến những mệnh lệnh của Người không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Mục tử tốt lành, Ðấng bảo đảm những gì tốt nhất cho chúng con. Trong Chúa, con xin đặt tất cả niềm hy vọng và tin tưởng của con cho Chúa. Xin mở tai con để lắng nghe tiếng Chúa hôm nay và sống theo các mệnh lệnh của Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây