Thứ Hai tuần 3 Phục Sinh.
"Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời".
Lời Chúa: Ga 6, 22-29
Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.
Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Đấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu". Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Đây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Đấng Ngài sai đến".
SUY NIỆM 1: Lương thực thường tồn
Suy niệm:
Xóa đói giảm nghèo, giảm số trẻ em suy dinh dưỡng,
nâng chiều cao của giới trẻ Việt Nam lên bằng các nước trong vùng,
đó là mối quan tâm của những người mang trách nhiệm,
vì sức khỏe thân xác cần thiết cho sự phát triển toàn diện con người.
Làm sao để con người lớn lên cân đối về mọi mặt,
đó là mục tiêu tối hậu của mọi công tác giáo dục.
Đức Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông.
Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác họ.
Nhưng Ngài cũng biết rằng không thể làm phép lạ như thế mãi.
Hơn nữa, phép lạ này chỉ giúp họ khỏi đói trong vài giờ,
và đây là cái đói của thân xác.
Phép lạ này dù lớn, nhưng chỉ nuôi được một đám đông vài ngàn người,
vẫn còn bao người trên thế giới cần được nuôi ăn.
Đức Giêsu mong nuôi được nhiều người hơn, nuôi được mọi người.
Không phải chỉ nuôi về thân xác, mà nhất là về tinh thần.
Không phải chỉ nuôi bằng thức ăn trần thế là bánh và cá,
mà nuôi bằng giáo huấn của mình, bằng chính con người mình.
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua,
chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại.
Lúc nào cũng có bánh ăn no nê,
đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy.
Nhưng Đức Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa giành độc lập.
Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị.
Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói
chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân (c. 27).
Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban.
Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu (c. 27).
Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều.
Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh,
nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa.
Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần.
Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng.
Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ.
Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến (c.29).
Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài,
vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có một ngọn đèn dầu gần Nhà Tạm,
ngọn đèn đỏ mời con dừng bước chân,
và nhắc con về sự hiện diện của Chúa.
Con mong sự hiện diện ấy lan tỏa khắp nơi,
để đâu đâu cũng thấy những ngọn đèn đỏ.
Nơi xóm nghèo mùa mưa nhớp nháp,
nơi lớp học tình thương lúc chiều tà,
nơi những trung tâm phục hồi nhân phẩm,
nơi bảo sanh viện nâng niu sự sống của trẻ thơ,
nơi khách sạn năm sao, noi quán bia đầu ngõ,
nơi các tiệm cho mướn băng video,
noi tình yêu trong ngần của đôi bạn trẻ...
Nhưng lạy Chúa, trước hết,
xin cho đời con là một ngọn đèn,
xin cho chúng con là những ngọn đèn màu đỏ,
mời người ta dừng lại, trầm tư,
và gặp được Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: GIÊ-SU LÀ BÁNH
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Cơm áo gạo tiền luôn là mối lo hàng đầu của con người. Người ta bỏ phiếu cho những lãnh đạo đem lại cơm no áo ấm. Sau phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều dân chúng nô nức đi tìm để tôn Chúa Giêsu lên làm vua. Hi vọng thời cường thịnh của Ít-ra-en bắt đầu.
Nhưng Chúa hướng tâm trí họ lên cao hơn. Đừng tìm của ăn chóng hư nát và chỉ đem lại đời sống mau tàn. Hãy tìm của ăn vĩnh cửu đem lại sự sống đời đời. Chúa mặc khải cho biết tấm bánh đem lại sự sống đời đời chính là Người, là Giê-su. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). Và cách làm việc để tìm được tấm bánh ấy là tin vào Người, tin vào Giê-su.
Đức tin nâng ta lên sự sống mới. Ở sự sống mới người ta không còn sống bằng cơm bánh, nhưng bằng Lời Chúa và bằng Thánh Thể: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4, 4).
Đó là sự sống trong Thánh Thần: “Ai tin vào Tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7, 38-39).
Sống theo Thần Khí không còn sống theo xác thịt. Không còn theo thói đời. Không còn dính bén những giá trị trần gian. Như Stê-pha-nô người tràn đầy Thánh Thần. Nên ông khôn ngoan không ai có thể bài bác được. Nên “mặt ông giống như mặt thiên sứ”. Nên ông sẵn sàng hiến mạng sống cho Chúa. Và khi chết ông còn xin Chúa tha thứ cho những kẻ giết mình.
Chúa đã phục sinh. Tôi cũng phải sống lại với Chúa. Chúa đã lên một cấp độ sự sống mới, tràn đầy vinh hiển. Tôi cũng phải theo Chúa sống một đời sống mới. Tin vào Chúa Giê-su. Nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa và Thánh Thể. Sống theo Thần Khí. Đó là khởi đầu sự sống đời đời.
SUY NIỆM 3: Hoán cải nội tâm
Ở thời đại nào, đám đông cũng có thể là một sức mạnh mù quáng, hành động thiếu suy nghĩ và bị lôi cuốn bởi những dòng chảy của sự dữ. Trước khi bị các thượng tế và tổng trấn Philatô kết án, Chúa Giêsu đã bị chính đám đông kết án. Cái đám đông đã từng tung hô Ngài trong ngày Ngài khải hoàn tiến vào Giêrusalem, cũng cái đám đông ấy gào thét, đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Bi kịch ấy dường như được thánh Gioan báo trước qua đoạn Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Ðám đông được Chúa Giêsu cho ăn no nê ngày hôm trước, ngày hôm sau vẫn còn đứng bên kia bờ Biển hồ. Chúa Giêsu đã đọc được động lực thúc đẩy họ tìm kiếm Ngài, họ đã đi tìm kiếm Ngài không phải vì Ngài là đối tượng của khát vọng tìm kiếm của họ, mà chỉ vì đã được Ngài cho ăn no nê; họ đi tìm kiếm không phải vì đã nhận ra ý nghĩa của phép lạ nhân bánh và cá ra nhiều; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì chính Ngài đã mang lại ý nghĩa và giá trị cho cuộc sống của họ; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì giáo huấn của Ngài; họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì những giá trị cao quí của cuộc sống mà Ngài đến để bày tỏ. Cái đám đông ấy bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, nhất thời và chóng qua là cơm bánh. Ðây chính là bi kịch đã xảy ra cho Chúa Giêsu. Ðám đông đã khước từ Ngài và treo Ngài lên thập giá chỉ vì họ đã không hành động theo những xác tín thâm sâu thể hiện trên đạo lý, trên tiếng gọi của lương tâm, mà chỉ sống theo cảm tính và những xu thế mù quáng. Ðây cũng chính là nguy cơ mà người tín hữu Kitô có thể rơi vào.
Dĩ nhiên, nói đến đạo là nói đến đám đông. Chúng ta lãnh nhận đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta sống và thể hiện đức tin trong một cộng đồng. Chúng ta cần có một đám đông nào đó để nâng đỡ niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, cái đám đông ấy cũng dễ lôi kéo và biến việc thể hiện đức tin của chúng ta thành một lối giữ đạo hình thức và máy móc. Ðạo dễ trở thành một chuỗi biểu dương bên ngoài hơn là một cuộc gặp gỡ thâm sâu giữa tha nhân và Chúa. Ðạo sẽ chỉ còn là những bó buộc và nghĩa vụ mà đám đông thôi thúc để tuân giữ hơn là được thực thi vì xác tín và lòng mến.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh mà chúng ta đón nhận mỗi ngày trong Thánh Thể và gặp gỡ thường xuyên qua tha nhân trở thành đối tượng của sự khao khát và tìm kiếm không ngơi nghỉ của chúng ta, để trong tất cả mọi sự, chúng ta có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi".
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Tại sao theo Đức Giêsu
Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm kiếm Người. Khi đã gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” Đức Giêsu đáp:
“Thật, tôi bảo thật các ông,
các ông đi tìm tôi
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.
Các ông hãy ra công làm việc
Không phải vì của ăn hay hư nát,
Nhưng để có lương thực trường tồn
Đem lại phúc trường sinh,
Là thứ lương thực
Con Người sẽ ban cho các ông
Bởi vì chính Con Người là Đấng
Chính Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga. 6, 24-27)
Bài giảng về bánh hằng sống trong hội đường Ca-phác-na-um sau ngày phép lạ bánh hóa nhiều có lẽ là một tổng hợp các bài giảng ở nhiều nơi. Dân chúng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ và Đức Giêsu ở Ca-phác-na-um vì họ không thấy Người xuống thuyền đi sang Ca-phác-na-um với các môn đệ, mà bây giờ lại thấy Người ở đây. Còn “Đức Giêsu khi thấy họ sắp bắt mình đem đi tôn làm vua, thì Người lánh mặt, đi lên núi một mình”, mãi tới đêm, biển động vì gió thổi mạnh, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển hồ đến gần thuyền … Ngay lúc đó thuyền đã tới bờ của miền Ca-phác-na-um.
Như thói quen, thánh Gio-an sắp nối kết sự kiện phép lạ cụ thể này với ý nghĩa thần học: Họ tìm … họ ngạc nhiên vì không biết Người đến đây bằng cách nào? Người đã đến đây bằng cách lạ lùng là đi trên mặt biển giữa đêm khuya gió to sóng lớn. Cũng thế, Đức Giêsu đã đến với họ không phải từ làng Na-gia-rét, như người ta biết, nhưng là từ trời mà người ta không biết, cũng như Người từ bờ hồ phía đông nơi bánh hóa nhiều, đi qua biển tới bờ hồ phía tây nơi miền Ca-phác-na-um.
Họ cố gắng tìm Đức Giêsu là điều đáng ca ngợi, còn đáng ca ngợi hơn nữa khi họ tìm Người trong đức tin, và liên kết với Người không vì của nuôi xác nhưng vì của ăn đời đời. Tuy nhiên, dân chúng vẫn tiếp tục đòi của vật chất, họ chú trọng đến man-na nuôi sống cha ông họ hằng ngày trong sa-mạc và so sánh với phép lạ hóa bánh ra nhiều để cầu mong Đức Giêsu cho họ được ăn như vậy. Còn Đức Giêsu, Người nhấn mạnh đến sự đói khát tinh thần, đến của ăn hằng sống cho linh hồn. Đó mới chính là sứ mệnh quan trọng của Người. Người đã hết sức nhẫn nại như đã nhẫn nại giải thích cho ông Ni-cô-đê-mô về sự tái sinh, cho bà ở Sa-ma-ri về nước trường sinh. Lúc này, Người cũng kiên nhẫn giải thích về bánh man-na dựa vào thánh vịnh 78, 24 để dẫn họ tới bánh ban sự sống đời đời. Bài diễn thuyết này có thể hiểu như một giảng đạo có ba phần: Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu là quà tặng của Thiên Chúa (câu 32-40), bánh bởi trời: Đức Giêsu đến từ trời (câu 41-50), để làm của ăn: như bánh ăn (câu 52-58).
L.P
SUY NIỆM 5: Sự lao công đích thực
Người Ấn Độ có kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây: Một gia đình khỉ nọ sống giữa một khu rừng rậm. Mùa đông đến, cả gia đình khỉ rét run vì lạnh. Một đêm nọ nhìn từ xa thấy một con đom đóm đang bay lượn, chúng tưởng là một cục than hồng. Thế là nhà khỉ bắt lấy con đom đóm mang về, cẩn thận để củi và rơm vào rồi ngồi quanh mà sưởi. Có con còn kề miệng sát vào con đom đóm để thổi với hy vọng lửa bốc cháy. Một con chim bay qua tình cờ thấy cảnh tượng bèn dừng lại nói với bầy khỉ: “Các bạn ơi, đây không phải là lửa mà chỉ là một con đom đóm”. Nhưng bầy khỉ không đếm xỉa gì đến nhận xét của con chim, chúng lại chúi đầu vào con đom đóm mà thổi. Một lần nữa con chim trở lại bình tĩnh nói đó chỉ là một con đom đóm. Tức giận vì lời dạy khôn của con chim, bầy khỉ túm lấy nó và giết đi. Rồi chúng tiếp tục thổi hơi vào con đom đóm. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình khỉ chết cóng vì lạnh bên cạnh con đom đóm.
Khao khát hạnh phúc đích thực, nhưng lại chạy theo ảo ảnh; muốn sống sung mãn, nhưng lại chạy theo những phù phiếm chóng qua, có thể đó là bài học mà câu chuyện ngụ ngôn trên đây muốn ngỏ với chúng ta.
Tin mừng hôm nay dường như cũng muốn nhắc nhở chúng ta về sự lạc hướng ấy. Đám đông tụ tập bên Chúa Giêsu để được ăn uống thoả thích là hình ảnh của một nhân loại đang lạc hướng. Đám đông những người Do thái trong Tin mừng hôm nay là những người đã từng chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, thế nhưng họ đi tìm kiếm Ngài không phải vì đã tin nhận Ngài hoặc để lắng nghe giáo huấn của Ngài, mà chỉ mong được Ngài cho ăn uống no thoả.
Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Ngài đến để cho con người được sống và hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là nhận biết và yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn hảo.
Mùa Phục Sinh, Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta ý thức về sự sống thần linh đang châu lưu trong tâm hồn người tín hữu. Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của người tín hữu trong trần thế này. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng người tín hữu luôn hướng về trời cao; bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình anh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không cha đạp nhân phẩm của người anh em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.
Nguyện xin Đức Kitô Phục Sinh hướng dẫn và cũng cố chúng ta trong niềm tin ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 6: TIN CHÚA VÌ MỤC ĐÍCH GÌ? (Ga 6, 22-29)
Danh tiếng của Đức Giêsu ngày càng lan rộng, nhất là sau cuộc hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi dân chúng. Tuy nhiên, vì tình thương, nên Ngài đã làm phép lạ này chứ không phải vì muốn nổi danh! Nhưng đối với người Dothái, họ có lối suy nghĩ khác! Thay vì họ tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài, thì ngược lại, họ chỉ nghĩ đến cái bụng và khao khát được thỏa cơm đói. Vì thế, dân chúng nghĩ rằng: có Đức Giêsu hiện diện ở giữa họ thì có lẽ sẽ không phải đói khát và có khi chẳng cần làm lụng vất vả cũng có ăn! Thế nên, họ tìm cách để tôn vinh Ngài lên làm vua. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lánh đi để sang bờ bên kia trước họ.
Vì biết được lộ trình của Đức Giêsu, nên họ đã tìm mọi cách để gặp Đức Giêsu. Khi gặp Ngài, họ cất tiếng hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?", Đức Giêsu thừa biết mục đích của họ, vì thế Ngài nói ngay: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26 ). Khi nói như thế, Đức Giêsu mời gọi họ hướng tới một cuộc "vượt qua" khác, sâu xa hơn, đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh (x. Ga 6, 27 ).
Ngày nay, trong đời sống đạo, nhiều người vẫn còn thói quen tin Chúa như những người Dothái. Tức là tin Chúa khi vui, lúc thành công, nhất là tin khi được lợi. Vì thế, chúng ta vẫn thấy có chuyện như: thích thì đi lễ, đi chầu, đọc kinh... không thích thì thôi!
Trong tâm tình cầu nguyện, mấy ai nghĩ đến chuyện chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì những điều kỳ diệu cũng như ơn lành Ngài đã làm cho! Hoặc liệu có ai xin Chúa cho được đạo đức, thánh thiện, sám hối, khiêm nhường, nhất là yêu mến Lời Chúa... Nhưng mỗi khi đến nhà thờ là lâm râm xin cho được cái này, được cái kia, nhất là xin cho được ăn ra làm nên... Mỗi khi như thế, chúng ta cũng không hơn gì người Dothái muốn tôn Chúa làm vua và đi tìm Ngài chỉ vì cái bụng chứ không phải vì lòng mến!
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết hướng về Chúa như là nguồn cội của hạnh phúc, và xin ban cho chúng con làm mọi cách vì hạnh phúc mai hậu trong Nước Trời. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 7: Tìm kiếm – tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến
(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Vua Louis XIV, vị vua được gọi là Vua Mặt Trời (Le Roi Soleil) và cũng được biết với danh hiệu Louis Đại đế (Louis le Grand hay Le Grand Monarque). Triều đại của ông kéo dài 72 năm, dài nhất trong lịch sử nước Pháp. Vua Louis thường có thói quen dâng thánh lễ tại nhà thờ Versailles. Dân chúng cũng đến đó tham dự thánh lễ rất đông.
Một Chúa Nhật kia, vua cũng đi dâng thánh lễ, nhưng hôm nay rất lạ vì có rất ít người tham dự. Nhà vua ngạc nhiên và hỏi Đức Giám mục chủ tế thánh lễ, lý do tại sao mà giáo dân hôm nay tham dự thánh lễ ít thế. Đức Giám mục trả lời là vì chính ngài đã tung tin ra: Hôm nay nhà vua không đi dự thánh lễ được. Bây giờ nhà vua mới hiểu ra được là người ta đi tham dự thánh lễ vì ai: Nhà vua hay Thiên Chúa…
Tìm đến với Chúa ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, thế nhưng lại chỉ mong được gặp vua, ngắm vua…
Suy niệm
Dân chúng Do Thái, sau khi được Chúa dưỡng nuôi bằng phép lạ bánh hóa nhiều, họ đi tìm để gặp Chúa, tôn vinh Ngài lên làm vua. Tôn vinh Ngài không phải vì tin nhưng vì được nuôi dưỡng, được no bụng: “Động cơ thúc đẩy họ vẫn là mùi vị của bánh trần gian: họ đã không nhìn thấy trong ân huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực trường tồn ban phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho” (X.Léon Dufour “Lecture de l'evangile de Gioan”). Cho nên mục đích của việc dân chúng tìm Đức Kitô chỉ lo bảo đảm cho họ được của ăn vật chất luôn mãi…
Chúa Giêsu đã nhìn thấy mục đích việc tìm đến với Ngài của họ, Ngài đã đưa ra ánh sáng tâm tư mờ ảo đầy bụi trần của họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26).
Qua lời mời gọi dân Do Thái, Đức Kitô mời gọi cả nhân loại tìm đến và tin vào Ngài, tức là tin vào Đấng Thiên Chúa Cha sai đến. Chính việc tìm kiếm này sẽ đem lại cho con người sự sống đời đời.
Tìm đến bên Ngài, tin vào Ngài, Chúa không bảo người tin là biếng nhác làm việc, là ngồi chờ sung rụng, là chi trông chờ phép lạ... Ngài mời gọi người tin, làm việc không ngừng, làm việc hết mình để có thể tìm kiếm sự bền vững trong đời: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).
Thật thế, khi tìm Chúa và tin theo Lời Ngài là dẫn bước đi tìm nước Trời, không chỉ được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau mà còn được lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa cưu mang ngay ở đời này như Ngài đã nói: “Các ngươi hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm” (Lc 12,31).
Tìm Chúa, theo Chúa và tin vào Ngài, theo lời dạy của thánh Phaolô: “Chúng ta hãy sống theo đức tin chân chính chứ không theo những tư tưởng sai lạc” (x. Cl 2,6-8), những tư tưởng mang những tâm tư bụi trần với những lo toan của ăn, vật chất hay niềm tin bị điều kiện hoá bởi phép lạ. Thật thế, Chúa chúng ta không phải là “cái bụng” hay “máy phép lạ” như dân chúng Do Thái đã tìm kiếm Chúa, Chúa chúng ta “là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
Ý lực sống: “Người nhận biết Thánh Danh, sẽ một niềm tin cậy,
vì lạy Chúa, Chúa chẳng bỏ rơi những ai kiếm tìm Ngài” (Tv 9,11).
SUY NIỆM 8: Tìm của ăn không hư nát
(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)
1. Trong suốt tuần thứ ba mùa Phục sinh, các bài đọc đều qui về Bánh Hằng Sống. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu nói về Bí tích Thánh Thể: Vì đã được ăn bánh no nê nên dân chúng tiếp tục đi tìm Đức Giêsu. Sáng hôm sau, họ tìm gặp Ngài ở phía bên kia biển hồ. Ngài nói với họ: “Các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê”. Rồi Ngài dạy họ hãy tìm một thứ lương thực khác quan trọng hơn: “Các ngươi hãy ra công làm việc, không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.
2. Dân chúng Do thái, sau khi được Chúa nuôi dưỡng bằng phép lạ bánh hóa nhiều, họ đi tìm gặp Chúa, tôn vinh Ngài lên làm vua. Tôn vinh Ngài không phải vì tin nhưng vì được nuôi dưỡng, được no bụng: “Động cơ thúc đẩy họ vẫn là mùi vị của bánh trần gian: họ đã không nhìn thấy trong ân huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực trường tồn ban phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho” (x. Léon Dufour, “Lecture de l’évangile de Jean). Cho nên mục đích của việc dân chúng tìm Đức Kitô chỉ lo bảo đảm cho họ được của ăn vật chất luôn mãi...
3. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho biết: Dân chúng gặp được Chúa, họ hỏi Chúa ngay: “Thưa Thầy, Thầy đến đây hồi nào”? Câu trả lời của Chúa làm cho họ chưng hửng, thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, Chúa lại phanh phui tâm địa không mấy tốt đẹp của họ: “Đâu phải vì các người thấy dấu lạ mà đi tìm Ta, chẳng qua là vì các người đã được ăn bánh no nê mà thôi”. Rồi Chúa bảo họ: “Đừng vất vả tìm thứ của ăn hay hư nát, nhưng hãy tìm thứ của ăn tồn tại mãi và đưa tới cuộc sống muôn đời”. Họ hỏi lại Chúa: “Vậy chúng tôi phải làm gì”? Chúa bảo: “Hãy tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến”. Họ hiểu ngay Chúa muốn nói họ phải tin vào Ngài.
4. Nhà đấu quyền anh J. Demsey chỉ có thể thiếp ngủ được vào lúc 2 giờ sáng, sau khi đoạt giải vô địch chiều trước đó. Nhưng ngủ được một tiếng đồng hồ, anh bỗng giật mình thức giấc vì nằm mơ thấy mình bị mất chức vô địch. Bởi vì không sao ngủ được, anh đi ra phố mua tờ báo vừa mới xuất bản để đọc lại bài tường thuật trận đấu hầu trấn an là mình còn giữ chức vô địch. Demsey đã ghi lại cảm tưởng thế này: “Sau khi đọc bài báo, tôi hiểu rằng sự thành công không có mùi vị thơm ngon như tôi hằng mơ ước trước đó. Sau biến cố, tôi vẫn còn cảm thấy trống rỗng”.
Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được như anh Demsey không? Chúng ta dồn tất cả tài năng, sức lực cho một danh vọng, một địa vị nào đó. Nhưng cuối cùng chỉ thấy trống rỗng, vô nghĩa, bởi vì nó không giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc thật.
Đó là kinh nghiệm của J. Demsey: cứ tưởng chức vô địch sẽ đem cho anh sự nghỉ ngơi, thư thái, nào ngờ anh vẫn cảm thấy trống rỗng, lo sợ bị mất chức vô địch trong những lần đấu kế tiếp (Mỗi ngày một tin vui).
5. Vì con người mang thân xác nên con người còn bám víu quá nhiều vào những thứ thỏa mãn các nhu cầu của thân xác. Thế nhưng là tín hữu, chúng ta đã biết ngoài sự sống thân xác này còn sự sống linh hồn nữa. Lời Đức Giêsu nhắc nhở dân chúng ngày xưa cũng là nhắc nhở chúng ta ngày nay: hằng ngày chúng con thường tìm gì: tìm những thứ thỏa mãn nhu cầu thân xác hay thỏa mãn nhu cầu tâm linh?
Trong mọi sự, ta phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, ta tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình ảnh cao quí của Chúa nơi bản thân, không chà đạp nhân phẩm người anh em. Trong mọi sự ta luôn tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất đời ta.
6. Truyện: Bé cái lầm
Người Ấn Độ có kể câu chuyện ngụ ngôn sau đây:
Một gia đình khỉ nọ sống giữa một khu rừng rậm. Mùa đông đến, cả gia đình khỉ rét run vì lạnh. Ban đêm khỉ nhìn thấy con đom đóm bay lượn, chúng tưởng là cục than hồng. Thế là cả nhà khỉ bắt lấy con đom đóm mang về, cẩn thận cho thêm củi và rơm vào rồi ngồi quanh mà sưởi. Có con còn kề miệng sát vào con đom đóm để thổi với hy vọng lửa bốc cháy.
Một con chim bay qua thấy cảnh tượng ấy bèn dừng lại nói với bầy khỉ: “Các bạn ơi, đây không phải là lửa mà chỉ là con đom đóm”. Nhưng bầy khỉ không đếm xỉa gì đến nhận xét của con chim, chúng lại chúi đầu vào con đom đóm mà thổi.
Một lẫn nữa con chim trở lại bình tĩnh nói đó chỉ là một con đom đóm. Tức giận vì lời dạy khôn của con chim, bầy khỉ túm lấy nó và giết đi. Rồi chúng tiếp tục thổi hơi mạnh hơn vào con đom đóm. Sáng hôm sau, người ta thấy cả gia đình khỉ chết cóng vì lạnh bên cạnh đống củi và con đom đóm.
SUY NIỆM:
1. “Bánh ăn hằng ngày”: sự vật hay dấu lạ?
Sau kinh nghiệm được ăn bánh thỏa thuê, đám đông vất vả ngược xuôi đi tìm Đức Giê-su. Họ đi tìm Người, đó có vẻ là một chuyển động của hành trình đức tin. Khi gặp được Đức Giêsu, họ hỏi Người như là để bắt chuyện: “Thưa thầy, thầy đến đây bao giờ vậy?” (c. 25) Nhưng thay vì khen ngợi và tiếp tục đáp ứng nhu cầu “ăn uống” của họ, Đức Giêsu đã nói cho họ rõ chuyển động sâu kín của con tim; chuyển động mà chính họ có thể không ý thức:
Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi
không phải vì các ông đã thấy dấu lạ,
nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”! (c. 26)
Chúng ta cũng hãy để cho câu nói này của Đức Giê-su chất vấn con tim chúng ta, chất vấn chốn thẳm sâu nhất trong nội tâm chúng ta: chúng ta tin Chúa, tìm Chúa và theo Chúa vì điều gì? Phải chăng là để được “ăn bánh no nê”? Và “ăn bánh no nê” đối với chúng ta đã là gì và hiện nay đang là gì? Ngài biết rõ hướng đi sâu kín của cõi lòng chúng ta. Nhưng điều làm cho chúng ta yên tâm, đó là, dù biết rõ như thế, Ngài vẫn tiếp tục đối thoại, mời gọi, thậm chí mặc khải những điều sâu kín nhất nơi ngôi vị của Ngài. Chúng ta nên nhớ rằng, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi và có kẻ sẽ nộp Ngài; và Đức Giê-su biết như thế ngay từ đầu (c. 64). Biết là việc của trí năng, nhưng con tim của Ngài vẫn cứ muốn đặt trọn lòng tin nơi con người, dù người đó là ai. Bởi vì Ngài đến để cho con người được sống, và sống dồi dào, và bởi vì Thiên Chúa yêu mến Ngài như thế nào, Ngài cũng yêu mến con người như thế.
Vì thế, ngay trong lời trách đám đông, Đức Giê-su cũng đã chỉ ra con đường mà chúng ta phải đi: đón nhận lương thực hằng ngày, sự sống hàng ngày không như một “sự vật” để thỏa mãn nhu cầu và nhất là lòng ham muốn, nhưng như “dấu lạ”, dấu lạ Thiên Chúa ban để hướng chúng ta đến những gì cao quí, đến với “lương thực trường tồn”, đến với chính Chúa. Thực vậy, Ngài mời gọi:
Các ông hãy ra công làm việc
không phải vì lương thực mau hư nát,
nhưng để có lương thực trường tồn
đem lại phúc trường sinh,
là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông. (c. 27)
Loài người chúng ta phải “ra công làm việc” để có được của ăn của uống, hay nói rộng hơn, để có được tất cả những gì chúng ta nghĩ là cần cho cuộc sống: ăn, ở, đồ đạc, phương tiện đủ loại, học hành, việc làm…; nói theo ngôn ngữ Linh Thao, là “tất cả những sự khác”.
Ở đây, Đức Giê-su mời gọi chúng ta giữ nguyên nỗ lực của mình, nghĩa là vẫn “ra công làm việc”, nhưng chuyển hướng sang “lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”. Lời của Đức Giêsu thật thách đố, và cuộc đời dâng hiến liều lĩnh đảm nhận thách đố này.
2. Trở nên môn đệ của Đức Giê-su
Và để thực hiện kinh nghiệm thiêng liêng đón nhận lương thực hằng ngày, sự sống hằng ngày của chúng ta không như một sự vật, nhưng như một dấu lạ, chúng ta được mời gọi ra khỏi đám đông để đi vào tương quan thiết với Đức Giê-su, nghĩa là trở thành môn đệ của Đức Giê-su. Đó chính là kinh nghiệm, mà các môn đệ đã trải qua trong đêm hôm đó (x. 6, 16-21).
Thực vậy, sau phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su và các môn đệ đã rời bỏ đám đông dân chúng, đi sang bờ bên kia, phía Ca-pha-na-um. Và chuyện gì xảy ra đêm hôm đó, ở giữa biển khơi, thì chỉ có Đức Giê-su và các môn đệ biết mà thôi; và nhất là tầm mức ý nghĩa của biến cố này đối với phép lạ bánh hóa nhiều và với “lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” mà Ngài sẽ ban.
Thực vậy, đêm hôm đó, Đức Giê-su đã để cho con thuyền của các môn đệ đi rất xa trong đêm tối và sóng gió; và ở giây phút tận cùng, tưởng chừng như mất tất cả, thì Ngài mới đến, và nói: “Thầy đây mà, đừng sợ ». Chính trong tương quan thiết thân với Đức Ki-tô, mà mỗi người chúng ta được mời gọi cùng chết đi với Ngài, để tái sinh trong sự sống mới của Ngài. Như thế, sự sống của các môn đệ không còn thuộc về mình nữa, nhưng là thuộc về Chúa, là của Chúa. Đó là kinh nghiệm Phép Rửa, nghĩa là kinh nghiệm Vượt Qua. Và kinh nghiệm này phải được sống mỗi ngày.
3. Công trình của Thiên Chúa
Sau khi nghe Đức Giê-su nói, họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Và Đức Giê-su trả lời:
Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm,
là tin vào Đấng Người đã sai đến. (c. 29)
Theo bản văn tiếng Hi-lạp, phải dịch là công trình của Thiên Chúa, là các ông tin nơi Đấng Người sai đến” [1]. Bản dịch Tiếng Việt (của Nhóm CGKPV) vừa dịch vừa giải thích và có lẽ đã đi lệch hướng.
Câu hỏi của họ, “chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”, xem ra khá đột ngột, và có vẻ không liên quan gì đến lời Đức Giê-su vừa nói về “công việc của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, vẫn có một tương quan, đó là “công việc” (work, tiếng Pháp oeuvre, công trình, nghĩa là công việc lớn lao). Thực vậy, Đức Giê-su mời gọi họ: “các ông hãy ra công làm việc…”; và họ hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để hoàn tất những việc của Thiên Chúa?” “Công việc của Thiên Chúa”, hay nói cách khác, Thiên Chúa “cũng ra công làm việc”; và Thiên Chúa làm việc chính là để chúng ta tin nơi Đức Giê-su (công việc của Satan là ngược lại: làm cho chúng ta nghi ngờ, không tin, vô ơn, ham muốn, ghen tị, sống theo thú tính, loại trừ, bạo lực…). Chúng ta được mời gọi “ra công làm việc” vì lương thực hằng sống, cũng chính là nỗ lực tin nơi Đức Giêsu. Tin đến độ nhận Đức Giê-su là lương thực, đến độ “ăn uống” Đức Giê-su. Chúng ta đâu dám nghĩ và muốn đẩy hành vi đức tin đến mức ăn uống người mình tin tưởng và yêu mến, nhưng Đức Giê-su muốn như thế.
Chúng ta hãy cố vừa thấu hiểu và vừa thấu cảm tầm mức lớn lao của việc “tin vào Đức Giêsu”, Đấng Thiên Chúa sai đến loài người chúng ta, Đấng chúng ta đi theo, Đấng chúng ta mang tên, bởi vì chúng ta là Ki-tô hữu. Như chính Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3, 15); “những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (20, 31)[2]. Vì thế, tin vào Đức Giêsu:
Công trình của Thiên Chúa là chúng ta tin nơi Đức Giêsu; chúng ta tin nơi Đức Giêsu là công trình của Thiên Chúa. Nếu muốn chúng ta có thể nghiệm lại công trình của Thiên Chúa nơi cuộc đời và nhất là nơi ơn gọi của mỗi người chúng ta; chúng ta hãy ước ao cho công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta mau được hoàn tất. Chúng ta đừng quên rằng tin nơi Đức Giêsu, là hết khát hết đói, là sự sống hôm nay và sự sống đời sau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Trong khi, theo sát bản văn Hi-lạp, to ergon tou Theou (công trình của Thiên Chúa), sách Kinh Thánh New American Bible dịch như sau: So they said to him, “What can we do to accomplish the works of God?” Jesus answered and said to them, “This is the work of God, that you believe in the one he sent.” Chúng ta có thể tạm dịch như sau: Vậy, họ nói với Người: “Chúng tôi có thể làm gì để hoàn tất những việc của Thiên Chúa?” Đức Giê-su trả lời và nói với họ: “Đây là việc của Thiên Chúa, là các ông tin nơi Đấng Người sai đến”. Bản dịch tiếng Pháp Bible de Jérusalem cũng dịch như thế, bản dịch trong sách Các Bài Đọc, đang được dùng trong phụng vụ hiện nay, cũng dịch theo hướng này.
[2] Không tin Thiên Chúa ban sự sống, thì tất yếu người ta sẽ làm việc cho sự chết, thuộc về sự chết. Thực vậy, việc từ chối tin sẽ khởi động cách nhanh chóng một tiến trình tăng tốc của sự chết: người không tin vào sự sống sẽ đòi hỏi những bằng chứng về sự sống và, từ đó rất nhanh đi đến chỗ tự mình đưa ra những bằng chứng về điều trái ngược với sự sống. Ai không tin vào sự sống sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết (x. Kn 1, 16 – 2, 24). Vì chết là mạnh nhất, là kết thúc tất cả, là làm cho mọi sự đều như nhau, nên người ta đối xử với nhau như khác loài, người muốn hơn, muốn thống trị bằng khả năng, sức mạnh, bạo lực. Và theo cách nói của Kinh Thánh, lựa chọn tự do này của con người, được gọi là « cơn thịnh nộ của Thiên Chúa » (x. Rm 1-2).
Monday (April 19): Labor for the food which endures to eternal life
Scripture: John 6:22-29 22 On the next day the people who remained on the other side of the sea saw that there had been only one boat there, and that Jesus had not entered the boat with his disciples, but that his disciples had gone away alone. 23 However, boats from Tiberias came near the place where they ate the bread after the Lord had given thanks. 24 So when the people saw that Jesus was not there, nor his disciples, they themselves got into the boats and went to Capernaum, seeking Jesus. 25 When they found him on the other side of the sea, they said to him, “Rabbi, when did you come here?” 26 Jesus answered them, “Truly, truly, I say to you, you seek me, not because you saw signs, but because you ate your fill of the loaves. 27 Do not labor for the food which perishes, but for the food which endures to eternal life, which the Son of man will give to you; for on him has God the Father set his seal.” 28 Then they said to him, “What must we do, to be doing the works of God?” 29 Jesus answered them, “This is the work of God, that you believe in him whom he has sent.” |
Thứ Hai 19-4 Hãy làm việc cho lương thực đem lại sự sống đời đời
Ga 6,22-29 22 Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi.23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn.24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? “26 Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”28 Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? “29 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” |
Meditation:
What do you most hunger for – wealth, peace, health, love, the good life? Jesus addressed this issue with those who sought him after he performed the miracle of the multiplication of the loaves and the feeding of the 5,000 (John 6:1-15). Were they simply hungry for things which satisfy the body or for that which satisfies the heart and soul? Only God can satisfy the deepest hunger we experience Jesus echoes the question posed by the prophet Isaiah: “Why do you spend your money for that which is not bread, and your labor for that which does not satisfy” (Isaiah 55:2)? There are two kinds of hunger – physical and spiritual. Only God can satisfy the hunger in our heart and soul – the hunger for truth, for life, and for love. Believe in Jesus Christ who alone can satisfy us now and forever Jesus also spoke about the works of God and what we must do to be doing the works of God, namely to believe in God’ Son whom he has sent into the world. Jesus offers a new relationship with God which issues in a new kind of life: A life of love and service, and the forgiveness of others which corresponds to God’s mercy and kindness; a life of holiness and purity which corresponds to God’s holiness; and a life of submission and trust which corresponds to the wisdom of God. This is the work which Jesus directs us to and enables us to perform in the power of the Holy Spirit. Do you hunger for the bread which comes down from heaven and thirst for the words of everlasting life? “Lord Jesus, you alone can satisfy the deepest longing and hunger in our hearts. May I always hunger for the imperishable bread, that I may be satisfied in you alone as the True Bread of Heaven. Nourish and strengthen me that I may serve you with great joy, generosity, and zeal all the days of my life”. |
Suy niệm:
Bạn đói khát cho điều gì nhất – giàu có, bình an, sức khỏe, tình yêu, cuộc sống tốt lành? Ðức Giêsu nói về vấn đề này với những người tìm kiếm Người sau dấu lạ hóa bánh ra nhiều và nuôi cho 5000 người ăn (Ga 6,1-15). Người ta có đơn giản chỉ đói khát cho những điều thỏa mãn cho thân xác hay những gì thỏa mãn cho tâm hồn? Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn cơn đói khát sâu thẳm nhất mà chúng ta cảm nghiệm Ðức Giêsu lập lại vấn đề đã được ngôn sứ Isaia đặt ra: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công sức vào thứ chẳng làm chắc dạ no lòng” (Is 55,2)? Có hai loại đói khát – thể lý và thiêng liêng. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn cơn đói khát thiêng liêng trong tâm hồn – sự đói khát chân lý, sự sống, và tình yêu. Tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng duy nhất có thể làm thỏa mãn chúng ta bây giờ và mãi mãi Ðức Giêsu cũng nói về những việc của Thiên Chúa, và những gì chúng ta phải làm để thực hiện những việc của Thiên Chúa, tức là tin tưởng vào Con của Thiên Chúa, Đấng Người đã sai đến trong thế gian. Ðức Giêsu đem lại mối quan hệ mới với Thiên Chúa, mối quan hệ đem lại một loại sự sống mới: Một cuộc sống yêu thương và phục vụ, và sự tha thứ cho người khác, để đáp trả lại lòng thương xót và nhân hậu của Thiên Chúa; một cuộc sống thánh thiện và tinh tuyền, để đáp trả sự thánh thiện của Thiên Chúa; và một cuộc sống vâng phục và tin cậy, để đáp trả sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đây là công việc mà Ðức Giêsu hướng dẫn chúng ta và để giúp chúng ta thực hiện trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Bạn có đói khát bánh ban xuống từ trời và khao khát những Lời hằng sống không? Lạy Chúa Giêsu, chỉ mình Chúa mới có thể làm thỏa mãn cơn đói khát sâu thẳm nhất trong lòng chúng con. Chớ gì con luôn luôn đói khát bánh hằng sống, để con có thể thỏa mãn trong chỉ mình Chúa là Bánh đích thật bởi Trời. Xin nuôi dưỡng và tăng sức mạnh cho con, để con có thể phụng sự Chúa với niềm vui, lòng quảng đại, và nhiệt thành lớn lao trong suốt ngày của đời con. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn