Thứ Tư tuần 3 Phục sinh (Ga 6,35-40) - Bánh Trường Sinh

Thứ ba - 20/04/2021 07:52

Thứ Tư tuần 3 Phục sinh (Ga 6,35-40) - Bánh Trường Sinh
 Ngày 21/04/2021


Thứ Tư tuần 3 Phục sinh (Ga 6,35-40) - Bánh Trường Sinh

“Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói;
ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

(Ga 6,35)

BÀI ĐỌC I: Cv 8, 1-8

“Đến đâu, họ cũng rao giảng lời Thiên Chúa”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Ngày ấy, Hội Thánh ở Giêrusalem bị bách hại dữ tợn. Ngoài các tông đồ, mọi người đều phân tán đi các miền Giuđêa và Samaria. Còn những người đạo đức lo chôn cất Têphanô; họ than khóc ông rất nhiều. Lúc đó Saolô tàn phá Hội Thánh; ông vào nhà này sang nhà nọ, bắt đàn ông lẫn đàn bà và tống ngục họ.

Những người bị phân tán, đã đi khắp nơi rao giảng lời Thiên Chúa. Phần Philipphê thì đi xuống một thành thuộc xứ Samaria rao giảng Đức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cùng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm, quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó, cả thành được vui mừng khôn tả.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a

Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Ngài, hãy kính dâng Ngài lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. -Đáp.

2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Ngài thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! - Đáp.

3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa. Với quyền năng, Ngài thống trị tới muôn đời. - Đáp.

 

Tin mừng: Ga 6,35-40

35 Khi ấy, Chúa Giêsu phán với đám đông rằng: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ.

36 Nhưng Ta đã bảo các ngươi rằng: Các ngươi đã thấy Ta, nhưng các ngươi không chịu tin. 37 Những ai Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta. Và ai đến với Ta, Ta sẽ không xua đuổi ra ngoài.

38 Bởi vì Ta từ trời xuống không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta. 39 Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết, Ta sẽ cho nó sống lại.

40 Quả vậy, ý của Cha Ta là hễ ai thấy Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là Bánh Trường Sinh. Ai tin vào Chúa và đến với Chúa, sẽ được hạnh phúc trọn vẹn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay quả thực là tin mừng lớn lao cho con. Là tin mừng, vì Chúa đến để thỏa mãn mọi khát vọng sâu xa của đời người. Là tin mừng, vì khi con đến với Chúa, Chúa không xua đuổi, nhưng luôn mở rộng vòng tay đón nhận con. Là tin mừng, vì khi con tin vào Chúa, Chúa không để mất con, nhưng Chúa sẽ cho con được sống muôn đời. Chúa là tin mừng, vì Chúa là hạnh phúc đích thực của con. Con dâng lời cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa, cuộc sống con đầy giới hạn và thiếu thốn, nên con đói khát thật nhiều. Con đói khát cơm bánh hằng ngày. Con mong ước được nhiều của cải vật chất. Con thèm khát thú vui xác thịt. Con đói khát bồi dưỡng kiến thức và đời sống văn hoá. Con khao khát có được một địa vị. Con đói tình yêu và sự cảm thông. Con khát vọng có được hạnh phúc bền vững.

Nhưng lạy Chúa, để thỏa mãn những cơn đói ấy, nhiều lúc con đã chẳng kể gì đến Chúa, thậm chí con đã gạt Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Nhưng chính lúc con gạt bỏ Chúa, thì con lại càng đói khát hơn. Dù con có đáp ứng được một vài khát vọng nào đó, nhưng khát vọng hạnh phúc lại càng được khơi sâu thêm, vì con vẫn chưa có Chúa là niềm hạnh phúc duy nhất của đời con.

Xin Chúa giúp con biết tin vào Chúa và đến với Chúa. Con sẽ có Chúa là Bánh Trường Sinh. Con tin Chúa sẽ ban tặng cho con niềm vui, sự bình an, sự no thoả sâu xa trong tâm hồn.

Lạy Chúa, khi con tìm kiếm của ăn cho thân xác, thì xin giúp con cũng biết quan tâm đến đời sống tâm linh nữa. Amen.

Ghi nhớ: “Ý muốn của Cha Ta là: hễ ai thấy Con thì có sự sống đời đời”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Nhắc lại bài Phúc Âm hôm qua: nghe Chúa Giêsu nói tới một thứ lương thực quý trọng hơn cả Manna ngày xưa nữa, dân Do Thái tưởng đó là thứ thức ăn đặc biệt no lâu nên xin Chúa ban cho họ thứ thức ăn đó mãi.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói với họ rằng “Chính Ta là bánh ban sự sống”.

Chúa Giêsu trở thành Bánh Sự Sống cho loài người thế nào ?

Khi người ta đến với Ngài: “Ai đến với Ta, sẽ không hề đói”.

Khi người ta tin vào Ngài: “Ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ”.

Thực ra theo luật của cú pháp sóng đôi, “Đến với” và “Tin vào” không phải là hai việc khác nhau mà chỉ là hai cách diễn tả cùng một sự việc: Tin vào Chúa Giêsu, thể hiện ở thái độ đến với Ngài. Kết quả của công việc đó là không hề đói không hề khát.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Đức tin vào Chúa Giêsu phải thể hiện vào việc đến với Ngài. Một ngày tôi dành bao nhiêu thời gian để “đến với” Chúa.

2. Chúng ta “đến với” Chúa bằng nhiều cách: tưởng nhớ, cầu nguyện, suy gẫm, và nhất là tham dự Thánh Lễ. Hãy xét mình xem khi chúng ta làm những việc trên, lòng chúng ta có thực sự “đến với” Chúa không ?

3. Khi tâm hồn tôi cảm thấy đói khát, tôi đã “đến với” ai, với cái gì ? Có “đến với” Chúa không ?

4. Buổi sáng bà lão ra ngoài. Buổi chiều bà trở về, bà không tìm thấy chìa khóa.

Không biết làm thế nào ?! Bà chạy sang hàng xóm, mượn chìa khóa của họ mở thử, chẳng có cái nào hợp.

Cuối cùng một người góp ý: cứ mở then cài ra xem sao! Bà mở then và cánh cửa mở toang. Thì ra khi đi ra bà không khóa cửa.

Câu chuyện trên mô tả phần nào thái độ của chúng ta trước Chúa. Ta đứng ngoài, lòng đầy băn khoăn lo sợ. Ta nghĩ phải làm việc này việc nọ mới đáng đến với Chúa. Trong khi đó, cánh cửa nhà Chúa luôn mở rộng và ưu ái đón ta vào. (Góp nhặt)

5. “Vậy ý của Cha, Đấng đã sai Ta, là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất”.

…Chúa Giêsu và Hội Thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì khô cứng, sự khô cứng của những khái niệm thần học, những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh… Rồi chẳng biết từ đâu, Triết lý phương Đông và Phật Giáo len lỏi vào tâm hồn tôi, phất phơ nhẹ nhàng nhưng sao có sức giật tung những gì tôi mòn mỏi. Tôi nằng nặc đòi nhà Dòng một năm phép, cho ra độc cư trên núi, sống với nắng, gió, mưa, đói, khát, và sự sợ hãi nữa. Nhưng mỗi lần tôi nhất tâm thất niệm thì vấn đề về Chúa Giêsu lại vang lên, đeo bám tôi mãi… Một năm phép đã hết, thân tàn ma dại, tôi thua cuộc, trở về nhà Dòng một cách trắng tay. Nhưng Chúa Giêsu vẫn cứ đeo bám tôi mãi. Đang trong một năm nổi loạn, thất bại và hư hỏng cùng cực đó, tôi được gọi làm linh mục. Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn rối bời, tan nát, tôi vào ngồi thẫn thờ trong nhà nguyện như sự đay nghiến, một sự nức nở và đền tội…

Một đêm trước khi làm linh mục vài hôm, tôi thử tiến lên đứng sát Nhà Tạm Thánh Thể. Có cái gì đó khác hơn là cảm giác, hơn cả sự rung động, mà là sự bao phủ lấy toàn bộ cuộc đời và con người tôi. Ngay giây phút đó, tôi “hiểu” rằng cho dù có là hòn đá hòn sỏi, dù tôi đã lấm bùn bê bết, dù tôi đã thân tàn ma dại, dù tôi đã hỏng hết cả cuộc đời, thì Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn tôi, làm tâm hồn tôi bừng sáng huy hoàng. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa của đời tôi…

Lạy Chúa, chứng từ này giúp con nghiệm ra rằng, dù phận hèn yếu đuối đến đâu, con vẫn được Ngài yêu thương vì Ngài là Đấng khoan dung bền vững muôn đời. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hãy tin vào Đức Kitô (Ga 6, 35-40)

  1. Bài Tin mừng này cho chúng ta thấy: từ đầu bài giảng về Bánh hằng sống, Đức Giêsu có ý để thính giả đi từ phép lạ manna đến phép lạ hóa bánh ra nhiều; và từ phép lạ hóa bánh ra nhiều đến mầu nhiệm về Chúa và sứ mạng của Ngài. Khi thấy dân chúng chưa tin Ngài, Ngài lại hướng họ về Chúa Cha. Hôm nay, Đức Giêsu giải thích về ý nghĩa của lời Ngài nói: “Chính Ta là bánh trường sinh”.
  2. Như chúng ta biết, đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu là chỉ để được ăn uống no nê. Họ chỉ biết có của ăn cho thân xác. Như thánh Phaolô nói: “Đạo của họ là cái bụng”. Là Đấng toàn năng, Đức Giêsu có thể vung chiếc đũa thần lên để thoả mãn tất cả tất cả mọi nhu cầu thể lý của con người. Bằng chứng là với 5 chiếc bánh và 2 con cá, Ngài có thể nuôi sống một đám đông trên 5000 người.

Nhưng Đức Giêsu đã không đến trong trần gian để cung cấp một thức ăn chóng hư nát như thế. Ngài đến làm cho con người được sống và sống sung mãn, và sự sống sung mãn ấy chính là sự sống vĩnh cửu. Của ăn dư dật mà Ngài đã dâng lên từ 5 chiếc bánh và 2 con cá là dấu chỉ của bánh trường sinh mà Ngài sẽ ban cho con người trong phép Thánh Thể, chỉ có bánh này mới làm cho con người được thoả mãn trong nỗi khát vọng mà không một lương thực nào trên trần gian này có thể lấp đầy.

  1. Tin vào Đức Giêsu có nghĩa là đến với Ngài. Không chỉ dừng lại ở đó, mà chúng ta còn được mời gọi đi xa hơn nữa để đón nhận, tức là thông dự vào sự sống thần linh của Ngài bằng việc đón nhận chính Ngài. Đây cũng chính là lời mời gọi của Chúa trong bài Tin mừng hôm nay: “Ai thấy người Con và tin vào người Con ấy thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40)

Tại sao Đức Giêsu phải tuyên bố như vậy? Thưa, bởi vì Ngài thấy lòng chai dạ đá nơi những người Do thái và họ đi tìm Ngài vì của ăn hư nát, chứ không phải là của ăn tinh thần, tức là sự sống đời đời.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống đức tin cách trưởng thành. Tức là sống cho Đức Kitô và vì Đức Kitô. Quả thật: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn nhờ Lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

  1. Người tin Chúa Kitô, là người để Chúa Cha lôi kéo và giao hoà, nhưng trong thực tế, chúng ta sống tin thật sự hay chúng ta để các thực tại quyền lực trần gian chiếm hữu. Tuy môi miệng tuyên xưng “Tin” Đức Kitô, nhưng con tim và khối óc hướng theo tiền bạc, danh lợi, vì nó mà ta có thể bất chấp tất cả, chà đạp anh em bạn hữu để được cái bánh to, lợi lộc trần thế. Tâm tư của ta như thánh Phaolô đã từng ví von: Chúa của họ thờ là cái bụng, tức là mọi sự quyến rũ thấp hèn của thế gian (x.Pl 3, 19)

Sống đức tin sâu sắc, như thánh tông đồ Giacôbê xác quyết: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Thật thế, phải được xây dựng và đặt nền tảng trên đức tin.

  1. “Tất cả những người Chúa Cha đã ban cho Ta đều sẽ đến với Ta”

Câu nói trên đây của Đức Giêsu có thể gây ra một vấn nạn: Phải chăng có những người Chúa Cha không ban cho Đức Giêsu?

Chúng ta nhớ lại chân lý bắt nguồn từ Thánh kinh: Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi. Về phía Thiên Chúa, đó là tuyệt đối không luật trừ. Nhưng về phía con người, chúng ta cần phân biệt:

Chúa Cha đã ban cho Đức Giêsu toàn thể nhân loại, là những con người có tự do. Và tất cả, cách này hay cách khác, đều được mời gọi để chọn lựa: chấp nhận hoặc từ chối Đức Giêsu. Chính trên bình diện tự do trách nhiệm này, sẽ có tách biệt giữa những người “đến” hay “không đến” với Đức Giêsu. Nói cách khác, giữa cộng đoàn nhân loại, có người tự do đáp trả “vâng” với ân huệ đức tin, đức tin này đưa họ đến với Đức Giêsu, và đã có những người trả lời “không”, những người này đã từ chối Đức Giêsu.

  1. Truyện: Lạy Chúa của con

Vào những ngày cuối tháng 6 năm 1848, cuộc nội chiến xảy ra ác liệt trên những đường phố của kinh thành Paris. Tiếng la hét om sòm vang lên khắp nơi. Nằm trên giường bệnh, nhà văn Chateaubriand nghe rõ mồn một. Ông cầm lấy cây thánh giá và cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Chúa mới cứu vãn được xã hội hiện tại này”.

Rồi dán chặt đôi mắt một cách trìu mến vào tượng Chúa Giêsu chịu chết trên cây thánh giá, nhà văn thốt ra những lời cuối cùng đầy xúc động: “Đây chính là Chúa của con. Đây chính là vua của con”.
 

SUY NIỆM

1. Lời Hứa

Bản văn tuy ngắn, nhưng mở đầu và kết thúc cùng một lời hứa rất an ủi đối với tất cả chúng ta những người đang sống, và đặc biệt đối với những người đã qua đời mà chúng ta hằng nhớ đến và cầu nguyện cho hàng ngày:

Ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài. (c. 37)

Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con,
thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại
trong ngày sau hết. 
(c. 40)

Lời hứa thứ hai bổ túc cho lời hứa thứ nhất: đến với Đức Ki-tô chính là để thấy và tin vào Ngài. Chúng ta được mời gọi đến với Chúa mỗi ngày và mọi ngày trong đời sống của chúng ta: Trong Thánh Lễ, trong cầu nguyện và các việc thiêng liêng; và nhất là để cho Chúa đến trong ngày sống của chúng ta, trong những lựa chọn, trong cách làm việc, trong cách ứng xử với người khác.

Và một ước ao như thế, một hướng sống như thế, dù được thực hiện chưa hoàn hảo, nhưng làm sao có thể hoàn hảo được, cũng đủ để Chúa không loại trừ chúng ta, nhưng đón nhận chúng ta với lòng quảng đại và bao dung thương xót, ở đời này và ở đời sau. Vì cho dù đời sống của chúng ta có qua đi, nhưng sự sống và tình yêu của Chúa là mãi mãi, là đời đời. Vì thế, Chúa không thể yêu chúng ta có một lúc thôi, nhưng là mãi mãi; và tình yêu của Ngài có sức mạnh biến đổi và tái tạo chúng ta cho tình yêu muôn đời của Ngài.

 2. Tình yêu lan tỏa

Thế mà tình yêu của Đức Ki-tô dành cho chúng ta, những người còn sống cũng như những người đã qua đời, phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Thật vậy, bài Tin Mừng của chúng ta hôm nay được ghi dấu từ đầu đến cuối bởi kế hoạch yêu thương của Chúa Cha:

Ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.  (c. 39)

Có thể nói, Chúa Con cũng yêu mến, những người Chúa Cha yêu mến; và ngược lại, Chúa Cha cũng yêu mến những người mà Chúa Con yêu mến; và còn nữa, tình yêu hoàn hảo giữa Chúa Cha và Chúa Con lan tỏa ra cho chúng ta.

Và đó chính là cội nguồn của việc chúng ta quan tâm đến nhau, cầu nguyện cho nhau, những người còn sống cũng như người đã qua đời. Bởi vì, Chúa cũng thương những người chúng ta thương mến; và Chúa thương người này nhờ vào lòng tin của người kia. Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Na-im có đứa con nhỏ chết sớm : vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con; đó là trường hợp những người kiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa: nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh ; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường; và ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình đến với Đức Giê-su và tin vào Ngài của một mình ông Gia-kêu: « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này ». Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu.

3. Niềm Vui Tin Mừng

Có thể nói, đây chính là một tin vui, và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người thân yêu đã qua đời. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng, ơn cứu độ đã đến cho nhà của chúng ta, cho cả cộng đoàn, cho cả Hội Dòng. Và ơn cứu độ chính là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.

Và Chúa đã ban cho chúng ta ngay hôm nay bảo chứng của ơn cứu độ rồi, đó là Bánh Thánh Thể :

Chính tôi là bánh trường sinh.
Ai đến với tôi, không hề phải đói;
ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 
(Ga 6, 35)

Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô, để trở thành sự sống cho chúng ta, đã phải đi ngang qua cái chết trên Thập Giá, bởi vì đó là đường tất yếu của tấm bánh, nghĩa là phải bị nghiền nát để trở thành lương thực, để nuôi sống và ban sự sống. Và Đức Ki-tô Bánh Hằng Sống đã làm cho chúng ta sống sự sống mới ngay hôm nay rồi, khi giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, khỏi tình trạng hỗn mang, khỏi thú tính, khỏi những năng động đen tối và những khuynh hướng chết chóc: vô ơn, nghi ngờ, ghen tị, ham muốn, bạo lực dưới mọi hình thức….

*  *  *

Bánh Trường Sinh có làm cho trường sinh hay không, thì chỉ sau khi chết, chúng ta mới biết; nhưng bánh trường sinh đã được ban cho chúng ta ngay hôm nay rồi, nơi bánh Thánh Thể, và chúng ta cũng đã cảm nếm hiệu quả trường sinh rồi: tình yêu, tha thứ, biết ơn, ước ao, tôn trọng, hiền lành, khiêm tốn, hiệp nhất với Chúa và với nhau, mạnh hơn sức mạnh của Sự Dữ và Sự Chết.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Ta sẽ cho anh em sống lại ngày sau hết – SN song ngữ ngày 21.4.2021

 
 

Wednesday (April 21): “I will raise you up at the last day”

 

Scripture: John 6:35-40  

35 Jesus said to them, “I am the bread of life; he who comes to me shall not hunger, and he who believes in me shall never thirst. 36 But I said to you that you have seen me and yet do not believe. 37 All that the Father gives me will come to me; and him who comes to me I will not cast out. 38 For I have come down from heaven, not to do my own will, but the will of him who sent me; 39 and this is the will of him who sent me, that I should lose nothing of all that he has given me, but raise it up at the last day. 40 For this is the will of my Father, that every one who sees the Son and believes in him should have eternal life; and I will raise him up at the last day.”

Thứ Tư  21-4     Ta sẽ cho anh em sống lại ngày sau hết

 

Ga 6,35-40

35 Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!36 Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Meditation: 

 

Why did Jesus call himself the bread of life? The Jews understood that God promised them manna from heaven to sustain them on their journey to the promised land. Bread is the very staple of life. We could not live without food for very long. Bread sustains us. But what is life? Jesus clearly meant something more than mere physical existence. The life Jesus refers to is connected with God, the author of life. 

Jesus offers us real abundant life – now and forever

Real life is a relationship with the living God, a relationship of trust, love, obedience, peace, and joy. This is what Jesus makes possible for us – a loving relationship with God who created us for love with him. Apart from Jesus no one can enter that kind of life and relationship. Are you satisfied with mere physical existence or do you hunger for the abundant life which Jesus offers?

Jesus offers unbroken friendship and the gift of everlasting life with God

Jesus makes three claims here. First he offers himself as spiritual food which produces the very life of God within us. Second, he promises unbroken friendship and freedom from the fear of being forsaken or cut off from God. Third, he offers us the hope of sharing in his resurrection. Jesus rose physically never to die again. Those who accept Jesus as Lord and Savior will be bodily raised up to immortal life with Jesus when he comes again on the last day. Do you know the joy and hope of the resurrection?

“Lord Jesus Christ, your death brought life and hope where there was once only despair and defeat. Give me the unshakable hope of everlasting life, the inexpressible joy of knowing your unfailing love, and the unwavering faith and obedience in doing the will of our Father in heaven.”

Suy niệm:

 

Tại sao Đức Giêsu gọi mình là bánh sự sống? Người Dothái hiểu rằng Thiên Chúa đã hứa với họ bánh manna từ trời để nuôi dưỡng họ trên cuộc hành trình về đất hứa. Bánh chính là yếu tố chủ yếu của sự sống. Chúng ta không thể sống mà không có thực phẩm cho một thời gian dài. Bánh nuôi dưỡng chúng ta. Nhưng sự sống là gì? Đức Giêsu rõ ràng có ý nói tới điều gì đó còn hơn cả sự hiện hữu thể lý. Sự sống mà Đức Giêsu nhắm tới được nối kết với Thiên Chúa, Tác giả của sự sống.

Đức Giêsu ban cho chúng ta sự sống thật sung mãn – bây giờ và mãi mãi

Sự sống thật là mối quan hệ với Thiên Chúa hằng sống, mối quan hệ của sự tin tưởng, yêu thương, và vâng phục. Đây là những gì Đức Giêsu đem lại cho chúng ta – một mối quan hệ yêu thương với Thiên Chúa, Đấng đã tác thành nên chúng ta với Người vì yêu thương. Tách lìa Đức Giêsu, không một ai có thể bước vào sự sống và mối quan hệ đó. Bạn có thỏa mãn với sự hiện diện thể lý thuần túy hay bạn đói khát sự sống sung mãn mà Ðức Giêsu ban cho?

Đức Giêsu ban tình bằng hữu vững bền và ân huệ sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa

Đức Giêsu tuyên bố ba điều ở đây. Trước hết, Người ban chính mình như bánh thiêng liêng, đem lại sự sống thật của Thiên Chúa trong chúng ta. Thứ đến, Người hứa đem lại mối tình bằng hữu không chia cắt và sự giải thoát khỏi sự sợ hãi của việc bị từ bỏ hay loại trừ từ Thiên Chúa. Cuối cùng, Người ban cho chúng ta niềm hy vọng được chia sẻ sự sống lại của Người. Những ai đón nhận Đức Giêsu là Chúa và là Đấng cứu chuộc sẽ được đưa lên tới sự sống bất tử với Đức Giêsu, khi Người trở lại vào ngày tận thế. Bạn có biết niềm vui và niềm hy vọng của sự sống lại không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, cái chết của Chúa đem lại sự sống và niềm hy vọng cho những nơi chỉ có sự thất vọng và thất bại. Xin ban cho con niềm hy vọng không lay chuyển vào sự sống đời đời, niềm vui không thể diễn tả của sự hiểu biết tình yêu bền vững của Chúa, và niềm tin và sự vâng phục không nghi ngờ trong việc thực hiện ý Cha trên trời của chúng con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây