Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

Thứ tư - 21/04/2021 07:44

Thứ Năm tuần 3 Phục Sinh.

"Ta là bánh từ trời xuống".

 

Lời Chúa: Ga 6, 44-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: "Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo". Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha.

Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Chúa Cha lôi kéo

Suy niệm:

Sống ở đời là phải chịu nhiều sự lôi kéo.

Thời nay sự lôi kéo lại càng mạnh mẽ và thô bạo.

Có sự lôi kéo của khuyến mãi, giảm giá,

khiến ta vui vẻ mua cả điều không cần.

Có sự lôi kéo của những sản phẩm thuộc đời mới hơn, nhiều chức năng hơn,

khiến chúng ta mê mải chạy theo và rượt đuổi không ngừng.

Có sự lôi kéo của hình ảnh quảng cáo, của thời trang, của sách báo,

khiến chúng ta chẳng làm chủ được cái nhìn, và dễ đi đến chỗ phạm tội.

Để chống lại được sự lôi kéo bên ngoài cần có nội lực bên trong.

Nhiều người sa ngã vì bị kéo bên ngoài, mà bên trong không vững.

“Không ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha,

Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44).

Đức Giêsu khẳng định về sự lôi kéo của Chúa Cha trong đời từng người.

Cha lôi kéo chúng ta về phía Con của Ngài là Đức Giêsu,

bất chấp những lôi kéo ngược lại đến từ phía thế gian, ma quỷ, xác thịt.

Nếu chúng ta để cho Cha kéo đi mà không cưỡng lại,

thế nào ta cũng đến được với Giêsu.

Và Giêsu lại là Con Đường tuyệt vời dẫn ta đến với Cha.

“Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 13, 6).

Như thế Cha đưa ta đến với Con:

“Này là Con ta yêu dấu… hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).

Và Con đưa ta lại cho Cha

để hưởng sự sống đời đời trong ngày sau hết.

Cuộc sống người Kitô hữu là cuộc sống giữa những lôi kéo, giằng co,

giữa chính và tà, giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và Xatan.

Tâm hồn con người là hiện trường của những cuộc giao đấu không ngơi nghỉ.

Hãy để cho Cha lôi kéo bằng cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.

Lời dạy dỗ của Cha có khi chỉ nghe được trong thầm lặng.

Lời ấy đưa ta đến với Giêsu, Đấng duy nhất thấy Cha, biết Cha (c. 46).

Hãy tin vào Giêsu để được Sự Sống vĩnh cửu (cc. 44. 47).

Hãy ăn Tấm Bánh Giêsu để được Sự Sống ngay từ đời này (c. 51).

“Khi nào tôi được giương cao lên khỏi đất,

tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12, 32).

Hãy để Giêsu lôi kéo chúng ta khỏi sự tầm thường của cái tôi ích kỷ.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Chúa đã muốn trở nên con của loài người,

con của trái đất, con của một dân tộc.

Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa

dù họ từ khước Tin Mừng

và đóng đinh Chúa vào thập giá.

Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,

một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu

sau những năm dài chiến tranh,

một quê hương đang mở ra trước thế giới

nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc

và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.

Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên

trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,

nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,

và làm một điều gì đó thật cụ thể

cho những đồng bào quanh chúng con.

Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước

bằng khối óc, quả tim và đôi tay.

Và ước gì chúng con biết khiêm tốn

cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: ÂN SỦNG VÀ TỰ DO

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa Cha không ngừng lôi kéo con người hướng thiện. Hướng về Chúa Ki-tô là Đấng Chúa Cha sai đến để đưa nhân loại về với Người. Nhưng tại sao con người không đáp lại tiếng Chúa mời gọi? Thưa vì giữa ân sủng và con người Thiên Chúa còn để một khoảng trống: đó là tự do. Để ân sủng Thiên Chúa phát sinh hiệu quả con người phải sử dụng tự do của mình mà “lắng nghe” và “đón nhận”.

Để lắng nghe cần khiêm tốn. Lắng nghe là nhìn nhận mình không biết. Lắng nghe phải dẹp bỏ những ý kiến riêng của mình. Lắng nghe là trân trọng lời người nói. Ông quan lớn trong triều đình của nữ hoàng nước Ê-thi-óp là người có chức quyền cao trọng, có nhiều tiền nhiều của. Nhưng ông đã khiêm tốn lắng nghe. Lắng nghe tiếng Chúa nên chăm chỉ đọc Sách Thánh trên đường đi. Lắng nghe lời dẫn giải của Phi-lip-phê. Nhờ lắng nghe mà ông có đức tin. Và ông đón nhận được ơn cứu độ.

Để đón nhận cần từ bỏ mình. Để đón nhận Chúa cần từ bỏ cái tôi. Để đón nhận ân sủng cần từ bỏ tội lỗi. Để đón nhận Nước Trời cần từ bỏ thế gian. Viên quan lớn tổng quản kho bạc của nữ hoàng Ê-thi-óp đã từ bỏ mình nên chịu gìm mình xuống dòng nước để được rửa tội. Từ bỏ chỗ ngồi trên xe êm ấm. Từ bỏ quần áo khô ráo. Để chịu xuống xe. Để chịu xuống nước.

Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người về Chúa Ki-tô. Và Thiên Chúa không ngừng dạy bảo con người. Nhưng ma quỉ, xác thịt, thế gian cũng không ngừng lên tiếng và lôi kéo con người xa lìa Thiên Chúa.

Thiên Chúa lôi kéo ta về Chúa Giê-su. Ma quỉ xác thịt thế gian lôi kéo ta về vương quốc của nó. Thiên Chúa lôi kéo ta về sự sống đời đời. Ma quỉ xác thịt thế gian lôi kéo ta về sự chết. Thiên Chúa lôi kéo để nâng ta lên. Ma quỉ xác thịt thế gian lôi kéo ta xuống để gìm ta xuống bùn đen. Thiên Chúa không thể ép buộc ta. Người chỉ lôi cuốn. Ta có tự do. Nếu biết dùng tự do để lắng nghe và đón nhận Chúa Giê-su ta sẽ đạt tới sự sống đời đời.

 

SUY NIỆM 3: Tin vào Lời Chúa

Rất nhiều khi chúng ta cũng có quan niệm sai lầm về Thiên Chúa. Nói khác đi, chúng ta thường quan niệm theo mẫu mực và lối suy tưởng riêng của chúng ta, do đó Thiên Chúa mà chúng ta muốn chối bỏ không phải là Thiên Chúa thật: chúng ta chối bỏ vị Thiên Chúa theo quan niệm của chúng ta chứ không phải vị Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta, và nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã quả quyết: "Ai thấy Ta là thấy Cha Ta". Chúa Giêsu là mạc khải hữu hình của Thiên Chúa vô hình, và Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải hoàn toàn khác với Thiên Chúa mà chúng ta thường quan niệm hoặc tự vẽ ra cho chính mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đọc thấy lời mạc khải của Chúa Giêsu: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời". Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu nói lên sự thật quan trọng và là trung tâm của đức tin Kitô giáo: con người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời. Giáo Hội đã trải qua bao thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin vào Lời Chúa và hàng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức hơn nữa về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Thánh Thể và được có tâm hồn xứng đáng mỗi khi cử hành bí tích Thánh Thể là bảo chứng cho sự sống đời đời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Tôi là Bánh Hằng Sống

Tôi là bánh trường sinh.

Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc,

nhưng đã chết.

Còn bánh này là bánh từ trời xuống.

Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời.

Và bánh tôi sẽ ban tặng,

Chính là thịt tôi đây,

Để cho thế gian được sống. (Ga. 6, 48-51)

Tiếp theo bài giảng của Đức Giêsu về bánh ban sự sống dẫn đưa chúng ta chiêm ngắm một tiến độ khác trong hoạt động của Đức Giêsu, chúng ta nhớ đến những tiến triển của bài giảng này dần dần đào sâu đến đoạn này.

Lúc đầu là bánh hóa nhiều. Phép lạ nuôi một đoàn dân chúng dẫn họ đi tìm Đấng đã làm phép lạ. Rồi Đức Giêsu rời xa họ, để vào nơi thanh vắng đêm khuya và hôm sau trở lại với các môn đệ bên kia bờ hồ. Tới đây, Người tiếp tục bài giảng sâu hơn, ý nghĩa hơn. Sự thay đổi nơi chốn thể hiện ý nghĩa thay đổi của bài giảng.

Đức Giêsu đồng hóa mình với thứ bánh mới. Ai liên kết với Người sẽ được sống. Đức Giêsu mặc khải mục đích của sự liên kết này là: Cho con người được sống lại. Hôm nay Người nói cho ta biết: Người sẽ trở nên nguồn sống lại cho chúng ta bằng cách nào? Bằng cách hiến thịt mình cho chúng ta ăn. Ở cảnh này, Đức Giêsu còn nói rõ hơn: “Bánh Tôi ban tặng, chính là thịt Tôi đây để cho thế gian được sống”.

Cho tới nhà Tiệc ly, Đức Giêsu nói: “Đây là mình Tôi bị nộp vì anh em”. Tất cả hoạt động của Người, tất cả mọi sự in ấn trong thịt máu Người với những lao khổ, chống đối, những thao thức, những bước đi cho tới lúc chết: Tất cả là hồng ân ban tặng cho chúng ta.

Đức Kitô đã là Người hiến thân cho tha nhân, không phải chỉ trong ý tưởng hay tinh thần mà còn trong hành động cụ thể sống động để lấy thân xác mình là quà tặng cho muôn dân. Như vậy, ai kết hợp với Người là kết hợp với sự sống mạnh mẽ của Người và biểu lộ ra bằng thân xác, biến thân xác mình thành quà tặng ban sự sống như Đức Giêsu.

Phần chúng ta, được thông phần thịt máu Người và được tham dự sự sống lại của Người, đó là thực hiện thánh ý và việc làm của Đức Kitô để sẵn sàng hiến thân mình làm quà tặng cho tha nhân theo gương Người, với tất cả lao khổ, thống khổ của ta để làm tôi tớ mọi người.

Tế lễ của chúng ta là thực hiện những điều đó.

C.G

 

SUY NIỆM 5: Thịt Máu Chúa Giêsu

Ở cổng nhà Dòng nọ có cậu bé bị bỏ rơi, một Thày dòng đã đem về nhà dòng nuôi. Với thời gian, cậu bé lớn lên, khôn ngoan và tinh nghịch. Vốn tính nghịch ngợm, cậu bé bị cấm không được leo lên kho trên gác. Nhưng vì tò mò, ngày nọ Marxellino đã leo lên gác. Cậu sửng sốt khi thấy có một người khổng lồ bị treo trên Thánh giá. Nghĩ rằng người này đang đói, nên ngay đêm đó, Marxellino đã lẻn vào bếp ăn cắp bánh và rượu đem lên cho người bị treo trên Thánh Giá. Từ đò, ngày ngày cậu bé cứ âm thầm tiếp tế lương thực cho con người khốn khổ ấy. Thế rồi, một ngày người khổng lồ ấy xuống khỏi Thánh Giá, đến bên cạnh cậu bé và hỏi: “Con thích điều gì nhất”. Cậu bé đáp: “Con muốn được thấy mẹ con”. Người khổng lồ liền nói: “Con hãy nhắm mắt lại và ngủ say”. Ngày hôm sau, các tu sĩ trong nhà không thấy Marxellino nữa, họ đi tìm và này cậu bé đã chết trong vòng tay của Chúa Giêsu trên Thánh giá.

Đối với Marxellino trong câu chuyện trên, bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói với Chúa Giêsu: “Con yêu mến Chúa”, “Con muốn được chăm sóc Chúa”.

Còn đối với Chúa Giêsu, bánh và rượu Ngài ban qua Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình yêu hiến thân để trở thành lương thực nuôi sống chúng ta, và Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận.

Mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài trong Thánh Thể, con người mới có thể mở rộng trái tim và đôi bàn tay để đón nhận Ngài nơi tha nhân. Chúa Giêsu là Bánh từ trời xuống để lôi kéo con người lên với Chúa Cha, người tín hữu tiếp nhận Ngài trong Thánh Thể cũng được sai đến với tha nhân và lôi kéo họ về với Thiên Chúa. Chia sẽ sự sống thần linh nơi bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi chia sẻ cơm bánh hàng ngày với tha nhân. Và kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ với tha nhân, người tín hữu cảm nhận được sự sống trường sinh và hạnh phúc đích thực tràn ngập tâm hồn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: BÁNH TRƯỜNG SINH LÀ ĐỨC GIÊSU (Ga 6,44-52)

Có một câu chuyện kể rằng: hai người yêu nhau tha thiết, nhưng chàng trai có lệnh lên đường đi nhập ngũ trong thời chiến. Bạn gái rất đau khổ, vì không biết đi như vậy, liệu có sống xót trở về không? Vì thế, nàng khóc lóc thảm thiết! Tuy nhiên, lệnh đã được ban, chàng không có cách nào khác, đành lòng rời xa nàng để đi thi hành nhiệm vụ. Trước khi chia tay, chàng tặng nàng một chiếc khăn mùi xoa với hoa văn thêu rất đẹp. Nàng trân trọng đón nhận và lưu giữ kỷ vật ấy như là vật thiêng thánh, và thi thoảng bỏ ra xem. Mỗi lần nhìn thấy khăn đó, nàng có linh cảm như chàng đang ở trước mặt mình. Vì thế, nàng có thể cười hay khóc rất tự nhiên, khiến nhiều người không khỏi thắc mắc!

Như vậy, qua câu chuyện trên, chúng ta thấy cô gái có một niềm tin mãnh liệt rằng: chiếc khăn ấy chính là hiện thân của người yêu mà mình hết mực thương mến.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi dân chúng tin vào mình. Chỉ khi tin vào Ngài thì những lời Ngài dạy, mọi việc Ngài làm mới thực sự có giá trị đối với họ. Vì “ai tin thì được sự sống đời đời”.

Thật vậy, tin là điều kiện cần phải có để được lãnh nhận hiệu quả siêu nhiên. Nếu không tin, mọi chuyện trở nên vô bổ vì không có sự tương tác.

Khi mời gọi dân chúng tin vào mình để được sống đời đời, Đức Giêsu đã dần dần khai mở và dẫn họ đến xác tín vào Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này.

Lời xác định “Tôi là bánh trường sinh” là lời mạc khải rất đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Bởi vì đây là lời quả quyết cụ thể, chính xác, chắc chắn.

Vì thế, ngày nay, nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ niềm tin vào sự hiện diện toàn vẹn của Đức Giêsu nơi hình bánh và hình rượu. Từ đó, chúng ta yêu mến, cung kính và đón nhận để chúng ta được sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Thịt Chúa thật là của ăn, Máu Chúa thật là của uống. Xin cho chúng con và mọi người biết siêng năng tôn thờ sự hiện diện của Chúa nơi Bí tích cao trọng này, để như một bảo chứng cho sự sống mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7Mầu nhiệm đức tin

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Phương Tây vào thế kỷ XVI sau khi Christophe Colomb khám phá châu Mỹ ít lâu, người ta đồn rằng ở Tân Thế Giới này có một ngọn suối trường sinh.

Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha tên là Ponce de Léon… liền sắm thuyền vượt biển sang Nam Mỹ đi tìm con suối huyền thoại thần tiên đó, nhưng đó cũng chỉ là giấc mộng hão huyền…

Suy niệm

Chúa Giêsu trong diễn từ Thánh Thể ở Capharnaum nói về cuộc sống vĩnh cửu trường sinh khi Ngài đã tuyên bố: “Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,47), lời hứa của giao ước mới đem lại sự trường sinh bất tử. Ai tin thì được Thiên Chúa cưu mang trong đời sống mới và được cứu.

Đức tin mà Đức Giêsu rao giảng là một hồng ân của Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha là Đấng sai Ta, không lôi kéo người ấy” (Ga 6,44). Nhờ đức tin để nhận ra Đức Giêsu là Đấng Mêssia, là Đấng Cứu Thế, được Thiên Chúa Cha sai đến, vượt trên mọi lý luận của con người. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết, hành trình đi đến với Đấng Cứu Thế, là một ân huệ của “Chúa Cha là Đấng sai Ta”. Chúa Cha “lôi kéo” và “giáo hóa” con tim con người: “Ai nghe lời giáo hóa của Cha, thì đến với Ta” (Ga 6,45). Đức tin là hồng ân nhưng không của Chúa Cha ban cho những tâm hồn đơn sơ bé mọn, biết mở rộng tâm hồn để lắng nghe và để cho Chúa Cha “lôi kéo” và “giáo hóa”.

Người Pharisiêu thông thái, tự hào, không chịu mở lòng ra đón nhận ơn “lôi kéo” và “giáo hóa” của Chúa Cha, nên họ không nhận ra và tin vào Chúa Kitô, chính Ngài đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21).

Tin vào Chúa Kitô, chứng nghiệm những gì mà Ngài đang rao giảng về mình và máu Ngài dâng hiến. Chính trong niềm tin đó, người có niềm tin hằng ngày được nuôi dưỡng bằng thịt uống máu của Ngài mang lại sự sống đời đời: “Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát” (Ga 6,35). “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51-52).

Cho nên, bí tích Thánh Thể là bí tích của đức tin, vì chỉ có lòng tin là con đường duy nhất đưa ta đến bên bí tích mầu nhiệm thánh này. Cho nên, mỗi thánh lễ sau truyền phép, khi thừa tác viên của Giáo hội lập lại lời Chúa Giêsu: “Này là Mình Ta…, Này là Máu Ta…” bánh và rượu ngay lúc đó trở thành Mình Máu Chúa. Giáo hội hoàn toàn xác tín: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Trong đức tin, nếu chúng ta sống kết hiệp với Thiên Chúa qua bí tích Thánh Thể, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên tràn ngập hồng ân. Chính lúc đó, chúng ta mới cảm nghiệm được sâu sắc lời của thánh Augustinô: “Có đức tin là tin những gì chúng ta không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì chúng ta tin”.

Lạy Chúa con tin….

Ý lực sống: “Đức tin cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không tin” (Victor Hugo).

 

SUY NIỆM 8: Bánh hằng sống từ trời xuống

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng hôm nay vẫn tiếp tục triển khai diễn từ của Đức Giêsu về bánh hằng sống. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần đầu, Đức Giêsu tiếp tục nói rõ hơn về nguồn gốc của Ngài; phần sau, Chúa khẳng định lại điều Ngài đã nói trước đó: “Ta là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.

2. Đức Giêsu tiếp tục nói rõ hơn về nguồn gốc của Ngài. Ngài bảo cho mọi người biết: Ngài bởi Chúa Cha mà đến, nên ai đến với Ngài và tin vào Ngài là nhận được ân huệ lớn nhất, ân huệ bao gồm mọi ân huệ mà Thiên Chúa ban cho loài người, đó là sự sống đời đời.

Chúa Cha không ngừng lôi kéo con người hướng thiện. Hướng về Chúa Kitô là Đấng Chúa Cha sai đến để đưa nhân loại về với Người. Nhưng tại sao con người không đáp lại tiếng Chúa mời gọi? Thưa vì giữa ân sủng và con người, Thiên Chúa để một khoảng trống: đó là tự do. Để ân sủng Thiên Chúa phát sinh hiệu quả, con người phải dùng tự do của mình mà “lắng nghe” và “đón nhận” Lời Chúa.

3. Sau khi nói cho mọi người biết rõ nguồn gốc của mình, Đức Giêsu mạc khải và khẳng định  điều Ngài đã quả quyết trước đó: “Tôi là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Người Do thái phản đối, nhưng Chúa vẫn giữ nguyên lời quả quyết, rồi Chúa trở lại câu chuyện manna để làm nổi bật hiệu lực của manna mới: “Tổ tiên các ngươi trong sa mạc đã ăn manna, và đã chết. Còn bánh bởi trời là bánh hằng sống, ai ăn bánh này sẽ không chết”.

Những lời dạy của Đức Giêsu nói lên sự thật quan trọng và là trung tâm của đức tin Kitô giáo: con người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời. Giáo hội đã trải qua bao nhiêu thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin Lời Chúa và hằng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa.

4. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi dân chúng tin vào mình. Chỉ khi tin vào Ngài thì những lời Ngài dạy, mọi việc Ngài làm mới thực sự có giá trị đối với họ. Vì “ai tin thì sẽ được sống đời đời". Thật vậy, tin là điều kiện cần phải có để được lãnh nhận hiệu quả siêu nhiên. Nếu không tin, mọi chuyện trở nên vô bổ vì không có tương tác.

Khi mời gọi dân chúng tin vào mình để được sống đời đời, Đức Giêsu dần dần khai mở và dẫn họ đến xác tín vào Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Lời xác định “Tôi là bánh trường sinh” là lời mạc khải rất đặc biệt trong Tin mừng Gioan. Bởi vì đây là lời quả quyết cụ thể, chính xác, và chắc chắn.

Vì thế, ngày nay, nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ niềm tin vào sự hiện diện toàn vẹn của Đức Giêsu nơi hình bánh và hình rượu. Từ đó, chúng ta yêu mến, cung kính và đón nhận để chúng ta được sự sống đời đời.

5. Tóm lại, Đức Giêsu đã mạc khải cho người Do thái biết Ngài là Thiên Chúa, đến để ban ơn cứu chuộc cho họ cũng như mọi người, và Ngài ban chính thịt máu Ngài làm lương thực ban sự sống đời đời; nhưng họ nhất định không tin Ngài.

Đó là chuyện ngày xưa của người Do thái, còn chúng ta ngày nay, chúng ta có thái độ thế nào, chúng ta có tin mạnh mẽ, tin tuyệt đối vào Đức Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể không? Và chúng ta siêng năng tham dự Thánh lễ, dọn lòng sốt sắng để rước Chúa Giêsu Thánh Thể không? Xin Chúa ban cho chúng ta có lòng sùng kính và mến yêu phép Thánh Thể và tin thật đây là thần lương nuôi dưỡng để giúp chúng ta đến cuộc sống đời đời.

6. Truyện: Bí quyết trường sinh bất tử?

Tần Thủy Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài 2000 dặm. Đó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.

Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy hoàng rất sợ chết, ông muốn được  trường sinh bất tử, nên ông tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng.

Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Tần Thủy Hoàng liền phái nhiều tầu thuyền chất đầy châu báu ngọc ngà quí hiếm để đi tìm, với hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.

Thế rồi ông lo xây mồ như cung điện nguy nga, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông ngân hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên 50 tuổi thì chết.



 

Nếu ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời – SN song ngữ 22.4.2021

 
 

Thursday (April 22): “If anyone eats of this bread, he will live for ever”

 

Scripture: John 6:44-51

44 No one can come to me unless the Father who sent me draws him; and I will raise him up at the last day. 45 It is written in the prophets, `And they shall all be taught by God.’ Every one who has heard and learned from the Father comes to me. 46 Not that any one has seen the Father except him who is from God; he has seen the Father. 47 Truly, truly, I say to you, he who believes has eternal life. 48 I am the bread of life. 49 Your fathers ate the manna in the wilderness, and they died. 50 This is the bread which comes down from heaven, that a man may eat of it and not die. 51 I am the living bread which came down from heaven; if any one eats of this bread, he will live for ever; and the bread which I shall give for the life of the world is my flesh.”

Thứ Năm    22-4        Nếu ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời

 

Ga 6,44-51

44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.48 Tôi là bánh trường sinh.49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết.50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết.51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

Meditation: 

 

God offers his people abundant life, but we can miss it. What is the bread of life which Jesus offers? It is first of all the life of God himself – life which sustains us not only now in this age but also in the age to come. The Rabbis said that the generation in the wilderness have no part in the life to come. In the Book of Numbers it is recorded that the people who refused to brave the dangers of the promised land were condemned to wander in the wilderness until they died. The Rabbis believed that the father who missed the promised land also missed the life to come. God sustained the Israelites in the wilderness with manna from heaven. This bread foreshadowed the true heavenly bread which Jesus would offer his followers.

Jesus is the “bread of life”

Jesus makes a claim only God can make: He is the true bread of heaven that can satisfy the deepest hunger we experience. The manna from heaven prefigured the superabundance of the unique bread of the Eucharist or Lord’s Supper which Jesus gave to his disciples on the eve of his sacrifice. The manna in the wilderness sustained the Israelites on their journey to the Promised Land. It could not produce eternal life for the Israelites. The bread which Jesus offers his disciples sustains us not only on our journey to the heavenly paradise, it gives us the abundant supernatural life of God which sustains us for all eternity.

The food that makes us live forever

When we receive from the Lord’s table we unite ourselves to Jesus Christ, who makes us sharers in his body and blood and partakers of his divine life. Ignatius of Antioch (35-107 A.D.) calls it the “one bread that provides the medicine of immortality, the antidote for death, and the food that makes us live for ever in Jesus Christ” (Ad Eph. 20,2). This supernatural food is healing for both body and soul and strength for our journey heavenward.

Do you hunger for the “bread of life”?

Jesus offers us the abundant supernatural life of heaven itself – but we can miss it or even refuse it. To refuse Jesus is to refuse eternal life, unending life with the Heavenly Father. To accept Jesus as the bread of heaven is not only life and spiritual nourishment for this world but glory in the world to come. When you approach the Table of the Lord, what do you expect to receive? Healing, pardon, comfort, and rest for your soul? The Lord has much more for us, more than we can ask or imagine. The principal fruit of receiving the Eucharist or Lord’s Supper is an intimate union with Christ. As bodily nourishment restores lost strength, so the Eucharist strengthens us in charity and enables us to break with disordered attachments to creatures and to be more firmly rooted in the love of Christ. Do you hunger for the “bread of life”?

“Lord Jesus, you are the living bread which sustains me in this life. May I always hunger for the bread which comes from heaven and find in it the nourishment and strength I need to love and serve you wholeheartedly. May I always live in the joy, peace, and unity of the Father, Son, and Holy Spirit, both now and in the age to come.”

Suy niệm:

 

Thiên Chúa ban cho dân Người sự sống sung mãn, nhưng chúng ta có thể bỏ nhỡ nó. Bánh sự sống mà Đức Giêsu nói đến là gì? Đó là sự sống trước hết trong tất cả mọi sự sống, sự sống của chính Thiên Chúa – sự sống không chỉ nuôi dưỡng chúng ta bây giờ ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Các thầy Rabbi nói rằng thế hệ trong hoang địa không có phần trong sự sống sắp đến. Sách Dân số ghi lại rằng những người khước từ để đương đầu với những nguy hiểm của đất hứa đã bị lên án đi lang thang trong hoang địa cho đến khi chết. Các thầy Rabbi tin rằng tổ tiên họ đã không đến được đất hứa cũng sẽ không có sự sống sắp đến. Thiên Chúa nuôi dưỡng dân Israel trong hoang địa với bánh manna từ trời. Bánh này tiên báo bánh bởi trời đích thật mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ.

Đức Giêsu là “bánh sự sống”

Đức Giêsu đã đưa ra lời tuyên bố mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói: Ta là bánh đích thật bởi trời có thể làm thỏa mãn sự đói khát sâu thẳm mà chúng ta cảm nghiệm được. Bánh manna từ trời đã biểu hiện trước sự sung mãn của bánh Thánh Thể duy nhất hay bữa tiệc của Chúa, mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ vào tối hôm lễ hy sinh của Ngài. Bánh manna trong hoang địa đã nuôi dưỡng dân Israel trên cuộc hành trình của họ đến Đất Hứa. Nó không thể đem lại sự sống đời đời cho dân Israel. Bánh mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ nuôi dưỡng chúng ta không chỉ trên cuộc hành trình tiến về Thiên đàng, mà nó còn ban cho chúng ta sự sống thiêng liêng sung mãn của Thiên Chúa, mà nuôi dưỡng tất cả chúng ta mãi mãi.

Lương thực cho chúng ta sống đời đời

Khi chúng ta đón nhận từ bàn tiệc của Chúa, chúng ta kết hiệp mình với Đức Giêsu Kitô, Đấng cho chúng ta được chia sẻ trong Mình và Máu của Ngài và là người chia sẻ sự sống thần linh của Ngài. Ignatius thành Antioch (35-107 A.D.) gọi nó là “bánh đem lại linh dược bất tử, thuốc giải cho cái chết, và lương thực làm cho chúng ta sống mãi mãi trong Đức Giêsu Kitô” (Ad Eph.20,2). Lương thực siêu nhiên này chữa lành cả xác và hồn và ban sức mạnh cho cuộc hành trình của chúng ta tiến về nước Trời.

Bạn có đói “bánh sự sống” không?

Đức Giêsu ban cho chúng ta sự sống siêu nhiên sung mãn của Thiên đàng – nhưng chúng ta có thể mất nó hay thậm chí từ khước nó. Từ khước Đức Giêsu là từ khước sự sống đời đời, sự sống bất diệt với Cha trên trời. Đón nhận Đức Giêsu là bánh bởi trời không chỉ là sự sống và sự nuôi dưỡng thiêng liêng cho thế giới này, mà còn là vinh quang trong thế giới sắp tới nữa. Khi bạn đến gần Bàn tiệc của Chúa, bạn muốn lãnh nhận điều gì? Sự chữa lành, ơn tha thứ, sự an ủi, và sự nghỉ ngơi cho linh hồn mình? Chúa còn có nhiều hơn nữa cho chúng ta, nhiều hơn chúng ta có thể cầu xin hay tưởng tượng. Kết quả chính của việc đón nhận Thánh Thể hay Bữa tiệc của Chúa là sự kết hiệp thân mật với Đức Kitô. Như sự nuôi dưỡng thể xác phục hồi sức khỏe đã mất, cũng vậy, Thiên Chúa tăng cường chúng ta trong Đức mến và giúp chúng ta cắt đứt với những dính bén vô độ với các thụ tạo và ăn rễ sâu vào tình yêu của Đức Kitô. Bạn có đói khát bánh sự sống không?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là bánh hằng sống nuôi dưỡng con trong cuộc sống này. Chớ gì con luôn luôn đói khát bánh đến từ trời và tìm thấy trong nó sự nuôi dưỡng và sức mạnh con cần đến để yêu thương và phụng sự Chúa hết lòng. Chớ gì con luôn luôn sống trong niềm vui, bình an, và hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, bây giờ và mãi mãi.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

SUY NIỆM

1. Chúa Cha lôi kéo (c. 44)

a. Lời xầm xì

Câu trả lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”,  khởi đi từ lời “xầm xì” của Người Do Thái (c. 41-43). Thật vậy, chính khi Đức Giê-su nói: “Chính tôi là bánh trường sinh… Tôi tự trời mà xuống” (c. 34 và 38), những người nghe Người liền xầm xì phản đối:

Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?”  (c. 42)

Vấn nạn có thể được coi như những lời lẩm bẩm, giống như Dân Chúa trong sa mạc đã lẩm bẩm, vì Đức Giê-su nói với họ: “các ông đừng có xầm xì với nhau” (c. 43). Chúng ta đừng quên, trong số những người nghe, có các môn đệ; và trong số họ, có những môn đệ sẽ bỏ Ngài ra đi sau khi nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi?” Trong mức độ nào đó, lời “lẩm bẩm” này còn nghiêm trọng hơn những vấn nạn của người Do Thái, vì phản ứng như thế là từ chối đối thoại. Những vấn nạn này luôn tồn tại trong lịch sử và ngày nay vẫn còn rất thời sự. Và có lẽ chúng ta chỉ cầu nguyện được với đoạn Tin Mừng này, nếu chúng ta ở mức độ nào đó, nhận những vấn nạn làm của mình, hay đó cũng là những vấn nạn của chính chúng ta.

Thật vậy, đây cũng chính là lời “xầm xì” của người thời đại chúng ta, và cũng chính chúng ta nữa, ít nhất là ngấm ngầm. Ngày nay, qua các phương pháp nghiên cứu sử học, người ta biết nhiều hơn và khách quan hơn về Đức Giêsu Nazareth, như là một nhân vật lịch sử, về tôn giáo của dân tộc Ngài, về bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị thời đại của Ngài. Người ta thán phục về nhân cách độc nhất vô nhị của Ngài. Có người cho Ngài là một nhà cải cách về tôn giáo, người khác về luân lý, người khác về xã hội, người khác cho Ngài là người duy lý, duy nhân bản,… Tuy nhiên, người ta không thể chấp nhận niềm tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là “Bánh từ trời xuống”. Khó khăn trong việc tin Đức Giê-su Nazareth, con của ông Giuse và bà Maria, là Con Thiên Chúa, là “Bánh từ trời xuống”, cũng chính là khó khăn khi chúng ta tin nơi Thiên Chúa, khởi từ thiên nhiên, lịch sử và những biến cố mà chúng ta đã trải qua.

Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin, đến từ lòng khao khát Thiên Chúa và nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử. Và căn tính thần linh của Đức Giê-su sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giê-su chịu thương khó : “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”. Xin cho chúng ta có được kinh nghiệm thiết thân, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô. Chứ không phải là không phải là thấy, biết, hay ăn uống Đức Ki-tô một cách vật chất.

b. Cách Chúa Cha lôi kéo

Và để giúp người nghe tin nơi Người, Đức Giê-su nói: “Thôi đừng có xầm xì với nhau. Không ai có thể đến với tôi, nếu Chúa Cha đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 43-46). Như thế, người ta không thể tin vào Đức Giê-su nếu không tin vào Thiên Chúa; và sau này Chúa nói: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy (Ga 16, 6). Bởi vì, Chúa Cha và Chúa con là một: “Không ai đã thấy được Chúa Cha, nếu không phải là Đấng đến từ Thiên Chúa. Ngài đã thấy Chúa Cha.”

Phải chăng đó là ngõ bí, vì rốt cuộc người ta phải tin Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa dẫn đưa, mới để có thể đến với Đức Giê-su? Đó là bởi vì chỉ Đấng Hoàn Hảo mới có thể dẫn chúng ta đến với Đấng Hoàn Hảo mà thôi. Điều tiên quyết, để tin Đức Giê-su, là chúng ta phải có lòng ước ao Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào lại không thể không ước ao Thiên Chúa được, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Con người ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Tuy nhiên, lòng ước ao này có thể bị phủ lấp, bị che đậy (chứ không bị mất đi) bởi “những sự khác” thuộc về đời này.

Đức Giê-su tín thác vào “công trình của Chúa Cha”; trong cả ba lần trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đều nhắc tới Chúa Cha (c. 37.44-45.57). Trong trường hợp thứ hai, chúng ta cần dừng lại thật lâu: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44), “Ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (c. 45; 65).

Chúa Cha lôi kéo như thế nào, đó là “công trình của Người”; chúng ta có thể nhìn lại đời mình, từ lúc được hình thành trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13) cho đến bây giờ, để nhận ra cách thức chúng ta đã đến được với Đức Giê su với tư cách là Ki-tô hữu, hay là môn đệ của Ngài trong đời dâng hiến, khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ rất kinh ngạc. Và hiển nhiên là Chúa Cha có thể lôi kéo người ta một cách ngoại thường; nhưng theo Đức Giê su, Ngài cũng lôi kéo mọi người một cách rất tự nhiên và phổ quát:

Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. (c. 45)

2. Chúa Cha giáo huấn (c. 45-46)

Hết mọi người đều được Thiên Chúa dạy dỗ; và người ta chỉ cần mở tai ra để lắng nghe giáo huấn của Thiên Chúa, là có thể đến được với Đức Giê su. Nhưng giáo huấn của Thiên Chúa được ban cho con người ở đâu và như thế nào?

– Trước hết, giáo huấn của Thiên Chúa nằm ngay trong bản tính của con người, bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; và hình ảnh này được biểu lộ ngang qua bản tính hướng về sự thiện, tình yêu không cùng và sự sống viên mãn. Đó chính lòng ước ao Thiên Chúa, Nguồn Sự Thiện, Tình Yêu và Sự Sống, dù con người ý thức hay không ý thức.

– Giáo huấn của Chúa Cha, có thể nói, còn được “ghi âm” ở trong sáng tạo (x. Tv 8; 19; 104; 139), được ghi âm trong ơn huệ sự sống và trong ơn huệ lương thực (x. St 1, 29). Trong thư gởi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô đặc biệt nhấn mạnh đến cách giáo huấn này của Chúa Cha, đến độ người ta không thể tự bào chữa được: “Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo” (Rm 1, 20-21)

– Ngoài ra, giáo huấn của Chúa Cha cũng được “ghi âm” trong lịch sử, bởi vì lịch sử của Israel, lịch sử của nhân loại và lịch sử của từng người chúng ta đều là lịch sử thánh. “Thánh” ở đây, không phải là không tì vết, nhưng ngược lại, là đầy tì vết và những thăng trầm, nhưng vẫn được Thiên Chúa “bao bọc cả sau lẫn trước” (Tv 139, 5) và dẫn dắt. Như ông Giuse nói với các anh: “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50, 20).

Chính khi chúng ta nhạy bén với giáo huấn của Chúa Cha, chúng ta sẽ được chính Chúa Cha lôi kéo đến với Đức Giê-su, và nhận ra rằng Ngài là “Giáo Huấn Trọn Vẹn” của Thiên Chúa Cha, và Ngài đến để làm cho trọn vẹn ơn huệ sự sống mà Thiên Chúa có ý định trao ban từ thuở đời đời và con người hằng khát khao, đó là Bánh Hằng Sống.

Bánh Hằng Sống mà Đức Giê su hứa ban cho chúng ta khởi sự với ơn huệ bánh ăn hằng ngày của chúng ta, hướng tới sự sống thần linh mạnh hơn sự chết, bởi lòng ước ao, bằng cách đi ngang qua Bánh Thánh Thể. Tin Mừng cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua Thập Giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh: bánh được nghiền nát để trở thành sự sống cho con người.

Và sự sống mới không chỉ có ở đời sau, nhưng đã bắt đầu phát sinh và lan tỏa ngay hôm nay. Các bài đọc 1, trích sách Công Vụ Tông Đồ, kể lại cho chúng ta sự sống mới do Đức Kitô phục sinh thông truyền đã lớn mạnh và sinh hoa trái như thế nào nơi các tông đồ và cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Và cũng phải như thế trong Giáo Hội, trong cộng đoàn, trong đời sống và tâm hồn của chúng ta hôm nay.

3. “Tôi là bánh trường sinh” (c. 47-51)

Chúng hãy chú ý đến các động từ: “tin” (c. 47), “ăn” (c. 51). Đó là những hành vi tương đương và soi sáng cho nhau, bởi vì có cùng hiệu quả là sự sống đời đời. Con người ở mọi thời và ở khắp nơi luôn đi tìm quả trường sinh hay một thứ thần dược trường sinh. Đó là vấn đề trái cây sự sống trong vườn Eden: ông bà Adam va Evà đã hái và ăn trái cấm, vì tin rằng trái này sẽ làm cho mình trở nên thần linh vừa bất tử vừa biết hết mọi sự. Bất tử trên đời này là một điều thú vị và ai cũng khao khát; nhưng xét cho cùng cuộc đời này, cuộc sống này có đáng cho chúng ta sống mãi không?

Để sống đời đời, Đức Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, một thức ăn hay một thức uống. Đức Giêsu mời gọi chúng ta “ăn uống” máu thịt  của bản thân Ngài, mà bản thân Ngài, giống như chúng ta, là một ngôi vị sống động, chứ không phải là món ăn. Như thế, bánh hay của ăn trường sinh, không phải là một vật thể ăn được, có phép nhiệm mầu biến đổi con người thành bất tử, nhưng là ngôi vị Đức Giêsu mà chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, để ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “không còn là tôi sống, nhưng Đức Ki-tô sống trong tôi”. Giống như khi chúng ta đến dùng bữa do người thân hay người bạn thiết đãi. Ngang của ăn và của uống mà người kia chuẩn bị và dọn ra mời chúng ta; khi ăn và uống, chúng ta được mời gọi “ăn uống” một của ăn khác, là tình thương, tình bạn và tình yêu của người kia.

Thiên Chúa ban lệnh cấm trong vườn Eden, để nói với con người rằng thiên tính không phải là một sự vật để ham muốn, để chiếm lấy và ăn ngấu nghiến, nhưng là một ngôi vị, là chính Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi đặt hết niềm tin và đi vào tương quan thiết thân. Qua hành vi “ăn”và “uống” Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời, để Ngài trở thành xương thịt, thành sự sống cho chúng ta. Chúa ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trao ban tất cả những gì mình có và mình là cho chúng ta, Chúa ước ao trở nên một với chúng ta. Giống như tấm bánh hay chén cơm hằng ngày: được chúng ta đón nhận như ân huệ, được  ăn, được nghiền nát, được hòa tan để trở thành sự sống cho chúng ta.

*  *  *

Đức Kitô ước ao như thế và Ngài thực hiện ước ao của mình một cách thực sự nơi bí tích Thánh Thể, diễn tả sự hiến mình trên Thập Giá. Ước gì Đức Kitô, bánh Trường Sinh, làm thỏa mãn mọi cơn “đói khát” của chúng ta; ước gì khi cảm nếm được Ngài, chúng ta không còn “thèm ăn, thèm uống” bất cứ điều gì nữa trên đời này.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây