Thứ Sáu tuần 17 thường niên.

Thứ năm - 29/07/2021 07:43

Thứ Sáu tuần 17 thường niên.

"Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"

 

Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người.

Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

 

 

Suy Niệm 1: Đức Giêsu về quê

Suy niệm :

Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,

có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.

Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao kỷ niệm.

Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.

Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.

Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.

Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),

và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.

Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.

Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho nhu cầu dân làng.

Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.

Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.

Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.

Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.

Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.

Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,

nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.

Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.

Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.

Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.

Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.

Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.

Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,

Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.

Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).

Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.

Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.

Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.

Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.

Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).

Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.

Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ?

Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?

Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.

Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến

khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.

Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?

Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.

Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.

Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.

Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,

để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nadarét đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Yêu thương và khước từ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa quá yêu thương con người. Tình yêu biểu lộ qua dân Ít-ra-en. Yêu thương nên đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập. Để giải thoát họ Chúa phải trừng phạt người Ai-cập. Yêu thương nên ban cho họ miền Đất Hứa. Xua đuổi các dân khác để họ có nơi cư ngụ. Yêu thương nên thiết lập họ thành dân riêng của Chúa. Yêu thương nên ban lề luật. Dạy họ từng li từng tí trong tổ chức đời sống, trong cử hành phụng vụ. Từ lễ Vượt Qua đến lễ Bánh Không Men. Từ lễ Xá Tội đến Lễ Lều. “Đó là các đại lễ của Đức Chúa, là những ngày mà các ngươi phải triệu tập những cuộc họp để thờ phượng Ta”. Quả thật, chẳng có dân tộc nào được Chúa yêu thương như vậy (năm lẻ).

Nhưng dân vốn hay quên. Nên hay phản bội. Quen quá hóa nhàm. Gần chùa gọi bụt bằng anh. Đứng núi này trông núi nọ. Chúa yêu thương gần gũi nên họ coi thường. Họ chạy theo thần tượng của chư dân. Họ phản bội Chúa. Nhưng Chúa vẫn yêu thương, cử tiên tri Giê-rê-mi-a đến cảnh tỉnh họ. Mong họ hối lỗi để được tha thứ. Tránh được tai họa: “Ngươi hãy công bố mọi lời của Ta đừng bớt lời nào. May ra chúng sẽ nghe và mỗi người sẽ bỏ con đường xấu xa của mình mà trở lại, bấy giờ Ta sẽ hối tiếc về tai họa chính ta đang định giáng trên chúng”. Không những họ không nghe mà còn muốn bắt Giê-rê-mi-a giết đi (năm chẵn).

Chúa vẫn tiếp tục yêu thương. Đến thời sau hết, sai Con Một đến để trực tiếp ngỏ lời với dân Chúa.Con Chúa sinh xuống làm người. Sống giữa dân Chúa. Để yêu thương. Để dạy dỗ. Để hoán cải. Mong họ nên tốt hơn. Nhưng càng gần gũi họ càng coi thường. Hôm nay Chúa về làng quê thăm viếng và mặc khải cho họ biết tình yêu thương và ơn cứu độ của Chúa. Họ rất thán phục lời lẽ khôn ngoan. Nhưng lại không tin. Vì họ cho rằng họ biết rõ gốc gác nghèo hèn của Chúa: “Ông không phải là con bác thợ sao?...Và họ vấp ngã vì Người”. Họ còn muốn giết Người nữa.

Ai có thể đáp lại tình yêu thương của Chúa. Lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong thời đại ngày càng lìa xa Chúa này?

 

Suy Niệm 3: Tâm Thức Thời Ðại

Dư luận trong giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: "Ngỡ Ngàng Trước Tương Lai", trong đó tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả thì tâm lý thường tình của con người thích những khuôn sẵn có cho cuộc sống của mình nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi nhưng tận thâm tâm,con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, và tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành kiến.

Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.

Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?

Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng ta. Xin ban Thánh Thần để chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày để chúng ta luôn tin nhận Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Nghĩa Vụ Ngôn Sứ (Mt 13,54-58)

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu về sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu mà các tín hữu Kitô đều tham dự vào. Sau một thời gian rao giảng làm phép lạ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi trở về làng cũ, những người quen biết với Ngài lại chỉ dành cho Ngài một sự tiếp đón lạnh nhạt. Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương mình và gia đình mình. Ðây là lần đầu tiên áp dụng cho mình tước hiệu ngôn sứ; vị ngôn sứ mà Ngài tự đồng hóa là một ngôn sứ bị ngược đãi.

Ý niệm về ngược đãi và ngay cả bị bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống ngôn sứ trong Cựu Ước. Ðược Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các ngôn sứ trong Cựu Ước không chỉ nói bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của mình. Ðộc đáo nhất hẳn phải là cung cách của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị ngôn sứ này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.

Riêng tiên tri Hôsê thì lại triệt để hơn trong sứ mệnh của mình khi ông đi cưới một cô gái điếm về làm vợ. Với hành động này ông cũng muốn nói với dân Do Thái rằng họ đã bất trung với Thiên Chúa. Không thể chọn lựa thái độ thinh lặng, thỏa hiệp hay sợ hãi, ông đã lên tiếng tố cáo bất công, tội ác hay bạo quyền và hành động của ông đã gây nên phẫn nộ trong dân.

Chính vì thế và cũng như các ngôn sứ trong Cựu Ước; cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, và nhất là cũng như chính Chúa Giêsu, tất cả những ai dám lên tiếng nói lên sự thật cũng đều được liên kết chung với nhau trong cùng một số phận là bị khinh rẻ, ngược đãi, oán ghét, sỉ vả và khai trừ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Vẫn chỉ có từ chối.

Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được nhiều phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Simon và Giu-đa sao?” (Mt. 13, 54-55)

Người ta không còn cảm thấy giật mình khi nghe tư tưởng này: “Giả như hôm nay Chúa Giêsu trở lại với chúng ta…”

Tôi nghĩ rằng, nếu hôm nay Chúa Giêsu trở lại, thì Người cũng sẽ chẳng có được may mắn hơn với những người đồng hương của Người đâu.

Chẳng có được may mắn đâu.

Giả như hôm nay Người trở lại làm người Do-thái? Liệu Người có được những đồng bào của mình ở Giê-ru-sa-lem hay ở Tel-Aviv lắng nghe không? Liệu Người có được các thành viên Liên Hiệp Quốc hay các nghị viện trong các thượng hạ viện của chúng ta lắng nghe không?

Liệu Người có phải dành một chỗ ở sân thế vận hội để công bố sứ điệp của Người không. Còn chúng ta, những người có đức tin, những người tin vào Chúa Giêsu liệu chúng ta có chấp nhận để cho Người thôi thúc ta, chấp nhận sống triệt để sứ điệp của Người chăng?

Chúa có cần đến một bộ máy tuyên truyền để thu hút quần chúng? Có lẽ Người phải làm những phép lạ hoàn toàn “giật gân” như có người nói. Rồi sau màn “trình diễn” và những phép lạ, người ta có nghe Chúa không?

Bởi vì có lẽ Chúa sẽ nói cho ta hay, dù rằng chúng ta chọn sống chế độ nào: tư bản, dân chủ, độc tài, quân phiệt, thì Người cũng sẽ nói: “Lệnh truyền của tôi là anh em hãy yêu thương nhau” Dù anh em là người Phật Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Công Giáo “Anh em hãy yêu thương nhau”

Dù anh em là công nhân của một nghiệp đoàn nào đó, hay dù là ông chủ của xí nghiệp “Anh em hãy yêu thương nhau.” Rồi có lẽ Người sẽ nhắc nhở ta nhớ đến Mười Điều Răn y như Người đã dạy ta vậy.

Giả như Người trở lại.

Người có trở lại không? có lẽ người ta sẽ gọi vấn đề này là một Xì-căng-đan! Ngay trong chúng ta, có nhiều người không tin điều này, họ muốn chúng ta sống trung thực.

Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Người đã gửi Thần Khí Người đến với ta để nhắc nhở ta tình yêu Cha Người dành cho ta! Như vậy mà còn không đủ thúc đẩy ta sống yêu thương, thì giả như Chúa Kitô có trở lại, Người cũng chẳng hoán cải nổi chúng ta đâu.

 

Suy Niệm 6: LOAN BÁO TRONG MỌI HOÀN CẢNH  (Mt 13, 54-58)

Xem lại lễ Thánh Giuse Thợ ngày 1/5

 “Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Đức Giêsu và có tính tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Đức Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm.

Hôm nay, chính Đức Giêsu cũng đã trải qua sự thật đó khi về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Khi biết rõ về thân thế, gia cảnh của Đức Giêsu, những người Dothái sinh thời với Ngài đã không thể chấp nhận được, và như một lẽ tất yếu, họ không tin và cũng chẳng tôn trọng Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã không làm được phép lạ nào tại quê hương của mình vì sự cứng lòng tin nơi họ.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ cho chúng ta rằng: trong cuộc đời và trên hành trình loan báo Tin Mừng của người môn đệ, chúng ta cũng sẽ gặp phải những khó khăn, thất bại và chống đối, hiểu lầm và cô đơn… Tuy nhiên, hình ảnh Đức Giêsu lướt qua họ khi những người này muốn xô Ngài xuống vực đã dạy cho chúng ta một bài học: bổn phận của chúng ta là loan báo Lời Chúa, nên chúng ta cứ can đảm và sẵn sàng loan báo cho dù có những cản trở, khó khăn đến từ mọi phía…

Chúng ta không bận tâm đến quá nhiều kết quả, vì thành công hay không là việc của Chúa. Chúng ta chỉ là người thợ trong bàn tay Chúa và chỉ biết làm những việc phải làm mà thôi. Có được tâm tình ấy, chúng ta sẽ rao giảng Lời Chúa: “... lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tm 4,2).

Lời Chúa hôm nay còn nhắc cho chúng ta biết: hậu quả của sự thành kiến đã làm chúng ta bỏ lỡ hay cố tình không chấp nhận nhiều việc tốt của người khác. Hoặc nhất định không làm việc hữu ích chỉ vì điều đó được khởi xướng từ một người mà chúng ta không ưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vững tin rằng: Chúa là tất cả đời con, nên mọi khó khăn thử thách sẽ không làm cho chúng con chùn chân bước theo Chúa. Xin cho chúng con xóa bỏ thành kiến để công cuộc loan báo Tin Mừng đạt được nhiều kết quả. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Mở mắt đức tin

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người. Ngài đến với chúng ta trong những cái tầm thường và bất ngờ nhất của cuộc sống. Muốn nhận ra Chúa, chúng ta cần có ánh sáng của niềm tin.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, những kẻ đồng hương đã khước từ Chúa vì họ chỉ nhìn Chúa bằng con mắt tự nhiên. Họ thiếu lòng tin. Vâng, con người tự nhiên là thế đó. Với lối nhìn hẹp hòi, con thường đánh giá người khác qua dáng vẻ bề ngoài, qua tiền bạc, nghề nghiệp, học lực… mà không nhìn thấy giá trị thật bên trong con người họ. Hoặc đối với những người thân, con thường đánh giá thấp, vì con sống theo kiểu “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Và nhiều lúc có thể con đã đánh giá chính Chúa như vậy.

Lạy Chúa Giêsu, xin mở mắt đức tin cho con để con nhận ra Chúa nơi vẻ bề ngoài khiêm tốn của bí tích Thánh Thể và của Giáo Hội. Xin Chúa mở mắt đức tin cho con, để con có thể nhìn thấy Chúa nơi những người tầm thường nhất. Cũng như những người Na-da-rét, nhiều lúc con đâu ngờ rằng “con người tầm thường” ấy lại là chính Con Thiên Chúa làm người.

Xin Chúa mở mắt đức tin cho con để con nhận biết Chúa vẫn hiện diện với con trong những bất hạnh của cuộc sống. Những khi con gặp rủi ro, những lần con thiếu may mắn, Chúa cùng chia sẻ niềm đau với con. Chính trong những hoàn cảnh éo le ấy, Chúa đến với con thật bất ngờ. Xin Chúa giúp con biết khám phá bóng dáng Chúa trong cuộc đời bình thường, biết lắng nghe tiếng Chúa trong thinh lặng, biết nhìn thấy Chúa nơi bất cứ ai và biết sống với Chúa trong cảnh đen tối nhất của cuộc đời. Amen.

Ghi nhớ: “Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư ? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy ?”

 

Suy Niệm 8: Con người từ khước Thiên Chúa

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Đức Giêsu lôi cuốn kẻ khác một cách lạ lùng: Dân chúng, quên ăn, quên uống, quên công việc nhà cửa, say mê đi theo Chúa Giêsu để nghe lời Ngài giảng dạy.

Các bà mẹ ngợi khen ai đã sinh ra được một người con như thế.

Giới trẻ theo Chúa Giêsu và mong được Ngài chỉ cho con đường thăng tiến.

Các em bé ùa chạy đến với Chúa Giêsu và đòi cho được Ngài bồng ẵm và chúc lành.

Nhưng ở quê hương Ngài thì khác hẳn…

Suy niệm

Chúa Giêsu trở về Nadarét quê hương Ngài. Ngày Sabát Ngài vào hội đường, Ngài được mời lên đọc Sách Thánh và cắt nghĩa Kinh Thánh một cách rành mạch, sự khôn ngoan của Ngài làm cho mọi người phải ngạc nhiên: Bởi đâu ông Giêsu được khôn ngoan như vậy. Vì Ngài là người đồng hương với họ, cha Ngài là bác thợ mộc tầm thường và mẹ Ngài là bà nội trợ Maria như bao phụ nữ khác và Ngài đã cùng chơi, cùng học và lớn lên giữa họ. Cho nên với họ, Ngài không thể là vị ngôn sứ được, vì thế họ không tin phục Ngài.

Trước sự cố chấp, không tin vì thành kiến: Ngài cũng là người Nadarét như họ. Vì vậy, Đức Giêsu kết luận: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Chính vì thái độ cứng lòng ấy, nên ở Nadarét Đức Giêsu không làm nhiều phép lạ…

Sự từ khước Chúa Giêsu ở Nadarét của những người đồng hương là hình ảnh báo trước trong lịch sử vẫn còn tồn tại trong con người mọi thời đại, mọi nơi từ khước Thiên Chúa. Con người hôm nay cứng lòng cố chấp, đang nghe, đang thấy Đức Giêsu qua Giáo hội là thân thể của Ngài, vẫn còn đó những cố chấp, cứng tin, khước từ… là một hiện tượng tiêu biểu của thế giới mọi thời, mọi nơi những người cố chấp không tin vào Chúa Giêsu. Sự từ khước của con người hôm nay, làm hoạt động cứu thế của Thiên Chúa như bị tắc nghẽn. Bị giam hãm trong các định kiến…

Ý lực sống:

“Người đã đến nhà mình,

nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).

 

Suy Niệm 9: Chúa Giêsu về thăm Nazareth lần thứ hai (Mt 13,54-58)

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Khi xong xuôi cuộc truyền giáo ở Galilê, Chúa Giêsu trở về thăm quê hương Nazareth và đến giảng dạy trong Hội đường. ”Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất thân của Ngài: vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người nghèo hèn quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Messia. Do người ta không tin, nên Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ.

“Không ai được tôn trọng ở quê hương của mình”. Đây chính là câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu và có tính cách tiên tri. Thật vậy, trải qua biết bao thế hệ, từ những bậc tiền nhân đến chúng ta, hẳn mọi người đều biết hay đã cảm nghiệm được tính tiên tri của Chúa Giêsu qua câu nói trên hoàn toàn ứng nghiệm. Chúa Giêsu trở về quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào đền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài con người phải chọn lựa hoặc tin nhận hoặc từ chối.

Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu về giảng tại quê hương của mình cũng làm dấy lên những thông tin trái chiều về Ngài. Những người đồng hương Nazareth có lẽ đã nghe đồn thổi về Ngài và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chính Ngài phát biểu trong Hội đường của họ. Những thành tích về sự khôn ngoan và phép lạ Ngài làm đã dấy lên trong họ câu hỏi: “Phải chăng Ngài không phải là Đấng Cứu tinh mà Thiên Chúa đã hứa cho dân tộc?” Và họ bắt đầu tra cứu với một phương pháp rất khoa học: họ mở Kinh thánh ra và thấy rằng Đấng Cứu tinh xuất thân từ một nơi khác, chứ không phải từ ngôi làng nghèo nàn tăm tối như Nazareth. Họ điều tra về nguồn gốc Chúa Giêsu và thấy rằng cha mẹ và anh em Ngài đều là những người nghèo hèn mà họ biết rõ ngọn nguồn. Với lối suy luận và lý luận rất khoa học ấy, những người đồng hương với Chúa Giêsu đã khước từ Ngài. Nguồn gốc tăm tối của Chúa Giêsu đã là mạng chắn khiến họ không tin nhận nơi Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

Qua bài tường thuật, tác giả Mátthêu muốn nêu bật cung cách và số phận của một vị tiên tri đích thực nơi Chúa Giêsu. Ý tưởng về ngược đãi và ngay cả bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống tiên tri trong Cựu ước. Được Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các tiên tri trong Cựu ước không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị tiên tri này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.

Tác giả của đoạn Tin mừng hôm nay đã ghi lại một chi tiết đáng chú ý: “Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ không có lòng tin”. Phép lạ chỉ diễn ra vì lòng tin của con người, hay đúng hơn, với lòng tin con người có thể nhận ra phép lạ trong mọi sự và trong từng giây phút cuộc sống. Phép lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện là đã hoá thân làm người và tự đồng hoá với mọi người nhất là với những kẻ thấp hèn bé mọn. Chỉ trong đức tin, con người mới có thể đón nhận phép lạ cả thể ấy.

Truyện: Thần Vit-nu trong tất cả mọi sự

Người ta kể rằng Vit-nu là một trong những vị thần rất được những người theo Ấn giáo thờ kính, những người có niềm tin sâu sắc đều nhận ra thần Vit-nu trong tất cả mọi sự. Một tín đồ kia sống rất siêu thoát, nhưng ông ta lại bị những người khác coi như một người khờ dại. Một hôm, sau khi đi khất thực ở một làng kia, người tín đồ thánh thiện này ra trước cổng làng và ngồi bên vệ đường để ăn những thực phẩm người ta bố thí. Đang lúc ông dùng bữa thì một con chó đói ở đâu chạy tới. Người tín đồ bèn dành đồ ăn của mình cho chó ăn, không mấy chốc người và vật trở nên thân thiện với nhau. Thấy cảnh kỳ lạ, dân chúng trong làng kéo nhau đến xem.

Nhưng một người trong đám đông lên tiếng: “Có gì lạ khiến chúng ta phải mất thì giờ đến xem, người này chỉ là một tên khờ khạo, bởi vì hắn không phân biệt được người với thú vật”.

Nghe thế nhiều người phá lên cười chế giễu.

Người tín đồ thánh thiện ấy điểm tĩnh trả lời: “Tại sao các ngươi lại cười? Các ngươi không thấy rằng Vit-nu đang cho ăn và Vit-nu đang được cho ăn sao? Tại sao các ngươi lại cười, hỡi Vit-nu?”

Nếu có niềm tin thì họ nhận ra thần Vit-nu trong tất cả mọi sự. Vậy tại sao họ không nhận ra Vit-nu nơi một người mà họ cho là khờ dại này.

Truyện: Xin rời bỏ Giáo hội

Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám mục và tuyên bố:

- Con đến cho Đức Cha hay con muốn rời khỏi Giáo hội. Đức Cha nghĩ sao?

Vị Giám mục xin ông cho biết lý do. Ông nói:

- Đức Cha nghĩ coi: Giáo hội có mặt trên trần gian này hơn 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không?

Vị Giám mục bình tĩnh trả lời:

- Bác sĩ nói chí lý. Nhưng bác sĩ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này bao nhiêu triệu năm rồi. Vậy mà sao ngày nào bác sĩ cũng như tôi cứ phải rửa tay?

Nghe thế, vị bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo hội nữa.

Vâng! Hãy biết sống kiên trì, nhẫn nại và nhiệt thành để tâm hồn luôn được thanh thản và bình an.

 

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu kể lại sự kiện những người cùng quê với Đức Giê-su đã kinh ngạc về sự khôn ngoan trong lời giảng dạy của Người và đã thốt lên :

Ông không phải là con bác thợ sao? (c. 55)

Một đàng, lời nói này diễn tả sự vấp ngã, nghĩa là không tin, của người Do thái cùng quê với Đức Giê-su ; nhưng đàng khác, lại vô tình cho chúng ta nhận ra rằng, mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa thật đến mức nào, đặc biệt ngang qua đời sống ẩn dật : Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa thực sự dưới mắt mọi người là « Con Bác Thợ » !

 1. Nghịch lý đức tin

Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một nghịch lý lớn nhất thuộc về đức tin Ki-tô của chúng ta, nghĩa là về niềm tin nơi Đức Giê-su Nazareth, là Đấng đến từ chính Thiên Chúa[1]. Một đàng, những người nghe Đức Giê-su đều biết hết về Ngài, bởi vì họ là những người cùng quê với Ngài. Họ biết cha mẹ của Ngài, là bác thợ và bà Maria ; họ cũng biết anh em của Ngài và gọi đích danh họ : Gia-cô-bê, Gio-xếp, Simon và Giu-đa ; và họ còn biết rõ hơn nữa tất cả chị em của Ngài, bởi vì các cô là bà con lối xóm của họ. Đó chính là cái biết chắc chắn và khách quan về gốc gác nhân loại của Đức Giê-su.

Nhưng đàng khác, những người cùng quê với Đức Giê-su lại nghe nói về những gì Ngài đã làm, nhất là về những phép lạ ; và giờ đây, họ còn nghe trực tiếp Đức Giê-su giảng dạy trong hội đường, và lời giảng của Ngài làm cho họ sửng sốt :

Bởi đâu ông ta được khôn ngoan
và làm được những phép lạ như thế? 
(c. 54)

Và Câu hỏi lại được đặt ra một lần nữa, sau khi họ đã kể ra một cách chính xác những gì họ biết về Ngài :

Vậy bởi đâu ông ta được như thế ? (c. 56)

Như thế, nơi ngôi vị của Đức Giê-su, nơi hành động và lời nói của Ngài, có điều gì đó vượt qua cái biết khách quan thuộc bình diện lịch sử. Đức Giê-su vừa là một con người như chúng ta, vừa siêu vượt con người. Đó chính là nghịch lý của đức tin Ki-tô.

Nhưng khởi đi từ nghịch lý, mà chính họ đích thân trải nghiệm, những người cùng làng với Đức Giê-su đã không tin, tin rằng Đức Giê-su có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa, tin rằng Ngài là « Đấng Đến Từ Thiên Chúa », là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Vấn đề này cũng là vấn đề của loài người chúng ta ở mọi thời, khi đối diện với ngôi vị của Đức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, ngày nay nhờ vào các phương pháp và phương tiện rất hiệu quả, con người có được một kiến thức sâu rộng về con người Đức Giê-su trên bình diện tôn giáo, văn hóa, lịch sử, thậm chí bình diện tâm lý và tâm lý chiều sâu nữa, và họ cũng phải công nhận nơi nhân cách của Ngài có điều gì đó phi thường. Nhưng đàng khác họ cũng có cùng một lựa chọn không tin.

Dường như, người ta dấn mình vào lãnh vực kiến thức lịch sử về Đức Giê-su, người ta càng gặp khó khăn trong niềm tin : Ngài đến từ Thiên Chúa, là Hình Ảnh của Thiên Chúa vô hình và là « Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa Thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha », như Giáo Hội tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Chắc chắn, đó cũng là khó khăn trong niềm tin của chính chúng ta ở một mức độ nào đó hay trong một giai đoạn nào đó.

 2. Ơn huệ đức tin

Người ta, hoặc cả chúng ta nữa, gặp khó khăn trong đức tin, bởi vì đối tượng của đức tin, ở đây là căn tính thần linh của Đức Giê-su, không phải là điều để biết hay để thấy. Tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, là Con Người và là Con Thiên Chúa là ơn huệ Thiên Chúa ban ; và về phía chúng ta, chúng ta liều mình dấn thân và cho đi cả cuộc đời trong lựa chọn tin nơi Đức Giê-su Ki-tô. Và niềm tin của chúng ta hoàn toàn không mù quáng, bởi vì chúng ta có kinh nghiệm cảm và nếm thần tính ngọt ngào nơi lời nói, nhất là lời nói bằng dụ ngôn (x. Mt 13, 1-53), hành động và nơi ngôi vị của Đức Giê-su, chúng ta đã đón nhận những hoa trái tốt đẹp cho sự sống này của chúng ta, và nhất là niềm tin nơi Đức Giê-su làm no thỏa lòng khao khát vô biên có nơi con người chúng ta, chữa lành những « bệnh hoạn tật nguyền » có nơi tương quan của chúng ta với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa. Bởi vì, Chân Lý Thần Linh không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình.

Chắc chắc có những lúc chúng ta ước ao có được những ơn phúc như thế : thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, vì chúng ta thường nghĩ rằng, với những ơn phúc như thế sẽ dễ dàng tin Ngài là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Nhưng Lời Chúa trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại điều hoàn toàn ngược lại : những người thấy tận mắt, nghe trực tiếp và biết thật rõ về Đức Giê-su, lại vấp ngã không tin, đến độ Đức Giê-su lấy làm lạ ; và vì không tin, nên Ngài không thể làm những điều lạ lùng cho họ :

Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin. (c. 57-58)

Tại sao lại như vậy ? Bởi vì điều người ta phải tin, tin Đức Giê-su là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, thì vượt xa tất những gì người ta thấy, nghe và biết. Như Đức Ki-tô phục sinh nói với thánh Tô-ma, và qua thánh nhân, Người nói với tất cả chúng ta : « Phúc thay những người không thấy mà tin » (Ga 20, 29). Tin Đức Giê-su Ki-tô là ơn phúc lớn nhất Chúa ban cho các môn đệ, cho Giáo Hội và ngang qua Giáo Hội, cho từng người chúng ta hôm nay, dù chúng ta không có những ơn phúc của những người đồng hương với Đức Giê-su.

Và chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra, mở cuộc đời của chúng ta ra, mở từng ngày sống của chúng ta ra, để đón nhận Đức Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chính khi đó, Người sẽ làm cho chúng ta cảm nếm và xác tín (không thuộc bình diện kiến thức, nhưng thuộc bình diện kinh nghiệm) căn tính thần linh của Người và Người sẽ làm cho mỗi người chúng ta, cho Gia Đình chúng ta và cho Cộng Đoàn chúng ta những điều lạ lùng.

3. Hoa trái đức tin

Hơn nữa, dưới ánh sáng của ngôi vị Đức Giê-su Ki-tô, Đấng vừa là con người và vừa là Thiên Chúa, chúng ta khám phá ra chiều kích thần linh hiện diện ở khắp nơi trong sáng tạo, trong lịch sử và trong chính cuộc đời và ngôi vị của chúng ta. Bởi vì, vạn vật được tạo dựng bởi Ngôi Lời (x. Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời, cho Ngôi Lời và được làm cho viên mãn bởi Ngôi Lời (x. Ep 2, 3-14).

*  *  *

Xin cho chúng ta mỗi ngày biết nhận ra ơn phúc đức tin Chúa ban và quảng đại đón nhận và sống đức tin, để Chúa làm cho chúng ta những điều lạ lùng mỗi ngày: đó là mầu nhiệm Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ, có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỉ, và những điều xấu xa thuộc về ma quỉ, để làm cho chúng ta sống và sống dồi dào trong sự hiệp nhất và trong tình thương với Chúa và với nhau, với những người còn sống cũng như với những người đã qua đời hôm nay và mãi mãi.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Có thể đọc cuốn sách về Ki-tô học của Cha Joseph Moingt, SJ, có tựa đề L’homme qui venait de Dieu (Người Đến Từ Thiên Chúa), Paris, Cerf, 1993.
 

Họ vấp ngã vì Đức Giêsu – SN song ngữ 30.7.2021

 
 

 

Friday (July 30): “They took offence at Jesus”

Scripture:  Matthew 13:54-58  

54 and coming to his own country he taught them in their synagogue, so that they were astonished, and said, “Where did this man get this wisdom and these mighty works? 55 Is not this the carpenter’s son? Is not his mother called Mary? And are not his brothers James and Joseph and Simon and Judas? 56 And are not all his sisters with us? Where then did this man get all this?” 57 And they took offence at him. But Jesus said to them, “A prophet is not without honour except in his own country and in his own house.” 58 And he did not do many mighty works there, because of their unbelief.

Thứ Sáu     30-7               Họ vấp ngã vì Đức Giêsu

Mt 13,54-58

54 Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?55 Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao?56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? “57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.”58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Meditation: 

Are you critical towards others, especially those who are close to you? The most severe critics are often people very familiar to us, a member of our family, a relative, neighbour, student, or worker we rub shoulders with on a regular basis. Jesus faced a severe testing when he returned to his hometown, not simply as the carpenter’s son, but now as a rabbi with disciples. It would have been customary for Jesus to go to the synagogue each week during the Sabbath, and when his turn came, to read from the scriptures during the Sabbath service. His hometown folks listened with rapt attention on this occasion because they had heard about the miracles he had performed in other towns.

 

 

What sign would he do in his hometown? Jesus startled them with a seeming rebuke that no prophet or servant of God can receive honour among his own people. The people of Nazareth took offence at him and refused to listen to what he had to say. They despised his preaching because he was a carpenter from the working class, and a mere layman untrained by religious scholars. They also despised him because of his family background. After all, Joseph was a tradesman as well and Mary had no special social distinctions.

 

 

Familiarity breeds contempt 

How easily familiarity breeds contempt. Jesus could do no mighty works in his hometown because the people who were familiar with him were closed-minded and despised his claim to speak and act in the name of God. If people come together to hate and refuse to understand others different than themselves, then they will see no other point of view than their own and they will refuse to love and accept others. How do you view those who are familiar to you? With kindness and respect or with a critical and judgmental spirit?

 

The Lord Jesus offers us freedom from sin, prejudice, contempt, and fear. His love and grace set us free to love others with the same grace and mercy which he has shown to us. Only Jesus can truly set us free from the worst tyranny possible – slavery to sin and the fear of death. His victory on the cross brings us pardon and healing, and the grace to live holy lives by the power of the Holy Spirit. Do you know the joy and freedom which Christ’s love brings to our hearts?

 

“Lord Jesus, your love conquers every fear and breaks the power of hatred and prejudice. Flood my heart with your mercy and compassion, that I may treat my neighbor with the same favor and kindness which you have shown to me.”

Suy niệm:

 

Bạn có phê bình chỉ trích người khác, đặc biệt những người gần gũi với bạn không? Những người phê bình gay gắt nhất thường là những người rất quen thuộc với chúng ta, một thành viên trong gia đình, người bà con thân thuộc, người bạn học, hay bạn đồng nghiệp mà kề vai sát cánh với chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Đức Giêsu đối diện với một cuộc thử thách gay gắt khi Người trở về quê hương mình, không đơn thuần chỉ với tư cách là người con của bác thợ mộc, mà giờ đây còn là một bậc thầy có các môn đệ. Theo lệ thường khi đến lượt mình, Đức Giêsu đến Hội đường để đọc Kinh thánh mỗi tuần trong ngày Sabát. Vào dịp này, những người cùng làng của Chúa lắng nghe với sự chăm chú bởi vì họ đã nghe biết về những phép lạ Người đã làm nơi những thành phố khác.

Người sẽ làm phép lạ nào nơi quê hương mình? Đức Giêsu đã khiến họ sửng sốt với lời khiển trách rằng không một ngôn sứ hay tôi tớ Thiên Chúa có thể được kính trọng nơi quê hương mình. Dân thành Nagiarét đã chống đối và từ chối lắng nghe những gì Người phải nói. Họ coi thường lời giảng dạy của Người bởi vì Người từng là một chàng thợ mộc trong giới lao động cùng đinh, và chỉ là một giáo dân bình thường không được học hỏi từ các kinh sư luật sĩ. Họ cũng coi thường Chúa bởi vì bối cảnh của gia đình Người. Hơn nữa, ông Giuse cha Người là một người giao hàng, và bà Maria mẹ Người cũng chẳng có chức phận gì đặc biệt.

Sự gần gũi phát sinh sự coi thường

Sự thân mật gần gũi dễ phát sinh sự coi thường biết bao! Đức Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào nơi quê hương mình bởi vì họ biết rõ Người, họ có thành kiến với Người và họ coi thường lời nói cũng như hành động của Người nhân danh Thiên Chúa. Nếu người ta đến với nhau để ghen ghét và từ chối chấp nhận người khác chỉ vì họ khác với mình, thì họ sẽ không thấy gì ngoài quan điểm của chính mình và họ sẽ từ chối yêu thương và đón nhận người khác. Bạn nhìn những người thân quen với bạn như thế nào? Với lòng nhân hậu và tôn trọng hay với một tinh thần chỉ trích và phê phán?

Chúa Giêsu muốn giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, thành kiến, coi thường, và sợ hãi. Tình yêu và ơn sủng của Người giải thoát chúng ta để yêu thương tha nhân với cùng một ơn sủng và tình yêu mà Chúa đã bày tỏ cho chúng ta. Chỉ Đức Giêsu mới có thể giải thoát chúng ta thật sự khỏi hành động độc quyền có thể xảy ra, khỏi nô lệ cho tội lỗi, và sợ hãi cái chết. Chiến thắng của Chúa trên thập giá đem lại cho chúng ta ơn tha thứ và sự chữa lành, và ơn sống thánh thiện nhờ quyền năng của CTT. Bạn có nhận biết niềm vui và sự giải thoát mà tình yêu của Đức Kitô đem lại cho tâm hồn chúng ta không?

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa chiến thắng mọi sự sợ hãi, và phá tan quyền lực của sự ghen ghét và kỳ thị. Xin đổ tràn tâm hồn con lòng thương xót nhân từ của Chúa, để con có thể đối xử với tha nhân cũng với tâm tình nhân hậu mà Chúa đã bày tỏ cho con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây