Thứ Ba tuần 19 thường niên – THÁNH LÔRENXÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO

Thứ hai - 09/08/2021 08:44

Thứ Ba tuần 19 thường niên – THÁNH LÔRENXÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO. Lễ kính.

"Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

 

Phó tế Lôrenxô chịu tử đạo tại Rôma ngày 10 tháng 8 năm 258, sau đức Xít-tô II bốn ngày. Chuyện kể rằng người phải chịu cực hình lửa thiêu trên một chiếc giường sắt sau khi người đã phân phát cho người nghèo tài sản của cộng đoàn. Ngay từ thế kỷ IV, lòng tôn kính người đã phổ biến trong Hội Thánh.

 

Lời Chúa: Ga 12, 24-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó".

 

 

 

SUY NIỆM 1: Mang nhiều hoa trái

Suy niệm:

Khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình,

Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì.

Ngài nói một điều mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên,

một điều chẳng làm ai ngỡ ngàng kinh ngạc.

Nếu một hạt lúa rơi xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình;

nhưng nếu nó chết đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24).

Đức Giêsu ví mình như hạt lúa đem gieo.

Điều kiện để đời Ngài đơm bông kết trái, đó là cái chết.

Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi.

Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa ấy,

được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ, cố giữ cho mình được nguyên vẹn,

vì thế cũng chẳng chịu vươn ra khỏi mình,

chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt.

Đức Giêsu đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống sinh sôi.

Cái chết của Ngài trên thập giá có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32),

và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa.

Có một hạt lúa mang tên Giêsu.

Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát,

để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt.

Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa, được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu.

“Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó;

còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này,

thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25).

Vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này.

Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế.

Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất,

không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa.

Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này,

chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi.

Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc,

lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.

Thánh Laurensô đã bị thiêu sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt,

sau khi ngài đã phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo.

Thầy phó tế Laurensô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26)

bằng cuộc sống và cái chết tử đạo năm 258.

Được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng,

đó là điều Laurensô được hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.

 

Cầu nguyện:

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người,

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

SUY NIỆM 2: Tham dự sự sống của Chúa

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Nhờ cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã phục sinh và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Để được sống đời đời, người theo Chúa chỉ có một chọn lựa: chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đường Chúa đã đi là con đường khổ giá và kết thúc bằng sự sống lại vinh hiển. Từ đó Chúa đã làm phát sinh sự sống Thiên Chúa cho con người. Con hiểu được rằng: Chúa đã chịu chết vì con như hạt lúa gieo vào lòng đất và chịu mục nát đi.

Rồi Chúa đã sống lại như hạt nảy mầm, phát sinh hoa trái, mùa màng là sự sống Thiên Chúa trong con. Và Chúa kêu mời con đến tham dự sự sống của Chúa. Nhưng để được như thế, con phải chọn đúng con đường Chúa đã đi. Con đường hẹp dẫn tới sự sống là con đường từ bỏ, hy sinh, vác thập giá hằng ngày qua các bổn phận đời thường và qua các đòi buộc của luật Chúa và luật Giáo Hội.

Nhưng lạy Chúa, bản tính con người của con lại yếu đuối quá. Con sợ phải cố gắng, phải hy sinh, phải từ bỏ và phải thiệt thòi. Con dễ ngã theo lời mời của đam mê, tìm hưởng thụ, sống phóng túng. Con thích đi vào con đường rộng dẫn đến cõi chết.

Lạy Chúa, nhờ lời cầu thay nguyện giúp của Thánh Lô-ren-xô, xin giúp con mạnh dạn đi theo con đường khổ giá. Xin giúp con từ bỏ chính bản thân mình để phục vụ anh em, phụng sự Chúa. Chính lúc chết đi cho tội lỗi và ích kỷ, là lúc con được vui sống với Chúa muôn đời. Amen.

Ghi nhớ: “Ai phụng sự Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

 

SUY NIỆM 3: Mục nát đi và sinh bông hạt

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Tôi nhớ về tuổi ấu thơ bên ruộng lúa, rau muống ở Biên Hoà. Bên bờ ruộng, người ta có trồng chuối nên tôi đã được nhìn cây chuối mang một buồng quả chín. Lá của cây chuối mẹ héo rũ và xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống. Cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình, chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá, cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt… Cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh tuyệt đẹp về sự hy sinh.

Dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, xuất hiện nhiều chồi non của những cây chuối mới. Người trồng chuối chỉ chọn một mầm, để có một cây chuối mới cho năng suất cao. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu...

Sinh trái, đơm hoa, cây chuối mẹ héo tàn và chết, từ gốc cây lại nảy ra mầm chồi non cho một sức sống mới…

Suy niệm

Chúa Kitô tự ví mình là hạt lúa gieo vào lòng đất, định mệnh của hạt giống chịu chôn vùi, chịu mục nát trong đất bùn. Mục nát không phải mất đi nhưng là để đâm chồi nảy lộc: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà… thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,23-24). Hạt giống mục nát trong đất nhưng tạo sự sống nảy mầm sống mới sinh nhiều bông hạt khác. “Hạt giống Giêsu” chết đi tạo vinh quang phục sinh, sức sống mới cho nhân loại.

Sự phục sinh khải hoàn, khơi nguồn sự sống cho cả nhân loại bắt đầu bằng việc đi vào cuộc thương khó, lãnh nhận cái chết của Đức Giêsu. Các môn đệ là những người theo Chúa Kitô cũng đều đi qua cuộc thương khó, sự cố gắng không ngừng nghỉ rao giảng Tin Mừng và đi vào cái chết như là những hạt lúa giống gieo vào lòng đất để cho mùa lúa niềm tin mới phát triển. Ngài cũng mời gọi chúng ta những môn sinh tin vào Ngài, theo Ngài cùng tháp vào Ngài mang thân phận của lúa mì gieo vào lòng đất như yêu cầu: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26). Theo Ngài làm thân phận hạt lúa giống gieo vào lòng đất để tạo sức sống mới chung cho toàn nhân loại.

Theo chân Chúa, là được mời gọi cùng bước vào một hành trình đi vào lòng đất của hạt giống. Một hành trình mạo hiểm, chấp nhận sự hy sinh, cố gắng không ngừng: bóc trần, mục nát, hòa tan trước thánh ý của Thiên Chúa, như Đức Kitô đã bước vào. Sự mạo hiểm này đã có lần Phêrô đã chối từ bước vào, khi không cam đảm nhận mình là môn sinh của Thầy (x. Mt 26,57-58.69-75; Mc 14,53-54.66-72; Lc 22,54-62 ; Ga 18,15-27), cũng như trước đó ông cũng đã từng ngăn cản Thầy tiến bước đường khổ giá (x. Mt 16:21-23; Mc 8,21-33). Hình ảnh đó phác họa sự ngập ngừng, sợ hãi của người Kitô hữu trước những bước đi vào mầu nhiệm thương khó cuộc đời - mầu nhiệm hạt giống gieo vào lòng đất để chết đi.

Suy nghĩ đến thân phận của hạt giống và chiêm ngưỡng những bước đi vào sự chết của Chúa Giêsu, chúng ta có một niềm xác tín hơn vào chính mình gắn bó với Thầy với thân phận hạt giống như Thầy và hân hoan: “Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 125,6).

Ý lực sống:

“Bài học quan trọng nhất, con người có thể học được trong cuộc sống:

Không phải là sự đau khổ hiện hữu trong thế giới, lệ thuộc nơi chúng ta biết rút từ bài học,

biết chuyển đổi đau khổ, nỗi buồn thành niềm vui” (R.Tagore).

 

SUY NIỆM 4: Tài sản của Giáo Hội

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô.

Thật ra, người ta biết rất ít về vị thánh này...

Theo tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.

Chuyện kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.

Sau khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo, các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả các chén thánh dùng trong phụng tự...

Hoạt động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội. Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô nhi... và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc tuyên bố: "Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội".

Viên thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú...

Câu chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.

Sống và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự do tín ngưỡng một cách tinh vi.

Có nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người Kitô đang phải trải qua.

Sống trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết trí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

Quyết trí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Hy Sinh Và Phục Vụ

Văn sĩ Robert Jordan Mayer đã viết tập sách có tựa đề Tạ Ơn Chúa. Trong đó ông chia ra ba loại cho đi: cho đi vì tức, cho đi vì bổn phận và cho đi vì lòng biết ơn.

- Kẻ cho đi vì tức thường nói: “Tôi không thích cho đi, vì kẹt quá nên đành phải làm như vậy”. Cho đi vì tức thì cho đi rất ít, vì món quà mà không có người cho thì không giá trị.

- Người cho đi vì bổn phận thì nói: “Tôi phải cho đi”. Cho đi vì bổn phận thì cho đi nhiều hơn là cho đi vì tức, nhưng món quà không hấp dẫn, không màu sắc.

- Người cho đi vì lòng biết ơn thì nói: “Tôi muốn cho đi”. Cho đi vì lòng biết ơn thì cho đi mọi sự và làm cho thế gian nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xét xem mình thuộc loại người nào trong ba mẫu người vừa nêu trên: cho đi vì tức, cho vì bổn phận và cho đi vì lòng biết ơn.

Bài Phúc Âm hôm nay dùng hình ảnh hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái để nhắc cho môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống hình ảnh cao cả nhất của việc cho đi là biết chấp nhận chết đi nơi bản thân, biết hy sinh chính mạng sống mình như thánh Laurensô vì tình yêu Chúa.

Ðịnh luật chết đi để trổ sinh hoa trái đã được Chúa Giêsu Kitô, Thầy chúng ta, thi hành nêu gương trước. “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”, nếu không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa thì có lẽ chúng ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để phục vụ điều thiện hảo của anh chị em. Không hy sinh thì sẽ không có phục vụ đích thực và không phục vụ đích thực thì ta chưa phải là đồ đệ đích thực của Chúa.

Lạy Chúa,

Xin hãy khắc ghi thật sâu vào tâm trí con Lời Chúa dạy về hy sinh và phục vụ. Vì công nghiệp của thánh Laurentio tử đạo, xin ban cho con ơn can đảm và trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh và ngay cả khi phải hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: Thánh Laurensô

Ca nhập lễ, lễ thánh Laurensô viết rằng: “Đây là thánh Laurensô, Người đã hiến thân phục vụ Hội Thánh: vì thế Người được phúc tử đạo, để hân hoan tiến lên gặp Chúa Kitô”.

Thánh Laurensô đã kiên cường phục vụ Giáo Hội, phục vụ dân Chúa bất chấp những gian nan, thử thách khó nguy, Ngài đã xứng đáng lãnh nhận triều thiên nước trời.

CON NGƯỜI KIÊN CƯỜNG:

Thánh Laurensô sinh ra trong một gia đình đạo đức: cha mẹ của Ngài là những người rất mực đạo hạnh. Ngài được cha mẹ hạ sinh tại miền Huescô, nước Tây Ban Nha. Vì cha mẹ Ngài rất sùng đạo, luôn ở trung tín với Thiên Chúa, với Hội Thánh và yêu thương mọi người, thánh nhân đã sớm được cha mẹ cho đi du học bên Roma và Ngài sống suốt cuộc đời tại đây. Thánh nhân học giỏi, chuyên cần và siêng năng đạo đức, trau dồi kiến thức, nên chẳng bao lâu tiếng tăm của Ngài đã vang dội khắp nơi. Đức Giáo Hoàng Sixtô liền triệu vời Ngài và đặt Ngài làm phó tế giúp việc cho tòa thánh. Thời GiáoHội sơ khai, chức phó tế không quá 7 người và chỉ có chức đó mới được chọn làm Giáo Hoàng. Cuộc bách đạo lúc đó nổi lên, Giáo Hội gặp sóng gió lớn, các kẻ thù tìm cách bắt vị thủ lãnh Giáo Hội để làm cho đàn chiên tan tác. Thánh Laurensô luôn kiên cường đi thăm viếng các tín hữu nơi các hang toại đạo, giảng dậy và ban các bí tích. Thánh nhân có tấm lòng yêu thương các người nghèo nàn, nhất là những người ốm đau, bệnh tật. Thánh nhân bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng Ngài vẫn một mực trung thành với Thiên Chúa, với Giáo Hội, Ngài cảm nghiệm sâu xa lời Chúa “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó”(Ga 12,26)

THÁNH NHÂN LÃNH PHÚC THIÊN ĐÀNG:

Nhà vua đã tìm mọi cách để dụ dỗ thánh nhân bỏ đạo, nhưng thánh Laurensô đã một mực trung thành với Chúa và nhất quyết không bao giờ bỏ đạo. Vua căm phẫn vì không thuyết phục nổi thánh nhân, nên đã hạ lệnh cho lý hình nung đỏ giường sắt và đặt ngài trên đó. Thánh nhân đã vui cười chịu đựng và sau cùng đã ra đi về với Chúa trong bình an ngày 8 tháng 8 năm 258.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chính vì được tình yêu Chúa nung nấu, thánh phó tế Laurensô đã trung thành phục vụ và đạt tới phúc tử đạo vinh quang. Xin cho dân Chúa biết thực hành những điều Người dậy và noi gương Người mà yêu mến Chúa và anh em (Lời nguyện Nhập lễ, Lễ thánh Laurensô, phó tế, tử đạo).

Lm. Nguyễn Hưng Lợi

 

SUY NIỆM 7: Thánh Laurensô (+258)

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Trời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.

Tại sao thánh Laurensô được tôn kính cách đặc biệt như vậy? Thật khó mà trả lời được. Nếu bản tường thuật về cuộc tử đạo của Ngài là đúng sự thật, câu trả lời ấy sẽ rõ rệt.

Sau đây là tóm lược bản tường thuật ấy:

Là tổng phó tế của thánh Xystô, Laurensô gặp Đức giáo hoàng đang bị bắt giữ và trách Ngài đã không cho mình được chia sẻ triều thiên tử đạo với Ngài. Đức giáo hoàng hứa rằng trong vài ngày nữa, Laurensô sẽ được lãnh phúc tử đạo, đau đớn hơn nhiều. Ngài còn truyền cho vị tổng phó tế của mình hãy phân phát tài sản Giáo hội cho người nghèo. Khi những lời này tới tai hoàng đế Đêciô, ông truyền bắt giam Laurensô. Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới trước viên tổng trấn Valrianô, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của Giáo hội. Được dành cho ba ngày để thâu thập của cải, Ngài đã mang tất cả tài sản phân phát cho kẻ nghèo. Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh.

Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, Ngài còn chế nhạo Dêciô, người đích thân ngồi ghế chánh án rằng: - Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.

Bản tường thuật khó tin nổi. Tác giả đã lẫn lộn hai vị hoàng đế Dêciô và Valêrianô khi coi ông này là tổng trấn dưới quyền ông kia. Hơn nữa, Đức Xystô không bị xử mà bị chặt đầu khi bị giam.

Một cách tổng quát, người ta công nhận rằng: thánh Laurensô là một trong bảy vị phó tế của Đức Xystô và chịu tử đạo vào năm 158. Nhưng nếu Ngài chỉ bị chặt đầu như các bạn thì chắc không đủ lý do để được tôn kính đặc biệt như vậy.

(Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý – Theo Vết Chân Người)

 

SUY NIỆM 8: Thánh LAURENSÔ

(Enzo Lodi)

Thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường chết lạ lùng này, Ngài còn chế nhạo Đêciô, người đích thân ngồi ghế chánh án rằng :  - Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.

1. Lịch sử - phụng vụ

Theo Depositio Martyrum trong lịch thánh Jérôme, thánh Lôrensô đã tử đạo tại Rôma, trên đường Tiburtina ngày 10 tháng 8 năm 258, bốn ngày sau các phó tế khác bị xử tử cùng với Đức giáo hoàng Sixte II, lễ kính ngày 7 tháng 8 (xem Cyprien, Ep 80). Từ thế kỷ thứ IV, người ta đã mừng lễ kính Ngài với một đêm canh thức trọng thể và từ Roma, việc tôn kính Ngài đã lan khắp Giáo hội rất sớm. Các thánh Ambroise ở Milan, Augustin ở Châu Phi và Maxime ở Turin đều có lưu lại những bài giảng về lễ kính thánh nhân. Và sau thánh Ambroise, thánh Prudence cũng kể lại cuộc tử đạo của thánh nhân (công vụ của Polychrone và các bạn, khoảng năm 550). Mặc dầu nhiều chi tiết trong cuộc khổ nạn đó mang tính huyền thoại, nhưng lại là nguồn gốc cho các điệp ca trong thần vụ. Thánh Ambroise khi kể lại cuộc tử nạn đó một thế kỷ sau nói rằng thánh Laurent bị thiêu trên một giàn sắt. Xác Ngài được an táng trên đường Tiburtina, nửa thế kỷ sau, hoàng đế Constantin cho xây một thánh đưòng trên mộ Ngài: Đây chính là đại giáo đường thánh Laurent ngoại thành, một trong bảy nhà thờ lớn ở Roma, và là nhà thờ chính trong tám nhà thờ của thành phố Rôma dâng kính thánh nhân.

2. Thông điệp và tính thời sự

Các lời nguyện thánh lễ cũng như các bản văn khác trong phụng vụ Giờ kinh tô điểm hình ảnh phó tế Lôrensô, vị tử đạo nổi tiếng nhất của Giáo hội Rôma.

Lời nguyện trong ngày nhắc lại lòng bác ái nồng nhiệt của vị thánh phó tế luôn trung thành với việc phục vụ đến nổi được vinh quang tử đạo, như lời thánh Augustin đã mô tả rất xác đáng: “Anh em biết đấy, trong Giáo hội ở Rôma, Ngài thi hành chức năng phó tế. Chính tại đây Ngài trình bày về Máu thánh Đức Kitô, và chính tại đây Ngài đổ Máu mình vì thánh danh Đức Kitô” (phụng vụ bài đọc: bài giảng của thánh Augustin)

Chuyện về các hành vi trong cuộc khổ nạn của thánh Laurent kể rằng thánh nhân bị bắt vì không tuân luật thuế quan buộc nộp các tài sản Giáo hội cho chính quyền hoàng đế. Sau khi xin khất lại, Ngài tập hợp những người nghèo khó, ốm đau lại và hai ngày sau, Ngài đưa họ đến trước mặt quan quyền và thưa: “Đây là tài sản của Giáo hội!”. Thánh nhân liền bị bắt và tra khảo nhiều lần. Ngài đã trả lời các lý hình: “Tôi tôn thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Chúa, nên tôi đâu sợ cái tra khảo của các ông”. Bị đặt trên một vỉ sắt dưới để than cháy, Ngài còn quay lại phía lý hình, đùa: “Anh trở tôi được rồi đấy, bên này chín rồi”. Đức giáo hoàng Damase cho khắc trên mộ ngài: “đòn roi, lý hình, lửa thiêu, hình khổ, xích xiềng, tất cả điều thua đức tin của Lôrensô”.

Niềm tin và lòng bác ái của thánh Laurent cũng như đức can đảm anh hùng của Ngài qua nhiều thế kỷ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Giáo hội, lòng đạo đức của giáo dân, rất nhiều tranh ảnh, thậm chí cả kiến trúc ... Quả thế, Philippe II, để thực hiện lời hứa với thánh Lôrensô, đã xây Escorial trong tỉnh Madrid, theo dạng thiết kế một giàn sắt nhắc nhớ dụng cụ tra tấn thánh phó tế Lôrensô xưa. Còn thánh Bênado thế kỷ XII thì dâng tu viện Thoronet vùng Var để kính thánh nhân. Thánh Lôrensô được nhắc tới trong lời nguyện Thánh Thể và có tên trong kinh cầu các thánh.

 

SUY NIỆM 9: Thánh LAURENSÔ Phó Tế Tử Đạo

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

“Nếu hạt lúc mì rơi xuống đất không thối đi thì nó không sinh hoa kết quả”. Ðây là hình ảnh nói về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu: chết mới nói lên lời, chết mới được tôn vinh. "Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta" "Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" (Ga 15, 13). Ðức Giêsu đã khải hoàn đi vào Giêrusalem như một vị vua hiền lành và khiêm tốn, cỡi trên mình lừa. Cuộc khải hoàn vinh thăng đưa Chúa Giêsu vào bữa tiệc ly và Ngài loan báo về cuộc tôn vinh sắp tới của Ngài (Ga 12,20-36). Chính lúc chết đi, Chúa Giêsu được Cha của Ngài tôn vinh. Giờ khổ nạn và cái chết thập giá của Chúa Giêsu là giờ Ngài được tôn vinh (Ga 12, 23).

Ðiều này rất phù hợp với cuộc đời của thánh Lô-ren-xô phó tế, vì rằng Ngài được sinh ra ở nước Tây Ban Nha, miền Huescô trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Ngài sống quãng đời niên thiếu với sự ấp ủ yêu thương của cha mẹ. Ngài được cha mẹ uấn nắn, giáo dục trong sự kính sợ Chúa, tuân theo ý Chúa. Thánh nhân sớm rời bỏ gia đình, nước Tây Ban Nha để du học bên Roma và sống trọn quãng đường trần thế ở Roma.

Thánh nhân luôn chứng tỏ là người ham học, tìm tòi và trau dồi tài đức. Ngài có cuộc sống trí thức và đạo đức trổi vượt. Danh tiếng Ngài lan tỏa khắp nơi, vì thế chẳng bao lâu Ðức Thánh Cha biết và cất nhắc Ngài. Ðức Giáo Hoàng Sixtô triệu Ngài và đặt Ngài làm phó tế giúp việc Tòa Thánh. Vào thời thánh nhân, chức phó tế thuộc giáo triều không được quá 7 người và chỉ có những vị này mới có cơ may lên ngôi Giáo Hoàng.

Thánh Lô-ren-xô luôn nêu gương đời sống thánh thiện cho nhiều người. Ngài sống sự sống của Chúa như lời thánh Phaolô nói: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Ðức Kitô sống trong tôi". Thánh nhân đã hoàn toàn lột bỏ con người cũ và mặc lấy chính Ðức Kitô. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn thuộc về Chúa. Thánh nhân hăng say làm việc tông đồ. Ðiều Ngài lãnh nhận nơi Chúa: "Các con đã lãnh nhận nhưng không, phải cho nhưng không", thánh Lô-ren-xô đã trao ban lại tình yêu cho nhiều người khác, nhất nhất để tôn vinh Ðức Kitô. Ngài ý thức mãnh liệt: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi", nên trước những thử thách, trước phong ba bão táp của cuộc đời, thánh nhân vẫn luôn đặt tin tưởng vào Chúa: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế". Thánh Lô-ren-xô cảm nghiệm sâu xa lời của Chúa Giêsu: "Thầy đây đừng sợ".

Thánh nhân luôn kiên cường trước cơn bách đạo khốc liệt thời Valerius. Ðánh chủ chiên, chiên sẽ tan nát. Ðó là chủ trương của những kẻ cấm đạo. Thánh nhân đã miệt mài, siêng năng thăm viếng các kitô hữu đang trú ẩn trong các hang toại đạo, khuyến khích, động viên họ kiên cường giữ đạo, giảng dậy cho họ và ban bí tích cho họ. Thánh nhân có tấm lòng yêu thương những người nghèo, những người cùng khổ, những người bệnh hoạn tật nguyền. Hăng say với sứ mạng loan truyền ơn cứu độ và giới thiệu Ðức Kitô cho người khác, miệt mài, cần cù với công việc, Ngài không sợ hiểm nguy vì Ngài xác tín Chúa luôn hiện diện và Thánh Thần luôn hướng dẫn chỉ bảo. Ngài cứ xông xáo với công việc cứu thế. Ðể cho vinh danh Chúa được chiếu tỏa mãnh liệt, Chúa đã gửi thánh giá cho Ngài. Ngài bị bắt, bị tra tấn dã man và vì không lay chuyển được lòng tin của thánh Lô-ren-xô bỏ đạo, nhà vua đã căm tức cho nung đỏ giường sắt và đặt Ngài nằm trên giường đã được nung đỏ. Ngài quyết một lòng trung thành với Ðức Kitô. Thánh nhân tuy đau đớn thân xác tột độ, nhưng Ngài vẫn tươi cười chịu đựng những cực hình không sao diễn tả nổi. Thánh nhân đã an nghỉ trong Chúa ngày 10/8/258 trong tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Thánh nhân được đặt làm bổn mạng của những người nghèo và là quan thầy của những quản thủ thư viện, quan thầy của phòng cháy chữa cháy và những nghề nghiệp có liên quan tới lửa.

Mừng lễ thánh Lô-ren-xô phó tế, ta hãy xin Người cầu thay nguyện giúp ta để ta luôn cảm nghiệm sâu xa lời Chúa: "giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình".

Xin Chúa ban cho chúng ta luôn biết noi gương bắt chước thánh nhân yêu thương người nghèo và nhiệt tình với sứ mạng mỗi người đã được Giáo Hội trao phó.

Xin thánh Lô-ren-xô thắp lên trong lòng chúng con ngọn lửa yêu mến Chúa.

 

SUY NIỆM 10: CHẾT VÌ TIN MỪNG MỚI SỐNG THỰC

(Linh mục Giuse Đinh Quang Thịnh)

Phó tế Laurensô Tử Đạo vào ngày 10 tháng 8 năm 258, vào đầu thế kỉ IV các tín hữu rất sùng kính Ngài. Ngay tại Roma, có tới 35 nhà thờ mang tên Laurensô. Suốt năm phụng vụ có 25 lễ kính, trong đó có thánh lễ kính thánh Laurensô và có Kinh Chiều I. Ngài là một trong bảy Phó tế sống bên cạnh Đức Giáo hoàng. Thời ấy, Phó tế được bầu làm Giáo hoàng, nhiệm vụ của Phó tế là giữ tài sản của Giáo Hội do giáo dân dâng cúng để chia sẻ vào việc từ thiện. Đêxyô, vua Rôma đã ra lệnh chặt đầu Đức Giáo Hoàng Sistus II và các phó tế đang dâng lễ với Đức Giáo Hoàng trong hang toại đạo. Riêng có phó tế Laurensô được tha mạng nhằm bắt ông phải hiến tất cả tài sản của Giáo Hội cho vua, vì Laurensô hứa với vua là 3 ngày sau sẽ dâng tất cả. Trở về nhà, Laurensô lấy tất cả tài sản đang quản lý chia cho mọi người nghèo, rồi ông dẫn những người nghèo ấy đến trước mặt vua, thưa: “Đây là tài sản của Hội Thánh, tôi dâng hết cho ngài”. Vua căm phẫn trước cử chỉ ngạo ngược ấy của Laurensô, nên sai nung lửa tấm sắt đỏ rực, rồi trói Laurensô quăng trên đó, nằm trên tấm sắt Laurensô còn khôi hài nói với vua: “Thưa ngài, phía này chín rồi, ngài có thể ăn được!”

Như vậy, Laurensô đã thực thi Lời Kinh Thánh: “Mỗi người hãy cho tùy theo ý định của lòng mình, không buồn phiền, không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7: Bài đọc). Laurensô không chỉ rộng tay chia sẻ của cải do giáo dân đóng góp, mà đặc biệt ông đã chia chính mạng sống mình vì Tin Mừng, để làm cho Lời Đức Giêsu nói về những kẻ theo Ngài được ứng nghiệm: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).

Đó là định luật tất yếu phải xảy ra cho những ai theo Đức Giêsu để sinh nhiều hoa trái việc lành, như Ngài nói: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24: Tin Mừng). Hạt giống vật chất nếu chết đi là thối luôn, không thể mọc lên được. Do đó, ta phải hiểu Lời Đức Giê-su nói “hạt lúa mì chết đi” là ám chỉ chính Ngài sẽ bị giết và được ông Nicôđêmô lãnh xác Ngài an táng trong lòng đất, chưa trọn ba ngày, thì “hạt giống” này đã mọc lên (Chúa Giêsu Phục Sinh), để rồi Ngài sai các Tông Đồ đi khắp thế giới tập họp môn đệ cho Ngài bằng hai việc: ban Thánh Tẩy cho họ, và dạy họ mọi điều Đức Giê-su đã truyền cho các ông (x Mt 28,19-20), và cứ như thế cho tới ngày cánh chung, thì từ “hạt lúa mì” ấy đã chết sinh ra biết bao hạt khác, mà thánh Gioan được Chúa cho nhìn thấy trước: “Con Chiên đứng trên núi Sion và với 144 ngàn người, mang danh của Ngài và danh của Cha Ngài viết trên trán họ. Ngoài 144 ngàn người ấy, những người đã được mua chuộc từ cõi đất, họ là những kẻ không bị dây dớm với phụ nữ vì họ trinh khiết; họ được tháp tùng theo Chiên Con bất cứ Ngài đi đâu; họ đã được mua chuộc giữa loài người, làm tiên thường hiến dâng Thiên Chúa và Con Chiên” (Kh 14,1.3b-4).

Những người được Chúa cứu độ đã diễn tả người tôi trung Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã nói : “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53, 10-12).

Người tôi trung gương mẫu nhất của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu, Ngài muốn chúng ta giữ được mạng sống mình, thì phải đi trên con đường Ngài đã đi (x 1 Ga 2,6). Chính vì vậy mà Đức Giêsu kêu gọi: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy,Cha của Thầy sẽ quí trọng người ấy”( Ga.12,26 Tin Mừng).

“Đức Giêsu ở đâu, người phục vụ Ngài cũng ở đó” nghĩa là muốn hưởng vinh quang trong Nước Thiên Chúa, thì trước đó phải phục vụ giống Đức Giêsu ở đồi Sọ. Tuy nhiên chưa phải chết khổ nhục như Ngài, thì ít ra lúc ở với Chúa Giêsu trong Thánh Lễ, phải quảng đại dâng nhiều thời giờ để nghe, tìm hiểu và suy gẫm Lời Chúa, dù có ngăn trở công ăn việc làm, có tổn thương đến cơ thể làm mỏi mệt, nhưng vì yêu lại thích sự khó nhọc đó. Kìa cô cậu yêu nhau cả ngày làm việc vất vả mỏi mệt, thế mà tối hẹn nhau nơi vắng trò chuyện tới khuya, nói nói, nghe nghe, quên hết cả thời gian. Tại sao người Công Giáo biết rằng vì yêu Chúa mà dự Lễ mới được Chúa ban nhiều ơn, thế mà không muốn nghe giảng nhiều điều, chỉ thích càng vắn càng tốt, 10 phút là dài. Nếu chủ chăn và giáo dân ai cũng nghĩ như thế, thì hỏi rằng có còn yêu Chúa hay là bất hòa, vì cô cậu lúc bất hòa thì chẳng nghe nhau nữa, cực chẳng đã nói mấy điều cho xong việc!

Vậy chỉ những người vì tin yêu Chúa Giêsu mà đến dự Lễ, thì mới được Ngài hứa: “Thầy sẽ đi dọn chỗ cho anh em và khi Thầy trở lại, Thầy sẽ đem anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng được ở đó” (Ga.14,3), như Ngài đã xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng được ở đó với Con, để chúng được chiêm ngưỡng vinh quang của Con mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,20). Đó là “phúc lộc Chúa dành cho người biết thương xót và cho vay mượn” (Tv 112/111, 5a: Đáp ca). Vì vậy Đức Giêsu quả quyết: “Ai theo Tôi, sẽ không đi trong bóng tối nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga.8,12bc Tung hô Tin Mừng)

THUỘC LÒNG

-Hc. 29,12-13: Rộng tay chia sẻ là con chất đầy kho lẫm, và con sẽ thoát mọi nỗi gian nguy. Của chia sẻ sẽ nên vũ khí giúp con chống địch thù, lợi hại hơn cả khiên dầy giáo nhọn.

-Tb. 4,10-11: Việc chia sẻ cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty. Vì trước nhan Đấng Tối Cao, của chia sẻ là một lễ vật quý giá.

-2Cor. 9,6-8: Ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện.

-2Cor .9,9: Người rộng tay ban phát cho kẻ túng nghèo, đức công chính của họ tồn tại muôn đời.

-1Ga .3,17: Đừng ai yêu bằng đầu lưỡi, nhưng yêu bằng việc làm thật sự.

-Cv. 20,35: Cho thì có phúc hơn là lấy.

-Giáo sư Alfred Adler nói: Kẻ nào không quan tâm đến người khác, chẳng những nó gặp nhiều khó khăn trên đời, mà còn là kẻ gây tác hại cho xã hội.

-Linh mục Carlyle nói: Muốn biết lòng nhân ái của ai, chỉ cần xem cách người đó đối xử với các tôi tớ.

-Nhà tâm lý học Ive nói: Phần lớn nỗi thống khổ của người nghèo là họ nhìn thấy cách dùng tiền của phung phí, vô ý thức của người giàu.

 

SUY NIỆM 11: Thánh LAURENSÔ Phó Tế Tử Đạo

(Nt. M. Anh Thư OP)

Sự sống con người vốn đáng quý, bởi nó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Trong sự vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu đã được sai đến để yêu thương cứu chuộc con người khỏi mọi tội lỗi, và cho con người sự sống vĩnh cửu. Noi gương Chúa Giêsu, có những người đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu bất diệt vượt trên mọi đau khổ và cả cái chết. Đó chính là thánh Laurensô tử đạo mà hôm nay Giáo hội mừng kính.

Thánh Laurensô sinh tại một thị trấn ở Aragon, nước Tây Ban Nha. Ngay từ khi còn trẻ, Laurensô đã được gửi đi du học ở Rôma. Tại đó, ngài đã được Đức Giáo hoàng Xíttô II trao chức phó tế để phục vụ trong nhà thờ và giúp đỡ những người nghèo như “tài sản của Giáo hội”.

Vào tháng 8 năm 258, Hoàng đế Valerianô ra lệnh cấm đạo, Đức Giáo hoàng Xíttô II bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế, trong đó có Laurensô. Khi bị bắt, viên tổng trấn Roma yêu cầu Laurensô giao tất cả tài sản của Giáo hội cho đế chế. Tuy nhiên, theo lời chỉ dạy của Đức Giáo Hoàng, trước khi ra pháp trường, Laurensô đã phân phát hết tiền của, tài sản của Giáo hội cho người nghèo, ngài còn bán cả các phẩm phục quý giá để có thêm tiền phân phát.

Khi tổng trấn chất vấn về số tài sản ấy thì Laurensô đã khẳng định những người nghèo, những người khuyết tật, người mù lòa và đau khổ mới là những thực sự là ‘tài sản của Giáo hội’. Viên tổng trấn nổi giận, buộc Laurensô phải dâng lễ tiến các thần minh. Vị phó tế Laurensô đã từ khước dù phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên giàn sắt nung đỏ và đã lãnh phúc tử đạo vào ngày 10 tháng 8 năm 258 tại Rôma. Trước khi chết, ngài đã cầu xin cho mọi tín hữu trong thành phố Rôma được ơn trở lại với Ðức Kitô, và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới.

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo được các tín hữu ở Rôma yêu mến một cách đặc biệt. Thời Trung Cổ, đã có ít là 34 thánh đường ở Rôma được dâng kính thánh nhân. Ngài cũng là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma.

Thánh Laurensô đã sống triệt để Lời Chúa dạy, như hạt lúa mì chịu chôn vùi dưới đất, thánh nhân đã chịu mục nát trong thân phận con người để trỗi dậy mạnh mẽ trong sức sống mới của Thiên Chúa. “Người được lãnh nhận Đấng trao ban chính mình tại bàn tiệc thánh thế nào, thì người cũng trao hiến chính mình làm của ăn cho người khác như vậy. Khi sống người yêu mến Đức Kitô, thì lúc chết người cũng bắt chước Đức Kitô. Các thánh tử đạo đã đi theo Đức Kitô đến nỗi chịu đổ máu, chịu đau khổ như Người. Các thánh tử đạo đã đi theo Đức Kitô, nhưng không phải chỉ có các ngài thôi. Quả thế, các ngài đi qua, cầu vẫn chưa sập; các ngài uống nước, suối vẫn chưa khô. Thưa anh em, vườn của Chúa có đủ các loại hoa: không phải chỉ có hoa hồng tử đạo, mà còn có hoa huệ khiết trinh, có dây trường xuân hôn nhân, có hoa tím góa bụa”. [1]

Mỗi người chúng ta dù ở bậc sống nào cũng được mời gọi góp hương sắc cho vườn hoa của Giáo hội. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về chính mình khi gặp những đau khổ thử thách, đó chính là trường đào luyện để chúng ta nên giống Đức Kitô “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Chúng ta dễ dàng theo Chúa khi được những điều may lành, nhưng cũng dễ dàng bỏ Chúa khi gặp khó khăn thử thách. Vì thế chúng ta phải tha thiết xin Chúa ban ơn để chúng ta đủ sức đón nhận những nghịch cảnh trong niềm tín thác. Các thánh cũng là những con người yếu đuối như chúng ta, nhưng các ngài biết dựa vào sức mạnh của Chúa và quy hướng mọi sự về Chúa.

Cuộc sống xã hội hôm nay luôn cần những con người biết yêu mến và bảo vệ Giáo hội, nhất là những người nghèo khổ. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm nhận rằng “Khi đời sống nội tâm tự khép kín trên những hứng thú riêng tư, thì sẽ không còn chỗ cho kẻ khác, người nghèo không tìm được lối vào; người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa; không còn hưởng được niềm vui êm ái tình yêu của Người, không còn hứng thú làm việc thiện” (EG 2). Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy canh tân việc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô để có được sức bật mới mẻ tràn đầy niềm vui, biết ra đi trao tặng yêu thương, sự quan tâm chia sẻ với những người nghèo khổ và những ai đang đói khát tình thương cứu độ.

Ngày hôm nay, chúng ta không còn phải tử đạo qua gươm giáo hay lửa nung thiêu đốt, nhưng chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng bằng thái độ sống công bằng bác ái, bằng lòng thương cảm đối với những người nghèo khổ, người bị gạt ra bên lề xã hội, những con người bị tước mất quyền sống và quyền được hưởng tự do là con cái Chúa. Noi gương thánh Laurensô, chúng ta hãy cùng nắm lấy tay nhau tạo nên một vòng tròn yêu thương, lan tỏa và tiếp thêm sức mạnh của Chúa cho thế giới đang từng ngày nghèo đi và thiếu vắng tình thương.

Lạy Chúa Giêsu là Đấng đã đến thế gian để yêu thương và cứu chuộc nhân loại nghèo khổ, xin cho chúng con biết đón nhận những điều trái ý trong cuộc sống, biết thánh hóa những đau khổ trở thành ân phúc thiêng liêng mang lại cho chúng con niềm hạnh phúc đích thực.

Thánh Laurensô đã một lòng vì Chúa, vì Giáo hội và những người nghèo, xin cho chúng con cũng có được tâm tình và lòng quảng đại như thánh nhân, trung kiên làm chứng cho Chúa dù phải chịu đau khổ bách hại. Amen.

Nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái – SN Song ngữ ngày 10.8.2021

 

 

Tuesday (August 10): “If it dies, it bears much fruit”

 

Scripture: John 12:24-26  

24 Truly, truly, I say to you, unless a grain of wheat falls into the earth and dies, it remains alone; but if it dies, it bears much fruit.  25  He who loves his life loses it, and he who hates his life in this world will keep it for eternal life.  26 If any one serves me, he must follow me; and where I am, there shall my servant be also; if any one serves me, the Father will honor him.

Thứ Ba  10-8        Nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái

 

Ga 12,24-26

24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”

Meditation: 

 

What can a grain of wheat tell us about life and the kingdom of God?  Jesus drew his parables from the common everyday circumstances of life. His audience, mostly rural folk in Palestine, could easily understand the principle of new life produced by dead seeds sown into the earth. What is the spiritual analogy which Jesus alludes to? Is this, perhaps, a veiled reference to his own impending death on the cross and his resurrection on the third day? Or does he have another kind of “death and rebirth” in mind for his disciples? Jesus, no doubt, had both meanings in mind for his disciples. 

 

The image of the grain of wheat dying in the earth in order to grow and bear a harvest can be seen as a metaphor of Jesus’ own death and burial in the tomb and his resurrection. Jesus knew that the only way to victory over the power of sin and death was through the cross. Jesus reversed the curse of our first parents’ [Adam and Eve] disobedience through his obedience to the Father’s will – his willingness to go to the cross to pay the just penalty for our sins and to defeat death once and for all. His obedience and death on the cross obtain for us freedom and new life in the Holy Spirit. His cross frees us from the tyranny of sin and death and shows us the way of perfect love. There is a great paradox here. Death leads to life. When we “die” to our selves, we “rise” to new life in Jesus Christ.

 

 

What does it mean to “die” to oneself? It certainly means that what is contrary to God’s will must be “crucified” or “put to death”. God gives us grace to say “yes” to his will and to reject whatever is contrary to his loving plan for our lives. Jesus also promises that we will bear much “fruit” for him, if we choose to deny ourselves for his sake. Jesus used forceful language to describe the kind of self-denial he had in mind for his disciples. 

 

 

What did he mean when he said that one must hate himself?  The expression to hate something often meant to prefer less. Jesus says that nothing should get in the way of our preferring him and the will of our Father in heaven.  Our hope is in Paul’s reminder that “What is sown in the earth is subject to decay, what rises is incorruptible” (1 Corinthians 15:42). Do you hope in the Lord and follow joyfully the path he has chosen for you?

“Lord Jesus, let me be wheat sown in the earth, to be harvested for you. I want to follow wherever you lead me. Give me fresh hope and joy in serving you all the days of my life.”

Suy niệm:  

 

Hạt lúa miến có thể nói với chúng ta điều gì về cuộc sống và nước Thiên Chúa? Đức Giêsu đưa ra những dụ ngôn từ những ví dụ hằng ngày trong cuộc sống. Thính giả của Người, những người dân quê ở xứ Palestine, có thể dễ dàng hiểu được nguyên lý của sự sống mới nảy sinh từ những hạt giống chết trong lòng đất. Phép loại suy về bài học thiêng liêng nào mà Đức Giêsu muốn ám chỉ tới là gì? Có lẽ điều này muốn nói đến cái chết sắp xảy đến của Người trên thập giá và sự phục sinh của Người chăng? Hay phải chăng Chúa đã có một kiểu “chết và tái sinh” mà Người muốn các môn đệ phải ghi nhớ? Rõ ràng, Đức Giêsu có cả hai ý nghĩa này trong tâm trí của các môn đệ.

Hình ảnh hạt lúa miến chết trong lòng đất để được mọc lên và sinh nhiều hoa trái có thể được nhìn thấy như một phép ẩn dụ về cái chết và sự chôn cất trong mộ và sự phục sinh của Người. Đức Giêsu biết rằng con đường duy nhất dẫn đến chiến thắng quyền lực tội lỗi và cái chết phải đi qua thập giá. Đức Giêsu đón nhận lời chúc dữ của sự bất tuân từ nguyên tổ Adam và Eva qua sự vâng phục thánh ý Chúa Cha của Người, sự sẵn sàng bước tới thập giá của Người đền trả hình phạt công thẳng dành cho tội lỗi chúng ta, và đánh bại cái chết một lần nữa cho tất cả mọi người. Sự vâng phục và cái chết của Người trên thập giá đem lại cho chúng ta sự tự do và sự sống mới trong Thánh Thần. Thánh giá của Người giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết, và tỏ cho chúng ta con đường yêu thương hoàn hảo. Ở đây có một sự nghịch lý rất lớn. Cái chết dẫn đến sự sống. Khi chúng ta “chết” cho chính mình, chúng ta “sống” cuộc sống mới trong Đức Giêsu Kitô.

Chết đi cho chính mình có nghĩa là gì? Chắc hẳn đó là những gì trái ngược với thánh ý Chúa phải bị “đóng đinh” hay “giết chết”. Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn sủng để thưa “xin vâng” với thánh ý Người và chống lại những gì trái ngược với kế hoạch yêu thương của Người đối với cuộc sống của chúng ta. Đức Giêsu cũng hứa rằng chúng ta sẽ sinh nhiều “hoa trái” cho Người, nếu chúng ta quyết tâm từ bỏ chính mình vì danh Người. Đức Giêsu đã sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ để diễn tả sự bỏ mình mà Người muốn các môn đệ phải ghi nhớ.

Đức Giêsu muốn ám chỉ gì khi Người nói rằng người ta phải ghét bỏ chính mình? Thành ngữ ghét cái gì thường mang ý nghĩa là bớt đi, ít hơn. Đức Giêsu nói rằng không có gì thành trở ngại trên con đường của chúng ta đến với Người và thánh ý Cha trên trời. Hy vọng của chúng ta được bày tỏ nơi lời của thánh Phaolô “Cái gì gieo xuống đất thì hư nát, cái gì trỗi dậy thì bất diệt” (1Cor 15,42). Bạn có hy vọng vào Thiên Chúa và vui vẻ bước theo con đường mà Người đã chọn cho bạn không?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho con thành hạt lúa miến chết trong lòng đất, để đem lại hoa trái cho Chúa. Con muốn bước đi bất cứ nơi nào mà Chúa dẫn dắt con đi. Xin Chúa ban cho con niềm hy vọng và lòng hân hoan trong việc phụng sự Chúa suốt cả cuộc đời.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây