Thứ Tư tuần 19 thường niên. – Thánh Cơlara, trinh nữ. Lễ nhớ.

Thứ ba - 10/08/2021 07:39

Thứ Tư tuần 19 thường niên. – Thánh Cơlara, trinh nữ. Lễ nhớ.

"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em". 

 

Thánh nữ sinh năm 1193 tại Átxidi. Năm 18 tuổi, chị xin thánh Phanxicô cho được theo nếp sống khó nghèo. Thánh Phanxicô đã cho chị ở trong một căn nhà tồi tàn, gần nhà thờ thánh Đamianô ở cửa ngõ thành Átxidi. Em của thánh nữ tên là Anê và một số thiếu nữ khác gia nhập nếp sống của chị: sống thanh bần triệt để. Đó là những nữ tu Phanxicô tiên khởi. Chị qua đời năm 1253.

 

Lời Chúa: Mt 18, 15-20

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".

 

 

Suy niệm 1: Sửa lỗi người anh em

Suy niệm:

Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.

Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn

thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).

Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,

vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,

thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ

mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.

Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).

Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.

Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.

Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.

Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,

nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.

Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.

Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.

Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,

thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).

Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,

không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,

nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,

thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.

Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,

nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:

coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,

kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,

kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.

Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,

thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.

Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô

được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)

khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).

Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.

Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,

thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).

Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,

thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).

Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).

Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).

Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng

Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.

Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Cuộc đời chúng con

Diễn ra quanh những chiếc bàn,

Làm bằng những chất liệu khác nhau,

Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.

Nơi bàn học,

Ngài mở trí tuệ chúng con

Trước những chân trời mới,

Và dạy chúng con học đạo làm người.

Nơi bàn ăn,

Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con

Để chúng con có sức phục vụ tha nhân

Nơi bàn làm việc,

Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài

Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.

Nơi bàn thờ,

Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,

Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.

Lạy Chúa

Giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,

Để gặp gỡ, chia sẽ, để bàn bạc, thảo luận,

Để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.

Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng

Để tất cả trở nên con đường

Đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 

Suy niệm 2: Sửa lỗi

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa thánh thiện không thể chịu được tội lỗi. Tội lỗi phải bị khai trừ. Tuy nhiên cách khai trừ có khác biệt từ Cựu Ước sang Tân Ước. Thời Cựu Ước cách khai trừ tội lỗi khắc nghiệt. Công lý nhiều hơn tình thương.

Ê-dê-kiên cho thấy cuộc thanh tẩy Giê-ru-sa-lem đầy máu. Thiên Chúa tiêu diệt thành phố tội lỗi: “Vinh quang Đức Chúa bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các thần hộ giá. Các thần hộ giá dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất…các bánh xe cũng chuyển theo”. Và một cuộc trừng phạt tàn sát không xót thương diễn ra: “Hãy đi theo người ấy vào thành mà chém giết. Đừng nhìn mà thương hại, đừng xót thương. Người già, thanh niên, thiếu nữ, cũng như đàn bà con trẻ, các ngươi hãy giết cho sạch”. Thật là nghiệt ngã (năm chẵn).

Ngay cả Mô-sê, một người tôi tớ trung tín suốt đời tận tuỵ phục vụ Chúa, người đã làm biết bao điềm kỳ phép lạ, người giải phóng Ít-ra-en khỏi ách nô lệ Ai cập, người thiết lập một dân mới, người ban bố lề luật, thế mà cũng bị phạt khắc nghiệt. Thực ra tội của Mô-sê chính là tội của dân. Vì thương dân và chiều theo dân nên bỏ lời Chúa. Thế mà ông bị trừng phạt nặng nề. Không được vào đất hứa. Chết nơi xứ lạ quê người. Không chôn cất mồ mả. “Ông Mô-sê, tôi trung của Đức Chúa, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh Đức Chúa…Cho đến ngày hôm nay, không ai biết mộ ông ở đâu” (năm lẻ).

Đến thời Tân Ước, tình yêu thương được đề cao hơn công lý. Chúa truyền cho các cộng đoàn phải sửa lỗi anh em trước khi trừng phạt. Khi sửa lỗi cũng phải tế nhị. Trước hết phải kín đáo riêng tư. Khi không thể thuyết phục riêng tư mới dùng đến ảnh hưởng cộng đoàn. Phải cứu sống hơn giết chết. Phải tha thứ hơn kết án. Phải đón nhận hơn loại trừ. Phải sửa chữa hơn vất bỏ. Phải xây dựng hơn phá huỷ. “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”. Sự hợp nhất phải xây dựng từ những đớn đau của thương tích, của tha thứ, của chữa lành. Bấy giờ tình yêu thương đoàn kết sẽ vô cùng quí giá và sâu xa. Đó chính là nền tảng để dâng lời cầu nguyện và được Chúa nhận lời: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Họp lại sau những xung khắc lỗi lầm mới thực sự sâu xa bền chặt.

 

Suy niệm 3: Cầu nguyện.

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa với Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thi hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt. 18, 15-17)

Thật dễ dàng tố cáo Giáo Hội nghiêm khắc với các tín hữu, dựa vào luât khắt khe để phạt vạ tuyệt thông họ. Nhưng ta hãy nghĩ lại xem không phải Giáo Hội đoạn tuyệt, mà tại người đó từ chối vâng theo lời Thiên Chúa và Giáo Hội, họ làm tôi cho thần thế gian.

Trong Giáo Hội, ai từ chối vâng lời, kẻ ấy tự lìa bỏ Giáo Hội. Ai từ chối vâng lời Giáo hội là hội có quyền gải thích về Thiên Chúa thì kẻ ấy lìa bỏ Thiên Chúa.

Sự bất đồng.

Thật rõ ràng kẻ tội lỗi từ chối vâng theo luật Chúa. Luật Chúa không phải là cái ách, nhưhg là phương thế tình yêu giúp sống trung thành với Thiên Chúa. Vì tội lỗi, tôi từ bỏ Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa vứt bỏ tôi, đoạn tuyệt với tôi. Tình yêu của Ngài luôn luôn theo tôi. Sao tôi không gắn bó vời Thiên Chúa, sao tôi chối bỏ Ngài, khinh chê Ngài?

Giáo Hội có thể nhiều lần cảnh giác, khi dùng đe dọa phạt vạ tuyệt thông là để nhắc nhở ta đừng đi vào lầm lạc, làm xa lìa Thiên Chúa. Giáo Hội biết rõ sự nguy khốn. Giáo Hội cảnh giác, giữ gìn, đề phòng cho ta.

Nếu tôi phạm luật đi đường, không phải lỗi của nhà lập luật, phải nhắc nhở ta giữ trật tự, hơn nữa muốn ta gắn bó với hợp đồng chung. Tôi phải chịu trách nhiệm công dân.

Đồng tâm.

Hai câu sau của đoạn Tin Mừng hôm nay, nhắc nhở một sự thực mà người ta thường quên. Không chỉ cùng nhau cầu nguyện mà hơn nữa phải hợp nhất cùng nhau, phải đồng tâm cầu nguyện hướng về một đối tượng. Điều đó rất khó vì ngay trong một gia đình, giữa bạn hữu cũng khó có sự đồng tâm cầu xin về điều này điều kia, ngay cả trong Giáo Hội đôi khi phải ngạc nhiên chẳng nhận được điều chúng ta cầu xin! hãy đồng tâm nhất trí! Một lệnh truyền tốt đẹp…

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

J.M

 

Suy niệm 4: SỬA LỖI CHO ANH EM THEO TINH THẦN CỦA CHÚA ( Mt 18, 15-20)

Xem lại CN 23 TN A.

Nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi cho anh chị em thật là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái “tôi” quá lớn.

Nguyên nhân chính là sự bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của mình hơn là lỗi của họ.

Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó! Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em!

Tâm tình mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là: yêu thương chân tình, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Làm được như thế thì mới thành công.

* Sửa lỗi nhau trong yêu thương chân tình: khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: lỗi của người anh em đôi khi cũng là lỗi của chính mình. Và có lúc lỗi của mình còn nặng hơn của họ. Có thế, chúng ta mới dễ thông cảm, nhẹ nhàng và bao dung.

* Sửa lỗi trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo: hãy đến với anh em bằng những lời nói nhẹ nhàng, đầy tình nghĩa trong sự yêu thương: "Một mình anh với nó mà thôi".

* Sửa lỗi trong tôn trọng: khi sửa lỗi cho nhau mà thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa lỗi.

* Sửa lỗi trong sự tế nhị: thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Vì thế, nếu không tế nhị thì sẽ dễ dẫn đến thất bại và đào thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, cần phải tế nhị và kín đáo.

* Sửa lỗi trong kiên trì: thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái “tôi”, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âutinh con của ngài!

* Sửa lỗi trong cầu nguyện: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Mọi chuyện sẽ trở thành “công dã tràng” nếu không biết cậy dựa vào ơn Chúa. Đời sống cầu nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Chúng ta nên nhớ rằng: sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Chúa. Tự thân, chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cũng cho chúng con ý thức rằng: Chúa luôn muốn chúng con cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi cho nhau trong tình thương. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 5: SỨ VỤ HÒA GIẢI

(http://giaoducconggiaohdgm.org)

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên những sứ giả hòa giải. Người dạy cho chúng cách thức hòa giải để có thể “đến với người khác” và “đón nhận người khác”. Việc hòa giải này rất khó khăn vì đòi hỏi sự khai mở từ hai phía: chủ thể hòa giải và đối tượng được hòa giải. Trách nhiệm tình huynh đệ chân chính đòi hỏi chúng ta không được phép bỏ mặc một người anh em đi vào cuộc phiêu lưu nguy hiểm nhưng phải hết sức cố gắng đưa họ trở lại với đường ngay nẻo chính. Sứ vụ này đòi hỏi thái độ sám hối và hòa giải đến cả từ hai phía. Bởi vì một sự thật mà chúng ta phải nhìn nhận rằng đã là người ai chẳng có lầm lỗi. Trong thâm tâm người Kitô hữu, ai cũng ước muốn được Thiên Chúa tha thứ, mà sự thật thì chính Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước, ngay khi chúng ta còn là tội nhân (x.Rm 5, 10-11), vậy lẽ nào chúng ta lại không thể tha thứ cho anh em mình? Lời Chúa soi sáng cho chúng ta thấy rõ Thiên Chúa mới là chủ thể hòa giải đích thực, và chúng ta được mời gọi tham dự vào sứ mạng hòa giải này. Quyền cầm buộc và tháo gỡ được Chúa Giêsu thiết lập và trao ban không nhằm thể hiện quyền bính nhưng được thực hiện dưới ánh sáng của tình yêu. Bởi vì chính nhờ tình yêu mà chúng ta được cứu độ. Do đó, sứ mạng hòa giải phải được đặt trong tương quan hiệp thông. Chính trong sự hiệp thông này mà Chúa Giêsu trở nên chủ thể hòa giải: “Thầy ở giữa những người ấy” (x.Mt 15, 20).

Trong thế giới ngày nay, nhiều quốc gia đang nỗ lực kiến tạo nền hòa bình và hợp tác giữa các dân tộc. Chiến tranh, hận thù, chia rẽ là điều ai cũng sợ vì chúng chỉ mang lại chết chóc, bất an và mất mát. Tuy nhiên, chúng vẫn hiện diện đâu đó trong xã hội loài người, cộng đoàn tín hữu và các gia đình, nhất là tiềm ẩn trong lòng mỗi người. Là người Kitô hữu, chúng ta mang trong mình sứ vụ hòa giải. Vì vậy, trước hết người Kitô hữu được mời gọi hãy làm một cuộc xuất hành để ra khỏi chính con người mình để đến những nơi, những con người Chúa muốn. Đó là một thế giới đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa và nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi tha nhân. Khi làm như vậy là chúng ta đang góp phần xây dựng một thế giới mới mang màu sắc của nền văn minh tình thương, một thế giới thấm nhầm tình huynh đệ.

Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa trên thập giá là lời mời gọi chúng con sống sứ mạng hòa giải. Sứ mạng này cho chúng con thấy sự liên đới mật thiết giữa hai chiều kích hòa giải với nhau và hòa giải với Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra thân phận tội lỗi để biết thay đổi chính mình và ý thức sống tinh thần hòa giải trong tương quan với Chúa và anh em. Nhờ đó chúng con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, vì chính lúc cho đi là khi lãnh nhận, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen.

 

Suy niệm 6: SỬA LỖI CHO ANH EM

(GKGĐ Giáo Phận Phú Cường)

Trong tương giao xã hội, ai trong chúng ta cũng thích sự tế nhị nơi người khác và cũng mong muốn thủ đắc sự tế nhị để thành công trong cuộc sống. Vì "điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người" được xem là tiêu chuẩn để làm thước đo tính tế nhị. Tế nhị là sự khéo léo sử dụng những cử chỉ ngôn ngữ trong giao tiếp, ứng xử, thể hiện là con người có hiểu biết, có văn hóa; đồng thời, cũng thể thể hiện sự tôn trọng người khác.

Thánh sử Mátthêu thuật lại lời hướng dẫn của Chúa Giêsu cho các môn đệ khi xưa, cũng là cho chúng ta hôm nay về sự tế nhị góp ý, giúp nhau xây dựng đời sống hoàn thiện “như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (x. Mt 5, 48): “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18, 15).

Có thái độ tôn trọng và tế nhị khi sửa lỗi người khác là cần thiết trong cộng đoàn, gia đình và Giáo Hội. Vì tính tế nhị đi liền với sự chân thành và lòng tôn trọng người khác. Người biết cách cư xử tế nhị sẽ mang lại sự hòa thuận vui vẻ với mọi người ở chung quanh. Trong khi theo tính khí và khuynh hướng tự đề cao mình, chúng ta thường có thói quen chỉ trích, chê bai công khai, nói xấu hay quyết liệt gièm pha, phản ứng gay gắt khi đối diện với những điều trái ý, phật lòng, khi bắt gặp những sai phạm hay khuyết điểm của người khác. Thiên Chúa mời gọi người Kitô hữu trong tình bác ái huynh đệ, những lúc như thế, chúng ta hãy gặp riêng người anh chị em, chỉ một mình ta với họ mà thôi. Việc gặp gỡ riêng tư giúp hai người đối thoại cởi mở hơn, bộc bạch với nhau và hiểu nhau hơn. Hơn nữa, gặp gỡ riêng tư trong giúp nhau hoàn thiện nên tốt hơn còn giúp chúng ta giữ gìn thanh danh và uy tín của nhau, kể cả người được góp ý và người góp ý. Bởi lẽ, người tế nhị cũng là người khiêm tốn. Không kín đáo đến mức khó hiểu, biết im lặng khi cần thiết. Không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác, cũng không tò mò thọc mách, không chế giễu người khác trước mặt cũng như sau lưng. Ngược lại, tế nhị cũng không phải bày tỏ lòng quan tâm quá mức cần thiết. Và con người tế nhị bao giờ cũng mang vẻ đẹp của lòng nhân hậu, tinh thần cao thượng và sự hiểu biết giàu có trong đời sống.

Mong thay, nhờ ơn Chúa giúp, mỗi chúng ta luôn nỗ lực sống tôn trọng và tế nhị với mọi người. Bởi lẽ, mọi người dù xấu hay tốt đều là con cái của Chúa.

 

Suy Niệm 7: Sửa bảo dựa trên bác ái

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Trong Giáo Hội, việc sửa bảo lẫn nhau phải dựa trên tinh thần bác ái. Các sinh hoạt trong Giáo Hội sẽ có giá trị tích cực khi nhân danh Chúa Giêsu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống hằng ngày, trước lỗi lầm của kẻ khác, con dễ dàng đưa ra lời kết án, buộc tội. Nên Chúa muốn con có một thái độ khác: đó là nhắc bảo giúp nhau sửa lỗi.

Việc kết án buộc tội làm con tách lìa khỏi kẻ khác, vì khi đó con xem họ là kẻ có lỗi, còn con là người không có lỗi, là người tốt. Chúa muốn con đến với những người yếu đuối, lỡ lầm, để thông cảm với họ và nhắc bảo họ về hành vi sai trái, với mục đích tách họ ra khỏi lầm lỗi, để họ có thể hội nhập vào cộng đoàn giáo xứ, giáo họ.

Lạy Chúa, con biết rằng để có thể giúp kẻ khác trở về, con cần phải yêu thương họ và đối xử với họ như anh chị em. Khi con chưa thật lòng thương yêu kẻ khác, con chưa thể giúp đỡ, nhắc bảo họ được. Xin Chúa giúp con yêu thương kẻ khác bằng chính tình yêu của Chúa, một tình yêu đầy lòng tha thứ và có sức mạnh cải thiện con người.

Chúa đã tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, Chúa đã tha thứ cho thánh Phêrô… Chúa cũng đã tha thứ cho con biết bao lần. Chúa cũng muốn con thực hiện sự tha thứ ấy trong cuộc sống của con. Xin Chúa cho con cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho con, để con sống tình yêu Chúa đối với kẻ khác.

Lạy Chúa, xin thương sửa dạy con. Amen.

Ghi nhớ: “Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.

 

Suy Niệm 8: Sửa lỗi và cần được sửa lỗi

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Nhân gian có câu: “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là con người không có ai hoàn hảo. Trong kiếp nhân sinh, ai cũng có những thiếu sót và lầm lỗi, mà tôi và bạn đã có những kinh nghiệm từ chính bản thân mình trong cuộc sống. Nhưng mỗi người theo thánh ý của Chúa Giêsu, được mời gọi vượt lên trên, chữa lành những khiếm khuyết, bất toàn, lầm lỗi để trở “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Vì thế, mỗi người phải luôn sửa lỗi và cần được sửa lỗi.

Suy niệm                                                                  

Chúa Giêsu trong Tin Mừng (Mt 18:15-17) dạy cho chúng ta bài học sửa trị trong tình huynh đệ xuất phát từ đức ái tuyệt hảo mà Đức Chúa Giêsu đã dạy: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,31).

Việc sửa lỗi cho nhau dựa trên tình yêu và lời của Chúa: “Anh em phải tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là cảm thông mãi mãi và tha thứ không ngừng…

Chúa Giêsu đã đưa ra tiến trình sư phạm tiệm tiến:

Một mình với người anh em có lỗi: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Tế nhị kín đáo, gìn giữ danh dự cho anh em là bổn phận của đức ái Kitô.

Nhưng nếu sự tế nhị của ta dành cho anh em bị khinh thường, chúng ta dùng biện pháp mạnh hơn bằng việc nhờ sự đóng góp, sửa chữa nơi những anh em khác có uy tín như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”. Nếu lòng nhân ái của chúng ta một lần nữa bị chà đạp, thì chúng ta nại đến Giáo hội can thiệp: “Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh”.

Nhưng nếu tất cả biện pháp đều thất bại thì: “Không nên lấy của thánh mà đem cho chó” hoặc “đem ngọc ném cho heo giẫm lên” (Mt 7,6), do sự cố chấp không muốn trở về chính lộ của người lỗi lầm. Đức Giêsu dứt khoát khép lại lộ trình sửa chữa: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”, vì họ tự cắt đứt nguồn tình yêu bao dung đến từ Thiên Chúa qua anh em, tự tách mình ra khỏi cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn tiến về sự hoàn thiện như Cha trên trời.

Tiến trình sửa sai huynh đệ mang tinh thần bao dung thương xót của tình yêu, nhưng công minh, thẳng thắn với kẻ cố chấp từ chối lòng nhân ái, bao dung của anh em. Trước bài học sửa sai huynh đệ mà Chúa dạy, chúng ta cùng rút tỉa cho cuộc sống mình:

Trong tư cách là người phạm lỗi: “Đừng nói: Tôi tự nhiên như vậy. Sửa sao được”, đó là những khuyết điểm con phải “nên người”, “nên con Chúa”. Những tính ấy bất xứng với con” (ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng). Chân thành đón nhận và sửa chữa theo những chỉ bảo của anh em, của các vị trách nhiệm cộng đoàn để sự khiếm khuyết của mình được lấp đầy bằng tình yêu của Thiên Chúa qua anh em. Nếu không đón nhận sự chân thành sửa chữa từ anh em, chúng ta sẽ đối diện với cái họa: Họa vì chối bỏ tình thương của Thiên Chúa, họa do mình tự tách biệt, cách đứt nguồn suối ân sủng trong Giáo hội.

Trong bổn phận trách nhiệm giúp anh em sửa lỗi, tôi và bạn luôn mang tình yêu, mặc lấy lòng bao dung, đó là tiếng nói cảnh tỉnh giúp người anh em nhận ra lầm lỗi để sửa chữa, đó là nâng đỡ tình bác ái: “cuộc sống huynh đệ thử thách và nâng đỡ tình bác ái, cây trên rừng che đỡ nhau lúc gió bão” (Đường Hy Vọng).

Lạy Chúa, xin cho con luôn biết mở lòng trước những lời chỉ dạy của anh em… Xin cho con được lòng đầy bao dung yêu thương, cất tiếng nói chân lý để bổ khuyết những thiếu sót, sửa chữa những lầm lỗi trong tha nhân.

Ý lực sống

“Anh em hãy mặc lấy áo của sự thành thật, thông cảm, nhân hậu... khiêm nhượng, hiền lành, kiên nhẫn. Chịu đựng lẫn nhau, tha thứ cho nhau... Trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy tình yêu” (Cl 3,12-14).

 

Suy Niệm 9: Sửa lỗi cho anh em

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Tiếp tục nói về nếp sống cộng đoàn, Đức Giêsu dạy chúng ta cách thế sửa lỗi cho anh em. Người nhấn mạnh việc sửa lỗi phải dựa trên lòng bác ái, tình yêu thương, kiên nhẫn và xây dựng. Cách sửa lỗi của chúng ta nhằm giúp đương sự hồi tâm hoán cải. Khi có người trong cộng đoàn lỗi phạm, hãy sửa dạy cách kiên nhẫn qua nhiều giai đoạn: gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng mình đi thuyết phục, trình kẻ có thẩm quyền. Khi tất cả mọi cố gắng đều vô ích, thì mới kể người đó không là thành phần của cộng đoàn nữa.

Qua dụ ngôn về con chiên lạc, Chúa Giêsu đã cho biết: Thiên Chúa không muốn cho một tội nhân nào phải hư đi, nên qua bài Tin mừng hôm nay, Người buộc chúng ta phải làm hết sức mình để sửa lỗi cho nhau. Điều này đòi hỏi mỗi phần tử sống trong cộng đoàn phải lưu tâm vấn đề không được để một ai hư mất, nghĩa là phải tích cực đóng góp phần mình vào công việc giúp đỡ lẫn nhau sống hoàn thiện. Cần tránh những thái độ lãnh đạm, thờ ơ, khinh khi, xét đoán và kết án tha nhân, nhất là những người cần phải được giúp đỡ để nên hoàn thiện hơn.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc cho chúng ta về thái độ phải có đối với những người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi, nết xấu, đó là một thực tại không thể tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa hiện diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những người yếu đuối, có thể lỗi phạm. Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh đệ cần được chúng ta lưu tâm: Kẻ phạm lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ không phải là kẻ thù. Lời khuyên, giúp đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại đến cộng đoàn (Mỗi ngày một tin vui).

Phải hết sức tế nhị trong việc sửa lỗi, đừng ăn nói một cách thẳng thừng. Sự việc đã xảy ra: Khi chứng kiến đội tuyển bóng đá nước nhà thắng chật vật đội Đài Loan với tỉ số 2-1, một vị quan chức nọ đã nói: “Ông Miura (huấn luyện viên của đội tuyển Việt Nam) là huấn luyện viên dở nhất trong lịch sử”.

Khi gặp điều không ưng ý, hay khi đứng trước những lỗi lầm, sai phạm, khuyết điểm của người khác, chúng ta thường có thói quen chỉ trích, chê bai họ cách công khai, quyết liệt, nhằm làm mất uy tín của họ, để rồi qua đó, ta kín đáo đề cao chính mình.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy có thái độ tôn trọng và tế nhị khi sửa lỗi người khác. Khi ấy, chúng ta hãy gặp riêng họ, chỉ một mình ta với họ mà thôi. Việc gặp gỡ riêng tư này giúp hai bên nói chuyện với nhau cách cởi mở hơn, cũng như hiểu biết nhau nhiều hơn. Không những vậy, việc này còn giúp chúng ta giữ gìn thanh danh và uy tín của họ.

Nói chung, tinh thần sửa lỗi cho nhau phải hoàn toàn đặt trên “nền tảng đức ái”, nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật. Vì đối với Chúa, mọi phương thức phải được sử dụng để đưa người tội lỗi trở về trước khi vấn đề được đặt ra trước cộng đoàn. Và nếu cộng đoàn phải dùng quyền, để loại trừ một phần tử bất khả kháng, thì điều này cũng chỉ vì bác ái mà thôi, bác ái đối với đương sự trước tiên, để đương sự biết hồi tâm hoán cải, sau đó bác ái với các phần tử khác trong cộng đoàn, kẻo có ai theo gương xấu mà phạm tội.

Sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật rất khó đạt được sự hoàn chỉnh. Do đó điều quan trọng trước tiên là phải tập cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Kitô ở giữa chúng ta. Nhờ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Kitô và nhờ sức mạnh của Ngài, chúng ta có thể dễ dàng giúp nhau sửa lỗi trong tinh thần xây dựng. Nếu những bệnh nhân cần đến sự săn sóc chữa trị của bác sĩ, thì những người lỗi lầm cũng cần đến tình thương và cảm thông của người khác để được nâng đỡ và khích lệ trên con đường hoán cải.

Truyện: Cách sửa lỗi đầy tình thương

Trong sách ẩn tu có câu chuyện sau: Ngày kia, vị Giám mục Amolas đến thăm mục vụ tại một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với vị ẩn tu trên núi, vì ông hiện đang chung sống với một người phụ nữ.

Sau khi nghe những lời kết án, Giám mục Amolas quyết định cùng dân làng leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông, ông hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ trốn vào trong chiếc thùng rỗng.

Đức Giám mục là người đầu tiên đến và cũng là người đầu tiên bước vào túp lều. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ung dung, ngài đi thẳng đến ngồi trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân. Rồi bình thản vẫy tay gọi dân làng vào và bảo: “Vào đây, các người hãy vào đây và lục soát kỹ xem trong túp lều có người phụ nữ nào không”.

Họ tìm khắp nơi nhưng không thấy gì. Thấy tình thế đã dịu, Đức Giám mục mới nói: “Bây giờ các người phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa, vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ”.

Và sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám mục Amolas mới tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy”.

 

Nếu anh em ngươi xúc phạm đến ngươi – SN song ngữ ngày 11.8.2021

 

 

Wednesday (August 11 ): “If your brother sins against you”

 

Scripture:  Matthew 18:15-20  

15 “If your brother sins against you, go and tell him his fault, between you and  him alone. If he listens to you, you have gained your brother. 16 But if he does not listen, take one or two others along with you, that every word may be confirmed by the evidence of two or three witnesses. 17 If he refuses to listen to them, tell it to the church; and  if  he refuses to listen even to the church, let him be to you as a Gentile and a tax collector. 18 Truly, I say to you, whatever you bind on earth shall be bound in heaven, and whatever you loose on earth shall be loosed in heaven. 19 Again I say to you, if two of you agree on earth about anything they ask, it will be done for them by my Father in heaven. 20 For where two or three are gathered in my name, there am I in the midst of them.”

Thứ Tư    11-8  Nếu anh em ngươi xúc phạm đến ngươi

 

Mt 18,15-20

15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”

Meditation: 

 

What’s the best way to repair a damaged relationship? Jesus offers his disciples spiritual freedom and power for restoring broken or injured relationships.

Don’t brood over an offense – speak directly and privately 

What can we learn from Jesus’ instructions about how to mend a damaged relationship (Matthew 18:15-20)? If you feel you have been wronged by someone, Jesus says the first step is to speak directly but privately to the individual who has done the harm. One of the worst things we can do is brood over our grievance. This can poison our mind and heart and make it more difficult to go directly to the person who caused the damage.

Seek the help of wise Christians

If we truly want to settle a difference with someone, we need to do it face to face. If this fails in its purpose, then the second step is to bring another person or persons, someone who is wise and gracious rather than someone who is hot-tempered or judgmental. The goal is not so much to put the offender on trial, but to persuade the offender to see the wrong and to be reconciled. And if this fails, then we must still not give up, but seek the help of the Christian community. Note the emphasis here is on restoring a broken relationship by seeking the help of other Christians who hopefully will pray and seek a solution for reconciliation based on Christian love and wisdom, rather than relying on coercive force or threat of legal action, such as a lawsuit.

Pray for the offender – for healing and reconciliation

Lastly, if even the Christian community fails to bring about reconciliation, what must we do? Jesus seems to say that we have the right to abandon stubborn and obdurate offenders and treat them like social outcasts. The tax-collectors and Gentiles were regarded as “unclean” by the religious-minded Jews and they resorted to shunning them. However we know from the Gospel accounts that Jesus often had fellowship with tax-collectors (as well as other public sinners), ate with them, and even praised them at times! Jesus refuses no one who is open to receive pardon, healing, and restoration. 

Set no obstacle in seeking to heal your brother’s wound

When you are offended, are you willing to put aside your own grievance and injury in order to help your brother’s wound? The Lord Jesus wants to set us free from resentment, ill-will, and an unwillingness to forgive. The love of Christ both purifies and sets us free to do good to all – even those who cause us grief. The call to accountability for what we have done and have failed to do is inevitable and we can’t escape it, both in this life and at the day of judgment when the Lord Jesus will return. But while we have the opportunity today, we must not give up on praying for those who cause us offense. With God’s help we must seek to make every effort to win them with the grace and power of God’s healing love and wisdom. Do you tolerate broken relationships or do you seek to repair them as God gives you the opportunity to mend and restore what is broken?

“Lord Jesus, make me an instrument of your healing love and peace. Give me wisdom and courage to bring your healing love and saving truth to those in need of healing and restoration.”

Suy niệm:

 

Cách tốt nhất để phục hồi mối quan hệ bị sứt mẻ là gì? Đức Giêsu ban cho các môn đệ tự do và sức mạnh tinh thần để phục hồi những mối quan hệ bị tổn thương hay sứt mẻ.

Đừng ấp ủ sự xúc phạm – hãy nói trực tiếp và kín đáo với họ

Chúng ta học hỏi được gì từ những chỉ dẫn của Đức Giêsu về cách thức phục hồi mối quan hệ bị sứt mẻ (Mt 18,15-20)? Nếu bạn cảm thấy có vấn đề với ai, Đức Giêsu nói bước thứ nhất là nói trực tiếp nhưng kín đáo với cá nhân đã gây ra sự thiệt hại đó. Một trong những điều tệ hại chúng ta có thể làm là ôm ấp nỗi bất bình của mình. Điều này có thể gây nguy hiểm cho tâm trí và khiến nó còn khó khăn hơn cả việc đi nói trực tiếp với người đã gây ra thiệt hại.

Hãy tìm sự trợ giúp của các tín hữu khôn ngoan

Nếu chúng ta thật sự muốn giải quyết mối bất đồng với ai đó, chúng ta cần phải làm điều đó mặt đối mặt. Nếu như điều này không đem lại kết quả, thì bước thứ hai là mời một người hay vài người khác tới, những người khôn ngoan và tốt lành chứ đừng mời những người nào nóng tính hay thích phê bình chỉ trích. Mục đích không phải đem người đó ra tòa án để xét xử, nhưng để thuyết phục họ nhìn thấy lỗi lầm của mình và giải hòa với nhau. Nếu điều này cũng không đem lại kết quả, chúng ta chưa đến nỗi phải bỏ cuộc, nhưng phải tìm đến sự trợ giúp của cộng đoàn các tín hữu. Điều nhấn mạnh ở đây là phục hồi mối quan hệ bị sứt mẻ qua việc tìm sự giúp đỡ của các tín hữu khác, hy vọng rằng họ sẽ cầu nguyện và tìm ra một giải pháp cho việc hòa giải dựa trên đức ái Kitô giáo và sự khôn ngoan, hơn là dựa vào sức mạnh cưỡng bức hay sự đe dọa của hành động hợp pháp như một lề luật.

Cầu nguyện cho kẻ xúc phạm – cho sự chữa lành và hòa giải

Cuối cùng, nếu cả cộng đoàn tín hữu cũng thất bại không mang lại sự hòa giải, chúng ta phải làm gì? Đức Giêsu dường như nói rằng chúng ta bỏ rơi những người chống đối bướng bỉnh và sắt đá đó, và xem họ như những người bị xã hội ruồng bỏ. Những người thu thuế và dân ngoại được xem là “ô uế” theo cách nghĩ  của người Do thái đạo đức. Tuy nhiên chúng ta biết từ những câu chuyện Tin mừng rằng Đức Giêsu thường có mối quan hệ thân hữu với những người thu thuế (cũng như với những tội nhân công khai), Người ăn uống với họ, và đôi lúc Người còn khen họ nữa! Đức Giêsu không bao giờ khước từ ai có tinh thần sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ, chữa lành, và phục hồi.

Đừng gây trở ngại nào trong việc tìm kiếm sự chữa lành vết thương của tha nhân

Khi bạn bị xúc phạm, bạn có sẵn sàng bỏ qua mối bất bình và vết thương của mình để giúp chữa vết thương của anh em mình không? Chúa Giêsu muốn chúng ta dẹp bỏ sự hận thù, ý xấu, và sự ngoan cố không tha thứ. Tình yêu của Đức Kitô vừa thanh tẩy vừa giúp chúng ta tự do làm điều tốt cho mọi người – kể cả những ai gây hại cho chúng ta. Ngày tính sổ trước về những gì chúng ta đã làm và không làm thì chắc chắn và không ai trong chúng ta có thể thoát khỏi được, cả đời này và trong ngày phán xét khi Chúa Giêsu tái lâm. Nhưng đang khi vẫn còn cơ hội, chúng ta đừng bỏ mặc những người phạm lỗi cố chấp, nhưng thay vào đó chúng ta hãy cố gắng chinh phục họ bằng ơn sủng và sức mạnh tình yêu và khôn ngoan có sức chữa lành của Chúa. Bạn có chịu đựng những mối quan hệ bị sứt mẻ hay bạn tìm kiếm sự phục hồi như Thiên Chúa đã cho bạn cơ hội để sửa đổi và phục hồi những gì bị sứt mẻ không?

Lạy Chúa Giêsu, xin biến con thành khí cụ của tình yêu và bình an của Chúa. Xin ban cho con sự khôn ngoan và lòng can đảm để mang tình yêu chữa lành và chân lý cứu độ của Chúa đến cho những ai đang cần đến sự chữa lành và phục hồi.”

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Bài giảng về Giáo Hội

Từ thứ hai sau Chúa Nhật X Thường Niên, lịch phụng vụ của Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Như chúng ta đều biết, Thánh sử Mát-thêu thuật lại năm bài giảng lớn của Đức Giê-su : “Bài Giảng Trên Núi” (Mt 5-7), bài giảng về sứ mạng loan báo Tin Mừng (Mt 10), bài giảng bằng các dụ ngôn (Mt 13), bài giảng về tương quan giữa các thành viên trong Giáo Hội (Mt 18) và bài giảng về thời cánh chung (Mt 24-25).

Trong tuần này, kể từ thứ hai đến thứ năm, chúng ta bắt đầu lắng nghe bài giảng thứ tư của Đức Giê-su về tương quan của chúng ta với nhau trong đời sống Giáo Hội : vấn đề ai là người lớn nhất (bài Tin Mừng hôm qua) ; vấn đề sửa lỗi, quyền bình và cầu nguyện (bài Tin Mừng hôm nay) ; và vấn đề tha thứ cho nhau (bài Tin Mừng ngày mai, theo mùa thường niên).

Bài giảng về Giáo Hội kết thúc, hay đúng hơn là hướng tới, với lời mời gọi tha thứ cho nhau đến “bảy mươi lần bảy” ; và sự tha thứ vô hạn chúng ta được mời gọi trao ban cho nhau đặt nền tảng và hướng tới chính ơn tha thứ vô hạn của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Như thế, chính Thiên Chúa yêu thương và bao dung chúng ta trước, nên con tim chúng ta mới được tái tạo để có thể yêu thương và bao dung nhau, và để có thể ứng xử với nhau như lời dạy của Đức Giê-su về Giáo Hội.

2. Quyền bính và hoán cải

Ngay trước đó, Đức Giê-su đã trao quyền “tháo cởi và cầm buộc” cho chính thánh Phê-rô, với tư cách là “Đá Tảng” : “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19). Nhưng ở đây, quyền bính này, được Người phát biểu với cùng những từ ngữ, lại được trao cho nhóm, nghĩa là cho Giáo Hội:

Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. (Mt 18, 18 ; x. Ga 20, 23)

Việc thi hành quyền bính được thực hiện vừa bởi một người và vừa bởi cả nhóm ; như thế, sự quân bình được hình thành. Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi vượt qua bình diện tổ chức và quyền bính để nhận ra sự tin tưởng mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho những con người mỏng dòn ở dưới đất! Sự tin tưởng thật trọn vẹn, trọn vẹn đến độ trời và đất như trở nên một. Vấn đề là Giáo Hội thi hành quyền bính theo năng động nào, của trời cao được thể hiện nơi ngôi vị và nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, hay theo năng động của đất thấp, nghĩa là thế gian, sự dữ, ma quỉ, để lên án, loại trừ và giết chết.

Một cách cụ thể khi phải đối diện với một thành viên phạm tội, là điều không thể tránh được trong đời sống đức tin của Giáo Hội: “Nếu người anh em trót phạm tội”. Nhưng thay vì dùng quyền để lên án và loại trừ, Đức Giê-su mời gọi sửa lỗi người anh em: “anh hãy đi sửa lỗi nó”. Và Đức Giê-su đề nghị cả một tiến trình rất sư phạm để giúp tội nhân hoán cải: ban đầu là cuộc gặp gỡ riêng tư và huynh đệ giữa hai người; tiếp đến, nếu tội nhân không nghe, thì thêm một hay hai người nữa; và cuối cùng, nếu tội nhân vẫn không nghe, thì Hội Thánh mới can thiệp. Và nếu tội nhân cũng chẳng nghe Hội Thánh, thì như Đức Giê-su nói: “hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”; bị coi là “người ngoại hay người thu thuế”, theo cách nói của Do thái giáo, điều này có nghĩa là, người này không còn thuộc về cộng đồng.

Nhưng thực ra, khi từ chối lắng nghe lời khuyên bảo đến ba lần, tội nhân đã quyết định tự loại mình ra khỏi Hội Thánh rồi. Như thế, quyền bính chỉ được dùng đến khi giải pháp đối thoại trong kiên nhẫn và đức mến đã đi tới cùng và bị từ chối.

3. Quyền bính và cầu nguyện

Trong bài Tin Mừng, khi nói về đời sống Giáo Hội, Đức Giê-su còn nói đến bầu khí hiệp nhất trong lời nguyện xin và lời đáp trả chắc chắn của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời:

Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.

Lời của Đức Giê-su vừa mang lại cho chúng ta niềm hi vọng khi nguyện xin, và vừa làm cho chúng ta nhận ra rằng, điều làm đẹp lòng Thiên Chúa, chính là bầu khí hiệp nhất trong cầu nguyện và nhờ cầu nguyện, vì chúng ta được dựng nên là một như Thiên Chúa là một ; và Đức Giê-su cũng cầu nguyện và làm tất cả mọi sự để cho chúng ta nên một : “Xin cho họ nên một, như chúng ta là một”. Xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta biết kiên nhẫn cùng nhau nguyện xin và hướng chúng ta tới những ơn xin làm đẹp lòng Chúa Cha, nhất là những ơn xin làm cho chúng ta nên một, như Người dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha.

Tuy nhiên, vì lời giáo huấn của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay hướng tới việc cầu nguyện, chúng ta có thể hiểu lời của Đức Giê-su về “lời nguyện chung” còn phải là nền tảng của việc thi hành quyền bính, nhất là thi hành quyền bính trong việc sửa lỗi nhau cho nhau. Như thế, quyền bính không chỉ nhường bước cho đối thoại huynh đệ, nhưng còn phải được thực hiện, từ đầu đến cuối, trong cầu nguyện. Và cả khi tội nhân đã bị loại trừ khỏi cộng đồng, Giáo Hội vẫn được mời gọi kí thác người anh em cho lòng thương xót của Thiên Chúa và vẫn được mời gọi cầu nguyện cho người anh em ấy, tương tự như khi Người mời gọi chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù (x. Mt 5, 43-48).

* * *

Và trong mọi sự, nhất là trong việc thi hành quyền bính, để mời gọi hoán cải trong bầu khí cầu nguyện, Đức Giê-su mời gọi Giáo Hội “họp lại nhân danh Thầy”. “Nhân danh Thầy”, có nghĩa là, trong đời sống đức tin, Giáo Hội và từng người chúng ta được mời gọi, không chỉ nhân danh Đức Ki-tô bằng lời nói, nhưng còn mặc lấy tâm tình của Đức Ki-tô. Chính khi đó, như Đức Giê-su nói : “Thầy ở đấy, giữa họ”.

Như thế, ở mức độ tận cùng và sâu xa nhất, Giáo Hội được mời gọi để cho Đức Ki-tô tiếp tục hiện hiện, lên tiếng và hành động ở giữa loài người chúng ta, để tha thứ, chữa lành, giải thoát và tỏ bày tình yêu đến cùng của Thiên Chúa Cha, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây