Tin Vui: Tượng đài Đức Mẹ cao nhất thế giới sắp được khánh thành

Thứ tư - 12/05/2021 08:25

1. Tượng đài Đức Mẹ cao nhất thế giới sắp được khánh thành

Phi Luật Tân sẽ sớm khánh thành tượng đài Đức Mẹ cao nhất thế giới. Tượng đài này được gọi là “tượng đài Đức Mẹ toàn Á châu”, và cao 96m. Trong năm nay, Phi Luật Tân dự định sẽ tổ chức một buổi lễ tại địa điểm này nhân dịp kỷ niệm 500 năm đạo thánh Chúa đến với quốc gia này.

Theo trang web Montemaría, việc xây dựng đã hoàn thành và địa điểm đã sẵn sàng để khánh thành. Thật không may, đại dịch thế giới đã ngăn cản các quan chức ấn định ngày tổ chức buổi lễ. Hiện tại, địa điểm hành hương Montemaría vẫn đóng cửa do COVID-19.

Tên gọi “Đức Mẹ Toàn Á Châu” được lấy từ lời cầu nguyện năm 2017 của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI dành cho Đức Mẹ Xà Sơn, Mẹ của Giáo hội ở Trung Quốc và Toàn Á Châu. Tượng đài Đức Mẹ cao chót vót ngang với một tòa nhà 33 tầng. Đây là bức tượng lớn thứ 9 trên thế giới.

Tác giả của bức tượng này là ông Eduardo De Los Santos Castrillo, một nhà điêu khắc nổi tiếng khắp Phi Luật Tân. Ông mắc một căn bệnh hiểm nghèo nhưng đã cầu nguyện để có thể sống cho đến khi hoàn tất các hạng mục căn bản của bức tượng này. Ông sinh ngày 31 tháng 10 năm 1942, và đã được Chúa gọi về vào ngày 18 tháng Năm, 2016. Những người kế thừa ông đã có thể hoàn thành bức tượng như lòng mong muốn của ông.

Dưới chân bức tượng là đền thánh “Đức Mẹ là Mẹ Toàn Cõi Á Châu” với diện tích hơn 12,000 mét vuông. Tượng được xây trên núi Monte María, nghĩa là Núi Đức Mẹ Maria, thuộc thành phố Batangas của Phi Luật Tân.

Sau khi hoàn tất tượng đài, hiện nay các hạng mục khác đang được xây dựng bao gồm đền thờ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và 12 nhà nguyện Thánh Mẫu ở tầng ba; một nhà hàng ở tầng bốn; một nhà hát nhỏ và các phòng hội nghị, và thậm chí có cả một trung tâm thương mại và khách sạn từ tầng 5 đến tầng 16. Ở tầng 17 là một đài quan sát có thể nhìn toàn cảnh thành phố Batangas.

Trước khi bức tượng Đức Mẹ này được hoàn thành, tượng đài Đức Mẹ Nữ Vương Hòa bình tại thành phố Trujillo, Venezuela, được xây dựng năm 1983 được kể là cao nhất thế giới với chiều cao là 47m. Như thế, tượng đài “Đức Mẹ là Mẹ Toàn Cõi Á Châu” cao hơn gấp đôi tượng đài của Venezuela.

Sau khi thoát được đại họa cộng sản, trong một hành động để tạ ơn, tôn vinh, và đền tạ trái tim Đức Mẹ người dân Bulgaria hay còn gọi là Bảo Gia Lợi, đã cùng nhau xây dựng lên tượng đài Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa cao đến 31m và được khánh thành vào năm 2003. Tượng đài này là tượng đài cao thứ ba trên thế giới sau tượng đài của Venezuela và Phi Luật Tân.
Source:AleteiaPhilippines finishes construction of largest Marian statue in the world
2. Đức Tổng Giám Mục Antony Anandarayar qua đời vì coronavirus

Trong một diễn biến thật đáng buồn, Đức Cha Antony Anandarayar, là Tổng Giám Mục hiệu tòa của Pondicherry-Cuddalore, Ấn Độ, đã qua đời vì COVID-19 hôm thứ Ba, ở tuổi 76. Cái chết của ngài xảy ra trong bối cảnh gia tăng ở mức kinh hoàng các trường hợp COVID trên tiểu lục địa này.

Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, gọi tắt là CCBI, cho biết:

“Đức Tổng Giám Mục Anandarayar qua đời khi đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện St. Thomas, ở Chennai. Ngài đã nhập viện để điều trị COVID-19 và tình trạng sức khỏe của ngài xấu đi rất nhanh vào sáng thứ Ba”.

Đức Tổng Giám Mục được an nghỉ vào ngày hôm sau, ngày 5 tháng 5, tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Pondicherry.

Hôm thứ Ba 4 tháng 5, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ hai, sau Hoa Kỳ, vượt quá 20 triệu trường hợp nhiễm COVID-19. Tính đến thứ Năm, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy cả nước có hơn 21 triệu trường hợp mắc bệnh. Số người chết hàng ngày bắt đầu tăng vào đầu tháng 4, nâng tổng số bây giờ lên hơn 230,000 người. Các bệnh viện đã phải vật lộn để tiếp nhận bệnh nhân và cung cấp oxy.

Hôm thứ Ba, Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông, gọi tắt là CNEWA, đã công bố một chiến dịch viện trợ khẩn cấp cho Ấn Độ để giúp Giáo hội địa phương ứng phó với cuộc khủng hoảng đang ngày càng leo thang.

Chủ tịch CNEWA Peter Vaccari cho biết trong một lời kêu gọi các nhà tài trợ: “Chúng ta không thể nhìn thảm họa này diễn ra mà lại dửng dưng, không chia sẻ nỗi đau”.

Cordula Wasser, Trưởng phòng Á Châu của Hội Hiệp sĩ Malta cho biết: “Tin tức chúng tôi nhận được từ Ấn Độ thật đáng sợ. Mọi người đang chết trước các bệnh viện vì không có sức chứa. Thiếu oxy, thiếu giường chăm sóc đặc biệt và thiết bị y tế. Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giúp đỡ ngay bây giờ”.
Source:Aleteia
Indian bishop dies of COVID in midst of ongoing crisis
3. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế di dân lần thứ 107

Đức Thánh Cha Phanxicô tái kêu gọi các tín hữu Công Giáo và toàn thể nhân loại nỗ lực thực hiện giấc mơ và xác tín, theo đó mọi người cùng thuộc một gia đình duy nhất, là anh chị em với nhau, được Thiên Chúa dựng nên, và vượt lên trên mọi bức tường chia cách.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp được công bố hôm 6 tháng 5, nhân ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 107, sẽ được cử hành vào ngày 26 tháng 9 năm nay, với chủ đề là: “Verso un ‘noi’ sempre più grande”, nghĩa là, “Tiến tới ‘một chúng ta’ ngày càng rộng lớn hơn”.

Sứ điệp đã được Đức Hồng Y Michael Czerny, Phó Tổng thư ký đặc trách Phân Bộ di dân và tị nạn, thuộc Bộ phát triển nhân bản toàn diện và các vị liên hệ khác công bố trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha nhắc đến mối quan tâm và mong ước ngài đã bày tỏ trong Thông điệp “Fratelli tutti”, theo đó “sau cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, phản ứng tệ hại nhất là rơi vào thái độ duy tiêu thụ mạnh mẽ hơn và những hình thức mới tự bảo vệ một cách ích kỷ. Ước gì sau cùng sẽ không còn phân biệt giữa chúng ta và những kẻ khác nữa, nhưng tất cả là một đại cộng đồng “chúng ta duy nhất”. (s.35).

Đức Thánh Cha nhận xét rằng thời nay cho chúng ta thấy cộng đồng nhân loại duy nhất mà Thiên Chúa mong muốn đã bị tan vỡ và phân tán, bị tổn thương và biến dạng. Tình trạng này càng thấy rõ, nhất là trong những lúc khủng hoảng trầm trọng như đại dịch hiện nay. Chủ nghĩa quốc gia khép kín và gây hấn (Ft 11), cá nhân chủ nghĩa cực đoan (ibid. 105), làm sứt mẻ và chia rẽ cộng đoàn chúng ta, trên thế giới cũng như trong Giáo hội. Phải trả giá nặng nhất do tình trạng này, chính là những người dễ trở thành “những kẻ khác”: những người ngoại quốc, người di dân, những người bị gạt ra ngoài lề, ở ngoại ô của cuộc sống”.

Trước tình trạng trên đây, Đức Thánh Cha tái bày tỏ mong ước một Giáo Hội Công Giáo ngày càng có tính chất Công Giáo, đại đồng hơn nữa, trở thành một “thân thể và một tinh thần duy nhất” (Ep 4,4-5). “Các tín hữu Công Giáo được kêu gọi dấn thân, mỗi người từ cộng đoàn mình đang sống, để Giáo hội ngày càng trở nên bao gồm hơn, tiếp nối sứ mạng đã được Chúa Giêsu Kitô ủy thác cho các tông đồ (Xc Mt 10,7-8).”

Đức Thánh Cha viết: “Ngày nay, Giáo hội được kêu gọi ra ngoài đường phố, ở các khu ngoại ô của cuộc sống để chữa lành, săn sóc người bị thương và tìm kiến người lạc hướng, không thành kiến và sợ hãi, không chiêu dụ tín đồ, nhưng sẵn sàng nới rộng căn lều của mình để đón tiếp mọi người. Trong số những người ở các khu ngoại ô ấy, chúng ta sẽ thấy bao nhiêu người di dân và tị nạn, người di tản và các nạn nhân nạn buôn người, những người mà Chúa muốn biểu lộ tình thương của Ngài cho họ và loan báo ơn cứu độ...”

Với cùng chiều hướng trên đây, trong sứ điệp, Đức Thánh Cha kêu gọi tái hợp nhất gia đình nhân loại, để cùng nhau xây dựng một tương lai công lý và hòa bình, làm sao để không ai bị loại trừ. Đó là lý tưởng một thành Jerusalem mới (Xc IS 60; Kh 21,3), trong đó mọi dân tộc đều hiệp nhất, trong an bình và hòa hợp, chúc tụng lòng nhân từ của Thiên Chúa và những kỳ công được tạo dựng”.

Đức Thánh Cha viết: “Để đạt tới lý tưởng đó, tất cả chúng ta phải dấn thân phá đổ những bức tường chia cách chúng ta và xây dựng những cây cầu tạo điều kiện cho nền văn hóa gặp gỡ, với ý thức về sự liên hệ hỗ tương chặt chẽ giữa chúng ta. Trong viễn tượng đó, những cuộc di cư hiện nay cống hiến cho chúng ta cơ may vượt lên trên những sợ hãi và để cho mình được phong phú hóa nhờ những năng khiếu khác nhau của mỗi người. Khi ấy, nếu muốn, chúng ta có thể biến các biên cương thành những nơi ưu tiên để gặp gỡ, nơi tươi nở phép lạ một đại gia đình nhân loại ngày càng rộng lớn hơn”.
Source:Holy See Press Office
MESSAGE OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS FOR THE 107th WORLD DAY OF MIGRANTS AND REFUGEES 2021 TOWARDS AN EVER WIDER “WE”

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây