Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn, Nơi Tĩnh Tâm Lý Tưởng

Thứ hai - 15/04/2019 00:00
Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn, Nơi Tĩnh Tâm Lý Tưởng

Tôi vừa giúp các Nữ Tu Dòng Đaminh Tam Hiệp tuần tĩnh tâm tại Đan Viện Thánh Mẫu Phước Sơn, Bà Rịa.

hình ảnh

Mùa Chay là mùa sám hối, đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Đức Kitô. Mùa Chay nhắc nhớ 40 ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu. Đây là thời gian đi vào hoang địa của cõi lòng, thinh lặng để chuẩn bị gặp gỡ Chúa. Đây là thời gian phụng vụ cao điểm thuận tiện thích hợp cho các Kitô hữu noi gương Đức Kitô dùng 40 ngày để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Và bằng 40 ngày long trọng của Mùa Chay, mỗi người được liên kết mật thiết hơn với các Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.

Riêng đối với các Nữ Tu thì đây là thời gian của hồng ân. Xếp lại những công việc mục vụ, về bên nhau, sát kề bên Chúa, từ đó múc lấy nguồn sức sống sau một năm miệt mài dấn thân phục vụ tại các cộng đoàn sứ vụ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn Gaudete et exsultate (GE) “bàn về ơn gọi nên thánh trong thế giới hôm nay”. Văn kiện này được giới thiệu với báo chí trong cuộc họp báo vào thứ hai 9.4.2018, đại lễ Truyền tin.Tông huấn Gaudete et Exsultate là tông huấn thứ ba của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sau hai tông huấn Niềm vui Tin mừng (Evangelii Gaudium, 24.11.2013) và Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia, 19.3.2016). 

Tông huấn “về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay” là điểm qui chiếu chính cho các bài suy niệm.Trong bối cảnh của thế giới hiện đại với những biến chuyển nhanh chóng, người Nữ tu luôn xác định lại căn tính của mình không gì khác hơn là nên thánh, nên thánh ngay trong sứ vụ hàng ngày. Vì thế, chủ đề của kỳ tĩnh tâm là “ơn gọi nên thánh trong Đức Kitô theo Gaudete et Exsultate”.

Tĩnh tâm nhằm giúp mỗi người đi vào chiều sâu nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa, hầu nhận ra thực trạng của đời mình. Từ đó, ngưới Tu sĩ biết lấy Lời Chúa chiếu soi, thanh luyện tâm hồn và kín múc sức mạnh từ nơi Chúa để biến đổi đời sống trong ơn gọi và trong sứ vụ của đời thánh hiến sao cho phù hợp thánh ý Chúa.
Để biết được con người thực của mình và nghe được tiếng Chúa nói với lòng mình, điều kiện tiên quyết là phải biết đi vào thinh lặng.Thinh lặng bề ngoài để kiến tạo thinh lặng nội tâm. Hai yếu tố tâm linh quyết định để kỳ tĩnh tâm đem lại kết quả, làm mới cuộc đời là lắng nghe và sẵn sàng vâng phục. Hai yếu tố này lại cần có hai yếu tố khác chuẩn bị là thinh lặng và tự do nội tâm, thanh thoát với tất cả những gì không phải là Chúa. Không gian của Đan Viện thật rộng thoáng, thanh vắng, êm đềm, thật thích hợp cho những ngày cấm phòng.

Tĩnh tâm là sinh hoạt thường xuyên của Giáo Hội dành cho tín hữu, có thời gian nghỉ ngơi, khôi phục, củng cố đời sống tâm linh và định hướng cho cuộc sống. Đối với các Tu sĩ, tĩnh tâm trở thành một chương trình sống bắt buộc được ghi vào khoản lề luật Dòng. Tôn chỉ Hội Dòng Đaminh là “Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”. Mỗi Tu sĩ xác quyết: Cầu nguyện là yếu tố làm nên đời tu, là sự sống còn của đời tu. Những ngày tĩnh tâm là “lên núi” với Chúa để rồi mỗi Tu sĩ “xuống núi” với thật nhiều niềm vui và quyết tâm.


Một tuần lễ sống ở đây đã cho tôi rất nhiều cảm nghiệm và niềm vui làm khỏe mạnh tâm hồn trong bầu khí tĩnh lặng, nghiêm trang và thánh thiện của đời sống tu sĩ. 


Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn là một trong 12 Đan viện thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.

Từ Thị xã Bà Rịa theo quốc lộ hướng Sài gòn đi chừng 15 km là đến Đan Viện, một quần thể rộng lớn nằm bên phải đường lộ.

Cổng vào Đan viện với hai trụ đá cao bề thế trông thật hoành tráng. Khuôn viên nơi này rộng đến 6 mẫu, tường cao kín cổng bao quanh, rợp bóng cây xanh và hoa tươi lắm sắc màu. Có thật nhiều dãy nhà xinh xắn được bố trí hài hòa giữa những công viên thánh tượng và các loại hoa cỏ xanh tươi.

Đài Hiệp nhất có tượng Chúa Kitô Vua nằm ở vị trí trung tâm. Kề bên là Nhà Nguyện (Cung hiến ngày 11.9.1999). Phía trước Nhà nguyện là phần mộ cha tổ phụ Biển Đức Thuận sáng lập Dòng và phía cuối bên trái có nhà truyền thống.Phía sau đài hiệp nhất là nghĩa trang, nơi an nghỉ của các tu sĩ, đơn sơ với tấm bia nhỏ giữa thảm cỏ xanh um hướng về nhà phục sinh, sau 20 năm chôn cất, thi hài sẽ được cải táng rồi đem thiêu và đưa tro cốt vào nhà này.

Khu vực cộng đoàn gồm những nhà ở nhà sinh hoạt của Thỉnh sinh, Nhà tập, Khấn tạm, Khấn trọn, các Linh mục. Những giàn hoa giấy đủ sắc màu đỏ, cam, vàng, trắng…bao quanh các dãy nhà tạo nên cảm giác thanh thoát. Về ý nghĩa, hoa giấy thể hiện tình yêu mộc mạc, chân thành và nếp sống bình dị.

Nơi đây đất đai khá màu mỡ, cây cối xanh tươi. Sát bên Nhà nguyện có vườn lan hàng ngàn giỏ đủ loại hương sắc đang ra hoa tuyệt đẹp. Vườn rau xanh cung cấp rau sạch cho cộng đoàn. Sát bên Học viện Thần học cơ sở I là khu vườn mai hơn ngàn chậu đang thời kỳ chăm sóc chuẩn bị cho mùa lễ tết.

Những khu vườn tĩnh lặng rợp bóng cây, nhiều lối đi và ghế đá để ngồi chiêm niệm.

Phía sau là dãy nhà tĩnh tâm dành riêng cho các linh mục tu sĩ và các hội đoàn từ khắp nơi đến cấm phòng. Ngôi nhà này khánh thành năm 2004, bao gồm tầng trệt và hai tầng lầu, tương đối khang trang, rộng và thoáng mát. Có 52 phòng. Có Nhà nguyện, hội trường trên lầu 2 và nhà cơm dành riêng. Lịch đăng ký tĩnh tâm từ các hội dòng, các đoàn thể công giáo tiến hành hầu như kín hết các tháng.

Hơn 6 mẫu đất làm công viên tĩnh dưỡng toàn là cây cao tỏa bóng mát và những thảm cỏ xanh mướt giữa vườn hoa đủ loại đang mùa ra hoa thơm ngát. Các lối đi chính giữa và các công viên cũng như các dãy nhà đều rực rỡ hoa lá đủ màu sắc tươi mát.

Từ cổng chính vào, có đài Đức Mẹ, Đài Thánh Giuse, đài Lòng Chúa Thương Xót, đồi Calvê Chúa Giêsu cầu nguyện và nhiều công viên tuyệt đẹp đặt tượng các vị thánh. Tất cả đều liên kết với nhau bằng các lối đi rẽ vào các hoa viên rợp bóng mát tĩnh lặng thích hợp để họp nhóm chia sẻ hay một mình cầu nguyện.

Phần đất cuối của Đan viện được dùng làm cơ sở sản xuất bột nghệ, bột sắn cơm theo công nghệ hiện đại. Nhiều loại máy móc xe cộ nông nghiệp phục vụ cho trang trại 8 mẫu đất cách đây khoảng 1km.

Không gian thật thoáng đãng và bình yên. Không khí trong lành hòa trong thiên nhiên. Sáng sớm, tiếng gà gáy báo thức, tiếng chim hót rộn vang, những tia nắng sớm xuyên qua cành lá rọi xuống lối đi, tiếng chuông đầu ngày mới ngân nga, những bóng dáng của các Tu sĩ trong áo dòng trắng thấp thoáng thầm lặng đi đến nhà nguyện cầu kinh dâng lễ. Một ngày mới thật nhẹ nhàng, bình an và thanh thản.

Trong suốt ngày sống, từ sáng sớm đến khi đêm về, tiếng chuông thỉnh thoảng ngân lên, các Tu sĩ đều đặn đến nhà nguyện. Cử hành Phụng Vụ thờ phượng Thiên Chúa, bao gồm giờ kinh Phụng Vụ, Kinh Sáng, Thánh Lễ, Kinh Chiều, Chầu Thánh Thể, Kinh Tối.

Ngoài các giờ Phụng Vụ thờ phượng, các Tu sĩ còn có giờ nghe giảng, suy ngẫm xét mình, lần chuỗi Mân Côi, đọc sách thiêng liêng. Có thể nói toàn thời gian một ngày sống, Tu sĩ dành cho việc cầu nguyện và thờ phượng Chúa.

Theo kỷ yếu “Dấu ấn hồng ân 100 năm Hội Dòng Xitô Thánh Gia 1918-2018)”, Đan viện Phước Sơn hiện có 217 thành viên, trong đó: Đan sĩ (khấn trọng) 158 (45 linh mục), Tu sĩ (khấn tạm) 24, Tập sinh 17, Thỉnh sinh 18. Hiện nay Học viện Thần học hội dòng có 46 Thầy đang theo học. Các ngài đều đặn những giờ lễ kinh hạt đạo đức suốt ngày sống. Từ sáng sớm đến đêm về, lời kinh tiếng hát ngân vang khắp không gian tĩnh lặng của Đan viện.

Sứ mạng của Tu sĩ là cầu nguyện cho mọi người, cho Hội Thánh, cho toàn thế giới. Sự tĩnh lặng làm cho các Tu sĩ ý thức về cuộc chiến trường kỳ giữa những sức mạnh của sự thiện và sự dữ mà họ nhận thấy ngay trong lòng mình, họ sẽ nhạy cảm với mọi nỗi khốn khổ mà nhân loại đang phải gánh chịu và đưa vào lời cầu nguyện. Những giờ Kinh Nguyện, các Tu sĩ hát với cung điệu du dương trầm bổng hòa trong tiếng pianô thanh thoát, nghe êm ái làm sao, kinh nhạc như đôi cánh nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Những ngày sống nơi đây, tôi cũng nhận thấy có sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với Thiên Chúa. Môi trường sống thể chất và tâm linh thật trong lành. Từ các linh mục đến các tu sĩ đều tận tụy phục vụ khách tĩnh tâm. Các ngài sống đặc sủng lao động và cầu nguyện, thật âm thầm và đơn sơ. Nơi Đan viện này rất lý tưởng để tổ chức các ngày tĩnh tâm.

Cuộc sống tu trì chiêm niệm của các Tu sĩ là đi tìm kiếm sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Tất cả sự trọn lành hệ tại đức mến, yếu tố làm tăng trưởng lòng mến là khiêm nhường. Gặp gỡ trò chuyện, tôi thấy các Linh mục và Tu sĩ thật hiền lành và khiêm nhường. Đời sống phục vụ là một dấu hiệu về Nước Thiên Chúa. Đời sống của các Tu sĩ như phác hoạ ra trước mắt người đời cảnh sống trong Nước Thiên Chúa, ở đó vang lên những lời ngợi khen, một nếp sống bình an thánh thiện, không bị giằng co toan tính sự đời. Ai đến đây cũng nhìn thấy cảnh sống và hít thở bầu không khí an bình thanh thoát. 

Thật ngưỡng mộ đời sống chiêm niệm có lịch sử lâu đời và những giá trị huyền bí thanh cao, bất biến, một sự sống luôn trẻ trung, trào tràn và lưu chuyển trong lòng mẹ Giáo Hội. Đời dâng hiến đi liền với chiều kích chiêm niệm của nếp sống tu trì. Các Tu sĩ làm chứng về mối tương quan giữa sự từ bỏ và niềm vui, giữa hy sinh và sự triển nở con tim, giữa kỷ luật và tự do thiêng liêng.

Các vị Giáo Hoàng gần đây, từ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến Đức Bênêđíctô XVI và đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đều luôn đề cao, cổ xuý và ca ngợi đời sống Thánh Hiến Đan Tu là kho tàng quý báu và là sức sống của Giáo Hội.
Thánh Gioan Phaolô II khẳng định:“Các Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, là một niềm vinh dự và là nguồn mạch muôn vàn ơn thiêng cho Giáo Hội. Bằng chính đời sống và sứ mệnh của mình, những thành viên của các Hội Dòng này, noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi; các vị chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước vinh quang mai hậu. Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, khổ chế bản thân, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình và chia sẻ tình huynh đệ, các vị quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Như vậy, các vị cung hiến cho cộng đoàn Giáo Hội chứng tá duy nhất về tình yêu của Giáo Hội dành cho Chúa của mình, cũng như góp phần vào việc làm tăng trưởng Dân Chúa, bằng một việc tông đồ âm thầm mà phong phú” (Vita consecrate, số 8).

Thánh Gioan Phaolô II đã viết một huấn thị dành cho các Tu sĩ với tên gọi “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô”, có thể tóm kết trong ba chữ S.

Say mê Đức Kitô. Mỗi Kitô hữu tự bản chất thuộc về Đức Kitô nhờ Phép Rửa, cách riêng các Tu sĩ còn thuộc về Đức Kitô cách đặc biệt hơn nhờ Lời Khấn Dòng. Từ đó, Tu sĩ say mê Đức Kitô trong ý nghĩ, trong việc làm, trong tình cảm, để rồi uốn nắn và điều chỉnh mọi bước đi trong đời sống của mình. Tu sĩ là người say mê Đức Kitô.

Sống hiệp thông. Hiệp thông trước hết là với Chúa theo chiều cao. Hiệp thông theo chiều ngang đối với Bề trên với anh em. Sống hiệp thông với Chúa cách tròn đầy thì mới mong có được hiệp thông đối với anh chị em chung quanh mình trong nhiệm vụ một cách có hiệu quả.

Sẵn sàng lên đường. Chữ Sẵn sàng lên đường hợp với chữ Sứ vụ. Tu sĩ ở đây hôm nay, nhưng Nhà Dòng cần mình đến chỗ khác thì sẵn sàng, không phải quyến luyến nữa. 

Say mê Đức Kitô nhằm cho đời sống tâm linh, sống hiệp thông nhằm đến tình huynh đệ và nhờ đó sẵn sàng lên đường cho sứ vụ. 

Nhờ năng “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” qua mỗi kỳ tĩnh tâm, người Tu sĩ được bồi bổ tâm linh để luôn say mê Đức Kitô, sống hiệp thông và nhiệt thành trong sứ vụ. “Đời sống tâm linh phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình của mọi gia đình tận hiến, ngõ hầu mọi tu hội và mọi cộng đoàn trở thành những trường học về linh đạo Phúc Âm chân chính… Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại này đang khao khát những giá trị tuyệt đối và trở thành một lời chứng hấp dẫn” (Vita Consecrate, số 93).

Những ngày sống nơi đây, chia sẻ về ơn gọi nên thánh theo tông huấn “Hãy vui mừng và hân hoan”, tôi càng xác tín hơn về ơn gọi nên thánh của người tu sĩ và tín hữu.

Sự thánh thiện là trung tâm của triều đại Giáo hoàng Phanxicô. Đối với Đức Thánh Cha, sự thánh thiện có thể được tìm thấy trong đời sống thường ngày và trong số những người gần với chúng ta chứ không phải nơi những mẫu người siêu phàm, trừu tượng và hoàn hảo. Mỗi người có một con đường nên thánh của mình, con đường do Thiên Chúa vạch ra, cho dù “không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng ngay cả giữa những khi lỗi lầm và thất bại, ta vẫn tiến về phía trước và sống đẹp lòng Chúa.” (GE, số 3).

Theo Đức Giáo hoàng, sự thánh thiện mà con người có thể đạt tới được không nằm ở đỉnh cao chót vót của cuộc sống, không hệ tại ở chỗ làm những chuyện phi thường, nhưng trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu, sống với Ngài và nên giống như Ngài trong tư tưởng, lời nói và việc làm trong từng giây phút hiện tại.
Thánh Agustinô đã viết: “Con sẽ sống cuộc sống của con, bằng cuộc sống tràn đầy Chúa” (Confessioni,10,28). Hoặc như Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã viết : “Tôi sẽ sống giây phút hiện tại, làm cho nó tràn đầy tình yêu”. Chính từ cái nhìn này, Đức Giáo hoàng nhắc đến những hình ảnh ngài đã gặp thấy trong cuộc sống và gọi đó là “sự thánh thiện thường nhật”; họ là “những người sát ngay bên nhà chúng ta, những người đang sống giữa chúng ta, đang phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là “tầng lớp trung lưu của sự thánh thiện.” (GE, số 7).

Khi Chúa mời gọi chúng ta nên thánh, Ngài chia sẻ cho chúng ta niềm vui của Ngài, để sống và trao ban niềm vui trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, đồng thời làm cho nó trở nên một món quà tình yêu dành cho những ai đang ở bên chúng ta.
Sự thánh thiện không phải là điểm đến dành cho một số người được chọn. Đức Bênêđictô XVI đã khẳng định với chúng ta rằng: “Sự thánh thiện là điều có thể đối với hết mọi người, mọi tuổi tác cũng như mọi hoàn cảnh, vì mỗi chúng ta đều lãnh nhận ơn trợ giúp từ Thiên Chúa. Ngài mời gọi chúng ta hãy đón nhận một ơn huệ là sự thánh thiện, và hãy cố gắng sống những đòi hỏi của ơn đó”.
Cho nên “để nên thánh không cần phải là một giám mục, một linh mục hay một tu sĩ.” (GE, số 14).
Tất cả chúng ta được kêu gọi nên thánh! Mỗi bậc sống đều dẫn đến sự thánh thiện. Sự thánh thiện là khuôn mặt đẹp nhất của Giáo hội, là một hồng ân được trao tặng cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai, và qua đó tạo nên đặc tính nổi bật của mỗi Kitô hữu.

 “Đừng sợ sự thánh thiện. Nó sẽ không lấy mất chút năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều Chúa Cha đã nghĩ đến khi tạo thành bạn, và sẽ trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình”. Và “Đừng sợ nhìn lên cao hơn, để cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện sẽ không khiến bạn trở thành kém chất người đi, vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa.”(GE, số 32 và 34).

Tạ ơn Chúa đã cho con cùng các Tu sĩ sống những ngày Mùa Chay an bình trong Đan viện này. Nhịp sống nơi bình yên thanh thoát đã giúp chúng con gặp được nét tươi trẻ an vui trong cuộc sống tận hiến cho Chúa trên con đường nên thánh. Amen.

Phước Sơn 15.4.2019

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

***
Phước sơn nghĩa là núi Phước (ngọn núi tên là Phước) nằm ở đầu nguồn sông Bến Hải, một con sông chảy dài theo vĩ tuyến 17, thuộc tỉnh Quảng Trị. Vùng đất này là thuộc địa của cụ thượng thư bộ lại Nguyễn Hữu Bài tặng.

Cộng đoàn tổ của hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam là dòng Đức Bà Annam hay còn gọi là dòng Phước Sơn. Đấng sáng lập dòng là một thừa sai Paris tên là Henri Denis, tên Việt là Cố Thuận. Cha sang Việt Nam năm 1903, lúc cha 23 tuổi. Được phép Đức cha địa phận Huế, cha Henri lập dòng Đức Bà Annam tại núi Phước, tỉnh Quảng Trị năm 1918 nên có tên là Phước Sơn. Cha Henri đã lấy bản hiến pháp của dòng Xitô nhặt phép,chỉnh sửa lại những khoản không phù hợp với người Việt Nam, đề cao đời sống gia đình, nên đổi tên thành dòng Xitô Thánh Gia và được xác nhập vào Xitô Chung phép thế giới, trực thuộc Bề Trên Thượng của toàn dòng Xitô năm 1935, sau khi đấng sáng lập qua đời được 2 năm. Năm 1953, do thời cuộc, dòng đã di chuyển vào Thủ Đức thuộc địa phận Sài Gòn. Dòng được nâng lên thành Hội Dòng Xitô Thánh Gia vào năm 1964 khi có đủ 3 đan viện tự trị như luật buộc.

Hội Dòng hiện nay có khoảng trên 600 nhân sự sống trong 12 đan viện:


1. Đan viện Phước Sơn tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

2. Đan viện Châu Sơn Nho Quan tại tỉnh Ninh Bình.

3. Đan viện Châu Sơn Đơn Dương tại tỉnh Lâm Đồng.

4. Đan viện Phước Lý tại Huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai.

5. Đan viện Chây Thuỷ tại tỉnh Bình Thuận.

6. Đan viện Fatima tại Thuỵ Sĩ

7. Đan viện Phước Vĩnh tại Trà Vinh

8. Đan viện Thiên Phước tại Bãi dâu - Vũng Tàu.

9. Đan viện An Phước tại Long thành tỉnh Đồng Nai

10. Nữ Đan viện Vĩnh Phước tại Biên Hoà tỉnh Đồng nai.

11. Nữ Đan viện Phước Thiên ở Bãi Dâu Vũng Tàu.

12. Nữ Đan viện Phước Hải tại Bà Rịa - Vũng Tàu.


Việc hoạt động tông đồ của các đan viện này là trong cô tịch và lao động, hằng ngày họ hy sinh cầu nguyện cho những người ngoại giáo mau trở lại đạo, xây dựng cơ sở và phục vụ mọi kitô hữu có nhu cầu đến tĩnh tâm, viết và dịch sách kitô giáo.

Các đan viện này thuần chiêm niệm, họ không hoạt động tông đồ ở bên ngoài, họ giống như ngọn đèn ở cạnh nhà tạm, nó không soi sáng được cho ai nhưng nó đứng đó để báo cho mọi người biết nơi đây có Thiên Chúa.(x.
Theo kỷ yếu “Dấu ấn hồng ân 100 năm Hội Dòng Xitô Thánh Gia, 1918-2018)”.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây