Xét Mình là việc thực hành không còn nhiều ý nghĩa đối với một số người thời nay. Có nhiều lý do để người ta có quan niệm ấy.[1] Người ta có lẽ còn hiểu lầm về việc Xét Mình. Ví dụ, có người giản lược Xét Mình vào việc chỉ chú tâm tự mình nhìn mình (liên tưởng tới chứng tự kỷ). Có người nghĩ ngay việc Xét Mình là đếm tội lỗi của bản thân (liên tưởng đến điều gì đó quá cổ hủ). Có người chỉ nghĩ ngay tới việc thực hành một công thức có sẵn (theo kiểu quá máy móc). Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá chiều sâu và chiều rộng của việc thực hành Xét Mình, nhằm tránh việc bỏ lỡ một khí cụ thiêng liêng vô cùng hữu ích.
Việc Xét Mình có một chỗ đứng đặc biệt trong các tôn giáo, trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo, trong các truyền thống linh đạo; tuy nhiên, ở đây, chúng tôi chỉ giới hạn trong Linh đạo thánh Inhaxio. Bài viết sẽ có bố cục các phần như sau:
Tự Thuật 33: Vào một dịp khác, đang đi tàu biển từ Valencia tới Italia, một cơn bão nổi lên, bánh lái tàu bị gãy. Theo Inhaxio cũng như nhiều người khác trên tàu, nếu không có phép lạ thì không thể nào thoát chết được. Trong khi đang xét mình ăn năn tội và dọn mình chết, tuy không quá sợ sệt tội lỗi của mình hay sợ mất linh hồn, Inhaxio cảm thấy vô cùng xấu hổ và đau buồn, vì đã không sử dụng đúng cách những ân huệ mà Thiên Chúa ban.[2]
Đọc những dòng tự thuật trên đây, ta thấy Thánh Inhaxio đã làm việc xét mình như bao Kitô hữu khác. Đó là xét mình để ăn năn tội, xét mình để đón nhận cái chết. Có khác chăng, là khi ấy Inhaxio thực sự gặp cơn hiểm nguy đến tính mạng, trong cơn khốn khó, chứ không phải là trong cuộc sống đời thường. Cũng thế, trong lúc đối diện với cái chết đầy hiểm nguy ấy, Inhaxio vừa thật lòng xét mình, vừa thấy xấu hổ đau buồn, vừa thấy mình không phạm những tội trọng đến độ mất linh hồn. Tuy nhiên, có một điều rất quan trọng ở đây, Inhaxio không xét mình với mình, không chỉ thấy tội lỗi; mà lớn lao hơn, đó là thấy mình đã không sử dụng đúng cách những ân huệ Thiên Chúa ban.
Chỉ cần vài dòng ngắn ngủi, thánh nhân đã phác họa cho chúng ta thấy sự phong phú dường nào của việc xét mình. Mục đích là để sám hối, để xưng tội, để dọn mình chịu chết trong cơn hiểm nguy, và còn để thấy mức độ của tình yêu mến mà mình đã sống. Xét mình là xét mình trước mặt Thiên Chúa. Nội dung để xét mình, không chỉ là tội trọng mất linh hồn, nhưng còn là các tội lỗi, và ngay cả là việc sử dụng chưa đúng cách các ơn huệ. Thánh nhân cũng cho thấy những thái độ và cảm xúc đúng đắn cần có: ở mức độ lề luật, khi phạm tội trọng mất linh hồn, thì phải biết sợ sệt, khi phạm tội thì phải biết sợ; còn trong tình yêu mến, thì khi không biết sử dụng đúng cách các ơn huệ, cũng đủ để làm cho ta cảm thấy vô cùng xấu hổ và đau buồn.
Tuy nhiên, cách xét mình theo thánh Inhaxio, không chỉ có những nét chung trong truyền thống Giáo Hội, mà còn có những nét riêng của chính ngài, đặc biệt được thấy rõ trong sách Linh Thao. Sách Linh Thao được thiết kế gồm có 4 tuần (LT 4)[3]: Tuần thứ nhất để suy xét và chiêm niệm về các tội lỗi, ba tuần còn lại là chiêm niệm về cuộc đời Chúa Kitô. Nhưng khi giúp linh thao cho thao viên, thánh Inhaxio có lưu ý rằng (LT 18): Đối với một người chỉ chú tâm tìm sự giúp đỡ để học hỏi và để đạt tới sự thỏa mãn linh hồn ở mức độ nào mà thôi, thì có thể đề nghị cho họ việc xét mình riêng (LT 24-31), rồi việc xét mình chung (LT 32-43). Trong số liền sau (LT 19), ngài cũng tiếp tục nhắc lại hai cách xét mình này: Cũng có thể giảng cho họ trong nửa giờ về việc xét mình riêng (LT 24-31), rồi việc xét mình chung (LT 32-43).
Câu hỏi được đặt ra là: Việc xét mình như thế thì thích hợp cho ai? Ai có thể làm việc xét mình được nhắc đến ở đây? Câu trả lời khá bất ngờ: Nếu muốn, thì ai cũng có thể làm. Câu trả lời này là của chính thánh Inhaxio trong sách Hiến Pháp Dòng Tên số 649[4]:
Chỉ được cho Linh Thao trọn vẹn đối với ít người, và đó phải là những người khi đã tiến tới thì hy vọng sẽ đem lại hoa trái đáng kể để tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng các bài tuần I có thể cho nhiều người tập. Một số bản xét mình và những cách cầu nguyện, đặc biệt là cách thứ nhất trong những cách được đề cập trong Linh Thao, có thể mở rộng cho nhiều người hơn nữa, vì hễ có thiện chí thì ai cũng có thể làm được.
Xét về việc soạn thảo bản văn, thì trong sách Linh Thao, việc xét mình riêng (LT 24-31) được đặt trước việc xét mình chung (LT 32-43), tuy nhiên thực tế, việc xét mình riêng được biên soạn sau việc xét mình chung. Chính thánh Inhaxio nói rằng, ngài không viết sách Linh Thao một lần, mà rất nhiều lần, có thêm có sửa (TT 99). Trong Tự Thuật, lần đầu tiên ngài nhắc tới các tài liệu Linh Thao là tại Salamanca (TT 67). Tại Pari, ngài giúp linh thao cho nhóm bạn đầu tiên (TT 77), rồi đến nhóm thứ hai trong đó có Phanxico Xavie (TT 82). Ngài đã biên soạn việc xét mình chung ngay từ những ngày ở Monseratta (TT 17) rồi sau đó tiếp tục tại Manresa (TT 22). Còn việc xét mình riêng được biên soạn sau này (TT 99).[5] Tuy nhiên, để thuận theo bản văn Linh Thao, ta sẽ bàn đến việc xét mình riêng trước, sau đó và việc xét mình chung.
Trước khi đi ngay vào các bản văn về việc xét mình, ta không nên quên cấu trúc của bản văn Linh Thao. Liền trước việc xét mình, là ba số vô cùng quan trọng. LT 21 nói về tựa đề và mục đích của Linh Thao là chiến thắng chính mình và sắp xếp cuộc đời. LT 22 nói về điều kiện tiền giả định là mau mắn cứu vãn phán đoán của người khác, chứ không lên án. LT 23 nói về nguyên lý và nền tảng, để từ đó có tiêu chuẩn để thực thi mục đích được đề ra ở LT 21, cũng như có tiêu chuẩn để xác định tâm thế được đề ra ở LT 22.
Tự Thuật 99: Tôi đã hỏi người lữ khách (thánh Inhaxio) về Linh Thao và Hiến Pháp để tìm hiểu Cha đã soạn thảo hai tài liệu đó như thế nào. Cha trả lời, Linh Thao không được soạn liên tục, nhưng mỗi lần Cha nhận xét thấy điều gì trong tâm hồn có ích lợi và có thể giúp được người khác, thì Cha viết ra, thí dụ về cách xét mình trên các vạch ngang. Riêng về cách chọn lựa, Cha đã nói với tôi rằng Cha đã rút ra từ những thay đổi trong tâm hồn và tư tưởng từ khi còn ở Loyola, lúc còn đau chân.
“Cách thức xét mình trên các vạch ngang” chính là cách xét mình riêng được nhắc tới trong LT 24-31. Xét về tựa đề: việc xét mình riêng và hằng ngày gồm ba thì và hai lần xét mình (LT 24). Gọi là “riêng”, vì mục đích là để diệt trừ một tội hay một nết xấu riêng nào đó (LT 27). Và nhu cầu cần đặt ra, là cách xác định đâu là tội, đâu là nết xấu, đâu là tội trọng đâu là tội nhẹ (TT 70). Cần đến phương pháp, vì muốn diệt trừ các tội và nết xấu ấy “cách mau chóng hơn” (LT 27). “Ba thì” có nghĩa là 3 lần: khi vừa thức dậy buổi sáng (nhắc lòng mình về mục tiêu thực hiện trong ngày, chứ không phải là việc xét mình), trưa, và tối. “Hai lần xét mình” nghĩa là được thực hiện hai lần: trưa và tối.
LT 24-26 giải thích chi tiết cách thức thực hiện việc xét mình riêng trong một ngày. Còn LT 27-31 giải thích chi tiết cách thức lượng giá việc xét mình riêng, trong mỗi lần, nhiều lần trong một ngày, nhiều ngày trong một tuần, và các tuần với nhau. Trong LT 31, Inhaxio cho thấy một hình ảnh biểu tượng rất đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa: chữ g thứ hai nhỏ hơn ứng với ngày thứ hai… “Nhỏ hơn” có nghĩa là tội và nết xấu đã bớt phạm, và ngày càng bị thu nhỏ lại, để nhường chỗ cho nhân đức.
Có người “sẽ cười” vì cách thức tỏ ra “quá đơn sơ và đơn điệu” của Thánh Inhaxio. Người Việt có câu: cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Ý muốn nói, tính cách con người là điều vô cùng khó sửa đổi. Cũng có câu khác: tật nào hoàn tật ấy. Có ý nói: cái gì đổi được, chứ tật xấu thì cứ giữ mãi thế thôi. Con người thời hiện đại rất thích những lý thuyết tâm lý phức tạp và có tính mê hoặc. Cách thức của thánh Inhaxio tỏ ra lạc hậu chăng! Có thể thay đổi thói hư tật xấu của con người với cách thức thực hiện đơn sơ như thế hay sao? Thế nhưng, hiện nay thử nhìn nhiều người Âu Mỹ đang bị thu hút mạnh mẽ bởi Yoga và Thiền. Đó là các phương pháp rất đơn sơ, nhưng thâm hậu. Cái đơn sơ ấy chỉ trở nên thâm hậu là nhờ luyện tập, nhờ tu tập mà thôi. Và có thể nói rằng, Linh Thao là kho tàng còn “hơn” thế nhiều. Hơn ở đây không phải là hơn kém để nâng lên hay hạ xuống. Hơn ở đây là vì Linh Thao giúp mở ra một chân trời rộng lớn, không chỉ trong chính bản thân tôi, không chỉ cùng thiên nhiên vũ trụ, mà còn với tha nhân, với Thiên Chúa. Hơn ở đây, có nghĩa là mỗi người được Chúa mời gọi và mở ra những cánh cửa rất riêng. Cái riêng ấy không tạo nên cá nhân chủ nghĩa, nhưng là tạo nên tự độc đáo của mỗi người, và mở ra cánh cửa đón nhận sự độc đáo của tha nhân và tạo vật. Đó chính là tình yêu thương vô cùng tận của Thiên Chúa. Tình yêu thương như trời biển ấy, đã bị hạt cát nhỏ xíu là nết xấu làm cay xè đôi mắt, khiến ta cứ loay hoay dụi mắt, mà không thể mở ra để thấy chân trời rộng lớn. Lý Tiểu Long từng nói: “Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10.000 lần một cú đá!”. Ngay từ đầu khi nói về Linh Thao, thánh Inhaxio đã lấy ví dụ về thể thao (LT 1) để giúp hình dung về hành trình luyện tập.
Có người thắc mắc: cứ tập như thế, thì đức tin có vai trò gì, phải chăng chỉ là một việc luyện tập đơn thuần của cá nhân? Không phải thế, chúng ta thử đọc bản văn LT 25 để phân tích:
Chúng ta thấy, ngay từ bước đầu tiên (a), người làm việc xét mình đã nhớ ngay đến Chúa và xin ơn nhớ lại quá khứ của bản thân mình. Như thế, tội hay nết xấu có một quá khứ rất cụ thể, mà tôi cần phải nhớ, cần phải xin ơn để nhớ, nhưng là nhớ trong tương quan giữa tôi với Chúa. Bởi lẽ, nếu tách ra khỏi tương quan với Chúa, tôi sẽ không muốn nhìn lại, không muốn nhớ tật xấu của mình. Và nếu tách ra khỏi tương quan với Chúa, tôi sẽ bị chới với chênh vênh trong cõi nội tâm hỗn mang của mình. Sang đến bước (b) là quay lại với hiện tại của bản thân. Trước là thật lòng với Chúa về quá khứ, giờ là thật lòng với chính mình về hiện tại. Nhưng đây không phải là quá khứ hay hiện tại mông lung, mà có điểm xác định cụ thể: đó là một tội hoặc một nết xấu của tôi, mà tôi cần sửa đổi. Các bước theo sau (c) (d) (e) là những hướng dẫn rất cụ thể và nghiêm túc để thực hiện.
Thế nhưng, nết xấu của tôi là gì? Có lẽ nết xấu nào tôi cũng có, mà chẳng có chi rõ ràng. Làm thế nào để biết được một tội hay một nết xấu cụ thể mà tôi cần sửa đổi? Đó là câu hỏi nhiều người đã tự đặt ra khi mới bước vào hành trình thiêng liêng. Nếu ai đó có hiểu biết về các lý thuyết tâm lý về hành vi hoặc về phân tâm học, thì khá hữu ích để khám phá bản thân. Tuy nhiên, nếu ai không có kiến thức về chuyên ngành ấy, thì các khí cụ thiêng liêng trong truyền thống Giáo Hội tuy đơn sơ nhưng vô cùng hữu ích. Về nết xấu, có 7 mối tội đầu. Đối lại 7 mối tội đầu (kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, lười biếng), có 7 nhân đức tương ứng (khiêm nhường, quảng đại, trong sạch, nhẫn nhịn, kiêng bớt, yêu người, siêng năng). Về các giới luật căn bản, có 10 điều răn. Có 4 nhân đức trụ về nhân bản (khôn ngoan, công bằng, dũng cảm, tiết độ). Có 3 nhân đức đối thần (đức tin, đức cậy, đức mến). Nếu như mỗi ngày ta xét mình 2 lần, thì có lẽ, với thời gian và lòng kiên trì, ta có thể khám phá thấy đâu là điểm yếu của bản thân. Tại sao tôi phải biết điểm yếu của mình? Việc khám phá này rất quan trọng, bởi lẽ ta thường bị tấn công và bị gục ngã tại điểm này.[6]
LT 327: Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để chiến thắng và cướp đi những gì nó muốn. Vì như một vị chỉ huy hay vị tướng quân, sau khi đặt bản doanh trại và xem xét cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào nơi nào yếu hơn; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét lần lượt hết các nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu hơn và cần thiết hơn cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ gục ta.
Việc tự biết mình là vô cùng quan trọng, quan trọng đến nỗi người Việt có câu: biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng. Hay Đức Phật có câu: Chiến thắng vĩ đại nhất là chiến thắng chính bản thân mình. Ngay tựa đề của Linh Thao, LT 21, thánh Inhaxio đã không ngần ngại nhắc ngay: Linh Thao là để chiến thắng chính mình. Chiến thắng chính mình, làm thế nào được, nếu không biết điểm yếu của mình! Cũng thế, ngay từ câu đầu tiên trong cuốn Tự Thuật, thánh nhân đã nhắc đích danh đến tật xấu căn bản của chính mình là “hư danh”:
Từ thời niên thiếu cho đến năm 26 tuổi (thực ra khi đó ngài đã 30 hoặc 31 tuổi), Inhaxio chỉ lo chạy theo những chuyện vớ vẩn của người đời (hư danh phù phiếm của thế gian), đặc biệt là ham mê võ thuật và ao ước được nổi tiếng trước mặt người ta.
Có người cười rằng, nổi tiếng thì ở đời ai mà chẳng ham, đặc biệt là tuổi trẻ. Đúng thế, nhưng ham đến độ mù quáng, đến độ để cho nó điều khiển cả cuộc đời, thì đó lại là một tật xấu và điểm yếu phá hủy cuộc đời. Sự thất bại ở thành Pamplona và bị thương nặng ở chân, cũng là do tật hư danh mà ra. Đừng coi thường tật xấu của bản thân. Do tật xấu này, mà Inhaxio chút nữa là mất mạng, và cụ thể là chân bị tật đi khập khiễng suốt đời.
Sự ham mê hư danh phù phiếm và sự nổi tiếng, tức tật xấu của Inhaxio, không chỉ có một cái tên cụ thể, mà nó còn biến hóa với nhiều cách thế từ thô thiển đến tinh vi. Ban đầu, Inhaxio thích sự nổi tiếng theo kiểu thế gian, sau đó chuyển sang thích nổi tiếng theo kiểu thánh Phanxico và Đaminh (TT 7). Cái tật, nó chưa thành tội, nhưng nó cần được định hướng và chuyển hóa dần dần. Đó là một tiến trình trưởng thành. Đời sống các thánh làm cho ông cảm thấy vui, đó là dấu hiệu tốt; nhưng việc ông thích làm theo các thánh để đạt mục đích nổi tiếng, thì lại là điều xấu. Sau khi đã quyết tâm hoán cải, thay đổi cuộc đời, tại Manresa, Inhaxio tiếp tục phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc xét mình riêng và nhận định thần loại, trong một hành trình.
TT 19: Tại nhà thương, nơi ông trọ, đã nhiều lần giữa ban ngày, Inhaxio thấy ở gần mình, trên không trung một hình bóng hết sức hấp dẫn làm cho ông phấn khởi. Ông không thấy rõ nó có hình dạng gì, nhưng có vẻ giống một con rắn với nhiều chấm lấp lánh như là những mắt của nó, dù đó không phải là mắt. Thấy hình dạng này, Inhaxio rất lấy làm thích thú và phấn chấn, càng thấy nhiều thì lại càng cảm thấy thích, nhưng lúc nó biến mất thì lại thấy buồn chán.
TT 31: Inhaxio quỳ gối trước một thập giá gần đó để cảm tạ Thiên Chúa. Lúc ấy ông lại nhìn thấy hình bóng mà ông đã thấy nhiều lần trước mà chưa hiểu rõ, tức là hình bóng có vẻ rất đẹp và có nhiều mắt. Nhưng lần này, đang lúc quỳ gối trước thập giá, ông thấy rõ ràng hình bóng đó không có nhiều màu sắc đẹp đẽ như những lần trước, và hiểu biết hết sức rõ rệt, cũng như xác tín cương quyết đó là ma quỷ. Sau đó, nhiều lần, hình trên lại hiện ra một lúc lâu, nhưng Inhaxio khinh chê và xua đuổi nó bằng cây gậy mà ông thường cầm nơi tay.
Có bốn điều nên ghi nhận ở đây. Thứ nhất, con rắn là biểu tượng của ma quỷ, tức thần dữ đội lốt thần lành, như được Inhaxio nhắc tới trong bộ nhận định thần loại tuần II của Linh Thao (LT 328-336). Thứ hai, Inhaxio bị mắc lừa, bởi chính tật xấu (điểm yếu) nơi bản thân. Đó là, ông thích thú trước sự mê hoặc của vẻ đẹp hào nhoáng của con rắn. Thứ ba, việc khám phá ra đâu là sự thật, cần thời gian, kinh nghiệm trong cầu nguyện, nhận định, và xét mình. Thứ tư, sau khi bị lộ tẩy, con rắn vẫn tiếp tục hiện ra nhiều lần. Điều đó, có nghĩa là điểm yếu của ta sẽ tiếp tục bám theo ta, và đó là cuộc chiến liên lỷ; cộng thêm sự cám dỗ của ma quỷ là không bao giờ ngưng. Nhưng chú ý, là ta có tự do và sức mạnh với “cây gậy trên tay” để xua đuổi, và luôn có sức mạnh từ cây thập giá.
Có một điểm vô cùng hấp dẫn về xét mình riêng, mà ít người nhắc tới. Đó là: việc xét mình riêng không chỉ được thực hiện khi người ta thức, mà dường như còn hoạt động ngay trong giấc ngủ, ngay trong giấc mơ, trong thế giới nội tâm của những hình dung, cảm xúc, tiềm thức, vô thức, ký ức, kinh nghiệm. Điều này mở ngỏ cho thấy một chiều sâu vô cùng đặc biệt mà thánh Inhaxio muốn mời gọi mọi người bước vào cuộc hành trình.
LT 24: Ban sáng, ngay khi thức dậy, phải dốc lòng giữ mình cẩn thận không sa ngã vào một tội riêng hay một nết xấu nào đó, mà ta muốn tu sửa hay cải thiện.
LT 74: Khi tôi thức dậy, không để tâm đến tư tưởng nào khác, nhưng để tâm ngay vào điều tôi sắp chiêm niệm trong cuộc thao luyện…
LT 73: Khi đã nằm xuống và sắp sửa ngủ, trong khoảng một kinh Kính Mừng, nghĩ đến giờ nào tôi phải thức dậy và để làm gì, bằng cách lược tóm lại cuộc thao luyện mà tôi phải làm.
Như một huấn luyện viên lão luyện, thánh Inhaxio không mất giờ cho những giải thích dài dòng và phức tạp. Ngài cũng không mô tả kiểu tác phẩm văn chương. Nhưng ngài đưa ra những mấu chốt mang tính quyết định, những nguyên tắc để thực hành, để tập luyện, để lượng giá. Như một việc tập luyện, nếu bạn không nhập cuộc, bạn sẽ chẳng bao giờ có được trải nghiệm của người trong cuộc, mà mãi mãi chỉ là kẻ đứng ngoài cuộc hình dung về những gì có thể xảy ra. Đối với thánh Inhaxio thì không phải thế, ngài không viết ra một cuốn tiểu thuyết để người ta thưởng thức. Ngài cũng không viết ra một phương pháp để người ta nghiên cứu. Nhưng ngài đề xuất một con đường, để người ta nhập cuộc, khám phá bản thân, gặp gỡ Thiên Chúa, định hướng lại cuộc đời, và dấn thân phục vụ.
Tự Thuật 17: Tới nhà thờ Monseratte, sau khi cầu nguyện và bàn hỏi với cha linh hướng, trong ba ngày, Inhaxio viết ra mọi tội lỗi trên giấy và xưng tội. Ông còn điều đình với cha linh hướng cho đan viện giữ lại con la, còn cái gươm và con dao găm thì ông treo trên bàn thờ Đức Mẹ.
Tự Thuật 22: Tuy nhiên, trong đời sống thiêng liêng, Inhaxio đã phải khổ sở rất nhiều vì lòng bối rối. Mặc dù tại Monserrate, ông đã xưng những tội đã phạm suốt đời cách rất cẩn thận, sau khi viết tất cả trên giấy như đã kể trên. Nhưng đôi khi, Inhaxio vẫn cảm thấy đã quên không xưng vài tội, do đó ông rất khổ tâm. Mặc dù xưng tội lại lần nữa, ông vẫn chẳng hài lòng. Ông đi tìm vài người đạo đức có thể giúp ông chữa trị tâm trạng bối rối, nhưng không có cách nào thoát khỏi. Cuối cùng, vị linh mục hay giảng tại nhà thờ chính tòa, và là người đạo đức, đã bảo ông trong tòa giải tội là cứ viết ra tất cả những gì nhớ được. Ông đã làm như vậy, nhưng sau khi xưng tội rồi, thì cơn bối rối còn phức tạp hơn trước nữa, khiến ông phải rất khổ sở.
Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. (Lời nguyện trong Thánh Lễ)
Trong lời nguyện Thánh Lễ, chúng ta gặp thấy tâm tình căn bản mà các Kitô hữu cần có. Đọc lời nguyện này nhiều lần, có lẽ tạo thành thói quen mà ta đánh mất ý thức. Có lần, người bạn khác đạo, chia sẻ với tôi một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên. Lần đó, tôi mời anh đi vào nhà thờ để thăm cho biết. Hôm đó có thánh lễ, tôi dự lễ, và anh ngồi bên cạnh. Sau thánh lễ, anh chia sẻ rằng: có hai điều làm anh vô cùng ấn tượng. Thứ nhất là bầu không khí thánh thiêng và mọi người rất trang nghiêm sốt sắng dự lễ. Thứ hai là một hành vi cụ thể: đấm ngực thú tội, một lời kinh cụ thể mà mọi người cùng đọc. Anh nói rằng: người Công Giáo thật khiêm tốn và can đảm khi đọc lời kinh ấy. Tôi giật mình, vừa thấy vui vì anh ấy có những cảm nhận ấy, vừa cảm thấy xấu hổ vì mình đã đánh mất những cảm nhận căn cốt ấy.
Trở lại việc xét mình chung, trong chính kinh nghiệm của thánh Inhaxio. Đầu tiên ngài làm xét mình chung (TT 17) tại Monseratte, là lúc ngài muốn xưng thú tất cả tội lỗi của quá khứ, để thay đổi cuộc đời. Cách thức làm việc xét mình này, được ngài ghi lại trong Linh Thao 32-43. Mục đích (LT 32) là để thanh tẩy mình và để xưng tội tốt hơn. Tuy nhiên, không đơn giản là làm việc xét mình chung, rồi xưng tội, thế là xong. Không hẳn thế. Khi muốn thay đổi cuộc đời, Inhaxio đã phải chiến đấu cực nhọc với những bối rối khủng khiếp (TT 22-). Thật là tốt, từ kinh nghiệm ấy, ngài đã cẩn thận viết lại bộ ghi chú về bối rối (LT 345-351), để giúp ta cảm thấy và hiểu biết những bối rối cùng những xúi bẩy của kẻ thù (LT 345).
Có rất nhiều điều để bàn về việc xét mình chung, tuy nhiên ở đây ta chỉ chú ý đến hai điểm: thứ nhất là phá vỡ một quan niệm sai lầm, thứ hai là điểm khác biệt với xét mình riêng.
Thứ nhất, có quan niệm sai lầm rằng, xét mình chung là việc tự mình liệt kê kể lể hết tất cả những tội lỗi đã phạm. Quan niệm này, có lẽ không hoàn toàn sai, nhưng còn rất nhiều thiếu sót. Vì nếu chỉ như thế, thì nó thuần túy là một hoạt động máy móc. Ta thử đọc kỹ lại điều lưu ý ngắn gọn và hữu ích của thánh Inhaxio:
LT 32: Tôi tiền giả định rằng trong người tôi có ba thứ tư tưởng: một thứ là của riêng tôi, hoàn toàn bởi tự do và ý muốn của tôi phát sinh, còn hai thứ kia từ bên ngoài đến, một thứ là do thần lành, và một thứ là do thần dữ.
Thông thường, nhiều người quên sự hiện diện của ba thứ tư tưởng này, mà chỉ nhớ có một. Có người đạo đức quá, cái gì cũng chỉ đổ cho Chúa. Có người tiêu cực quá, cái gì cũng đổ cho ma quỷ. Có người duy lý hoặc tự tin quá, cái gì cũng nói là chỉ do mình. Đó là những thái cực làm méo mó đi thực tại. Sự thực có mặt cả ba yếu tố trên. Ngay từ đầu, thánh Inhaxio đã nhắc điều ấy. Thật là khôn ngoan và đơn sơ.
Thứ hai, nếu như xét mình riêng là việc tập trung vào một tội riêng hoặc một nết xấu cụ thể, thì xét mình chung là việc tổng duyệt tất cả, tất cả mọi thứ tội lỗi và thiếu sót. Thánh Inhaxio đã cẩn thận giúp phân tích ba lãnh vực hoạt động khác nhau: tư tưởng (LT 33-37), lời nói (LT 38-41), việc làm (LT 42). Ngài đã giải thích rất chi tiết phần về tư tưởng: cách lập công phúc khi có tư tưởng xấu từ ngoài tới (LT 33), cách lập công phúc khi tư tưởng xấu quay trở lại (LT 34), thế nào là phạm tội nhẹ trong tư tưởng (LT 35), thế nào là phạm tội trọng trong tư tưởng (LT 36-37). Và ngay cả trường hợp xảy ra bối rối như đã xét ở trên (TT 22, LT 345-351), suy cho cùng, cũng diễn ra trong tư tưởng. Rõ ràng, tư tưởng không chỉ được hiểu như là những ý tưởng, những suy nghĩ, hay những lý lẽ, mà là tất cả những xung lực tâm lý, tất cả những gì liên quan đến đời sống nội tâm của con người, của tâm, của trí, của linh hồn. Nhưng dù thế nào, thì cũng không được quên 3 tác nhân của tư tưởng: Thiên Chúa, chính tôi, thần dữ.
Xét vì tính độc đáo và tính tóm lược của LT 43, nên nó được tách ra xét riêng ở đây. Tựa đề là: Phương pháp xét mình chung, phương pháp này có năm điểm:
(1) Tạ ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta vì những ơn huệ đã nhận được.
(2) Xin ơn nhận biết các tội lỗi của mình và từ bỏ chúng.
(3) Xét hỏi linh hồn mình, từ khi thức dậy cho đến lúc xét mình hiện tại, từng giờ, từng lúc, trước hết về tư tưởng, rồi sau về lời nói, sau đó đến hành động, theo cùng một trật tự đã đề cập trong việc xét mình chung.
(4) Xin Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm.
(5) Dốc lòng cải thiện nhờ ơn Chúa. Đọc kinh Lạy Cha.
a. Trước hết, ta nhắc đến vài quan niệm sai lầm người ta dễ có về việc xét mình. Nhắc đến xét mình, là dễ làm ta nhớ đến chuyện tội lỗi. Nhưng không, ở đây điều đầu tiên (1) chính là biết tạ ơn Chúa về các ơn đã nhận được. Có thể nói rằng, chắc chắn sẽ không có lời xin lỗi, nếu trước đó thiếu lòng biết ơn. Hay có thể nói rằng, trước khi thật lòng biết rằng mình đã có lỗi với ai đó, thì trước hết, mình đã thừa nhận một mối tương quan với người ấy. Vì có mối tương quan ấy, mối tình thân ấy, mà mình mới thực sự thấy được tội lỗi. Trong tầm nhìn của lòng biết ơn, thì tội lỗi mới được nhìn nhận, và mới có một lý do để sửa đổi, để sám hối. Điểm thứ hai (2) cũng tạo nên ngạc nhiên không kém. Để có thể nhận ra tội lỗi của bản thân, cũng cần có ơn. Khi phạm tội, khi gây ra lỗi, phải nói rằng, ai cũng cho rằng mình có lý. Thường là người ta dễ đổ thừa: Adam đổ thừa cho Eva, Eva đổ thừa cho con rắn. Do đó, thực sự cần một ơn, cần một sức mạnh, cần một sự thôi thúc đến từ Thiên Chúa. Từ chỗ nhận lỗi, đến chỗ dám sửa lỗi, cũng là một quãng đường dài. Người Việt có câu: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông. Sau khi xác lập vững chắc hai điểm (1) (2) mới đi tới điểm (3) là điểm người ta thường nghĩ tới khi nhắc về việc xét mình. Cách thực hiện điểm (3) thì đã được trình bày rất chi tiết trong phần xét mình chung.
Điểm (4) cho thấy sự sám hối, lòng khiêm tốn; cho thấy sự can đảm đứng lên, nhận lỗi và xin ơn tha thứ của Chúa. Thực ra, Chúa chẳng khó khăn chi, chẳng đòi hỏi gì, nhưng lòng người thì rất khó. Ví như câu chuyện về người con hoang đàng, rồi người con cả (Tin Mừng Luca). Cả hai đứa con đâu có hiểu lòng người Cha. Điểm (5) là quyết tâm cải thiện: người con thứ sẽ không bỏ nhà Cha mà ra đi nữa, người con cả sẽ sống với tâm thế của một người con chứ không như người làm công nữa. Sau đó, đọc kinh Lạy Cha là lời thân thưa mà Chúa Con vẫn thường nói với Chúa Cha. Chúng ta thử đọc lại tâm tình của thánh Inhaxio để thấy được lòng đơn sơ chân thành tới mức nào trong việc thực hành sống việc xét mình.
TT 99: Cha (thánh Inhaxio) nói rằng: khi kể các chuyện trên, cha chỉ có ý ngay lành đơn sơ, và đảm bảo chắc chắn cha không thêu dệt thêm điều gì. Cha nói thêm rằng, từ khi bắt đầu phụng sự Chúa, cha đã xúc phạm Chúa nhiều lần, nhưng không bao giờ cha cố ý phạm tội trọng, mà trái lại, cha càng thêm sốt sắng, nghĩa là ngày càng tìm thấy Chúa dễ dàng.
b. Việc xét mình theo năm điểm như trên, cũng có thể được nhìn từ lăng kính của một bài chiêm niệm.[7]
Điểm xuất phát là hình dung: tôi là một người nghèo, chẳng có gì cả, ngay bản thân tôi cũng chẳng phải là của tôi; tất cả là quà tặng, tất cả. Tất cả là quà tặng, bản thân tôi cũng là quà tặng. Cũng thế, tôi đến trước mặt Chúa như một người được tặng quà, quà tặng ấy là chính Chúa, là tất cả. Và như thế, để bắt đầu việc xét mình, tôi học được rằng, Chúa tốt lành dường bao.
Điểm thứ hai là xin ơn soi sáng. Xin được nhận thấy các hoạt động của Chúa Thánh Thần qua các tác động, qua các thúc đẩy, các chuyển động.
Điểm thứ ba: Nhìn lại ngày sống của tôi, dẫn tôi đến chỗ nhận ra các tác động của Thần Khí Chúa và các loại tác động khác. Tìm và nhìn thấy các hoạt động của Chúa trong ngày sống. Nhận ra những quà tặng Chúa ban, và nhận ra cả những khi tôi chối từ.
Điểm thứ tư: Tập trung vào những lúc tôi chối từ. Ý thức sâu xa trong kinh nghiệm nội tâm về Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Tự hỏi lòng mình: xem tôi đã sống mối tương quan với Chúa ra sao, và làm thế nào để tôi trở lại với tình yêu mến. Vào lúc tôi từ chối Ngài, thì lưu ý rằng, điều gì làm tôi thất bại. Một khi tôi lớn lên trong tình yêu mến như Chúa yêu thương tôi, thì tôi cũng lớn lên trong việc nhận thức được những thất bại của mình, và tôi biết rằng, tôi thất bại vì khi ấy tôi chưa bám rễ trong tình yêu mến của Thiên Chúa.
Điểm thứ năm: Trước mặt Chúa, tôi ý thức Chúa là Chúa của tôi. Tôi quyết tâm sống mối tình thân với Chúa, lớn lên trong tình thân với Chúa, và cương quyết nói không với những gì không đến từ Ngài.
c. Hơn nữa, cấu trúc bài xét mình này còn có thể được đặt song song để đối chiếu với bài Chiêm niệm để được tình yêu.[8] Bài Xét mình chung gồm 5 điểm, và bài Chiêm niệm để được Tình yêu, có cấu trúc và có những điểm tương đồng như sau:
[234-237] Chiêm niệm để được Tình yêu Sự thông chia của Thiên Chúa 1. Nhớ lại những ơn đã nhận được (234). 2. Nhìn xem cách Chúa hiện diện (235). Sự hiện diện đẹp đẽ của thụ tạo. 3. Suy xét cách thức mà Chúa lao tác trong tôi (236). Để nhận biết hành động yêu thương mà Chúa dành cho tôi. 4. Nhìn xem mọi ơn huệ từ trên ban xuống cho tôi (237). | [43] Xét mình chung
Cách diễn tả lòng biết ơn 1. Tạ ơn Thiên Chúa, Chúa chúng ta, về những ơn đã nhận được. 2. Xin ơn để nhận ra tội lỗi. Sự có mặt của tội trong tôi. 3. Xét hỏi linh hồn… trong những hành động của tôi. Để nhận biết tôi cần đáp lại tình yêu mến. 4. Xin ơn tha thứ của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, vì tôi đã phạm lầm lỗi. 5. Quyết tâm sửa đổi nhờ ơn Chúa ban. |
Cũng trong sự đối chiếu này, ta tìm được chìa khóa để giải thích việc xét mình chung, đó là LT 233: Xin được hiểu biết thâm sâu về biết bao ơn lành đã nhận, để khi nhận biết những ơn lành đó cách trọn vẹn, tôi có thể yêu mến và phụng sự Chúa chí tôn trong mọi sự. Xét mình chung, do đó, là một hoạt động được thực hiện trong ánh sáng của tình yêu mến. Nếu coi bài Chiêm niệm để được Tình yêu, như là tóm lược của toàn bộ Linh Thao, thì việc xét mình chung (5 điểm) là bản tóm lược của toàn bộ kinh nghiệm Linh Thao, được thực hiện trong cuộc sống thường ngày. Thực hành việc xét mình này, chính là việc đưa hoa trái của cuộc Linh Thao, vào trong cuộc sống, và cũng là cách làm cho hoa trái ấy ngày càng lớn mạnh.
d. Trước khi kết thúc mục này, ta quay lại với việc đề xuất đặt tựa đề cho phương pháp xét mình chung (LT 43) là “xét mình hàng ngày”.[9] Từ đầu tới giờ, chúng ta đã thấy, theo thánh Inhaxio, có hai kiểu xét mình: xét mình riêng và xét mình chung. Đối với việc xét mình riêng, ngài viết rõ: việc xét mình riêng và hằng ngày (LT 24). Còn đối với việc xét mình chung, ngài chỉ viết: phương pháp xét mình chung, phương pháp này gồm 5 điểm (LT 43). Tuy việc xét mình riêng, được thực hành hằng ngày, nhưng chỉ tập trung vào một tội riêng hoặc một nết xấu riêng. Còn việc xét mình chung, rõ ràng là thánh Inhaxio có nói mục đích: để thanh tẩy mình và để xưng tội tốt hơn (LT 32). Câu hỏi đặt ra là, việc xét mình riêng được thực hành hằng ngày như thế, kể cũng chưa đủ, vì mỗi ngày còn biết bao tội lỗi và ơn lành khác nữa. Việc xét mình chung, nếu chỉ được thực hiện một số lần, đặc biệt trước khi đi xưng tội, nếu làm như thế, có lẽ ít quá chăng? Chúng ta tìm được lời giải cho thắc mắc này trong tài liệu “Hướng dẫn cho Linh Thao”[10]. Ngài viết như sau:
Về trật tự, trước hết là bài nguyên lý và nền tảng; tiếp đến là việc xét mình riêng; việc xét mình chung; việc xét mình (chung) hàng ngày có năm điểm. (Quanto all’ordine, si proponga prima di tutto il fondamento; 2, l’esame contro un difetto particolare; 3, l’esame generale; 4, quello quotidiano che contiene cinque punti).
Như thế, có thể nói được rằng: xét mình riêng và xét mình chung, đều thực hành hằng ngày. Việc xét mình riêng thì tập trung cải thiện điểm yếu, tập tành nhân đức. Còn việc xét mình chung, thì bao quát mọi mặt của đời sống, đặc biệt là lối nhìn chiêm niệm trong tình yêu mến với Thiên Chúa, với tha nhân và với tạo vật. Có thể liên tưởng đến hình ảnh một võ sư thế này: xét mình riêng tựa như việc chuyên tâm luyện tập để khắc phục điểm yếu và tập tuyệt chiêu. Còn xét mình chung là để lượng giá và xây dựng toàn bộ cuộc sống. Cả hai đều là việc thực hành hàng ngày. Tuy Linh Thao không chỉ là việc xét mình, vì còn rất nhiều hoạt động khác, như được nhắc tới trong định nghĩa về Linh Thao (LT 1) và mục đích Linh Thao (LT 21), nhưng có thể nói, xét mình như những con chốt chủ bài, như những hoạt động then chốt, như những kỳ thi để lượng giá hành trình, và để mở ra những cánh cửa mới. Và cũng vì thế, mà xét mình có liên hệ vô cùng mật thiết đến việc nhận định thần loại, đến cầu nguyện, và mọi hoạt động lớn nhỏ khác trong cuộc sống.
Trước khi kết thúc bài viết, ta dành một phần khiêm tốn để nói lên tầm quan trọng của việc xét mình, theo quan điểm của thánh Inhaxio. Ngay từ số đầu tiên của Linh Thao, nói về định nghĩa Linh Thao, ngài đã nhắc ngay đến xét mình (LT 1): Qua từ ngữ “Linh Thao”, ta hiểu đó là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm, khẩu nguyện, tâm nguyện, và các việc thiêng liêng sẽ nói sau. Ngay từ đầu cuốn Tự Thuật, ngài đã thú nhận (TT 1): Từ thời niên thiếu cho đến năm 26 tuổi, kẻ ấy chỉ lo… Sẽ không thể có được nhận thức rõ ràng và mạnh mẽ này, nếu không có việc xét mình.
Trong Linh Thao số 18 và 19, thánh Inhaxio nhắc tới việc xét mình trong bối cảnh giúp linh thao cho những người chỉ làm tuần thứ nhất. Tuy nhiên, trong các số khác của Linh Thao, ta sẽ thấy việc xét mình tiếp tục là chủ đề quan trọng cả trong các tuần còn lại của Linh Thao.
LT 90: Xét mình riêng để từ bỏ những nết xấu và những trễ nải trong việc thao luyện và về các việc phụ thêm; cả các tuần thứ hai, thứ ba và thứ bốn cũng làm như vậy.
LT 160: Xét mình riêng sau bữa trưa và bữa tối sẽ làm về các lỗi lầm và trễ nải trong các cuộc thao luyện và các điều phụ thêm, chính ngày đó cũng như những ngày sau đều làm như vậy.
LT 207: Việc xét mình riêng về các cuộc thao luyện và các điều phụ thêm ở đây, cũng sẽ làm như đã làm trong các tuần trước.
Trong ba đoạn trên, chỉ nhắc tới việc xét mình riêng. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói ở trên, việc xét mình chung (phương pháp xét mình chung gồm 5 điểm) cũng được thực hiện hằng ngày (xét mình hằng ngày). Điều này đặc biệt thấy rõ, khi đọc bản Hiến Pháp Dòng Tên. Ở đây, thánh Inhaxio không còn nói rõ là xét mình riêng, hay xét mình chung nữa, mà chỉ nhấn mạnh là xét mình, và phải thực hành hằng ngày (HP 261), mỗi ngày hai lần (HP 342.344).
Tuy nhiên, có một điều nên lưu ý ở đây: người viết không có ý nói “tầm quan trọng này” có tính bắt buộc đối với mọi người. Bởi lẽ, Hiến Pháp Dòng Tên chỉ là để áp dụng cho các tu sĩ Dòng Tên, các bài tập Linh Thao chỉ là để áp dụng với những ai làm linh thao, các chia sẻ trong Tự Thuật của thánh Inhaxio là kinh nghiệm riêng của bản thân ngài. Khi trích dẫn và phân tích, người viết chỉ muốn nêu bật tầm quan trọng của việc xét mình, trong nhãn quan của thánh Inhaxio: với tư cách kinh nghiệm cá nhân (sách Tự Thuật), với tư cách là người làm linh thao và nhà huấn luyện giúp Linh Thao (sách Linh Thao: người giúp và người nhận linh thao), với tư cách là tu sĩ và nhà huấn luyện các tu sĩ Dòng Tên (sách Hiến Pháp Dòng Tên).
Thay cho lời kết, chúng ta nhớ đến những bài thao luyện quan trọng trong Linh Thao, hoặc những ơn quan trọng được nhắc đến trong Tự Thuật, hoặc trong những quyết định quan trọng của người tu sĩ Dòng Tên được nhắc đến trong Hiến Pháp, đều không thể thiếu được sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi. Thật kỳ diệu, ở đây nữa, việc xét mình, không chỉ được chúng ta đặt so sánh với bài Chiêm niệm để được tình yêu, mà chính thánh Inhaxio đã thực hiện việc xét mình trong với đầy lòng sốt mến trước Chúa Ba Ngôi.
NK 35: …Tôi xét mình về tất cả ngày sống, cầu xin ơn tha thứ. Tôi cảm thấy Chúa Cha thật tốt lành… Có một chút nước mắt.
NK 51: Về Chúa Ba Ngôi (thứ ba, 19 tháng hai). Tối hôm qua, khi chuẩn bị đi ngủ, tôi đã suy nghĩ về những gì mình sẽ nên làm và cách thức để làm. Khi thức dậy, tôi bắt đầu xét mình và cầu nguyện rất nhiều, và tôi xúc động rơi lệ trên khuôn mặt. Lòng sốt mến thật mãnh liệt và dài lâu, cùng với ký ức dạt dào hiểu biết và thiêng liêng về Chúa Ba Ngôi. Tôi bình tĩnh và mừng vui chắp tay trước ngực, vì tình yêu mến lớn lao hướng về Chúa Ba Ngôi. Cứ thế, với đầy lòng tin tưởng, tôi dâng thánh lễ kính Chúa Ba Ngôi, và nước mắt vẫn không ngưng.[11]
Lạy Chúa! Xin cho con được hiểu biết thâm sâu về biết bao ơn lành đã nhận, để khi nhận biết những ơn lành đó cách trọn vẹn, con yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi sự. Amen.
Roma – Lễ Lá 2019
Tứ Quyết SJ
Các chữ viết tắt về các tác phẩm của Thánh Inhaxio Loyola
TT: sách Tự Thuật
LT: sách Linh Thao
HP: sách Hiến Pháp Dòng Tên
NK: sách Nhật Ký Thiêng Liêng
[1] Xem. George Aschenbrenner, SJ, Consciousness Examen, https://www.ignatianspirituality.com/ignatian-prayer/the-examen/consciousness-examen
[2] Trích sách Tự Thuật của Thánh Inhaxio, Thủ Bản Tự Thuật Thánh I-nhã Loyola, Cha Hoàng Văn Lục (Sesto Quescetti) SJ dịch, (donghanh.org), từ đây, sách này sẽ được viết tắt thành Tự Thuật hoặc TT, số 33 là số được đánh dấu trong cuốn sách.
[3] Sách Linh Thao được viết tắt là LT, các số được trích dẫn theo số trong sách LT.
[4] Sách Hiến Pháp Dòng Tên được viết tắt thành HP, các số được trích dẫn theo số trong sách HP.
[5] Santiago Arzubialde S.J., Ejercicios Espirituales De S. Ignacio, Historia y Análisis, (Mensajero, Sal Terrae, Bilbao-Santander 1991), p. 90-91.105-107.
[6] Bộ nhận định thần loại của tuần thứ nhất (LT 313-327).
[7] Joseph A. Tetlow, S.J., The Most Postmodern Prayer (American Jesuit Identity and the Examen of Conscience, 1920 – 1990), (Studies in the Spirituality of Jesuit, 26/1 – JANUARY 1994), p. 45-48.
[8] Santiago Arzubialde S.J., Ejercicios Espirituales de S. Ignacio, Historia y Analisis, (Mensajero – Sal Terrae, Bilbao-Santander 1991), p. 114-115.
[9] Ý tưởng này là đề xuất của Cha Giáo Giuse Lê Quảng Chủng, trong phần chú giải sách Linh Thao: Ngu dại và điên rồ vì Đức Kitô, (Tập Viện Thánh Tâm Dòng Tên, 2011).
[10] Sant’Ignazio di Loyola, Gli Scritti (A cura dei gesuiti della Provincia d’Italia): Note date a voce sopra gli Esercizi, II. Gesù. (Come si deve comportare chi dà gli Esercizi quando si danno con esattezza), 1. L’ordine, (Edizioni AdP 2008), p. 345.
[11] Nhật Ký Thiêng Liêng của thánh Inhaxio, viết tắt là NK, số được trích như trong sách NK. Sant’Ignazio di Loyola, Gli Scritti, (Edizioni AdP 2008), Diario Spirituale, p. 403.407-408.
Thư mục tham khảo:
Thủ Bản Tự Thuật Thánh I-nhã Loyola, Cha Hoàng Văn Lục (Sesto Quescetti) SJ dịch, (donghanh.org)
Linh Thao, Bản văn A, Giuse Lê Quang Chủng SJ chuyển ngữ, (Tập Viện Thánh Tâm – Dòng Tên 2011)
Hiến Pháp Dòng Tên và Quy Luật Bổ Sung, (Tập Viện Thánh Tâm – 2016)
Ngu dại và điên rồ vì Đức Kitô, Dịch và chú giải sách Linh Thao: Giuse Lê Quang Chủng SJ, (Tập Viện Thánh Tâm Dòng Tên, 2011)
Sant’Ignazio di Loyola, Gli Scritti (A cura dei gesuiti della Provincia d’Italia, (Edizioni AdP 2008)
Ricardo Garcia-Villoslada, Sant’Ignazio di Loyola, Traduzione dallo spagnolo di Anna Maria Ercoles osb, (Edizioni San Paolo, 1990), (Titolo originale dell’opera: San Ignacio de Loyola. Nueva Biografia, Madrid 1986)
“Examen” en Concordancia Ignaciana, Con la colaboracion de The Institute of Jesuit Sources, St. Louis, Missouri, USA, (Mensajero – Sal Terrae, 2007)
“Examen de Conciencia” en Diccionnario de Espiritualida Ignaciana, Grupo de Espiritualidad Ignaciana (GEI), (Mensajero – Sal Terrae, 2007), p. 841-850
Santiago Arzubialde S.J., Ejercicios Espirituales de S. Ignacio, Historia y Analisis, (Mensajero – Sal Terrae, Bilbao-Santander 1991), p. 85-116
Joseph A. Tetlow, S.J., The Most Postmodern Prayer (American Jesuit Identity and the Examen of Conscience, 1920 – 1990), (Studies in the Spirituality of Jesuit, 26/1 – JANUARY 1994)
George Aschenbrenner, SJ, Consciousness Examen, https://www.ignatianspirituality.com/ignatian-prayer/the-examen/consciousness-examen
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn