Khi chấp nhận đi vào thế giới hữu hình, Giêsu cũng đi vào trong sự giới hạn và phải trải qua kinh nghiệm về sự chết. Quả vậy, chỉ có loài thiêng liêng mới không chết, chứ con người nào cũng phải chết cả. Chết là số phận chung của mọi sinh vật, là điểm gặp gỡ của tất cả mọi loài. Cái khác biệt chỉ nằm ở chỗ người ta sẽ chết trong hoàn cảnh thôi!
Đức Giêsu không phải là một người trường thọ. Hành trình tại thế của Ngài chỉ vọn vẹn vài chục năm. Phần lớn thời gian ấy, Ngài sống âm thầm tại một góc nhỏ của thế giới. Cuộc đời công khai giảng dạy và làm các phép lạ của Ngài chỉ diễn ra chưa trọn ba năm, chỉ để cố gắng chứng minh cho người ta thấy Ngài là Đấng mà các sách Cựu Ước nói đến, Đấng Thiên Sai, và mời gọi người ta tin vào Ngài để hưởng sự sống đích thực.
Hành trình Ngài đi luôn là một hành trình đi xuống, đụng chạm đến cái tận cùng của đêm tối thế gian. Cái đêm tối ấy chính là mầm mống của tội, là cái đã làm cho con người mất đi sự tự do của tư cách con cái Thiên Chúa. Nó vây hãm con người, kiềm chặt con người, biến con người thành nạn nhân cho nó. Và chỉ trong vài tiếng đồng hồ trên hành trình thương khó của mình, Giêsu đã nếm trãi đầy đủ những vị đắng cay chua chát của cái bóng đêm chết chóc này.
Giêsu đã nếm được nỗi cay đắng của sự phản bội, mà đau đớn hơn cả là khi sự phản bội ấy đến từ những người Ngài yêu thương và đặt nhiều kỳ vọng nhất. Không gì làm người ta đau đớn cho bằng bị phản bội, vì nó hệt như một vết dao cứa vào tim. Nỗi đau đó sẽ càng lớn hơn nữa khi người phản bội mình lại là người bấy lâu nay mình rất tin tưởng, là người mình dành cho nhiều tâm huyết, người đã chung chia với mình bao nỗi buồn vui. Đã từng có hàng ngàn con người vây quanh Giêsu khi Người giảng những bài giảng hay, làm những phép lạ diệu kỳ. Các môn đệ đã từng thề sống thề chết với Giêsu, hãnh diện vì mình được sống kề cận với Người. Nhưng trong giờ phút nguy tử, chẳng một bóng dáng nào dám ở lại với Người vì sợ bị liên luỵ… Kiểu sống bạc tình bạc nghĩa vẫn còn tồn tại trong xã hội con người. Người ta chỉ nhìn đến nhau vì lợi ích cho bản thân, chữ “tình” dường như trở nên quá xa lạ. Sống với nhau mà cứ phải đề phòng. Con người dần mất đi lòng tin, vì cho rằng liệu “niềm tin” có còn đáng quý? Người ta cười nói, xưng anh-em với nhau đó, nhưng có thể phản bội nhau bất cứ lúc nào, có thể bán rẻ nhau bằng một nụ hôn tình cảm. Đây quả là một thảm cảnh!
Hành trình thương khó của Giêsu cũng gồm tóm hàng loạt những âm mưu, toan tính… xuất phát từ nỗi lo sợ về chỗ đứng, thế giá. Giêsu trở thành nạn nhân cho một cuộc đua tranh quyền lực. Một cuộc bắt giữ, xét xử và kết án vội vàng, lén lút. Những lời chứng gian. Có một thế lực ngầm nào đó, vì lo sợ cơ đồ chính trị bị đe doạ, nên đã không ngần ngại bày ra đủ thứ kế hoạch đen tối nhằm thôn tính và diệt trừ kẻ có thể làm sụp đổ sự nghiệp của mình. Họ buôn bán thoả thuận với nhau, mua chuộc nhau, thông đồng, cấu kết với nhau, không từ bỏ một gian kế nào. Họ không mệt mỏi trong chuyện bàn tính chiến lượt để hãm hại người khác, lại còn mượn tay nhau để thanh trừ kẻ địch. Lòng dạ con người, đã đen tối rồi thì không biết còn thâm hiểm đến bao nhiêu!
Giêsu cũng hứng chịu cả những nỗi đau về thể xác. Từng nhát roi người ta đánh vào thân xác Ngài là từng tiếng kêu la rên xiết của biết bao phận người bất hạnh trên thế giới qua mọi thời. Sự tàn độc của con người được thể hiện cách rõ ràng hơn cả khi họ cố gắng làm cho người khác phải nứt nẻ thân mình. Những màn tra tấn man rợ. Những cuộc giết chóc. Những cuộc chiến tranh. Cảnh đầu rơi máu chảy… Nỗi đau của thảm cảnh này dường như được tái hiện nơi thân xác chi chít vết thương đang rỉ máu của Chúa. Trong khi Thiên Chúa dựng nên thân xác con người để con người có thể thờ phượng Thiên Chúa nơi thân xác ấy, thì con người lại xem nó như phương tiện để giải toả cho khát vọng vũ lực và xu hướng gây hấn của mình.
Cơn đau thể xác vốn dĩ không dễ dàng chịu đựng, nỗi đau về tinh thần với những lời khinh khi nhục mạ, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của Người càng làm cho ta cảm thấy được cái gian tâm và tàn nhẫn của lòng người. Người ta luôn cố gắng bảo vệ cái danh, vì danh làm cho người ta nên cao quý. Bao chiến sĩ quyết không khuất phục trước những tra hình đau đớn, sẵn sàng chịu chết để bảo toàn danh dự của mình, của dòng họ hay đất nước, đủ để thấy cái danh quan trọng và giá trị thế nào. Vậy mà trong cuộc thương khó của Giêsu, người ta không ngừng chà đạp danh dự của Ngài bằng những lời mắng nhiếc và thách thức. Không một sự xúc phạm nào mà Ngài chẳng nghe… Con người vẫn luôn thích xúc phạm đến nhau như thế. Họ thích xem người khác là trò chơi, là đồ buôn bán. Họ trục lợi người khác hay chửi bới người khác cho hả giận mà không cần biết đến tâm tư của người ta ra sao.
Có nhiều khi tôi tự hỏi: tại sao Chúa lại chọn con đường này để đi? Rồi tôi bất chợt nghĩ rằng (không biết có đúng không): vì nếu không đi con đường này, Giêsu làm sao hiểu được tâm trạng của những người đang sống trong đó; nếu từ chối con đường này, Giêsu đâu có nhập thể cách trọn vẹn vào trong kiếp sống con người. Giêsu phải đi con đường này, nếm trải hết tất cả mùi vị của nó để Ngài có thể thần hoá nó, chiếu rọi vào trong sự tối tăm ấy ánh sáng cứu độ của Ngài. Giêsu cứu người chết đuối không phải bằng cách đứng trên bờ và quăng xuống cái phao. Ngài cứu bằng cách tự mình nhảy xuống con sông hung dữ chảy xiết để đưa người khác vào bờ cách an toàn. Giêsu đã cứu nhân loại theo cách thức ấy: Người không đứng trên cao để cứu, nhưng đã đi vào trong vòng đen tối tục luỵ của con người để từ tâm điểm của sự dữ ấy, Ngài làm bừng dậy sức sống mới huy hoàng, chỉ lối cho người ta tự mình bước ra khỏi vũng lầy nhơ nhớt ấy, theo chân Ngài đi.
Giêsu phải chịu hết tất cả những mặt tối của cuộc đời như thể muốn nói với tôi: nếu có ngày nào đó tôi bị bóng tối này vây bủa, hãy cứ xác tín rằng Ngài hiểu, đồng cảm và vẫn luôn đồng hành với tôi. Đặc biệt, Ngài mời gọi tôi vững bước vì “Thầy đã thắng thế gian”. Nhìn lại hành trình thương khó Ngài đã đi, tôi nghiệm thấy điều đó…
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn