Nhìn về một kiểu đa dạng khác cho Giáo hội hiệp hành và thần học ngày nay.
Có thể nói rằng, trong 11 năm qua, Hoa Kỳ là tâm điểm của việc chống đối có tổ chức nhắm đến Đức Thánh Cha Phanxicô. Có một kiểu đối lập mang tính thể chế đang tìm cách duy trì hiện trạng của tổ chức, là kiểu đối lập về mặt thần học chống lại “tính hiệp hành” – giai đoạn gần đây nhất trong việc tiếp nhận Công đồng Vatican II (1962-65), và có một kiểu đối lập chính trị cho thấy rõ nỗ lực của Giáo hoàng nhằm tách đạo Công giáo ra khỏi các dạng khác nhau của thế giới quan coi “Nước Mỹ là trên hết”.
Nhưng Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn với bức tranh sống động về tôn giáo và thiêng liêng. Mọi thứ ở đây đều có xu hướng được hiểu theo sự phân chia “hai đảng” và gần như siêu hình – “phe tự do và phe bảo thủ”. Khi bị chia rẽ bởi hai quan điểm trái ngược về ý nghĩa của việc trở thành “người Mỹ”, quốc gia này đang trải qua một cuộc khủng hoảng về căn tính. Đây là một hiện tượng văn hóa mà Giáo hội Công giáo và Vatican cần phải nghiêm túc xem xét.
Tìm cách thỏa mãn sự đói khát thiêng liêng
Tara Isabella Burton, một người chuyên viết tiểu luận có bằng Tiến sĩ thần học tại Đại học Oxford đã xuất bản một bài báo rất thú vị trên tờ The New Atlantis vào năm ngoái. Trong đó, cô bàn về sự nổi lên của một “kiểu ứng xử trực tuyến tự do, được biết đến là những người theo chủ nghĩa hậu duy lý”. Tác phẩm có tựa đề “Phép mầu lý trí. Tại sao văn hóa Thung lũng Silicon từng nặng về lý trí giờ lại đang trở nên phi lý trí”. Bài luận xem xét kiểu ứng xử trực tuyến mới đã xuất hiện trong thập kỷ qua ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ trực tuyến đến phương tiện truyền thông xã hội và thế giới ảo, nơi quy tụ của nhiều nhân vật người Mỹ và người Mỹ gốc Anh có tầm ảnh hưởng nhưng đang đói khát thiêng liêng.
Thung lũng Silicon chính là một trong những nơi quan trọng nhất giúp chúng ta hiểu điều gì đang diễn ra trên màn hình, trước mắt và trong bộ não của mình. Những người sống, làm việc hoặc có liên quan đến nơi đây có sức ảnh to lớn đến văn hóa của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Burton cho rằng một nhóm tinh hoa mới đã xuất hiện và kết luận rằng “văn hoá đề cao lý trí, tập trung vào việc cải thiện tình trạng con người thông qua các mục tiêu siêu thực dụng” đã “phải đánh đổi việc coi trọng các yếu tố ít định lượng được của một cuộc sống đáng sống”
Cô ấy chỉ ra rằng điều đó đã trở nên rõ ràng trong thập kỷ qua. Burton viết: “Vào cuối những năm 2010, bối cảnh của chủ nghĩa duy lý đã bắt đầu thay đổi, ngày càng cởi mở hơn để việc nghiên cứu, nếu không nhất thiết là những tuyên bố về chân lý thiêng liêng, tôn giáo và nghi lễ, thì ít ra là một số ảnh hưởng có lợi của chúng”.
Bài luận của cô ấy không đề cập trực tiếp đến Công giáo, ngoại trừ đoạn trích đáng lo ngại này: Đang có sự trỗi dậy của cái mà bạn có thể gọi là chủ nghĩa Tân-Phân tâm học đại chúng: những nhân vật như Jordan Peterson, người nhấn mạnh về sức mạnh của thần thoại, nghi lễ và mối liên hệ với thần thánh như là một phương tiện chống lại sự thờ ơ thời hậu hiện đại – thường liên minh một cách miễn cưỡng với những Kitô hữu duy truyền thống. (Mối liên hệ trí thức chặt chẽ giữa Peterson với Giám mục Công giáo La Mã Robert Barron có thể được viết bằng một bài báo hoàn chỉnh).
Trên Tiktok, bạn có thể tìm thấy một dạng mã hoá nhanh trong đó tên phù thủy, nhà hoạt động và bậc thông thái có thể thanh lọc và “thể hiện” việc cùng tồn tại trong một tổ hợp nhiều sắc thái. Phong trào chính trị cực hữu (New Right) là phiên bản theo chủ nghĩa phát xít công khai, nơi những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc máu-và-đất (chủ nghĩa dân tộc cực đoan), những người theo mẫu thể hình cổ xưa, những người theo truyền thống đọc Julius Evola như Steve Bannon và những người làm podcast theo thuyết ly khai Giáo hội Công giáo tìm thấy tiếng nói chung trong việc ủng hộ sự hồi sinh của các giá trị đạo đức từ một quá khứ huyền bí và nam tính, tất cả nhằm mục đích thổi sức sống vào thế giới hiện đại cứng nhắc.
Văn hóa trực tuyến đang phản ánh giai đoạn vỡ mộng về niềm tin mù quáng vào công nghệ và về những lời hứa hẹn từ những kẻ thống trị mới của vũ trụ kể từ khi công nghệ máy tính và internet thay đổi cuộc sống của chúng ta. Đây là cách Burton mô tả nó: Sự lạc quan mang tính tự do một cách rõ ràng của nền văn hóa duy lý đã định hình phần lớn tư tưởng Thung lũng Silicon, rằng những người thông minh sử dụng các công cụ tri thức đúng đắn có thể suy nghĩ tốt hơn và cứu thế giới bằng cách đó. Sự lạc quan ấy đang nhường chỗ cho một kiểu chủ nghĩa mạt thế công nghệ, nhưng không hẳn là bi quan. Chúng ta đã chạm đến giới hạn cả về chính trị, văn hóa và xã hội của quá trình tiến hóa văn minh; cái gì đó mới hơn, kỳ lạ hơn, thậm chí có thể thú vị hơn một chút, phải có chỗ đứng của nó. Một phần những gì chúng ta đã mất, chẳng hạn như cảm thức ngạc nhiên hay tính siêu việt, cần phải được khôi phục lại.
Sự vỡ mộng đặc biệt với nền kỹ trị và chủ nghĩa duy lý, cũng như sự cởi mở của nó đối với cái siêu việt không phải là sự quay trở lại với Kitô giáo bảo thủ. Burton nói rằng đó cũng là sự từ chối chủ nghĩa thế tục ngây thơ, vốn có “không ít giáo điều chưa được kiểm chứng, pha trộn sự thiếu nghiêm túc về mặt đạo đức và trí tuệ”.
Thông điệp cốt lõi của Công đồng Vatican II là không thương lượng
Điều Tara Isabella Burton viết ở đây cực kỳ quan trọng, không chỉ đối với Hoa Kỳ và giáo dân tại đây, mà còn đối với Giáo hoàng Phanxicô và Giáo triều Rôma. Điều này đặc biệt đúng khi giải quyết các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như văn hóa của thế hệ linh mục và chủng sinh trẻ hiện tại, phong trào “cải cách phụng vụ cải cách” và cái gọi là “Thánh lễ Latinh Truyền Thống”. Chắc chắn là những nhóm chống lại Công đồng Vatican II một cách không khoan nhượng, đi kèm với chủ nghĩa giáo phái và khuynh hướng Ngộ giáo tân thời có thể được tìm thấy trong phe cánh hữu Công giáo theo chủ nghĩa công nghệ tận thế. Như tôi đã viết vào đầu năm 2010, vấn đề đang được bàn cãi là các vấn đề về giáo hội học mà giáo lý của Giáo hội phải kiên định.
Không thể có bất kỳ thương lượng nào khi đề cập đến thông điệp cốt lõi của Công đồng Vatican II. Tuy nhiên, phong trào duy trì “Thánh lễ Latinh Truyền Thống” ở Hoa Kỳ được cho là sự bác bỏ Công đồng Vatican II. Nó cũng được liên kết với chủ nghĩa tự do, một thái độ văn hóa chính yếu hiện nay trên nước Mỹ, kể cả nước Mỹ có niềm tin tôn giáo. Trên thực tế, những người ủng hộ Thánh lễ Truyền thống (Thánh Lễ Tridentine) coi Vatican II và Giáo hoàng hiện tại là một phần của quyền lực kỹ trị đang đàn áp hành trình tìm kiếm tín ngưỡng chân thành của họ. Thái độ này có vẻ tương đồng với thái độ đã định hình chủ nghĩa truyền thống của Marcel Lefebvre, nhưng nó không hoàn toàn giống nhau. Đây là lý do tại sao nó là một phong trào sẽ tiếp tục hoạt động ngầm, đồng thời được tổ chức trong những căn phòng gần nơi những người cầm quyền ở Hoa Kỳ.
Một kiểu “kỳ lạ hợp lý” có thể chấp nhận được
Tuy nhiên, cũng có sự đói khát kiểu hậu lý trí đối với những điều kỳ lạ, nó không giống với cảm giác hoài niệm về “mùi hương và những chiếc chuông” từ quá khứ được lý tưởng hóa quá mức mà hầu hết những người đương thời của chúng ta chưa từng biết. Đây là điều Giáo hội theo thể chế đang vật lộn để phân biệt và phân định. Một mặt là “hình thức phát xít công khai”, được thúc đẩy bởi những kẻ kích động như Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò và nhà cải đạo Công giáo theo truyền thống Taylor Marshall. Mặt khác là những người chấp nhận một “sự kỳ lạ hợp lý”. Điều này cần có chỗ đứng trong Giáo hội hiệp hành rộng lớn hơn. Sự vỡ mộng hậu lý trí với đời sống hiện đại thế tục và sự tái mê hoặc với những điều siêu việt giống như sự say mê theo kiểu Werner Herzog đối với những điều hoang dã, kỳ lạ, huyền bí và nguyên thủy. Nó ít liên quan đến quan điểm dị giáo về Kitô giáo theo Hồng y Gerhard Mueller.
Nó cũng rất khác biệt với chủ nghĩa lạc quan công nghệ của một số nhà thần học Công giáo theo chủ nghĩa siêu nhân văn hậu giáo hội (post-ecclesial). Họ không chỉ có ở Hoa Kỳ. Nếu bạn muốn hiểu thành công của xu hướng hậu lý trí, chỉ cần nhìn vào thành công của nhà xuất bản Adelphi Edizioni của Ý và các tựa sách về tôn giáo của họ (một trong số đó là tuyển tập các bài luận huyền bí của cố tác giả Cristina Campo, gần đây đã được dịch sang tiếng Anh).
Chắc chắn thần học Công giáo cũng đang vật lộn với nền văn hóa mới này, thậm chí có thể còn nhiều hơn cả Giáo hội thiết chế. Ngôn ngữ của thần học hàn lâm bị chi phối sâu sắc (nếu không muốn nói là thống trị) bởi các khoa học xã hội và cách tiếp cận nghiên cứu tôn giáo. Kiến thức về triết học và lịch sử còn hạn chế. Do đó, thật khó để nắm bắt những bản năng lành mạnh và thậm chí là những cảm nhận về thần học vô thức một cách sâu sắc đến từ những tiếng nói có vẻ như bên lề nhưng đầy ảnh hưởng này.
Một Giáo Hội rộng lượng hơn và ít phân cực hơn
Những thái độ mà biểu đồ chủ nghĩa hậu duy lý, một chủ nghĩa hiện thực pha trộn với tham chiếu đến siêu việt, tính đến kinh nghiệm và thừa nhận (theo ngôn ngữ của Thomas Aquinas), cho thấy rằng ân sủng giúp hoàn thiện tự nhiên. Đây là một sự phê bình hữu ích và nghiêm túc đối với việc khách thể hóa toàn bộ trải nghiệm hàng ngày. Nó cũng hội tụ không chỉ với lời phê bình mạnh mẽ của Giáo hoàng Phanxicô về mô hình kỹ trị, mà còn với thần học Công đồng Vatican II theo hai hướng chủ đạo “Cập nhật” và “Trở về nguồn”, và đặc biệt là trong sự tương tác của chúng với thuyết lý phê bình. Sự thật là, đối với những người không biết đến những khía cạnh khác nhau về sức sống của truyền thống Công giáo, những người theo chủ nghĩa hậu duy lý kỳ lạ và huyền bí này trông giống như những ứng cử viên tự nhiên để được coi là những người theo chủ nghĩa truyền thống – khác biệt và đối lập với người theo một ý tưởng năng động, nhưng bắt nguồn từ Khai sáng về truyền thống. Nhưng đó sẽ là một câu trả lời đơn giản.
Việc thừa nhận giá trị của một số điểm trong nền văn hóa đương đại “kì bí” này kéo theo một số chuyển đổi trong cách chúng ta nhìn vào những tiếng nói phi chính thống từ những người Công giáo chẳng hạn như một số chủng sinh và các linh mục trẻ. Nhưng giới hàn lâm thần học Công giáo không phải lúc nào cũng cởi mở trong việc đưa ra tiếng nói hoặc lắng nghe những người bày tỏ “sự đa dạng” như vậy. Giáo hội cần mở rộng hơn trong nền văn hóa thần học, cách sống đạo và đời sống phụng vụ. Sự mở rộng này là không được, hay trong thuật ngữ học thuật thường được nói là “kém Công giáo hơn”. Nhưng ngược lại, nó sẽ mang tính Công giáo nhiều hơn.
Trong Công giáo, niềm đam mê với những điều kỳ lạ và huyền bí chưa bao giờ và sẽ không bao giờ phù hợp với tất cả mọi người. Nhưng việc thừa nhận rằng Giáo hội cũng có chỗ cho những người Công giáo có xu hướng đam mê những điều đó có lẽ là bước đầu tiên và cần thiết nhất để giải quyết tình trạng phân cực trong Giáo hội.
Tác giả: Massimo Faggioli
Người dịch: Mai Ni
Nguồn: La Croix
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn