ĐÔI DÒNG SUY NGHĨ KHI ĐỌC BÀI “Giáo phận Phan Thiết điểm lại hành trình ‘cùng nhau cất bước’ trong Năm thánh…”

Thứ ba - 20/08/2024 01:04
ĐÔI DÒNG SUY NGHĨ KHI ĐỌC BÀI
“Giáo phận Phan Thiết điểm lại hành trình ‘cùng nhau cất bước’
trong Năm thánh…”
 

Là người giáo dân Giáo phận Phan Thiết, tôi rất vui và tự hào khi đọc bài “Giáo phận Phan Thiết điểm lại hành trình ‘cùng nhau cất bước” trong Năm thánh và những hoa trái của việc đối thoại trong Thánh Thần” trên trang web của Giáo phận Phan Thiết đăng ngày 19/8/2024. Quả thật đây là một năm hồng ân của cả Giáo phận với những hoa trái, những nỗ lực không ngừng nghỉ của mọi thành phần dân Chúa, dưới sự dẫn dắt của vị cha chung Giáo phận, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, trong gần 2/3 thời gian của Năm thánh. Ngoài ra, tôi cũng nhận thấy một tia hy vọng đang lóe lên nơi một Giáo xứ kỳ cựu, giàu truyền thống đạo đức và có số giáo dân nhất nhì của Giáo phận Phan Thiết là Giáo xứ Thanh Hải được nhắc đến trong bài viết: “Được biết, theo chương trình chung của Giáo phận, Giáo xứ Thanh Hải sẽ tổ chức Thánh lễ và nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Mục vụ Giáo lý vào ngày 8/12/2024. Thanh Hải là Giáo xứ lớn thứ hai của Giáo phận với 7.616 giáo dân nhưng chưa có Nhà Giáo lý và Nhà mục vụ để đáp ứng nhu cầu mục vụ và trau dồi đời sống đức tin của mọi thành phần dân Chúa trong Giáo xứ.”

Đâu là lý do vị Cha chung Giáo phận muốn xây dựng Nhà Mục vụ Giáo lý tại Giáo xứ Thanh Hải ?
Chính Giáo luật điều 375 đã minh định:
§1. Do sự thiết lập của Thiên Chúa, các Giám mục kế vị các Tông đồ nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng đã được ban cho các ngài; các ngài được đặt làm Chủ chăn trong Giáo hội để làm những thầy dạy học thuyết, tư tế phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo.
§2. Do chính việc tấn phong Giám mục, ngoài nhiệm vụ thánh hóa, các Giám mục còn nhận lãnh các nhiệm vụ giảng dạy và lãnh đạo …
Với trách nhiệm của một Giám mục Giáo phận thực thi sứ vụ thánh hóa, rao giảng và lãnh đạo; Đức cha Giuse thao thức về một ngôi nhà Mục vụ Giáo lý tại Giáo xứ Thanh Hải để đáp ứng nhu cầu sống đạo của một giáo xứ gần 8000 giáo dân. Từ 1975 đến nay, Giáo xứ Thanh Hải chưa có Nhà Mục vụ Giáo lý để đào tạo thiếu nhi và đáp ứng các sinh hoạt của Giáo xứ như các giáo xứ khác trong Giáo phận. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho giáo dân Thanh Hải trong hành trình sống đức tin. Mặt khác, trong Năm thánh Giáo phận, Đức cha Giuse cùng với các Cha xứ quyết tâm thực hiện điều mà Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Hiệp Hành (khởi sự từ tháng 10/2021), đó là việc “đào tạo đức tin” cho dân Chúa.
Tìm hiểu về Giáo luật, tôi cũng nhận ra:
  1. “Giám mục Giáo phận có mọi quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp trong Giáo phận được ủy thác cho ngài, để thi hành nhiệm vụ mục vụ.” (Giáo luật 381)
  2.  “Giám mục Giáo phận đại diện cho Giáo phận trong mọi công việc pháp lý của Giáo phận.” (Giáo luật 393)
  3. Giám mục giáo phận là người lãnh đạo giáo phận và đứng tên chủ quyền mọi tài sản của giáo phận. Do đó, ngài có toàn quyền tổ chức, trách nhiệm kiểm tra, can thiệp và điều phối mọi hoạt động quản trị tài sản trong giáo phận (Giáo Luật, các điều 1276,2; 392,2; 396,2; 1283,2; 1267; 1277).
  4. Giám mục ủy quyền cho linh mục chánh xứ là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với giáo phận, để quản trị tài sản giáo xứ, theo các quy định của Hội thánh và giáo phận, như một người cha tốt lành và cần mẫn (Giáo Luật, các điều 532; 1276; 1284). 

Ước mong trong Năm thánh Kim khánh Giáo phận, Giáo xứ Thanh Hải bắt đầu có những bước phát triển trong thánh ý Thiên Chúa, cách riêng qua việc chuẩn bị xây dựng Nhà Mục vụ Giáo lý mới, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria bổn mạng Giáo phận và cũng là bổn mạng Giáo xứ Thánh Hải.
 
Nam Phong – TTGP.PT

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây