Tâm tình muc tử tháng 12, 2015 Đăng lúc: Thứ sáu - 27/11/2015 23:37 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ sáu - 02/08/2019 21:49
Trong niềm hân hoan cảm nhận lòng Chúa thương xót qua mầu nhiệm Nhập Thể, kính chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh an lành thánh đức, một Năm mới 2016 an khang hạnh phúc.
TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 12, 2015

Anh chị em thân mến,
Bằng tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo lòng thương xót) ngày 11/4/2015, Đức thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Năm Thánh Lòng Thương Xót, kéo dài từ ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12/2015 đến ngày lễ Chúa Kitô Vua 20/11/2016. Năm thánh ngoại thường này là thời gian đặc biệt tín hữu chiêm ngưỡng mầu nhiệm lòng thương xót của Chúa như được thể hiện sống động và hữu hình nơi Đức Kitô, để đón nhận và làm chứng cho lòng thương xót ấy trong cuộc sống hằng ngày. Hưởng ứng lời kêu gọi của vị Cha Chung, chúng ta hãy tích cực sống Năm Thánh này qua ba nhịp tâm tình, mong nhận lấy những ơn ích phong phú của lòng Chúa xót thương.

1. Chiêm ngưỡng
Nhìn vào Huy hiệu diễn tả Đấng Cứu Thế với dấu đinh tay chân vác tội nhân trên vai và tập trung vào con mắt “đồng hình đồng dạng” ở giữa, ta có thể cảm nhận được tình thương tột bậc của Thiên Chúa, và chính lúc ấy Khẩu hiệu “Thương xót như Chúa Cha” vang lên như lời thúc giục mô phỏng thực hành. Quả vậy, nơi Chúa Cha, sự thương xót nhân hậu từ bi lân mẫn không phải là những nét trừu tượng, mà là thuộc tính của tấm lòng, được khẳng định suốt chiều dài lịch sử cứu độ qua việc tha thứ không ngơi nghỉ, và được bộc lộ đến đỉnh điểm qua công cuộc Nhập Thể và Cứu Chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô chính là hình ảnh của Chúa Cha vô hình, nên ở đây, Người đích thực là Dung mạo của Lòng Thương Xót. Việc nhập thể của Người không là gì khác hơn tình yêu Chúa Cha trao ban: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình” (Ga 3,16). Những lời Người nói, những việc Người làm cho những kẻ tìm gặp, dầu là bệnh nhân được chữa lành hay tội nhân được tha thứ, đều toát lên một tấm lòng gọi đúng tên là lòng thương xót. Và khi hiến thân chịu chết trong công cuộc Cứu Chuộc, Người đã để lại một hình ảnh thương xót đến tột cùng là: chết vì tội lỗi nhân loại; chết thay cho loài người lẽ ra phải chết; và chết để mọi người được sống. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám chết cho bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Theo nguyên ngữ latinh, chữ misericordia (lòng thương xót) gói ghém trong mình 2 chữ: miseria (nỗi khốn cùng) và chữ cor (tấm lòng), muốn nói lên “tấm lòng của một người biết cúi xuống nỗi khốn cùng của người khác”, kèm theo một sứ điệp: “ai càng thấm thía về nỗi khốn cùng của mình, càng có cơ hội hiểu ra sự khôn cùng của lòng Chúa xót thương”. Chiêm ngưỡng lòng Chúa thương xót như vậy không phải là việc ngoại lệ, nhưng đúng ra là việc bình thường thuộc về niềm tin.

2. Đón nhận
Chiêm ngưỡng Chúa Kitô là dung mạo lòng thương xót của Chúa Cha như trên, Giáo Hội được mời gọi mở rộng lòng mình mà đón nhận dồi dào những ơn ích thiêng liêng từ tấm lòng của Chúa trong suốt hành trình đạo đức Năm Thánh. Việc giàu ý nghĩa biểu tượng nhất chính là nghi thức Mở Cửa Thánh. Tại Nhà thờ chính tòa Giáo phận Phan Thiết, vào buổi chiều Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng ngày 13/12/2015, việc Mở Cửa Thánh sẽ được diễn ra cách long trọng đúng theo nghi thức do Tòa Thánh quy định, với sự tham dự của hàng giáo sĩ, tu sĩ cũng như với sự tham gia của mọi thành phần giáo dân cũng như các hội đoàn trong Giáo phận. Đây là một nghi thức giàu ý nghĩa, không nhắm đến tính hoành tráng rộn ràng cho bằng tính biểu tượng sâu lắng. Cửa Thánh được mở ra và tín hữu hân hoan bước qua để vào nhà thờ như chính thức đón nhận và hạnh phúc sống trong bầu khí từ bi của lòng Chúa thương xót.
Nếu năm thánh bao giờ cũng được ghi dấu bằng việc sám hối canh tân hòa giải, thì điều này càng được khắc họa cách rõ rệt hơn trong năm thánh ngoại thường này, bằng việc siêng năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải, vốn được gọi tên đặc biệt là bí tích của lòng thương xót. Thực ra, xưng tội và rước lễ trong đời sống tín hữu là thể hiện tình trạng hiệp thông hoàn toàn vào sự thánh trong mầu nhiệm Các thánh cùng thông công, nhưng quan tâm hơn trong nhận thức và chuyên chăm hơn trong thực hành, mỗi người dù ở bậc sống nào, cũng cảm nhận được đều đặn và đầy đủ ơn thánh xót thương của tấm lòng Chúa. Mong rằng tòa giải tội trong các nhà thờ giáo xứ luôn có linh mục sẵn sàng hiện diện và cũng mong không kém là mọi tín hữu trong năm thánh hãy biểu lộ việc đón nhận lòng Chúa xót thương cách cụ thể qua việc xưng tội và chuyên chăm rước lễ hằng ngày.

3. Làm chứng
Chiêm ngưỡng và đón nhận là hai nhịp quan trọng của năm thánh lòng thương xót, nhưng chính khi trở thành chứng nhân cho lòng Chúa xót thương một cách tích cực qua phận vụ bậc sống và trong sinh hoạt đời sống, tín hữu mới cảm nhận được hạnh phúc tràn đầy trong trái tim nở hoa thương xót.
Bước làm chứng trước hết là thái độ canh giữ con tim của mình thật bình lặng, biết nhịp đập bằng lẽ xót thương: tiêu cực là không xét đoán ai, không lên án ai, không nói hành nói xấu ai; tích cực hơn là biết chủ động bỏ qua cho ai vô tình hay hữu ý gây hấn với mình; và đẹp hơn nữa là biết hy sinh một chút gì đó nơi bản thân để làm sáng lên lòng nhân hậu đối với người khác. “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và chỉ có xót thương” (TV 102,8). Bước làm chứng tiếp theo là hành vi biểu tỏ lòng thương xót, cách riêng thể hiện qua sự tha thứ, không chỉ là quên đi những kỷ niệm đau buồn, mà còn bộc lộ qua niềm vui đón nhận nhau trong tình yêu. Khi tôi còn là tội nhân, Chúa đã đi bước trước tha thứ cho tôi, tại sao đến phiên tôi, tôi còn lừng khừng chưa chịu thứ tha cho người làm buồn lòng tôi? Và bước làm chứng mạnh mẽ hơn vừa như hiệu quả của lòng Chúa thương xót, vừa vươn khỏi đời sống thuần túy thiêng liêng để mang lấy tầm vóc rộng lớn của sứ mạng truyền giáo, là thực hành, thường xuyên lấy bác ái bổ sung cho công bình, lấy tình thương làm thước đo đời tín hữu, lấy nhân hậu làm tiêu chuẩn cư xử với nhau và lấy lẽ xót thương làm thực phẩm hàng ngày. Vắn tắt, biết đón nhận lòng Chúa thương xót và biết ghi dấu bằng tình xót thương đến mọi người. Trong năm thánh này, chúng ta hãy có một quyết tâm nhỏ là thường xuyên dâng lời nguyện tắt, mọi lúc mọi nơi, với cả tâm tình: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!”.

Anh chị em thân mến,
Ba nhịp tâm tình, phân tích ra thì như vậy, nhưng trong thực tế lại hòa quyện với nhau, để càng biết chiêm ngưỡng lòng Chúa thương xót, ta càng biết đón nhận dồi dào, và đi đến cùng là quyết tâm làm chứng bằng cách thực hiện tình thương xót trong cuộc đời mình. Trong niềm hân hoan cảm nhận lòng Chúa thương xót qua mầu nhiệm Nhập Thể, kính chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh an lành thánh đức, một Năm mới 2016 an khang hạnh phúc.

+ Giuse Vũ Duy Thống
   Gm. Gp. Phan Thiết
 

Nguồn tin: gpphanthiet.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây