Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh

Thứ hai - 06/01/2020 08:44

Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh

 Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ & Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
 Ngày 07/01/2020

Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh

BÀI ĐỌC I: 1 Ga 4, 7-10

“Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 3-4ab. 7-8

Đáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực. - Đáp.

2) Ước gì núi non đem hòa bình cho dân, và đồi nổng đem lại sự công chính. Người sẽ bênh vực kẻ khiêm tốn trong dân, sẽ cứu thoát con cái người nghèo khó. - Đáp.

3) Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất. - Đáp.

Tin Mừng: Mc 6,34-44

Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. (1 Ga 4, 7b)

34 Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. 35 Và khi giờ đã muộn, các môn đệ đến thưa Người rằng: “Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, 36 xin Thầy giải tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn”. 37 Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Họ thưa Người: “Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn”. 38 Người nói với họ: “Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem”. Khi biết được rồi, họ thưa: “Có năm cái bánh và hai con cá”. 39 Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. 40 Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. 41 Người cầm năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. 42 Và tất cả đều ăn no. 43 Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy. 44 Mà số người ăn là năm ngàn người.

Suy niệm 1 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một chiều đông lạnh lẽo, triết gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha xứ mới của giáo xứ bước vào.

Sau mấy câu xã giao, cha xứ hỏi: “Theo ngài, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất ?”.

Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay: “Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lý thuyết” (Góp nhặt).

Suy niệm

Xa xưa dân Israel đi trong sa mạc trên đường về đất hứa, họ đói, và Chúa đã cho Manna từ trời xuống nuôi dưỡng…

Giờ đây dân chúng - những người theo Chúa trong sa mạc, họ nghe và được nuôi dưỡng bởi phép lạ hóa bánh nhiều, gợi lên hình ảnh cuộc đời của mỗi người trong chúng ta, luôn là một cuộc lữ hành xuyên suốt những điều kiện trong cuộc sống, vui có nhưng buồn không thiếu, hạnh phúc hiện diện không mãi mãi, những đau khổ có mặt không ít trong cuộc đời.

Tất cả có thể là gánh nặng nên tâm tư không thoát khỏi sự trì trệ do khổ đau và thiếu hy vọng. Nhưng tất cả có thể là hồng ân trong đời sống hằng ngày, làm nên phép lạ, đó là sự đóng góp tận lực của con người. Tất cả như được phác họa bằng hình ảnh từ năm chiếc bánh và hai con cá mà Chúa Giêsu dùng để làm phép lạ. Chính vì mang nhiều ý nghĩa, nên phép lạ hóa bánh ra nhiều có giá trị đặc biệt, cho nên đó là phép lạ duy nhất được cả bốn Tin Mừng cùng thuật lại (x. Mt 14,13-21; Mc 6,30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-15).

Người ta đi theo Chúa để lắng nghe lời Ngài, không có gì, chỉ có tấm lòng tín thác cậy trông, sự cố gắng chân chất của chính họ, chỉ biết đóng góp những gì họ có, dù vẫn biết rằng con người là yếu đuối, bất toàn, nhưng họ vẫn làm một bước tiến can đảm nói với Chúa, tín thác vào Chúa.

Hai sự việc: Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều, và Manna xa xưa được ban trong hành trình sa mạc về đất hứa, ẩn ý liên quan đến ân sủng dư đầy nói lên sự quan tâm của Thiên Chúa hướng về dân Ngài, nhiều đến nỗi “ăn xong hãy còn dư như lời Chúa phán”. Manna cũng ban dư đầy. Phép lạ bánh hoá nhiều mà Chúa Giêsu làm từ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người còn dư mười hai thúng bánh. Bánh ăn vẫn còn dư nói lên lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa, Đấng ban phát của ăn cho mọi người. Như là dấu hiệu báo trước về Thánh Thể: của ăn nuôi dưỡng dư tràn đầy ân sủng.

Xin cho chúng ta luôn tín thác tìm kiếm Chúa, Ngài sẽ luôn chạnh lòng thương và rộng rãi thi ân…

Ý lực sống

“Chúa mở rộng bàn tay ra,
và thi ân cho chúng con được no nê” (Tv 144,16).

 

Suy niệm 2 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Phúc Âm thánh Marcô trình bày tiếp hoạt động cứu rỗi của Chúa Giêsu. Những hoạt động của Chúa Giêsu đã thu hút dân chúng đi theo Ngài rất đông. Họ say mê Ngài đến nỗi quên ăn quên uống.

- Trông thấy họ, “Chúa động lòng thương xót” (x. Mc 6,34). Ngài động lòng vì thấy họ thiếu thốn: thiếu vật chất và nhất là thiếu tinh thần.

- Do động lòng thương xót dân chúng, Chúa Giêsu muốn làm một việc gì đó để giúp họ. Việc đầu tiên Ngài làm là... “Ngài bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều” (x. Mc 6,34): theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, sự đói khát tinh thần cấp bách hơn sự đói khát của ăn, cho nên việc đầu tiên Ngài làm là giảng dạy họ.

- Tiếp đó Ngài mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn. Mà phép lạ này cũng là hình bóng tiên báo Bí Tích Thánh Thể và sự phục vụ của Giáo Hội.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. ”Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ” (x. Mc 6,34): phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là yêu thương. Khi thấy những kẻ Ngài yêu thương “như chiên không người chăn giữ” thì Ngài thương đến nỗi “động lòng”. Con người của Chúa Giêsu thật tuyệt vời, tấm lòng của Ngài cũng thật tuyệt vời. Xin cho con cũng được giống Chúa.

2. Khi động lòng thương xót dân chúng, việc đầu tiên Chúa làm là “giảng dạy họ nhiều điều” (x. Mc 6,34). Được biết Chúa là điều quan trọng nhất và là nguồn mọi hạnh phúc.

3. Một chiều đông lạnh lẽo, triết gia Thomas Carlyle đang ngồi trước lò sưởi trong phòng khách. Cửa mở, cha xứ mới của giáo xứ bước vào. Sau mấy câu xã giao, cha xứ hỏi: “Theo ngài, lúc này giáo xứ mình cần cái gì nhất?” Không chút ngập ngừng, triết gia đáp ngay: “Cái mà giáo xứ cần nhất lúc này, đó là người ta nhận biết một Thiên Chúa không phải chỉ trong lí thuyết.” (Góp nhặt).

4. ”Chúa Giêsu chính là ân huệ bằng xương bằng thịt mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).

5. ”Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người chăn giữ” (x. Mc 6,34)

Bởi động lòng thương xót nên Ngài đã hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá. Ngài không chỉ quan tâm đến cái đói thể xác nhưng còn muốn ban phát tình thương, của ăn mà nhân loại đang thiếu. Thực vậy, một trong những nghịch lý của thế giới hôm nay là thiểu số người giàu chia nhau đa phần tài nguyên thế giới, là sản lượng của các nước phát triển không ngừng gia tăng; bên cạnh hàng loạt các nước thuộc thế giới thứ ba vẫn mãi nghèo đói. Nạn đói lan tràn, chiến tranh tiếp diễn, thất nghiệp gia tăng… cứ như điệp khúc của bản tin thời sự mỗi ngày. Cái thiếu thốn của thế giới hôm nay chính là tình thương, lòng nhân ái.

Bản thân tôi cũng lãnh nhận nhiều hơn là cho đi, nhưng vẫn luôn thoái thác như các tông đồ xưa: “Làm sao thỏa mãn những nhu cầu của kẻ khác, một khi sức mình có hạn?”

Xin cho con hiểu rằng chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. (Epphata)

 

Tất cả mọi người được ăn no nê – SN song ngữ ngày 7.01.2020

 

Tuesday (January 7): “They all ate and were satisfied”

Scripture: Mark 6:34-44  

34 As he went ashore he saw a great throng, and he had compassion on them, because they were like sheep without a shepherd; and he began to teach them many things. 35 And when it grew late, his disciples came to him and said, “This is a lonely place, and the hour is now late; 36 send them away, to go into the country and villages round about and buy themselves something to eat.” 37 But he answered them, “You give them something to eat.” And they said to him, “Shall we go and buy two hundred denarii worth of bread, and give it to them to eat?” 38 And he said to them, “How many loaves have you? Go and see.” And when they had found out, they said, “Five, and two fish.” 39 Then he commanded them all to sit down by companies upon the green grass. 40 So they sat down in groups, by hundreds and by fifties. 41 And taking the five loaves and the two fish he looked up to heaven, and blessed, and broke the loaves, and gave them to the disciples to set before the people; and he divided the two fish among them all. 42 And they all ate and were satisfied. 43 And they took up twelve baskets full of broken pieces and of the fish. 44 And those who ate the loaves were five thousand men.

Thứ Ba  7-1           Tất cả mọi người được ăn no nê

 

Mc 6,34-44

33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.35 Vì bấy giờ đã khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: “Ở đây hoang vắng và bây giờ đã khá muộn.36 Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn.”37 Người đáp: “Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi! ” Các ông nói với Người: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? “38 Người bảo các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem! ” Khi biết rồi, các ông thưa: “Có năm chiếc bánh và hai con cá.”39 Người ra lệnh cho các ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh.40 Họ ngồi xuống thành từng đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi.41 Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.42 Ai nấy đều ăn và được no nê.43 Người ta thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư.44 Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông.

Meditation: 

Nothing can satisfy the deepest longing and desire of the heart – except God alone. Do you believe that is true? Of all the miracles Jesus did, the multiplication of loaves and fishes is the only one which is repeated in all four Gospels. A great crowd of people had gathered to hear Jesus because they were hungry for God’s word. Jesus’ disciples had wanted to send the crowd away at the end of the day because they did not have the resources to feed them. They even complained how much money it would take to feed such a large crowd – at least six month’s wages!

Jesus satisfies our hunger – both physically and spiritually

Jesus did the unthinkable. He took the little food they had – only five loaves and two fish – and giving thanks to his Father in heaven, he blessed and distributed this meager portion to the vast crowd. To the amazement of all, there was more than enough food for everyone present. And they ate until there were satisfied of their hunger. The twelve disciples took up what was left over – twelve baskets full of fish and loaves – so that nothing would be wasted.

Jesus is the true bread of heaven – which produces abundant life

What is the significance of this miracle? The miraculous feeding of such a great multitude pointed to God’s provision of manna in the wilderness for the people of Israel under Moses’ leadership. This food foreshadowed the true heavenly bread which Jesus would offer his followers. Jesus makes a claim only God can make: He is the true bread of heaven that can satisfy the deepest hunger we experience.

The feeding of the five thousand shows the remarkable generosity of God and his great kindness towards us. In the multiplication of the loaves and fishes we see a sign and a symbol of what God always does. When God gives – he gives abundantly. He gives more than we need for ourselves so that we may have something to share with others as well, especially those who lack what they need. God takes the little we have and multiplies it for the good of others. Do you trust in God’s provision for your life and do you freely share what you have with others, especially those who lack what they need?

 

 

“Lord Jesus Christ, you satisfy the deepest longings of our hearts and you feed us with the finest of wheat (Psalm 81:16). Fill me with gratitude for your blessings and give me a generous heart that I may freely share with others what you have given to me.”

Suy niệm:

 

Không có gì có thể làm thỏa mãn khát vọng sâu xa nhất của linh hồn – ngoại trừ Thiên Chúa. Bạn có tin đó là sự thật không? Trong tất cả các phép lạ Ðức Giêsu đã làm, phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều là phép lạ duy nhất được thuật lại trong tất cả bốn Tin mừng. Đám đông tụ tập để lắng nghe Ðức Giêsu bởi vì họ đói khát lời Thiên Chúa. Các môn đệ Ðức Giêsu muốn đuổi họ về lúc trời về chiều bởi vì các ngài không có đủ lương thực để nuôi họ. Thậm chí các ngài còn phàn nàn không biết bao nhiêu tiền mới đủ để nuôi một đám đông như thế – ít nhất 6 tháng lương!

Đức Giêsu thỏa mãn cơn đói của chúng ta – cả về thân xác lẫn linh hồn

Ðức Giêsu đã làm điều thật ấn tượng. Người nhận lấy phần ăn ít ỏi mà họ có – chỉ năm cái bánh và hai con cá – Người cảm tạ Cha trên trời, phân phát phần bé nhỏ này cho tất cả đám đông. Trước sự kinh ngạc của mọi người, số lương thực còn hơn cả mức đủ dùng cho những người hiện diện. Và họ ăn cho tới khi no nê. Mười hai môn đệ thu lượm những gì còn dư lại, 12 thúng đầy cá và bánh, để không có gì bị lãng phí.

Đức Giêsu là bánh từ trời đích thật – ban cho sự sống sung mãn

Ý nghĩa của phép lạ này là gì? Việc nuôi ăn lạ lùng một đám đông lớn như thế ám chỉ sự quan phòng của Thiên Chúa đã ban bánh manna trong hoang địa cho dân Israel dưới sự lãnh đạo của Môisen. Lương thực này là hình bóng của bánh bởi trời thật sự mà Ðức Giêsu sẽ ban cho các môn đệ. Ðức Giêsu tuyên bố một lời mà chỉ có một mình Thiên Chúa có thể: Người là bánh thật bởi trời có thể làm thỏa mãn khát vọng sâu kín nhất mà chúng ta cảm nhận được.

Việc nuôi ăn năm ngàn người cho thấy lòng quảng đại khác thường của Thiên Chúa và lòng nhân từ lớn lao của Người dành cho chúng ta. Trong sự nhân bánh và cá ra nhiều, chúng ta nhìn thấy dấu chỉ và biểu tượng của những gì Thiên Chúa luôn luôn thực hiện. Khi Người ban, Người ban cho cách dư dật. Người ban cho hơn cả những gì chúng ta cần cho mình, để chúng ta có thể có điều gì đó để chia sẻ với người khác, đặc biệt với những ai thiếu thốn các nhu cầu cần thiết. Thiên Chúa đón nhận sự ít ỏi chúng ta có và nhân nó lên vì lợi ích của người khác. Bạn có tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho bạn và bạn có quảng đại chia sẻ với người khác, đặc biệt với những người thiếu thốn không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa làm thỏa mãn mọi khát vọng sâu kín nhất của tâm hồn chúng con và nuôi dưỡng chúng con bằng lúa mì tinh hảo (Tv 81,16). Xin lấp đầy lòng con sự biết ơn về những phúc lành của Chúa và ban cho con một tấm lòng quảng đại để con có thể chia sẻ cách nhưng không với người khác cách những gì Chúa đã ban cho con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

SUY NIỆM

1. Hai trăm quan tiền!

« Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi ». Chúng ta có thể dừng lại một chút để đón nhận những gì hình ảnh « nơi hoang vắng » và « bóng đêm đang đến » cùng với cơn đói, gợi ra tâm tâm trí chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta được ăn và ánh sáng cũng trở lại. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta không còn ăn được nữa, bóng tối đến và không chịu biến đi. Lúc ấy, chúng ta còn mong chờ ai ngoài Đức Kitô là ánh sáng và là bánh ban sự sống đời đời ? Đó chính là ơn huệ « Bánh hằng sống » mà ơn huệ « bánh hằng ngày » hướng chúng ta đến ; chính vì thế, theo lời kể của thánh Gioan, Đức Giê-su đã nói về của ăn mang lại sự sống đời đời là chính Người, ngay sau khi cho đám đông ăn bánh no nê (x. Ga 6). Viễn tượng « Bánh Hằng Sống » cũng giúp chúng ta hiểu câu nói này của Đức Giê-su ở mức độ tuyệt đối : « Họ không cần phải đi đâu cả » (Mt 14, 15). Đức Ki-tô là Đấng hằng sống và là Đấng ban sự sống đang hiện diện, vì thế, trong cơn đói và trong bóng tối chết người, loài người chúng ta và từng người chúng ta « không cần phải đi đâu cả » !

Khi nghe Đức Giê-su mời gọi: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi!” các môn đệ nghĩ ngay đến tiền!

Chúng con phải đi mua tới
hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao? 
(c. 37)

Thật vậy, trước một nhu cầu lớn như thế, Chúa mời gọi các môn đệ thực hiện, nhưng lại không cho tiền ! « Tiền » ở đây có thể được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả các phương tiện và điều kiện để làm việc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người khác cách nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng sống tương quan với Chúa, và nhất là khi cộng tác với sứ mạng của Chúa, nghĩa là làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống gia đình, đời sống tu trì, việc phục vụ, việc tông đồ, mục vụ…, chúng ta không thể chỉ suy xét trên bình diện phương tiện, nhưng còn trên bình diện thần nhiệm nữa, như thánh Phaolô đã kinh nghiệm : « Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối » (2Cr 12, 8-9). Sống chiều kích thần nhiệm là kết hợp với Đức Kitô và để sức sống Phục Sinh của Ngài tỏ hiện ra nơi con người giới hạn, mỏng dòn, yếu đuối của chúng ta, và nơi những phương tiện hạn hẹp và nghèo nàn của chúng ta. Năm chiếc bánh và hai con cá diễn tả con người thật của chúng ta.

Trong hoàn cảnh và ơn gọi của mỗi người chúng ta, chúng ta hiểu như thế nào khi nghe lời này của Đức Giê-su: « Chính con, con hãy cho họ ăn đi » ? Chúng ta cảm nhận hay phản ứng ra sao ? Chúng ta nghĩ ngay đến điều gì, khi Chúa mời gọi chúng ta thực hiện điều gì đó trong hoàn cảnh hay trong ơn gọi của chúng ta ?

 2. Năm chiếc bánh và hai con cá

Đức Giê-su hỏi về những gì các môn đệ đang có, Ngài đề nghị: « đi coi xem ». Ngài muốn hành động khởi đi từ những gì chúng ta có và với những gì chúng ta là. « Đi coi xem », đòi hỏi thời gian và cả sự từ bỏ để trao lại cho Chúa tất cả những gì mình có. Và chúng ta cũng có thể hiểu « năm chiếc bánh và hai con cá » tượng trưng cho con người thật của chúng ta, những gì chúng ta có và những gì chúng ta là : thật nhỏ bé, thật giới hạn. Tuy nhiên, Đức Giê-su không chê bỏ, nhưng đón nhận với tất cả sự trân trọng, hơn nữa còn đón nhận như ơn huệ của Chúa Cha. Chúng ta hãy dừng lại để nhìn và nghe từng cử chỉ là lời nói của Đức Giê-su:

  • Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá.
  • Ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra.
  • Trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng.

Chúng ta có thể dừng lại thật lâu để chiêm ngắm từng cử chỉ của Chúa, và để những cử chỉ này đánh động, gợi mở, soi sáng ơn gọi và những băn khoăn của chúng ta. Có ba cấp độ ý nghĩa của phép lạ bánh hóa nhiều.

(1) Bánh lương thực. Bánh ăn hằng ngày đã hóa nhiều thực sự, và trong những năm thi hành sứ vụ, Đức Giêsu thực hiện hai lần (theo Tin Mừng Gioan, thì một lần). Điều này cho thấy, Đức Giêsu đến không để giải quyết nạn đói cho con người. Vì con người có khả năng lo cho nhau no đủ, nếu biết chia sẻ. Phép lạ là những « dấu chỉ » của một thực tại khác.

(2) Bánh Thánh Thể. Bánh Thánh Thể được trao ban cho chúng ta một cách quảng đại mỗi ngày trong Thánh Lễ; chúng ta chỉ cần mở tay và mở lòng ra để đón nhận. Tuy không có sự dư tràn vật chất, nhưng lại có sự « dư tràn » về ơn huệ sự sống và ngôi vị của Đức Ki-tô. Ngoài ra, cũng trong Thánh Lễ, phép lạ « Bánh Lời Chúa » hóa nhiều cũng được Chúa thực hiện cho chúng ta mỗi ngày và nhất là khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa và chia sẻ Lời Chúa.

(3) Bánh đời tôi. Với ăn huệ bánh hằng ngày, Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, chúng ta nhận ra sự sống mỗi ngày của chúng ta là ơn huệ Chúa ban và chúng ta được mời gọi dâng lại cho Chúa « tất cả » với tâm tình biết ơn và ca tụng, dâng lại tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « năm cái bánh và hai con cá », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích Thánh Thể: « năm chiếc bánh và hai con cá », là chính con người chúng ta, đã trở thành chính Chúa; tương tự như bánh là « hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ và trao ban chiếc « bánh đời tôi », đã được trao vào tay Chúa và Chúa làm cho trở thành chính Chúa, cho nhiều người.

Và kết quả là ai nấy được ăn và được ăn no nê, và dư với số lượng lớn : mười hai thùng bánh đầy, cùng với cá còn dư. « Dư Tràn » nhưng không chính là dấu vết của Thiên Chúa (mẻ cá lạ, gấp trăm, bảy mươi lần bảy, lòng nhân hậu của người cha, người gieo giống ra đi gieo giống, sáu chum nước trở thành rượu ngon, chữa bệnh gắn liền với tha tội, nước hằng sống..). Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.

Chúng ta cũng đừng quên nhìn ngắm đám đông. Từ một đám đông ô hợp, nay được chăm sóc chu đáo : ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh, nhóm một trăm, nhóm năm mươi. Từ một đám đông, họ trở thành một « dân » được Chúa nuôi dưỡng bằng Lời và bằng Bánh, bánh có sự cộng tác của con người ; nhờ đó, họ hiệp nhất với nhau. Lời và Bánh của Chúa vẫn được trao ban cho chúng ta hằng ngày và một cách dư tràn, quảng đại, để làm cho chúng ta trở nên dân của Chúa và trở nên một với nhau, như Thiên Chúa là một. Đây chính là « hành trình trở nên một » của gia đình, của nhóm, của Tu, của Hội Dòng, của Giáo Hội và của cả nhân loại.

 3. “Chúa ban bánh cho tất cả chúng sinh”

Đám đông được quy tụ và trở nên một nhờ ân huệ « lương thực ». Điều này thật lạ lùng, nhưng đó lại là điều xảy ra cho chúng ta mỗi ngày, nếu chúng ta biết nhận ra « ân huệ Thiên Chúa ban », như Đức Giê-su nói với người phụ nữ Samari (Ga 4, 10).

  • Bởi vì « Bánh » là hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người, bàn tay của anh chị em; đó là những bữa ăn hàng ngày; bằng chứng là từ bé đến bây giờ, chúng đâu có chết đói đâu! Và từ giờ đến lúc chết, chắc chắn cũng không phải chết đói.
  • Vì « Bánh » là Lời Chúa, vẫn được ban cho chúng ta cách nhưng không và quảng đại mỗi ngày.
  • Và vì « Bánh » còn là sự sống đời đời, được diễn tả nơi bánh Thánh Thể: « Ta là Bánh Hằng Sống », mà Chúa ban cho chúng ta cách bao dung, dù chúng ta ở trong tình trạng nào, chúng ta cứ ngửa tay ra, là Chúa ban. Thật vậy:

Chúa ban BÁNH cho tất cả chúng sinh,
muôn ngàn đời tình thương của Chúa.

(Tv 136, 25)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây