Niềm tin của Giáo hội sơ khai hầu hết được truyền khẩu, nhưng điều đó không ngăn cản được thánh Phêrô viết ra những bức thư.
Trong Giáo hội Công giáo, các vị Giáo hoàng khi đang tại vị thường viết những “thông điệp”. Ví dụ Giáo hoàng Phanxicô với thông điệp đầu tiên là Laudato si’, nói về việc chăm sóc công trình sáng tạo. Nhiều người đã hỏi, liệu đây có phải là truyền thống được bắt đầu bởi thánh Phêrô Tông đồ, vị Giáo hoàng tiên khởi không?
Về mặt lịch sử, thuật từ “thông điệp” đã được sử dụng để nói đến một lá thư được các giám mục gửi đi đó đây. Theo thời gian, nó ám chỉ đến một văn kiện giáo hoàng, chủ yếu tập trung vào học thuyết Công giáo.
Khi nói đến thánh Phêrô, ngài không chính thức viết ra “thông điệp” như chúng ta thường gọi ngày nay, nhưng các sử gia tin rằng ngài đã để lại một vài bức thư do ngài viết cho cộng đoàn các tín hữu sơ khai.
Thánh Justin tử đạo, trong một lá thư vào đầu thế kỷ thứ II, đã trích dẫn cuốn “hồi ký của Phêrô”, cuốn sách mà một số các sử gia kinh thánh kết nối với Phúc âm của Marcô. Chẳng hạn như Michael Pakaluk , tuyên bố rằng “một trong trong ba cuốn phúc âm nhất lãm, là bản sao của Marcô về những hồi ức của Phêrô trong suốt hai hoặc ba năm ngài sống với Chúa Giêsu, chứng kiến những phép lạ của Chúa, nghe Chúa giảng, đau khổ vì Chúa bị đóng đinh trên thập giá và cuối cùng là hân hoan trong sự phục sinh của Chúa”.
Theo cách này, Phúc âm Marcô có thể được kết nối với thánh Phêrô, cho dù các sử gia kinh thánh luôn tranh luận với nhau về khẳng định này.
Ngoài Phúc âm Marcô, các thư của thánh Phêrô trong Tân ước theo truyền thống được kết nối với vị Giáo hoàng đầu tiên. Các thư này có thể là những thư gần nhất mà chúng ta hiểu như một “thông điệp” bởi Hoàng tử của các Tông đồ.
Các kitô hữu ưu tú trong ba thế kỷ đầu tiên (khoảng 90 - 200 sau công nguyên) như Justin, Irenaeus, Clement thành Alexandria, Polycarp, Clement thành Rome, Origen và Tertullian, tất cả đều cho rằng thánh Phêrô là tác giả thực sự của các thư trên.
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ uyên bác hiện đang cân nhắc về tuyên bố này. Các học giả hiện đại nghi ngờ về việc gán nó cho thánh Phêrô và tin rằng các thư đó được viết ra bởi một người khác, rồi gắn tên của Phêrô vào đó để tăng thêm uy tín.
Dù thế nào đi nữa, Giáo hội khẳng định rằng thánh Phêrô là vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội công giáo và kể từ đó đã có một hàng ngũ các giáo hoàng kế vị mà không hề gián đoạn. Trong khi các giáo huấn chính thức của Giáo hoàng Phêrô chủ yếu bằng truyền miệng, dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự lãnh đạo của ngài trong Giáo hội sơ khai là chìa khóa cho sự sống còn của Giáo hội. Thánh Phêrô là người có khả năng dẫn dắt Giáo hội Công giáo thời non trẻ và đã bảo vệ các giáo huấn của Chúa Giêsu, cho dù thánh nhân không phải là người hoàn hảo.
Cũng vậy, Thánh Phêrô đã giảng dạy bằng cách sống của mình, bằng việc hy sinh đến tột cùng, từ bỏ mạng sống mình vì Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Đó là một “thông điệp” mạnh mẽ nhất mà thánh nhân đã từng viết ra.
Philip Kosloski
Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ