Thánh Timôthê và thánh Titô, giám mục. Lễ nhớ.

Thứ hai - 25/01/2021 07:04

Thánh Timôthê và thánh Titô, giám mục. Lễ nhớ.

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”.

 

* Cùng với thánh Luca, thánh Timôthê và thánh Titô là những cộng tác viên trung thành của thánh Phaolô. Mẹ thánh Timôthê là người Do thái, còn chính ông thì đã được thánh Phaolô thanh tẩy. Ông đã theo thánh Phaolô trong các chuyến đi truyền giáo, rồi sau được đặt làm thủ lãnh giáo đoàn Êphêxô.

Còn thánh Titô đã được thánh Phaolô nhận ở Antiôkhia ngay từ đầu sứ vụ tông đồ. Sau đó, ông được trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.

Thư thánh Phaolô gửi cho ông Timôthê và thư gửi cho ông Titô được gọi là các thư mục vụ, vì trong đó có nhiều lời khuyên dành cho cả những người lãnh đạo cũng như cho hết mọi thành phần trong giáo đoàn.

 

Lời Chúa: Lc 10, 1-9

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: ”Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của người.

Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ”Bình an cho nhà này”. Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: ”Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi”.

 

 

SUY NIỆM 1: Vào nhà, vào thành phố

(Lm. Nguyễn Cao Siêu)

Suy Niệm:

Dân số Châu Á chiếm gần hai phần ba thế giới

nhưng số người nhận biết Chúa chưa tới 3%.

Cánh đồng lúa chín mênh mông đang cần thợ gặt.

Ðức Giêsu hôm nay vẫn có nhiều nơi Ngài muốn đến,

nhiều căn nhà, nhiều thành phố Ngài muốn đặt chân.

Ngài cần những người đi trước để chuẩn bị cuộc gặp gỡ

giữa Ngài với con người.

Khoa học càng tiến bộ, cuộc sống càng văn minh

thì càng có nhiều lãnh vực mới Ðức Giêsu cần vào.

Ðưa Ngài vào thật là một thách đố cho chúng ta.

Ngài phải vào cả những nơi tưởng như bị cấm.

Nhưng nếu chúng ta được Ngài sai vào trước,

thì thế nào cuối cùng Ngài cũng vào được.

Nếp sống cao ở thành thị vừa gây cản trở,

vừa cung ứng cho ta nhiều phương tiện để đưa Ngài vào.

Hãy chuẩn bị cho Ngài vào thành phố của bạn,

vào trường học, sân vận động, vào xí nghiệp, công ty...

Hãy chuẩn bị để Ngài vào từng nhà, gặp từng người.

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi để làm việc đó.

***

Ðâu là khuôn mặt của người được sai hôm xưa?

Hiền lành như chiên giữa bầy sói.

Khó nghèo thanh bạch, không túi tiền, giầy dép, bao bị.

Khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ về nhà ở cơm ăn.

Tôn trọng tự do tha nhân, chấp nhận bị từ chối.

Người Châu Á hôm nay dễ đón nhận người tông đồ

sống khổ hạnh, thoát tục, sống thư thái, trầm tư,

sống nhân từ, phục vụ.

Cuộc sống của họ phải tỏa hương thơm của thế giới mai sau,

phải có khả năng nâng con người lên Ðấng Tuyệt Ðối.

***

Ðâu là đóng góp của người được sai hôm xưa?

Vừa chữa người đau yếu và trừ quỷ,

vừa loan báo về triều đại Thiên Chúa gần đến.

Việc làm chứng thực lời giảng, lời giảng soi sáng việc làm.

Cả hai đều đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc.

Thế giới hôm nay vẫn là một thế giới bệnh tật,

một thế giới thèm khát tự do, thèm được là mình.

Chúng ta sẽ rao giảng gì cho 97% dân Châu Á

mà phần đông đã tin vào một Ðấng Cứu Ðộ?

Ðức Giêsu đem đến cho nhân loại quà tặng đặc biệt nào?

Chúng ta phải tập trình bày sứ điệp Kitô giáo,

nên cũng phải học nhiều nơi các tôn giáo Á Châu.

***

Các giám mục Malaysia, Singapore và Brunei

đã liệt kê những gì có thể học được nơi họ.

Học cầu nguyện, ăn chay, bố thí nơi người Hồi giáo.

Học suy niệm và chiêm niệm nơi người Ấn giáo.

Học từ bỏ của cải và trọng sự sống nơi người Phật tử.

Học thái độ thảo hiếu, tôn lão kính trưởng nơi đạo Khổng.

Học sự đơn sơ, khiêm tốn nơi người theo đạo Lão.

Càng học, ta càng dễ giới thiệu Ðức Giêsu,

và càng thấy Ngài đang ẩn mình nơi những tôn giáo khác.

 

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát.

 

SUY NIỆM 2: Diễn Văn Truyền Giáo

Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc và suy niệm những câu đầu tiên của chương 10 Phúc Âm theo thánh Luca. Ðây là bài diễn văn truyền giáo số 2. Bài diễn văn truyền giáo số 1 là chương 9, Phúc Âm thánh Luca. Trong bài diễn văn truyền giáo số 2, Chúa Giêsu ngỏ lời căn dặn bảy mươi hai môn đệ mà Ngài sai đi từng nhóm hai người một để làm như một cộng đoàn làm việc chung với nhau, chứ không phải một cách riêng rẽ. Con số mười hai tông đồ nhắc đến mười hai chi họ Israel; con số bảy mươi hai môn đệ nhắc đến chi tiết nơi chương 10 sách Sáng Thế: "Khi tất cả các dân nước trên mặt đất".

Như thế, chúng ta có thể nói rằng bài diễn văn truyền giáo số 2 của Chúa Giêsu trong đoạn Phúc Âm thánh Luca mà hôm nay chúng ta suy niệm là những lời căn dặn của Chúa Giêsu cho tất cả mọi thành phần Giáo Hội Dân Chúa đến từ khắp mọi nơi không phân biệt màu da, chủng tộc, tiếng nói. Tất cả mọi người đồ đệ của Chúa đều phải là những nhà truyền giáo, những chứng nhân của Chúa và phải tuân giữ những gì Chúa căn dặn nơi chương 10 này.

Những lời dặn dò trên của Chúa Giêsu thật là cặn kẽ, cụ thể, với những chi tiết hết sức thực tế. Dĩ nhiên, tinh thần phải có khi thực hiện những việc làm trên là điều quan trọng hơn. Thời đại đã thay đổi, thời chúng ta đang sống khác với thời của Chúa Giêsu. Những hành động cụ thể của một thời đã thay đổi, chẳng hạn như ngày xưa đi bộ, cầm gậy thì ngày nay đã có các phương tiện giao thông liên lạc khác, nhưng tinh thần của những hành động cụ thể mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ có không bao giờ thay đổi. Trong những giây phút ngắn ngủi suy niệm này chúng ta không thể nào suy niệm tất cả mọi khía cạnh của tinh thần truyền giáo nơi môn đệ của Chúa.

Ước chi mỗi người chúng ta tìm thì giờ rảnh rỗi trong ngày, trong tuần để trở lại suy niệm thêm về những lời căn dặn của Chúa nơi chương 10 Phúc Âm thánh Luca.

Chúng ta hãy nhớ lại những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói trong đoạn Phúc Âm hôm nay: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người, các con hãy ra đi". Qua câu đầu tiên này của đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta điểm khởi đầu căn bản của mọi hoạt động truyền giáo: trước hết là nhận thức nhu cầu của anh chị em chung quanh, thứ hai là đưa nhu cầu đó vào trong lời cầu nguyện của chính mình và thứ ba là sẵn sàng để được sai và hăng say ra đi khi được trao phó cho sứ mạng. Chúng ta hãy tự vấn xem chính mình đã có những tư tưởng căn bản này chưa? Những quan tâm truyền giáo làm chứng cho Chúa có được chúng ta đưa vào trong lời cầu nguyện của chính mình chưa? Trong cuộc đối thoại giữa mình với Thiên Chúa chưa?

Lạy Chúa,

Này con đây đã sẵn sàng, Chúa muốn con làm gì xin hãy phán và con xin lắng nghe. Xin ban ơn biến đổi mỗi người chúng con trở thành những chứng nhân đích thực của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

 

SUY NIỆM 3: Quốc Khánh của Australia

Ngày 26 tháng 01 là ngày quốc khánh của người Australia.

Ngày 26/01/1788, lá cờ của nước Anh lần đầu tiên được cắm trên lãnh thổ của Australia, đánh dấu đợt định cư đầu tiên của 730 người. 730 cựu tù nhân này đã được coi như là thủy tổ của đa số người dân Australia này nay.

Ðối với chính phủ Anh thời bấy giờ, việc lưu đày các tù nhân qua một vùng đất xa lạ là một biện pháp giúp giải quyết vấn đề ứ đọng tại các nhà tù trong nước. Nhưng đối với 730 người lần đầu tiên của Australia này,  thì đây là cơ hội để làm lại cuộc đời. Dù muốn dù không, người dân Australia chính hiệu ngày nay không thể phủ nhận được sự kiện là quốc gia của họ đẫ được lhai sinh do những con người mà xã hội muốn xua đuổi cho rảnh tay.

Ngày nay, Australia được xếp vào hạng những nước tiên tiến về mọi mặt. Nhưng có lẽ họ không thể quên được công ơn xây dựng của cha ông họ, dù tông tích của họ có là một quá khứ xấu xa đến đâu.

Câu chuyện lập quốc của nước Australia có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào hai chữ Quan Phòng trong Kitô giáo của chúng ta. Lời của thánh Phaolô là một xác quyết về sự quan phòng ấy: nơi nào có tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào.

Lịch sử của dân Israel và lịch sử ơn cứu rỗi cũng cho chúng ta thấy một chuỗi những vấp ngã của con người và một chuỗi những can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Mỗi lần con người phạm tội là mỗi lần Thiên Chúa ban ơn như một khởi điểm cho một công trình mới tốt đẹp hơn.

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ hai Thánh Timôtê và Titô, hai người con tinh thần và cộng sự viên gần gũi của thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại ngày hôm qua.

Cũng giống như Thánh Phaolô, Timôtê mang hai dòng máu Hy Lạp và Do Thái. Do Thái xem Ngài như một đứa con ngoại hôn. Nhưng cái tư thế bị ruồng rẫy đó đã khiến cho Timôtê trở thành gạch nối giữa Tin Mừng và văn minh của những dân tộc ở ngoài Do Thái giáo. Trong 15 năm sát cánh bên cạnh Thánh Phaolô để phục vụ các cộng đoàn Ephêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và bác ái cao độ.

Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng đến từ thế giới dân ngoại. Ngài cũng được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương của Ngài cho mọi tạo vật.

Ôn lại cuộc đời của ba vị Thánh thuộc thế giới dân ngoại này, chúng ta thấy động tác lạ lùng của ơn Chúa. Mọi người, dù thấp hèn đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng trong chương trình cứu rỗi của Chúa. Mọi người đều có thể là trung gian nhờ đó ơn Chúa được thông ban cho người khác. Thế giới không được cứu rỗi nhờ những gì chúng ta làm, mà nhờ những gì Thiên Chúa thực hiện qua cuộc sống của chúng ta.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 4: Thánh Timôthê và thánh Titô

(http://tinvuixuanloc.vn)

Ti-mô-thể và Ti-tô là hai môn đệ nổi tiếng của thánh Phaolô, chính vì thế được mừng kính chung trong dịp lễ thánh Phaolô trở lại.

Ti-mô-thê sinh tại Lít-tra, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ; cha là một người ngoại giáo, mẹ theo Do Thái giáo. Thánh Phaolô, trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất, đã rửa tội cho Ti-mô-thê; từ đó Ti-mô-thê luôn theo Phaolô và trở thành cộng tác viên đắc lực cho thánh nhân. Cả khi Phaolô bị tù đày, Ti-mô-thê vẫn ở với ngài. Theo truyền thuyết, Ti-mô-thê là giám mục tiên khởi của giáo đoàn Êphêsô. Hai thơ Phaolô được đề tựa gửi cho ngài.

Ti-tô là con của một gia đình hoàn toàn ngoại giáo. Trong Công vụ Tông đồ, Ti-tô không bao giờ được nhắc đến; nhưng trong các lá thơ, thánh Phaolô đều gọi ông Ti-tô là cộng tác viên. Phaolô đã rửa tội cho Ti-tô, đem theo lên Giêrusalem để dự Công đồng các Tông đồ. Phaolô đã trao cho Ti-tô nhiều trách vụ quan trọng. Theo truyền thuyết, thánh Phaolô đã đặt Ti-tô làm giám mục cho giáo đoàn Cờ-rê-ta.

CẦU NGUYỆN: Lạy Cha, Cha đã ban cho hai thánh Ti-mô-thê và Ti-tô những đức tính xứng bậc tông đồ. Xin nhận lời các thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà ban cho chúng, khi còn ở đời này, biết sống ngay lành và thánh thiện, hầu xứng đáng đạt tới quê trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

 

SUY NIỆM 5: TÔNG ĐỒ ĐOÀN CỦA ĐỨC GIÊSU

(http://phaolomoi.net)

Hội Thánh muốn phát triển, cần có nhiều môn đệ Đức Kitô đi làm việc Tông Đồ, để tập họp thêm nhiều người về cho Chúa. Việc Tông Đồ không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà là của toàn thể giáo dân biết cộng tác với các chủ chăn của mình. Vấn đề này ông Luca đã cho chúng ta nhận thức về sứ mệnh Tông Đồ của mọi Kitô hữu như sau :

1.      Mọi Kitô hữu phải làm Tông Đồ cho Chúa.

2.      Làm Tông Đồ là làm chứng cho sự thật.

3.      Người Tông Đồ xin Chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa.

4.      Muốn làm Tông Đồ phải được Hội Thánh sai đi.

5.      Con đường Tông Đồ là con đường chông gai.

6.      Tông Đồ phải sống tinh thần nghèo khó.

7.      Làm Tông Đồ là đi cấp cứu người.

8.      Muốn được bình an phải loan báo Tin Mừng.

1/ MỌI KITÔ HỮU PHẢI LÀM TÔNG ĐỒ CHO CHÚA

Đức Giêsu không chỉ muốn chọn 12 người đàn ông Do Thái làm môn đệ để họ làm việc Tông Đồ cho Ngài, mà Ngài còn muốn mời gọi muôn dân tộc. Bởi đó Ngài chọn 70 hay 72 môn đệ (x Lc 10,1a: Tin Mừng). Ta biết con số 70 (theo bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) môn đệ Đức Giêsu chọn là hình ảnh con cháu ông Noe sau lụt Hồng Thủy (x St 10), mà lụt Hồng Thủy là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Tẩy (x 1Pr 3, 20-21) ; đồng thời số 72 cũng là dòng giống dân Israel (x Xh 1,5). Do đó những ai đã nhận Bí tích Thánh Tẩy đều thuộc về dòng giống Israel mới, để Chúa Giêsu (Giacob mới) có thêm nhiều môn đệ cộng tác vào việc xây dựng và phát triển Nước Thiên Chúa, như thuở xưa một mình ông Môsê điều hành Israel không nổi, nhạc phụ ông đã khuyên nên chọn lấy 72 vị kỳ lão để tiếp tay với ông (x Xh 18,13t).

Vào thời Tân Ước, các Giám mục là hiện thân Nhóm Mười Hai của Đức Giêsu chọn, cũng cần mọi thành phần trong Hội Thánh cộng tác, như Đức Giêsu trước khi lìa biệt Nhóm Mười Một về cùng Cha, Ngài truyền lệnh cho môn đệ đi khắp thế gian tập họp thêm môn đệ cho Ngài bằng hai việc: Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và  dạy họ tuân giữ những Lời Chúa Giê-su đã truyền (x Mt 28, 19-20), thì công việc Mục Vụ của Hội Thánh mới đạt được kết quả cao.

Vì thế giáo huấn Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 dạy: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”. Loan báo Tin Mừng có khi trực tiếp, có khi gián tiếp cộng tác giúp đỡ các chủ chăn. Đan cử: Thánh Phaolô đã nhận ra nơi ông Timôthê có Đức Tin sâu xa, phong phú và vững chắc, vì ngay khi còn nhỏ, ông được ngồi trong lòng bà ngoại, cụ Lôít, hoặc trong vòng tay  mẹ, bà Êunikê, để nghe giáo lý. Nhất là từ khi ông được thánh Tông Đồ đặt tay trong Nghi Lễ tấn phong Giám mục. Từ đó, ông Timôthê nhận được Thần Khí đầy sức mạnh, tình thương, biết tự chủ, nên không còn nhút nhát, không hổ thẹn làm chứng cho Chúa. Ông Timôthê đã đồng lao cộng khổ với ông Phaolô loan báo Tin Mừng, nhất là lúc ông Phaolô ngồi trong tù (x 2Tm 1, 1-8 : Bài đọc). Như thế, ông Phaolô và ông Timôthê đã thực hành lời kinh: “Hãy kể cho muôn dân biết những kỳ công Chúa làm” (Tv 96/95,3: Đáp ca). Và các ông đã chu toàn sứ mệnh: “Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha” (Lc 4,18 : Tung Hô Tin Mừng).

2/ LÀM TÔNG ĐỒ LÀ LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

Đó là lý do Đức Giêsu sai từng hai người môn đệ đi làm việc Tông Đồ (x Lc 10,1b: Tin Mừng). Không phải chỉ để giúp đỡ nhau, mà “đôi chứng nhân” nhằm khẳng định: làm Tông Đồ là đi loan báo sự thật. Vì theo theo luật Do Thái, một điều được xác định là chân lý, phải có ít một hay hai nhân chứng (x Dnl 19,15), hầu tất cả công việc được đoán định do miệng hai, ba người (x Mt 18,16). Nhưng chứng của hai hay nhiều người có khi còn gia tăng sự gian ác, như các chứng gian trong phiên tòa xử Đức Giêsu! Vậy “cặp chứng nhân” chỉ có giá trị khi người Tông Đồ của Chúa ý thức sống những điều sau:

- Mến Chúa phải thể hiện bằng yêu người (x Mt 22,34).

- Làm trước rồi dạy sau (x Mc 6,30).

- Phá hủy để xây dựng (x Gr 1,10).

- Đau khổ đến vinh quang (x Lc 24,26).

- Nô lệ mới làm chủ (x Mc 10,35).

- Lãnh nhận để dâng hiến (x Mc 10,28t).

- Biết chia sẻ của cải đời  này mới đạt ơn cứu độ (x Lc 19,9).

Sống được những đòi hỏi như trên là dọn chỗ tâm hồn đồng loại để Chúa Giêsu đến ban phát ơn cứu độ (x Lc 10,1b).

3/ NGƯỜI TÔNG ĐỒ XIN CHỦ RUỘNG SAI THỢ ĐI GẶT LÚA

Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc 10,2a: Tin Mừng).

Thợ gặt ít: Suốt ba năm Đức Giêsu chọn và huấn luyện các Tông Đồ (Nhóm 12). Thế mà khi Ngài về trời, chỉ còn 11 người được Ngài sai đi. Đấy là thiếu về lượng! Còn về phẩm chất, Đức Tin thiếu mới đáng lo. Thực vậy trong số những người Đức Giêsu sai đi, có kẻ còn hoài nghi! (x Mt 28,16-17).

Muốn thêm người tham gia việc Tông Đồ, muốn bớt hoài nghi về Đức Tin, ta cần phải tích cực loan báo Tin Mừng, để quy tụ thêm nhiều người đến gặt lúa Nước Thiên Chúa, tức làm là cho  nhiều người đón nhận được ơn cứu độ từ Hy Tế của Chúa Giêsu thiết lập, như Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Bốn tháng có qua, mùa màng mới đến! Này: Ta bảo các ngươi hãy ngước mắt lên mà nhìn: đồng lúa đã chín vàng chờ gặt ! Rồi kìa thợ gặt lĩnh công và thu lượm hoa mầu cho sự sống đời đời, để cho kẻ gieo một thể cùng người gặt đều hoan hỷ. Vì đây lời tục ngữ cũng thật: Người này gieo kẻ khác gặt! Ta sai các ngươi đi gặt điều các ngươi không vất vả làm ra! Có những kẻ khác đã vất vả rồi, còn các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ” (Ga 4, 35-38).

Lý do Đức Giêsu nói: “Bốn tháng có qua mùa màng mới đến” là vì người Do Thái xuống giống vào tháng 11 đến 12 (mùa Giáng Sinh); mùa gặt vào giữa tháng 4 (mùa Phục Sinh). Thế thì từ mùa Giáng Sinh đến mùa Phục Sinh là bốn tháng, đây là cao điểm thời gian Đức Giêsu thực thi chức Tư Tế của Ngài trên trần gian, rồi Ngài về ngự bên hữu Chúa Cha hằng chuyển cầu cho tất cả những ai đến tham dự Thánh Lễ mà Hội Thánh được Chúa Giêsu truyền làm hiện tại hóa Hy Tế của Ngài (x 1Cr 11,23-27). Cho nên đi dự Lễ là gặt hái hoa trái cứu độ được Đức Giêsu cùng các thánh đã vất vả làm ra “mùa lúa chín vàng”.

Thế mà có mấy người biết quý trọng Thánh Lễ, đúng là mùa lúa chín  thiếu thợ gặt! Thật là chua xót đối với Đức Giêsu, mới hơn 20 thế kỷ nay, những người mang danh Công Giáo nhất là bên Âu Châu hầu hết bỏ dự Lễ và tệ hơn không quan tâm đến việc rước Lễ, không gặt hái mùa lúa chín vàng do Đức Giêsu và bao nhiêu chứng nhân đã vất vả trồng hạt Lời, và tưới bón bằng máu thịt của mình, để có mùa lúa chín chờ người gặt.

4/ MUỐN LÀM TÔNG ĐỒ, PHẢI ĐƯỢC HỘI THÁNH SAI ĐI

Đức Giêsu dạy: “Chúng con hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2b: Tin Mừng). Cụ thể qua đời sống ông Phaolô, là một Biệt phái rất nhiệt thành thờ Chúa theo Luật Mô-sê, ông đã trở thành kẻ giết Chúa Giê-su Phục Sinh (x Cv 9,4). Nhưng khi được Ngài chộp lấy, huấn luyện và sai ông đi làm vườn nho cho Ngài, ông mới ý thức về tầm quan trọng việc Tông Đồ mà Ngài trao cho Hội Thánh, ông nói: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15a). Với lòng xác tín như trên, ông Phaolô trước khi đi truyền giảng Tin Mừng, ông đã đến gặp các thủ lãnh của Hội Thánh để nhận quyền Sai Đi, bằng không việc phục vụ của ông trở nên vô ích (x Gl 2,1-2).

5/ CON ĐƯỜNG TÔNG ĐỒ LÀ CON ĐƯỜNG CHÔNG GAI

Đức Giê-su dạy: “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy sói” (Lc 10,3  Tin Mừng). Niềm tin “ở hiền gặp lành” chỉ có thể thấy đúng trong thế giới Phục Sinh. Còn đời này phải biết rằng  “Ai càng thiết tha sống chân lý, càng gặp nhiều chống đối, nhiều kẻ ghét, và cuối cùng cô đơn"

Ta cứ nhìn vào mẫu gương sống của Đức Giêsu: Ai thánh thiện bằng Ngài ? Ai thương người bằng Ngài ? Thế mà Đức Giêsu làm Tông Đồ cho Chúa Cha chưa tròn ba năm, thì chính những kẻ đã từng thụ ơn Ngài lại đồng lõa với  những kẻ giết Ngài! Trên thập gía, Ngài nhìn xuống tìm những người đã thụ ơn, họ đều trốn mất! Chỉ còn lại bọn chế diễu Ngài! Ngài cất tiếng kêu cứu nơi Chúa Cha, nhưng Cha Ngài im lặng! Thì Ngài cầu nguyện bằng Thánh vịnh 22/21,2: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, nhân sao Người lại bỏ tôi!” (Mt 27,46).

Lời cầu của Tv này nói lên lời than van của người bị ngược đãi, rồi viễn tượng các dân sẽ nhận vương quyền của Thiên Chúa và họ sẽ được nghe nói về Thiên Chúa.

Thánh Phaolô cũng nói lên sự cô đơn này: “Vì anh Đê-ma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; A-lê-xan-đê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều khốn khổ;  Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,10a.14a.16-17). Loan báo Tin Mừng có chấp nhận gian khổ mới thực sự là phục vụ vì yêu, chứ không phải vì thương mại, và lời rao giảng đến đổ máu mới minh chứng điều ta nói là chân lý quan trọng nhất.

Thánh Tông Đồ ý thức con đường theo Chúa là thế, nên ông đã nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập gía Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Mà nếu ta theo Đức Giêsu chỉ dừng chân ở thập giá thì ta là kẻ khốn nạn nhất trên đời (1Cr 15,19), nên ta phải hướng về mầu nhiệm Phục Sinh. Chính ông Gióp lúc quá khổ, không thể lý giải sự đau khổ của mình bằng lý luận loài người. Đau khổ của ông cũng như của loài người chỉ có thể lý giải được ý nghĩa và hiệu quả trong thế giới Phục Sinh, nên ông nói: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,25-27).

Bởi vậy, chỉ trong mầu nhiệm Phục Sinh, “tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27/26,13).

6/ TÔNG ĐỒ PHẢI SỐNG TINH THẦN NGHÈO KHÓ

Đức Giêsu dạy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” (Lc 10,4a: Tin Mừng). Nghĩa là phải sống theo gương Đức Giêsu: “Ngài vốn dĩ là Đấng giàu có, nhưng vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có, nhờ sự  nghèo khó của Ngài!” (2 Cr 8,9). Thì người môn đệ của Đức Giêsu cũng phải cần cù làm việc mong có thu nhập cao, đạt chỉ tiêu giàu có giống Đức Giêsu, nhưng vì phục vụ Tin Mừng mà trở nên nghèo để đồng loại được giàu có về Đức Tin; còn ta chấp nhận nghèo khó như Thầy Giêsu không có nơi ngả đầu (x Lc 9, 58).

Vậy người môn đệ Đức Giêsu hãy sống nghèo cách cụ thể như Ngài dạy :

- Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép! (x Lc 10,4a: Tin Mừng).

- Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho. (Lc 10, 7-8: Tin Mừng).

- Chính Chúa mới là gia nghiệp đời mình. (x Tv 16/15,5)

7/ LÀM TÔNG ĐỒ LÀ ĐI CẤP CỨU NGƯỜI

Đức Giêsu dạy: “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4b: Tin Mừng). Lời căn dặn này nhắc lại cho ta chuyện ngôn sứ Ê-ly-sa sai đầy tớ là anh Ghêkhaji, cầm gậy của thầy chạy mau đến nhà bà lớn thành Su-nem để đặt gậy lên xác con trai bà, làm cho cậu hồi sinh. Đó là việc cấp bách, nên ngôn sứ Êlysa dặn đầy tớ: “Đừng chào hỏi ai” (x 2V 4,18-37). Thế thì việc loan báo Tin Mừng là hành động cứu cấp đồng loại thoát tay tử thần, nên không còn để ý đến việc chào hỏi hay từ giã ai (x Lc 9, 61t). Nghĩa là không có gì làm bận tâm để phải trì hoãn việc loan báo Tin Mừng.

Vì mục đích loan báo Tin Mừng là để cho những người có trái tim biết nghe, thì Lời Chúa sẽ thanh tẩy tội lỗi tâm hồn họ (x Ga 15,3), để đưa họ gia nhập Hội Thánh, qua dấu chỉ các Tông Đồ chữa lành những người đau yếu trong thành, mà chữa lành bệnh chính là đã tha tội cho họ, cất nguyên nhân gây ra bệnh (x Ga 9,2), và nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa (Hội Thánh) đã đến gần các ông” (Lc 10,9: Tin Mừng)

8/ MUỐN ĐƯỢC BÌNH AN PHẢI LOAN BÁO TIN MỪNG

Đức Giêsu dạy: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này !” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an sẽ trở lại với anh em” (Lc 10, 5-6: Tin Mừng). Rõ ràng việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn phát sinh sự bình an: Ai biết đón nhận Tin Mừng, sự bình an đến với họ; bằng không sự bình an trở về cho sứ giả Tin Mừng. Nói cách khác, làm Tông Đồ  là đem bình an cho môi trường sống và phát sinh bình an trong nội tâm người loan báo. Bởi vì chính Tin Mừng có sức mạnh ban ơn, như Chúa nói: “Mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55,10-11).

THUỘC LÒNG: Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế (HCHT số 35).

Linh mục Giuse Đinh Quang Thịnh

 

SUY NIỆM 6: THÁNH TIMÔTHÊ VÀ THÁNH TITÔ

(http://www.giaolyductin.net)

Thánh Timôthê sinh tại Lystres, miền Lycaonia Thổ Nhĩ Kỳ. Cha ngài là người ngoại giáo, còn mẹ ngài theo Do Thái Giáo, nhưng sau đã trở lại. Theo lời truyền tụng thì thánh nhân đã tin theo Tin Mừng nhờ lời giảng dạy của thánh Phaolô tông đồ trong cuộc du hành duy nhất của ngài. Khi đến lần thứ hai, thánh Phaolô đã chọn ngài làm phụ tá, và ngài theo thánh tông đồ đi giảng khắp miền Tiểu Á, Macedoine và Hy Lạp. Ngài được đặt làm Giám Mục coi sóc giáo đoàn Êphêsô. Thánh Phaolô đã đặc biệt nâng đỡ chỉ dạy và khích lệ ngài trong nhiệm vụ coi sóc đàn chiên Chúa qua những bức thư gửi cho ngài.

Nhân một buổi lễ tế dâng kính thần Điana của dân thành Êphêsô, ngài đã công khai chỉ trích và chính ngài bị dân chúng bắt và ném đá (24/01/97). Thi hài được giáo dân đem chôn ở đỉnh núi gần đấy.

Thánh Titô cũng trở lại đạo nhờ lời thánh Phaolô và được chọn làm cộng sự viên của ngài, chia sẻ mọi công việc tại Corintô và tại Crêta. Vì lòng nhiệt thành và trung tín trong việc rao giảng Tin Mừng, ngài đã trở nên bạn nghĩa thiết của thánh Phaolô. Chính trong thư (2 Cor 4, 6) thánh Phaolô viết khi còn ở Troas, đã thú nhận điều này: "Nhưng Thiên Chúa, Đấng an ủi những người cùng khốn, đã đến viếng thăm chúng tôi qua sự đến thăm của Titô". Ngài được thánh tông đồ sai đến Corintô với xứ mạng đặc biệt là quyên góp tiền để an ủi và giúp đỡ giáo dân Do Thái. Ngài đã hoàn tất sứ mạng cách hết sức khôn ngoan. Ngài cũng đã hướng dẫn vị tông đồ đến Crêta, và sau cùng ngài được thánh Phaolô đặt làm Giám Mục tại đây. Vì thập giá Đức Kitô, ngài đã phải chịu khổ sở cùng cực đối với dân Dalmatas. Sau cùng, ngài đã kết thúc cuộc đời trong tay Chúa, hưởng thọ 94 tuổi.

 

SUY NIỆM 7: THÁNH TIMÔTHÊ VÀ THÁNH TITÔ

(http://tgpsaigon.net)

Ai được mời gọi gặt lúa? Không phải chỉ là nhóm Mười Hai tông đồ, mà là 72 môn đệ; không phải chỉ là 12 chi tộc Israel, mà là mọi người thuộc mọi dân nước. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Mọi Kitô hữu đều được mời làm thợ gặt. Cả linh mục, tu sĩ, giáo dân đều được sai đến với cánh đồng hôm nay.

Một lời rao giảng làm rộn lên niềm vui: Nước Thiên Chúa đã đến gần anh chị em. Một lời chào thân thiện: Bình an cho nhà này.

Một thứ hành trang nhẹ tênh: không túi tiền, bao bị, giày dép. Một việc phải làm: chữa lành những người ốm đau. Một thái độ phải có: khiêm tốn và siêu thoát, đón nhận những gì người ta cung cấp cho, không tìm kiếm tiện nghi, dễ chịu.

Nếu hôm nay Ðức Giêsu sai chúng ta đi, Ngài sẽ dặn chúng ta điều gì? Chắc Ngài sẽ dặn khác, vì cánh đồng con người đã đổi khác. Chúng ta phải hiểu thấu nỗi khát vọng của bạn bè, phải biết nói sao để họ hiểu được, nhạy cảm để thấy điều họ thực sự đang cần, và sống hài hòa với lời mình giảng.

Có thể chúng ta sẽ đi giày, và có ba, bốn áo, sẽ có ví tiền và máy tính xách tay, sẽ có văn phòng, máy fax và điện thoại. Nhưng những thứ đó không làm chúng ta nặng nề. Hành trang không được trở thành những cản trở khiến ta mất sự tín thác vào Thiên Chúa và xa lạ với con người, nhất là những người nghèo khổ.

Hôm nay Chúa sai chúng ta làm chứng giữa đời, đôi khi ta thấy mình như chiên non giữa bầy sói. Chúng ta cứ phải trăn trở hoài để Tin Mừng chúng ta rao giảng cho bạn bè thực sự đáp ứng những khát khao thầm kín của họ: khát khao an bình, tự do, niềm tin và hạnh phúc, khát khao tình huynh đệ, sự chia sẻ, tha thứ, cảm thông; để những việc chúng ta làm cho họ xoa dịu được nỗi đau nhức nhối, và giải phóng họ khỏi xiềng xích của ác thần, đang nô lệ hoá con người dưới muôn vàn hình thức.

Các môn đệ hớn hở mừng vui khi lần đầu tiên họ trừ được quỷ nhân danh Thầy. Vương quốc của Satan bị đẩy lui bởi những con người bình thường và yếu đuối. Hôm nay, khi xây dựng một thế giới công bằng và yêu thương chúng ta tiếp tục đẩy lui Satan, để Nước Chúa lớn lên trên mặt đất này, và trở nên viên mãn trong ngày sau hết.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ, chữa lành những người ốm đau. Xin cho chúng con biết nói Tin Mừng với niềm vui, như người tìm được viênsw ngọc quý, biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.Xin ban cho chúng con khả năng đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa. Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ của bao người đau khổ thể xác tinh thần. Lạy Chúa Giêsu, thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con quá nhỏ. Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau mà tin tưởng lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát.

 

SUY NIỆM 8: Thánh Timôthê và Thánh Titô Lc 10,1-9

(http://gpbuichu.org//Tâm Phúc)

Sau khi tuyển chọn nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu tiếp tục chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác để các ông đi rao giảng Tin Mừng. Chúa mời gọi họ hãy ra đi như những thợ gặt trên cánh đồng lúa chín mênh mông. Lời mời gọi truyền giáo của Chúa cũng được gửi đến với tất cả mọi người. Với Thánh Timôthê và Thánh Titô, các ngài cũng đã đáp lại lời mời gọi của Chúa khi cộng tác đắc lực với Thánh Phaolô trở nên những thợ gặt nhiệt thành trên cánh đồng truyền giáo.

Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô khẳng định “tin là do bởi nghe, còn nghe là nhờ rao giảng lời Đức Giêsu”. Quả thật, sứ vụ rao giảng Tin Mừng xuất phát từ chính lệnh truyền của Chúa Kitô. Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa đã tuyển chọn nhóm Mười Hai và giờ đây Chúa lại “chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác” để các ông đem bình an và Tin Mừng đến cho mọi người. Lệnh truyền đó xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa trước thực tế “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Vì thế, Chúa đã mời gọi các môn đệ “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Trên hành trình truyền giáo, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho các ông thấy những khó khăn tựa như “chiên con đi vào giữa bầy sói”. Người cũng không quên căn dặn các ông cần chuẩn bị những hành trang cần thiết. Đó là tinh thần nghèo khó, thanh thoát khỏi của cải vật chất để chỉ chú tâm vào lời rao giảng về niềm vui của Tin Mừng.

Trước lời mời gọi của Thiên Chúa, thánh thánh Timôthê và thánh Titô mau mắn đáp lại. Các ngài đã nhiệt thành cộng tác với thánh Phaolô trong việc truyền giáo. Trong 15 năm sát cánh bên cạnh thánh Phaolô, cả khi Phaolô bị tù đày, Timôthê vẫn ở với ngài. Ngài được thánh Phaolô gửi đi truyền giáo, thường phải đương đầu với những xáo trộn trong các giáo đoàn mà thánh Phaolô thành lập. Khi phục vụ các cộng đoàn Êphêsô, Timôtê đã để lại một mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và bác ái cao độ. Cũng giống như Phaolô và Timôtê, Titô cũng đến từ thế giới dân ngoại. Ngài cũng được Chúa sử dụng để loan báo Tình Thương của Ngài cho mọi tạo vật. Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy thánh Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không ngừng mời gọi mỗi người chúng con hãy hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng. Dẫu biết rằng, hành trình truyền giáo sẽ không thiếu những khó khăn, gian khổ, nhưng xin cho chúng con noi gương nhân đức của hai thánh Timôthê và thánh Titô, biết nhiệt thành rao truyền tình yêu của Chúa đến cho mọi người. Amen.

 

SUY NIỆM 9: Thánh Timôthê và Thánh Titô Lc 10,1-9

(http:// http://loichua.donboscoviet.org/// Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB)

Ghi nhận lịch sử – Phụng vụ

Ghi chú cổ nhất về Thánh lễ kính thánh Timôtê (thế kỷ XII), thường được mừng ngày áp lễ trở lại của thánh Phaolô (tức là ngày 24.01). Hiện tại được mừng vào ngày 26.01, không nhắm tới hai vị Giám mục tử đạo. Lời kinh riêng cho thánh Titô chỉ xuất hiện trong lịch Rôma vào ngày 06.02.1854; lời kinh này thành kinh chung cho cả hai vị thánh.

Thánh Kinh cho biết, Timôtê, người môn đệ yêu dấu của thánh Phaolô, có người cha ngoại giáo và người mẹ Do Thái tên Eunice, đã trở lại (2 Tm 1,5); ngài được dạy dỗ trong một gia đình có đức tin; thánh Phaolô ghi chú bà nội Lois đã dạy cho Timôtê biết luật Chúa (2 Tm 3,14-15). Nhờ thánh Phaolô, Timôtê trở lại trong chuyến truyền giáo lần đầu; Timôtê cũng đi theo thánh Phaolô trong chuyến truyền giáo lần thứ hai và thứ ba, theo yêu cầu của giáo đoàn Lystre (Cv 16,1-3) và lần này, ngài đã chạm trán với những khó khăn của đời Tông đồ (Cv 17,14-15 ; 18,5-6). Thánh Phaolô buộc ngài phải cắt bì để có thể dễ dàng chu toàn sứ vụ giữa người Do Thái. Người ta thấy ngài đi theo thánh Phaolô và được gởi sang Macédoine (Cv 19,22) và được phó thác các cộng đoàn vùng Thessalonique (1 Tx 3), sau đó là Côrinthô (1 Cr 4,17 ; 16,10) ; rồi người ta lại gặp ngài trong nhóm đi theo thánh Phaolô (Cv 10,24). Thánh Phaolô gởi cho ngài một lá thơ từ Êphêsô (1 Tm 1,3) là nơi ngài đang thực hiện sứ vụ giữa cộng đoàn, sau đó một thư khác, trong đó thánh Phaolô gợi lại những giọt nước mắt khi chia tay (2 Tm 1,4).

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự trung kiên của Timôtê trong các cơn thử thách. Tình bạn đã nối kết cả hai (x.Pl 2,19-33) thúc đẩy Timôtê ở lại với thánh Phaolô trong lần bị bắt thứ nhất; cũng chính thánh Phaolô cho gọi ngài đến Rôma trong lần bị bắt thứ hai. Chúng ta không biết lúc nào ngài đã lãnh nhận việc đặt tay; có lẽ chúng ta có thể thấy trong đoạn 1Tm 6,12: “Anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng”. Không có gì minh chứng rằng Timôtê đã chịu tử đạo, có lẽ ngài đã qua đời tại Êphêsô.

Về thánh Titô, sinh ra trong một gia đình ngoại giáo, đã được thánh Phaolô rửa tội trong chuyến truyền giáo lần thứ nhất. Ngài theo thánh Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem (Gl 2,1-3), tại đây thánh Phaolô chống đối việc ngài bị bắt phải cắt bì, vì xuất thân từ ngoại giáo. Khi thánh Phaolô thuật lại việc đến Troa, ngài muốn gặp Titô, “người anh em của tôi” (2 Cr 2,13), cho thấy ngài rất tin tưởng Titô, như người phục vụ trung gian giữa thánh nhân và cộng đoàn Côrinthô để tái lập lại sự hoà thuận giữa Giáo hội này với thánh nhân (2 Cr 7,5-7). Thánh Phaolô đặt Titô đứng đầu cộng đoàn ở Crète. Trong đoạn Titô 1,4 thánh Phaolô còn gọi Titô là “người con tôi thực sự sinh ra trong cùng một đức tin chung”. Thánh Phaolô còn viết thư bảo ngài đi theo mình từ Nicopolis đến Épire, có lẽ từ đây thánh Phaolô đã sai ngài đi rao giảng vùng Dalmatie. Thánh Timôtê được vùng này tôn kính cách đặc biệt. Theo truyền thuyết, thánh Titô qua đời trong cộng đoàn của ngài tại Crète, lúc tuổi đã xế chiều.

Thông điệp và tính thời sự

Kinh Tổng nguyện, chung cho cả hai vị thánh, gợi lên nhân đức xứng đáng với chức vị Tông đồ mà Thiên Chúa ban cho hai môn đệ trung thành của thánh Phaolô. Lá thư thứ hai gởi cho Timôtê ca tụng đức tin chân thành của người con yêu quí, đã khuyến khích: Tôi nhắc nhớ anh phải luôn gợi lên trong anh ân sủng của Thiên Chúa mà anh đã lãnh nhận khi tôi đặt tay cho anh.

 Ân sủng của Thiên Chúa mà thánh Phaolô nói đến là “đặc sủng” mà Timôtê đã lãnh nhận và Thánh hiến ngài trong sứ vụ mục tử. Đánh thức ân sủng này, có nghĩa là làm sống lại ân sủng của Thiên Chúa, Đấng là Thần trí sức mạnh, tình yêu và làm chủ bản thân.

Cũng trong lá thư gởi cho Timôtê, thánh Phaolô nói với người môn đệ của mình: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” thánh Phaolô đã nhắc nhở ngài việc sửa sai anh em: “Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2). Đó chính là các nhân đức Tông đồ mà các mục tử luôn cần thiết, được kêu gọi tỉnh thức, không yếu đuối và không thoả thuận.

Kinh Tổng nguyện kêu gọi chúng ta sống công chính và đạo đức trong thế giới này, lấy hứng từ lá thư thánh Phaolô gởi cho Titô : “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính, đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng Cứu Độ chúng ta, xuất hiện vinh quang (Tit 2,11-13). Câu đáp cho bài kinh Magnificat: “Chúng ta hãy sống công chính và ngay thẳng, chờ đợi ngày Chúa đến”, cũng nhấn mạnh lời đòi hỏi trung tín theo nghĩa cánh chung của cuộc đời Kitô hữu.

Trong lá thư gởi cho Titô, thánh Phaolô xin người môn đệ của mình minh chứng một mẫu gương đức hạnh ngay trong chính bản thân (2,7); cũng thế, ngài động viên mọi hạng người sống theo tình trạng và điều kiện của mình. Dù vậy, nền tảng tín lý của các trách nhiệm chính yếu và đặc thù đều là một cho mọi người: “Niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối, đã hứa từ thuở đời đời” (1,2). Những việc dấn thân của chúng ta trong hiện tại là sống trong một tình trạng tỉnh thức, sẵn sàng chờ đợi sự kiện cánh chung của Chúa. Sự công chính và lòng đạo đức mà chúng ta được gọi để sống, là trung tâm của nền luân lý Kitô giáo. Sự công chính (theo nghĩa Thánh Kinh) đi kèm theo lòng đạo đức, có nghĩa là tình yêu bác ái sẽ làm cho các mệnh lệnh và trách nhiệm trở thành một ách êm ái và một gánh thật nhẹ nhàng.

 

Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là anh chị em Tôi – SN song ngữ 26.01.2021

Tuesday (January 26): “Whoever does the will of God is my brother and sister”

 

Scripture:  Mark 3:31-35

31 And his mother and his brothers came; and standing outside they sent to him and called him. 32 And a crowd was sitting about him; and they said to him, “Your mother and your brothers are outside, asking for you.” 33 And he replied, “Who are my mother and my brothers?” 34 And looking around on those who sat about him, he said, “Here are my mother and my brothers! 35 Whoever does the will of God is my brother, and sister, and mother.”

Thứ Ba     26-1                Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là anh chị em Tôi

 

Mc 3,31-35

31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! “33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? “34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

Meditation: 

 

Who do you love and cherish the most? God did not intend for us to be alone, but to be with others. He gives us many opportunities for developing relationships with family, friends, neighbors, and co-workers. Why did Jesus, on this occasion, seem to ignore his own relatives when they pressed to see him? His love and respect for his mother and his relatives was unquestionable. Jesus never lost an opportunity to teach his disciples a spiritual lesson and truth about the kingdom of God. On this occasion when many gathered to hear Jesus he pointed to another higher reality of relationships, namely our relationship with God and with those who belong to God.

What kind of relationship does God want with us?

What is the essence of being a Christian? It is certainly more than doctrine, precepts, and commandments. It is first and foremost a relationship – a relationship of trust, affection, commitment, loyalty, faithfulness, kindness, thoughtfulness, compassion, mercy, helpfulness, encouragement, support, strength, protection, and so many other qualities that bind people together in mutual love and unity. God offers us the greatest of relationships – union of heart, mind, and spirit with himself, the very author and source of love (1 John 4:8,16). 

 

What is the true nature of God’s love?

God’s love never fails, never forgets, never compromises, never lies, never lets us down nor disappoints us. His love is consistent, unwavering, unconditional, and unstoppable. We may choose to separate ourselves from him, but nothing will make him ignore us, leave us, or treat us unkindly. He will pursue us, love us, and call us to return to him no matter what might stand in the way. It is his nature to love. That is why he created us – to be united with him and to share in his love and unity of persons (1 John 3:1). God is a trinity of persons – Father, Son, and Holy Spirit – and a community of love. That is why Jesus challenged his followers and even his own earthly relatives to recognize that God is the true source of all relationships. God wants all of our relationships to be rooted in his love.

 

 

Chúa Giêsu ban cho mỗi một người chúng ta mối quan hệ cá vị với chính Người

Jesus is God’s love incarnate – God’s love made visible in human flesh (1 John 4:9-10). That is why Jesus describes himself as the good shepherd who lays down his life for his sheep and the shepherd who seeks out the sheep who have strayed and lost their way. God is like the father who yearns for his prodigal son to return home and then throws a great party for his son when he has a change of heart and comes back (Luke 15:11-32). Jesus offered up his life on the cross for our sake, so that we could be forgiven and restored to unity and friendship with God. It is through Jesus that we become the adopted children of God – his own sons and daughters. That is why Jesus told his disciples that they would have many new friends and family relationships in his kingdom. Whoever does the will of God is a friend of God and a member of his family – his sons and daughters who have been ransomed by the precious blood of Christ.

Chúa muốn biến đổi tất cả mối quan hệ của chúng ta để chúng ta có thể yêu như Người yêu

An early Christian martyr once said that “a Christian’s only relatives are the saints” – namely those who have been redeemed by the blood of Christ and adopted as sons and daughters of God. Those who have been baptized into Jesus Christ and who live as his disciples enter into a new family, a family of “saints” here on earth and in heaven. Jesus changes the order of relationships and shows that true kinship is not just a matter of flesh and blood. Our adoption as sons and daughters of God transforms all of our relationships and requires a new order of loyalty to God first and to his kingdom of righteousness and peace. Do you want to grow in love and friendship? Allow God’s Holy Spirit to transform your heart, mind, and will to enable you to love freely and generously as he loves.

 

“Heavenly Father, you are the source of all true friendship and love. In all my relationships, may your love be my constant guide for choosing what is good and for rejecting what is contrary to your will.”

Suy niệm:  

 

Bạn thích và yêu thương ai nhất? Thiên Chúa không có ý định cho chúng ta sống một mình nhưng sống với những người khác. Người ban cho chúng ta nhiều cơ hội để phát triển những mối quan hệ với gia đình, bạn bè, hàng xóm, và đồng nghiệp. Tại sao Ðức Giêsu có vẻ như phớt lờ những người bà con của mình khi họ muốn gặp Người? Tình yêu và lòng kính trọng của Ngài dành cho Mẹ và bà con thân thuộc thì thật là chắc chắn. Ðức Giêsu không bao giờ để mất một cơ hội để dạy các môn đệ bài học và chân lý thiêng liêng về nước Thiên Chúa. Trong dịp này, khi nhiều người đến nghe ÐG, Ngài đã nói đến thực tại khác cao hơn về những mối quan hệ, đó là mối quan hệ với TC và những ai thuộc về Người.

 

Loại quan hệ nào Thiên Chúa muốn nơi chúng ta?

Đâu là yếu tố căn bản của người Kitô hữu? Chắc chắn nó còn hơn cả học thuyết, những khái niệm, và những mệnh lệnh. Đó chính là mối quan hệ đầu tiên và trên hết – mối quan hệ về sự tin cậy, tình cảm, lời cam kết, lòng trung thành, lòng khoan dung, sự quan tâm, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, sự trợ giúp, sự khích lệ, sự ủng hộ, sức mạnh, sự bảo vệ, và nhiều phẩm chất khác trói buộc người ta với nhau trong tình yêu và sự hiệp nhất. Thiên Chúa ban cho chúng ta những mối quan hệ lớn lao nhất – sự kết hiệp của lòng, trí, và linh hồn với chính Người là Tác giả và Nguồn mạch của tình yêu (1Ga 4,8.16).

Bản tính đích thật của tình yêu TC là gì?

Tình yêu Thiên Chúa không bao giờ tàn lụi, không bao giờ quên lãng, không bao giờ làm tổn thương, không bao giờ lừa dối, không bao giờ để chúng ta bị đè bẹp hay thất vọng. Tình yêu của Người luôn kiên định, không thay đổi, không điều kiện, và không bao giờ hết. Không gì có thể ngăn cản Người rời bỏ chúng ta, phớt lờ chúng ta, hay đối xử tệ bạc với chúng ta bao giờ. Người vẫn mãi yêu thương chúng ta cho dù thế nào đi nữa. Đó chính là bản tính yêu thương của Người. Đó là lý do tại sao Người tạo dựng nên chúng ta – để kết hiệp với Người và chia sẻ tình yêu của Người và sự hiệp nhất với người khác (1Ga 3,1). Thiên Chúa có 3 Ngôi vị: Cha, Con, và Thánh Thần, là một cộng đồng tình yêu. Đó là lý do tại sao Ðức Giêsu thách đố các môn đệ và thậm chí những người bà con thân thuộc của mình nhận ra rằng Thiên Chúa chính là nguồn gốc thật sự của tất cả mọi mối quan hệ. Thiên Chúa muốn tất cả mọi quan hệ của chúng ta phải được ăn rễ trong tình yêu của Người.

Chúa Giêsu ban cho mỗi một người chúng ta mối quan hệ cá vị với chính Người

Ðức Giêsu là hiện thân tình yêu Thiên Chúa – tình yêu Thiên Chúa thể hiện cách minh nhiên trong xác phàm (1Ga 4,9-10). Đó là lý do Ðức Giêsu mô tả chính mình như người mục tử tốt lành, người dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên, và là người mục tử đi tìm con chiên lạc. Thiên Chúa giống như người cha chờ mong đứa con hoang đàng quay về nhà và thiết đãi bữa tiệc lớn cho người con, khi hắn đổi lòng và trở về (Lc 15,11-32). Ðức Giêsu dâng hiến mạng sống mình trên thập giá vì phần rỗi chúng ta, để chúng ta có thể được tha thứ và được phục hồi sự kết hiệp và tình bằng hữu với Thiên Chúa. Ngang qua Ðức Giêsu mà chúng ta trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa. Đó là lý do Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng họ sẽ có nhiều bạn bè và những mối quan hệ gia đình trong nước Người. Ai thực hiện ý Thiên Chúa là bạn hữu của Chúa và là thành viên trong gia đình của Người – những người con đã được mua chuộc bằng giá máu châu báu của Đức Kitô.

 

Chúa muốn biến đổi tất cả mối quan hệ của chúng ta để chúng ta có thể yêu như Người yêu

Một tín hữu tử đạo thời xưa đã nói rằng “Bà con thân thuộc của người tín hữu chính là các thánh” – tức là những người đã được cứu chuộc bằng giá máu của Đức Kitô và được làm dưỡng tử của Thiên Chúa. Những ai đã được thanh tẩy trong Đức Giêsu Kitô và những ai sống như những người môn đệ của Người sẽ được gia nhập vào một gia đình mới, một gia đình của “các thánh” tại đây ở thế gian và trên Thiên đàng. Đức Giêsu thay đổi trật tự của những mối quan hệ và bày tỏ cho thấy rằng mối quan hệ họ hàng thật sự không chỉ dựa trên vấn đề thân xác và huyết thống. Ơn làm con Thiên Chúa biến đổi tất cả mọi mối quan hệ của chúng ta và đòi hỏi một trật tự mới của lòng trung thành với Thiên Chúa trước hết và với vương quốc công chính và bình an của Người. Bạn có muốn lớn lên trong tình yêu và tình bằng hữu không? Hãy để cho Thần Khí Chúa biến đổi lòng, trí, và ý chí các bạn để giúp bạn yêu thương cách tự do và quảng đại như Người yêu thương.

Lạy Cha trên trời, Cha là nguồn mạch tất cả mọi mối quan hệ và tình yêu. Trong tất cả mọi mối quan hệ của con, chớ gì tình yêu của Cha là sự hướng dẫn liên tục của con trong việc chọn lựa những gì tốt lành và khước từ những gì trái ngược với ý Cha.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây