Kỳ Thị Vùng Miền

Thứ tư - 23/03/2022 04:17
KỲ THỊ VÙNG MIỀN

Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh


1.Kinh Thánh đã diễn tả việc con người tản mác đi nhiều vùng miền và nói tiếng khác nhau bằng câu chuyện Tháp Baben (x.St 11,1-9). Nguyên do chính yếu của việc phân tán nầy là do kiêu ngạo nên bị Chúa phạt. Con người kiêu ngạo, tự hào về mình, về thành quả của mình và tự cho mình có thể ngang bằng Thiên Chúa. Tội nầy, nơi bản chất của nó, không khác gì tội mà bà Eva ngày xưa đã phạm trong Vườn Eđen và hậu quả cũng giống như thế: con người từ chối Thiên Chúa nên không hiểu nhau và đổ lỗi cho nhau (x.St 3,12-14). Kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu sinh ra mọi thứ tội khác.

2.Chúng ta được tạo thành bởi một người Cha là Thiên Chúa và giống hình ảnh Người. Chúa trao phó cho con người trách nhiệm cai quản vũ trụ để tiếp tục công trình Sáng Tạo và Quan Phòng của Chúa. Do đó, con người không thể co cụm lại một nơi với nhau, nhưng phải ra đi khắp nơi để hoàn thành trách nhiệm chung, với khả năng và công việc riêng của mỗi người. Địa lý, khí hậu, phong thổ, ảnh hưởng đến cuộc sống, khiến con người phải tìm mọi cách để thích nghi. Nhà ở, thực phẩm, y phục…tiếng nói, màu da, sức vóc, tính tình, lối xử sự, cũng bị những yếu tố nầy ảnh hưởng. Lâu dài trở thành phong tục, thành nếp, khiến người ta không còn có cùng một cuộc sống xã hội giống nhau. Mỗi vùng miền có bản sắc, có những nét riêng biệt. Ngay trong một nước, mỗi vùng cũng có những đặc điểm riêng. Thực vật, động vật cũng chịu chung luật biến hoá nầy. Ở đất nước chúng ta ba vùng có giọng nói, tính tình, phong tục khác nhau. Ngay cả người của những làng xã cận kề nhau mà giọng nói cũng còn khác nhau. Ở quê hương Hà Tĩnh của tôi, hai làng chỉ cách nhau một con sông mà bên nầy giọng nói khác bên kia. Sự khác biệt nói lên sự phong phú đa dạng của dân tộc. Qua câu chuyện nàng Âu Cơ đẻ một trăm cái trứng, nở thành một trăm người con, năm mươi lên núi, năm mươi xuống biển, cha ông chúng ta không những muốn xác định Việt Nam là một dân tộc hiệp nhất, có chủ quyền toàn vẹn trên núi rừng biển cả, mà còn diễn tả rằng dân tộc nầy phong phú, nhiều màu sắc và nhắc nhở con cháu phải luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để gìn giữ bảo vệ những tài sản quý giá đó.

3.Tuy nhiên, hầu như chúng ta quên điều cha ông căn dặn, cả câu chuyện Bó Đũa với ý nghĩa thâm sâu để đời cũng không nhớ. Những thế lực xâm lăng phá vỡ sự đoàn kết keo sơn của Dân Tộc bằng việc phân chia vùng miền, tạo thế cạnh tranh, chia rẽ giữa vùng nầy với vùng nọ, hầu để dễ bề thống trị. Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ trở nên đối kháng, dị ứng với nhau, không còn tạo được sức mạnh toàn bộ mà chống quân xâm lược. Chúng ta bị sập bẫy và vô tình hưởng ứng kế hoạch của ngoại bang. Ba miền có ba cái “kỳ” và hoá ra miền nào cũng kỳ cả, khiến ba miền kỳ thị với nhau. Tôi nhớ không lầm thì đã có nhiều diễn đàn trong nước đề cập đến tính vùng miền, tinh thần địa phương, nhưng có ít tiếng vang và phản hồi, rồi đâu cũng vào đó. Bắc cũng giữ cái kỳ của Bắc, Trung cũng giữ cái kỳ của Trung, Nam cũng giữ cái kỳ của Nam. Miền nầy chê, tranh dành ảnh hưởng với miền kia. Chức vụ nầy chỉ dành cho người miền nầy, người miền kia không được: công nhận anh ta giỏi, có khả năng, nhưng không “làm quan” ở đây được, rừng nào cọp nấy, vì anh ta không phải người cùng quê chúng mình! Nghe tiếng nói, biết quê quán của ai đó, tự nhiên thành kiến làm dị ứng về mọi chuyện về người,về vùng đó, và đưa đến đánh giá sai lạc. Tính tình, cách cư xử của mỗi người cũng bị ảnh hưởng do đời sống kinh tế và xã hội. Một người ở vùng núi, phong thổ khắc nghiệt, phải chiến đấu với thiên nhiên để tồn tại thì tính tình của họ khác với một người ở đồng bằng ít phải phấn đấu. Một người làm nghề nông, phải vất vả mưa nắng và kiên nhẫn qua nhiều ngày tháng mới có được đồng tiền, bát gạo, thì họ coi trọng và chi tiêu tiện tặn, khác với người làm biển, người ở phố thị buôn bán, đồng tiền kiếm được mau chóng và dễ dàng, nên chi tiêu cũng thoải mái hơn. Người ở miền núi, miền quê, ít giao tiếp, tính tình cứng cỏi nhưng đơn thật. Người ở phố thị buôn bán, phải giao tiếp mềm mỏng khéo léo, nên nhiều khi đưa đến giả dối. Không thể nêu hết những ảnh hưởng của vùng địa lý mình ở. Nói chung ở đâu cũng có người tốt người xấu, ở đâu cũng có điều hay điều dở. Sự kỳ thị có thể phát sinh do va chạm thực tế, do một sự việc không hay nào đó trong quá khứ của một thành phần cá biệt nào đó, khiến gây ấn tượng, rồi người ta cứ nhân lên, cứ thế thành kiến mỗi ngày một dày thêm và khó mà xoá bỏ được.

4.Ngoài đời đã vậy, nhưng trong đạo, bức tường vô hình nầy cũng có khi chia cắt chúng ta, mặc dầu hàng ngày chúng ta vẫn nghe giáo huấn của Chúa, của Giáo Hội. Chuyện nầy đã có từ xa xưa rồi. Thánh Phaolô trong các bức thư gửi cho các giáo đoàn luôn nhắc nhở về điều nầy:
          -“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể…” (Rm 12, 4-5).
          -“Không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, tự do, nhưng chỉ có một Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,11).
          -Khi có người nói: “Tôi, tôi thuộc về Phao-lô, và người khác: Tôi, tôi thuộc về A-pô-lô, thì anh em chẳng là người phàm tục sao? Vậy A-pô-lô là gì ? Phao-lô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin […].Tôi trồng, A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3, 4-6).

5.Ai cũng có quê quán, quê hương của mình. Chúng ta có quyền gắn bó, hãnh diện về quê hương, yêu mến những đồng hương. Nhưng điều nầy không cho phép chúng ta coi thường người khác, kỳ thị và chia rẽ. Làm như vậy, vừa trái với tư cách của một người có văn hoá văn minh, mà nhất là không phù hợp với người Kitô hữu vì đi ngược với giáo huấn của Chúa và Giáo Hội. Trong một thân thể, có bao giờ các chi thể lại ghét nhau, đấm đá nhau, loại bỏ nhau? Tay đấu với chân, với đầu, với tai? Chỉ có ngưởi điên mới làm như vậy! Ấy thế mà điều nầy lại xảy ra giữa chúng ta, những người cùng một Thân Thể Mầu Nhiệm mà Đức Kitô là Đầu. Mỗi ngày chúng ta vẫn đọc: yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như mình ta vậy amen! Lạy Cha chúng con ở trên trời! Kinh hạt chúng ta vẫn đọc to tiếng, bài hát về yêu thương đoàn kết chúng ta hát thuộc lòng, lễ lạy chúng ta tham dự đầy đủ, nhưng thực hành thì ít oi! Giáo Hội đang cổ võ chúng ta Hiệp Nhất và Đồng Hành với nhau, chúng ta không nghe, không chú ý sao? Giáo phận của tôi thì Giám mục phải là người cùng quê với tôi, người ở miền khác đến là không hợp, là dị ứng! Giáo xứ của “choa”[1] thì cha xứ phải là người làng choa. Cha người làng choa đi coi xứ làng khác thì được, còn cha chỗ khác đến coi xứ làng choa thì không được, tại sao vậy? Óc kiêu ngạo, tự tôn “quê mình” làm cho chúng ta mù quáng, sai lầm. Chính tôi chứng kiến: Giám mục Giáo Phận bổ nhiệm một linh mục về coi một giáo xứ không phải là người cùng quê với họ. Được tin nầy, một số thành phần xấu lôi kéo giáo dân trong xứ phản đối, bôi nhọ, chê bai…Ngày Giám mục đưa cha quản xứ mới về nhậm chức, giáo dân đi đón thưa thớt, Hội Đồng Giáo xứ tránh mặt, chỉ cài lại một thành viên tiếp Đức Cha. Thật là vô lễ, thiếu giáo dục, thiếu tinh thần vâng phục kính trọng Hội Thánh. Đức Cha nhẫn nhịn chịu đựng, nên cho qua mà không có hình phạt nào. Đây là biểu hiệu đức tin không có việc làm, đức tin chết, đời sống đạo hời hợt (x.Gc 2,17), chỉ có kinh hạt rước xách bên ngoài, giả chước. Người của Chúa sai đến mà còn chưa đón nhận được thì làm sao mà yêu được mọi người, yêu được kẻ thù?

6.Khi tôi đi tu lúc 11 tuổi, học ở chủng viện địa phận gốc của mình 3 năm, học với các chú gốc người Hà Nội, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Thái Bình 2 năm ở Chợ Lớn, và 2 năm cuối, cả mấy địa phận nầy cùng học ở chủng viện địa phận Phát Diệm ở Phú Nhuận. Lên Đại chủng viện Xuân Bích Huế, tôi học chung với các thầy người Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Nha Trang. Chúng tôi thuộc nhiều địa phận khác khác nhau nhưng vui vẻ học tập với nhau. Tôi học được các thầy ở các địa phận khác nhiều điều hay về tính tình, văn hoá, phong tục, nhân bản, đời sống tu trì…Mỗi nơi đều có hay dở. Hay thì mình học, dở thì mình rút kinh nghiệm mà tránh. Bạn bè thân thiết nhất của tôi không phải là người cùng quê mà là người ở những miền khác. Những năm du học ở Pháp, tôi ở chung trong nhà Saint Sulpice với đủ thứ người: Việt Nam, Pháp, Ireland, Anh, Mỹ, Hồng Kông, Ấn Độ, Li băng, Phi Châu, da màu, da trắng…Chúng tôi sống chung, ăn uống chung, hoà đồng với nhau, tôn trọng nhau, vui vẻ, giúp đỡ nhau học tập, chẳng bao giờ đề cập đến màu da, phong tục, chê dân nầy chê dân kia. Tôi được Cha Bề Trên Nhà nhờ phụ trách một cộng đoàn giáo dân người Pháp, tôi sinh hoạt với họ, dâng thánh lễ, ban các bí tích. Họ tiếp đón vui vẻ, nói chuyện, mời về nhà ăn cơm, không phân biệt mình là người VN, trước đây là dân thuộc địa của họ. Họ kính trọng vì mình là linh mục chứ không phải vì mình là người Pháp, người Mỹ. Ở Đại Học cũng vậy, sinh viên đủ màu da, đủ tuổi tác...học kém thì dầu là người Pháp cũng phải học lại. Các giáo sư không phân biệt, ưu tiên cho ai cả.

7.Về tới VN thì thấy bóng dáng kỳ thị vùng miền ở nhiều nơi, nhất là những nơi mà người cùng quê sống với nhau trong một xứ, một địa phận. Một bức tranh đẹp thì họa sĩ đâu dùng chỉ một màu mà ông thích, nhưng pha trộn nhiều màu sắc, màu nầy tôn vẻ đẹp của màu kia lên; có khi những màu ta cho là xấu, nhưng nó lại cần thiết. Một vườn hoa toàn là hoa hồng đỏ thì cũng đẹp đó, nhưng xem một lúc là chán, cần có những loại hoa khác tô điểm vào thì hoa hồng mới nổi bật. Một bản nhạc hay phải có nốt trầm nốt bổng, dấu thăng dấu giáng, rồi có cả đảo phách ở cuối nữa. Nếu Chúa tạo dựng toàn là những người đánh cá, sản xuất lúa gạo, thì lấy áo quần đâu mà mặc, khi bệnh tật ai chăm sóc khám bệnh, thuốc men? Thế giới nầy sẽ nghèo nàn lắm. Ngày nay xã hội đã mở rộng, gần nhau, liên kết với nhau và hỗ trợ cho nhau. Đừng sống như con ếch dưới đáy giếng, chỉ thấy bầu trời bằng miệng giếng, chỉ nghe tiếng oang oác của mình, cho tiếng mình to như tiếng sấm, và nghĩ mình là nhất, ai cũng nể sợ. Hãy ra khỏi ranh giới nhỏ hẹp của mình, mở mắt to hơn mà nhìn tứ phía, để học những điều hay của người khác, rồi thấy lòng tự tôn, tính kiêu ngạo của mình là không đáng gì! Các bạn ở thế hệ trẻ hôm nay có thể đã hay đang là nạn nhân của sự kỳ thị vùng miền: khi đi học xa bị bạn bè miền khác chế diễu; khi đi xin việc làm bị đánh rớt vì quê quán, vì nghe giọng nói của bạn; khi muốn lập gia đình, đem người yêu về giới thiệu, bị cha mẹ, anh em cấm đoán, chỉ vì người yêu của bạn là người miền nầy miền nọ mà họ có thành kiến, không ưa. Đừng nhớ những bài học kỳ thị cha ông để lại, hãy nỗ lực cổ võ bao dung, đoàn kết, yêu thương nơi bạn bè, làng xóm, giáo xứ, giáo phận của mình. Mong những người có trách nhiệm, khi chọn người, thì đừng xét tiêu chuẩn địa phương, vùng miền, mà hãy xem lòng đạo đức, khả năng, lòng nhiệt thành của họ và xem việc để tìm người, chứ không tìm người để xếp việc. Mong các mục tử thế hệ trẻ luôn cản ngăn những cá nhân, những phe nhóm chủ trương và xách động kỳ thị trong giáo xứ, trong vùng miền của mình. Đây là công tác mục vụ quan trọng có tính truyền giáo mà nhiều khi chúng ta không lưu ý. Mong những người nam nữ sống đời thánh hiến hãy nêu gương sáng cho thế gian về lòng bác ái, sự bao dung, đoàn kết trong các Cộng Đoàn của mình (x. 1Cr 16,14). Ước mong giáo dân yêu mến, kính trọng và vui vẻ  đón nhận mọi mục tử, mà không phân biệt, được Chúa và Giáo Hội sai đến. Giáo Hội đang quyết liệt cổ võ chúng ta Hiệp nhất và Đồng hành với nhau trong cuộc Hành Trình Đức tin, coi chừng chúng ta nghe mà ít làm đó!
                                                          ***                                                                                                               
Chúa Giêsu đã cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha: “Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (x.Ga 17, 21). Lời cầu xin nầy không biết khi nào mới thành sự thật, nếu họ không nghe? Không thực hành?
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35)
“Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? […] Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5,46-47).
                                                                   (Mùa sám hối 2022)


 
 

[1] Một vài vùng miền Trung từ “choa” có nghĩa là chúng tôi, chúng tao.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây