Chúa Nhật XXV Thường Niên năm A
Thứ sáu - 22/09/2023 04:12
Tin Mừng: Mt 20,1-16a
Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?
1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ : ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?’ 7 Họ đáp : ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý : ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà : 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ : ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”
SUY NIỆM 1: LÒNG QUẢNG ĐẠI CỦA THIÊN CHÚA - LM. PHÊRÔ NGUYỄN TRỌNG CHỨC
“Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15)
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ
Người biểu diễn xiếc trên dây phải giữ thăng bằng trên dây để khỏi rơi xuống đất. Người công bằng cũng tựa như người đi trên dây. Họ luôn sống ngay thẳng theo lẽ phải, không thiên vị, không thành kiến, không kỳ thị. Sự công bằng làm nên một xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Không ai bằng lòng khi thấy mình đã bỏ ra nhiều nổ lực, nhưng thành quả thu về lại ngang bằng với những người ít nổ lực hơn mình. Như vậy là bất công theo kiểu “không làm mà muốn có ăn”!
Tuy nhiên, chúng ta lại thường áp đặt tư tưởng của mình cho Thiên Chúa. Chúng ta cứ nghĩ Thiên Chúa sống công bằng như chúng ta. Không phải như thế. Thiên Chúa đã bày tỏ điều này qua môi miệng ngôn sứ Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9). Lý luận của Thiên Chúa khác với lý luận của con người. Những gì có vẻ là hợp lý và công bằng đối với chúng ta, nhưng lại có thể khác với những gì của Thiên Chúa. Vậy khác biệt ở chỗ nào?
1. Lòng nghen tỵ của con người
Mở đầu dụ ngôn “ông chủ mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình” là một bối cảnh quen thuộc ở miền đất Palestine vào thời Chúa Giêsu: Những người thợ tập trung tại một địa điểm thường được biết đến với hy vọng được thuê làm việc trong ngày, đặc biệt là trong thời gian thu hoạch. Ông chủ vườn nho tuyển những công nhân từ tảng sáng cho đến giờ thứ mười một. Những công này được chia thành hai nhóm: nhóm người đầu tiên được mướn từ tảng sáng (tức là 6 giờ) và nhóm người thứ hai được mướn từ “giờ thứ ba” (tức là 9 giờ) cho đến “giờ thứ mười một” (tức là 17 giờ).
Như mọi dụ ngôn của Chúa Giêsu, chúng ta không cần cố gắng gán một ý nghĩa cụ thể cho từng chi tiết của câu chuyện; thay vào đó, hãy tập trung vào điểm cao trào: đó là lúc trả tiền công. Khi ngày làm công kết thúc, ông chủ sai người quản lý trả tiền công cho họ. Những người làm ở giờ đầu tiên thấy cách ông chủ trả tiền cho những người làm ở giờ thứ mười một ngang bằng mình thì cằn nhằn. Tại sao họ lại phản ứng như vậy?
Họ cảm thấy có điều đó bất công. Họ muốn ông chủ phải trả cho người làm sau chót thấp hơn, không thể ngang bằng với họ được. Thế nhưng ông chủ không bất công với họ. Ở nhóm thứ nhất, ông chủ thỏa thuận trước với họ một quan tiền một ngày công, rồi sau mới sai họ đi làm vườn nho. Trái lại, ở nhóm thứ hai, ông chủ chỉ hứa “sẽ trả cho họ hợp lẽ công bằng” và ra lệnh cho họ “hãy đi vào vườn nho”. Như thế, với nhóm thứ nhất, ông chủ cử xử theo lẽ công bằng, còn với nhóm thứ hai là theo lòng tốt. Vấn đề ở chỗ là những công nhân ở giờ thứ nhất mang trong lòng sự ghen tị.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường muốn có nhiều hơn người khác, nên chúng ta rơi vào cái bẫy của sự ghen tị. William Shakespeare gọi sự ghen tị là “con quái vật mắt xanh”. Con quái vật đe dọa ăn thịt ai đó, thậm chí là người thân của mình. Thánh Tôma Aquinô coi ghen tị là “buồn phiền vì điều tốt của người khác”. Trong sự ghen tị, chúng ta có xu hướng quên đi những ơn lành của mình và buồn bực trước những ơn lành của người khác. Đây chính là điều mà những làm vườn nho phàn nàn đã thể hiện trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay. Khi hàng xóm của mình xây một ngôi nhà mới, hoặc mua thêm một mảnh đất, hoặc mua một chiếc xe hơi, hoặc thu hoạch hoa mầu được mùa, hoặc bán vật nuôi được giá; khi con cái của họ thi đậu vào trường cấp ba hoặc đại học, hoặc kiếm được việc làm có thu nhập cao, chúng ta thường nhìn họ với cặp mắt xanh của con quái vật, thường bĩu môi xem thường nổ lực của họ. Nếu không được kiểm soát, thì lòng ghen tị khiến chúng ta làm tổn thương người khác bằng cách làm tổn hại đến danh tiếng của họ.
Lời này Chúa cũng sẽ nói với chúng ta: “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”, mà dịch sát nghĩa là: “Hay con mắt bạn xấu vì tôi tốt lành?”. Lòng quảng đại của Chúa có thể khiến chúng ta tức giận vì nghĩ rằng nếu chúng ta muốn chiến thắng, thì những người khác phải bị bỏ lại phía sau, rằng chúng ta không thể hạnh phúc trừ khi những người khác khổ sở.
2. Lòng quảng đại của Thiên Chúa
Khi đọc dụ ngôn này, chúng ta có xu hướng đồng ý với quan điểm của những người làm việc 12 tiếng mệt mỏi nhưng không nhận được nhiều hơn một xu so với những người chỉ làm việc một giờ. Tuy nhiên, để suy nghĩ của chúng ta trở nên giống suy nghĩ của Chúa hơn và đường lối của chúng ta giống đường lối của Chúa hơn, trước tiên chúng ta phải hiểu bối cảnh của dụ ngôn.
Chúa Giêsu dùng câu chuyện này để rao giảng cho người Do Thái về ơn cứu độ. Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái đã là dân được Chúa chọn từ thời tổ phụ Ápraham. Đột nhiên, một người thợ mộc ở làng quê Nazareth, người đã làm “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2,22), lại nói rằng những người khác - những người dân ngoại, ngay cả những cô gái điếm và những người thu thuế, cũng sẽ nhận được cùng một “mức lương”, đó là ơn cứu độ, mà điều đó dường như không công bằng với họ. Chẳng phải là những người đã tuân giữ Luật Môsê một cách chính xác và chặt chẽ được hưởng một điều gì đó đặc biệt sao? Nhiều Kitô hữu cũng rơi vào lối suy nghĩ đó: Mình theo Đạo lúc nằm nôi thì sẽ được hưởng những đặc ân hơn những người theo Đạo lúc gần đất xa trời.
Lòng quảng đại của Chúa khi sẵn lòng ban ơn cứu độ cho người khác, giống như Chúa đã làm với kẻ trộm lành trên thập giá, khiến chúng ta ghen tị. Nhưng chúng ta đã sai lầm khi coi ơn cứu độ như là phần thưởng do công trạng của mình chứ không phải do ân sủng của Chúa. Khi kể dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra rằng rất có thể nhiều người trong chúng ta vẫn còn đang đứng ở ngoài chợ! Chúng ta có thể thường xuyên đi lễ tại giáo xứ, nhưng chúng ta vẫn đứng bên ngoài với những sinh hoạt của giáo xứ, vẫn chưa xắn tay áo lên như những người lao động đang làm việc cực nhọc để góp phần xây dựng giáo xứ. Câu hỏi này được đặt ra cho mỗi chúng ta: Tôi đã dành bao nhiêu thời gian, của cải, công sức, tài năng mà Chúa đã ban cho tôi cho Vườn Nho của Chúa là giáo xứ tôi đang sống?
Trong dụ ngôn, chúng ta thấy ông chủ đã ra ngoài chợ năm lần (6g, 9g, 12g, 15g và 17g) để thuê tất cả những người ở đó. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta làm việc, bởi vì đó là cách chúng ta sẽ trưởng thành với tư cách là môn đệ và bắt đầu nhìn mọi việc theo cái nhìn của Chúa. Chúa Giêsu nhìn thẳng vào mắt mỗi người chúng ta và nói: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Nếu chúng ta xắn tay áo lên đi làm vườn nho của Chúa, thì Chúa sẽ ban cho mỗi người chúng ta phần thưởng hào phóng là cuộc sống vĩnh cửu.
Thánh Phaolô có thể nói là người thợ được Chúa gọi vào làm vườn nho của Chúa không phải vào giờ đầu tiên. Thế nhưng, ngài đã bày tỏ tình yêu mình dành cho Thiên Chúa và Tin Mừng không kém gì các tông đồ khác được Chúa gọi vào vườn nho của Chúa từ lúc tảng sáng. Do đó, lời này: “Dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,20c-21) thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Philipphê là một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và vào bất cứ điều gì Chúa đã hoạch định cho chúng ta, giống như Chúa đã hướng dẫn thánh Phaolô trong bất cứ điều gì Chúa muốn ngài làm.
Với lòng quảng đại của mình, Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1 Tm 2,4). Không quan trọng chúng đã theo Đạo bao lâu mà quan trọng là chúng ta theo Đạo như thế nào. Không quan trọng ai đến trước mà quan trọng là ai dâng hiến bản thân một cách chân thành. Bất cứ điều gì chúng ta nhận được từ Chúa không phải là một quyền lợi mà là một đặc ân. Chúng ta hãy hài lòng với những gì mình có và vui mừng với những gì người khác có. Lòng ghen tị là một trong những thử thách lớn nhất cản trở dòng ân sủng. Vì vậy, để vượt qua thử thách này, chúng ta hãy nhận diện và đón nhận lòng quảng đại của Chúa trong đời sống mình; vui mừng vì sự thịnh vượng và thành đạt của người khác; học cách rộng lượng, ít nghĩ đến bản thân và giúp đỡ những người thiếu thốn hơn mình.
Tóm lại, Thiên Chúa có những đường lối riêng của Ngài khác với chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta theo những cách khác nhau và vào những giờ khác nhau, nhưng đều ban cho chúng ta cùng một phần thưởng. Do đó, ơn cứu độ, Nước Trời, như một món quà vượt quá mọi mong đợi của con người, không phải do chúng ta kiếm được, mà là do lòng quảng đại của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đối xử tốt với hết thảy mọi người, xin cho chúng con biết sống quảng đại để hiến dâng bản thân phục vụ Chúa và tha nhân. Amen.
SUY NIỆM 2: LUẬT YÊU THƯƠNG - Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Tuần XXV Thường Niên, Năm A này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã thu gọn toàn thể lề luật thánh vào giới răn độc nhất là mến Chúa yêu người, chúng ta phải xin cho mình: hằng vâng giữ điều Chúa truyền dạy, để sau này đạt tới phúc trường sinh.
Khi nghe nói tới điều răn, giới luật, chúng ta thường nghĩ ngay tới điều gì đó cứng nhắc, khuôn khổ. Tuy nhiên, giới răn yêu thương của Chúa không phải là một định đề toán học, chính xác, minh bạch, rõ ràng như: một cộng một bằng hai.
Luật yêu thương của Chúa thì luôn sống động, tươi mới, thích ứng trong mọi tình huống, ngay cả, trong những hoàn cảnh bất ngờ, vượt quá trí hiểu của loài người chúng ta, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Isaia đã nói: Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Điều này cũng được nói đến trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, khi dân chúng không hiểu những gì ngôn sứ Êdêkien đã làm theo lệnh Đức Chúa, và họ đã hỏi ông: “Ông không cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu những gì ông đã làm sao?”
Đường lối, giới luật của Chúa thật khó hiểu, nhưng vịnh gia, trong Thánh Vịnh 144 của bài Đáp Ca hôm nay, vẫn tin tưởng rằng: Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người. Bởi vì, huấn lệnh Chúa vượt quá sức hiểu của chúng ta, nên chúng ta phải xin Chúa mở lòng chúng ta, để chúng ta lắng nghe lời của Con Chúa như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay.
Trí khôn của chúng ta không có khả năng để tách bạch rõ ràng đường lối, huấn lệnh của Chúa, nên chúng ta thường bị đặt ở ngã ba đường, như thánh Phaolô trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngài bị giằng co giữa hai đàng: Ao ước của ngài là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần, nhưng, ở lại đời này thì cần thiết hơn cho các tín hữu. Thánh nhân sống giới luật yêu thương của Chúa bằng cách đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Vì Tin Mừng, ngài đã trở nên tất cả để hoà mình với mọi người, để mọi người cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh cũng cùng chung tâm tình với thánh Phaolô, khi ngài đề cập đến các Kitô đau yếu, bất toại cần được những người vững mạnh khiêng đến, dở mái nhà, và đặt xuống trước Chúa. Ngài cũng trấn an chúng ta khi gặp những thử thách, mặc dù chúng ta không thể hiểu được, nhưng, vẫn cứ vững tin rằng: Khi để chúng ta bị thử thách, Chúa sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để chúng ta có sức chịu đựng.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng gây thắc mắc cho nhiều người về việc trả công của ông chủ vườn nho, khi ông trả cho người vào làm sau hết cũng bằng với những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt. Chúa có đường lối riêng của Chúa, Chúa không hành xử theo luật của người đời, nhưng, theo luật tình yêu của Chúa.
Khi suy niệm các bản văn Lời Chúa của Chúa Nhật Tuần 25 này, chúng ta nhận thấy rằng: Chúa muốn chúng ta sống giới luật yêu thương của Chúa từ sự nhận biết, chứ không như các Kinh Sư, Pharisêu, họ không biết việc họ làm. Luật Chúa không như đường sắt để hàng ngày các đoàn tàu chạy lên. Luật Chúa như một dòng sông chảy xuống từ đỉnh núi, xuôi ra đại dương. Dòng sông sống động, không chảy theo một bản đồ nào, không nhân tạo như những con kênh đào thẳng tắp. Dòng sông chảy tự do, nhưng vẫn đi tới đại dương. Kênh đào không có những khúc ngoặt tự nhiên, bất ngờ, nó thẳng băng như hình học. Dòng sông thì ngoằn ngoèo, khi chảy xuôi phương Nam, lúc ngược về phương Bắc, khi chảy nhanh, lúc chảy chậm, chảy qua những vùng đất khác nhau, có những tính chất khác nhau, khí hậu khác nhau, chấp nhận những khúc quanh đột ngột, không bị bó buộc, không như nô lệ, tù nhân có người giám sát, nó tự do chảy, mỗi bước đi đều là vẻ đẹp riêng của nó.
Luật yêu thương của Chúa thì linh động, thích ứng với những hoàn cảnh cụ thể, đầy tràn tình yêu, và sự sống. Tuân giữ luật trọn hảo không hề có một công thức cố định nào, tất cả đều tùy thuộc vào những đòi hỏi của tình yêu đích thực, một tình yêu cứu chuộc của Đấng sẵn sàng thí mạng vì chúng ta. Ước gì chúng ta tuân giữ Luật yêu thương của Chúa với một tình yêu bao dung, rộng mở để chúng ta sau này đạt tới phúc trường sinh như Lời Tổng Nguyện mà các nhà phụng đã muốn chúng ta xin trong suốt Tuần 25 Thường Niên này.
SUY NIỆM 3: Vì tôi tốt bụng – Lm Nguyễn Cao Siêu.
Suy niệm:
Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giêsu
ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy:
“Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”
Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài.
Họ sẽ được xét xử các chi tộc Israel, được gấp trăm về mọi sự,
và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30).
Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng,
một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh.
Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên.
Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau,
nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa.
Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng,
thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng.
Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.
Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó.
Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ông chủ độ lượng”.
Trong thế giới thời Đức Giêsu, người ta mướn thợ buổi sáng
và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15).
Lương công nhật là một quan tiền (denarius),
tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.
Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích.
Ông chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý.
Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6)
lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần.
Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng,
còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4).
Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối.
Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường
với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước.
Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều)
cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền.
Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm,
“đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12).
Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.
Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ
để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.
Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy.
Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả
khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.
Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công.
Bất công nằm ở chỗ làm nhiều, làm ít, nhận lương như nhau.
Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,
vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.
Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất,
những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa.
“Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14).
Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh:
đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa.
Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối,
người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít.
“Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn
với tài sản của tôi sao?” (c. 15).
Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn.
Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người.
Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12).
“Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15).
Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng,
ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.
Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành,
đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân.
Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một.
Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời.
Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng.
Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh.
Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban
hơn là một sự trả công hay phần thưởng.
Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người.
Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành.
Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời.
Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn.
Ông chủ vườn nho thương cả những người
đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn.
Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?
Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ?
Chắc chẳng được bao nhiêu.
Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày.
Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một,
“những người không được ai mướn” (c.7),
những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời,
những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao.
chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.
Những người này khác với những người làm từ sáng,
biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền.
Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hĩ.
Nhưng chắc là đã có những tiếng reo.
Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế,
kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân…
Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên
vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ,
quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng.
Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người
mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.
Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho.
Người còn thấy cả thời gian chờ.
Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc.
Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa,
Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ,
vì lòng tốt của Ngài không sao hiểu được.
Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.
Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui.
Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa.
Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
SUY NIỆM 4: Lòng tốt của Thiên Chúa
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)
Tin Mừng Mt 20, 1-16: Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” với hình ảnh ông chủ vườn nho năm lần đi kiếm người làm vườn vào những thời điểm khác nhau chứa đựng một huấn giáo thiêng liêng: lòng quảng đại vượt trên lẽ công bình,Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng tốt của Ngài...
***
Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn “Christi Fideles Laici” về ơn gọi và và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới: “Những thành phần giáo dân trong dân tín hữu Chúa Kitô… hình thành nên Dân Chúa có thể được so sánh với những người làm trong vườn nho được nhắc tới trong Tin Mừng Matthêu…“Anh cũng đi vào vườn nho”…Tiếng gọi là một quan tâm không những cho các Mục tử, các giáo sĩ, những người nam và nữ tu sĩ. Tiếng gọi được gởi tới mọi người; những người giáo dân thường cũng được Chúa kêu gọi đích danh, từ Người họ nhận lãnh một sứ vụ vì Giáo Hội và vì thế giới” (số 1-2).
Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” với hình ảnh ông chủ vườn nho năm lần đi kiếm người làm vườn vào những thời điểm khác nhau chứa đựng một huấn giáo thiêng liêng: lòng quảng đại vượt trên lẽ công bình,Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng tốt của Ngài.
“Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông...”. Giữa một “chợ người” ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật.
Chúa Giêsu đã quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày.
Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận đôi bên.Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau.
Ở Do thái một ngày bắt đầu từ lúc 6 giờ chiều:
- 3 giờ là 9 giờ sáng
- 6 giờ là 12 giờ trưa
- 9 giờ là 3 giờ chiều
- 11 giờ là 5 giờ chiều
1. Lòng ghen tị
Theo lệ thường, công nhật sẽ chấm dứt lúc 12 giờ tức là 6 giờ chiều. 5 giờ chiều ông chủ còn ra thuê nhân công. Những người làm từ giờ 11, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghĩ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động 12 giờ. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ, kẻ khác làm lúc trời đã mát mẻ, họ làm cả ngày dưới trời nắng gió nóng của miền Địa Trung Hải. Họ hụt hẫng và khó chịu với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không là bạn. Vì vậy, sự thành công của ai đó đã trở thành mối đe dọa, ghen tức.
Lòng ghen tị đã xuất hiện từ khởi thuỷ loài người. Cain ghen tị với em trai là Aben chỉ vì lễ vật của Aben được Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật của Cain bị khước từ. Lòng ghen tị đã xui khiến Cain giết em. Đavít là vị anh hùng tài hoa trẻ tuổi đã lập được chiến công oanh liệt, cứu nguy cho dân quân Ítraen bằng cách giao chiến một chọi một với tên Gôliát khổng lồ thuộc phe Philitinh, hạ gục y chỉ bằng một phát ná bắn đá và dùng chính thanh gươm của y mà chặt đầu y. Thế rồi quân Ítraen thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, tràn lên giết hại rất nhiều quân Philitinh thù nghịch. "Khi Đavít thắng trận trở về, phụ nữ từ hết mọi thành của Ítraen kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Saun, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Họ ca hát rằng: "Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn". Thế là từ lúc ấy, lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Saun, khiến nhà vua phóng giáo vào Đavít đang khi Đavít gảy đàn cho vua nghe. May thay Đavít kịp né mình thoát chết trong gang tấc. Rồi sau đó, vua lùng sục Đavít tận thâm sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy. (1Sam 17-18).
Lòng ghen tị làm xấu đi những tương quan tốt đẹp vốn có giữa anh em bạn bè. Lòng ghen tị còn xui khiến người ta làm hại nhau, làm cho xã hội chậm tiến và kém phát triển.
2. Lòng tốt
Ông chủ trả lương như vậy có bất công không? Chắc chắn là không vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận là 1 đồng. Vì người ghen tị lầm bầm than phiền nên ông trả lời: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức?
Đây là điểm chính của dụ ngôn. Hành động của ông chủ không phải là do ông bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành.Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng.
Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài người nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thợ làm giờ thứ 11 là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp Nước Trời. Các thợ cằn nhằn là nhóm Pharisiêu, Luật sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời.
1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính Đức Giêsu nhấn mạnh là Thiên Chúa rộng rãi vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Thiên Chúa trả công không làm thiệt hại ai, luôn công bằng.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, cứng nhắc. Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành của mình, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình. Ngài hào phóng trong tình thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo.
3. Sứ điệp
Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”, cho thấy rõ sự trái ngược giữa lòng tốt của gia chủ và lòng ghen tị của những người thợ vào vườn nho từ sáng sớm. Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, còn chúng ta thì khép chặt lại không muốn tiếp nhận ai. Thiên Chúa nhìn thấy sự đáng thương của những người chưa được làm con cái Ngài, còn chúng ta chỉ nhìn những người anh chị em này một cách tiêu cực và vênh vang cho rằng mình tốt hơn họ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu với người khác. Hãy tránh xa lối nhìn thiển cận theo cảm tính, theo tính vị kỷ, theo quyền lợi cá nhân. Không nên ghen tị khi người khác có tài đức hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn. Hãy bằng lòng với cái mình đang có và cố gắng phát triển nó lên. Ai cũng được Chúa ban cho những khả năng khác nhau. Người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Ngày ra trước mặt Chúa, Chúa không hỏi: con đã làm những gì, làm ông này hay bà nọ. Chúa chỉ hỏi về lòng mến, mến Chúa và yêu thương tha nhân. Con đã yêu mến Thầy và tha nhân không? Chính tình yêu trong công việc là thước đo mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Đó là cung cách sống đạo đền đáp hồng ân.
Hồng ân là một ơn ban dựa vào lòng tốt của người ban ơn. Hồng ân làm cho người lãnh nhận tràn đầy lòng biết ơn. Công lao là tính toán dựa trên công sức người làm việc. Công lao thì cần phải đòi lại điều gì tương xứng bằng tiền lương, bằng đền bù, bằng trả lại theo lẽ công bằng.
Như thế, có một sự khác biệt lớn giữa kiểu sống đạo dựa trên hồng ân và kiểu giữ đạo nhằm vào công trạng. Người ta có thể chấp nhận "giữ đạo" để được "lên thiên đàng". Nhưng người ta cũng có thể "sống đạo" chỉ vì muốn đền đáp một chút nào hồng ân bao la của Thiên Chúa. Kiểu giữ đạo theo công trạng sẽ làm cho người Kitô hữư trở thành "nô lệ", thành "kẻ làm công". Cách sống đạo như một hồng ân làm cho người Kitô hữu trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhờ đó Kitô hữu sẽ nhận ra hồng ân của Chúa nơi mọi sự, khắp mọi nơi, trong mọi lúc, tràn ngập cuộc đời, để biết hân hoan ca tụng Chúa, biết vui mừng vì hồng ân Chúa nơi anh chị em của mình.
Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người được mời vào Giáo hội qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo hội, mọi người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa yêu thương. Đã là yêu thương thì không còn đứng trong ranh giới công bình.Thiên Chúa thưởng công cho ai là tùy lòng tốt của Ngài. Cùng nhau làm việc Tông Đồ Truyền Giáo là bổn phận mỗi người Kitô hữu. Phần thưởng là do lòng tốt Chúa ban. Như thế chúng ta sẽ xây dựng được Nước Trời giữa trần gian.
SUY NIỆM 5: SỰ CÔNG BẰNG – TÌNH THƯƠNG − LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn
Sự công bằng - tình thương, cách nói này có vẻ nghịch lý! Trong tư tưởng của con người, trong cách đối xử với nhau hàng ngày, người ta thường mang lý lẽ ra mà xử với nhau, người ta thường đấu với nhau nhân danh công bằng! Và luân lý công giáo cũng thường nói rằng: không có công bằng thì cũng không có bác ái, nghĩa là nếu đã không có công bằng với nhau thì những điều tự coi là bác ái với người khác chỉ là giả dối, là một thứ che đậy thôi!
Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho vào những giờ khác nhau nhằm nói về những người tội lỗi, về dân ngoại như người thợ được gọi vào giờ thứ mười một, tức là giờ sau cùng, nhưng được Thiên Chúa yêu mến và cử xử đầy tình thương. Những người thợ được gọi vào giờ thứ nhất tượng trưng cho người Do Thái, cách riêng là những người được coi hay tự coi mình là đạo đức . Những người này khó chịu vì nghĩ rằng họ có công hơn và Thiên Chúa phải ưu đãi họ hơn. Nhưng Thiên Chúa không cử xử bất công với họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Mt 20,13).
Cách cư xử của Thiên Chúa không dừng lại ở sự công bằng, nhưng luôn vượt xa bằng lòng thương xót. Những người Do Thái bị lưu đày Babilon ý thức mình đáng phạt vì tội lỗi, nhưng Thiên Chúa thì kêu mời họ sám hối để được Ngài thứ tha, vì tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa khác với loài người (x. Is 55,7-8), luôn luôn là lòng thương xót và thứ tha.
Nét đặc trưng làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, đó là tình thương, lòng nhân ái. Và người nào nói rằng mình biết Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh chị em, bởi vì Thiên Chúa là tình thương (x. 1Ga 4,7-8). Cay cú, gay gắt, ghen tức với nhau thì không thực sự là kitô hữu, bởi vì không có Thiên Chúa! Gia đình nào, cộng đoàn nào có tình thương thì nơi đó thực sự có Thiên Chúa. Có Thiên Chúa trong gia đình, trong cộng đoàn thì thực sự có an vui, hạnh phúc!