G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng về lòng từ nhân thương xót của Chúa Giêsu đón nhận những người tội lỗi. Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Xc. Lc 15,1-32) bắt đầu với một số người phê bình Chúa Giêsu khi thấy Ngài đi với những người thu thuế và tội lỗi, và họ phẫn nộ nói: “Ông ta đón nhận những kẻ tội lỗi và ăn uống với họ” (v.2). Câu này, trong thực tế, biểu lộ một lời loan báo tuyệt vời. Chúa Giêsu đón nhận những người tội lỗi và ăn uống với họ. Đó là điều xảy ra với chúng ta, trong mỗi Thánh lễ, trong mỗi thánh đường: Chúa Giêsu hài lòng đón nhận chúng ta vào bàn tiệc của Ngài, nơi Ngài hiến mình cho chúng ta. Đó là câu nói mà chúng ta có thể viết lên cửa mỗi thánh đường chúng ta: “Tại đây Chúa Giêsu đón nhận những người tội lỗi và mời họ dùng bữa với Ngài”. Và để trả lời cho những người phê bình, Ngài kể 3 dụ ngôn tuyệt vời, chứng tỏ lòng yêu thương ưu tiên Chúa dành cho những người cảm thấy xa Ngài...
Trong dụ ngôn thứ nhất Chúa nói: “Ai trong các ngươi có một trăm con chiên và bị mất đi một con mà lại không để chín mươi chín con chiên trong nơi hoang địa để đi tìm con chiên bị mất?” (v.4). Ai trong các ngươi? Một người có lương tri: làm hai tính toán, và hy sinh một để duy trì chín mươi chín. Trái lại Chúa Giêsu không cam chịu, Ngài quan tâm tới sự kiện bạn chưa biết vẻ đẹp tình thương của Ngài, bạn chưa đón nhận Chúa Giêsu vào trung tâm cuộc sống của bạn, bạn không vượt thắng được tội lỗi của bạn...
Trong dụ ngôn thứ hai, bạn là đồng tiền bé nhỏ mà Chúa không cam chịu mất đi và tìm kiếm khô ngừng; Ngài muốn nói với bạn rằng bạn thật là quý giá trước mắt Ngài, là duy nhất. Không ai có thể thay thế bạn trong con tim của Thiên Chúa...
Và trong dụ ngôn thứ ba, Thiên Chúa là Cha chờ đợi người con hoang đàng trở về: Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, không mệt mỏi, không nản chí. Vì chúng ta, mỗi người chúng ta là người con mà Chúa tìm lại được, là đồng tiền được tìm thấy, là con chiên được vuốt ve và đặt lên vai. Chúa chờ đợi mỗi ngày để chúng ta nhận thức tình thương của Ngài. Bạn nói: nhưng mà tôi đã phạm bao nhiêu tội lỗi, quá nhiều! Bạn đừng sợ: Thiên Chúa yêu thương bạn, như thực trạng của bạn, và biết rằng chỉ có tình thương mới có thể thay đổi đời bạn.
Tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta là những người tội lỗi, chính là con tim của Tin Mừng, tình thương ấy có thể bị từ khước. Đó là điều mà người con trưởng trong dụ ngôn đã làm. Trong tâm trí anh ta có một ông chủ hơn là người cha. Đó là một rủi ro nguy hiểm đối với cả chúng ta: đó là ta tin nơi một vị Chúa nghiêm khắc hơn là từ bi thương xót, một vị Chúa đánh bại sự ác bằng quyền năng hơn là bằng sự tha thứ. Không phải vậy. Thiên Chúa cứu vớt bằng tình thương chứ không phải bằng sức mạnh: Ngài đề nghị chứ không áp đặt. Người con cả không chấp nhận lòng thương xót của cha, đã phạm một lỗi nặng hơn: anh ta coi mình là người công chính và phán đoán mọi sự dựa trên công lý của anh ta. Và thế là anh ta giận dữ với người em và khiển trách cha: “Cha đã giết bê béo khi thằng con của cha trở về” (Xc v.30). Người con ấy, anh ta không gọi là em tôi, nhưng là thằng con của Cha. Cả chúng ta cũng sai lầm khi chúng ta tưởng mình là người công chính, khi chúng ta nghĩ rằng những người xấu xa là những người khác. Chúng ta đừng nghĩ mình là người tốt, vì tự mình, không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa là Đấng tốt lành, chúng ta không biết chiến thắng sự ác ...
Làm sao để chiến thắng sự ác? Thưa bằng cách đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đón nhận sự tha thứ anh em.
Xảy ra mỗi lần chúng ta đi xưng tội, chúng ta đón nhận tình thương của Chúa Cha, Đấng chiến thắng tội lỗi chúng ta: Tội ấy không còn nữa, Thiên Chúa quên tội chúng ta rồi...
Không phải như chúng ta, sau khi nói “không làm gì” khi có cơ hội chúng ta nhớ đến những điều thiệt thòi đã phải chịu với cả những lợi lãi từ đó. Không, Thiên Chúa xóa bỏ sự ác, làm cho chúng ta được đổi mới từ bên trong và qua đó Chúa làm nảy sinh trong chúng ta niềm vui...
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, hãy can đảm lên, đối với Thiên Chúa, tội lỗi không có tiếng nói cuối cùng.
Xin Đức Mẹ là Đấng đã tháo gỡ những khúc mắc của cuộc đời, giải thoát chúng ta khỏi sự tự phụ tưởng mình là người công chính và xin Mẹ làm cho chúng ta cảm thấy cần phải đến gặp Chúa, Đấng chờ đợi, ôm lấy và tha thứ cho chúng ta.
Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mấn, tuần qua đã có cuộc trao đổi tù binh giữa Liên bang Nga và Ucraina, một sự kiện từ lâu vẫn được mong đợi. Tôi vui mừng vì những người được trả tự do, những người đã có thể gặp lại những người thân yêu và tôi tiếp tục cầu nguyện để cuộc xung đột sớm được chấm dứt và cho hòa bình lâu bền tại miền đô Ucraina.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: Hôm qua tại thành phố Forlì có lễ phong chân phước Benedetta Bianchi Porro, qua đời năm 1964 lúc mới 28 tuổi. Trọn cuộc sống, chân phước bị bệnh tật, và Chúa đã ban ơn cho chân phước ơn chịu đựng bệnh tật, đúng hơn là biến đổi bệnh tật thành chứng tá rạng ngời về đức tin và tình thương.
Và hôm nay, 15/09 tại Limburg bên Đức có lễ phong chân phước cho cha Riccardo Henkes, linh mục dòng Pallotin, bị giết vì sự oán ghét đức tin tại trại Tập Trung Dachau năm 1945. Ước gì tấm gương của hai môn đệ can đảm này của Chúa Kitô nâng đỡ con đường nên thánh của chúng ta. Chúng ta hãy vỗ tay chào mừng các vị chân phước mới!
Đức Thánh Cha chào thăm đông đảo các tín hữu hành hương, đặc biệt các tín hữu đến từ Honduras và Bolivia, các doanh nhân trẻ từ Phi châu hoạt động cùng nhau cho tương lai Phi châu, các tham dự viên cuộc hành hương bằng xe hơi điện đến từ Ba Lan.
Đức Thánh Cha cũng chào thăm các binh sĩ nhóm họp để tưởng niệm Vị tôi tớ Chúa, linh mục Granfranco Chiti, nguyên là một thiếu tướng đã giã từ binh nghiệp đi tu dòng Capuchino, các nữ tu dòng hiến sinh Chúa Cứu Thế... Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến một nhóm Unitalsi và cuộc đại hành hương toàn quốc tại Lộ Đức sẽ tiến hành trong những ngày tới đây.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn