G. Trần Đức Anh, O.P. – Roma
Tuy vừa trải qua cuộc tông du khẩn trương và vất vả tại 3 nước miền nam Phi châu, lúc 9 giờ rưỡi sáng Thứ Tư, ngày 11/09/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp kiến các tín hữu hành hương: khoảng 25 ngàn người tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng thu thật đẹp. Trong số các tín hữu hành hương có một đoàn 56 người Việt từ giáo phận San José, bang California Hoa Kỳ.
Ở bên tay trái của Đức Thánh Cha cạnh lễ đài, cũng có 8 giám mục là những người hướng dẫn các đoàn hành hương của giáo phận thuộc quyền.
Sau phần tôn vinh Lời Chúa, qua một đoạn ngắn về dụ ngôn Nước Trời giống như hạt cải bé nhỏ, khi lớn lên thành cây xum xuê chim trời có thể đến đậu trên đó, Đức Thánh Cha đã tạm gác lại loạt bài giáo lý về sách Tông Đồ công vụ, để thuật lại những nét chính trong chuyến Tông Du ngài mới thực hiện. Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chiều tối hôm qua, tôi đã trở về sau cuộc Tông Du tại Mozambique, Madagascar và Maurice (Mauritius). Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho tôi thực hiện hành trình ấy như một người lữ hành hòa bình và hy vọng, và tôi tái bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền các nước liên hệ, cũng như hàng Giám Mục đã mời và đón tiếp tôi với tất cả lòng quí mến và ân cần. Tôi cám ơn các vị Sứ thần Tòa Thánh đã làm việc rất nhiều cho các cuộc viếng thăm này.
Niềm hy vọng của thế giới chính là Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa là men mạnh mẽ nhất về tình huynh đệ, tự do, công lý và hòa bình cho mọi dân tộc. Qua cuộc viếng thăm, theo vết các vị thánh loan báo Tin Mừng, tôi đã tìm cách mang men ấy cho các dân tộc Mozambique, Madagascar và Maurice.
Tại Mozambique, tôi đã đến gieo vãi hạt giống hy vọng, hòa bình và hòa giải trong một thửa đất đã chịu đau khổ rất nhiều trong quá khứ gần đây vì cuộc xung đột võ trang dài dẵng, và đây là nước, hồi mùa xuân vừa qua, đã bị hai trận cuồng phong gây rất nhiều thiệt hại. Giáo Hội tiếp tục cùng đi trong tiến trình hòa bình đã đạt được một bước tiến ngày 1-8 năm nay với một Hiệp định mới giữa các phe. Tôi cám ơn Cộng đồng thánh Egidio đã làm việc rất nhiều cho nền hòa bình này. Tôi đã khích lệ chính quyền Mozambique theo chiều hướng đó, nhắn nhủ họ hãy cùng nhau làm việc cho công ích. Và tôi đã khích lệ những người trẻ, - thuộc các tôn giáo khác nhau, tụ họp với nhau, - hãy xây dựng đất nước, vượt thắng thái độ cam chịu và lo âu, phổ biến tình bạn xã hội và đón nhận các truyền thống của người cao niên như kho tàng quí giá. Với các giám mục, linh mục và những người thánh hiến, mà tôi gặp tại Nhà thờ chính tòa Maputo, tôi đã đề nghị con đường Nazareth, con đường quảng đại thưa “xin vâng” đối với Thiên Chúa, trong niềm biết ơn, nhớ lại ơn gọi và nguồn gốc của mình. Một dấu chỉ mạnh mẽ về sự hiện diện theo tinh thần Tin Mừng là bệnh viện Zimpeto của Cộng đồng thánh Egidio. Tại bệnh viện này, tôi đã thấy rằng điều quan trọng nhất là các bệnh nhân và tất cả làm việc cho các bệnh nhân. Và không phải tất cả đều có cùng một tôn giáo: giám đốc bệnh viện là một phụ nữ, một nhà nghiên cứu về bệnh Sida, một phụ nữ giỏi, bà là một tín hữu đạo Hồi, nhưng làm giám đốc một nhà thương do Cộng đồng thánh Egidio thành lập. Tất cả mọi người làm việc cho dân chúng, như anh chị em với nhau”.
Cuộc viếng thăm của tôi tại Mozambique đạt tới cao điểm trong thánh lễ cử hành dưới trời mưa tại Sân Vận động lớn và tại đó tiếng gọi của Chúa Giêsu đã vang dội: “Các con hãy yêu thương kẻ thù của mình” (Lc 6,27), hạt giống cuộc cách mạng đích thực, cách mạng tình yêu thương, dập tắt bạo lực và làm nảy sinh tình huynh đệ,
Từ Maputo, tôi đã sang Antananarivo, thủ đô Madagascar. Đây là một nước rất đẹp và phong phú về tài nguyên thiên nhiên nhưng lại chịu cảnh nghèo lan rộng. Tôi đã cầu mong rằng, được tinh thần liên đới truyền thống linh hoạt, nhân dân Madagascar có thể khắc phục các nghịch cảnh và xây dựng một tương lai phát triển, cùng với sự tôn trọng môi trường và công bằng xã hội. Như dấu chỉ ngôn sứ theo chiều hướng đó, tôi đã viếng thăm “Thành Thị thân hữu” Akamasoa, do một thừa sai dòng Lazzariste, là cha Pedro Opeka, thành lập: tại đó hiện có 25 ngàn người sinh sống, trong đó 60% là trẻ em dưới 15 tuổi. Người ta tìm cách liên kết lao động, phẩm giá, sự săn sóc người nghèo nhất, giáo dục cho các trẻ em. Tất cả đều được linh hoạt theo Tin Mừng. Tại Akamasoa, nơi mỏ đá xanh, tôi đã dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện cho các công nhân.
Rồi chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ với các nữ đan sĩ chiêm niệm thuộc nhiều dòng khác nhau, trong một đan viện Cát Minh: quả thực, nếu không có đức tin và lời cầu nguyện thì chúng ta sẽ không xây dựng một thành thị xứng với con người. Với các giám mục Madagascar, chúng tôi đã tái quyết tâm là “những người gieo vãi hạt giống hòa bình và hy vọng”, chăm sóc dân Chúa, đặc biệt là những người nghèo, và săn sóc các linh mục của chúng tôi. Cùng nhau chúng tôi đã tôn kính nữ chân phước Victoire Rasoamanarivo, phụ nữ Madagascar đầu tiên được tôn vinh trên bàn thờ. Cùng với giới trẻ, đông đảo người trẻ, tôi đã trải qua một buổi canh thức phong phú về những chứng tá, các bài ca và vũ điệu. Tôi đã khuyến khích người trẻ hãy luôn tiến bước, quảng đại đáp lại Thiên Chúa, Đấng gọi đích danh và ủy thác một sứ mạng, luôn luôn tín thác rằng Chúa hằng sống và ở với chúng ta.
Tại Antananarivo, chúng tôi đã cử hành thánh lễ Chúa nhật tại cánh đồng rộng lớn của giáo phận: giống như qua những nẻo đường xứ Galilea, đông đảo dân chúng ta tụ họp quanh Chúa Giêsu. Sau cùng, tại trường thánh Michel, tôi đã gặp các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh của Madagascar. Một cuộc gặp gỡ dưới dấu chỉ chúc tụng Thiên Chúa.
Thứ Hai vừa qua được dành cho cuộc viếng thăm tại Cộng hòa Maurice, là một nơi du lịch nổi tiếng, nhưng tôi đã chọn nước này như nơi hội nhập giữa các chủng tộc và ngôn ngữ khác nhau. Thực vậy, trong hai thế kỷ gần đây, tại Quần đảo này, có nhiều sắc dân đến đây, đặc biệt từ Ấn độ và sau khi được độc lập, Maurice đã phát triển mạnh về kinh tế và xã hội. Tại đó cũng có cuộc đối thoại liên tôn mạnh mẽ.
Thánh lễ tại Maurice được cử hành tại Đài Đức Mẹ Nữ Vương Hòa bình, trong ngày lễ kính chân phước Jacques-Désiré Laval, được gọi là “Tông Đồ về sự hiệp nhất của Maurice”. Tin Mừng về các Mối Phúc, thẻ căn cước của các môn đệ Chúa Kitô, trong bối cảnh ấy, chính là phương dược chống lại cám dỗ chiều theo một thứ an sinh ích kỷ và kỳ thị và là men mang lại hạnh phúc chân thực, thấm nhuần tinh thần thương xót, công lý và hòa bình.
Tiếp đó, trong cuộc gặp gỡ với chính quyền Maurice, tôi đã đánh giá cao sự dấn thân hòa hợp những khác biệt trong một dự án chung, và tôi đã khích lệ hãy tiếp tục khả năng đón tiếp, kể cả ngày nay, cũng như cố gắng duy trì và phát triển đời sống dân chủ.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa và xin Chúa làm cho những hạt giống được gieo vãi trong chuyến tông du này mang lại hoa trái phong phú cho các dân tộc Mozambique, Madagascar và Maurice.
Bài huấn dụ dài trên đây bằng tiếng Ý được các linh mục thông dịch tóm tắt trong các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Arập và Ba Lan cùng với các lời chào thăm của Đức Thánh Cha. Ngài cũng nhắc đến một số nhóm hành hương từ các nước.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha chào các nữ tu dòng Thánh Catarina đang tham dự tổng hội, các tham dự viên Đại hội của Phong trào xây dựng Một thế giới tốt đẹp hơn, và cuộc gặp gỡ quốc tế của các nhà huấn luyện về linh đạo thánh Palottin.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở mọi người rằng ngày mai, 12/09 là lễ kính Thánh Danh Đức Mẹ Maria và ngài nói: “Tôi mời gọi tất cả mọi người hãy nhìn lên Đức Mẹ và để cho Mẹ gợi cho những tâm tình Kitô, để sống và luôn noi gương Chúa Giêsu Con của Mẹ.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn