Họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên máy bay

Thứ tư - 11/09/2019 10:23

Họp báo của Đức Thánh Cha Phanxicô trên máy bay

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời câu hỏi của các nhà báo trên chuyến bay từ Madagascar về Roma | Vatican Media

Trong chuyến bay từ thủ đô Madagascar về Roma hôm 10/09/2019 vừa qua, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã trả lời nhiều câu hỏi của giới báo chí cùng đi. Ngài đặc biệt phê bình những gia đình không muốn có con vì tinh thần ích kỷ, tố giác trào lưu bài người ngoại quốc như một thứ bệnh. Ngoài ra Đức Thánh Cha tuyên bố không sợ những lời phê bình và cầu nguyện để không có ly giáo trong Giáo Hội Công Giáo.


G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma

Cuộc họp báo của Đức Thánh Cha diễn ra 2 giờ rưỡi sau khi máy bay của hãng Madagascar cất cánh từ phi trường Antananarivo và kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Đức Thánh Cha đề cập đến tiến trình hòa bình tại Mozambique, tuy có nhiều khó khăn nhưng viễn tượng hy vọng cũng không kém phần sáng sủa. Ngài cũng đề cập đến viễn tượng “mùa đông dân số” tại một số nước: người ta không muốn có con vì sợ phải hy sinh cuộc sống tiện nghi thoải mái, trái ngược với sự kiện tại Phi châu.

Trả lời câu hỏi của một ký giả người Mỹ

Ký giả Jason Drew Horowitz của tờ New York Thời Báo ở Mỹ hỏi Đức Thánh Cha về sự kiện có một số người Công Giáo ở Mỹ, kể cả một vài Giám mục và Hồng Y phê bình Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha có sợ một cuộc ly giáo của Giáo Hội Mỹ hay không? ngài đáp:

Sự phê bình hữu ích

Trước tiên, những lời phê bình luôn giúp đỡ, luôn hữu ích. Khi một người nhận được một lời phê bình thì phải tự kiểm thảo và nói: điều ấy đúng hay không đúng? Đúng đến mức độ nào? Và tôi luôn rút ra từ những lời phê bình những điều có lợi. Nhiều khi những lời phê bình ấy làm cho ta giận dữ ... nhưng lợi ích vẫn có.

“Trong chuyến bay tới Maputo, một người trong các bạn đã cho tôi cuốn sách bằng tiếng Pháp về cách thức những người Mỹ muốn thay đổi Giáo Hoàng. Tôi biết cuốn sách đó, nhưng tôi không đọc. Những lời phê bình không phải chỉ đến từ những người Mỹ, nhưng từ nhiều nơi khác, kể cả tại giáo triều Roma. Ít nhất những người phê bình như thế, họ lương thiện nói lên những phê bình ấy.

Những phê bình không lương thiện

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Tôi không thích khi những lời phê bình “ở dưới gầm bàn”: họ mỉm cười nhe răng với bạn, nhưng rồi họ đấm bạn sau lưng. Đó không phải là điều lương thiện, không xứng với con người. Phê bình là một yếu tố xây dựng, và nếu phê bình của bạn không đúng, bạn đã chuẩn bị để nhận câu trả lời và thực hiện một cuộc đối thoại để đi tới điểm đúng. Đó là năng động của một sự phê bình đích thực.

Trái lại sự phê bình như những viên thạch tín (thuốc độc) [..] cũng giống như ném đá giấu tay... Làm như thế không có lợi, chẳng giúp ích gì. Nó giúp những nhóm nhỏ khép kín, không muốn nghe câu trả lời cho phê bình ấy. Trái lại một sự phê bình lương thiện thì cởi mở đối với câu trả lời, điều này xây dựng và hữu ích. Đứng trước trường hợp của Giáo Hoàng: điều này của Giáo Hoàng tôi không thích, tôi phê bình, tôi nói, tôi viết một bài báo, và xin ngài trả lời, đó là điều lương thiện. Phê bình mà không muốn nghe câu trả lời và không đối thoại tức là không muốn thiện ích cho Giáo Hội, và đi theo một ý tưởng cố định, thay đổi Giáo Hoàng, hoặc là thực hiện một cuộc ly giáo. Đó là điều rõ ràng: một sự phê bình chân thực luôn được đón nhận, ít nhất là từ phía tôi.

Nhận định về vấn đề ly giáo

Thứ hai là vấn đề ly giáo: - Đức Thánh Cha nói - trong Giáo Hội đã có rất nhiều cuộc ly giáo. Sau Công đồng chung Vatican I chẳng hạn, sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng về ơn bất khả ngộ, một nhóm lớn đã ra đi và thành lập Giáo Hội Công Giáo cũ để “trung thành” với truyền thống của Giáo Hội. Nhưng rồi họ gặp một sự phát triển khác và bây giờ họ truyền chức cho phụ nữ. Nhưng lúc ấy họ cứng nhắc, đi theo một thứ đạo lý chích thống và nghĩ rằng Công đồng đã sai lầm.

Ly giáo sau Công đồng chung Vatican II

Một nhóm khác cũng ra đi âm thầm âm thần, nhưng không muốn bỏ phiếu... Công đồng chung Vatican II đã có những điều đó trong số những hậu quả của mình. Có lẽ sự tách biệt hậu Công đồng được biết đến nhiều nhất là sự ly giáo của Lefebvre. Luôn luôn có sự chọn lựa ly giáo trong Giáo Hội. Nhưng đó là một trong những chọn lựa mà Chúa để cho tự do của con người. Tôi không sợ các cuộc ly giáo, tôi cầu nguyện để không có những cuộc ly giáo, vì những ly giáo có ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của bao nhiêu người. Ước gì có đối thoại, có sửa sai nếu có vài lỗi lầm, nhưng con đường ly giáo không hợp với tinh thần Kitô. Chúng ta hãy nghĩ đến thời kỳ đầu Giáo Hội, bắt đầu với bao nhiêu cuộc ly giáo, nhóm náy theo sau nhóm khác: những người theo Ario, theo thuyết ngộ giáo, nhất thể...

Chính dân Chúa cứu Giáo Hội khỏi ly giáo

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi muốn kể một giai thoại: chính dân Chúa đã cứu Giáo Hội khỏi các cuộc ly giáo. Những người ly giáo luôn đó một điểm chung, đó là họ tách rời khỏi dân Chúa, khỏi niềm tin của Dân Chúa. Và trong Công đồng chung Êphêsô, khi có cuộc thảo luận về thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, có sự kiện lịch sử này: dân Chúa ở cửa Nhà thờ chính tòa, khi các Giám mục tiến vào để họp Công đồng. Họ cầm gậy ở đó, họ cho các Giám mục thấy và hô lên “Mẹ Thiên Chúa! Mẹ Thiên Chúa!” như thể muốn nói rằng: “Nếu các vị không làm như thế, thì cái cậy này sẽ đợi các vị... Dân Chúa luôn điều chỉnh và giúp đỡ. Một cuộc ly giáo luôn luôn là một sự tách rời của giới ưu tú do một ý thức hệ tách rời khỏi đạo lý. Đó là một ý thức hệ, có lẽ là đúng, nhưng nó lẻn vào đạo lý và tách rời nó... Vì thế tôi cầu nguyện để không có những cuộc ly giáo, nhưng tôi không sợ.

Giáo huấn là của Công đồng chung Vatican II, chứ không phải của giáo hoàng này hay giáo hoàng khác. Ví dụ những điều xã hội mà tôi nói, cũng là điều là Đức Gioan Phaolô II đã nói! Tôi lập lại Ngài. Người ta nói Giáo Hoàng là cộng sản... Họ đi vào những ý thức hệ trong đạo lý và khi đạo lý trở thành ý thức hệ, thì tại đó có thể có một sự ly giáo.

Chống luân lý cứng nhắc

Có một ý thức hệ về chỗ đứng thứ nhất của một thứ luân lý vô cảm, khách với luân lý của Dân Chúa. Các mục tử phải dẫn đoàn chiên đi giữa ơn thánh và tội lỗi, vì luân lý Tin Mừng là như vậy. Trái lại một thứ luân lý ý thức hệ ý vào sức riêng mình (pelagio) làm cho bạn cứng nhắc, và ngày nay chúng ta có bao nhiêu trường phái cứng nhắc trong Giáo Hội, họ không phải là ly giáo, nhưng là những con đường Kitô ngụy ly giáo, và rốt cuộc chúng sẽ gây hại. Khi anh chị em thấy các tín hữu Kitô, các Giám mục, linh mục cứng nhắc, chắc chắn đàng sau họ có các vấn đề, vì không có sự thánh thiện của Tin Mừng. Vì thế, chúng ta phải dịu dàng với những người bị cám dỗ vì những cuộc tấn công ấy, họ đang trải qua vấn đề, và chúng ta phải đồng hành với họ trong sự dịu dàng”. (Sala Stampa 11-10-2019)

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây