G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma
Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi gặp gỡ lúc quá 10 giờ sáng hôm 05/09/2019, tại Phủ Tổng thống Mozambique, quen gọi là dinh “Ponta Vermelha” ở thủ đô Maputo.
Ngài đến đây lúc 9 giờ 40 phút, sau khi dâng lễ riêng trước đó tại nguyện đường tòa Sứ thần Tòa Thánh, nơi ngài qua đêm.
Dinh Ponta Mervelha vốn là dinh vị toàn quyền Mozambique trước khi nước này được độc lập khỏi Bồ đào nha hồi năm 1975.
Đến nơi Đức Thánh Cha đã được tổng thống Felipe Jacinto Nyusi cùng với phu nhân đón tiếp. Ông năm nay 60 tuổi, du học ngành kỹ sư tại Cộng hòa Tiệp, và bắt đầu hoạt động chính trị trong đảng Frelimo, Mặt trận giải phóng Mozambique và được bầu làm tổng thống hồi năm 2014.
Sau khi hội kiến riêng với Tổng thống, Đức Thánh Cha đã gặp gia đình ông, rồi tiến sang sảnh đường Indias để gặp gỡ hằng trăm nhân vật gồm các quan chức chính quyền, đại diện các tầng lớp xã hội và ngoại giao đoàn từ lúc 10 giờ 15 phút.
Trong diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha, tổng thống Mozambique nhắc lại cuộc nội chiến anh em chém giết nhau trong 15 năm trời, làm cho hàng triệu người thiệt mạng, bao nhiêu người bị tàn phế, bao nhiêu gia đình bị phân tán, xã hội và kinh tế của quốc gia mới độc lập bị tàn phá. Trong bối cảnh đó, Cộng đồng thánh Egidio đã giúp đỡ, làm trung gian thương thuyết và đạt tới cao điểm là hiệp định hòa bình tổng quát được ký kết tại Roma hồi năm 1992. Một chương mới trong lịch sử đất nước được mở ra.
Tổng thống cũng nhắc đến hai trận cuồng phong tàn phá Mozambique hồi đầu năm nay, và sự trợ giúp của quốc tế, đang biến đau khổ thành hy vọng. Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với cộng đồng quốc tế và đặc biệt cám ơn Đức Thánh Cha vì cuộc viếng thăm này. Ông cũng giới thiệu với ngài lãnh tụ đảng Renamo mới ký hiệp định hòa bình chung kết với chính phủ ngày 07/08 vừa qua, các vị lãnh đạo chính trị khác và đại diện các tầng lớp xã hội Mozambique.
Đáp từ Tổng thống, trong diễn văn đầu tiên tại nước này, Đức Thánh Cha đã cám ơn tổng thống đã mời ngài viếng thăm, và ngài cũng bày tỏ sự gần gũi, liên đới với tất cả các nạn nhân của hai trận cuồng phong Idai và Kenneth hồi tháng 3 và tháng 4 năm nay tại Mozambique làm cho 600 người chết và tàn phá hàng trăm ngàn hécta đất đai canh tác, hơn 73 ngàn người phải tản cư. Hậu quả của các thiên tai này còn tiếp tục đè nặng trên bao nhiêu gia đình, đặc biệt tại những nơi công trình tái thiết chưa thể bắt đầu và đòi phải được quan tâm đặc biệt. Đức Thánh Cha lấy làm tiếc vì không thể đích thân đến gặp gỡ các nạn nhân ấy, nhưng ngài mong ước rằng các nạn nhân biết rõ ngài chia sẻ những lo âu, đau khổ của họ và sự dấn thân của cộng đồng Công Giáo trong việc đương đầu với tình trạng cam go này.
Phần lớn diễn văn của Đức Thánh Cha đề cập đến đề tài hòa bình mà Mozambique đang cần hơn bao giờ hết, và những mầm mống hy vọng nảy sinh từ hiệp định hòa bình mới ký kết, mang lại niềm tín thác, không chấp nhận cách thức viết lịch sử là cuộc chiến huynh đệ tương tàn, nhưng là khả năng nhìn nhận nhau như anh chị em, con của cùng một đất nước, và là những người cùng quản lý vận mệnh chung của mình. Đức Thánh Cha nói:
“Hãy có can đảm hòa bình! Một lòng can đảm có chất lượng cao; không phải thứ can đảm của sức mạnh xấu xa và bạo lực, nhưng là lòng can đảm được thể hiện trong sự tìm kiếm không biết mệt mỏi đối với công ích” (Phaolô 6, Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới, 1973).
Đức Thánh Cha nhắc lại bao nhiêu đau thương, tang tóc, sầu muộn mà nhân dân đã từng trải qua, nhưng - ngài nói - Anh chị em đã không muốn để cho tiêu chuẩn điều hành các tương quan giữa con người với nhau là sự trả thù hoặc đàn áp, cũng chẳng để cho oán ghét và bạo lực có tiếng nói cuối cùng”.
Đức Thánh Cha cũng ghi nhận rằng “Trong bao nhiêu năm qua, anh chị em đã nghiệm thấy việc tìm kiếm hòa bình lâu bền, sứ vụ của tất cả mọi người, đòi phải làm việc cam go, kiên trì, không ngừng, vì hòa bình “như một bông hoa mong manh, cố gắng nở ra giữa những tảng đá của bạo lực” (Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới năm 2019), vì thế, hòa bình đòi phải liên tục quyết liệt khẳng định, nhưng không phải với tinh thần cuồng tín, can đảm nhưng không tự cao, kiên trì một cách khôn ngoan: chống lại bạo lực tàn phá, và chọn lựa an bình và hòa giải”.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “Hòa bình không phải chỉ là vắng bóng chiến tranh, nhưng là một sự dấn thân không biết mệt mỏi - nhất là của những người nắm giữ trọng trách, - để nhìn nhận, bảo đảm và tái tạo phẩm giá một cách cụ thể, phẩm giá của những anh chị em, quá nhiều khi bị quên lãng hoặc cố tình không biết tới, làm sao để họ có thể cảm thấy mình nắm giữ vai chính trong vận mạng của đất nước. Chúng ta không thể quên rằng “nếu không có những cơ may bình đẳng, thì những hình thức gây hấn và chiến tranh sẽ tìm được môi trường thuận lợi, trước sau gì nó cũng bùng lên. Khi xã hội, cấp địa phương, quốc gia và thế giới, bỏ qua một phần của mình ở ngoài lề, chẳng có chương trình chính trị nào, cũng chẳng có các lực lượng an ninh hoặc cơ quan tình báo nào có thể đảm bảo vô hạn sự yên hàn” (Evangelii Gaudium. 59).
Trong chiều hướng trên đây, Đức Thánh Cha khuyến khích chính quyền và các thành phần xã hội Mozambique tiếp tục công trình củng cố các cơ cấu và các tổ chức cần thiết để không một ai cảm thấy mình bị bỏ rơi, đặc biệt là giới trẻ, vốn chiếm một phần lớn nhân dân nước này. Ngài nói: “Những người trẻ không phải chỉ là hy vọng của đất nước này, nhưng còn là hiện tại đang gọi hỏi, tìm kiếm và cần tìm ra những con đường xứng đáng, giúp họ phát triển mọi tài năng; họ là một tiềm năng để gieo vãi và làm tăng trưởng rất nhiều tình trạng xã hội mà mọi người mong ước”.
Đức Thánh Cha cũng nói đến tương quan giữa hòa bình và việc chăm sóc căn nhà chung của chúng ta. Ngài nhận xét rằng “Mozambique là một nước được chúc phúc, và anh chị em đặc biệt được mời gọi chăm sóc phúc lành này. Việc bảo vệ đất đai cũng là bảo vệ sự sống, nói phải được quan tâm đặc biệt, khi ta thấy có xu hướng bóc lột và cướp bóc, phá tán, do lòng tham lam, ham hố tích trữ, nhiều khi không do những người cư ngụ tại phần đất này và họ cũng chẳng quan tâm đến công ích của dân tộc anh chị em. Một nền văn hóa hòa bình bao hàm một sự phát triển sản xuất, dài hạn và bao gồm mọi người, trong đó mỗi người dân Mozambique có thể thảm thấy đất nước này là của mình, và trong đó họ có thể thiết lập những quan hệ huynh đệ và ngay chính với người láng giềng và tất cả những gì quanh họ”.
Sau bài diễn văn, Đức Thánh Cha đã từ biệt các giới chức chính quyền Mozambique để đi gặp gỡ giới trẻ liên tôn ở Sân vận động Maxaquene.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn