Đức Thánh Cha gặp chính quyền Madagascar

Thứ bảy - 07/09/2019 09:39

Đức Thánh Cha gặp chính quyền Madagascar

Đức Thánh Cha Phanxicô ký sổ vàng lưu niệm. | Vatican Media

Trong cuộc gặp gỡ các giới chức chính quyền Madagascar sáng ngày 07/09/2019, Đức Thánh Cha đặc biệt kêu gọi bài trừ tệ nạn tham nhũng, quan tâm phát triển toàn diện con người, bảo vệ môi trường chống nạn khai thác thiên nhiên bừa bãi, đồng thời ngài cũng chống lại thứ “văn hóa hoàn vũ” không tôn trọng các đặc tính của các nền văn hóa địa phương.


G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma

Cuộc gặp gỡ các giới chức chính quyền, các đại diện xã hội và ngoại giao đoàn tại Madagascar đã diễn ra lúc quá 10 giờ sáng Thứ Bảy, 07/09, tại khu vực phủ tổng thống.

Đức Thánh Cha đến đây sau khi cử hành thánh lễ riêng tại nhà nguyện Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Antananarivo. Tại phủ tổng thống, quen gọi là dinh Iavoloha cách đó 19 cây số, Đức Thánh Cha đã được tổng thống Andry Rajoelina và phu nhân đón tiếp. Ông năm nay 45 tuổi (1974), với khuôn mặt của người Á châu và rất trẻ trung, nguyên là một doanh nhân và làm thị trưởng thủ đô từ năm 2007 đến 2009 là năm ông được cử làm tổng thống lâm thời của Madagascar sau khi vị tổng thống trước đó phải từ nhiệm. Ngày 08/01 năm nay, ông đắc cử Tổng Thống.

Sau cuộc hội kiến riêng với tổng thống, gặp gỡ gia đình ông với phu nhân và 3 người con, Đức Thánh Cha đã ký sổ vàng lưu niệm, rồi đã tiến qua khu vực khánh tiết bên cạnh để gặp gỡ khoảng 2 ngàn nhân vật gồm các quan chức chính quyền, các đại diện tầng lớp xã hội và ngoại giao đoàn. Hiện diện trong hàng đầu tại Hội trường còn có đông đảo các Giám mục Madagascar và các vị thuộc đoàn tùy tùng.

Lời chào của Tổng thống Rajoalina

Đầu buổi gặp gỡ, ca đoàn Providence với 70 ca viên trẻ em đã hát mừng Đức Thánh Cha và mọi quan khách.

Trong lời chào mừng Đức Thánh Cha, Tổng thống Rajoelina nhắc đến cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 tại Madagascar diễn ra gần 30 năm khi đất nước này dành được độc lập. Nay đã 30 năm trôi qua, dân Madagascar vẫn chưa đạt được sự phát triển như vẫn mong ước. Tuy nhiên hy vọng đang nảy sinh trong tâm hồn mỗi người dân nước này. Đất nước đã trưởng thành và lớn lên, mỗi công dân bày tỏ quyết tâm và mong muốn được thấy đất nước đứng lên.

Tổng thống cũng nói đến niềm tin tưởng của nhân dân Madagascar nơi Thiên Chúa và xác tín đất nước này là phần đất được Chúa chúc phúc, và cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng nơi đây xác nhận đà tiến mới và củng cố niềm hy vọng ấy.

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Về phần Đức Thánh Cha, trong diễn văn đầu tiên trên đất nước Madagascar, ngài ca ngợi một trong những giá trị cơ bản của nền văn hóa tại đây, như được ghi trong hiến pháp quốc gia, gọi là “Fihavanana”, nói lên tiếng thần chia sẻ, tương trợ và liên đới, đồng thời đề cao tầm quan trọng của các liên hệ gia đình, tình bàn và sự tử tế giữa con người với nhau và đối với thiên nhiên.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vai trò của chính trị trong việc xây dựng xã hội và các công trình của con người. Chức năng và trách nhiệm chính trị là một thách đố liên tục đối với những người có sứ mạng phục vụ và bảo vệ các công dân của mình, đặc biệt những người dễ bị tổn thương nhất, tạo những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển xứng đáng và công chính.

Kêu gọi chống tham nhũng và đầu cơ

Trong viễn tượng này, Đức Thánh Cha nói, “Tôi khích lệ quý vị mạnh mẽ và quyết liệt chiến đấu chống mọi hình thức kinh niên của nạn tham nhũng và đầu cơ, khiến cho sự chênh lệch xã hội gia tăng, và xin quý vị hãy đương đầu với những tình trạng rất bấp bênh và bị loại trừ, luôn tạo nên nạn nghèo đói không xứng đáng với con người. Để được vậy, cần du nhập tất cả những cơ cấu trung gian đảm bảo sự phân phối lợi tức và tài nguyên một cách tốt đẹp hơn và thăng tiến toàn diện cho mọi người dân, đặc biệt là những người nghèo nhất. Sự thăng tiến này không phải chỉ giới hạn vào việc trợ giúp từ thiện, nhưng còn đòi phải nhìn nhận những chủ thể pháp lý được kêu gọi tham gia hoàn toàn vào việc xây dựng tương lai của họ (Evangelii gaudium, 204-205).

Bảo vệ môi trường, căn nhà chung

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến mối liên hệ mật thiết giữa sự phát triển con người toàn diện và căn nhà chung, môi trường sống của con người. Vấn đề ở đây không phải chỉ là tìm kiếm những phương thế để bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên, nhưng còn tìm kiếm “những giải pháp toàn diện, để ý đến ảnh hưởng tương tác giữa các hệ thống thiên nhiên với nhau và các hệ thống xã hội.

Cụ thể hơn, Đức Thánh Cha nói đến Madagascar với nhiều loại thực vật và sinh vật khác nhau, nhưng sự phong phú này đang bị đe dọa nghiêm trọng vì nạn phá rừng, đốn cây thái quá, chỉ mưu lợi cho một thiểu số người. Sự suy thoái trong lãnh vực này đe dọa tương lai của đất nước và căn nhà chung của chúng ta. Những đe dọa sự đa dạng sinh học thực vật và động vật cũng do nạn săn bắn lậu và xuất khẩu bất hợp pháp.

Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng những người dân liên hệ nhiều khi có những hoạt động gây hại cho môi trường, nhưng những hoạt động ấy hiện thời là cách thức để họ sống còn. Vì thế cần kiến tạo công ăn việc làm và những hoạt động sinh lợi nhuận mà vẫn tôn trọng môi trường và giúp người dân ra khỏi tình trạng nghèo đói.

Kêu gọi tôn trọng văn hóa địa phương

Cũng trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhìn nhận các tổ chức quốc tế viện trợ phát triển nhiều cho đất nước này và giúp Madagascar cởi mở đối với thế giới. Nhưng ngài cũng cảnh giác trước nguy cơ: sự cởi mở này trở thành một thứ văn hóa hoàn vũ giả tạo, coi rẻ, chôn vùi và loại bỏ gia sản văn hóa của mỗi dân tộc. Đức Thánh Cha nói:

“Sự hoàn cầu hóa kinh tế mà càng ngày người ta càng thấy những nhược điểm của nó, không được đưa tới sự đồng nhất văn hóa. Nếu chúng ta vốn tham gia một tiến trình trong đó chúng ta tôn trọng các ưu tiên và những lối sống nguyên thủy, cũng như những mong đợi của người dân, thì chúng ta cũng sẽ làm sao để viện trợ quốc tế không phải là bảo đảm duy nhất cho sự phát triển đất nước. Chính dân tộc phải dần dần đảm nhận trách về mình, và trở thành người kiến tạo chính vận mạng của mình”.

Sau bài diễn văn trên đây, Đức Thánh Cha và Tổng thống được mời tiến ra vườn để trồng một cây Baobab, một loại cây đặc biệt thông dụng ở Madagascar, thân cây có thể lên tới hơn 15 mét chu vi.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha giã từ tổng thống và mọi người để đến Nữ Đan viện Cát minh Nhặt Phép (OCD) cách đó 15 cây số. Khi ngài tới đây, dọc đường gần Đan viện có khoảng 1 ngàn người đứng hai bên đường để chào ngài.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây