G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma
Từ bệnh viện Zimpeto do Cộng đồng thánh Egidio đảm trách, Đức Thánh Cha đã đến Sân vận động quốc gia cũng ở khu vực ngoại ô thủ đô Maputo để cử hành thánh lễ cho các tín hữu. Đây là sân thể thao đa năng, thường diễn ra các trận bóng đá và các cuộc tranh tài điền kinh. Sân này được kiến thiết và khánh thành ngày 23/04/2011 nhân dịp các cuộc tranh tài thể thao Liên Phi châu lần thứ 10 vào tháng 9 cùng năm đó. Sân được xây cất với kinh phí 65 triệu mỹ kim và là thành phần của làng thế vận rộng 15 hecta, trong đó có cả hồ tắm Olimpic và nhà ở cho các vận động viên.
Đến Sân vận động trước cả giờ đã có trong chương trình, Đức Thánh Cha đã dùng xe mui trần đi một vòng quanh thao trường để chào thăm các tín hữu. Ở giữa sân, đoàn vũ của các phụ nữ trong y phục truyền thống đã trình diễn những vũ điệu đặc sắc và vui tươi, mặc dù thời tiết xấu, nhiều người phải mặc áo mưa học che dù.
Thánh lễ được cử hành về chủ đề: cầu nguyện cho sự phát triển các dân tộc. Đồng tế với Đức Thánh Cha, ngoài các vị trong đoàn tùy tùng của ngài, còn có 23 Giám mục Mozambique và hàng trăm linh mục của Giáo Hội địa phương. Phần thánh ca do một ca đoàn hợp tuyển hùng hậu với 1.300 ca viên.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Luca (6,27-38) trong đó Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng Thương Xót, và ngài khích lệ tiến trình vượt thắng bạo lực, bằng tinh thần tha thứ và hòa giải mà xã hội Mozambique đang cần hơn bao giờ hết sau bao năm sống trong xung đột. Đức Thánh Cha nói:
“Nhiều người trong anh chị em còn có thể kể lại những bạo lực, oán thù, bất thuận mà anh chị em đã đích thân trải qua; một số người đã cảm nghiệm trong chính thân thể, một số khác có những người thân không còn nữa, có những người vẫn còn sống trong lo sợ những vết thương quá khứ có thể tái diễn và họ tìm cách xóa bỏ con đường hòa bình đã trải qua, như vụ tấn công ở Cabo Delgado gần đây.
“Chúa Giêsu không mời gọi chúng ta sống một tình thương trừu tượng, trong không khí hoặc lý thuyết, được đề ra trên bàn giấy như diễn văn. Con đường Chúa đề nghị với chúng ta là con đường chính Chúa đã đi qua trước, con đường đã làm cho Chúa yêu thương những kẻ phản bội Ngài, xét xử Ngài một cách bất công, những kẻ đã sát hại Ngài.”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Thật là khó nói về hòa giải khi những vết thương còn mở rộng do bao nhiêu năm bất hòa gây ra, hoặc thật khó mời gọi thực hiện một bước tha thứ, bước tiến này không có nghĩa là cố tình không biết đến đau khổ và cũng không có nghĩa là yêu cầu xóa bỏ ký ức hoặc những lý tưởng (Evangelii gaudium 100). Dù vậy, Chúa Giêsu Kitô vẫn mời gọi chúng ta yêu thương và làm điều thiện. Điều này đi xa hơn sự cố tình không biết đến người ta gây thiệt hại cho chúng ta hoặc làm sao để cuộc sống của chúng ta không gặp họ nữa: lời mời gọi của Chúa là một mệnh lệnh nhắm tới sự tốt lành tích cực, vô vị lợi và ngoại thường đối với những kẻ đã gây tổn thương cho chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở đây, Chúa còn yêu cầu chúng ta chúc lành và cầu nguyện cho họ, nghĩa chúng ta nói tốt về họ, mang lại sự sống chứ không phải gây chết chóc, Chúa muốn chúng ta nhắc đến tên họ không phải để lăng mạ hoặc báo thù nhưng để mở ra một tương quan mới dẫn đến hòa bình. Thật là một mẫu mực cao cả Thầy Chí Thánh đề ra cho chúng ta!”
Đức Thánh Cha giải thích rằng qua lời mời gọi yêu thương như thế, Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu vĩnh viễn chấm dứt luật “ăn miếng trả miếng”. “Ta không thể nghĩ đến tương lai, xây dựng đất nước, một xã hội dựa trên sự “bình đẳng về bạo lực”, ta không thể theo Cháu Giêsu nếu ta cổ võ và sống điều này là “Mắt đền mắt, răng đền răng”.
“Không một gia đình nào, không một nhóm người láng giềng nào, hoặc một bộ tộc, hay quốc gia có tương lai, nếu động cơ liên kết, tụ họp và che phủ những khác biệt là sự báo thù và oán ghét. Chúng ta không thể đồng lòng và liên kết với nhau để báo thù, để trả đũa kẻ đã thi hành bạo lực đối với chúng ta, để tìm những dịp trả thù dưới những hình thức có vẻ là hợp pháp... Sự trả đũa như thế luôn luôn là một cái vòng bạo lực khôn cùng, không lối thoát và giá của nó rất cao. Có một con đường khác có thể thực hiện được, vì điều cơ bản là không được quên rằng các dân tộc chúng ta có quyền được hòa bình. Anh chị em có quyền được hòa bình.”
Để làm cho lời mời gọi của Ngài cụ thể hơn và dễ áp dụng trong đời sống hằng ngày, Chúa Giêsu đã đề nghị khuôn vàng thước ngọc đầu tiên vừa tầm tay mọi người: “Điều mà các con muốn người ta làm cho các con, các con cũng hãy làm cho họ” (Lc 6,31), qui luật này giúp chúng ta khám phá điều quan trọng nhất trong thái độ hỗ tương với nhau, đó là hãy yêu thương nhau, giúp đỡ nhau và cho vay mượn mà không chờ đợi được đền đáp.
Đức Thánh Cha diễn giải cụ thể cách thức sống tình yêu thương nhau, qua lời dạy của thánh Phaolô: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình dịu dàng và tốt lành” (Xc Cl 3,12). Ngài nói: “Thế gian cố tình không biết tới và tiếp tục không nhìn nhận nhân đức từ bi, cảm thương, bằng cách giết hại hoặc bỏ rơi những người tàn tật và già yếu, loại bỏ nhửng người bị thương và yếu liệt, giải trí bằng những đau khổ gây ra cho các súc vật. Đồng thời họ không thực hành lòng từ nhân và tử tế là những nhân đức thúc đẩy chúng ta quan tâm làm điều thiện cho tha nhân như thể cho chính bản thân mình.”
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng: “Vượt thắng thời kỳ chia rẽ và bạo lực không những đòi phải có cử chỉ hòa giải hoặc hòa bình hiểu như một sự vắng bóng chiến tranh, nhưng là sự dấn thân hằng ngày của mỗi người chúng ta, hãy có cái nhìn quan tâm và tích cực khiến chúng ta đối xử với tha nhân với lòng thương xót và tốt lành như chính chúng ta mong được đối xử... nhất là có lòng thương xót và từ nhân đối với những người, - do thân phận của họ, - dễ bị xua đuổi và loại trừ. Đây không phải là một thái độ của người yếu đuối, nhưng là thái độ của người mạnh mẽ, một thái độ của những người khám phá thấy rằng không cần phải ngược đãi, nói xấu hoặc đè bẹp người khác để cảm thấy mình quan trọng.”
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Mozambique có một lãnh thổ đầy những tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, nhưng điều trái ngược là rất nhiều người dân sống dưới mức nghèo đói. Và đôi khi dường như có những người đến gần với ước muốn gọi là để giúp đỡ, nhưng họ lại theo đuổi những lợi lộc khác. Thật là buồn khi điều này xảy ra giữa các anh chị em cùng một lãnh thổ, họ để cho mình bị mua chuộc và trở nên hư hỏng. Thật là điều rất nguy hiểm khi chấp nhận rằng đó là giá chúng ta phải trả để được viện trợ từ nước ngoài.”
Sau bài giảng, thánh lễ được tiếp tục với phần lời nguyện giáo dân bằng 5 thổ ngữ của dân Mozambique và kinh nguyện Thánh Thể Hòa Giải.
Cuối thánh lễ, Đức Cha Francisco Chimoio, dòng Capuchino, Tổng giám mục Maputo sở tại, đã đại diện mọi người nồng nhiệt cám ơn Đức Thánh Cha.
Và, như lời từ biệt, Đức Thánh Cha tái lên tiếng cám ơn Đức Tổng giám mục cũng như và tất cả những người đã cộng tác vào cuộc viếng thăm của ngài. Ngài cũng cám ơn tất cả các Giám mục và toàn thể dân Chúa ở Mozambique. Ngài đặc biệt cám ơn tổng thống Filipe Nyusi vì sự quan tâm, đích thân và qua các tổ chức chính quyền, các lực lượng an ninh của đất nước. Sau cùng ngài cám ơn bao nhiêu thành viên ban tổ chức và những người thiện nguyện đã cộng tác vào chuyến viếng thăm của ngài tại Mozambique.
Đức Thánh Cha không quên những người đã hy sinh đến tham dự các buổi lễ, và ngài nhắc đến cả những người không thể đến dự được vì hậu quả của các trận cuồng phong gần đây... Đặc biệt ngài cám ơn các tín hữu đã chịu ướt vì mưa để tham dự thánh lễ!! Mọi người ồ lên và hưởng ứng lời Đức Thánh Cha!
Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ trưa. Đức Thánh Cha đã giã từ và ra phi trường Maputo cách đó 17 cây số. Tại đây đã diễn ra nghi thức tiễn biệt; và tổng thống đã tiễn Đức Thánh Cha đến tận chân thang máy bay.
Chiếc Boeing 737-752 của hãng hàng không LAM của Mozambique cất cánh lúc 12 giờ 40 chở Đức Thánh Cha, đoàn tùy tùng và các ký giả bay sang hải đảo Madagascar, cách đó 1.725 cây số là chặng thứ hai trong chuyến Tông Du hiện nay của Đức Thánh Cha.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn