G. Trần Đức Anh, O.P. – Roma
Chân phước sinh cách đây 171 năm (1848), trong thời kỳ có những gia tộc hùng mạnh nhất cai trị đất nước Madagascar. Hồi còn nhỏ, cô bé được giáo dục theo các tín ngưỡng của các thổ dân tiền nhân. Nhưng năm 1861, khi các thừa sai dòng Tên người Pháp đến truyền giáo, Rasoamanarivo lúc đó được 13 tuổi, theo học tại trường đạo và 2 năm sau xin rửa tội với tên thánh là Victoire.
Về sau, Victoire được gả cho một sĩ quan cao cấp trong quân đội, một người hung bạo và có đời sống luân lý tháo thứ. Dầu vậy, Victoire không hề đặt lại vấn đề bí tích hôn phối và tiếp tục ở lại cạnh chồng. Sau này ông cũng xin được rửa tội. Năm 1883, khi Victoire được 35 tuổi, do cuộc chiến giữa Pháp và Madagascar, các thừa sai Công Giáo bị trục xuất và các tín hữu bị tố cáo là phản quốc. Nhưng bà Victoire vẫn tiếp tục sống đạo, kiên trì trong việc cầu nguyện, và được ủy thác nhiệm vụ linh hoạt “Liên hiệp Công Giáo”, một phong trào sống linh đạo Thánh Mẫu.
Ba năm sau đó, khi các thừa sai trở lại Madagascar, bà Victoire dấn thân trong rất nhiều công tác bác ái, giúp đỡ các thổ dân và các bệnh nhân phong cùi. Năm 1890, sức khỏe của Victoire bị suy giảm nhiều và qua đời ngày 21 tháng 8 năm 1894, lúc mới được 46 tuổi đời. Ngày 30 tháng 4 năm 1894, trong cuộc viếng thăm Madagascar, thánh Gioan Phaolô 2 đã chủ sự thánh lễ tại thủ đô Antananarivo để tôn phong Nữ Tôi Tớ Chúa Victoire Rasoamananarivo, phụ nữ bản xứ đầu tiên, lên bậc chân phước. Ban đầu di hài của Chân Phước được giữ tại lăng Rainiharo, thủ tướng của Madagascar qua đời năm 1853, nhưng đến năm 1961, thì được chuyển sang Nhà Các Thừa Sai ở Ambohipo và sau cùng ngày 22-8 năm 1993, đã diễn ra nghi thức di chuyển di hài Chân Phước tới nhà nguyện hiện nay.
Khi tiến vào nhà nguyện, Đức Thánh Cha cầu nguyện trong thinh lặng, rồi ngài tiếp tục hành trình tới cánh đồng Soamandrakizay, cách đó 10 cây số rưỡi, để gặp gỡ giới trẻ.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn