Giấc mơ đã tròn

Chủ nhật - 16/05/2021 18:34

 

(Truyện ngắn)

https://dongten.net/wp-content/uploads/2021/05/Arms_of_Heaven.mp3

1.

Cha Lợi chống chiếc gậy nhỏ, nhích từng bước chân vào phòng áo. Gặp người nữ tu phục vụ nhà hưu đang dọn đồ lễ, cha mở lời:

-“Chào dì buổi sáng! Chúc dì buổi sáng bình an nghen!”

Người nữ tu trung niên quay sang cúi đầu chào cha, rồi ngẩng đầu lên mỉm cười thật tươi. Dì vừa nhận được món quà buổi sáng là lời chào đầy ý nghĩa của cha Lợi. Sáng nào cha cũng chào mọi người như thế vì đó là thói quen từ hồi cha mới đi tu tới giờ.

Dâng Thánh Lễ xong, các cha già ngồi xe lăn được các thầy phục vụ giúp tháo dây Stola ra máng lên sào, chỉnh sửa lại quần áo cho ngay ngắn và đẩy các cha về phòng, cha Lợi vẫn từ từ cài chiếc áo alba cùng với dây stola lên móc, cha không muốn nhờ người khác làm cho mình trong khi tự cha còn có thể. Rồi cha chào mọi người và bước ra khỏi phòng áo, chậm rãi và khoan thai, miệng cất lên lời ca tạ ơn Chúa: “Khúc cảm tạ, từ đó âm ba vọng ngân…”.

2.

Cha Lợi năm nay đã gần tám mươi tuổi, về nhà hưu linh mục giáo phận được năm năm. Cha vẫn còn rất khoẻ và tinh tường trong mọi việc. Hồi trẻ cha đi tu rất sớm, hình như cỡ mười mấy tuổi ông bà cố đã cho cha đi học ở tiểu chủng viện, học với các cố tây, rồi sau đó chịu chức linh mục tầm gần ba mươi tuổi. Từ ngày chịu chức, cha đã phục vụ trong nhiều cương vị, ban đầu làm cha phó, rồi thành cha sở, và kiêm luôn cả tuyên uý quân đội. Hồi ở đại chủng viện, cha được học võ và được chơi nhiều môn thể thao, nên người cha khoẻ mạnh và rắn chắc lắm. Có lẽ nhờ vậy mà khi về hưu sức khỏe cha ổn định hơn so với các cha khác.

Cha đặc biệt quý mến người già và trẻ con hết thảy. Cha chia sẻ rằng người già là những chứng nhân đức tin can đảm cho con cháu noi theo, họ đã sống và phấn đấu cả đời để gầy dựng không chỉ cơ ngơi cho dòng họ, mà xây dựng đời sống đức tin cho con cháu nữa, vậy nên phải quý trọng họ. Còn trẻ em là tương lai của giáo hội, các em cần một sự đồng hành, chăm sóc chỉnh chu để mong sau này thành người Ki-tô hữu đàng hoàng. Phân biệt thì rạch ròi vậy, chứ cha không bỏ rơi những thành phần khác, mỗi giáo dân trong họ đạo mà cha từng giúp đều được cha quan tâm đến theo cách phù hợp nhất.

Phải nói rằng những ai từng tiếp xúc với cha một hay hai lần, hay may mắn hơn được cha phục vụ, sẽ thấy được sự nhiệt tình và dấn thân của cha. Để hòa nhập, cha cũng học guitar, để gảy đàn và hát với các bạn trẻ những bài hát hiện đại; cũng học bóng đá, bóng chuyền để chơi với các bạn thanh niên trong họ đạo; thậm chí học cả bún thun, bắn bi để chơi với các em nhỏ trong xóm. Cứ mỗi lần thấy cha Lợi xuất hiện, ai cũng mừng vui và đón tiếp cha như một người thân trong nhà chứ không như vị khách xa lạ.

Bước sang tuổi bảy mươi lăm, cha thấy mình không còn đủ sức để tiếp tục những công việc lâu dài ở các họ đạo nữa, cha viết đơn xin Đức Giám Mục cho phép về hưu, gần cuối năm, cha được cho phép về hưu tại nhà hưu dưỡng linh mục giáo phận. Tuy về hưu nhưng cha vẫn hoạt bát và vui vẻ với hết thảy mọi người. Nghe tin cha về hưu, các cha lớn tuổi đều vui mừng vì sắp gặp lại anh bạn già từng chinh chiến trên bao nhiêu “chiến trường”, vui buồn sướng khổ có nhau. Các nữ tu và các thầy nghe mọi người nhắc tới cha Lợi đã lâu, nay mới có dịp được gặp và nhất là được tận tay lo lắng cho cha trong tuổi già.

3.

Đang ngồi trong nhà ăn và nhâm nhi ít thức ăn nhanh với các cha bạn, có tiếng chào:

-“Dạ! Con chào cha!” Một thanh niên khoanh tay chào cha Lợi.

-“Ủa! Thằng… thằng Khánh hả con? Sao bữa nay quởn lên thăm cha vậy?” Cha Lợi nhanh chóng nhận ra người quen.

Khánh là một thanh niên khá đặc biệt tại một họ đạo mà cha Lợi từng giúp. Trước đây từng là một thanh niên bụi đời, ăn chơi lêu lỏng và hay phá làng phá xóm, cha mẹ cậu phải đau lòng rất nhiều trước cậu con trai này. Có lần cậu suýt tham gia vào đường dây buôn lậu, may mà cha mẹ nó phát hiện kịp. Ông bà nhờ cha Lợi, lúc đó là cha sở, giúp đỡ. Cha dần dà tìm hiểu đường dây, móc nối nhiều người quen biết nắm thêm thông tin. Từ đó cha dần làm quen với Khánh trong vai trò là một người vô tình quen biết. Khánh không hề biết đó là cha sở họ đạo mình. Bằng cách đó cha đã nói chuyện, khuyên răn và hướng cách đi cho Khánh. Ban đầu cậu xem thường những chia sẻ của cha, nhưng dần dà cậu thấm thía. Nhất là khi nghĩ về cảnh tù tội và cha mẹ đau khổ thì cậu cũng chẳng hạnh phúc gì, cậu đồng ý với hướng dẫn của cha. Không chỉ giúp Khánh, cha Lợi còn giúp nhiều thanh niên trong đường dây đó hoán cải, và nhóm thanh niên ấy nay trở thành những thành viên đắc lực của họ đạo, siêng năng kinh lễ mỗi ngày.

-“Rồi thằng Kính, Thiện, Đức có lên với con không?” Cha hỏi Khánh.

“Dạ tụi nó hẹn bữa khác lên, còn con bữa nay rảnh nên tranh thủ chạy lên thăm cha”. Khánh giải thích.

Cha con ngồi khề khà bên bình nước trà, trưa hôm đó Khánh ở lại ăn cơm với cha, bữa cơm trưa tại phòng riêng của cha Lợi ở nhà hưu. Nhớ lại kỷ niệm xưa, Khánh vừa gắp đồ ăn cho cha, vừa nói:

-“Cha biết không? Hồi lúc con biết cha là cha sở, con hết hồn. Chứ lúc đầu con nghe cha nói con ghét quá! Con tự nhủ ông này làm gì mà lên mặt dạy đời, nhưng sau đó con hiểu rồi! Con cám ơn cha nhiều lắm!”

-“Ừ! Cha hiểu mà! Lúc đó cha cũng sợ quá trời! Lần đầu tiên mà cũng là lần cuối tham gia mấy vụ “thám tử tư” đó! Lúc đó sợ tụi con quay qua “làm thịt” cha cũng không chừng! Nhưng may Chúa không làm như vậy! Thôi ăn đi con!” Cha vừa nói, vừa cười với Khánh.

4.

“Dì ơi! Bữa nay tôi thấy trong người không được khoẻ lắm! Dì giúp tôi đo huyết áp được chứ?”

Người nữ tu trung niên, cũng có tay nghề y tá liền đáp lời:

-“Dạ! Xíu cha lên phòng y tế, con đo huyết áp cho cha nhé! Hôm nay nhìn cha xanh xao quá!”

Cha vui mừng nói:

-“Cám ơn dì nhiều lắm!”

Lát sau cha lên văn phòng y tế, đo huyết áp xong vị nữ tu thấy huyết áp cha hơi cao, hỏi ra mới biết hồi tối cha mất ngủ, có lẽ trưa hôm qua uống nước trà với Khánh nhiều quá chăng! Vị nữ tu cho cha thuốc hạ huyết áp, lát sau cha thấy khoẻ lại. Ngồi bật dậy, cha cầm cây đàn guitar gảy lên bài “Chúa Là Cây Đàn” của cha Tiến Lộc viết, rồi cha hát hoà với đàn, giọng sang sảng: “Chúa là cây đàn, còn con là điệu hát Chúa ơi! Chúa ngân phím đàn, lòng con ngân vang khắp nơi…”

5.

-“Cha Lợi qua chơi cờ tướng với tui nha! Tui đợi nghen!” Cha Kiên phòng cạnh bên bước sang cửa phòng cha Lợi, gọi người bạn cờ thân quen của mình.

-“Dạ! Anh qua trước xíu em qua! Em ghi lại ý tưởng hay này xíu, mới nảy ra! Không ghi sợ quên mất!” Cha Lợi đáp lời cha Kiên.

Buổi đấu cờ tướng hôm ấy kéo dài suốt cả buổi sáng, trưa hai cha cũng không ngủ mà tranh thủ đánh thêm ván nữa. Buổi tối, hai người bạn già nhấc ghế ra sân ngồi hóng gió, cha Kiên hỏi cha Lợi:

-“Anh Lợi nè! Trong cuộc đời linh mục, anh khao khát điều gì nhất?”

Cha Lợi nghe xong, suy tư hồi chút rồi trả lời chầm chậm:

-“Mong nhất… là… về với Chúa anh ạ! Cuộc sống có gì đẹp hơn ở bên Chúa nữa anh! Rong ruổi bao nhiêu họ đạo, giờ về già chỉ còn khoảnh sân nhỏ xíu này thôi mà đi mãi cũng không hết! Nhưng em tin cùng đích đời mình đâu chỉ quanh quẩn ở đây. Còn anh, anh khao khát gì?

-“Cũng giống cha thôi! Già rồi chỉ còn Chúa. Chẳng còn ai để mình bám víu. Anh em cũng không còn, con cháu mấy khi lên thăm một đợt, nhớ lắm thì gọi nói vài câu rồi thôI!

Hai người bạn già ngồi tâm sự với nhau trong đêm, những vui buồn của đời linh mục.

6.

Vị nữ tu đã chuẩn bị áo lễ và dọn đồ lễ xong, nhưng cha Lợi vẫn chưa ra dâng lễ. Bình thường cha rất đúng giờ, nhưng hôm nay đã trễ mười phút cha vẫn chưa đến. Vị nữ tu thắc mắc. Lay nhẹ vai ông thầy trẻ ngồi phía cuối nhà nguyện, nhờ thầy vào gọi cha.

Vài phút sau, thầy chạy vào kêu to:

-“Mọi người ơi! Cha Lợi…!”

Mọi người chạy vào phòng cha, chiếc giường thẳng thớm, cha nằm úp mặt trên bàn, đèn bàn vẫn bật sáng. Cha đã tắt thở, xác vẫn còn ấm. Trên bàn làm việc của cha vẫn còn tờ giấy dang dở những suy tư cuối cùng của cha: “Lạy Chúa! Tuổi già trong thư thái là ơn Chúa ban. Được quây quần bên anh em và được sự chăm sóc tận tình là một món quà đáng giá. Nhưng con thấy mình vẫn thiếu… Con ước gì…”. Cây bút nằm cặp mép bàn suýt rớt xuống đất, cạnh cánh tay buông thõng của cha.

“Cha Lợi đã về với Chúa trong an bình và hạnh phúc, giấc mơ của vị linh mục cao niên, sau một đời phục vụ, nay đã tròn…” Đức Giám Mục đã chia sẻ với cộng đoàn như thế trong Thánh Lễ cuối cùng với cha Lợi nơi nguyện đường nhà hưu, trước khi đưa cha về đất thánh.

Little Stream

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây