SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN IV MÙA PHỤC SINH - THÁNH MARCÔ, TÁC GIẢ TIN MỪNG - LỄ KÍNH

Thứ tư - 24/04/2024 06:19
 THÁNH MARCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG
Mc 16, 15 – 20
THỨ 5 TUẦN IV PHỤC SINH NĂM B

 


Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô

Đức Giê-su Phục Sinh nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

SUY NIÊM 1:
Sứ điệp: Qua các tông đồ, Chúa Giêsu sai toàn thể Giáo Hội đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Chính Chúa đang âm thầm hoạt động để hỗ trợ Giáo Hội trong sứ mạng cao cả này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật vinh dự cho con biết bao khi con được Chúa tín nhiệm và trao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Chúa để dành phần cho con được cộng tác vào chương trình cứu độ thế giới. Chúa nhìn con như một người con trưởng thành và ủy thác trách nhiệm cho con gánh vác. Các tông đồ và mỗi người chúng con đây chỉ là những kẻ tài hèn sức mọn, nhưng Chúa vẫn tin tưởng và sai chúng con đi. Con xin dâng lời tạ ơn Chúa.
Thật tình con đã quá coi thường lệnh truyền và lòng tín nhiệm của Chúa. Rất nhiều lúc con đã bỏ bê hoặc ngại ngùng chẳng dám dấn thân. Con nghĩ rằng lo cho mình chưa xong thì nào dám khuyên bảo ai. Con e ngại vì đời con còn đầy tội lỗi và chưa theo Chúa trọn vẹn, con viện lẽ không có thời giờ, chẳng có khả năng. Con nhát đảm nhụt chí khi nhìn thấy thực tế bị chống đối khước từ. Chúa sai con đi mà chân con vẫn chưa hề tiến bước.
Lạy Chúa, Thánh Mác - Cô đã nghe được lệnh truyền của Chúa và cộng tác với Thánh Phê-rô trong việc loan báo Tin Mừng, qua lời rao giảng và qua việc viết sách Tin Mừng. Xin Chúa giúp con noi gương các ngài ý thức sứ mệnh của mình, dám lên đường, dám dấn thân. Con tin Chúa vẫn hằng ở bên con và nâng đỡ con khi con làm công việc của Chúa.
Con quyết tâm sẽ không bao giờ làm điều gì ô danh Chúa. Trái lại, con sẽ cố gắng sống Phúc Âm hằng ngày và làm chứng cho Chúa hết khả năng con. Xin Chúa giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng”.

TGM Giuse Nguyễn Năng


SUY NIỆM 2:  THÁNH MARCO, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG.
Thánh Mác-cô là một trong bốn tác giả đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn thánh sử viết Tin Mừng của Chúa Giêsu là Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Tất cả bốn thánh sử, mỗi người một vẻ, mỗi người một cách đã tường thuật đầy đủ cuộc đời của Chúa Giêsu. Thánh Mác-cô đã được Chúa gọi mời, tuyển chọn để trở nên tông đồ và là một người tường thuật lại đời sống của Chúa Giêsu.
MỘT CON NGƯỜI, MỘT CUỘC ĐỜI
Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Mác-cô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã. Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Mác-cô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Mác-cô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Mác-cô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.
THÁNH MÁC-CÔ ĐƯỢC PHÚC TỬ ĐẠO
Được Chúa mời gọi, thánh Mác-cô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67. Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Mác-cô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.
“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô “( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng ).
 
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

SUY NIỆM 3:
 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.
Bận tâm của Đức Giê su vẫn là làm cho con người nhận biết Thiên Chúa và trở thành con cái của Ngài. Chính vì thế, ngay sau khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu vẫn tiếp tục nâng đỡ các môn đệ và sai phái họ tiếp tục thi hành sứ mạng mà Ngài đã thực hiện.
Sứ điệp được đưa ra rất rõ ràng, cụ thể mà các môn đệ là người thực hiện chứ không phải ai khác. Tin Mừng Phục Sinh là Tin Mừng phải được loan cho mọi loài thọ tạo trong khắp tứ phương thiên hạ. Đây là sứ điệp của hòa giải yêu thương bởi mọi loài đều có thể nghe và có thể chung sống với nhau theo cùng một đường lối.
Bận tâm ngày hôm nay của tôi là gì? Tôi có nghe thấy Tin Mừng trong cuộc đời tôi? Tôi có thấy được mời gọi để trở nên người loan Tin Mừng của Chúa? Tôi thực thi sứ mạng hòa giải khi thi hành sứ mạng này như thế nào?
Lạy Chúa, xin cho con trở nên khí cụ của Chúa để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho con người.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM 4:
Hôm nay, Chúa Giêsu nói: “ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo ”. Rao giảng Tin mừng là lệnh truyền của Chúa Giêsu. Mệnh lệnh này không chỉ dành cho các tông đồ xưa mà còn cho mỗi người Kitô hữu hôm nay. Chính vì vậy, chúng ta có nhiệm vụ đem Tin mừng đến cho tất cả mọi người. Tin mừng này không phân biệt màu da, giai cấp, ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo, trí thức hay bình dân nhưng cho tất cả mọi người. Vì “ ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ”.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động. Biết bao người đang sống trong cảnh hận thù, chia rẽ, bất công, phân biệt, dịch bệnh, động đất, thiên tai… Lời mời gọi của Chúa Giêsu “h ãy đi và loan báo ” càng cấp bách hơn lúc nào hết. Mỗi gia đình Công giáo chúng ta là một Hội thánh thu nhỏ. Vì thế, việc ra đi và loan báo Tin mừng phải được thực thi từ ngay trong chính gia đình mình. Mỗi người hãy loan báo Tin mừng không chỉ bằng lời nói mà còn bằng việc làm cụ thể. Chúng ta hãy là chứng nhân của Tin mừng Chúa Phục Sinh trong thế giới hôm nay. Qua việc gặp gỡ, giúp đỡ, chăm sóc những người lạc xa đức tin, những người ốm đau bệnh tật, những người bị bỏ rơi không nơi nương tựa, chúng ta sẽ là những người đang loan báo và sống Tin mừng thực thụ của Chúa. Nhờ đó, mọi người sẽ nhận biết Tin mừng và được hưởng ơn cứu độ từ Tin mừng chúng ta rao giảng. Chúng ta cần nhớ lại lời mời gọi tha thiết của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong sứ điệp Truyền giáo 2023 “ Lòng bừng cháy, chân bước nhanh ” và chủ đề năm mục vụ của giáo phận mà Đức cha Giuse đã định hướng cho sứ vụ của chúng ta: “ Hiệp thông loan báo Tin mừng ”.
Hôm nay cũng là ngày toàn thể Giáo hội mừng lễ kính thánh Marco, người đã viết và sống Tin mừng, nhờ lời chuyển cầu của ngài, xin Chúa ban cho mỗi thành viên trong gia đình chúng ta ý thức mình là con cái Chúa qua việc lãnh nhận bí tích Rửa tội, và là chứng nhân cho Tin mừng Chúa Phục Sinh. Amen.
https://giaophanphucuong.org/
SUY NIỆM 5: CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho mọi người. Tuy nhiên, các môn đệ không hoạt động một mình, nhưng luôn có Chúa cùng hoạt động với các ông. Có Chúa cùng hoạt động nghĩa là người môn đệ không bao giờ làm việc một mình cũng như không bao giờ làm theo ý mình. Người môn đệ sẽ thành công và chu toàn được sứ vụ của mình khi để cho Chúa dùng mình theo ý Chúa.
Chúng ta có bao giờ ý thức về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình không? Chúng ta có để cho Chúa thể hiện ý Ngài trên cuộc đời chúng ta không? Dường như chúng ta chỉ nhớ và chạy đến với Chúa khi cần hay gặp thất bại thôi. Bình thường chúng ta chẳng mấy khi nhớ đến Chúa và tìm ý Chúa mà thi hành. Đây là nguyên nhân tại sao mỗi người không có sự bình an và hay thất bại, vì chúng ta đã không để cho Chúa có cơ hội cùng làm với mình. Chúng ta sẽ không làm gì được nếu không có Chúa vì sự sống và tương lai của bản thân nằm trong tay Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng bao giờ kiêu ngạo mà dựa vào sức riêng mình, nhưng luôn sống khiêm hạ để Chúa dùng chúng con theo ý Chúa. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 6:  KHIÊM NHƯỜNG VÀ DŨNG CẢM NHƯ THÁNH MÁC-
 Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Máccô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã.
Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Máccô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế.
Dựa vào bút pháp của Máccô, chúng ta cố gắng tìm hiểu tính khí của ngài. Tính chất sống động của Phúc âm thứ II biểu lộ rõ chứng tích mục kiến của Phêrô, chứ không phải của Marcô, dầu có thể là Marcô đã chứng kiến việc bắt bớ Chúa Giêsu vì các nhà chú giải đồng hóa ngài với người thanh niên vô danh bỏ chạy mình trần (Mc 14,50-52). Dầu vậy, thánh Máccô không phải là một máy ghi âm diễn lại lời của Phêrô, ngài là tác giả ghi lại ký ức của Phêrô với bút pháp riêng. Ngài là người ít lời (673 câu so với 1068 câu nơi Matthêu) và có giọng văn không chải chuốt.
Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Máccô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Máccô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.
 Được Chúa mời gọi, thánh Máccô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67.
Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Máccô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.
Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo
Hôm nay, chúng ta đọc những lời này trong Ca Nhập Lễ.  Đây là sứ vụ tông đồ Chúa đã ban và thánh Máccô đã ghi lại.  Về sau, được ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, thánh nhân đã minh chứng lệnh truyền ấy đã được thực hiện khi ngài chép Tin Mừng: Các tông đồ ra đi và rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố tin mừng bằng những phép lạ kèm theo.  Đó là những lời thánh Máccô kết thúc Tin Mừng của ngài. 
 Thánh Máccô đã trung thành với sứ vụ tông đồ mà ngài đã nghe qua lời giảng của thánh Phêrô : Hãy đi khắp thế gian.  Chính thánh Máccô và Tin Mừng của Ngài đã là một thứ men hiệu quả cho thời đại ngài. Chúng ta cũng phải trở nên một thứ men tốt cho thời đại chúng ta.  Nếu sau lần nhát đảm, thánh nhân đã không khiêm nhượng và dũng cảm làm lại, có lẽ giờ đây chúng ta không có những kho tàng lời giảng và việc làm của Chúa Giêsu để thường xuyên suy gẫm, và nhiều người, nếu không nhờ ngài, chắc cũng chẳng bao giờ biết được Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của nhân loại.
 Sứ mạng của thánh Máccô - cũng như của các Tông Đồ, của các nhà truyền giáo, của các tín hữu tốt lành luôn ra sức sống đúng với ơn gọi của mình - chắc chắn không phải là một sứ mạng dễ dàng.  Chúng ta biết ngài đã chịu tử đạo. Ắt hẳn thánh nhân đã trải qua kinh nghiệm chịu bách hại, mệt mỏi, và hiểm nguy trong việc theo bước Chúa.
 Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, cũng như các tín hữu thời các Tông Đồ, vì sức mạnh và niềm vui Chúa Kitô đã được truyền lại đến ngày nay cho chúng ta.  Mọi thế hệ Kitô hữu, mọi cá nhân đều được mời gọi lãnh nhận sứ điệp Phúc Âm và truyền thụ lại cho người khác.  Ơn Chúa không bao giờ thiếu: Cánh tay Chúa không bị thu ngắn. Người tín hữu biết Chúa đã thực hiện các phép lạ từ nhiều thế kỷ trước kia, và hiện nay Người vẫn đang thực hiện. Với ơn Chúa giúp, mỗi người chúng ta cũng sẽ thực hiện những phép lạ nơi tâm hồn thân nhân, bạn bè, và những người quen biết, nếu chúng ta sống trong mối kết hợp với Chúa Kitô qua lời cầu nguyện.
 Giáo Hội hôm nay nêu lên mẫu gương thánh Máccô. Thật là một hy vọng và ủi an khi chiêm ngưỡng đời sống vị sử gia thánh thiện này. Mặc dù có những yếu đuối, nhưng chúng ta vẫn có thể như ngài, tin tưởng vào ơn Chúa và sự phù trợ của Mẹ Giáo Hội. Những thất bại và những hành vi nhát đảm của chúng ta, dù lớn hoặc nhỏ, phải làm chúng ta khiêm tốn hơn, liên kết chúng ta mật thiết hơn với Chúa Giêsu, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh mà chúng ta đang thiếu thốn.
 Tin Mừng là của Thánh Máccô, một Tin Mừng có một có một sức mạnh rất cụ thể sống động chống lại sức mạnh của quỉ dữ muốn làm hại Chúa Giêsu. Ngày nay người ta khá coi thường một thứ Tin Mừng có nhiều phép lạ, nó lôi kéo chú ý về những kỳ lạ hơn về sứ điệp thứ tha và giải tháot của Tin Mừng; may thay bản văn vẫn ưu tiên dành cho lời Chúa. Hãy suy nghĩ đến sức mạnh tâm hồn của các vị truyền giáo, đến những ân huệ các Ngài đã mang đến cho một thế giới trong lầm than được nghe loan báo về Đấng Cứu Thế đã toàn thắng, đã đoạt được vinh quang của ngai tòa Thiên Chúa. Như Máccô, khiêm tốn nhưng hăng say, chính Ngài đã tiếp tục theo chân những người nghèo khó nói những lời định mệnh cho đến tận thế để nối đất của chúng ta với trời.
 Và ta thấy Thánh Máccô thực hiện mệnh lệnh ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa bằng cách đi truyền giáo với Thánh Phaolô. Ngài đi truyền giáo với Banaba. Ngài đi theo và làm phụ  tá cho Thánh Phêrô. Ngài làm giám mục phục vụ cộng đoàn Alexadre. Cuối cùng, Ngài đã viết và lưu truyền cho hậu thế cuốn Tin Mừng mang tên Ngài, Tin mừng theo Thánh Máccô.
 Mỗi người chúng ta mừng lễ Thánh Máccô hôm nay, hãy noi gương bắt chước Ngài, bằng cách đóng góp phần mình cho việc loan báo Tin mừng. Bởi vì, loan báo Tin mừng là lệnh truyền của Chúa, là bổn phận của Giáo hội và của mỗi người kitô hữu chúng ta.
https://giaophanvinhlong.net/
SUY NIỆM 7:
Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của Tin Mừng Thánh Mác-cô, vị thánh sử mà chúng ta mừng kính hôm nay. Đoạn Tin Mừng mô tả lệnh truyền của Đấng Phục Sinh dành cho hết những ai theo Người: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

* Lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.
Trước khi về trời, lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.
  • Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo. 
  • Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”. 
  • Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc rao giảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong hoàn cảnh nào.
  • Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.
  • Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.

* Điều kiện để được cứu độ.
Tiếp theo lệnh truyền là lời khằng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.
  • Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). 
  • Cần phân biện giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.

* Phép lạ kèm theo.
Cần lưu ý, những phép lạ chỉ là “kèm theo”, chỉ đóng vai trò phụ trong việc minh hoạ cho Lời Rao Giảng, nâng đỡ niềm tin người đón nhận và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh; Lời Rao Giảng mới đóng vai trò chính trong niềm tin và ơn cứu độ.
Chính vì thế, mà chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần từ chối làm phép lạ, vì người ta đòi hỏi Người. Niềm tin mà chỉ dựa trên phép lạ thì không còn là niềm tin nữa.

 
Lạy Chúa Giê-su, từ ngày chịu phép rửa tội, chúng con mang trên mình vai trò ngôn sứ, là luôn phải biết đem Tin Mừng đến cho người khác trong bất cứ hoàn cảnh nào, xin Chúa cho chúng con luôn biết hăng say rao giảng Lời Chúa với cả sự khao khát, lời nói và hành động, hầu quê hương đất nước chúng con ngày một thêm nhiều người nhận biết và tôn thờ Chúa. Amen.

 

Hiền Lâm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây