SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 30/07/2024 06:21
SUY NIỆM THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Mt 13,44-46
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
44 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy.
45 Nước Trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý.
46 Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

SUY NIỆM 1: LỰA VÀ CHỌN
Tiếp tục các bài giáo lý về mầu nhiệm Nước Trời, Tin mừng hôm nay cho biết, Chúa Giêsu đã dùng 2 dụ ngôn hết sức thực tế và dễ hiểu để nói về giá trị của Nước Trời.
Dụ ngôn thứ nhất nói về một người làm ruộng mướn. Rồi vào một ngày ông ta phát hiện trong thửa ruộng ấy có một kho báu. Ông liền bán tất cả của cải để mua cho bằng được thửa ruộng đó, vì ông ta biết rằng, kho báu ấy giá trị hơn rất nhiều so với những gì mà ông có.
Tương tự như vậy, dụ ngôn thứ hai kể về một người thương gia buôn bán ngọc. Một hôm ông thấy được một viên ngọc quý. Ông vội bán tất cả những gì mình có để mua cho bằng được viên ngọc ấy, vì ông ta biết chắc rằng, viên ngọc quý đó giá trị hơn rất nhiều so với những viên ngọc mà ông đang có.
Qua 2 dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nhắn gởi đến chúng ta 2 điều. Thứ nhất, tuy những cái ở đời này rất giá trị và cần thiết cho cuộc sống của chúng ta, nhưng hạnh phúc Nước Trời còn giá trị hơn rất nhiều. Chúa Giêsu muốn các kitô hữu phải biết so sánh và nhận định cho bằng được điều ấy. Thứ hai, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải có một sự khôn ngoan trong mọi quyết định và chọn lựa của mình.
Thật ra ai cũng đủ khả năng để biết và hiểu rằng, hạnh phúc Nước Trời rất giá trị và rất cần thiết đối với người kitô hữu chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có đủ bản lĩnh để chọn lựa, để đánh đổi hay không mà thôi!
Thật ngưỡng mộ khi có những anh chị em tín hữu có rất nhiều cơ hội để thăng quan tiến chức, để làm ông này bà nọ trong xã hội này, chỉ cần họ điền vào sơ yếu lý lịch 3 chữ “không tôn giáo”. Nhưng họ lại không làm thế. Họ chọn Nước Trời chứ không chọn trần gian: một chọn lựa mang tính quyết định cho cả tương lai, một sự giằng co nội tâm không hề nhẹ, một sự đấu tranh tư tưởng không hề dễ, nhưng họ đã làm được.
Còn chúng ta, đôi lúc chỉ cần bỏ vài ba tật xấu, bỏ đi vài ba thú vui không lành mạnh để phù hợp với một người con cái Chúa mà chúng ta cũng không làm được.
Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có những chọn lựa đầy khôn ngoan và bản lĩnh: Giữa cái xấu và cái tốt, phải chọn cái tốt; giữa cái tốt và cái tốt hơn, thì phải chọn cái tốt hơn; điều gì là xấu là bất chính, can đảm dứt bỏ
Ước gì chúng ta hiểu được điều ấy, để mỗi người có những chọn lựa sao cho chiếm được Nước Trời làm gia nghiệp. Và để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại những lời sau đây của CGS: “Thầy bảo thật anh em, nếu được cả thế gian mà mất phần linh hồn thì cũng chẳng có ích lợi gì”. Amen.
Lm Antôn

SUY NIỆM 2:
       Hai dụ ngôn “kho báu” và “ngọc quý” mà Tin Mừng hôm nay thuật lại qua lời rao giảng của Chúa Giêsu là một lời mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến.
         Nước Thiên Chúa đó không phải là một chuyện tình cờ, nhưng là một thực tại bị ẩn giấu như kho tàng chôn giấu trong thửa ruộng và như viên ngọc lẫn lộn trong số các loại ngọc giữa chợ đời. Vì thế, phải thao thức đi tìm, biết phân định chọn lựa, dám dấn thân và từ bỏ tất cả để đổi lấy nó.
 
      Dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý muốn nói tới sự cao quý tột bực của Nước Trời mà không có thứ giá trị nào sánh bằng. Tựa như khi phát hiện ra kho báu hay tìm được viên ngọc đẹp, người ta bán hết tất cả những gì mình có để tậu cho được, thì khi những ai đã khám phá ra Nước Trời, mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để dành cho được nước ấy.
          Theo cách diễn đạt của dụ ngôn, thì thường là Thiên Chúa “chôn giấu lại” kho tàng sau khi đã chỉ cho chúng ta thấy. Nó chỉ thuộc về chúng ta sau khi đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng khổ đau để có khả năng lãnh nhận kho báu ấy.Hình ảnh "kho báu" và "viên ngọc quý" vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết giá trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó. Nước Trời có đó nhưng mấy ai khám phá ra và mấy ai nhận thấy được giá trị vĩnh cửu để đầu tư đời mình. Kho báu được chôn giấu nên phải tìm kiếm và đào bới, muốn có ngọc đẹp phải bôn ba đây đó tìm mua. Nước Trời là một thực tại siêu việt nên phải vất vả tìm kiếm với cả lòng khao khát và hy sinh.
          Người nông dân biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu, thương gia kia biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì xấu xí và lẫn tạp trong tạp hóa. Cũng vậy, giữa đời sống đem đến cho chúng ta đủ mọi loại giá trị, nên cần biết phân định đâu là giá trị vĩnh cửu và đâu là những giá trị chóng qua để đầu tư hay từ bỏ, từ đó nhận ra giá trị vĩnh cửu của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.
          Như người kia trong dụ ngôn phải bán tất cả những gì mình có mới đủ tiền tậu thửa ruộng có kho báu hoặc mua viên ngọc quý. Chúng ta cũng phải vứt đi tất cả những thói quen, những thú vui thường xâm chiếm mà không thỏa mãn tâm hồn chúng ta. Trong sóng gió và bão táp cuộc đời, chúng ta phải nhớ đến “kho báu” đã từng được tìm thấy, cho đến khi gặp lại được nó. Thật vậy, có thể người kia đã phải bán cả nhà cửa và mọi tài sản, thậm chí phải mất cả gia đình họ hàng chỉ vì “cái tội” mê viên ngọc đẹp. Cũng thế, chúng ta phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Muốn đón nhận giáo lý của Chúa Giêsu để đạt được hạnh phúc đời đời, đòi hỏi các môn đệ Chúa Giêsu phải từ bỏ tất cả và vượt lên trên những tiếc nuối truyền thống và luật cũ.
          Như vậy, thực tại Nước Trời phải được khám phá ra và hiểu đúng. Tất cả các giá trị khác, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội, của cải, tiện nghi, sức khỏe, lợi lộc, thú vui… không phải là những giá trị và tiêu chuẩn tối hậu, nhưng những tiêu chuẩn đó phải được thay thế và nhắm tới mục tiêu vĩnh cửu là Nước Trời. Nước Trời có đó, nhưng là một thực tại đang bị chôn giấu giữa thửa ruộng thế gian, sự sống vĩnh cữu đang ở ngay giữa chợ đời vàng thau lẫn lộn; nên để đạt được Nước Trời là sự sống vĩnh cửu đòi hỏi con người phải lên đường tìm kiếm, phải sáng suốt phân định, phải can đảm dấn thân và phải bỏ lại đàng sau những gì không còn thích hợp cho sự sống mai sau.
          Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết coi giá trị cao quý nhất và vĩnh cửu là Nước Trời, vượt trên mọi thứ giá trị trần thế mau qua, để chúng con chỉ lo tìm kiếm Nước Trời ngay trong cuộc sống và khám phá ra cùng đạt được nguồn hạnh phúc Nước Trời ngay trong khi chu toàn phận vụ mà Chúa trao cho chúng con giữa đời sống dương gian này. Amen
 
Hiền Lâm

SUY NIỆM 3: DỤ NGÔN KHO TÀNG VÀ NGỌC QUÝ
1. Hai dụ ngôn “kho tàng” và “ngọc quí” mà Tin Mừng hôm nay thuật lại qua lời rao giảng của Chúa Giê-su là một lời mời gọi chúng ta đừng để mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến. Nước Thiên Chúa đó không phải là chuyện tình cờ, nhưng là một thực tại  bị ẩn giấu như kho tàng chôn giấu trong thửa ruộng và như viên ngọc lẫn lộn trong số các loại ngọc giữa chợ đời. Vì thế, phải thao thức đi tìm, biết phân định chọn lựa, dám dấn thân và từ bỏ tất cả để đổi lấy nó.
2. Ý nghĩa của dụ ngôn.
Dụ ngôn kho tàng không đặt vấn đề  luân lý về hành động của người mua thửa đất. Dụ ngôn chỉ muốn đề cao giá trị của Nước Trời, nên nhấn mạnh niềm sung sướng của người kia thôi. Theo luật Rôma thời ấy, thì kẻ gặp được báu vật chôn giấu như vậy, có quyền chiếm hữu. Còn theo luật Do thái, trong văn mạch của dụ ngôn này thì quyền sở hữu báu vật thuộc về chủ thửa đất, vì thế người kia khi tìm thấy, đã chôn giấu  rồi về nhà bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng ấ
Dụ ngôn đi tìm ngọc quí cũng mang ý nghĩa tương tự như dụ ngôn kho tàng. Nước Trời cao quí hơn tất cả mọi sự con người có thể có, nên con người phải sẵn sàng hy sinh tất cả, để chiếm được Nước ấy. Có người hiểu thương gia là Chúa Giêsu, và viên ngọc quí là con người: Con Thiên Chúa đã hy sinh tất cả vì loài người chúng ta (2Cr 8,9; Pl 2,6-11) (Giải thích của Trần hữu Thành).
3. Dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí nói tới sự cao quí tột bực của Nước Trời mà không có thứ giá trị nào sánh bằng. Tựa như khi phát hiện ra khó báu hay tìm được viên ngọc quí, người ta bán hết tất cả những gì mình có để tậu cho được, thì khi những ai khám phá ra Nước Trời, mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để dành cho được nước ấy.
Theo cách diễn đạt của dụ ngôn, thì thường là Thiên Chúa “chôn giấu lại”kho tàng sau khi đã chỉ cho chúng ta thấy. Nó chỉ thuộc về chúng ta sau khi đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng khổ đau để có khả năng lãnh nhận kho báu ấy.  Hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quí” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết giá trị của chúng thì quí hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn trong đó. Nước Trời có đó nhưng mấy ai khám phá ra và mấy ai nhận thấy được giá trị vĩnh cửu để đầu tư đời mình.  Kho báu được chôn giấu nên phải tìm kiếm và đào bới, muốn có ngọc đẹp phải bôn ba đây đó tìm mua.  Nước Trời là một thực tại siêu việt nên phải vất vả tìm kiếm  với cả lòng khao khát và hy sinh (Hiền Lâm).
4. Kitô giáo thiết yếu chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Làm Ki-tô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Ki-tô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Ki-tô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phao-lô:”Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Ki-tô sống trong tôi”. Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát (Mỗi ngày một tin vui).
5. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta xác định lại căn tính ơn gọi của mình, đó là đi theo Ngài. Đi theo Chúa Giêsu là đón nhận Ngài làm gia nghiệp, lấy lời Ngài làm kim chỉ nam hướng dẫn. Sẵn sàng  sống những giá trị Tin Mừng ấy trong cuộc đời  dù gặp những khó khăn. Quyết tâm từ bỏ những điều bất chính trái với thánh ý Chúa. Làm được điều đó, ấy là lúc chúng ta khôn ngoan như người lái buôn và chàng thanh niên trong Tin Mừng đi tìm “kho tàng” và “viên ngọc quí” hôm nay.
Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng : Nước Trời là “kho tàng” bền vững và Chúa Giêsu là “viên ngọc quí” đích thực. Đạt được “kho tàng” là Nước Trời; chiếm hữu được “viên ngọc quí” là chính Chúa Giêsu thật là điều không dễ ! Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải đánh đổi  bằng những hy sinh, cố gắng và tin tưởng tuyệt đối, ngay cả cái chết.
6. Truyện :  Cần phần rỗi linh hồn.
Attila xâm chiếm nước Italia với các binh đoàn hùng hậu của ông. Khi đã chiếm đóng làm chủ khắp mọi nơi thuộc đế quốc Rôma, ngày kia quân lính đến báo cáo với ông ta rằng :”Ở vùng ông ta đang trú đóng có một vị ẩn tu rừng”. Atttila, ông vua hiếu chiến, hung dữ, rất kiêu căng này luôn muốn mọi người run sợ sụp lạy trước mặt mình nên ông ta nảy ra ý định thử đến gặp vị ẩn sĩ xem sao.
Tưởng rằng vị tu hành sẽ sợ hãi khi phải đối diện với nhà chinh phục khét tiếng này, không ngờ, người của Thiên Chúa chẳng những không run khiếp, trái lại còn tỏ ra ung dung tự tại khiến Attila vừa nể phục vừa cảm mến. Sau khi trò truyện với một người khôn ngoan, có tài đáp ứng mau lẹ, Attila bèn hứng chí nói: ”Ta sẽ cho ngươi tất cả những gì ngươi có thể ước muốn trong vương quốc của ta”.  Lúc đó, vị tu sĩ vừa ngửa tay chìa về phía Attila vừa nói: ”Thưa ngài, trong toàn vương quốc của ngài tôi chỉ ước muốn  một điều duy nhật: Phần rỗi của linh hồn ngài”.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 4: KHO TÀNG VÀ VIÊN NGỌC QUÝ 
Thánh Phanxicô X. là con một người giàu có. Ngài thuộc thành phần quý tộc. Vì thế, không lạ gì khi còn trai trẻ, thánh nhân ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng trần gian! Tuy nhiên, nhờ người bạn thân của ngài là thánh Inhaxiô Loyola, một hôm đã gieo Lời Chúa vào tai Phanxicô: “… được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).
Nhờ câu Lời Chúa trên mà ngài được ơn biến đổi hoàn toàn. Từ con người ham mê của cải trần thế trở thành một tu sĩ nghèo khó. Từ một người ham mê khoa bảng trần gian trở thành một người chỉ biết rao giảng chân lý Tin Mừng.
Hôm nay, Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy xác định lại căn tính ơn gọi của mình, đó là đi theo Ngài. Đi theo Đức Giêsu là đón nhận Ngài làm gia nghiệp, lấy lời Ngài làm kim chỉ nam hướng dẫn. Sẵn sàng sống những giá trị Tin Mừng ấy trong cuộc đời dù gặp những khó khăn. Quyết tâm từ bỏ những điều bất chính trái với thánh ý Chúa. Làm được điều đó, ấy là lúc chúng ta khôn ngoan như người lái buôn và chàng thanh niên trong Tin Mừng đi tìm “kho tàng” và “viên ngọc quý” hôm nay.
Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng: Nước Trời là “kho tàng” bền vững và Ðức Giêsu là “viên ngọc quý” đích thực. Đạt được “kho tàng” là Nước Trời; chiếm hữu được “viên ngọc quý” là chính Đức Giêsu thật là điều không dễ! Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải đánh đổi bằng những hy sinh, cố gắng và tin tưởng tuyệt đối, ngay cả cái chết.
Lạy Chúa Giêsu, có Chúa là có tất cả, không có Chúa kể như không có gì. Xin cho chúng con hiểu được điều đó, quyết tâm và đánh đổi bằng mọi giá để có Chúa làm gia nghiệp của cuộc đời chúng con. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5:
Câu chuyện
Ignatiô sinh tại Lôyôla miền Cantabria nước Tây Ban Nha trong một gia đình giàu sang, phú quý và đầy thế giá vào năm 1493. Ignatiô đã nhập ngũ và bị thương khi quân đội Tây Ban Nha giao tranh với quân đội Pháp ở Pampelune vào năm 1523.
Thời gian nằm bệnh viện dưỡng bệnh lâu dài. Sau khi đã đọc rất nhiều sách vở, người ta đưa cho chàng cuốn sách Hạnh các thánh. Chính gương mẫu đời sống các thánh đã thúc giục Ngài: “Hãy bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu”, ngài tự hỏi: Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phanxicô và Đôminicô đã làm chăng?
Ơn trên thúc đẩy, Ignatiô bắt đầu khám phá ra mầu nhiệm nước Trời trong ơn gọi của mình, Ngài đã bỏ thanh kiếm quý tộc của mình ở bàn thờ Đức trinh nữ Maria tại Mont-Serrat. Ngài sống một đời sống họa lại tình yêu của Chúa Giêsu, Ngài đã sống khó nghèo như một người ăn mày, Ngài đã viết nhiều sách rất có giá trị về mặt đạo đức và thiêng liêng. Cùng với các cộng sự viên ngài đã sáng lập Dòng Chúa Giêsu tức là Dòng Tên, châm ngôn của Dòng là: “Tất cả cho vinh danh Chúa hơn”.
Ignatiô thường cầu nguyện: “Xin ban cho con tình yêu và ơn thánh Chúa, thế là con giàu rồi, con không xin gì nữa”.
Suy niệm
Chúa Giêsu dùng hình ảnh kho báu và ngọc quý, nói lên giá trị tuyệt đỉnh của nước Trời, theo Chúa Kitô đó là mục đích lớn nhất của đời người. Muốn đạt tới nước Trời, con người phải nỗ lực đi tìm và hy sinh tất cả để gìn giữ khi tìm thấy. Nếu như giá trị của kho tàng, vàng, ngọc, kim cương vượt lên trên mọi giá trị của con người mà họ hăng say tìm kiếm ở trần gian, qua hình ảnh này, Chúa Giêsu cũng nói về niềm vui, giá trị nước Trời vượt trên tất cả. Tuy nhiên, kho tàng nước Trời, ngọc quý của Thiên quốc là những của cải không hề bị mất đi trong lúc vàng, kho tàng, ngọc, kim cương sẽ chỉ có giá trị ở đời này, còn kho tàng nước Trời là vĩnh cửu, nên nước Trời sẽ vượt lên trên mọi thứ vật chất, vui sướng của trần thế.
Để hiểu thêm ý nghĩa của dụ ngôn kho tàng và ngọc quý mà Chúa Giêsu muốn truyền dạy, chúng ta tìm hiểu chi tiết hoàn cảnh xã hội Do Thái đương thời. Thời đó, do tình trạng chính trị với sự đe dọa xâm lăng của ngoại bang ở vùng Trung Đông, chôn giấu của cải là việc thông thường để gìn giữ nó trước biến động, giống như Việt Nam chúng ta vào thời chiến tranh, chôn giấu của cải để bảo vệ nguyên vẹn trước những biến động. Theo luật người Rôma thời ấy, ai tìm được bảo vật thì họ có quyền sở hữu. Nhưng theo luật Do Thái thì quyền sở hữu thuộc về chủ thửa đất. Dụ ngôn này cho thấy Đức Giêsu rất thông thạo về luật lệ và phong tục Do Thái. Trong dụ ngôn kho báu, tìm được báu vật là một sự tình cờ; nhưng trong dụ ngôn tìm ngọc quý đó là một chủ tâm, chủ tâm làm mọi sự để đạt được nước Chúa.
Ngày hôm nay, con người vẫn mải mê tìm kiếm vật chất mà quên đi những giá trị của nước Trời, con người lo lắng mọi sự thế gian: Làm tất cả để giàu, để đẹp, chính vì mải mê đó mà quên đi những thực tại quê Trời mà họ cần phải tìm kiếm. Con người hôm nay đặt tất cả mọi lo toan, lo lắng, mà quên Đức Kitô và nước Ngài như thánh Âugustinô đã nhìn thấy trong cách sống con người: “Chúa Giêsu không đáng giá chútnào, nếu Ngài không được coi trọng hơn tất cả”. Phải chăng, Chúa Giêsu không phải là kho tàng, nước Trời mà Ngài rao giảng không có giá trị gì với chúng ta chăng?
Chúa Giêsu đã hứa với những ai dành trọn tâm cho việc tìm kiếm nước Chúa: “Trên hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Bạn để tâm hồn mình định hướng tìm kiếm nước Thiên Chúa, mình sẽ có được tất cả, vì nước Thiên Chúa mà bạn tìm được sẽ chiếm hữu bạn. Chính lúc đó, bạn sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc có nước Trời. Nước Trời bắt đầu ở trong tâm hồn của bạn như lời nguyện Giáo hội xác định : “Và cho chúng con được nếm trước những ân huệ Cha sẽ ban cho chúng con ở đời sau” (Lời tiền tụng các thánh Trinh Nữ và các thánh Tu Sĩ) “bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt”(Pl 3,12).
Xin cho con xác định đời con để con luôn nỗ lực tìm kiếm nước Trời.
Ý lực sống
Để tâm toàn ý tìm nước Trời
Con vui tiến bước vì ngày mai.
 Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM 6: KHO BÁU NƯỚC TRỜI 
Sống giữa thời đại hưởng thụ, theo đuổi vật chất, con người thường quên mất mục đích tối hậu của mình và hay lẫn lộn các giá trị của cuộc sống. Các giá trị tinh thần, thiêng liêng không còn được chú trọng hay đề cao, mà thay vào đó con người thường tìm đến các giá trị bên ngoài, giá trị vật chất. Sự lầm lẫn này dẫn con người xa dần Thiên  Chúa và quên dần việc đi tìm kho báu quí giá mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho mỗi người: kho báu Nước Trời.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay như nhắc nhớ mỗi người về việc tìm kiếm kho báu Nước Trời, kho báu đích thực của con người. Để có thể tìm gặp được kho báu này, trước hết ta phải có lòng khao khát và ước ao kiếm tìm. Lòng khao khát này phải được xuất phát từ chính tình yêu và sự chân thành nếu không, ta có thể đi sai hướng hay nhầm đường. Ngoài sự chân thành khao khát và ao ước kiếm tìm, để có thể đạt được kho báu Nước Trời, ta phải lựa chọn và hy sinh đánh đổi, thậm chí có thể đánh đổi cả chính mạng sống. Đây là điểm mấu chốt và cũng là thái độ Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người, thái độ dấn thân và sẵn sàng từ bỏ tất cả.
Thật vậy, nhiều người có thiện chí tìm kiếm nước Thiên Chúa nhưng khi tìm thấy lại không dám cương quyết “bán tất cả để đi theo” như trường hợp người thanh niên tốt lành (x. Mt 19, 21). Vì thế, thái độ dứt khoát từ bỏ và đánh đổi sẽ quyết định việc giành được kho báu Nước Trời của mỗi người.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn giữ được lòng khao khát tìm kiếm hạnh phúc đích thực, là Nước Trời và khi đã tìm thấy, xin Người ban ơn can đảm để chúng con dám từ bỏ tất cả để đổi lấy kho báu mà Người đã dành sẵn cho mỗi người chúng con, kho báu Nước Trời. Amen.
Tu sĩ G. B. Hoàng Gia Bảo, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây