SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN: THÁNH ĐA MINH LINH MỤC - LỄ NHỚ

Thứ tư - 07/08/2024 06:34
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN: THÁNH ĐA MINH LINH MỤC - LỄ NHỚ
Mt 16,13-23

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”.
15 Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
16 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. 17 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. 18 Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. 19 Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.
20 Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô. 21 Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại.
22 Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”.
23 Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

SUY NIỆM 1: KHẮC GHI VÀO TÂM KHẢM
   Nhà điêu khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng của Chúa Giêsu bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé rằng:
- Ai đó?
Em bé tức khắc trả lời:
- Một vĩ nhân.
Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng công khó của mình trong hai năm như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:
- Em biết bức tượng này là của ai không?
Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt trào ra đôi mi, em khẽ nói:
- Hỡi những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta!
Nhà điêu khắc thỏa mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố:
- Tôi dã thấy Chúa Cứu Thế Giêsu và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài bằng cẩm thạch này.
Sau đó không lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu khắc tạc một bức tượng nữ thần Vệ Nữ cho bảo tàng viện Louvre, Paris và hứa trả một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối, nói rằng: một người đã thấy Đấng Kitô, và đã tạc vẻ mặt của Ngài không thể dùng nghệ thuật vào thần thánh đời này khiến cho nghệ thuật của mình hóa ra phàm tục.(Sưu tầm)
1/ Ta sẽ ghi khắc vào tâm khảm chúng, Ta là Thiên Chúa
   Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước với dân riêng của Ngài tại núi Sinai, Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ dân Israen, khi họ giữa giao ước của Ngài. Nhưng Israen đã hủy bỏ giao ước này như tiên tri Giêrêmiah tuyên sấm hôm nay: “Chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng.” Họ đã không trung thành với Chúa khi chạy theo các thần ngọai bang để thờ phượng chúng. Họ đã không tuân giữ các điều răn Chúa truyền bằng lối sống bất công và vô luân. Lẽ ra họ phải diệt vong nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Ngài đã cho tiên tri Giêrêmia loan báo về một giao ước mới, giao ước đó không còn ghi khắc trên bia đá, nhưng được ghi khắc vào tâm khảm, vào trái tim, để con người nhận ra Thiên Chúa không phải vì sợ chết sợ phạt, mà là vì yêu vì mến.
   Lời triên tri này đã được ứng nghiệm nơi Simon Phêrô, khi được Chúa Giêsu hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?”. Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời quả quyết của Chúa Giêsu: “không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đúng vậy, Thiên Chúa đã khắc ghi vào trái tim Phêrô, để rồi ngài đã trở nên một Tông đồ có thể thưa lên với Thầy của mình: “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.
2/ Ta sẽ ghi khắc vào tâm khảm chúng, lề luật của Ta
   Chúa Giêsu đã đến trần gian, Người đã đưa lề luật về dúng ý nghĩa đó là luật tình yêu, luật bác ái, luật yêu thương, và để chứng minh cho điều đó, Người đã loan báo: “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Nếu một lúc nào đó trái tim chúng ta bị lu mờ, bị rong rêu che lấp luật yêu thương của Chúa, thì chúng ta sẽ thấy việc Chúa Giêsu làm là điên dại, là vô bổ. Nhưng nếu trái tim chúng ta  đậm nét khắc của Chúa, thì chúng ta sẽ nhận ra đó là tình yêu, yêu cho đến chết.
   Nhờ sự khắc ghi vào trong trái tim lề luật của Chúa, hình ảnh của Chúa, sẽ giúp cho người kitô hữu trở nên những chứng nhân, sống quảng đại, dấn thân như Thầy Giêsu.
Lm.Tam Thái
SUY NIỆM 2: RANH GIỚI CỦA SỰ MONG MANH VÀ BỀN VỮNG
Trong cuộc sống, có hai phạm trù trái nghịch nhưng lại luôn song hành với nhau, đó là những thứ gọi là mong manh với phía còn lại gọi là sự bền vững. Mong manh thì nhất thời, bấp bênh và không chắc chắn. Đối lại, bền vững thì lâu dài, ổn định và bảo đảm. Chúng ta có thể gặp thấy sự xuất hiện của cả hai yếu tố ấy trong chính lòng của mỗi người, trong người khác cũng như giữa cuộc sống hằng ngày. Về ước muốn thì chắc ai cũng muốn  tìm và xây dựng cho bản thân và những người thân yêu những sự bền vững và tránh những gì mong manh nhưng trong cách nghĩ và hành động thì có khi lại làm ngược lại. Trong sự soi dẫn của lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại ranh giới của hai phạm trù ấy để biết chọn và sống sao cho đúng.
Trong đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu và các tông đồ, Chúa cho chúng ta thấy được ranh giới giữa những gì mong manh và vững bền. Quả thế, khi Chúa hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?” (Mt 16,13), các ông trả lời rất dễ dàng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó” (câu 14)Cũng một câu hỏi ấy nhưng khi Chúa Giêsu hỏi trực tiếp: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (câu 15) thì chúng ta hình dung các ông thật ngỡ ngàng vì chưa biết trả lời thế nào. Lý do là ở câu hỏi đầu của Chúa, các ông chỉ nói lại ý kiến của người khác về Chúa. Trái lại, trong câu hỏi thứ hai, Chúa đòi chính các ông phải trả lời. Đúng là lúc ấy họ cũng phân vân không biết trả lời thế nào khi thấy Thầy mình một đàng cũng giống như những nhân vật mà người ta nhận định, mặt khác lại còn cao cả hơn các vị ấy. Đó quả là điều mà tự các ông không thể nghĩ ra vì nó vượt trên cách suy nghĩ thông thường của họ. Trong bối cảnh ấy, thánh Phêrô lại có được câu trả lời tuyệt vời: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (câu 16)Câu trả lời này đã trúng ý của Chúa nhưng Chúa nói rõ với thánh Phêrô: “Hỡi Simon, con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (câu 17)Như vậy, điều thánh Phêrô tuyên xưng không phải đến từ sự hiểu biết của bản thân ngài nhưng đến từ Thiên Chúa Cha và do Chúa Cha tỏ bày cho ngài được biết. Lời tuyên xưng ấy xác định cách chân thật về thân thế thần linh của Chúa Giêsu, một con người thật sự và cũng là một Thiên Chúa thật. Đây là một chân lý trường tồn không gì có thể thay đổi. Cũng từ đây, Chúa Giêsu trao cho thánh Phêrô sứ mạng đặc biệt là làm đầu Hội Thánh mà Chúa thiết lập trên trần gian: “Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (câu 18-19)Vì chính Chúa thiết lập Hội Thánh nên Hội Thánh, dù gồm những con người trần gian, sẽ vững bền mãi mãi. Trái lại, những gì không phát xuất từ Chúa đều là mong manh. Quả thật, khi thánh Phêrô nhận được mạc khải từ Chúa Cha thì ngài đã có một lời tuyên xưng “trúng ý” Chúa. Ngược lại, ngay sau phút giây ấy, cũng chính ngài lại nói một điều nghịch ý Chúa khi Chúa tỏ cho các tông đồ thấy con đường của sự thương khó và phục sinh của Người: “Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu” (câu 22)Đây là một lối suy nghĩ cảm tính hoàn toàn mang chất người và có thể còn mang trong đó những suy tính cá nhân ích kỷ. Vì vậy, Chúa mới trách Phêrô nhưng đồng thời cũng để cảnh tỉnh ngài: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người” (câu 23)Điều mà thánh nhân nghĩ lúc ấy theo suy nghĩ con người tưởng là tốt nhưng rốt cuộc lại đang chống lại cả chương trình cứu chuộc của Chúa. Từ lời Chúa nói, ta thấy câu nói của thánh Phêrô phát xuất không chỉ từ lòng người mà còn từ ý định của ma quỷ, kẻ luôn gieo rắc vào tâm trí con người những ý nghĩ chống lại Thiên Chúa. Như thế, chúng ta thấy được là sự gì bởi Chúa thì bền vững, sự gì không bởi Chúa thì đều là mong manh. Đó là ranh giới mà chúng ta đang đề cập tới. Nói là “ranh giới” bởi vì nó giúp chúng ta trong ý thức thì phân biệt, trong hành động thì liệu cách mà chọn sao cho đúng vì chỉ cần một bước là chúng ta có thể thuộc về những gì mong manh hoặc bền vững và cũng để tránh rơi vào hoàn cảnh “nước đôi” trong sự phân vân không biết chọn điều gì cho đúng.
Ngay trong tâm trí, chúng ta phải có được những gì gọi là bền vững. Chính vì vậy, chúng ta thấy trong bài đọc thứ nhất, Chúa phán với tiên tri Giêrêmia: “Đây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội” (Gr 31,31-32)Giao ước này là Giao ước trên núi Sinai, được Chúa khắc ghi cụ thể qua 2 phiến đá chứa 10 giới luật của Chúa. Từ đó, dân hứa sẽ trung thành tuân giữ các giới răn ấy. Giao ước ấy, dù phát xuất từ Chúa, nhưng được ghi trên bia đá. Vì vậy, Chúa mới nói thêm: “Đây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta” (câu 33)Như vậy, Giao ước thứ hai hay còn được gọi là Giao ước mới, Giao ước được thực hiện bởi Máu của Con Thiên Chúa làm người, không được ghi trên những phiến đá, nhưng như Chúa nói là “được ghi trong đáy lòng và trong tâm hồn”. Từ đó, Chúa nói: “Mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta” (câu 34)Như vậy, khi tâm trí con người được chất đầy những gì phát xuất từ Chúa, họ mới có thể tìm thấy và xây dựng cho mình những giá trị bền vững, từ đó mang lại cho họ hạnh phúc và bình an trường tồn.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường gặp khó khăn giữa việc chọn sống theo những gì mang tính mong manh hoặc bền vững. Nó đòi hỏi chúng ta một đàng phải chọn lựa, đàng khác phải chiến đấu để thực hiện chọn lựa của mình. Tiêu chuẩn cũng như ranh giới chúng ta cần phải nhớ chính là “bởi Thiên Chúa hay không bởi Thiên Chúa”. Tuy nhiên, muốn có được tiêu chuẩn này, chúng ta, như Chúa nói, phải khắc cốt ghi tâm “Giao ước của Chúa”, tức là những lời Chúa dạy, tình yêu của Người và sự hiện diện của Người trong cuộc đời của chính chúng ta, nơi tha nhân cũng như trong cuộc sống trần thế này. Lý do là vì satan, kẻ chống đối Thiên Chúa, luôn muốn đẩy Chúa ra khỏi tâm trí chúng ta để thay vào đó nó muốn chúng ta cưu mang trong tâm trí những ý nghĩ gian tà, bất chính và giả dối. Những suy nghĩ ấy khiến chúng ta rơi vào trạng thái mong manh cũng như chọn lựa những thứ mong manh khiến cuộc đời chúng ta rơi vào trạng thái bất ổn, vô định và khổ tâm.
Như vậy, muốn cuộc sống được bền vững, chính mỗi người cần tạo cho lòng trí mình một “chỗ” đặc biệt và cao trọng cho Chúa ngự trị. Về điều này, thánh Phaolo cho chúng ta những hướng dẫn rất cụ thể trong thư ngài gởi cho các tín hữu thành Côlôsê: “Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em” (Cl 3,16)Bằng cách nào thì thánh nhân nói: “Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha” (Cl 3,16-17) và “anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3,12-14). Đây là một minh họa sống động và cụ thể cho những giá trị bền vững phát xuất từ Chúa, ngược lại với những giá trị trên là những giá trị phát xuất từ ma quỷ, cái tôi và thế gian mà những ai muốn chọn cho mình lối sống và hạnh phúc bền vững phải tuyệt đối tránh xa! Một khi lòng trí được chứa đầy những giá trị của Chúa, một khi lòng trí có được sự hiện diện của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ biết mình phải chọn điều gì để sống cho đúng. Đồng thời, nhờ sự hiện diện của Chúa mà chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để thực hiện những giá trị tốt đẹp. Nhờ đó, tâm trí của chúng ta được sống trong bình an. Đồng thời, cuộc đời của chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa quả tốt đẹp và vững bền khiến chúng ta được sống hạnh phúc trong đời hiện tại này và cả trong cuộc sống vĩnh cửu mai sau.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, ranh giới của sự bền vững và mong manh thật ngắn giữa một bên là chọn sống với Chúa và làm theo những gì Chúa dạy, bên kia là chọn sống với ma quỷ và làm theo những mưu chước của ma quỷ, xác thịt và thế gian. Chọn Chúa và theo Chúa thì sẽ có kết quả bền vững, chọn ma quỷ và các thế lực của nó thì kết quả chỉ có sự mong manh và bất ổn. Vậy mà lắm lúc chúng con cứ chạy theo ma quỷ mà bỏ Chúa vì những tưởng những gì ma quỷ bày ra thì đẹp đẽ và hấp dẫn. Chúng con chạy theo nó để rồi sau đó chỉ thấy bất hạnh và đau khổ. Xin Chúa hoán cải lòng trí chúng con để mỗi ngày chúng con biết tập sống gần Chúa hơn: tập để tâm trí thường xuyên suy nghĩ về những giá trị bền vững mà Chúa dạy, tập để lòng trí khao khát và yêu mến Chúa hơn các giá trị trần thế giả dối và mau qua. Nhờ tâm trí cưu mang Chúa và những bài học Chúa dạy, lời nói và cách cư xử của chúng con cũng được thay đổi nên giống Chúa hơn trong một cung cách hiền lành, khiêm tốn, bao dung, cảm thông, hy sinh và tha thứ cho nhau. Đó là cách để chúng con xây dựng sự bình an và hạnh phúc bền vững cho chính chúng con và những người thân yêu bên cạnh chúng con. Như thế, cuộc đời này và thế giới này sẽ đẹp hơn, sẽ đáng sống hơn biết dường nào khi con người biết chọn sống những giá trị bền vững thay cho những gì là mong manh. Amen.
Thực hành: Tập mỗi ngày biết hy sinh một chút vì Chúa và vì người thân yêu.
Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân

SUY NIỆM 3: NGƯỜI LÀ AI ĐỐI VỚI TÔI?
“Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Các môn đệ nghe người ta nói nhiều về Đức Giêsu, nhưng Người muốn biết chính các ông hiểu gì về Thầy mình sau nhiều năm theo Thầy. Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho môn đệ xưa cũng chính là câu hỏi Chúa đặt ra cho mỗi người chúng ta hôm nay.
Trước hết, Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” Người khác nói về căn tính của Ngài không hoàn toàn chính xác nhưng bên trong đó cũng ẩn chứa một phần sự thật. Và một phần sự thật ấy có thể giúp cho người ta có một cái nhìn chính xác về Chúa và căn tính của Người hơn.
Sau đó, Đức Giêsu hỏi: “Anh em bảo Thầy là ai?” Với câu hỏi này, Đức Giêsu đòi những ai muốn theo Ngài làm môn đệ phải trả lời ở một mức độ riêng tư hơn, cùng với một sự hiểu biết sâu xa hơn về Thiên Chúa. Nhưng làm thế nào để có thể biết, hiểu và kể lại cho người khác về Chúa bằng chính kinh nghiệm của mình?
Có thể nói, để cảm nghiệm và trả lời được câu hỏi của Đức Giêsu không dễ dàng chút nào. Thật vậy, Người theo Chúa không thể trả lời cách thoả đáng câu hỏi của Chúa Giêsu chỉ bằng những hiểu biết đôi khi còn rất giới hạn về Ngài,  mà quan trọng hơn là trả lời bằng chính cảm nghiệm qua sự gặp gỡ cá nhân với Chúa và qua việc thực thi Lời của Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được tình yêu mà Chúa dành cho con, để dù giữa những đau khổ, thử thách của cuộc sống, con luôn kiên vững và an vui trong bổn phận và sứ vụ của mình.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thành Trung, SVD
SUY NIỆM 4: PHÊRÔ CỦA ĐỨC GIÊSU
Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Gio-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, thì trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì thì trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt. 16, 15-19)
Sự tuyên xưng đức tin của Phê-rô, Đức Giêsu chọn Phê-rô đứng đầu Giáo Hội Người, sự trao đổi giữa Phê-rô và Đức Giêsu, điều đó rất rõ, người ta viết nhiều về điều đó! điều đáng chú ý nữa là bạn thâm sâu và trưởng thành cũng như lòng tin cậy giữa Phê-rô và Đức Kitô luôn bền vững.
Phê-rô.
Phê-rô được Đức Giêsu chọn đứng đầu. Người ta thấy luôn luôn gần gũi Đức Giêsu như một nhân vật giữ gìn chìa khóa. Đức Giêsu luôn quan tâm đến giây phút cuối cùng, Phê-rô có nhiều lầm lỗi, tuyên bố quá đáng, phản kháng mạnh mẽ, những vui vẻ chất phát hào phóng và có thiện cảm kỳ lạ. Ông yêu mến Đức Giêsu! Cảm phục Người không chút dè dặt. Đức Giêsu yêu mến ông vì sức mạnh mẽ tự nhiên này, Người hoàn toàn tín nhiệm ông. Chính ông là nền tảng Đức Giêsu xây đá Hội Thánh, chính ông được Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời, khi Đức Kitô nói với các môn đệ, Phê-rô đã tự mình làm xướng ngôn viên, ông đã phát biểu: “Thầy là Con Thiên Chúa Hằng Sống” chính ông hiểu ra ông sẽ là người đầu tiên bước theo gót của Thầy.
Không có những ủy mị hào phóng.
Thật ngồ ngộ, vui vui, và thật cảm động! khi Đức Kitô loan báo về việc khổ nạn và cái chết của Người, Phê-rô phản đối Người! Chớ dại, sao lại đi nộp mình vào tay quân thù!
Đức Giêsu và Phê-rô được các môn đệ và đám đông vây quanh. Hai người không bước đồng hành với nhau, nhưng tháp tùng nhau, hai người sát cánh nhau đến cùng!
Đức Giêsu đến lượt Người phải quay lại khiển trách Phê-rô. Người quở mắng thẳng thừng bạn đồng hành thứ nhất của mình, bạn tri ân, bạn đáng tin cậy nhất của mình.
Một tình bạn không chịu cho người khác hòa giải, cũng không ủy mị hào nhoáng. Nếu người ta muốn biết quy tắc của tình bạn, chúng ta chỉ mở Tin Mừng ra và đồng hành với Đức Giêsu và Thánh Phê-rô đã sống làm bạn với nhau là quá đủ.
J.M
 
SUY NIỆM 5:
Sau nhiều năm tháng các tông đồ bước theo Chúa Giêsu, các ông đã chứng kiến thấy Chúa làm nhiều phép lạ, được dân chúng tung hô… làm cho các ông vui mừng và hạnh phúc vì “chọn đúng vị Thầy”. Tuy nhiên, các ông chỉ nhìn thấy và cảm nhận dưới góc độ của “con mắt trần gian” mà chưa nhận rõ về “con mắt đức tin”. Chính vì thế, trước khi Chúa Giêsu bước vào con đường khổ giá, chịu chết và phục sinh, Chúa muốn xem các tông đồ nhận ra Chúa Giêsu là ai?
Chúa không hỏi các tông đồ là các con theo Thầy các con có vui không? Các con có cần gì để Thầy chỉ thêm cho không? Hay các con đi theo Thầy các con khổ sở quá? Chúa không hỏi các ông như vậy. Chúa chỉ hỏi các ông một câu đơn giản: “Anh em bảo Thầy là ai?”.
Trước khi hỏi các tông đồ, Chúa Giêsu đã muốn dành cho các ông có thời gian suy nghĩ nhiều hơn nên Chúa đã hỏi người ta bảo Thầy là ai? Đứng trước những nhận xét của người khác, các ông không cần suy nghĩ mà trả lời một cách tự tin, vô tư như: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”…
Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Có lẽ lúc này các ông nhìn nhau, cúi mặt vì có thể các ông chưa suy tư, chưa lưu ý đến Thầy của mình nhiều, mặc dù có lần khi Chúa ngăn đe gió biển im lặng các ông cũng có đề cập đến: “Ông này là ai mà ngay cả gió biển phải vâng theo”.
Thật may cho các ông, thánh Phêrô đã thay mặt cho nhóm 12 để trả lời câu hỏi mà Chúa đã đặt ra cho các ông: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Quả thật, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, Người đến trần gian để đem lại niềm vui, và ơn cứu độ cho chúng ta.
Nếu như năm xưa, Chúa Giêsu đã trực tiếp hỏi các tông đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, thì hôm nay, qua Lời Chúa, Chúa Giêsu vẫn đang hỏi mỗi người chúng ta: “ Anh em bảo Thầy là ai?”. Mỗi người chúng ta trả lời với Chúa như thế nào?
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con mỗi ngày luôn ý thức cuộc sống của chúng con là thuộc về Chúa. Xin ban cho chúng con luôn ý thức và dám tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Như năm xưa thánh Phêrô đã tuyên xưng. Amen 
Nguồn: Giáo phận Phú Cường

 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây