SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 02/08/2024 05:04
SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN
Mt 14,1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Thời ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giê-su, 2 thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ”.
3 Số là vua Hê-rô-đê đã bắt trói ông Gio-an và tống ngục vì bà Hê-rô-đi-a, vợ ông Phi-líp-phê, anh của nhà vua.
4 Ông Gio-an có nói với vua : “Ngài không được phép lấy bà ấy”. 5 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ.
6 Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hê-rô-đê, con gái bà Hê-rô-đi-a đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích.
7 Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho.
8 Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả đặt trên mâm”.
9 Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô.
10 Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gio-an.
11 Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ.
12 Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giê-su.

SUY NIỆM 1:
Trong cuộc sống, đã có mấy lần chúng ta dám sống và làm chứng cho sự thật thưa anh chị em?  Đây quả thật là một lời chất vấn cho mỗi người chúng ta. Bởi lẽ “sự thật thì mất lòng”. Vì sợ mất lòng, mất việc, thậm chí mất mạng; nên nhiều người đành im lặng trước những trắng đen của cuộc đời. Người ta sẵn sàng tán thành và c võ cho những lời nói và hành động giả tạo, để được những ích lợi vật chất. Xã hội chúng ta đang sống là thế.
Là người Kitô hữu sống giữa đời, chúng ta cần tâm niệm rằng: sống giữa bùn nhưng không để mình tanh hôi mùi bùn. Nếu xã hội ngày nay xem nhẹ giá trị của sự thật, thì người kitô hữu cần phải triệt để tuân giữ điều răn thứ 8 trong 10 điều răn, đó là sống thật và làm chứng cho sự thật.
Sống thật trước hết phải được thể hiện trong gia đình. Vợ chồng cần phải cư xử thật thà với nhau trong mọi khía cạnh của cuộc sống: thành thật về lòng chung thủy, thành thật về thu chi tài chánh, thành thật về tình cảm, và thành thật cả về những yếu đuối của bản thân. Đây là những mấu chốt xây dựng hạnh phúc gia đình.
Chúng ta biết rằng sự thật thì phũ phàng, nhưng chỉ có sự thật mới có thể giúp ta dễ dàng đón nhận nhau. Cũng vậy, tương quan giữa cha mẹ với con cái cũng cần được xây dựng trên sự chân thành và chân thật. Trong công việc làm ăn của chúng ta cũng thế. Thành thật vẫn là một trong những tiêu chuẩn hằng đầu mà người ta đặt ra khi tuyển chọn nhân sự cho công ty hay xí nghiệp của mình.
Như vậy, xã hội ngày hôm nay cần sự thật. Do đó, người kitô hữu chúng ta cần phải loan truyền và làm chứng cho sự thật. Sự thật mà chúng ta cần phải loan báo và làm chứng đó là những giá trị của Tin mừng: về công bằng, về tha thứ…. Thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe là một mẫu gương cho chúng ta về điều này. Ngài đã dùng chính mạng sống của mình để bảo vệ cho sự thật, cho những giá trị của Tin mừng
Thật ý nghĩa khi đoạn Phúc Âm này được đọc lên trong khung cảnh của Thánh lễ hôm nay. Đây như là một lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta về bổn phận kitô hữu của mình, là làm chứng cho sự thật.
Nguyện xin Chúa Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống luôn ở cùng mỗi người chúng ta. Amen.
Lm Antôn

SUY NIỆM 2: SỨ MỆNH CỦA NGÔN SỨ
 
Một lần đi tham dự tuần tĩnh tâm năm tại TGM Xuân Lộc, sau bữa ăn tối, một linh mục lớn tuổi đi đến vỗ vai tôi và hỏi thăm về việc sửa sang nhà thờ chính tòa Xuân Lộc. Biết là vị linh mục nhìn lầm nên tôi quay lại để cho ngài thấy rõ, Cha liền xin lỗi rối rít : “Ồ, xin lỗi nhá, nhưng sao cha lại trông giống Cha Ngô Công Sứ thế nhỉ?”. Tôi pha trò : “Tại trời tối nên Cha Cố nhìn lộn thôi, Cha NCS đẹp hơn con nhiều, hơn nữa, nếu trời sáng Cha Cố sẽ thấy con da thì nhăn nheo còn đầu thì bạc trắng ”.
Hôm nay, Phúc Âm cũng cho ta thấy một người nhìn lộn, nhìn gà hóa cuốc, đó là tiểu vương Hêrôđê. Rõ ràng chính miệng ông đã ra lệnh giết Gioan Tẩy Giả, tay ông đã bưng mâm đặt đầu Gioan Tẩy Gỉa đưa cho cô con gái Hêrođiađê, thế mà khi nghe nói về Đức Giêsu, ông lại dám khẳng định cách mạnh mẽ:“ Đó chính là Gioan Tẩy Gỉa đã sống lại”. Phải chăng lời nói, việc làm và cuộc sống của ĐGS rất giống với Gioan? Gioan được gọi là vị Ngôn Sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, vậy phải chăng Đức Giê su cũng là một Ngôn Sứ?
Sách Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh định nghĩa Ngôn Sứ là người được Thiên Chúa kêu gọi cách đặc biệt để đem lời Chúa và ý Chúa đến mạc khải cho Dân bằng chính lời nói và đời sống của mình, ngài sẽ gặp rất nhiều thử thách, chống đối và đôi khi bị giết chết vì sứ mạng đó, điển hình như Moisê, Samuel, Amos, Isaia, Giêrêmia và Êzekiel… (ĐNTHTK q. 3  p. 438 – 440). Nói như thế thì không ai sống đúng từng chữ sứ mạng của người Ngôn sứ cho bằng Thánh Gioan Tẩy Gỉa và Đức Giê su. Do vậy, nhận xét của Hêrôđê không hời hợt bên ngòai và càng không do lầm lẫn. Chắc hẳn ông đã  “nghiên cứu” về Đức Giêsu khá kỹ lưỡng. Ta có thể  nói cách khác, mẫu số chung của Đức Giêsu và Gioan là Ngôn Sứ. Tuy nhiên, ĐGS không chỉ là Ngôn Sứ bình thường như bao ngôn sứ khác, mà Ngài chính là Vị Ngôn Sứ tuyệt hảo, là Đấng Messia và là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là Lời của Thiên Chúa Cha.
Khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, cũng chính là lúc chúng ta được “hóa đồng mẫu số” với Đức Giêsu, nghĩa là chúng ta cũng trở thành Ngôn Sứ của Thiên Chúa như Thánh Gioan, như Đức Giêsu. Tuy nhiên, cái khác biệt giữa các ngài và ta là ở chỗ: lời ta, đời ta không khớp với ơn gọi Ngôn Sứ của mình. Chính vì thế mà những người khác, đặc biệt là anh em lương dân không bao giờ “nhận lầm” chúng ta với Gioan, với Đức Giêsu. Đôi khi ngược lại là đàng khác: họ tưởng chúng ta là các Kitô hữu thì sẽ sống như Đức Giêsu, cư xử như Đức Giêsu theo đúng lời Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”, nhưng trái lại họ chỉ thấy chúng ta khác ĐKT hòan tòan. Chính nơi đây tôi hiểu rõ hơn kiểu chơi chữ của một giáo dân khi phê bình về các linh mục :“ Người ta vẫn gọi các ngài là Alter Christus, nghĩa là một Đức Kitô khác, nhưng tôi chỉ thấy các ngài khác Đức Kitô “.
Như thế đấy, khi chúng ta không sống đúng ơn gọi và sứ mệnh Ngôn Sứ của mình, chúng ta sẽ trở thành những phản chứng, những ngộ nhận và những rào cản người khác đến với Đức Kitô, đến với Giáo Hội.
Linh Mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc.

SUY NIỆM 3: ĐỪNG GIAN ÁC NHƯ HÊRÔĐÊ
Thánh Gioan được coi là vị Ngôn sứ cao cả nhất trong dân Israen, một vị Ngôn sứ “giao thời” giữa Cựu ước và Tân ước. Gioan Tẩy giả đã có một sức thu hút và sự uy tín rất lớn trong dân chúng mà chưa có vị Ngôn sứ nào làm được công việc ấy như ngài. Dung mạo của Gioan Tẩy giả đã thể hiện dung mạo của Chúa Giêsu một cách rất sống động và rất thực, thực đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.
Ta thấy khởi đầu trình thuật Tin Mừng này, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: “Con là tiên tri của Ðấng Tối Cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài”. Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. 

Chuyện ngoại tình của Hê-rô-đê bị GioanTẩy giả kết án là có thể hiểu được. “Ngài không được phép lấy bà ấy” (c. 4). Lấy vợ của người anh em là phạm đến Luật Chúa (Lv 18, 16; 20, 21). Gioan là một Ngôn sứ không lùi bước trước sự bất công. Ông đã sẵn sàng bênh vực sự thật, dù ông biết cái giá phải trả. Hêrôđê đã dùng quyền lực để ép Gioan phải im miệng. Ông bắt Gioan, xiềng lại và tống vào ngục. Chỉ vì sợ phản ứng của dân chúng mà Hêrôđê chưa muốn giết Gioan.
Vua Hê-rô-đê bắt trói và tống ngục Gioan chỉ vì ngài đã ngăn cản vị vua này về mối quan hệ bất chính của ông với vợ của anh mình. Lời chỉ trích thẳng thắn về hạnh kiểm của Gioan đối với nhân vật đứng đầu trong một miền của đất nước khác nào cuộc chiến đấu đầy can đảm của các Ngôn sứ xưa kia. Chỉ vì Gioan được dân chúng hâm mộ và xem ngài như là một Ngôn sứ, nên Hêrôđê không dám ra tay sát hại. Phần bà Hê-rô-đi-a để tâm hận ghét và chờ đợi có ngày trả thù.
Ngày ấy đã đến. Cơ hội trong tầm tay khi nhà vua yêu thích điệu vũ của một cô gái nhảy – con gái bà Hê-rô-đi-a. Vì hứng khởi quá đà, vua đã thề sẵn sàng ban cho cô gái bất cứ điều gì cô xin, dù một nửa vương quốc ông đang cai trị. Thỉnh ý mẹ, cô gái đã xin cái đầu của người công chính, một người dám nói sự thật. Nhà vua đã chiều theo sự dữ khi thực hiện đòi hỏi của cô gái. Như thế, chỉ vì một lời thề nông nổi, chỉ vì muốn giữ thể diện cho lời nói của mình, chỉ một điệu vũ của cô gái nhảy mà máu người công chính đã đổ ra. Có người cho rằng: đây chỉ là cái chết lãng xẹt, nhưng thật ra đó là một lời chứng hùng hồn nhất- lời sự thật- nhân chứng đã lấy chính mạng sống và cái chết để bảo vệ sự thật. Đó là cuộc đời của một Ngôn sứ chính danh đã đương đầu với sự dữ, dám chiến đấu với quyền lực ác thần để gióng lên tiếng nói chân lý đang bị vùi dập, quên lãng.
Ngày nay cũng không ít chứng nhân cho Tin Mừng Đức Kitô. 
Ta thấy các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.
Thánh Gioan Tẩy Giả từ một con người đầy danh tiếng uy tín đã để cho con người mình từ từ nhỏ lại, mất hút trong kiếp tù đầy, trong cái chết đau thương. Một cái chết quá ê chề, thất bại và kinh hoàng bởi cái chết mua vui cho những kẻ có quyền lực. Cái chết của Gioan xem ra là sự thất bại trước quyền lực của Hê-rô-đê, một sự thất bại nhục nhã bởi một âm mưu nhỏ nhoi đê hèn của một mụ đàn bà. Trước mắt con người, đó là thực là một sự thất bại! và có thể nói là một sự chọn lựa “ngu xuẩn”…nhưng thực ra, trong cái nhìn của đức tin, đó là sự thành công, vì Gioan đã dùng cái chết của mình để loan báo về cái chết của Chúa Giêsu Kitô, một cái chết đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại.

Qua cái chết, Gioan chứng thực ông là vị tiền hô của Chúa Giêsu, vì đã chia sẻ với Chúa vai trò và sứ mạng của người tôi tớ đau khổ của Giavê. Vì thế, Đức Giêsu khi nói về Gioan, Ngài đã đề cao Gioan vượt lên trên tất cả, đến nỗi: “Trong các con cái do người nữ sinh ra, chưa từng một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả” (Lc 7, 28). Cái chết của vị Ngôn sứ vĩ đại nhất Gioan Tẩy giả cũng đồng số phận với những Ngôn sứ khác trong Cựu Ước là bị bách hại bởi dám đối diện với sự thật, dám đối đầu với những thế lực bóng tối và dù có chết cũng không sợ dám làm chứng cho sự thật và chân lý.
Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.
“Các con sẽ làm chứng về Thầy”, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi Môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.

Lm. Huệ Minh
SUY NIỆM 4: KI-TÔ HỮU – MỘT ĐỨC KI-TÔ THỨ HAI
Đoạn Phúc âm hôm nay nói đến cái chết vì đạo của Gio-an Tiền hô. Sau khi đề cập về Nước trời dưới hình thức các dụ ngôn và mời gọi người ta phải lựa chọn, việc đề cập đến việc chọn lựa chấp nhận chết để nói lên sự thật, như muốn chứng minh rằng hạt giống nước trời phải tự mục nát đi trước khi sinh hoa trái. Đó là thứ hạt sinh ra trăm hạt giống khác.
Câu chuyện Gio-an Tẩy giả bị chém đầu hôm nay cho ta biết về con người của ông: một ngôn sứ trung thành với sứ mạng; một con người can đảm dám nói thật. Con người đó được dân chúng kính nể, kể cả khi chính người đang tâm giết ngài vẫn phải nể sợ ngài.
Tin mừng hôm nay nhắc đến Gio-an dưới hai phương diện trong tương quan với Chúa Giê-su: thứ nhất là ơn gọi của ông: là dọn đường cho Đấng Cứu thế; thứ đến là cách làm chứng của ông quá hoàn hảo, đến độ người ta ngộ nhận Chúa Giê-su là chính ông.
Ơn gọi của Gio-an theo như miệng Da-ca-ri-a, cha ông tuyên sấm: “Con là tiên tri của Đấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài”. Ơn gọi đó Gio-an đã chu toàn tốt đẹp. Gio-an chuẩn bị cho Chúa Giê-su đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật.
Dung mạo của Gio-an Tẩy giả loan báo dung mạo Chúa Giê-su một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giê-su xuất hiện, vua Hê-rô-đê tưởng Ngài là hiện thân của Gio-an sống lại. Chính ông khẳng định với những kẻ hầu cận: “Đó chính là Gio-an Tẩy giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy”.
Thực ra thì không phải Chúa Giê-su là hiện thân của Gio-an, mà chính Gio-an đã sống sứ mạng của một ngôn sứ, dập đời mình theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Ông đã diễn tả gương mặt của Đấng Cứu Thế qua chính đời sống của ông. Ông là bản sao của Đấng ông loan báo và làm chứng.
Khi Chúa Giê-su về trời, Ngài cũng ra lệnh cho các Tông đồ, cũng như cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài: “Các con sẽ làm chứng về Thầy”. Chúng ta được mời gọi làm chứng về Chúa không chỉ bằng lời rao giảng, mà hơn hết phải làm chứng bằng lối sống. Phải sống thế nào để người ta thấy chúng ta mà cứ ngỡ là gặp Chúa. Vận mệnh của Chúa là vận mệnh của chúng ta.
Người Ki-tô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hiệp với Chúa, trở thành một Ki-tô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp cho anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại ở nơi mình. Người Ki-tô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Ki-tô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.
Xin Chúa ban cho ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.
Xin Chúa giúp chúng con hoạ đời sống chúng con theo đời sống của Chúa để cả cuộc sống chúng con là một lời rao giảng và chứng tá về chính Chúa.
Lm. Giu-se Vũ Công Viện

SUY NIỆM 5: CÁI CHẾT CỦA GIO-AN TẨY GIẢ
1. Vua Hê-rô-đê nghe danh Chúa Giê-su thì tưởng là Gio-an Tẩy Giả đã chết mà nay đã sống lại. Chính Gio-an là người trước kia đã cấm không cho vua cướp vợ của anh là Hê-rô-đi-a. Bà này bực tức  nên xúi giục nhà vua  tống Gio-an vào ngục… Và ngày nọ nhân dịp nhà vua ăn tiệc mừng ngày sinh nhật, con gái bà ta nhảy múa làm cho nhà vua vui thích, nên vua hứa ban cho nó bất cứ điều gì nó muốn. Nghe tin đó, bà Hê-rô-đi-a muốn trả thù, nên xúi nó xin cái đầu của Gio-an. Nhà vua nghe lời xin đó rất lấy làm buồn, vì ông kính nể Gio-an, nhưng đã trót hứa nên phải sai người đi chém đầu ông mà giao cho con bé.
2. Ông vua Hê-rô-đê này là người có tính thích của lạ và khoái nghe hùng biện. Vì thế, ông nghe đồn Gio-an giảng dạy rất hay, nên ông cho mời Gio-an đến thuyết trình trong triều, nhưng không phải để nghe diễn thuyết về chân lý mà là để thưởng thức tài hùng biện của Gio-an. Thánh Gio-an liền chộp lấy cơ hội này để thức tỉnh lương tâm tội lỗi  của Hê-rô-đê và Hê-rô-đi-a. Ngài kịch liệt khuyến cáo nhà vua không được phép cưới vợ của anh mình, Hê-rô-đê giật mình và phản công bằng cách ra lệnh tống giam Gio-an vào ngục. Phần Hê-rô-đi-a vẫn chưa hài lòng, vì Gio-an luôn là mối cản trở hành động sai trái của bà, nên bà tìm mọi cách để giết được Gio-an mới thôi (Phạm Văn Phượng).
3. Một ông vua Hê-rô-đê ham mê tửu sắc lại muốn giữ thể diện vì đã lỡ thề với cô gái trước mặt bá quan văn võ, một bà Hê-rô-đi-a lăng loàn đem lòng oán hận đối với người đã lên tiếng tố giác mối quan hệ bất chính của bà, những người này ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy đen tối của Satan mà dấn bước không chút đắn đo vào hành vi tội lỗi. Còn Gio-an thực thi sứ mệnh Thiên Chúa trao ban, dọn đường cho Đấng Messia, dám một mình bênh vực lẽ phải, không khuất phục trước bạo quyền, ông mạnh mẽ lên án nhà vua: ngài không được phép  lấy vợ của anh mình. Gio-an đã sống và chết cho sứ mệnh. Ông làm tròn bổn phận Thiên Chúa giao phó (5 phút Lời Chúa).
4. Phải biết nghe tiếng nói của lương tâm vì lương tâm là tiếng nói của Thiên Chúa. Bao lâu lương tâm chưa được thanh thản, con người sẽ chưa có bình an thực sự.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (ở tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan ở tù 10 năm (từ tháng 8/2003 đến tháng 11/2013).  Vụ án đi vào ngõ cụt khi công an bức cung dùng nhục hình ép buộc ông Chấn nhận tội giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp của. Thế rồi sau 10 năm, anh Lý Nguyên Chung đã ra đầu thú chính anh mới là thủ phạm giết người. Lý Nguyên Chung sau khi trốn vào Gia Lai, đã thay tên đổi họ và không còn ai biết gì về anh nữa, nhưng rồi bỗng dưng anh lại về đầu thú, chỉ vì lý do 10 năm trời anh không khi nào ăn ngon ngủ yên vì tội lỗi của mình ám ảnh. Thật đúng như dân gian có câu :
Hổ giết người hổ lăn ra ngủ
Người giết người thức đủ năm canh.
Cũng thế, vua Hê-rô-đê vì một chút sĩ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gio-an Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gio-an đã sống lại nơi Đức Giê-su thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình.
5. Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của các tiên tri, Giáo hội phải trở thành tiếng nói của Chúa Kitô. Như Gio-an Tẩy giả đã dùng cái chết của mình để dọn đường cho Chúa, người Ki-tô hữu cũng có sứ mệnh làm chứng cho Chúa Ki-tô. Trong những dòng cuối cùng của thông điệp Hòa Bình dưới thế, Đức Gio-an XXIII đã nói :”Mỗi Ki-tô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là một tụ điểm của tình yêu, là một thứ men sống động giữa anh em mình, và người Ki-tô hữu càng đóng trọn vai trò ấy khi càng sống kết hợp với Chúa”.
6. Truyện : Gương can đảm tuyệt vời.
Năm 1028, khi thấy mình gần đất xa trời, vua Constantin IX ở Rôma đã cho mời nhà quí tộc Romanus  đến. Vua muốn cùng  một lúc vừa truyền ngôi, vừa gả công chúa Theodora cho ông.
Nhưng Romanus tâu vua, mình hết lòng cảm ơn lòng thương của vua, song ông đã có vợ.
Không đếm xỉa gì đến lời tâu, vua truyền cho ông, nếu không lấy con vua thì sẽ bị khoét hai con mắt, muốn chọn đằng nào thì chọn. Rồi nhà vua cho ông một ngày để suy nghĩ.
Sau một ngày, ông Romanus vào chầu. Hoàng đế cho gọi công chúa đến, một công chúa tài sắc vẹn toàn. Nhưng Romanus can đảm tâu vua :
– Dây hôn phối ràng buộc khanh với vợ do Thiên Chúa ràng buộc. Thế gian không ai có quyền tháo cởi.
Vua ra sức ép nhưng vô ích.
Ông Romanus cam lòng chịu khoét mắt hơn là lỗi lề luật Thiên Chúa.
Đó là một con người đã hướng sự can đảm của mình vào những mục tiêu thật chính đáng.
 Lm Giu-se Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM 6: CHỨNG NHÂN CHO SỰ THẬT 
Khi xem các chương trình nhạc kịch, khán giả thường có những nhận xét đúng – sai cũng như đặc điểm của vai diễn qua các nhân vật. Ngoài ra, độc giả còn nhận thấy hình ảnh của mình thông qua con người và diễn xuất của các nghệ sĩ…
Hôm nay, trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy xuất hiện 4 nhân vật, mỗi nhân vật mang một nét đặc trưng riêng cả về nhân thân và lối sống. Các nhân vật đó là: Gioan Tẩy Giả; vua Hêrôđê; bà Hêrôđia; và, con gái bà Hêrôđia. 4 nhân vật đó như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.
Thứ nhất là Gioan Tẩy giả:
Gioan Tẩy giả là ngôn sứ vĩ đại, đến để loan báo về Đấng Cứu Thế và chuẩn bị lòng dân đón nhận Ngài. Vì thế, ông đã biểu lộ vai trò ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức khiêm tốn, hy sinh, can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, cho dù phải chịu tù đày và chết tróc.
Thứ hai là vua Hêrôđê:
Ông được biết đến như một kẻ ác nhân. Ông đã lộng hành khi dùng quyền. Coi thường đạo lý và buông theo sắc dục mà bất chấp đúng – sai. Ông đã làm trái với lương tâm khi truyền lấy đầu ông Gioan để thỏa mãn điều thề hứa bất chính của mình.
Thứ ba là Bà Hêrôdia:
Vì ưa thích điều bất chính, nên đã không chấp nhận sự thật mà Gioan loan báo. Vì thế, lòng thù ghét nổi lên như nước thủy triều. Thay vì dạy dỗ con mình làm điều tốt, bà lại xúi con mình làm điều bất chính khi xin vua lấy đầu Gioan Tẩy Giả. Sự ác tâm này là con đẻ của hận thù và ghen ghét vì mối lợi trước mắt.
Thứ tư là con gái bà Hêrôdia:
Cô gái trẻ này được biết đến như một nhân vật có tài mà không có đức. Vì thế, thay vì sử dụng tài của mình để làm việc thiện, cô ta đã dùng nó như là một thứ mua vui thuần túy và phá hoại. Tệ hơn nữa là cô không hề áy náy khi biết rõ rằng việc mình làm chỉ là để thỏa nãm sắc dục của vua quan và phục vụ sự hận thù của mẹ cô với Gioan Tẩy giả.
Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu gì những hình ảnh của Hêrôđê đang hiện ra qua những hành động của những người chỉ thích ham mê sắc dục, bất chấp sự thật để làm những điều lỗi lầm ghê tởm.
Cũng vẫn còn đó nơi ta hình ảnh của bà Hêrôdia. Nhiều lúc, thay vì dạy con làm điều tốt, thì lại chỉ vẽ cho trẻ những điều sai trái, miễn sao đạt được điều bất chính nơi ta mà thôi. Và cũng không thiếu những sự ngộ nhận nơi ta như con gái bà Hêrôdia…
Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang trong mình hình ảnh và đặc tính của Gioan Tẩy Giả. Luôn tìm mọi cách để Lời Chúa được loan báo mọi nơi, mọi lúc. Sẵn sàng chấp nhận hy sinh và ngay cả cái chết để làm chứng cho Thiên Chúa và sự thật về Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Lời Chúa và sẵn sàng rao giảng Lời ấy cho mọi người, dù có phải hy sinh. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP
SUY NIỆM 7: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT
Tin Mừng theo Thánh Mátthêu cho thấy sự đối nghịch, một bên là những con người không sống theo sự thật mà chỉ muốn làm vui lòng người khác như vua Hêrôđê, bà hoàng Hêrôdia, và con gái của bà; còn bên kia là thánh Gioan Tẩy Giả sẵn sàng chịu cầm tù và chết cho sự thật.
Thật vậy, “tiếng nói lương tâm” đã thúc đẩy thánh Gioan mạnh dạn nói lên sự thật rằng vua không được phép lấy vợ của anh ngài. “Sự thật mất lòng” ấy đã làm cho bà Hêrôđia căm thù, muốn giết ông Gioan, nên làm “cố vấn” cho con gái mình xin ngay “đầu Gioan Tẩy Giả”. Nhà vua vì không nghe “tiếng nói lương tâm”, sợ mất mặt đã giết người vô tội. Vì thế, Gioan bị chém đầu vì lòng hận thù của con người, vì dám bảo vê sự thật.
Trong cuộc sống, chúng ta là những người đang bước theo Chúa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách, chông gai, trên con đường theo Chúa, nhất là để làm chứng cho sự thật. Quả vậy, người môn đệ của Chúa, cũng như những ai muốn theo Ngài, phải can đảm đứng về phía sự thật, dám làm chứng cho sự thật, cho dù phải chịu thiệt thòi, ngay cả hy sinh mạng sống mình. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy rằng khi lòng chúng ta chất đầy hận thù, gian ác, ghen ghét, tự mãn, thì chúng ta đã đánh mất đi sự hiện diện của Chúa và mất cả chính mình. Chỉ khi nào chúng ta biết lắng nghe “tiếng nói lương tâm”, tiếng mời gọi của Chúa, lúc đó chúng ta mới tìm được ý nghĩa của cuộc đời và dám sống, làm chứng cho sự thật qua tiếng nói của lương tâm.
Lạy Chúa Giêsu là Đường là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho chúng con biết vượt qua cái yếu đuối của bản thân, biết tôn trọng sự thật, và sống vì sự thật.
Giuse Lâm Văn Việt SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây