THỨ SÁU TUẦN I THƯỜNG NIÊN
Mc 2,1-12
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
1 Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ.
3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.”
6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: 7 “Sao ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy ?
9 Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ' Con đã được tha tội rồi ', hai là bảo: ' Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi ', điều nào dễ hơn ? 10 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- 11 Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!”
12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!”
SUY NIỆM: LẮNG NGHE LỜI CHÚA
Lời Chúa có hiệu quả khác nhau. Tuỳ cách ta đón nhận. Có lời rơi trên vệ đường. Chim chóc đến tha đi. Có lời rơi vào đất tốt. Sinh hoa kết quả gấp trăm nghìn.
Lời Chúa tăng cường đức tin cho người bị bại liệt. Đức tin đó ảnh hưởng tới những người thân. Nên họ sẵn sàng khiêng anh tới chỗ Chúa Giê-su. Đức tin của anh càng mãnh liệt hơn khi Chúa nói với anh: “Hãy đứng dậy vác giường mà về”. Nhưng Lời Chúa lại gây bất mãn cho người không tin. Những kinh sư lẩm bẩm: “Ông ta nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội nếu không phải là Thiên Chúa”.
Lời Chúa chữa lành người bệnh. Chữa lành nhanh chóng, hiệu quả tức thì. Người bại liệt không đi nổi nay đã tự mình đứng dậy. Trước kia không mang nổi thân mình nay có thể vác giường đivề. Lời Chúa trái lại khiến các kinh sư sinh bệnh. Lúc người bệnh đứng dậy cũng là lúc các kinh sư ngã gục. Lúc người bại liệt vác giường thì các kinh sư lại liệt giường. Lời Chúa nâng dậy người bệnh và xô ngã người kiêu căng cứng cỏi.
Lời Chúa khiến người bại liệt bình an thư thái. Những người lắng nghe Chúa được tràn đầy niềm vui. Chúa đưa họ vào nơi an nghỉ. Vì họ đã có niềm tin yêu phó thác. Tâm hồn được thứ tha tội lỗi hưởng nếm sự ngọt ngào của niềm bình an và tình yêu thương được kết hiệp với Chúa. Đặc biệt người bại liệt không chỉ được Lời Chúa chữa lành thân xác mà còn được chữa lành tâm hồn khi Chúa phán: “Tội con đã được tha”. Vì thế tâm hồn ông tràn đầy bình an. Trái lại, Lời Chúa khiến các kinh sư bất an. Họ trở về tâm hồn bực tức và ganh ghét. Họ càng lún sâu trong tội lỗi nên càng bị bóng tối bất hạnh vây phủ.
Vì thế thánh Phao-lô khuyên nhủ chúng ta “hãy biết sợ rằng trong khi lời hứa được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa vẫn còn đó, mà có ai trong anh em bị coi đã mất cơ hội”. “Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ này, kẻo có ai cũng theo gương bất tuân đó mà sa ngã”(năm lẻ).
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi. Hãy tuân theo Lời Chúa, dù phải bỏ ý riêng. Như Sa-mu-en không muốn dân Do Thái có vua. Ông sợ họ lìa xa Chúa. Và có thể ông mất quyền lợi. Nhưng ông đã tuân theo ý Chúa. Xức dầu phong cho dân Do Thái một vị vua. Dù thâm tâm ông không muốn. Xin cho chúng ta luôn sống theo Lời Chúa. Để Lời Chúa hướng dẫn tư tưởng, lời nói, việc làm của ta (năm chẵn).
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM: NHỮNG CĂN BỆNH CỦA TÂM HỒN
Với những gì mà bài Tin mừng hôm nay thuật lại, chắc ai cũng thấy được quyết tâm của người bất toại và 4 người bạn của anh ta mãnh liệt đến chừng nào. Bằng mọi giá, họ phải tiếp cận được Chúa Giêsu. Họ vất vả như thế chỉ với một mục đích duy nhất, là mong được Chúa Giêsu chữa lành căn bệnh bại liệt của người anh em mình. Ngạc nhiên thay, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành cho anh ta căn bệnh bại liệt về thể xác, nhưng Ngài còn chữa lành cho anh cả những căn bệnh về tâm hồn, khi Ngài nói: “Tội anh đã được tha” (Mc 2,5).
Khi kể lại cho chúng ta nghe câu chuyện này, Thánh Maccô muốn nhấn mạnh với chúng ta 2 điều sau đây:
Thứ nhất, Thiên Chúa luôn ban ơn cho chúng ta vượt quá những gì chúng ta mong đợi. Thậm chí có những điều chúng ta không xin mà Chúa vẫn cho, miễn là điều đó cần cho phần rỗi linh hồn của mỗi chúng ta. Bằng chứng là trường hợp của người bại liệt trong bài Tin mừng hôm nay: Anh ta xin 1 mà lại được 2. Hãy tin tưởng vào Chúa chúng ta thưa anh chị em. Ngài rộng lượng vô cùng!
Thứ hai, Thánh Maccô muốn chúng ta hiểu rằng, tuy những căn bệnh thuộc về thể xác rất nguy hiểm, nhưng đối với người kitô hữu, thì những căn bệnh thuộc về linh hồn còn nguy hiểm hơn gấp trăm gấp ngàn lần. Bệnh của thể lý thì có những triệu chứng rõ ràng: đau nhức, mệt mỏi, lở loét, chán ăn mất ngủ… dễ nhận biết và chữa trị kịp thời. Còn bệnh của linh hồn thì trầm lắng, âm ỉ, gặm nhấm và giết chết phần rỗi của ta từng ngày.
Thường thì người ta hay xin ơn chữa lành về thể xác, chứ ít thấy ai xin cho mình được ơn hoán cải, ơn ăn năn dốc lòng chừa, ơn tránh xa dịp tội, hay ơn khỏi sa chước cám dỗ. Cũng ít thấy ai khi phạm tội trọng mà đi xưng tội liền, thường thì gom cho nhiều nhiều rồi xưng luôn 1 thể. Đúng vậy không thưa anh chị em?
Những cái khác thì có thể để dành chứ tội thì chớ dại mà để dành. Một vết trọng thương không kịp chữa trị, sẽ nhiễm trùng và có nguy cơ bị hoại tử 1 phần thân thể. Cũng vậy, một tội trọng để lâu trong lòng sẽ tựa như 1 tế bào “ung thư”, sẽ di căn giết chết linh hồn.
Ai bị bệnh về thể xác thì hãy đến gặp Bác sĩ để được chữa trị. Còn ai bị bệnh về tâm hồn thì hãy nhanh chóng tìm gặp Chúa Giêsu, để được cứu chữa kịp thời. Vì chỉ có Chúa Giêsu là vị Lương Y nhân từ, vị Lương Y duy nhất có khả năng chữa lành và cứu sống linh hồn của mỗi chúng ta.
Cầu chúc anh chị em luôn mạnh về phần xác và khỏe về phần hồn. Amen.
Lm Antôn
SUY NIỆM: BẤT TOẠI!
Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại nhờ thân nhân khiêng trên chõng, tháo dỡ mái nhà của người ta rồi thả xuống, được các Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật khá sống động (x.Mc 2,1-12; Mt 9,1-8; Lc 5,17-26)). Kịch tính của câu chuyện được dệt bằng nhiều chi tiết thú vị. Xin có vài phiếm luận mộc mạc.
Thân nhân của người bất toại vì quá yêu thương người thân bệnh tật đã bạo gan tháo dỡ mái nhà người ta để thả người thân xuống trước mặt Chúa Giêsu vì khi ấy người ta đông quá không thể đến gần Chúa Giêsu bằng cửa chính. Giúp nhau đến với Đấng Cứu Thế trong điều kiện thuận lợi hay trong hoàn cảnh bình thường thì không quá vất vả. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay với nhiều hạn chế, nhiều quy định mạnh tay của Chính Quyền, khi có người cần đến với Chúa thì chúng ta có can đảm làm những gì? Thiếu một chút liều thì chưa thể nói là đã yêu.
Chi tiết thú vị thứ hai đó là sự kinh ngạc của người bất toại và thân nhân cũng như đám đông hôm ấy. Xin một điều mà Thầy Giêsu lại trao ban một điều khác. Dù không nói nhưng ai cũng hiểu là người bại liệt xin ơn được chữa lành khỏi bệnh bất toại thể lý, thế mà Chúa Giêsu là ban ơn tha thứ tội lỗi: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Tin mừng tường thuật Chúa Giêsu đã từng khẳng định có nhiều trường hợp không được gán ghép sự dữ với tội lỗi như trong trường hợp người mù bẩm sinh mà Người chữa lành (x.Ga 9,1-7), hay như chuyện tháp Silôê đổ xuống đè chết mười tám người (x.Lc 13,1-5). Tuy nhiên dường như trong trường hợp người bại liệt này thì có mối dây liên hệ nào đó giữa tội lỗi và bệnh tật thể lý cũng như trường hợp người bệnh đã mười tám năm tại bờ hồ Bétsaiđa, vì sau đó Chúa Giêsu đã nói rõ: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” (x.Ga 5,1-14). Phải chăng Chúa Giêsu muốn chữa bệnh tận gốc? Sự bại kiệt thể lý rất có thể có nguyên nhân từ sự tê bại tâm hồn.
Xin bỏ qua các chi tiết thú vị tiếp theo đó là những xung đột thường xảy ra giữa nhiều người biệt phái và kinh sư với Chúa Giêsu. Hôm ấy họ đã thầm kết án Chúa Giêsu là phạm thượng, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chi tiết thật thú vị nữa đó là lời chữa lành bệnh bại liệt thể lý làm bằng chứng cho việc tha tội bại liệt tâm hồn mà Chúa Giêsu đưa ra đó là: “Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” (Mc 2,11). Khi sự tội lỗi được thứ tha. Khi sự bại liệt đã được chữa lành thì phải tự đảm nhận lấy cuộc sống của mình. Thiên Chúa không chỉ muốn chúng phải tự lập mà còn phải biết liên đới với sự sống và hạnh phúc của tha nhân, nhất là những người nghèo hèn, kém phận bằng hành động thiết thực, cụ thể.
Ngoài xã hội cũng như trong Giáo hội, vẫn có đó không ít người nghĩ rằng: “Nói nhiều sai nhiều; nói ít sai ít; làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít; dấn thân nhiều mất lòng nhiều, dấn thân ít mất lòng ít”. Chính vì thế họ lựa chọn thái độ sống kiểu “khôn ngoan” cách có tính toán đến độ có khi là không nói, không làm gì, khi thời thế và điều kiện chưa thuận lợi. Và thế là nếu có bầu bán hay cấp trên chọn lựa thì thế nào cũng được lòng thượng cấp hay phiếu bầu cao của cử tri. Sống theo kiểu tìm mọi cách để không mất lòng ai là một trong những hình thái của sự bại liệt tâm hồn.
Bạn, tôi, chúng ta đang sợ làm mất lòng những ai đây? Những cái chõng nào tức là những việc đáng làm và nên làm nào mà chúng ta không dám tự mình vác lấy? Xin hãy khiêm nhu tự kiểm xét tâm hồn mình, có sinh động hay đang bị bại liệt cách nào đó? Chân thành và lương thiện một chút thì hẳn chúng ta sẽ dễ nhận ra thôi.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
SUY NIỆM : CHÚA GIÊSU CHỮA LÀNH NGƯỜI BẤT TOẠI DO 4 NGƯỜI KHIÊNG
Câu chuyện
Ngày 6/11/1997, sáng nay các dì kể chuyện. Có một người đàn bà sinh con ngay trong đêm bão. Nhà sập rồi, đành ra bụi trúc mà sinh.
Ông cố biết ai đó không ? Mẹ con Mẹt, học trò của mình đấy.
Vậy thì nên đặt tên cho bé là Linda, hoặc Số Năm. Dù bão số 5, dù hồng thủy cũng không tiêu diệt được sự sinh tồn của loài người (Trích Nhật ký truyền giáo của cha Piô Ngô Phúc Hậu).
Cơn bão Linda hay còn gọi là bão số 5 đã vào vùng đất cực Nam của quê mẹ - đất Việt vào tháng 11 năm 1997 đã gây nên bao cái chết của đồng bào, phá hủy của cải, nhà cửa và mùa màng. Nhưng dù cho bão tố nổi lên như thế, vẫn không cản được bước chân tìm kiếm sự sinh tồn cho con mình của một người mẹ, biểu tượng cho sự tìm kiếm sinh tồn của nhân loại. Hình ảnh những bước đi tìm được sinh tồn cho con của người mẹ gợi nhớ cho chúng ta hình ảnh người bị bại liệt trong Tin Mừng, trước bão tố bệnh tật, anh trở nên bại liệt, nằm bất động không thể làm gì được…
Suy niệm
Người bại liệt nằm bất động không thể làm gì được, nhưng từ trong đáy sâu thẳm niềm tin vào Đấng Mêssia, anh làm mọi cách, qua sự giúp đỡ của những người bạn đi tìm sự sống cho chính mình. Anh tin vào Đấng Mêssia, người có thể chữa lành anh, trả lại cho anh sự sống. Chính trong niềm tin đó, qua sự giúp đỡ của anh em bạn bè mang anh trên băng ca, cất bước tìm kiếm gặp Ngài. Anh và họ như chung niềm tin nơi quyền năng của Đấng nhân danh Chúa đến và cùng nhau bước đi tìm Ngài.
Đến nơi Đấng Mêssia đang giảng dạy, vì dân chúng xô lấn tới nghe Ngài đông quá đến nỗi đường vào nhà bị tắc nghẽn, họ gây trở ngại nghiêm trọng cho bất cứ ai ở ngoài muốn gặp Chúa, trong đó có bốn người khiêng một anh liệt đến. Không thể vào nhà gặp Đấng Mêssia, họ liền nghĩ đến một cách là thả người đau bệnh từ trần nhà xuống trước mặt Chúa Giêsu. Ngài “Thấy lòng tin của họ”:
Đức tin không do dự, suy tính nhưng cương quyết làm tới cùng. Lập tức lên đường, dù bất động bởi bại liệt, nhưng đã quyết là lên đường ngay, đi tìm Đấng mà anh tin với sự giúp đỡ của bạn bè.
Đức tin không chịu lùi bước trước khó khăn, dù đám đông đã lấp kín đường đi, nhưng niềm tin đã tìm ra con đường khác để đến với Đức Giêsu: Không qua bằng cửa chính, nhưng bằng lỗ hổng ở mái nhà.
Lòng tin mang tính liên đới tập thể, đồng tâm nhất trí: Người bại liệt được sự đồng tâm của bốn người bạn, họ hiệp ý tin và cùng nhau giúp đưa người bại liệt đến với Đấng Mêssia.
Lòng tin đòi nỗ lực, đục thủng mái nhà. Đục thủng mái nhà như là biểu tượng đục thủng những gì làm tê bại thân xác và làm băng giá tấm lòng con người, đục thủng những thành kiến và những kỳ thị loại trừ của một xã hội… để được gặp Đấng mình tin.
Đó là những bước đi của đức tin, nhìn vào từng bước đi này, chúng ta càng quả quyết những gì thánh Giacôbê xác tín: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,26). Chúa Giêsu nói với anh: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”, đó là lời tha thứ nhưng cũng là lời chữa lành khi Người nói tiếp: “Hãy trỗi dậy vác chõng mà đi”. Việc Đức Kitô gắn liền việc chữa lành với lời tha tội, Ngài không ám chỉ tội của người bệnh là nguyên nhân gây bệnh. Ngài cũng không cho rằng tội của anh bại liệt lớn hơn những người khác. Ngài chỉ muốn khẳng định rằng anh trong tư cách là con người cũng là một tội nhân như bao người khác và tội cũng là một căn bệnh, một căn bệnh của linh hồn. Cả bệnh phần xác và bệnh phần hồn, là những biểu hiện khác nhau của căn bệnh nơi nhân loại. Đức Giêsu nói với một người bại liệt: “Anh đã được khỏi. Đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn hơn” (Ga 5,14). Ngài tha tội và chữa bệnh bại liệt của tâm hồn, anh được giải phóng cả hồn lẫn xác, anh đứng dậy, vác chõng đi về nhà, anh được tự do, và hết bị trói buộc: Trói buộc vào chõng với cơn bệnh bại liệt và trói buộc vào tội vì là tội nhân.
Chúng ta trong kinh nghiệm bản thân, đã từng mang ít nhiều những bệnh tật thể xác và mang những bất toại của tâm hồn trong thân phận của sự yếu đuối, tội lỗi, đó là sự bại liệt của con người. Như anh bại liệt, chúng ta hãy vững tin trong sâu thẳm và làm những bước đi cố gắng của niềm tin.
Ý lực sống: “Nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1,17).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊSU
Đã có lần Đức Giêsu phải than phiền vì dân chúng cứng tin vào Ngài, nhất là khi Ngài trở về quê hương. Chính sự khô cứng làm cho lòng họ trở nên trai đá, vì thế, họ không những không tin vào quyền năng của Đức Giêsu, mà họ còn vấp ngã vì Ngài nữa.
Hôm nay, lại một lần nữa, họ nghi ngờ vì Đức Giêsu lấy quyền của Thiên Chúa để chữa lành bệnh tật và tha tội.
Chuyện xảy ra là: có một người bị bại liệt, và người ta khiêng đến với Đức Giêsu để xin Ngài chữa lành. Thấy lòng tin mãnh liệt của những người khiêng cáng và của chính người bại liệt, Đức Giêsu đã ra tay cứu chữa bệnh tật thể xác và giải phóng hệ lụy phần hồn: “Tội con đã được tha rồi”; “Hãy đứng dậy, vác chõng mà về”. Thật là vui mừng và hạnh phúc! Từ nay, anh ta được tung tăng chạy nhảy trên chính đôi chân của mình. Cũng từ nay, anh không bị người đời dè bửu, khinh khi và gán cho mình tội lỗi nên mới bị phạt như vậy nữa!
Cuộc đời của chúng ta nhiều khi không bị đau bệnh phần xác như người bại liệt trong bài Tin Mừng hôm nay, nhưng chắc chắn trong tâm hồn, nhiều khi chúng ta cũng mắc phải những căn bệnh bại liệt:
Bại liệt khi chúng ta khinh thường và rẻ rúng những người nghèo, bệnh tật, ốm đau;
Bại liệt khi chúng ta có những ánh mắt phân biệt, ghen tỵ với anh chị em mình;
Bại liệt khi chúng ta thiếu sự liên đới, tình huynh đệ và vô trách nhiệm;
Bại liệt khi chúng ta thờ ơ với Chúa, nguội lạnh với đời sống đạo…
Những lúc như thế, chúng ta hãy xin Chúa đến với mình, xin Ngài đụng chạm và chữa lành, để chúng ta được lành sạch.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là kẻ có tội, xin cho chúng con năng đến với Chúa nơi Bí tích Hòa Giải để chúng con được Chúa chữa lành. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: BỆNH BẤT TOẠI TÂM HỒN
Điểm nhấn của trình thuật Tin Mừng Máccô hôm nay chính là câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người đàn ông bị bại liệt.
Hình ảnh bốn người khiêng kẻ bại liệt tìm mọi cách để có thể tiếp cận Chúa Giêsu đã gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Trước hết, những người khiêng thể hiện lòng trắc ẩn trước nỗi thống khổ của người anh em mình. Họ đã không quản ngại khó khăn khi dỡ cả mái nhà để đưa người bại liệt đến gần với Chúa Giêsu. Sau đó, họ còn cho chúng ta thấy một niềm tin mãnh liệt vào quyền năng chữa lành của Người nữa. Và quả thật, lòng trắc ẩn và niềm tin ấy đã phát sinh công hiệu; Chúa Giêsu đã nhận ra lòng tin của họ và chữa lành người bất toại.
Việc Chúa chữa lành căn bệnh bất toại thể xác còn mang một ý nghĩa huyền nhiệm thâm sâu hơn, đó chính là quyền tha tội của Người. Những căn bệnh thể lý làm cho chúng ta đau khổ, thất vọng, nhưng đó mới chỉ là những thứ đau khổ của cảm giác bên ngoài. Những căn bệnh tâm linh còn gây ra hậu quả nghiêm trọng khủng khiếp hơn mà đôi lúc chúng ta lại không nhận ra. Biết đâu trong một thân xác khỏe mạnh, là một tâm hồn đang mang trọng bệnh, có nguy cơ bất toại. Việc nhận ra những căn bệnh bất toại tâm hồn luôn luôn cần thiết, nhờ đó chúng ta có thể chạy đến với Chúa để được Người chữa lành.
Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành chúng con khỏi những căn bệnh bất toại thể lý và tâm hồn.
Tu sĩ Antôn Chu Văn Nhật, SVD