Thứ Ba tuần 1 mùa vọng.
"Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần"
Lời Chúa: Lc 10, 21-24
Khi ấy, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. Cha Ta đã trao phó cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết!"
Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều chúng con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều chúng con nghe, mà đã chẳng được nghe.
Suy Niệm 1: Thánh Thần tác động
Suy niệm:
Ông tổ Jessê là cha của vua Đavít (Lc 3, 32).
Bài đọc 1 nói về một nhánh nhỏ đâm ra từ gốc tổ Jessê (Is 11, 1).
Đó là Đấng Mêsia, người thuộc dòng dõi Jessê, cha của Đavít.
Nét đặc biệt của Đấng này là có Thần Khí Đức Chúa ngự trên:
“thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh,
thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11, 2).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu được đầy tràn Thánh Thần,
khiến Ngài vui sướng dâng lên Cha lời cầu nguyện tự phát (c. 21).
Như thế có sự hiện diện của cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong giây phút này.
Trong Thánh Thần, Con dâng lên Cha lời ngợi khen chúc tụng.
Lời cầu nguyện của Con bao giờ cũng bắt đầu bằng câu Abba, Lạy Cha.
Abba là người Cha gần gũi thân thương,
nhưng Abba cũng là Chúa tể trời đất, đầy quyền năng siêu việt.
Đức Giêsu ngợi khen Cha, vì Cha giấu kín nhóm này,
nhưng lại mặc khải cho nhóm kia về Con của Cha.
Thật ra, Cha không ghét bỏ những người khôn ngoan thông thái.
Nhưng sự giàu có tri thức đã khiến một số người tự mãn, tự hào,
đi đến chỗ khép lại và từ chối tin vào Đức Giêsu.
Những người bé mọn, đơn sơ mới là những người khôn ngoan thật sự.
Họ mềm mại mở ra như trẻ thơ, để đón nhận Tin Mừng về Nước Trời.
Bảy mươi hai môn đệ mới đi sứ vụ trở về, là những người bé mọn ấy.
Họ là những người có phúc vì được thấy, được nghe
những điều mà bao thế hệ khác ước ao, nhưng không được (cc. 23-24).
Họ là những người được đưa vào thế giới thân tình giữa Cha và Con.
Thế giới ấy thật là riêng tư, nơi Cha và Con hiểu biết nhau trọn vẹn.
“Không ai thực sự biết Con là ai, trừ Cha;
cũng không ai thực sự biết Cha là ai, trừ Con” (c. 22).
Nhưng thế giới tưởng như khép kín ấy cũng là thế giới mở ra cho con người.
Cha mặc khải cho những người bé mọn (c. 21).
Và Con cũng mặc khải cho người nào Con muốn (c. 22).
Rốt cuộc Cha mặc khải về Con, và Con mặc khải về Cha.
Chỉ Thiên Chúa mới mặc khải được cho ta về Thiên Chúa.
Mừng lễ Giáng Sinh là mừng Quà Tặng của Cha là Đức Giêsu.
Ngài là Đấng duy nhất biết Cha thâm sâu,
nên cũng là Đấng duy nhất có thể mặc khải về Cha trọn vẹn.
Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất và là Người Con Một của Cha.
Thiên Chúa Cha đã bắc cho chúng ta một nhịp cầu.
Cha mời chúng ta qua nhịp cầu ấy mà đến với thế giới Thiên Chúa,
nơi Cha và Con khăng khít với nhau trong tình yêu.
Hãy để Cha lôi kéo ta đến với Con của Ngài (Ga 6, 44).
Hãy để Con là đường đưa ta đến với Cha (Ga 14, 6).
Hãy là người khôn ngoan thật sự, biết mở ra để nghe Cha, Con mặc khải.
Biết được Cha và Con là ai, đó là hạnh phúc của người Kitô hữu.
Đó cũng là ước mơ ngàn đời của Cha và Con cho nhân loại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-Tinh)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: VƯƠNG QUỐC BÌNH AN
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Thế giới không ngừng bị xâu xé vì thảm cảnh chiến tranh, vì xung đột quyền lợi. Ai cũng mơ ước một thế giới hòa bình nơi mọi người, mọi quốc gia dân tộc, mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ có thể sống chung hài hòa bên nhau. Nhưng mơ ước đó lúc nào cũng xa vời vì trên thế giới chưa bao giờ kẻ ác thôi hoành hành làm hại người lành, chưa bao giờ người giầu thôi bóc lột người nghèo, chưa bao giờ kẻ mạnh hết ức hiếp người yếu.
Isaia tiên báo Đấng Cứu Thế đến sẽ hoàn thành mơ ước. Người đầy Thánh Thần sẽ thiết lập vương quốc bình an. Thánh Thần tràn ngập sẽ làm cho mọi người hiểu biết Thiên Chúa: “Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này”.
Tiên báo đó ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Người tràn đầy Thánh Thần đã khai mạc Vương Quốc bình an. Vương quốc đó được mặc khải cho những người bé nhỏ, khiêm tốn, nghèo hèn. Những người giầu sang, kiêu căng, hung ác bị gạt ra, không được hiểu biết Nước Thiên Chúa cho đến khi họ ăn năn sám hối. Những người này sám hối khi họ hiểu biết Thiên Chúa và hiểu ra rằng giết đồng loại là tự hủy diệt, bóc lột người nghèo là ăn cướp chính mình, áp bức người bé nhỏ là tự lên án chính mình.
Khi hiểu biết Thiên Chúa, họ sẽ tỉnh ngộ và sẽ tự biến đổi. Như con sói hết nhe nanh đe dọa để có thể ở với chiên con. Như con beo cụp hết móng vuốt để có thể nằm bên dê nhỏ. Như sư tử thôi ăn thịt, bắt đầu ăn rơm để có thể sống chung với bò tơ. Như con rắn hết thâm trầm hiểm độc để được ở với em bé. Người ta sẽ không còn sống theo xác thịt với những toan tính thấp hèn, theo thói thế gian. Nhưng sẽ sống theo Thần Khí. Siêu thoát trần tục. Trở nên như trẻ thơ. Hiền hoà. Trong trắng.
Vì thế sống tâm tình Mùa Vong ta phải trở nên bé nhỏ, khiêm nhường để được Chúa cho biết mầu nhiệm Nước Trời. Muốn thế ta phải sửa mình khỏi những gian tham, độc ác, bóc lột áp bức để trở nên hiền lành khiêm nhường, bé nhỏ đơn sơ, như thế mới có thể hiểu biết Thiên Chúa. Như thế Vương quốc Bình an mới thành hình và ta mới hi vọng được chia sẻ hạnh phúc sống trong Vương quốc của Chúa. Và “triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời”.
Suy Niệm 3: Mặc Khải Cho Kẻ Bé Mọn
Chúng ta đang bước vào Mùa Vọng là mùa trông đợi Ðấng Cứu Thế mang ơn cứu độ đến cho nhân loại. Chờ đợi là thời gian dài thăm thẳm, vì theo tâm lý thì thời gian như kéo dài thêm ra. Trải qua một thời kỳ lịch sử Cựu Ước, kể từ khi con người phạm tội phản nghịch qua Adam và Evà, biết bao nhiêu tổ phụ, bao nhiêu tiên tri đã được sai đến dọn đường cho Con Thiên Chúa là Ngôi Hai mặc lấy thân xác con người, gánh lấy tội lỗi con người và làm cho con người được ơn cứu rỗi.
Ðoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời cầu nguyện của Chúa Giêsu để mạc khải cho chúng ta biết bản tính Thiên Chúa của Ngài: "Không ai biết Chúa Con ngoại trừ ra Cha, cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào ngoài Chúa Con và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết".
Ðôi mắt con người chỉ nhìn xem những vật hữu hình, nếu quá nhỏ có thể dùng kính hiển vi, nếu quá xa có thể dùng kính thiên văn. Trí óc con người có thể suy nghĩ một cách hạn hẹp trong khả năng giới hạn nào đó mà thôi, ví dụ chúng ta có thể nhìn thấy ngôi nhà chúng ta đang ở, chúng ta biết nó không phải tự nhiên mà có nhưng phải do bàn tay thợ nề, thợ mộc, do con người làm nên và tạo ra. Khi nhìn đồng hồ treo tường hay treo đồng hồ đeo tay, chắc hẳn trong chúng ta không ai nghĩ rằng nó tự nhiên mà có nhưng phải có người suy tính và tạo ra.
Từ những thí dụ cụ thể trên, chúng ta có ý nghĩ: Con người chúng ta không phải tình cờ hay ngẫu nhiên mà được sinh ra. Ða số ai cũng chấp nhận có ông Trời tạo dựng nên và điều khiển vũ trụ. Tuy nhiên trí óc con người không dừng lại ở đó, trí óc họ không thể hiểu thêm gì về ông Trời đó, chỉ có thể tưởng tượng ra ông Trời cũng biết thương, biết giận, biết ghét, biết khen thưởng hay trừng phạt như con người. Và con người cũng thường nói: "Ông Trời có mắt" để cùng nhau làm lành làm dữ, sống hòa thuận, bớt làm điều tai ác.
Chúa Giêsu mặc lấy thân phận con người để tiết lộ cho chúng ta biết về Thiên Chúa qua lời cầu nguyện của Ngài hôm nay với Thiên Chúa Cha: "Không ai biết Thiên Chúa Cha ngoại trừ ra Con". Thiên Chúa Con, Ngài từ trời xuống nên Ngài biết rõ những việc trên trời nơi Ngài đã ở với Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết về Thiên Chúa Cha có Ba Ngôi, và khi Ngài chịu Phép Rửa ở sông Jordan, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, đồng thời có tiếng Thiên Chúa Cha phán ra từ đám mây: "Này là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta mọi đàng". Và trước khi về Trời, Chúa Giêsu cũng đã truyền lệnh cho các môn đệ: "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Như vậy, con người không thể biết được về bản tính Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu Kitô không mạc khải truyền lệnh cho các môn đệ: "Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Như vậy, con người không thể biết được về bản tính Thiên Chúa nếu Chúa Giêsu Kitô không mạc khải cho chúng ta biết, và lời Ngài trên đây cũng cho chúng ta biết thêm dẫn chứng về ngôi vị Thiên Chúa: "Không phải những kẻ thông thái khôn ngoan biết những điều này nhưng là những kẻ đơn sơ". Những kẻ đơn sơ bé mọn đó chính là chúng ta.
Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng để chuẩn bị đón mừng một mầu nhiệm rất trọng đại, mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Chúng ta là những người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, thuộc mọi quốc gia, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ, mọi ngôn ngữ khác nhau, không phân biệt nhưng cùng chung một niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế đem bình an đến cho mọi tâm hồn.
Chúa Giêsu đã chúc lành cho chúng ta: "Hạnh phúc cho những người được xem thấy những điều chúng con xem thấy, vì đã có nhiều tiên tri, vua chúa đã muốn xem những điều chúng con thấy mà chẳng được xem". Biết bao nhiêu người hiện nay chưa biết, chưa được nghe đến Tin Mừng của Chúa, vì chưa được ai rao giảng cho họ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con tin vững vàng vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ngôi Hai Nhập Thể để chúng con sống thật với mầu nhiệm yêu thương ấy. Xin Chúa cho mỗi người trong chúng con sống trọn vẹn tâm tình tha thiết mong đợi Ðấng Cứu Thế đến để cứu rỗi nhân loại chúng con. Amen.
Suy Niệm 4: Phúc cho mắt nào được thấy
Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: Nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc. 10, 23-24)
Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi truyền giáo. Khi trở về, các ông rất vui mừng vì dân chúng đã đón nhận Tin mừng cách tốt đẹp. Nên Đức Giêsu hướng về Chúa Cha và cảm tạ Ngài. Đồng thời Người kêu mời các ông hãy vui mừng vì Thiên Chúa đã thực hiện những điều lạ lùng cho mắt các ông được thấy: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy”.
Chúng ta đã nhìn thấy những điều tốt lành đó không? Chúng ta đã chú tâm đến những việc tích cực và lạ lùng trong học thuyết Kitô giáo ngày nay không?
Trong Giáo Hội có nhiều thay đổi thật sự. Đó không phải là dấu chỉ của sức khỏe sao? Nếu bất động thì không còn sống nữa?
Cơn khủng hoảng chúng ta đang trải qua, làm chúng ta phải cựa quậy, phải chao đảo, lo lắng. Nhưng đó là dịp cho chúng ta phục hưng, đổi mới và trở nên Kitô hữu trưởng thành và có trách nhiệm.
Giáo Hội này nay cố gắng đi về phía con người, và đặc biệt về phía những người nghèo khổ. Dù phải rước họa vào thân càng ngày càng nhiều, Giáo Hội luôn luôn hợp tác với những ai tranh đấu cho công lý và hòa bình. Đó không phải là sống Tin mừng sao? Giáo Hội canh tân phụng vụ, đó là để giúp chúng ta dễ cầu nguyện. Giáo Hội thay đổi và giảm nhẹ các luật lệ, đó là để khuyến khích chúng ta biết lãnh trách nhiệm riêng của chúng ta. Nếu chúng ta biết mở to mắt hơn và đừng chỉ trích gì của thời quá khứ, có thể chúng ta sẽ khám phá thấy rằng thời đại, mà chúng ta đang sống, không xấu mà còn có thể nói như Đức Giêsu nói: “Phúc thay mắt nào thấy điều anh em thấy”.
J.Y.G
Suy Niệm 5: Mạc khải cho kẻ bé mọn
Một chú ếch nọ suốt đời ngồi dưới đáy giếng. Một hôm, nó ngạc nhiên vô cùng khi thấy một con ếch khác xuất hiện trên bờ giếng. Nó lên tiếng hỏi: “Chú mày từ đâu đến?” Từ trên miệng giếng, khách lạ tra lời: “Tôi đến từ một vùng biển”.
Lần đầu tiên nghe nói đến biển, con ếch dưới đáy giếng thắc mắc: “Thế biển là gì? Biển giống như cái gì?” Khách lạ lắc đầu đáp: “Biển mênh mông, biển không cùng, không thể dùng bất cứ hình ảnh nào để nói cho một kẻ suốt đời ngồi dưới đáy giếng hiểu được thế nào là biển”.
Nghe thế, con ếch ngồi dưới đáy giếng mới nghĩ thầm: “Từ trước đến nay, ta gặp không biết bao nhiêu kẻ lường gạt, nhưng tên này hẳn phải là kẻ trí trá vô liêm sỉ nhất”.
Nhiều người có lẽ đang nhìn vào niềm tin Kitô giáo với lối suy nghĩ của chú ếch ngồi đáy giếng trong câu chuyện trên. Người ta dùng cái vùng giếng hẹp hòi của ý thức hệ để đo lường trời biển bao la của niềm tin tôn giáo.
Đức tin thiết yếu là một ân ban nhưng không. Điều đó có nghĩa là người ta không đạt đến đức tin bằng sự lý luận uyên bác của mình; và điều đó cũng có nghĩa là không phải kẻ thông thái đương nhiên là người có đức tin hoặc có đức tin sâu sắc hơn người quê mùa dốt nát.
Lời tá tụng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay xác quyết tính cách nhưng không của đức tin. Chúa Giêsu cảm ta Chúa Cha vì đã dấu hạng khôn ngoan thông thái những điều đó, tức là ơn đức tin, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.
Nói đến hạng khôn ngoan thông thái hẳn Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến những Biệt phái và luật sĩ, những người học cao hiểu rộng. Chính cái mớ kiến thức về luật pháp và đạo giáo ấy đã khiến họ cho mình là người nằm giữa chân lý, là người đạo đức và có đức tin sâu sắc hơn người khác. Chúa Giêsu đã không ngừng lên án thái độ huyênh hoang tự đắc ấy.
Chọn những người đơn sơ, thất học làm môn đệ, kết thân với những kẻ bị đẩy ra bên lề xã hội, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho mọi ngươi thấy rằng trong nước Ngài không có sự phân biệt đối xử, rằng người ta không nhất thiết là người thông thái mới có thể trở thành môn đệ Ngài. Để thuộc về nước Ngài, để trở nên môn đệ Ngài, điều kiện thiết yêú là phải trở nên bé mọn, khiêm tốn, trút bỏ lối suy nghĩ hẹp hòi của mình.
Quả thực, người có đức tin không còn nhìn, suy nghĩ, lý luận bằng cái nhìn ích kỷ, hẹp hòi của mình, mà bằng cái nhìn của Thiên Chúa, nhờ đó họ tìm được ánh sáng và hy vọng ngay trong cuộc sống tăm tối, cảm nhận được sức mạnh trong những mất mát, thua thiệt, nhận ra được lẽ khôn ngoan ngay trong những gì mà thế gian cho là điên dại. Người có đức tin sẽ sống và yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa, yêu đến độ hy sinh chính mạng sống mình.
Nguyện cho cả cuộc sống chúng ta được trở thành bài ca tán dương và tri ân Chúa vì hồng ân đức tin Ngài đã ban cho chúng ta.
Nguyện cho từng tâm tư, suy nghĩ, hành động của chúng ta không phát xuất từ con người ích kỷ, hẹp hòi của chúng ta, mà là thể hiện của đức tin mà Thiên Chúa đã trao ban cách nhưng không cho chúng ta.
Suy Niệm 6: XIN CHÚC TỤNG CHA (Lc 10, 21 – 24)
Trong xã hội, người nắm giữ những chức vụ, vai trò liên quan đến tôn giáo, họ được học và am tường Kinh Thánh, Giáo Lý nhiều. Có khi họ am tường hơn cả chúng ta! Tuy nhiên, điều khác biệt chính là họ không có lòng mến và không hề có đức tin, nên họ đọc, học Kinh Thánh, Giáo Lý là để phục vụ cho nghề nghiệp hay vì miếng cơm manh áo chứ không đọc trong tâm tình yêu mến, lắng nghe và thực hành để được sự sống đời đời.
Hôm nay, Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu hoan hỷ dâng lời tạ ơn Chúa Cha, Ngài nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ”.
Như vậy, đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa chứ không phải là kết quả của tri thức, địa vị.... Vì thế, đức tin không sinh hoa kết quả do lòng kiêu ngạo trong sự ích kỷ, nhưng sẽ đơm bông, kết trái khi gặp được thửa đất tâm hồn đơn sơ, chân thành do lòng yêu mến.
Điều này, chúng ta thấy rất rõ thời Đức Giêsu nơi những người Pharisêu, Luật Sĩ…. Họ tưởng mình nắm bắt được mọi sự, nhưng kỳ thực họ phỏng chiếu sự hiểu biết của họ theo nghĩa thuần tục, vì thế, những chân lý, mầu nhiệm trong chương trình của Thiên Chúa thì họ chẳng hiểu biết gì, ngay kể cả Đấng Cứu Thế họ cũng không biết, thì làm sao hiểu được đường lối của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu!
Muốn hiểu được thánh ý Thiên Chúa, hẳn mỗi người chúng ta, trước mặt Chúa, cần phải khiêm tốn nhận mình là thụ tạo thấp hèn, nếu không muốn nói là kẻ dốt nát, khờ khạo...!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ nhỏ, khiêm tốn, đơn sơ, chân thành trước mặt Chúa, bởi vì chúng ta thực ra chẳng có gì đáng để tự hào, huyênh hoang cả. Chúng ta có là gì đi chăng nữa thì cũng là do tình thương của Thiên Chúa ban chứ không do công trạng của mình. Bởi vậy, thay vì kiêu ngạo, chúng ta hãy có tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã làm cho chúng ta những điều cao trọng, mặc dù chúng ta không xứng đáng.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin chúc tụng, tạ ơn Chúa vì những ân ban cao cả mà Ngài đã ban cho chúng con là những kẻ bé mọn. Amen.
Ngọc Biển, SSP
SUY NIỆM
Bản văn Tin Mừng có cấu trúc song song đối xứng như sau :
(A) « Đức Giê-su hớn hở vui mừng » (c. 21)
(B) Chúa Cha, Người con
và “Kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (c. 22)
(A’) « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! »
(c. 23-24)
Được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su vui mừng ngợi Chúa Chúa Cha, vì đã mặc khải cho « những người bé mọn » (phần A); và một cách cụ thể, những người bé mọn là các môn đệ đang hiện diện, được nghe và được thấy Đức Giê-su (phần A’). Đức Giê-su chính là Người Con, đến mặc khải Chúa Cha cho những kẻ Người muốn (phần B).
1. « Đức Giê-su hớn hở vui mừng » (c. 21)
Trước hết, chúng ta hãy ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui với Đức Giê-su, chia sẻ mỗi ngày, vì đây là « niềm vui vĩnh cửu » của Người. Và niềm vui của Người đến từ việc nhận ra cách hành động của Chúa Cha và hoàn toàn được chinh phục. Tương tự như Đức Maria, Mẹ của chúng ta, đã thốt lên trong Thánh Thần : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa » vì đã nhận ra « những điều cao cả » Người làm cho Mẹ, là « Nữ Tì hèn mọn » và tương tự như vậy, cho « những ai kính sợ Người », cho « mọi kẻ khiêm nhường », cho « kẻ đói nghèo », cho tôi tớ đau khổ của Người là Israen:
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”.(c. 21-22)
Và chuyển động ra khỏi mình để chia sẻ niềm vui ca tụng Chúa Cha của Đức Giê-su, chỉ trọn vẹn, khi chính ta cũng được Thánh Thần tác động, để nhận ra cùng một cung cách hành động của Chúa Cha được thể hiện trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, và ca tụng Người trong niềm vui. Đó chính là con đường, là « linh đạo », làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô. Và đây là linh đạo của mọi linh đạo, vì đến từ Kinh Thánh được hoàn tất nơi Đức Ki-tô. Nhưng, ai là những người khôn ngoan và ai những người thông thái ? Ai là những người bé mọn ?
2. Chúa Cha, Người Con và “Kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (c 22)
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói với Chúa Cha : « Lạy Cha là Chúa Tể trời đất… » (c. 21), sau đó với mọi người: « Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi… » (c. 22), và sau cùng với riêng các môn đệ đang hiện diện bên cạnh Người : « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy… » (c. 23-24). Như thế, « những người bé mọn » mà Chúa Cha tuyển chọn để mặc khải là chính các môn đệ; và chính khi chúng ta biết khiêm tốn trở thành môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta sẽ là « những kẻ bé mọn » mà Chúa Cha ưa thích. Bởi vì, chính Đức Giê-su cũng trở nên « bé mọn » ở giữa chúng ta trong mầu nhiệm Giáng Sinh, trong mầu nhiệm Thánh Thể và trong mầu nhiệm Thương Khó; và Chúa Cha nói về Người: « Đây là Con ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người ».
Trong cả ba lời nói này, Đức Giê-su đều nói về mặc khải (trái với mặc khải là dấu kín) và hệ quả của mặc khải: « Cha đã dấu kín…, nhưng lại mặc khải… »; « và những kẻ Người Con muốn mặc khải cho » ; « phúc thay mắt nào được thấy », « muốn nghe điều anh em nghe ». Nhưng Chúa Cha và Người Con mặc khải những gì, để cho các môn đệ, là « những người bé mọn » thấy và nghe ? Điều các môn đệ thấy và nghe là chính Đức Giê-su: Đức Giê-su là mặc khải của Chúa Cha và cũng chính Đức Giê-su mặc khải về Chúa Cha cho những người bé mọn.
3. « Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!» (c. 23-24)
Đức Giê-su là mặc khải lớn nhất của Chúa Cha và Chúa Cha là mặc khải lớn nhất của Đức Giê-su cho các môn đệ, là « những người bé mọn ». Vì thế, được « thấy và nghe » Người là một mối phúc. Phúc cho các môn đệ đang vây quanh Đức Giê-su, và cũng phúc cho chúng ta hôm nay, bởi vì chúng ta cũng được mời gọi mỗi ngày nhận ra, lắng nghe, hiểu biết, yêu mến và đi theo Người. Bởi vì, Người hiện diện và lên tiếng trong sáng tạo, trong lịch sử nhân loại và lịch sử đời tôi, và một cách trọn vẹn nơi Lời Kinh Thánh, Bánh Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua.
Chúng ta vẫn có thể sống mối phúc « thấy và nghe » Đấng Vô Hình, bởi đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình : ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự :
Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu (Tv 8, 2)
Và đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe âm thanh, nhưng là nghe ra ý nghĩa, sự hài hòa của âm thanh, giai điệu, kết cấu của âm thanh, nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1) :
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19, 2)
Tương tự như với thánh Phê-rô, Đấng Phục Sinh sau khi vượt qua sự chết để đi vào sự sống vĩnh hằng, vẫn mời gọi thánh nhân, và ngang qua thánh nhân, Người vẫn tiếp tục mời gọi từng người chúng ta hôm nay : « Hãy theo Thầy » (Ga 21, 19).
* * *
Và để đi theo Đức Ki-tô, chúng ta phải nhận ra Người. Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn ; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giêsu và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (Lc 24, 44)
Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta.
Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Kinh Thánh. Đức Ki-tô đã “hoàn tất” Kinh Thánh như thế nào, thì cũng sẽ “hoàn tất” đời tôi như thế: Đời tôi cũng « loan báo » Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất đời tôi. Chính sự tương hợp này đã đem lại kinh nghiệm thiêng liêng: “con tim bừng cháy”.
Mùa Vọng 2020
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tuesday (December 01): “Blessed are the eyes which see what you see!” Gospel Reading: Luke 10:21-24 21 In that same hour he rejoiced in the Holy Spirit and said, “I thank you, Father, Lord of heaven and earth, that you have hidden these things from the wise and understanding and revealed them to infants; yes, Father, for such was your gracious will. 22 All things have been delivered to me by my Father; and no one knows who the Son is except the Father, or who the Father is except the Son and any one to whom the Son chooses to reveal him.” 23 Then turning to the disciples he said privately, “Blessed are the eyes which see what you see! 24 For I tell you that many prophets and kings desired to see what you see, and did not see it, and to hear what you hear, and did not hear it.” |
Thứ Ba 01-12 Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy
Lc 10,21-24 21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.22 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.” |
Meditation:
How does God bring his kingdom to us? Jesus remarked that many prophets and kings before him longed to see and understand God’s plan for establishing his kingdom. When King David’s throne was overthrown and vacant for centuries, God promised, nonetheless, to raise up a new king from the stump of Jesse, the father of David. This messianic king would rule forever because the Spirit of God would rest upon him and remain with him (Isaiah 11:1). The Messiah King is anointed with divine wisdom and gifts of the Spirit Isaiah prophesied that the Messiah would be equipped with the gifts of the Spirit – with wisdom, understanding, counsel, might, knowledge, and fear of the Lord (Isaiah 11:2 – for an explanation of the gifts see this helpful article). This king would establish the kingdom of God, not by force of human will and military power, but by offering his life as the atoning sacrifice for the sin of the world. Through his death on the cross, Jesus, the true Messiah King, would defeat Satan, overcome death, and win pardon and reconciliation for sinners. God’s plan of redemption included not only the Jewish people but all the nations of the earth as well. Through his death and resurrection Jesus makes us citizens of heaven and friends of God. The Lord Jesus wants us to live in joyful hope and confident expectation that he will come again to fully establish his kingdom of righteousness and peace.
What does Jesus’ prayer (Luke 10:21-22) tell us about God and about ourselves? First, it tells us that God is both Father and Lord of earth as well as heaven. He is both Creator and Author of all that he has made, the first origin of everything and transcendent authority, and at the same time, goodness and loving care for all his children. All fatherhood and motherhood are derived from him (Ephesians 3:14-15). Jesus’ prayer also contains a warning that pride can keep us from the love and knowledge of God. The Lord opposes the proud but gives wisdom and understanding to the humble Pride closes the mind to God’s truth and wisdom for our lives. Jesus contrasts pride with child-like simplicity and humility. The simple of heart are like “babes” in the sense that they see purely without pretense and acknowledge their dependence and trust in God who is the source of all wisdom and strength. They seek one thing – the “summum bonum” or “greatest good” which is God himself.
Simplicity of heart is wedded with humility, the queen of virtues, because humility inclines the heart towards grace and truth. Just as pride is the root of every sin and evil we can conceive, so humility is the only soil in which the grace of God can take root. It alone takes the right attitude before God and allows him as God to do all. “God opposes the proud, but gives grace to the humble” (Proverbs 3:34, James 4:6). The grace of Christ-like humility inclines us towards God and disposes us to receive God’s wisdom, grace, and help. Nothing can give us greater joy than the knowledge that we are God’s beloved and that our names are written in heaven (Luke 10:20). Do you seek God’s wisdom and grace with humility and trust?
Through Christ we can personally know the Father and be united with him Jesus makes a claim which no one would have dared to make: He is the perfect revelation of God. Our knowledge of God is not simply limited to knowing something about God – who he is and what he is like. We can know God personally and be united with him in a relationship of love, trust, and friendship. Jesus makes it possible for each of us to personally know God as our Father. To see Jesus is to see what God is like. In Jesus we see the perfect love of God – a God who cares intensely and who yearns over men and women, loving them to the point of laying down his life for them upon the cross. Do you pray to your Father in heaven with joy and confidence in his love and care for you?
“Lord Jesus, give me the child-like simplicity and purity of faith to gaze upon your face with joy and confidence in your all-merciful love. Remove every doubt, fear, and proud thought which would hinder me from receiving your word with trust and humble submission.” |
Suy niệm:
Thiên Chúa đem vương quốc của Người đến với chúng ta như thế nào? Ðức Giêsu nhận xét rằng nhiều ngôn sứ và vua chúa trước Người đã ao ước được thấy và hiểu kế hoạch của Thiên Chúa về việc thiết lập vương quốc của Người. Khi ngai tòa Đavít bị lật đổ và bỏ trống hằng thế kỷ, tuy nhiên, Thiên Chúa đã hứa sẽ khơi dậy một vị vua khác từ gốc Jesse, cha của Đavít. Vị Vua Mêsia này sẽ cai trị đến muôn đời bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên Người và ở lại với Người (Is 11,1).
Vua Messia là Đấng được xức dầu với sự khôn ngoan và các ân huệ của Thần Khí
Isaia đã tiên báo rằng Đấng Mêsia sẽ được trang bị với những ơn huệ của Thánh Thần – ơn khôn ngoan, ơn minh mẫn, ơn mưu lược, ơn dũng mãnh, ơn hiểu biết, và ơn kính sợ Chúa (Is 11,2). Vị vua này sẽ thiết lập vương quốc của Thiên Chúa, không phải bởi sức mạnh của loài người hay sức mạnh của quân đội, nhưng bởi việc dâng hiến mạng sống của Người như của lễ đền tội cho tội lỗi thế gian. Ngang qua cái chết trên thập giá, Ðức Giêsu, vị Vua Mêsia thật sự, sẽ đánh bại Satan, chế ngự sự chết, và đem lại sự tha thứ và hòa giải cho các tội nhân. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không chỉ dành cho người Dothái, nhưng cho tất cả các dân tộc trên trái đất nữa. Ngang qua cái chết và sự sống lại, Ðức Giêsu làm cho chúng ta trở thành những công dân nước Trời và làm bạn hữu với Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn chúng ta sống trong niềm hy vọng hân hoan và sự trông cậy vững vàng rằng Ngài sẽ trở lại để thiết lập trọn vẹn vương quốc công chính và bình an của Người. Lời kinh của Ðức Giêsu (Lc 10,21-22) dạy chúng ta điều gì về Thiên Chúa và về mình? Trước hết, nó dạy chúng ta rằng Thiên Chúa vừa là Cha, là Chúa trời đất. Người vừa là Đấng tạo hóa, là Tác giả của mọi loài thụ tạo, là căn nguyên đệ nhất của mọi sự và có quyền lực siêu việt, nhưng đồng thời vừa tốt lành và quan tâm săn sóc cho tất cả con cái của mình. Tất cả tình phụ tử và mẫu tử đều xuất phát từ Người (Ep 3,14-15). Lời kinh của Ðức Giêsu cũng kèm theo lời cảnh báo rằng kiêu ngạo có thể ngăn chúng ta không yêu mến và hiểu biết Thiên Chúa. Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng ban sự khôn ngoan và hiểu biết cho kẻ khiêm nhường Kiêu ngạo che lấp tâm trí trước sự thật và khôn ngoan của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta. Ðức Giêsu đối chiếu tính kiêu ngạo với tính đơn sơ khiêm nhường như con trẻ. Tâm hồn đơn sơ giống như “những trẻ thơ” với ý nghĩa là chúng nhìn mọi sự một cách đơn sơ, không giả bộ và biết sự lệ thuộc của mình và tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của tất cả sự khôn ngoan và sức mạnh. Chúng chỉ tìm kiếm một điều – “summum bonum” tức là “điều lợi ích lớn nhất” tức là chính Thiên Chúa. Tâm hồn đơn sơ được gắn liền với đức khiêm nhường, nữ hoàng của mọi nhân đức, bởi vì khiêm nhường lôi kéo tâm hồn hướng về ơn sủng và sự thật. Chỉ có kiêu ngạo là gốc rễ của mọi tội lỗi và xấu xa chúng ta có thể cưu mang, cho nên khiêm nhường là mảnh đất duy nhất trong đó ơn sủng của Thiên Chúa có thể đâm rễ. Chỉ có nó mới có thái độ đúng đắn trước Thiên Chúa và cho phép Người, với tư cách là Thiên Chúa, làm tất cả mọi sự. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Cn 3,34; Gc 4,6). Ơn khiêm nhường giống Đức Kitô lôi kéo chúng ta hướng về Thiên Chúa và chuẩn bị chúng ta đón nhận sự khôn ngoan, ơn sủng, và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Không có gì có thể ban cho chúng ta niềm vui lớn hơn sự hiểu biết rằng chúng ta là những người đáng yêu của Thiên Chúa và tên của chúng ta được ghi trên trời (Lc 10,20). Bạn có tìm kiếm sự khôn ngoan và ơn sủng của Thiên Chúa với lòng khiêm tốn và trông cậy không? Qua Đức Kitô chúng ta có thể nhận biết Chúa Cha và kết hiệp với Người cách cá vị Ðức Giêsu đưa ra lời tuyên bố mà không ai dám làm: Ngài chính là mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa không chỉ đơn giản bị giới hạn để biết điều gì đó về Thiên Chúa – Người là ai và Người như thế nào. Chúng ta có thể biết chính Thiên Chúa và kết hiệp với Người trong mối quan hệ yêu thương, trông cậy, và tình bằng hữu. Ðức Giêsu cho phép mỗi người chúng ta biết Thiên Chúa là Cha của mình. Xem thấy Ðức Giêsu là xem thấy Thiên Chúa ra sao. Nơi Ðức Giêsu, chúng ta nhìn thấy tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa – một Thiên Chúa quan tâm săn sóc và yêu thương tất cả người nam lẫn người nữ, yêu thương họ đến nỗi hiến mạng sống mình vì họ trên thập giá. Bạn có cầu nguyện với Cha trên trời với niềm vui và lòng tự tin trong tình yêu và sự quan tâm của Người dành cho bạn không? Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con đức tin đơn sơ và lòng trong sạch như trẻ thơ để chiêm ngắm nhan Chúa với lòng hân hoan và tin tưởng trong tình yêu đầy thương xót của Chúa. Xin cất khỏi mọi nghi ngờ, sợ hãi, và tư tưởng kiêu căng, ngăn cản con không đón nhận lời Chúa với sự vâng phục phó thác và khiêm nhu. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn