THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY NĂM C Ga 8,21-30

Chủ nhật - 06/04/2025 22:11
THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
Ga 8,21-30

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.”
22 Người Do-thái mới nói: “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?”
23 Người bảo họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.
24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.”
25 Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?” Đức Giê-su đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó.
26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.”
27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha.
28 Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy.
29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.”
30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

SUY NIỆM:
Sứ điệp: Chúa Giêsu không thuộc thế gian này. Người là Đấng Hằng Hữu từ nơi Chúa Cha mà đến để dạy ta sự thật và cứu ta khỏi chết. Cần tín nhiệm vào Người để khỏi chết trong tội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, biết bao tôn giáo dầy công đi tìm Thiên Chúa. Họ phải vất vả lắm mới biết được đôi điều mờ nhạt về Thiên Chúa. Trong khi ấy, Chúa đã đến giữa loài người chúng con để dạy cho chúng con biết sự thật về Thiên Chúa tình yêu. Đó là sự thật hoàn hảo và vững chắc, bởi vì Chúa là Thiên Chúa Hằng Hữu từ cung lòng Chúa Cha mà đến, để tỏ cho chúng con thấy khuôn mặt thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa rất sống động và đầy lòng yêu thương. Con hết lòng cảm tạ tri ân Chúa.
Lạy Chúa, chỉ vì yêu thương và muốn giải phóng chúng con khỏi vòng u mê của tội lỗi nên Chúa đã tỏ mình cho con. Xin Chúa giúp con sống xứng đáng với tình thương Chúa bằng cách bước đi theo chân lý của Chúa. Chân lý của Chúa sẽ đưa con vào tận cung lòng Chúa Cha để được trọn tình yêu của Người. Chân lý của Chúa cũng sẽ giúp con bước đi giữa đời trong bình an, trong niềm vui và hy vọng. Xin Chúa đừng để con lìa xa Chúa bao giờ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa Cha luôn ở với Chúa vì Chúa luôn làm những điều đẹp Ý Cha. Ước gì con luôn biết làm những điều đẹp lòng Chúa để được Chúa ở cùng và ban tràn đầy ơn phúc.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con được mãi mãi trung thành với Tin mừng của Chúa và tìm được niềm hạnh phúc trong cuộc đời theo Chúa. Xin cho con biết mở rộng lòng để đón nhận Lời Chúa và biết quảng đại sống theo Lời Hằng Sống. Xin cho con có một tâm hồn sẵn sàng rộng mở như Samuen. “Lạy Chúa, xin hãy phán dạy vì tôi tớ Chúa đang sẵn sàng lắng nghe”. Amen.
Ghi nhớ: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: SAY TÌNH THẬP GIÁ
Bài đọc I trích từ sách Dân số hôm nay kể lại câu chuyện về con rắn đồng, được Môsê treo lên trong cuộc hành trình 40 năm về đất Hứa. Khi cho chúng ta nghe lại câu chuyện trên, Giáo Hội muốn nhấn mạnh với chúng ta điều này: con rắn đồng được Môsê treo lên năm ấy, chính là hình ảnh tiên báo về Đấng Cứu Độ chúng ta: “Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ bị treo lên như vậy”, để “những ai tin vào Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. nhưng đáng tiếc thay, năm xưa người Do Thái đã không tin vào điều ấy.
Bài Tin mừng hôm nay cho ta biết, mặc dù Chúa Giêsu đã năm lần bảy lượt bộc bạch cho giới lãnh đạo Do Thái biết, Ngài đến từ đâu và đến thế gian để làm gì; thế nhưng, thân thế của Chúa Giêsu vẫn còn là một dấu chấm hỏi lớn đối với nhiều người.
“Khi các ông giương cao Con Người lên, các ông sẽ biết tôi là Đấng Hằng Hữu” (Ga 8,28). Cứ tưởng chừng như cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu sẽ giải mã được lời tiên báo ấy. Ai ngờ, tội lỗi đã làm người Do Thái ra ngu muội. Thay vì họ nhận ra thập giá Chúa Kitô là nguồn ơn cứu rỗi, thì họ lại cho đó là một sự ô nhục. Nhìn lên thập giá, họ không thấy gì ngoài hình hài tan nát của một tử tội tự xưng mình là Vua dân Do Thái, xưng mình là Con Thiên Chúa. Đối với họ, đó là dấu chấm hết của một kiếp người.
Nói người phải nghĩ đến ta, mỗi lần nhìn lên thập giá Chúa Kitô, anh chị em nhận thấy được những gì?
Thứ nhất, chúng ta sẽ thấy tình yêu của Chúa dành cho nhân loại chúng ta. Tình yêu của Đấng đã dám hy sinh tính mạng vì người mình yêu.
Thứ hai, chúng ta sẽ thấy tội lỗi của từng người chúng ta. Thánh Phêrô cho biết: “Tội lỗi của chúng ta, chính Chúa Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập tự. Nhờ Người đã mang thương tích mà ta đã được chữa lành” (1 Pr 2,24).
Tuy đối với người Do Thái, thập giá mà Chúa Giêsu đã vác lấy và đã chịu đóng đinh là một mối nhục, nhưng đối với chúng ta, đó lại là một niềm vinh dự; bởi Thập giá chính là nguồn ơn cứu độ của tất cả chúng ta.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa thật nhiều về điều đó, và hãy sống những ngày còn lại của mùa Chay thánh này thật ý nghĩa, để những thương tích mà Chúa Giêsu đã mang lấy vào mình vì tội lỗi chúng ta không trở nên vô ích.
Xin cho mỗi người biết đóng đinh tính xác thịt của mình vào Thánh Giá Chúa, là ăn năn, làm sám hối, là xưng thú lỗi lầm; để bản thân mình mỗi ngày một hoàn thiện hơn. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: TIN NHẬN CHÚA GIÊSU – TIN NHẬN CHÚA CHA
Câu chuyện
Vào thời thập tự viễn chinh, nhằm bảo vệ thánh địa và đảm bảo an ninh cho khách hành hương, vua Philipphê của nước Pháp đã làm một cử chỉ lạ thường. Trước mỗi lần lên đường, ông tháo gỡ triều thiên đang đội trên đầu, rồi đặt nó lên một chiếc bàn và ghi dòng chữ như sau: “Dành cho người nào xứng đáng nhất”.
Sau đó, ông quy tụ tất cả tướng lĩnh, các hiệp sĩ, những người hầu cận lại trước mặt ông và yêu cầu họ hãy quên ông là vua và là người chỉ huy của họ. Ông nói với mọi người rằng chiếc vương miện được dành cho người nào tỏ ra xứng đáng nhất trong cuộc chiến đấu.
Cuộc viễn chinh đã hoàn tất một cách vẻ vang, mọi người hát khúc khải hoàn trở về quê hương. Họ tụ tập chung quanh vương triều và một tướng lĩnh tiến lại cầm lấy triều thiên đội lên đầu của Philpphê và nói: “Tâu bệ hạ, bệ hạ là người xứng đáng nhất”.
Suy niệm
Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái, Ngài mạc khải cho họ biết: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, nên giống chúng ta hoàn toàn, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ con người, đem sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa Cha.
Như vậy, Ngài mạc khải sứ mạng thiên sai của chính mình cho con người, và mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: “Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”.
Cho nên, người tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài xuống trần gian làm người và cứu độ nhân loại như Giáo hội tuyên tín từ thời các tông đồ: Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, người đã từ Trời xuống thế…
Chính niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô – hiện thân của Thiên Chúa, Ngài đem ơn cứu độ cho nhân loại, sẽ làm cho chúng ta được biến đổi để vươn lên tới Thiên Chúa.
Sống trong Mùa Chay, chúng ta duyệt xét lại lòng mình theo lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối vì niềm tin vào Đức Kitô chưa mạnh mẽ. Một niềm xác tín mãnh liệt vào Tin Mừng, trung tâm chính là Đức Giêsu Kitô – con Thiên Chúa, Đấng đã bị “gương cao” trên thập giá, đem ơn cứu độ, cứu độ duy nhất cho chúng ta.
Ý lực sống: ”Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống đời đời” (Ga 3,14-15).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM: TÌNH THƯƠNG VÀ TỘI LỖI 
Sau câu chuyện về người đàn bà phạm tội ngoại tình, Đức Giêsu ở lại Đền thờ và trong khi tranh luận với người Do thái, Ngài đã báo trước cái chết và ơn cứu rỗi của Ngài.
Qua câu chuyện con rắn đồng trong Cựu ước, Đức Giêsu cho họ biết chính Ngài là Đấng mà con rắn đồng là hình ảnh tiên báo. Ngài nói với những người Do thái: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”. Như thế, việc Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị” mà “được” đưa lên cao, để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.
Ngài là ai? Một lần nữa, Đức Kitô muốn cho những người biệt phái hẹp hòi và cứng lòng biết Ngài là ai? Và Đấng mà họ muốn loại trừ bằng mọi giá, nhưng Ngài lại thong dong đi lại theo ý mình. Đấng mà họ lên án là kẻ tội lỗi khi mà chính họ sẽ chết trong tội lỗi của mình, và Ngài không ngại gì nói cho họ biết điều ấy. Đấng sẽ lên trời, trong khi đó họ sẽ ở lại dưới đất. Đấng mà họ sẽ treo cao trên thập giá, ngỡ rằng có thể loại bỏ Ngài mãi mãi, nhưng ngược lại, họ đã nâng Ngài lên vinh quang, cho đến muôn đời. Đức Kitô nói: “Nếu các ông không tin, các ông sẽ mang tội lỗi mà chết”. Họ không tin Đấng không tự mình làm điều gì nhưng chỉ nói điều Cha đã dạy, vì Ngài là Thiên Chúa cũng như Cha Ngài.
“Khi các ông giương Con Người lên, bấy giờ sẽ biết Ta Hằng hữu”.
Sử dụng ngôn ngữ biểu tượng, bài Tin mừng hôm nay là lời tiên báo của Đức Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài sắp chịu. Khác với ba lần nơi các Tin mừng nhất lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Đức Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin mừng thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được “giương lên cao” (x.Ga 3,14; 8,28; 12,32). Con Người được giương lên cao, nghĩa là Đức Giêsu sẽ bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn cứu chuộc qua khổ giá, mà Ngài nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi trời với Ngài.
Theo chiều ngang, với cách nói Tin mừng nhất lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin mừng thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là cùng phải đóng đinh chính mình vào thập giá như Thầy. Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến ơn Cứu Độ (Theo Hiền Lâm).
Trong cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và những người biệt phái, Ngài mạc khải cho họ biết: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, nên giống chúng ta hoàn toàn, chịu đóng đinh và chết trên thập giá để cứu độ con người, đem lại sự giao hoà giữa con người với Thiên Chúa.
Như vậy, Ngài mạc khải sứ mạng thiên sai của chính mình, và mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: “Ta không tự mình làm điều gì. Điều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Đấng đã sai Ta đang ở với Ta. Ngài không để ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm đẹp lòng Ngài”. Cho nên, người tin nhận Đức Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai
Ngài xuống trần gian làm người và cứu chuộc nhân loại, như Giáo hội tuyên tín từ thời các Tông đồ: vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, người đã từ trời xuống thế.
Vì thế, khi chiêm ngắm thập giá của Đức Giêsu, chúng ta không ngừng nghe vang dội từ thập giá ấy lời nhắc nhở về một tình yêu cao cả dành cho tất cả chúng ta, cũng như nhắc nhở về bóng tối của tội lỗi vẫn còn rình rập trong cuộc sống chúng ta. Đó là hai điều chúng ta cần suy nghĩ nhiều trong Mùa Chay và nhất là trong Tuần Thánh sắp tới. Ngoài ra, hãy sống đạo thực thụ chứ đừng mang tên là Kitô hữu mà lại có cách sống phản lại với danh hiệu cao quí đó. Chúng ta hãy cố gắng là “chứng nhân”của Chúa trong cách sống, đừng bao giờ thành “phản chứng” kẻo làm ô danh Chúa và Hội Thánh
Truyện: Đừng trở thành phản chứng
Trong chương trình buổi tối của một đài truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái điếm đã được mời phát biểu ý kiến dựa theo một số câu hỏi của một phóng viên truyền hình. Cô gái ấy trang điểm thật diêm dúa và tỏ ra không những bình tinh, mà còn có thái độ khiêu khích trước những câu hỏi của người phóng viên. Chợt nhìn thấy trên cổ của cô gái có đeo một dây chuyền bằng vàng với một cây Thánh giá nhỏ, người phóng viên thay đổi đề tài để hỏi cô gái. Anh ta hỏi: “Tôi thấy cô có đeo một Thánh giá nhỏ ở
trên cổ. Hẳn cô là người có tôn giáo đúng không?” Khán giả thấy rõ sự bối rối của cô gái điếm. Có lẽ đây là một vấn đề mà cô không bao giờ nghĩ tới. Sau một chút do dự, cô ta liền trả lời: “Tôi không theo đạo nào cả”. Người phóng viên hỏi dồn: “Thế tại sao cô lại mang Thánh giá trên người mình như dấu chỉ của người có đạo? Cô gái điếm thinh lặng cúi nhìn xuống sàn nhà một hồi khá lâu, rồi cô trả lời với những lời lẽ thú tội: “Lúc còn nhỏ tôi có đạo. Nhưng đó là chuyện rất lâu rồi”.
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

SUY NIỆM:
Tin Mừng hôm nay, tác giả Gioan đề cập đến chuyện Đức Giêsu loan báo Ngài sẽ về cùng Cha và những lời tiên tri cho những ai không tin Ngài.
Khi nói đến việc Ngài sẽ trở về cùng Cha, những kẻ chống đối Ngài không thể hiểu nổi. Ngược lại, họ nghĩ rằng Đức Giêsu tự tử. Lối nói này cho thấy họ mỉa mai Đức Giêsu, vì khi nói đến tự tử, ấy là nói đến nơi sâu thẳm, đau khổ dành cho những người khước từ sự sống bằng việc tự tử. Khi nói như thế, họ tự cho mình quyền không thể tin nổi Đức Giêsu vì Ngài sắp đi vào chỗ chết một cách bi đát!
Khi thấy họ phản ứng như vậy, Đức Giêsu đã nói cho họ biết Ngài bởi đâu mà đến và suy tưởng của họ do đâu! Đồng thời Ngài nói tiên tri về số phận của những kẻ cứng đầu do không tin, Ngài nói: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết”.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học sau cho đời sống đạo của mình:
Thứ nhất, hạnh phúc đích thực tùy thuộc vào chuyện chúng ta tin Chúa hay khước từ Ngài. Tin thì được sống vĩnh viễn và khước từ thì trầm luân muôn đời.
Thứ hai, chúng ta được Thiên Chúa trao ban cho nhiều cơ hội tốt, bổn phận là phải làm cho cơ hội ấy trở nên hữu ích cho phần hồn của mình và tha nhân. Nếu không biết nhạy bén để đón nhận cơ hội Chúa ban, hoặc vì coi thường và khinh dể thì sẽ bị luận tội nặng nề hơn những người không biết.
Ngày nay, chúng ta được học hành nhiều về Chúa, nhận biết có Thiên Chúa, nhưng có sống theo điều mình đã tin hay không mới là quan trọng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và đem Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống thường nhật, tránh chuyện môi miệng thì cầu kinh mà lòng không yêu mến. Thật vậy, không phải cứ lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là thực hành những gì Lời Chúa dạy thì mới được vào.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mãnh liệt và một đời sống đầy lòng mến. Xin cho đời sống và những điều chúng con tin được hòa quyện với nhau thành một. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: TIN ĐỂ ĐƯỢC SỐNG 
Chúa Giêsu đã hiến mình để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Không tin vào Chúa Giêsu, từ chối sự sống Người mang lại, con người ôm lấy tội lỗi của mình mà chết. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh người Kitô hữu. Trong cuộc sống có thể chúng ta đã để cho óc bảo thủ, cố chấp, thiên kiến và lòng vị bóp chết đời sống đức tin. Có thể niềm tin của chúng ta chỉ còn là cái vỏ bên ngoài.
Trang Tin Mừng hôm nay thánh Gioan nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái. Qua đó, Chúa Giêsu mạc khải cho họ biết rằng: Ngài là Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu đóng đinh và chết trên Thập Giá để giao hòa con người với Thiên Chúa Cha.
 Và ta thấy khi mạc khải chính mình cho con người, Chúa Giêsu Kitô cũng đồng thời mạc khải mối tương quan chặt chẽ giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Tin nhận Chúa Giêsu thì cũng phải tin nhận Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Con Một Mình là Chúa Giêsu Kitô xuống trần gian làm người. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Ðây là một mầu nhiệm đáng được con người chiêm ngưỡng và dâng lời chúc tụng hơn là chối từ bắt bẻ.
Chính Chúa Giêsu cũng đã tiên báo điều ấy khi Chúa nói với người Do Thái: Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi hằng hữu, và biết Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dậy Tôi thế nào, thì Tôi làm như vậy. Đấng sai Tôi vẫn ở với Tôi, Người không để Tôi cô độc, vì Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.
          Cụm từ giương cao Con Người lên tức là khi người Do Thái nhờ tay chính quyền Rôma, đóng đinh Chúa Giêsu vào Thánh giá và dựng thánh giá lên, thì thân xác Chúa Giêsu như bị giương lên cao. Và đó cũng là lúc Chúa Giêsu phải chịu những đau đớn kinh khủng nhất và chết cách tức tưởi như một tội nhân, thì vương quốc Satan sụp đổ tan tành, và người ngoại giáo đầu tiên được ơn xưng ra Ngài là con Thiên Chúa, là viên đại uý đạo binh Rôma, giám sát cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ông thấy Chúa đã chết một cách anh dũng, nhưng toả ra một tình thương không bến bờ, đã thốt lên: Quả thật người này là con Thiên Chúa (Mc 15, 34).

Khi Chúa Giêsu khẳng định Người là “Đấng hằng hữu”, và ‘nếu ai không tin Người sẽ chết trong tội’ thì Người đã khẳng định chính Người là Thiên Chúa. Điều này đã khiến cho người Do Thái, đặc biệt là các kinh sư và Pharisêu rất tức tối. Đó cũng là lý do mà họ đã lên án Chúa Giêsu lộng ngôn phạm thượng và tìm cách giết người. Sự bảo thủ, cố chấp, óc thiên kiến, tự tôn và lòng vị kỷ đã làm cho họ không thể nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng Messia – là Thiên Chúa, Đấng cứu độ.
Tin vào Chúa Giêsu là hoàn toàn tín thác, cậy dựa và làm theo lời Ngài. Như vậy tin cũng là chấp nhận từ bỏ liên tục để vác Thập giá theo Chúa. “Ai muốn theo ta phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo” (Lc 9, 23). Từ bỏ như Abraham đã từ bỏ quê cha đất tổ với những hào lũy vững chắc;  từ bỏ mẹ cha, anh em, những người thân thuộc với tất cả những gì là bảo đảm cho cuộc sống an toàn cố định của ông để dấn thân vào cuộc một cuộc phiêu lưu theo tiếng gọi của Thiên Chúa. Thậm chí ông còn sẵn sàng dâng hiến bảo vật thiêng liêng cao quí của lòng ông là đứa con trai duy nhất trong niềm tin vào Thiên Chúa – Đấng trung tín. Và ông đã trở thành ‘người cha đông con’, thành tổ phụ của dòng dõi những kẻ tin.
Ngày hôm nay, người Kitô hữu bước theo Đức Kitô, chúng ta được mời gọi bước đi trên con đường hành trình đức tin, sẵn sàng từ bỏ tất cả vì chúng ta tin vào chân lý Người dạy : “Hạt lúa rơi xuống đất có chấp nhận bị mục nát đi mới trổ sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24); Tin vào lời hứa của Người: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,  mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”  (Mc 10,29–30)
Thiên Chúa mời gọi ta can đảm đặt tội lỗi mình vào trong lòng thương xót bao la của Chúa, để tất cả những ai hết lòng hết dạ trở về, Người chữa cho lành. “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời" (Ga 3, 14-15). Nơi thập giá Chúa Giêsu, ta ngỡ ngàng nhận ra Thiên Chúa đã yêu ta bằng một tình yêu vô bờ bến, khi hiến ban chính
Con Một từ Trời cao đến nhập thể cứu đời. Nhìn lên thập giá, ta bắt gặp ánh mắt trìu mến của Thầy Chí Thánh đang thấu suốt tận thẳm sâu tâm hồn, cùng vòng tay dịu dàng ôm trọn thế trần tội lỗi. Ta lắng nghe môi miệng Người hằng cất lời tha thứ và hứa ban hạnh phúc Nước Trời. Người đã đón nhận, đã chiến đấu và chiến thắng hiển vinh trên chính sự chết. Quả thật, Người là Con Thiên Chúa toàn năng, là Đấng Hằng Hữu, là nguồn cội và cùng đích sự hiện hữu của chúng ta.

Lời mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng” của Chúa Giêsu vẫn còn đó – và Tin mừng ở đây chính là Đức Giêsu Kitô Đấng cứu độ duy nhất. Xin tình yêu hy hiến của Chúa Giêsu cuốn hút, lôi kéo chúng ta hướng lòng lên cao, nên mẫu gương giúp chúng ta sẵn sàng hy sinh sát tế mỗi ngày để gieo rắc yêu thương. Và chớ gì như Chúa Giêsu, thánh ý Cha luôn là kim chỉ nam dẫn lối cuộc đời chúng ta. 
Tác giả bài viết: Sỏi Đá Ven Đường
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây