THỨ BẢY TUẦN III MÙA CHAY
Lc 18,9-14.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca
9 Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế.
11 Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; 12 tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi’.
13 Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’.
14 Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
SUY NIỆM: GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHIÊM TỐN
Chúng ta hãy bắt đầu khám phá lời Chúa hôm nay với hình ảnh của người Pharisêu trong Tin mừng. Nhìn vào các việc ông làm, có lẽ chẳng mấy ai được như ông: ăn chay một tuần hai lần, dâng cho Chúa 1/10 hoa lợi. Dường như ông đã tuân giữ cách triệt để những gì mà Luật Môsê dạy.
Lẽ ra ông sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng, nhưng chính sự kiêu ngạo của ông đã nhấn chìm tất cả. Sai lầm lớn trong đời là ông đã so sánh mình với người khác, coi họ tội lỗi hơn ông. Để rồi từ đó, ông cảm thấy mình vượt trội và cao trọng hơn mọi người.
Hoàn toàn trái ngược với người Pharisêu, người thu thuế đứng ở cuối Đền thờ với một cõi lòng tan nát khiêm cung, và một tâm tình sám hối chân thành.
Đối với người Do Thái đương thời, việc người thu thuế tìm đến Đền thờ để cầu nguyện là một chuyện bất thường. Tuy nhiên, chính việc làm bất thường này của ông đã trở nên phi thường trước mặt Thiên Chúa. Điều duy nhất ông quan tâm lúc này là chính Chúa. Càng đến gần, ông càng cảm thấy mình bất xứng với Ngài. Ông không mang đến cho Thiên Chúa những thành quả mà ông làm được. Nhưng ông dâng lên Ngài những lầm lỗi của mình, với lòng khiên tốn cùng niềm tin tưởng vào tình thương tha thứ của Ngài.
Chính thái độ khiêm tốn và lòng tin tưởng này đã phủ lấp tất cả quá khứ tội lỗi của ông, và lời khẩn nguyện của ông trở nên đẹp lòng Thiên Chúa. Như một hệ quả, Thiên Chúa đã đón nhận thiện chí của ông; “Người này khi trở xuống mà về nhà thì đã được nên công chính rồi”.
Qua hai mẫu người với hai thái độ và kết quả hoàn toàn trái ngược nhau, chắc mỗi người cũng có thể nhận ra Chúa muốn nói với chúng ta điều gì. Đó là hãy khiêm tốn trước Chúa và anh em
Thật vậy, khiêm tốn là một đức tính không thể thiếu đối với những người con cái Chúa. Chỉ có khiêm tốn mới giúp ta nhận ra sự mỏng manh bé nhỏ của mình trước mặt Chúa và tha nhân. Nhờ có đức khiêm tốn, ta mới cảm thấy mình cần đến Chúa. Cũng vậy, sự khiêm tốn còn giúp ta nhận ra được sự bất toàn của bản thân, và ta cần được biến đổi mỗi ngày. Và đặc biệt, chỉ có sự khiêm tốn chân thành mới dập tắt được cái tôi kiêu ngạo đang bùng cháy trong ta.
Hãy luôn nhớ rằng, đừng bao giờ đối chiếu đời mình với người khác, vì một là ta sẽ nảy sinh lòng tự mãn, và hai là ta dễ mặc cảm tự ti; nhưng trong mọi sự hãy đối chiếu đời mình với Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, ta sẽ chợt nhận ra mình cần phải khiêm tốn hơn rất nhiều.
Nhận ra được giá trị của nhân đức khiêm tốn trong bối cảnh mùa Chay thánh này, chúng ta cùng lắng nghe lại những lời sau đây của Chúa Giêsu như một quyết tâm sống cụ thể của mỗi người chúng ta: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Và khi cầu nguyện, anh em hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em. Còn khi ăn chay, anh em nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay, ngoại trừ Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời” (Mt 6, 1-6.16-18). Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH
“Ơn công chính” trước mặt Thiên Chúa, tự thân không ai có thể làm ra hoặc có được nếu không được Thiên Chúa ban cho, bởi lẽ, phận người vốn bất toàn và khiếm khuyết, thiếu trung tín và đầy tội lỗi.
Quan sát trong phân đoạn Lời Chúa hôm nay, chúng ta bắt gặp hai con người mang trong mình hai thái độ và hai tâm tình hoàn toàn khác nhau nhưng cùng chung một hành động là đều lên đền thờ để cầu nguyện. Thái độ của người Pharisiêu kiêu hãnh, tự phụ và trân tráo, tự cho mình là công chính và khinh chê người khác. Ông ta đến với Chúa với sự kiêu hãnh và đắc thắng bằng một tư thế đứng thẳng để nói với Chúa về những thành tích của mình. Ông ta ngỡ rằng những thành tựu nhân đức mà ông ta kể ra sẽ được Thiên Chúa khen thưởng và chứng thực cho ông là người công chính. Thế nhưng, lời phán quyết của Thiên Chúa hoàn toàn đi ngược lại lối suy nghĩ của ông ta. Khác hẳn với thái độ của người Pharisêu, người thu thuế mặc trong mình thái độ chân thành và khiêm hạ thực sự. Ông nhận ra mình là kẻ tội lỗi và không dám đến gần Chúa, cũng chẳng dám ngước mặt lên trời để cầu nguyện, mà chỉ đứng xa xa với động thái “đấm ngực” thầm thì nguyện cầu: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13a). Với tâm tình sám hối chân thành và một thái độ khiêm hạ thẳm sâu, người thu thuế được Thiên Chúa nhậm lời và ban thưởng ơn công chính cho anh ta.
Nhìn lại chính bản thân mình, rất nhiều lần trong đời sống, tôi cũng mặc trong mình thái độ tự phụ và vênh váo như người Pharisêu vậy. Cứ ngỡ là mình chu toàn mọi việc bổn phận thiêng liêng, giữ kỹ những giới răn và giáo huấn Chúa dạy là mình đã được trở nên công chính và thánh thiện hơn người khác rồi. Đó là một sự ngộ nhận nguy hiểm vì ơn công chính không tự thân mà có mà là ân ban nhưng không từ Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn có một tấm lòng chân thành và thái độ khiêm hạ khi diện kiến trước Chúa và khi cầu nguyện. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Phi Tiến, SVD
SUY NIỆM:
Thái độ kiêu căng, phách lối làm cho người đời khinh thường, ghét bỏ và xa lánh. Khiêm nhường, nhận lỗi là hành động can đảm anh hùng, khiến mọi người mến phục. Xin cho chúng ta có được thái độ khiêm nhường như người thu thuế trong bài tin mừng hôm nay, để xứng đáng được Chúa yêu thương ban ơn tha thứ.
Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết sức mạnh của lời cầu nguyện khiêm nhường như thế nào?
Hình ảnh của người thu thuế phía cuối đền thờ mà tin mừng hôm nay trình thuật là một hình ảnh tuyệt đẹp. Đẹp bởi dáng điệu rất đổi khiêm nhường, đẹp bởi tính cách hết sức đơn sơ và tâm tình rất chân thành nên lời cầu nguyện của anh ta đã vượt qua được mọi rào cản và chọc thủng mây trời mà chạm vào tận trái tim của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Nên đã được Thiên Chúa đón nhận: “Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”.
Thứ bảy cũng là ngày GH hướng lòng về Mẹ Maria để tỏ lòng kính mến cách đặc biệt. Hơn ai hết Đức Maria là mẫu gương về lòng khiêm nhường thẳm sâu cho chúng ta noi theo. Bởi lúc nào Mẹ cũng ý thức mình chỉ là nữ tỳ của Thiên Chúa. “Phận nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1, 48). Chính lòng khiêm nhường ấy đã nâng Mẹ lên tận thiên đường với một hình ảnh tuyệt đẹp như sách khải huyền mô tả…
Ước mong mùa chay này, chúng ta can đảm loại trừ được thái độ kiêu căng tự mãn hay đề cao mình như người Biệt Phái để yêu thích mặc lấy chiếc áo khiêm nhường của người thu thuế và của Mẹ Maria. Được như thế lời cầu nguyện của chúng ta mới xứng đáng được Chúa nhận lời.
Lm Seoka
SUY NIỆM: THẤM NHUẦN MẦU NHIỆM VƯỢT QUA
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Bảy Tuần 3 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: chúng ta đang vui mừng cử hành phụng vụ Mùa Chay Thánh, xin Chúa cho chúng ta được thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua, để tận hưởng ơn Chúa cứu độ.
Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ, Người là Đấng Cứu Độ đích thực của chúng ta. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Các vật dụng để trong Nhà Tạm được ghi lại, để giúp chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng nào. Thư gửi tín hữu Hípri sẽ giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa, khi chiếu lên các đồ thờ phượng một ánh sáng mới. Thật vậy, tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn nhà tạm. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây, nhờ liên kết với ông Môsê.
Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần mầu nhiệm Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta, Người đã tự đồng hóa mình với những kẻ hèn mọn. Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Ghêgôriô Nadien đã nói: Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Xưa Thầy đói, anh em đã cho ăn; Thầy khát, anh em đã cho uống; Thầy là khách lạ, anh em đã tiếp rước. Thầy bảo thật anh em, mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là anh em đã làm cho chính Thầy vậy.
Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là thấm nhuần Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Hôsê đã cho thấy: Không ai cảm nghiệm được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho bằng Ítraen, khi họ nói: Nào chúng ta hãy trở về cùng Đức Chúa. Người đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Người đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia cũng nại đến Lòng Thương Xót để kêu xin Chúa: Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần hy lễ. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.
Thấm nhuần mầu nhiệm Vượt Qua là nhận biết: ơn cứu độ là của Chúa, hoàn toàn do tình yêu nhưng không của Chúa, để rồi, chúng ta luôn biết tin tưởng, cậy trông vào Chúa, chứ không dựa vào sức riêng của mình, như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay đã nhắc nhở chúng ta điều đó: Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính, còn người Pharisêu thì không.
Hai người lên đền thờ cầu nguyện, nhưng chỉ có người thu thuế trở về, là được nên công chính, bởi vì, ông ta đã khiêm nhường xác định đúng căn tính của mình trước Chúa: là một thụ tạo nhỏ bé không thể tự mình cứu được mình, nhưng phải cậy nhờ vào Lòng Thương Xót của Chúa. Ông đã sống tâm tình như Đức Maria nữ tỳ hèn mọn, đơn sơ phó thác hoàn toàn cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng của Chúa, như chiếc lá khô bay theo làn gió Thánh Thần. Chiếc lá khô không có ý riêng, gió thổi và mang nó đi, nó đi cùng gió. Người Pharisêu cố công làm rất nhiều việc đạo đức với niềm kiêu hãnh, nhưng, điều đó chẳng giúp ích gì cho ông, ngược lại, còn phương hại đến việc trở nên công chính của ông. Ước gì chúng ta sống tâm tình sám hối Mùa Chay bằng cách: buông mình trong tay Chúa, để Chúa hoàn toàn định đoạt những gì Chúa muốn cho cuộc đời chúng ta, ước gì chúng ta đừng biến Chúa thành con nợ: phải trả công cho chúng ta về các việc lành, mà chúng ta cố gắng thực thiện. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SUY NIỆM: CHÌM VÀO VỰC BẤT XỨNG
“Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ!”.
A.Simpson viết, “Cầu nguyện là sợi dây liên kết con người với Chúa, là chiếc cầu bắc qua mọi vùng vịnh, đưa bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Chúa cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Cao trào của Lời Chúa hôm nay là tính cách trần trụi của ‘một vai phụ’ trong dụ ngôn Tin Mừng, một người thu thuế! Anh đã dâng một “lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình. Với những gì anh bộc lộ, Chúa Giêsu mách cho chúng ta điều Thiên Chúa yêu thích nơi con người là “tình yêu”, mà không cần bất cứ điều gì khác!
Hôsê cho biết, Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người, “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai”; Ngài chỉ muốn tình yêu, “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca cũng lặp lại chỉ ngần ấy!
Trái với điều Thiên Chúa chờ đợi, người biệt phái trong Tin Mừng dâng Thiên Chúa một điều gì đó hoàn toàn khác! Lời cầu nguyện của ông bị bóp méo khi ông coi Thiên Chúa như ‘Con Nợ’ và tệ hơn, lấy những ‘kỳ tích’ của mình để so sánh và khinh dể người khác. Thực ra, đó không phải là cầu nguyện mà là ‘diễn văn’. Tuy không phải là người xấu, nhưng lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù loà đến độ xúc phạm tình yêu khi ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu để không phạm tội; nhưng ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn với một ‘mức tối thiểu trần!’. Lời cầu ông là ‘vô trùng’ khi ông quên rằng, Thiên Chúa chỉ “muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”.
Nhân vật thứ hai của dụ ngôn cũng lên đền thờ cầu nguyện! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được khỏi tội”. Người này “khỏi tội” không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm nhường nhận ra tội của mình. Lời cầu của ông xuất phát từ một tấm lòng tan nát; ông ý thức sự bất xứng của mình trước một Đấng Toàn Thánh. Và có lẽ, đã nghe thấy những gì người Pharisêu nói và điều đó càng khiến ông càng đau đớn hơn để ‘chìm vào vực bất xứng’ của mình, và ông chỉ đủ sức đấm ngực nài van, “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”. Lạ thay, điều này rất đẹp lòng Chúa và Ngài thích thú!
Đức Phanxicô nói, “Nơi nào có quá nhiều cái “tôi”, nơi đó rất ít Chúa. Ở nước tôi, chúng tôi gọi những người này là “Tôi, chính tôi và tôi”, tên của những người đó. Người ta từng nói về một linh mục tự cho mình là trung tâm và thường bông đùa rằng: “Mỗi khi xông hương, thì ngài xông ngược; ngài xông chính mình!”; và điều đó khiến bạn buồn cười!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”. Mọi sự trên trần gian đều thuộc về Chúa, Ngài cần gì hy lễ của ai! Ngài cần tình yêu từ tận trái tim mỗi người. Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ một linh hồn đã ‘chìm vào vực bất xứng’ của nó!”. Đây là điều làm cho kinh nguyện của chúng ta có kết quả! Chỉ những ai tự nhận mình ‘không có gì’ mới có thể nhận được tất cả; những ai biết mình trống rỗng mới có thể được lấp đầy. Mùa Chay, mùa ‘chìm vào vực bất xứng’ để chỉ biết cầu xin lòng Chúa xót thương!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con ‘xông hương ngược!’. Chúa không cần sự vĩ đại của con, Chúa cần con biết ‘con đáng thương’ ngần nào và dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
SUY NIỆM: KHIÊM TỐN THẬT THÌ MỚI ĐƯỢC THA THỨ
Có một câu chuyện kể rằng: một ông giáo dân nọ nổi tiếng là đạo đức với những câu chuyện về lòng quảng đại, giúp đỡ của ông cho người nghèo. Ông được nhiều người ca tụng là người tốt lành, thánh thiện, nhất là khiêm tốn khi quảng đại giúp đỡ người cùng khốn mà không cần đến danh vọng…
Chính bản thân ông cũng nghĩ mình như thế! Tuy nhiên, đến lúc về già, ông đến gặp cha xứ và tâm tình với ngài rằng: “Cả cuộc đời con đã hy sinh cho Chúa, Giáo Hội và mọi người, con không hề tính toán thiệt hơn, bởi xác tín rằng: mọi sự con có là bởi Chúa”. Nhưng ngay sau đó, ông xin cha xứ một đặc ân, đó là: khi ông chết, cho ông được chôn ở gầm bàn thờ!
Câu chuyện mang tính ngụ ngôn, nhưng thực tế, trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người có tư tưởng khiêm tốn như ông lão trong câu chuyện trên. Thiết nghĩ, một lần khiêm tốn kiểu đó phải chăng bằng bốn lần kiêu ngạo! Nó thật giống với người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay.
Dụ ngôn kể về việc hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một Pharisêu và một thu thuế. Hai người này là điển hình của hai thành phần cực đoan, thái quá trong dân Dothái thời bấy giờ.
Với nhóm Pharisêu thì bảo thủ, kiêu ngạo, tự coi mình là người thành toàn, nắm toàn bộ lề luật và trở thành kiểu mẫu cho mọi người. Điều này được chứng minh qua lời cầu nguyện của ông với Thiên Chúa. Ông kể lể: “Con không gian tham, không bất công, không ngoại tình, không như người thu thuế đằng sau”; “một tuần ăn chay hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.
Còn người thứ hai, bác thu thuế. Người thu thuế thì ai cũng biết, biết về tội ác của ông là phản bội và cấu kết với đế quốc La mã để hà hiếp, bóc lột, vơ vét của cải nhân dân. Vì thế, họ bị dân chúng khinh bỉ vì tội công khai của họ. Chính vì lý do đó, nên chúng ta dễ hiểu là tại sao ông thu thuế này lại đứng đằng xa, không dám ngẩng đầu lên, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Kết cục, hai người ra về và người thu thuế thì được Chúa nhận lời, còn người Pharisêu thì không những không được Chúa nhận lời mà lại còn phạm thêm tội vì coi khinh người khác ngay khi cầu nguyện.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình.
Hãy khiêm tốn thật lòng như người thu thuế, Chúa cần những tâm hồn trung thực và thật tâm như vậy, bởi vì tình thương của Thiên Chúa lớn lao hơn tội lỗi của con người, chỉ cần con người thống hối ăn năn thì dù tội có đỏ như son thì Chúa cũng làm cho trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, Chúa cũng làm cho trắng như bông.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết “xé lòng chứ đừng xé áo” để đáng được Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP