Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
45 Khi ấy, trong những người đến thăm Maria, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giêsu. 46 Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm.
47 Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây ? Vì người này làm nhiều phép lạ. 48 Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”.
49 Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! 50 Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.
51 Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, 52 và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.
53 Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. 54 Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy.
56 Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao ? Người có đến hay không ?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm nay nêu ra lý do mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu tử nạn theo tính toán của giới cầm quyền Do-thái. Cái chết của Người làm tỏ lộ ý định nham hiểm của các thượng tế và người Pharisiêu, nhưng cũng qua cái chết của Chúa Giêsu mà ý định yêu thương của Thiên Chúa được tỏ bày: Chúa Giêsu không chỉ chết cho muôn dân mà còn để quy tụ muôn người về một mối.
Cuộc họp của giới cầm quyền Do-thái đưa ra những lo ngại rằng, nếu cứ để Chúa Giêsu làm phép lạ thì dân theo Người hết và quân Rôma sẽ đến phá hủy nơi thánh. Thời này, tuy bị đô hộ Rôma, nhưng do sự thỏa hiệp của phái Sa-đốc, nên giới cầm quyền được giữ lại những quyền lợi thuộc phạm vi tôn giáo, chỉ có dân đen là phải nai lưng đóng đủ loại thuế, vừa đóng theo luật tôn giáo vừa đóng cống nạp Rôma. Thế nên, cái lo ngại thực của giới cầm quyền tôn giáo không phải vì sợ mất nơi thánh, mà là mất chính cái ghế bù nhìn mà họ đang được hưởng.
Thượng tế Caipha đã nói toạc ra là: “Điều lợi cho các ông là dùng một người chết thay”. Phải, giết Chúa Giêsu thì sẽ không còn ai làm họ lao tâm khổ tứ vì lối sống tội lỗi của họ, cũng như có điểm mà báo cáo với Rôma. Như vậy, hai lý do quan trọng mà họ quyết giết Chúa Giêsu là một mũi tên nhắm hai đích: do sự ghen ghét và để lấy lòng Rôma nhằm được hưởng lợi.
Thế nhưng, theo cách viết của Tin Mừng thứ IV, Thiên Chúa lại làm phát sinh cứu độ qua sự tàn độc của con người: Con người giết Đức Giêsu nhưng đó lại là con đường cứu độ của Thiên Chúa, lưỡi đòng gian ác đâm thấu trái tim Chúa lại khơi nguồn tình yêu tha thứ… Đến nỗi trong đêm Phục Sinh Giáo Hội đã thốt lên: “Ôi, tội hồng phúc!”.
Theo cách chú giải này, Tin Mừng hôm nay đã coi lời nói vạch kế sách giết người của Caipha thành một lời tiên tri, và xa hơn nữa, không chỉ dừng lại trong phạm vi Do-thái mà là muôn dân được quy tụ trong ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô.
– Chúa Giêsu chết thay cho dân:
Xét về chính trị, Rôma sẽ xử những ai dám quy tụ dân chống lại họ và sẽ tàn phá đất nước dám khởi nghĩa. Chính vì thế, khi khép Chúa Giêsu vào tội nổi loạn, họ sẽ giết chết Người, và cứu được dân khỏi bị Rôma tàn sát. Tuy nhiên, trong ý định của Thiên Chúa, lại là ý định cứu độ: Chúa Giêsu chết để đập tan thần chết và để cứu dân khỏi tội lỗi.
– Cái chết của Chúa Giêsu quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối:
Trong bài giảng về “mục tử nhân lành”, Chúa Giêsu từng nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Như vậy, sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, một dân mới của Thiên Chúa được khai mở, không còn bị giới hạn trong dân tộc Israel nữa; con cháu của tổ phụ Abraham không chỉ thuộc huyết thống nữa mà là những ai tin vào Con Thiên Chúa; một cuộc tân sáng tạo bắt đầu, mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới được sinh ra dưới chân thập giá và xuất phát từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Sự sáng tạo ban đầu đã nhiệm lạ, thì ơn cứu độ còn lạ lùng biết bao.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa có thể biến tội thành phúc và làm cho toan tính của con người lại trở thành đường lối cứu độ. Xin đập tan những ý định xấu xa tội lỗi của chúng con vào trong trái tim yêu thương của Chúa, để chúng con không vì những lợi ích thấp hèn mà bàn kế hại đến tha nhân. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM: CHẾT THAY CHO NHÂN LOẠI
Tin mừng hôm nay cho thấy sự bất đồng giữa Chúa Giê-su và lãnh đạo tôn giáo Do-thái đã lên đến cao trào, họ đã hạ quyết tâm giết Chúa Giê-su. Thượng tế Cai-pha phân trần nhằm thuyết phục mọi người giết Chúa Giê-su: “Thà một người chết thay cho dân”.
Thánh Gio-an hiểu lời của Cai-pha nói nhắm ý khác, ông nói một cách vô thức, nhưng lại thực sự diễn tả rất chính xác về ý nghĩa và giá trị cái chết của Chúa Giê-su. Ông tưởng mình đang phát biểu một lời khôn ngoan theo phương diện loài người. Nhưng dù không biết, ông thực sự đang hoàn thành chương trình của Thiên Chúa. Nên thánh Gio-an kết luận: “Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giê-su phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.
Những người Do-thái đã nhìn những hành động của Chúa Giê-su theo mầu sắc chính trị. Họ đã lập luận: “Ta phải làm gì? Vì con người ấy làm nhiều sự lạ. Nếu cứ để như vậy, mọi người sẽ tin vào ông ta và quân Rô-ma sẽ đến hủy diệt nơi thánh và dân tộc ta”. Một thứ lý luận lộn xộn, thiếu logic: dân chúng tin theo Chúa là việc tôn giáo, quân Rô-ma đến phá hủy là việc chính trị, làm sao việc tôn giáo lại kéo theo hậu quả chính trị như thế được. Vả lại chính quyền Rô-ma lúc đó cho người Do-thái tự do hành đạo, và chính Tổng trấn Phi-la-tô sau này cũng đâu muốn kết án Chúa về tội chính trị: xúi dân làm loạn, không nộp thuế cho César. Thật là trớ trêu, nhưng Chúa Giê-su không phản đối. Ngài chấp nhận một cái chết bất công để biến nó thành cái chết hy sinh cứu chuộc nhiều người
Chúa đã Giê-su chết thay cho người khác. Ngài nêu lên cho chúng ta một lý tưởng tốt đẹp mà sự khôn ngoan của chúng ta không bao giờ nghĩ tới được. Phải chết thay cho người khác, có thể là một hành động bất công do hận thù; nhưng với tình yêu Chúa, người Ki-tô có thể hiến mạng sống mình cho người khác. Chính Chúa Giê-su đã trải qua kinh nghiệm này: những người Do-thái đã bắt Chúa phải chết thay để người Rô-ma khỏi huỷ diệt dân tộc Do-thái; nhưng trong chương trình cứu độ, Ngài đã chấp nhận hiến mạng sống mình để mọi người được sống.
Xin Chúa giúp chúng ta nếu chưa thể chết thay cho người khác được, thì ít ra cũng biết đón nhận những hành vi nho nhỏ hy sinh chịu cực khổ vì người khác, thay cho người khác, để chúng ta sẽ nên một trong hy tế của Chúa Giê-su.
Lm. Giuse Vũ Công Viện
SUY NIỆM: MỘT NGƯỜI CHẾT, TOÀN DÂN ĐƯỢC NHỜ!
Câu chuyện Đức Giêsu đến Bêtania và làm phép lạ cho Ladarô sống lại đã làm rúng động trong dân chúng và nhiều người đã tin vào Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài.
Chính vì điều này mà cuộc thương khó của Đức Giêsu ngày càng gần kề. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc những nhà cầm quyền và các Thượng Tế quyết định họp Hội Đồng và ra lệnh bắt, giết Đức Giêsu. Họ đã ra lệnh truy nã đối với Ngài: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.
Lý do họ bắt và quyết định giết Đức Giêsu là vì họ đã ghép cho Ngài cái tội chính trị. Họ nói: “Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta“. Rồi một câu nói đầy uy lực của nhóm Thượng Tế mà Caipha là đại diện đã đem đến quyết định loại trừ Đức Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”.
Tuy nhiên, thực tế thì lý do chính yếu khiến họ giết Đức Giêsu đó là sự ghen tỵ và sợ bại lộ lối sống hình thức và mất uy tín trong dân, đồng thời sợ bị mất lợi lộc mà các Thượng Tế đang được hưởng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người hãy ý thức lại việc sống đạo bấy lâu nay: có bao giờ chúng ta theo Chúa chỉ vì muốn được hưởng lợi lộc trần gian? Nếu vì giá trị Tin Mừng đòi ta phải từ bỏ lối sống và hành vi không phù hợp, liệu chúng ta có sẵn sàng không? Hay có khi nào chúng ta cũng vì ghen tức mà loại bỏ anh chị em mình như những Pharisêu và Kinh Sư hôm nay đối với Đức Giêsu?
Lạy Chúa Giêsu, sự thật mà Chúa muốn chúng con sống, đòi hỏi chúng con phải có quyết tâm cao thượng mới có thể đi vào đường lối đó được. Vì thế, xin Chúa ban cho chúng con can đảm sống giá trị Tin Mừng dù có phải thiệt thòi. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển, SSP
SUY NIỆM: CON TIM TINH TUYỀN
“Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”.
Ngày kia, ‘Nữ Thần Tự Do’ xuất hiện trên bìa một tạp chí, có ký giả nhận xét, “Thấy đỉnh đầu của khối tượng, tôi ngạc nhiên với mái tóc! Nhà điêu khắc phải chắc chắn rằng, đôi mắt duy nhất có thể thấy những chi tiết này sẽ là đôi mắt của loài mòng biển. Anh không mơ một ngày nào đó có ai sẽ bay qua đầu cô ấy; tuy nhiên, với một con tim tinh tuyền đối với nghệ thuật và một lương tâm trong sáng của người nghệ sĩ, anh đã dành cho mái tóc cô ấy những gì đã dành cho khuôn mặt, vóc dáng và cả ngọn đuốc trên tay Nữ Thần!”.
Kính thưa Anh Chị em,
‘Con tim tinh tuyền’, một biểu tượng được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Đối diện với Chúa Giêsu, lắng nghe Ngài, ‘không ai có thể thờ ơ quá lâu!’. Họ tự do chọn tin Ngài, hoặc từ chối Ngài; tự do đi về phía sự thật, hoặc giết chết sự thật, chính Ngài!
Bối cảnh Tin Mừng là phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại sau bốn ngày trong mồ. Gioan ghi nhận, “Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”; nhưng số khác thì không! Trong thực tế, những người này tìm gặp nhóm Pharisêu để ‘đổ dầu vào lửa’ hầu kết án tử cho Ngài. Hậu kết của những toa rập này là cái chết thảm khốc của Con Thiên Chúa mà Giáo Hội sắp tưởng niệm khi Tuần Thánh đã đến ngoài ngõ.
Với Chúa Giêsu, động lực trong ‘con tim tinh tuyền’ của Ngài là tình yêu; với các nhà lãnh đạo, tất cả trong tim họ chỉ là quyền lực! Chúa Giêsu đang nổi tiếng và điều này sẽ khuấy động mọi thứ; họ ghen tị vì Ngài quá thu hút. Trước tình thế đó, lập luận của Caipha là một diệu kế, “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Nghĩa là, tốt hơn, nên “loại bỏ vấn đề” để mọi việc trở lại theo cách của nó! Họ quan tâm bản thân, địa vị hơn lẽ thật. Họ gán cho Ngài làm nhiều dấu lạ - lẽ ra - họ phải tin; đàng này, vì không nuốt trôi niềm kiêu hãnh, không thể buông bỏ quyền lực, họ tìm giết Ngài!
Vậy mà, ý đồ đen tối của họ vẫn được Thiên Chúa tận dụng! Vì thế, việc Chúa Giêsu “chết thay cho dân” là logic dẫn đến ơn cứu độ cho toàn nhân loại! Và logic đầy tính tiên tri này có thời hiệu vĩnh viễn, “Không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Chúa tản mác khắp nơi về một mối”. Tuyệt vời thay! Đây là điều chính Thiên Chúa đã hứa hằng trăm năm trước, “Từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại!” - bài đọc Êzêkiel; để rồi, “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên!” - Thánh Vịnh đáp ca.
Kính thưa Anh Chị em,
“Có nhiều kẻ đã tin vào Ngài”. Với phép lạ Lazarô, nhiều người đã tin vào Chúa Giêsu, lắm kẻ tìm giết Ngài. Trong những ngày này, Giáo Hội mời chúng ta chiêm ngắm ‘con tim tinh tuyền’ của Con Thiên Chúa, cùng Ngài bước vào cuộc thương khó, để yêu mến Ngài hơn, và nhất là để hiểu được sự tự do của Ngài. Tự do của Ngài là tự do yêu thương, tự do cứu chuộc. Mong sao bạn và tôi có được một con tim yêu mến như con tim Ngài, chọn đi theo Ngài và nhất là tháp nhập thánh giá đời mình vào thánh giá đời Ngài; kiên định thay vì ta thán, yêu mến thay vì càu nhàu và ghì chặt thay vì trốn chạy!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dạy con làm tất cả mọi việc lớn nhỏ với một con tim không vạy vò, và một lương tâm không méo mó!”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
SUY NIỆM: MƯU KẾ
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,50).
Thượng tế Caipha đang mưu toan đẩy Chúa Giêsu vào con đường chết nhằm loại trừ hậu họa theo cái nhìn của con người. Hơn nữa, mưu kế khôn ngoan của ông cũng che đậy một mưu mô thâm hiểm muốn giết người vô tội để thỏa lòng ghen tương, đố kỵ. Nhưng thật trớ trêu, âm mưu thâm độc của vị thượng tế lại trở thành lời tiên tri loan báo về Đức Giêsu, Đấng sẽ chịu chết để trở thành nguồn ơn cứu độ cho muôn dân.
Sự mưu mô, tội ác, sự bất công vẫn đầy dẫy trong thế giới con người. Người ta dễ dàng bóp méo sự thật bằng những lời hoa mỹ. Người ta dùng những mưu kế thấp hèn để lừa dối lẫn nhau, lừa dối dân chúng nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của mình. Những người công chính, ngay thẳng, và dám lên tiếng bênh vực cho sự thật, có thể bị loại trừ bằng những thủ đoạn thấp hèn.
Trong tâm tình Mùa Chay, là những người Kitô hữu, chúng ta cùng nhau suy ngắm mầu nhiệm thương khó và vượt qua của Chúa Giêsu. Vì yêu mà Đức Giêsu
đã hy sinh mạng sống của mình để cứu độ muôn dân. Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi từ bỏ những mưu mô, những kiêu căng, đố kỵ, trù dập người khác để mang lại lợi ích cho bản thân. Mỗi khi chúng ta cư xử bất công với người anh em mình, thì chính chúng ta cũng đã tham gia vào bản án mà Đức Giêsu phải chịu. Ngoài ra, chúng ta cũng được thúc đẩy tìm kiếm và theo đuổi những phương thế phù hợp để thúc đẩy công lý và hòa bình.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống công chính, tránh mọi thứ mưu mô làm tổn hại anh chị em con và xin cho con biết yêu thương hết mọi người. Amen.
Tu sĩ Giuse Huỳnh Ngọc Thiên Ân, SVD